Kinh Niệm Phật Ba La Mật
Phẩm thứ năm: Quán Thế Âm Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông
Nguồn: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Lúc bấy giờ, Quốc mẫu Vi-Đề-Hy hoàng thái hậu hớn hở vui mừng được nghe pháp yếu của Như-Lai qua lời dạy của ngài Phổ-Hiền Đại Bồ-Tát, bèn tiếp tục thưa thỉnh
- “Kính bạch đấng Thiên Nhân Sư tối tôn, tối thắng ! Kính bạch Đại-sĩ đại từ, đại bi ! Con cũng thường nghe chư vị trưởng lão trong tăng già luôn luôn nhắc nhở rằng chỉ có Tứ-niệm-xứ là con đường độc nhất giúp chúng sanh diệt trừ ưu bi khổ não, chứng ngộ Niết-bàn. Nay được Thế-Tôn mở bày pháp Niệm Phật, khiến hằng ưu-bà-tắc, và ưu-bà-di đều phân vân, do dự. Ý nghĩa ấy như thế nào ? Đâu mới là pháp chân thật, rốt ráo ? Đâu là pháp phương tiện, quyền biến ? Đâu là pháp tối hậu mà Như-Lai thường ban cho các chúng sanh ở vào thời kỳ Chánh pháp cuối cùng ?”
Đức Phật mỉm cười lặng yên. Ngài Phổ-Hiền an nhiên nhập vào Niệm Phật Tam-muội. Thân tâm bất động.
Khi ấy, ngài Quán-Thế-Âm Đại Bồ-Tát liền từ bảo tòa đứng dậy, trịch áo phơi bày vai bên hữu, cung kính nhiễu quanh đức Phật ba vòng. Rồi Ngài hướng về bà Vi-Đề-Hy mà bảo rằng:
- “Nay tôi nương uy thần vô hạn của đức Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn, và tùy thuận Bản-nguyện-lực vô biên vô lượng của đức Phật A-Di-Đà, mà tuyên dương năng lực vô cùng tận của danh hiệu Phật, tức là Pháp Môn Niệm Phật Tam Muội.
- Nầy Vi-Đề-Hy, hãy nhận rõ như thế nầy, đừng rơi vào nghi lầm nữa.
Đúng như ngươi vừa mới trình bày, Tứ-niệm-xứ là pháp diệt khổ, là pháp đối trị tham dục, ưu bi khổ não, là pháp đắc Niết-bàn vắng lặng. Còn pháp Niệm Phật Tam-muội lại là pháp thành Phật, là pháp chứng Vô-thượng-giác, là pháp thâm nhập cảnh giới bất tư nghị của chư Phật, là pháp mở bày tỏ ngộ Tri Kiến Như-Lai, là pháp cứu độ tất cả mọi chúng sanh, là pháp siêu việt trên hết thảy hí luận cùng thiên kiến của nhị thừa. Tại sao vậy ?
Trước đây, đức Thế-Tôn vì những người ghê sợ hiểm nạn sanh tử, mà nói pháp Tứ-niệm-xứ, chánh niệm tinh tấn nhiếp phục tham sân si, để thoát khổ và đắc A-la-hán.
Nay vì những người tín ngưỡng, khát khao quả vị Bồ-đề chí hướng mong cầu Phật đạo, phát khởi đại bi tâm mà thực hành hạnh nguyện Bồ-Tát thì đức Thế-Tôn chỉ dạy pháp môn Niệm Phật Tam-muội.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì một niệm bất giác nổi lên, che mờ Bản-thể Thường-trụ, nhận vật bên ngoài làm tâm. Luôn luôn bỏ mất TÂM chân thật, nên bị cảnh vật xoay chuyển. Do đó khởi tâm phân biệt, thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, cao hạ ... Nếu xoay được cảnh vật bên ngoài thì thân tâm sẽ sáng suốt, trạm nhiên, trọn đầy, tức thời đồng với Như-Lai không khác.
Muốn xoay chuyển ngoại vật, thì không chi bằng sử dụng diệu lực vô úy của danh hiệu Phật. Thật vậy, nhờ xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật mà hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản chất thật sự của chúng. Do đó không còn bị ngoại cảnh chi phối, điều phục thân tâm. Và chẳng còn mống khởi tâm phân biệt. Lúc ấy, tuy không rời pháp hội mà biến hiện khắp mười phương quốc độ; trong một lỗ chân lông vẫn chứa đựng cả Hoa-tạng Thế-giới-hải.
Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để tâm dong ruổi theo thanh trần, mà xoay cái nghe trở vào Chơn-tánh, đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng Tâm, mà mỗi mỗi sát-na đều hiển hiện Chơn-như-tánh. Chính nó thật là Tánh Nghe của mình, chẳng còn hai tướng động và tịnh, toàn là thể vắng lặng, soi chiếu khắp mười phương.
Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế, chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn. Khi ấy, Phật Trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn.
Nầy Vi-Đề-Hy, trong pháp hội Thủ-Lăng-Nghiêm, tôi đã trình bày nhân địa tu hành Nhĩ Căn Viên Thông cho đại chúng. Nhưng, thời Mạt pháp các kinh điển dần dần ẩn mất, mà nên biết kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, sẽ bị diệt trước nhất, tiếp sau là kinh Lăng-Già, kinh Kim-Cương, kinh Ma-Ha Bát-Nhã, kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa ... Nếu không nương nhờ pháp niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông. Bởi vì sao ? Bởi vì Niệm Phật Tam-muội chính là món Viên-thông đệ nhất.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì lăn lộn trong đêm tối vô minh, nhận giặc làm cha, lấy vọng kiến làm chỗn nương về, lấy tà kiến làm bạn lữ, lấy biên kiến làm lương dược. Nhận ngã chấp, ngã kiến làm Tâm. Rời xa Tri-kiến Giải-thoát Vô-thượng. Do đó, khởi tâm phân biệt, thấy đúng sai, tà chánh, thiện ác, chân ngụy ... nếu lọc sạch ngã kiến, ngã chấp thì thân tâm sẽ quang minh, thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới. Tức đồng đẳng với Tri Kiến giác ngộ của chư Như-Lai.
Nếu muốn gạn lọc ngã kiến, ngã chấp, thì không chi hơn là phát huy năng lực vô biên của danh hiệu Phật. Thật vậy, nhờ chuyên tâm xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật mà hành giả tuần tự chuyển Thức thành Trí. Ngã chấp tự nhiên rơi rụng, ngã kiến tự nhiên tan mất như bong bóng nước dưới ánh mặt trời. Lúc bấy giờ, tuy không lìa cung Đâu-Suất mà vẫn phân thân khắp vi trần quốc độ để chuyển pháp luân vô thượng, và khai thị tuệ giác cho vô lượng chúng sanh, giúp hết thảy tứ sanh, cửu hữu cùng ngộ nhập Phật Tri Kiến.
Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để Thức nương theo nhân duyên mà dấy động, nên chẳng thành tựu pháp Y-tha-khởi. Vì không có sự tham dự của ngã và ngã sở nên Biến-kế Sở-chấp cũng chẳng tồn tại. Chỉ có danh hiệu Phật vẫn tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm, mà mỗi mỗi sát-na đều biểu hiện Vô-thượng Diệu-viên Thức-tâm Tam-Muội, tức là Chân Duy Thức Tánh.
Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế chẳng bao lâu, thì chẳng còn nhìn thấy huyễn tướng của vạn pháp ở bên ngoài và cũng chẳng còn bắt gặp Tám thức ở bên trong. Trong hay ngoài đều giả dối, không thật. Ngay cả tướng Duy-thức cũng chẳng có nữa. Vì ba đời mười phương Như-Lai, vi trần sát quốc độ, hư không, sắc pháp, tâm vương, tâm sở ... đều không một thứ nào ra ngoài Chân Duy Thức Tánh mà tự hữu, tự sanh, tự diệt, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn, như có, như không, cho đến khi Chân Duy Thức biến mất, Đại Viên Cảnh Trí tự nhiên phơi bày, danh hiệu Phật sẽ dẫn dắt hành giả đi vào tánh Viên Thành Thật, chứng Vô-sanh Pháp-Nhẫn.
Do đó, phải nói rằng Niệm Phật là pháp môn đệ nhất dùng để chuyển thức thành trí, mà chúng sanh thời Mạt pháp phải siêng năng thọ trì.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, bị vô số tư tưởng điên đảo làm khuất lấp tánh Viên-giác. Như kẻ ngủ mê chợt thức giấc giữa ngã tư đường cái, chẳng rõ phương hướng, lẫn lộn chính tà, thấy cong nhìn ngược, bất phân thiện ác. Tư tưởng điên đảo ấy nẩy sanh thân và tâm, rồi nhận thân tứ đại giả hợp làm thân, chấp cái tư tưởng vô minh điên đảo kia làm tâm. Cứ thế mà sanh tử, tử sanh nối nhau không dứt, tạo vòng lẩn quẩn luân hồi.
Nhưng cái vô minh điên đảo ấy cũng chẳng thật. Như hoa đốm, như bóng nước, như ảo tưởng nơi sa mạc, như người ngủ chiêm bao, thấy những sự việc, cảnh vật rõ ràng, nhưng khi thức dậy, thời không còn gì hết. Nếu chuyển hóa vô minh điên đảo thời thân và tâm sẽ thành Giác-ngộ. Hoặc không phát tâm tu trì thời vẫn ở mãi trong sanh tử huyễn mộng ấy mà tự vui. Chỉ có danh hiệu Phật là đầy đủ năng lực nhiệm mầu để chuyển hóa sanh tử trở nên Niết-bàn, chuyển hóa giả huyễn trở nên chân thật.
Vì sao vậy ?
Khi xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như-Lai, tự nhiên phát sanh Tuệ-giác Không-tánh, vì danh hiệu Phật là Hư-không-tạng, là Viên-giác-tánh, là Vô-cấu-tạng, là Tịch-tịnh-tạng ... Nhờ vậy, hành giả biết các pháp đều như huyễn, thời tự nhiên lìa xa các huyễn hóa, sanh diệt. Ngay lúc ấy, bèn thâm nhập Viên-giác-tánh. Đó gọi là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác.
Dùng pháp nào để Tri ? Nếu không phải là diệu dụng của danh hiệu Phật ?
Không cần phải hủy diệt các thứ huyễn, mới cho chúng nó là huyễn. Không cần thay đổi bản chất huyễn của nó mới gọi là Không. Mà chính cái biết “nhứt thiết pháp là Không” khiến đương thể của huyễn pháp tức là Không.
Tiếp tục xưng niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết trở vào Viên-giác-tánh. Đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc. Mà mỗi mỗi sát-na đều hiển lộ Như-Lai Tạng, và cái biết cũng không còn nữa. Danh hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn, hòa tan căn, trần, thức đều nhập vào Viên-giác-tánh, bình đẳng bất động, thường trụ như hư không và tròn đầy chiếu suốt mười phương.
Bởi vậy, phải nói rằng niệm Phật là pháp môn đệ nhất, sử dụng danh hiệu Như-Lai mà thâm nhập Như-Lai-Tạng, mà chuyển biến huyễn hóa, hư dối trở nên Viên-giác-tánh. Các hạng chúng sanh thời Mạt pháp phải siêng năng thọ trì.
Nầy Vi-Đề-Hy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, bị phiền não chi phối ngày đêm không tạm dừng, nên nhận vọng tưởng làm Tâm, bỏ quên Thắng-giải-trí, Vô-thượng-trí. Rồi lại bị tham, sân, si, mạn, nghi lôi cuốn, và thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến chồng chất lấp vùi. Do đó khởi tâm phân biệt, thấy có mừng có giận, yêu ghét, vui buồn, vinh hoa, hủy nhục ... nếu tận trừ phiền não thì thân tâm vắng lặng, an nhiên, tự tại, tức đồng với chư Phật không hai không khác.
Muốn tận trừ phiền não, thì không chi hơn là phát huy năng lực Trí giả siêu việt của danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật. Thật vậy nhờ cần mẫn xưng niệm Phật hiệu mà hành giả hiện bày Tự Tâm Quang Minh Hiện Lương, chuyển phiền não dữ dội ấy trở thành Bồ-đề thật tướng, đưa hành giả thẳng vào cảnh giới Thánh Tri Tự Chứng. Lúc bấy giờ, có khả năng bấm ngón chân xuống mặt đất, sử dụng ấn Địa Xúc để cải biến Ta-bà thành Tịnh-độ trang nghiêm, niệm niệm tương ứng với Đại-địa Bồ-Tát, niệm niệm du hành, giáo hóa xã hội chúng sanh khắp mười phương vi trần bằng hà sa thế giới.