Hạnh Phúc Mộng Và Thực
Nhất Hạnh
CHƯƠNG 1
TÊN VÀ NGUỒN GỐC KINH TAM DI ĐỀ
1.3 Chủ Đề Hạnh Phúc Trong Vài Kinh Khác
Trong kho tàng kinh điển của đạo Bụt, có nhiều kinh khác cũng đề cập đến hạnh phúc trong hiện tại. Ta kể ra đây một kinh bằng chữ Hán và một bằng chữ Pali. Kinh ngắn nhưng rất hay. Nhưng kinh này vì ngắn nên ta có thể đọc nguyên văn bằng chữ Hán hay là bằng tiếng Pali, rất dễ và rất vui. Mỗi kinh gồm có ba bài kệ và mỗi bài chỉ có mấy câu thôi. Về bài kinh chữ Hán ta có hai bản văn: Bản thứ nhất trích từ bộ Biệt Dịch Tạp A Hàm, kinh thứ 132. Bản thứ nhì từ trong bộ Tạp A Hàm, kinh thứ 995.
Bài dịch từ Biệt Dịch Tạp A Hàm kinh thứ 132 như sau:
“ Đây là những điều tôi nghe vào một thời Bụt đang cư trú ở vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Có một vị thiên giả hào quang vả vẻ đẹp sáng tốt bội phần, trong đêm hiện đến chỗ Bụt ngồi. Sau khi làm lễ dưới chân Bụt, vị thiên giả ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ hào quang của vị thiên giả bừng sáng lên một cách rực rỡ, soi chiếu khiến cho tu viện Kỳ Hoàn trở nên sáng rực. Rồi vị thiên giả, trong khi ngồi một bên Bụt, nói lên bài kệ sau đây:
Ở chốn A Lan Nhã,
Tu phạm hạnh vắng lặng,
Mỗi ngày một bữa ăn,
Sao nhan sắc vui tươi
Bụt trả lời:
Không cần sầu luyến quá khứ,
Không cầu mong tương lai,
Hiện tại nuôi chánh trí,
Đoạn dục để giữ mình,
Sáu tình đều nhẹ nhõm,
Nên nét mặt vui tươi.
Bụt dạy tiếp:
Tương lai còn mong cầu,
Quá khứ còn truy niệm,
Như cỏ non xanh tốt,
Cắt rồi phơi giữa nắng,
Kẻ phàm phu khô héo,
Chỉ vì ngần ấy thôi.
Lúc đó vị thiên giả rất vui mừng, liền đọc một bài kệ để tán dương Bụt:
Quá khứ đã từng thấy,
Trượng phu đạt Niết Bàn,
Lìa sợ hãi nghi ngờ,
Vượt qua biển ân ái.
Ta thử tìm hiểu nghĩa từng câu. Ở chốn A Lan Nhãcó nghĩa là ở nơi chốn núi rừng. A Lan Nhã tức là núi rừng, àrajnã (tiếng phạn: àranya) là thuộc về rừng. Ở Chợ lớn có một ngôi chùa gọi là Bồ Đề Lan Nhã. Các thầy ngày xưa ở trong rừng cho yên tĩnh nên gọi là “ở chốn A Lan Nhã”.
Tu phạm hạnh vắng lặng. Tu phạm hạnh tức là hành trì giới luật tinh khiết.
Mỗi ngày một bữa ăn, sao nhan sắc vui tươi?Các thầy ở chỗ vắng hoe, không có xe hơi, không có truyền hình, không có rạp hát, không có phố xá, mỗi ngày một bữa thôi, tại sao mặt mày người nào người nấy sáng rỡ và vui tươi như vậy? Trong sáu câu kệ kế tiếp Bụt dạy rằng người không biết tu tập là người phàm phu, cứ ngồi thắc mắc lo lắng và mong cầu về tương lai hoặc than khóc, tiếc thương và truy niệm về quá khứ. Họ giống như những ngọn cỏ non bị người ta cắt đứt đem phơi giữa nắng. Sau đó bốn câu tán dương Bụt của vị thiên giả, nó có nghĩa rằng: “Con đã từng thấy một vị Đại trưỡng phu đạt tới Niết Bàn, lìa bỏ tất cả những sợ hãi nghi ngờ và vượt qua được tất cả những biển ân ái trong đời, chặt đứt được những cái dây mà kẻ khác cứ khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong”.
Dựa vào văn bản trích từ Tạp A Hàm. Kinh thứ 995, tôi dịch như sau:
Khất sĩ trong rừng cây,
Sống vắng lặng nhẹ nhàng,
Tu phạm hạnh thanh tịnh,
Mỗi ngày một bữa ăn,
Lý do nào khiến họ,
Mặt mày luôn sáng rỡ?
Bụt trả lời:
Không sầu luyến quá khứ,
Không mong mỏi tương lai,
Chánh trí luôn hành trì,
Sống trong giờ hiện tại,
Ăn cơm trong chánh niệm,
Nên mặt mày tươi vui.
Kẻ ngu si sầu héo,
Như cỏ tươi bị cắt,
Vì vướng mắc quá khứ,
Vì theo đưổi tương lai.
Vị thiên giả tán dương:
Đã từng thấy trượng phu,
Đạt niết bàn vững chãi,
Mọi khổ nạn qua rồi,
Vượt thoát ngàn ân ái”.
Ta thấy ý Kinh trong Tạp A Hàm cũng giống như trong Biệt Dịch Tạp A Hàm. Tuy vậy trong Biệt Dịch Tạp A Hàm có thêm câu “Sáu tình đều nhẹ nhõm”.
Kinh thứ hai nằm ở trong tạng Pali. Kinh này cũng nói về đề tài sống hạnh phúc và thảnh thơi. Đó là Kinh Samyutta 194, dịch là Kinh Ở Rừng. Kinh này không phải do Bụt nói mà là do một thầy kể lại những điều của một vị thiên giả nói ở trong rừng.
“Một thuở nọ có nhiều vị khất sĩ kiết hạ tại một khu rừng thuộc miền quê nước Kosala. Các vị khất sĩ sau khi đã hoàn mãn khóa an cư ba tháng, bắt đầu rời khu rừng đi du hành. Một vị thiên giả trú ở trong khu rừng này thấy vắng bóng các vị khất sĩ, liền than thở, buồn bã nói lên bài kệ sau đây:
Hôm nay trong lòng ta,
Trống vắng không niềm vui.
Những chỗ ngồi hôm qua,
Giờ đây không người ngồi.
Các bậc đa văn ấy,
Thuyết pháp thật là giỏi.
Đệ tử Đức Thế Tôn,
Hiện đi đâu hết rồi?
Vị thiên giả này rầu lắm vì trước đó ngày nào ông ta cũng được thấy các thầy ngồi ăn cơm im lặng, ngồi thiền và đi kinh hành. Ngày nào cũng được nghe các thầy thuyết pháp nhưng bây giờ các thầy đã đi hết và khu rừng vắng hoe!
Khi nghe bài kệ đó, một vị thiên giả khác bèn dùng một bài kệ để đáp lại:
Họ đi Ma Kiệt Đà!
Họ đi Cô Sa La!
Còn những vị khất sĩ khác,
Lại đi về Vajja!
Như nai thoát bẫy sập,
Chạy nhảy khắp bốn phương,
Đời sống người xuất gia,
Là thảnh thơi như thế!
“Họ đi Ma Kiệt Đà”, Ma Kiệt Đà là một nước ở miền Nam sông Hằng, tức là Vương quốc Magadha của vua Tần Bà Xa La (Bimbisara).
“Họ đi Cô Sa La”, Cô Sa tức là Vương quốc Kosala ở thượng lưu sông Hằng, xứ của Vua Ba Tư Nặc (Prasanajit).
“Còn những khất sĩ khác, lại đi về Vajja”. Vajja có khi gọi là Vajji, là một nước nhỏ ở miền Bắc sông Hằng. Thủ đô của nó là Tỳ Xá Ly (Vaisali). Đây là nước đầu tiên ở Ấn Độ thiết lập được một nền dân chủ. Họ có quốc hội sớm nhất trên thế giới. Bụt có một tu viện ở đó và đó cũng là quê hương của Ambapali, người đã cúng dường cho Bụt một khu vườn xoài rất mát. Ambapali là một cô ca sĩ nổi tiếng đương thời, trước kia đã là tình nhân của Vua Tần Bà Xa La.
“Như nai thoát bẫy sập, chạy nhảy khắp bốn phương, đời sống người xuất gia, là thảnh thơi như thế". Ta phải hiểu rằng bẫy sập này là cái bẫy của năm thứ dục lạc: tài (tiến bạc); sắc (sắc đẹp); danh (tiếng tăm); thực (thức ăn ngon); và thụy (mê ngủ). Như nai thoát bẫy sập là những con người không bị những “cái bẫy của năm thứ dục vọng” giam cầm. Thoát khỏi những cái bẫy như vậy rồi thì bày nai có thể chạy nhay khắp bốn phương. Những người khất sĩ cũng vậy, đời sống của người xuất gia là thảnh thơi như thế. Thảnh thơi ở đây có nghĩa là không bị vướng vào cái vòng kềm chế của năm thức dục lạc. Những kinh như kinh này đều nói về cái hạnh phúc mà chúng ta thực tập theo chánh pháp. Ngay trong thời gian tu học với nhau trong hiện tại.
Trở lại với Kinh Tam Di Đề:
Vị thiên nữ hỏi:
- “Thế nào là bỏ cái lạc thú phi thời để đi tìm cái lạc thú chân thật trong hiện tại?”
Vị khất sĩ đáp:
- “Đức Thế Tôn có dạy: trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều. Cái hưởng thụ rất bé mà cái tai họa rất lớn. Tôi giờ này đang an trú trơng hiện pháp. Lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện pháp này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác tri. Này thiên nữ, đó gọi là bỏ cái lạc thú phi thời để đạt tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại".
Khi đọc một đoạn kinh như trên, ta thường nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được dễ dàng, nhưng khi đi sâu vào từng từ ở trong kinh ta mới thấy những đoạn kinh này rất sâu sắc, rất thâm diệu. Ta sẽ từ từ nghiên cứu trong các bài Pháp thoại sau này.