- NGHI THỨC KHAI KINH
- KINH DUY-MA-CẬT QUYỂN THƯỢNG. Phẩm thứ nhất. Cõi Phật
- Phẩm thứ hai. Phương tiện
- Phẩm thứ ba Đệ tử
- Phẩm thứ tư Bồ Tát
- KINH DUY-MA-CẬT QUYỂN TRUNG. Phẩm thứ năm. Văn-thù thăm bệnh
- Phẩm thứ sáu. Không thể nghĩ bàn
- Phẩm thứ bảy. Quán chúng sinh
- Phẩm thứ tám. Đạo Phật
- Phẩm thứ chín. Vào pháp môn Chẳng phân hai
- KINH DUY-MA-CẬT QUYỂN HẠ. Phẩm thứ mười. Phật Hương Tích
- Phẩm thứ mười một. Hạnh Bồ Tát
- Phẩm thứ mười hai. Thấy Phật A-súc
- Phẩm thứ mười ba. Cúng dường Pháp
- Phẩm thứ mười bốn. Chúc lụy
Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)
Phẩm thứ tám
Đạo Phật
Nguồn: Tủ sách Rộng mở tâm hồn
Lúc ấy, Văn-thù Sư-lỵ hỏi Duy-ma-cật rằng: “Bồ Tát làm sao thông đạt đạo Phật?
Duy-ma-cật nói: “Nếu Bồ Tát thi hành những việc trái đạo, đó là thông đạt đạo Phật.”
Lại hỏi: “Thế nào là Bồ Tát thi hành những việc trái đạo?”
Duy-ma-cật đáp: “Nếu Bồ Tát thi hành năm tội vô gián nhưng không có giận hờn; đến cảnh địa ngục nhưng không có cấu uế; đến cảnh súc sinh nhưng không có những tội lỗi như vô minh, kiêu mạn; đến cảnh ngạ quỷ nhưng đầy đủ công đức; đi lên các cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới nhưng chẳng cho đó là hơn; thị hiện hành động tham dục nhưng lìa mọi nhiễm trước; thị hiện hành động sân nhuế, nhưng không có giận hờn ngăn trở đối với chúng sinh; thị hiện hành động ngu si nhưng dùng trí huệ mà điều phục tâm mình; thị hiện hành động keo lận nhưng thí xả hết những vật sở hữu bên trong, bên ngoài của mình, chẳng tiếc cả thân mạng; thị hiện hành động hủy cấm, nhưng trụ yên nơi giới hạnh thanh tịnh, cho đến đối với tội nhỏ cũng rất sợ sệt; thị hiện như nóng giận, nhưng trong lòng thường từ hòa, nhẫn nhục; thị hiện ra bề giải đãi nhưng thật siêng tu công đức; thị hiện ra vẻ loạn động tâm ý, nhưng thường trụ nơi niệm và định; thị hiện hành động ngu si, nhưng thông đạt cả trí huệ thế gian và xuất thế gian; thị hiện hành động dua nịnh dối trá nhưng giỏi về phương tiện, tùy theo nghĩa lý các kinh; thị hiện hành động kiêu mạn nhưng đối với chúng sinh cũng như chiếc cầu chịu cho người người giẫm đạp.
Thị hiện các phiền não nhưng lòng thường trong sạch; thị hiện vào chốn của ma nhưng thuận theo trí huệ Phật, chẳng theo thuyết khác; thị hiện vào hàng Thanh văn nhưng giảng thuyết với chúng sinh những pháp mà họ chưa từng nghe; thị hiện vào hàng Bích chi Phật, nhưng thành tựu đức đại bi, giáo hóa chúng sinh; thị hiện vào chốn nghèo hèn cùng khổ nhưng có đôi tay quý, công đức vô tận; thị hiện vào bọn hình hài tàn tật nhưng có đủ các tướng chánh và tướng phụ trang nghiêm thân mình; thị hiện vào chốn hạ tiện nhưng vốn sinh trong dòng giống Phật, đầy đủ các công đức; thị hiện vào nhóm người gầy yếu xấu xí nhưng được cái thân lực sĩ cõi trời mà tất cả chúng sinh đều ưa nhìn; thị hiện vào hàng già, bệnh nhưng đã đoạn tuyệt gốc bệnh, vượt khỏi sự lo sợ về cái chết; thị hiện có vốn liếng sản nghiệp, nhưng thường quán tưởng lẽ vô thường, thật không có chỗ tham; thị hiện có vợ chánh, vợ thứ và các nàng hầu, nhưng thường lìa xa cảnh bùn lầy năm dục; thị hiện ra kẻ chậm lụt ngu độn, nhưng thành tựu biện tài, tổng trì đầy đủ; thị hiện vào nơi bọn gian tà, nhưng dùng lẽ chánh mà độ chúng sinh; thị hiện vào khắp các nẻo, nhưng chặt đứt các nhân duyên với mình; thị hiện vào Niết-bàn, nhưng chẳng đoạn tuyệt sinh tử.
“Văn-thù Sư-lỵ! Nếu Bồ Tát có thể thi hành những việc trái đạo như vậy, đó là Bồ Tát thông đạt đạo Phật.”
Lúc ấy, Duy-ma-cật hỏi Văn-thù Sư-lỵ: “Những gì là hạt giống Như Lai?”
Văn-thù Sư-lỵ đáp: “Có thân này là hạt giống Như Lai. Vô minh với ái là hạt giống Như Lai. Tham, sân, si là hạt giống Như Lai. Bốn điên đảo, năm triền cái, sáu nhập là hạt giống Như Lai. Bảy thức xứ, Tám tà pháp, Chín não xứ là hạt giống Như Lai. Mười bất thiện là hạt giống Như Lai. Nói tóm lại, sáu mươi hai kiến với tất cả phiền não đều là hạt giống Như Lai.”
Duy-ma-cật hỏi: “Tại sao vậy?”
Văn-thù Sư-lỵ đáp: “Người hiểu lẽ vô vi và vào chánh vị, không còn có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Tỷ như ở nơi cao ráo đất liền, hoa sen chẳng sinh. Ở chỗ thấp ướt bùn lầy, hoa sen mới sinh. Cũng vậy đó, người thấy thấy pháp vô vi và vào chánh vị không còn có thể phát sinh Phật pháp. Ở nơi bùn lầy phiền não, mới có chúng sinh khởi lên Phật pháp.
“Lại như gieo giống ở không trung, không thể nảy mầm. Gieo giống trên đất phân, cây cối sinh trưởng tươi tốt. Cũng vậy, người vào vô vi và chánh vị chẳng thể phát sinh Phật pháp. Còn kẻ khởi ra ý kiến chấp có ta, dầu ý kiến sai lầm ấy có cao lớn như núi Tu-di, kẻ ấy vẫn còn có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nảy sinh Phật pháp.
“Vậy nên biết rằng: tất cả các phiền não đều là hạt giống Như Lai. Cũng như không lặn xuống biển sâu thì không thể đặng châu báu vô giá. Cũng vậy, nếu không vào trong biển cả phiền não, tất không thể được của báu là cái Trí biết tất cả.”
Lúc ấy, Đại Ca-diếp khen rằng: “Lành thay, lành thay! Văn-thù Sư-lỵ, khoái thay những lời ấy! Đúng thật như lẽ mà ông đã nói. Đám trần lao là những hạt giống Như Lai. Nay chúng tôi chẳng còn đủ sức đảm nhận thi hành việc phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cho đến những kẻ phạm năm tội vô gián còn có thể phát ý sinh nơi Phật pháp, nhưng nay chúng tôi đây lại chẳng có thể phát khởi tâm ý ấy! Tỷ như người căn cơ bại hoại, thì dù ở trong năm dục cũng chẳng còn thụ hưởng được gì. Cũng vậy, các vị Thanh văn đã dứt phiền não trói buộc, thì dù ở trong Phật pháp cũng không còn được lợi ích gì, chẳng còn chí nguyện gì nữa!
“Văn-thù Sư-lỵ! Vậy nên kẻ phàm phu đối với Phật pháp có chỗ trở lại, còn hàng Thanh văn thì không. Tại sao vậy? Kẻ phàm phu được nghe pháp Phật có thể phát tâm cầu đạo vô thượng, chẳng đoạn Tam bảo. Còn hàng Thanh văn dù có trọn đời nghe pháp Phật, oai lực, sức vô úy của Phật... thời cũng chẳng bao giờ có thể phát tâm cầu vô thượng đạo.”
Lúc ấy, trong pháp hội, có một vị Bồ Tát tên là Phổ Hiện Sắc Thân, hỏi Duy-ma-cật rằng: “Cha mẹ, vợ con, thân thích quyến thuộc, với những kẻ cộng tác cùng những người quen biết của ông là những ai? Tôi trai tớ gái, voi ngựa xe cộ của ông, những thứ ấy ở đâu?”
Duy-ma-cật dùng kệ đáp rằng:
Trí độ là mẹ Bồ Tát,
Tùy nghi phương tiện là cha,
Chúng tăng là thầy hướng dẫn,
Bồ Tát do đó mà sinh.
Pháp hỷ dùng làm vợ nhà,
Lòng từ bi là con gái,
Tâm thiện thật là con trai,
Không tịch rốt ráo là nhà.
Trần lao là các đệ tử,
Tùy ý mình mà chuyển biến.
Đạo phẩm là bạn hiền lành,
Nhờ đó được thành chánh giác.
Các pháp độ là bạn bè,
Bốn nhiếp là những ả đào,
Pháp ngôn là ca vịnh ngâm,
Lấy đó mà làm âm nhạc.
Tổng trì là cảnh vườn tược,
Pháp vô lậu là cây rừng,
Giác ý là hoa đẹp thơm,
Trí huệ giải thoát là quả.
Tám giải thoát là ao tắm,
Tâm định là nước đầy trong,
Hoa bảy báu tịnh là vải,
Người vô cấu là: tắm gội.
Năm thông chạy là voi ngựa,
Đại thừa dùng làm xe cộ,
Nhất tâm là người điều ngự,
Tám chánh đạo đường dạo chơi.
Tướng chánh đủ, dùng nghiêm thân,
Tướng phụ đẹp, trang sức hình,
Hổ thẹn là áo lớn ngoài,
Lòng sâu vững: hoa kết đơm.
Bảy tài bảo là giàu có,
Dạy truyền là việc gia tăng,
Theo như thuyết mà tu hành,
Hồi hướng là lợi to lớn.
Bốn thiền là ghế trong rừng,
Do nơi đó tịnh mạng sinh,
Đa văn tăng thêm trí huệ,
Lấy đó làm tiếng tự giác.
Pháp cam-lộ là thức ăn,
Vị giải thoát là nước tương,
Tâm tịnh là việc tẩy rửa,
Giới phẩm là món hương phết.
Đánh tan lũ giặc phiền não,
Dũng kiện chẳng ai hơn nổi,
Hàng phục được bốn thứ ma,
Cờ chiến thắng cắm đạo trường.
Tuy biết rằng không khởi diệt,
Nhưng thị hiện có sinh sống,
Hiện thân nơi các quốc độ,
Như mặt nhật ai cũng thấy.
Trải mười phương cúng dường khắp,
Vô lượng ức đấng Như Lai.
Chư Phật với thân mình đây,
Không khác chi đừng phân biệt.
Tuy biết rằng các nước Phật,
Với chúng sinh đều là không,
Nhưng thường tu môn tịnh độ,
Siêng giáo hóa khắp quần sinh.
Tất cả các loại chúng sinh,
Thân hình, tiếng nói, oai nghi,
Bồ Tát với sức không sợ,
Một lúc hiện ra hết thảy.
Biết rõ các việc của ma,
Nhưng thị hiện theo hạnh ấy.
Dùng trí huệ phương tiện khéo,
Tùy ý hiện chi cũng được:
Hoặc thị hiện già, bệnh, chết,
Giúp chúng sinh được thành tựu.
Hiểu rành như trò ảo hóa,
Thông đạt không chi ngăn ngại.
Hoặc hiện kiếp tận lửa cháy,
Trời đất thảy đều trống rỗng,
Những kẻ có tư tưởng thường,
Soi khiến họ biết vô thường.
Vô số ức các chúng sinh,
Cùng nhau đến thỉnh Bồ Tát,
Một khi người đến nhà họ,
Khiến họ hồi hướng Phật đạo.
Kinh sách, giới cấm, chú thuật,
Công nghệ, kỹ thuật khéo léo,
Người hiện làm các việc ấy,
Giúp lợi ích cho quần sinh.
Các đạo pháp ở thế gian,
Đều ở đó mà xuất gia,
Người nhân đó ngăn chỗ lầm,
Nhưng chẳng rơi vào tà kiến.
Hoặc làm nhật thiên, nguyệt thiên,
Hoặc Phạm vương chủ thế giới,
Có khi làm đất, làm nước,
Lại cũng làm gió, làm lửa.
Trong kiếp nếu có bệnh dịch,
Người hiện làm các dược thảo,
Như kẻ bệnh uống thuốc ấy,
Bệnh liền dứt, tiêu các độc.
Nếu trong kiếp có đói kém,
Hiện thân làm món ăn uống,
Trước cứu những kẻ đói khát,
Kế đem pháp dạy chúng nhân.
Trong kiếp có những đao binh,
Vì đó người khởi từ bi,
Hóa độ những chúng sinh ấy,
Khiến họ trụ cảnh không tranh.
Nếu xảy ra trận đại chiến,
Đứng lên dùng sức bình đẳng,
Bồ Tát hiện ra oai thế,
Hàng phục chúng, khiến yên hòa.
Hết thảy ở trong cõi nước,
Những nơi nào có địa ngục,
Người liền đến các chốn ấy,
Cứu giúp khỏi mọi khổ não.
Hết thảy khắp trong cõi nước,
Súc sinh ăn thịt lẫn nhau,
Người thị hiện sinh nơi đó,
Làm lợi ích cho hạng ấy.
Người thị hiện thọ năm dục,
Lại cũng thị hiện hành thiền,
Làm cho lòng ma rối loạn,
Chúng chẳng được bề tiện lợi.
Trong lửa sinh ra hoa sen,
Đó gọi là việc ít có.
Tại năm dục mà hành thiền,
Lại cũng là việc ít có.
Hoặc thị hiện làm dâm nữ,
Dẫn dụ những kẻ háo sắc,
Trước đem dục mà dẫn dắt,
Sau khiến họ vào Phật trí.
Hoặc hiện làm chúa thành ấp,
Hoặc hiện làm chủ đoàn buôn,
Làm quốc sư, làm đại thần,
Để làm lợi ích chúng sinh.
Đối với những kẻ bần cùng,
Thị hiện làm kho vô tận,
Nhân đó bèn khuyên dắt họ,
Khiến họ phát tâm Bồ-đề.
Với kẻ ngã mạn kiêu căng,
Thị hiện làm đại lực sĩ,
Khuất phục những kẻ cống cao,
Khiến trụ vào vô thượng đạo.
Nếu có những kẻ sợ sệt,
Đối diện họ, người an ủi,
Trước thí cho sự an ổn,
Sau khiến họ phát đạo tâm.
Hoặc thị hiện lìa dâm dục,
Làm vị tiên nhân năm thông,
Mở mang dắt dẫn quần sinh,
Khiến họ trụ giới, nhẫn, từ.
Nếu ai cần kẻ cung phụng,
Người thị hiện làm tôi tớ.
Khi đã làm vừa ý chủ,
Bèn khiến phát khởi đạo tâm.
Như ai muốn đủ đồ dùng,
Mới chịu đắc nhập Phật đạo.
Người dùng sức phương tiện khéo,
Cấp cho đầy đủ món cần.
Đạo vô lượng là như vậy,
Sở hành bao la không bến,
Trí huệ rộng rãi không bờ,
Độ thoát vô số chúng sinh.
Ví như tất cả chư Phật,
Trải qua vô số ức kiếp,
Ngợi khen công đức của người,
Cũng không thể bày tỏ hết.
Ai nghe được pháp như vậy,
Mà chẳng phát tâm Bồ-đề?
Trừ ra những kẻ xuẩn ngốc,
Si mê không có trí huệ.