Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm thứ tư Bồ Tát

17/05/201311:59(Xem: 10865)
Phẩm thứ tư Bồ Tát

Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)

Phẩm thứ tư
Bồ Tát

Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải

Nguồn: Tủ sách Rộng mở tâm hồn


Lúc ấy, Phật bảo Bồ Tát Di-lặc: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”

Bồ Tát Di-lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con vì vị Thiên vương ở cung trời Đâu-suất cùng quyến thuộc của người mà giảng thuyết công hạnh của địa vị Bất thối chuyển. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Thưa Bồ Tát Di-lặc! Đức Thế Tôn có thọ ký cho nhân giả: Một đời nữa, ngài sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do đời sống nào mà được sự thọ ký ấy? Đời quá khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? Nếu là đời quá khứ, thì đời quá khứ đã dứt. Nếu là đời vị lai, thì đời vị lai chưa tới. Nếu là đời hiện tại, thì đời hiện tại không trụ. Như Phật có dạy: Tỳ-kheo! Ngay lúc này đây các ông vừa sinh ra, vừa già đi, vừa diệt mất. Nếu do vô sinh mà được thọ ký, thì vô sinh tức là chánh vị. Đối với chánh vị, không có việc thọ ký, cũng không có việc đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Làm sao Di-lặc được thọ ký một đời sinh ra nữa? Là theo như sinh mà được thọ ký chăng? Là theo như diệt mà được thọ ký chăng? Nếu là theo như sinh mà được thọ ký thì như không có sinh. Nếu là theo như diệt mà được thọ ký thì như không có diệt. Tất cả chúng sinh đều là như. Tất cả các pháp cũng là như. Các vị thánh hiền cũng là như. Cho đến Di-lặc cũng là như. Nếu Di-lặc được thọ ký, tất cả chúng sinh lẽ ra cũng được thọ ký. Tại sao vậy? Nếu là như, thì chẳng hai, chẳng khác. Nếu Di-lặc đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tất cả chúng sinh lẽ ra cũng đều đắc quả. Tại sao vậy? Tất cả chúng sinh tức là tướng Bồ-đề. Nếu Di-lặc được diệt độ, tất cả chúng sinh cũng sẽ được diệt độ. Tại sao vậy? Chư Phật biết rằng tất cả chúng sinh tất cánh tịch diệt, tức là tướng Niết-bàn, chẳng còn sự diệt độ nào nữa.

Vì vậy, ngài đừng đem pháp ấy mà khuyến dụ chư thiên tử. Thật không có việc phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có việc thối chuyển.

‘Di-lặc! Ngài nên khiến chư thiên tử ấy lìa bỏ cái ý kiến phân biệt Bồ-đề. Tại sao vậy? Bồ-đề ấy, không thể dùng thân mà được, không thể dùng tâm mà được.

‘Tịch diệt là Bồ-đề, vì dứt hết các tướng. Chẳng quán sát là Bồ-đề, vì lìa khỏi các duyên. Chẳng hành động là Bồ-đề, vì không nhớ tưởng chi cả. Đoạn tuyệt là Bồ-đề, vì bỏ hết các ý kiến. Lìa bỏ là Bồ-đề, vì lìa khỏi các vọng tưởng. Ngăn trở là Bồ-đề, vì ngăn trở các sở nguyện. Chẳng vào là Bồ-đề, vì không có tham trước. Thuận là Bồ-đề, vì thuận theo lẽ như. Trụ là Bồ-đề, vì trụ nơi tánh pháp. Đến là Bồ-đề, vì đến chỗ thực tế. Chẳng hai là Bồ-đề, vì lìa ý và pháp. Bình đẳng là Bồ-đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề, vì không có những sự: sinh, trụ, diệt. Biết là Bồ-đề, vì rõ được tâm hạnh của chúng sinh. Chẳng hội là Bồ-đề, vì các nhập chẳng hội nhau. Chẳng hiệp là Bồ-đề, vì lìa khỏi thói quen phiền não. Chẳng có xứ sở là Bồ-đề, vì không có hình sắc. Tiếng tạm gọi là Bồ-đề, vì danh tự vốn không. Như ảo hóa là Bồ-đề, vì không lấy, không bỏ. Không loạn là Bồ-đề, vì tự mình yên tĩnh. Thường tịch là Bồ-đề, vì tánh thanh tịnh. Không nắm giữ là Bồ-đề, vì lìa khỏi phan duyên. Không khác lạ là Bồ-đề, vì các pháp như nhau. Không thể so sánh là Bồ-đề, vì không thể ví dụ. Vi diệu là Bồ-đề, vì các pháp khó biết.’

“Thế Tôn! Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, hai trăm vị thiên tử được pháp nhẫn Vô sinh. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”

Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.

Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con đi ra ngoài thành lớn Tỳ-da-ly. Bấy giờ, Duy-ma-cật mới vừa đi vào thành. Con liền làm lễ ông ấy và hỏi rằng: ‘Cư sĩ từ đâu lại đây?’

“Cư sĩ đáp: ‘Tôi từ đạo trường lại đây.’

“Con hỏi: ‘Đạo trường ấy là ở đâu?’

“Cư sĩ đáp rằng: ‘Lòng ngay thẳng là đạo trường, vì không có sự hư dối. Khởi làm là đạo trường, vì có thể biện biệt được sự việc. Lòng sâu vững là đạo trường, vì được tăng thêm công đức. Tâm Bồ-đề là đạo trường, vì không có sự lẫn lộn. Bố thí là đạo trường, vì không mong báo đáp. Trì giới là đạo trường, vì được tròn nguyện. Nhẫn nhục là đạo trường, vì đối với chúng sinh, lòng mình được vô ngại. Tinh tấn là đạo trường, vì chẳng có biếng nhác. Thiền định là đạo trường, vì lòng dạ được điều nhu. Trí huệ là đạo trường, vì hiện rõ các pháp. Từ là đạo trường, vì thương các chúng sinh như nhau. Bi là đạo trường, vì nhẫn chịu các mỏi mệt khổ đau. Hỷ là đạo trường, vì là pháp vui vẻ. Xả là đạo trường, vì dứt lòng thương ghét. Thần thông là đạo trường, vì thành tựu sáu thần thông. Giải thoát là đạo trường, vì buông bỏ được. Phương tiện là đạo trường, vì giáo hóa chúng sinh. Bốn pháp thâu nhiếp là đạo trường, vì nhiếp phục được chúng sinh. Đa văn là đạo trường, vì theo như điều đã nghe mà thực hành. Điều phục tâm là đạo trường, vì đó là chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm là đạo trường, vì buông bỏ pháp hữu vi. Bốn đế là đạo trường, vì chẳng dối gạt thế gian. Duyên khởi là đạo trường, vì vô minh cho tới già, chết đều là không cùng tận. Các phiền não là đạo trường, vì biết hết thảy như thật. Chúng sinh là đạo trường, vì biết rằng đó là vô ngã. Tất cả các pháp là đạo trường, vì biết rằng các pháp đều là không. Hàng ma là đạo trường, vì chẳng khuynh động. Ba cõi là đạo trường, vì không có chỗ nào để hướng theo. Sư tử hống là đạo trường, vì mình thuyết pháp chẳng khiếp sợ. Sức vô úy với các pháp bất cộng là đạo trường, vì không có những lỗi lầm. Ba minh là đạo trường, vì không còn trở ngại. Trong một giây nghĩ, biết hết tất cả các pháp, đó là đạo trường, vì thành tựu được cái trí biết tất cả.

‘Như vậy đó, thiện nam tử! Nếu Bồ Tát dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng sinh, nên biết rằng mọi việc làm của mình, cho đến những cử động nhỏ như nhấc chân, hạ chân, đều từ đạo trường mà lại, trụ nơi Phật Pháp.’

“Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, năm trăm vị chư thiên và người ta đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”

Phật bảo Bồ Tát Trì Thế: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”

Bồ Tát Trì Thế bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con trụ nơi tĩnh thất. Lúc ấy, ma Ba-tuần hóa hình hệt như Đế-thích, có một muôn hai ngàn thiên nữ theo hầu, có cả tiếng âm nhạc, đàn địch ca xướng, đi lại chỗ con. Ma vương ấy với quyến thuộc đảnh lễ nơi chân con, chắp tay cung kính đứng về một bên. Con tưởng đó là Đế-thích, nên liền nói với vị ấy rằng: ‘Lành thay, Kiều-thi-ca! Tuy ông đáng được hưởng phước, nhưng chẳng nên phóng túng. Nên quán năm dục là vô thường. Muốn được gốc lành, hãy tu kiên pháp về thân, mạng, tài.’

“Vị ấy liền nói với con rằng: ‘Chánh sĩ! Xin ngài thâu nhận mười hai ngàn thiên nữ này, các nàng có thể lo việc quét tước giặt rửa.’

“Con đáp: ‘Kiều-thi-ca! Tôi là sa-môn Thích tử, ông đừng yêu cầu tôi nhận những thứ không đúng với pháp tu hành. Điều đó là trái với nghi luật của tôi.’

“Con chưa dứt lời thì Duy-ma-cật đến, bảo con rằng: ‘Chẳng phải Đế-thích, đó là ma đến quấy rối ngài đó.’

“Duy-ma-cật liền nói với ma rằng: ‘Các nàng này có thể tặng cho ta. Ta bằng lòng thâu nhận.’

“Ma hoảng sợ, nghĩ rằng: ‘Duy-ma-cật chẳng phải định hại ta đây sao?’ Liền muốn ẩn hình trốn đi, nhưng chẳng được. Bèn dùng hết thần lực, cũng chẳng đi được. Liền nghe có tiếng nơi không trung nói rằng: ‘Ba-tuần! Hãy trao tặng những nàng ấy cho Duy-ma-cật, rồi ông mới đi được.’

“Vì khiếp sợ, ma miễn cưỡng mà cho.

“Lúc ấy Duy-ma-cật nói với các nàng rằng: ‘Ma đã đem các cô tặng cho ta. Nay các cô nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Duy-ma-cật liền tùy theo chỗ thích hợp mà thuyết pháp với các nàng, khiến cho tất cả đều phát đạo ý.

“Lại nói rằng: ‘Các cô đã phát đạo ý rồi. Nay có những điều vui theo đúng pháp để cho tự vui lấy, chẳng nên vui với năm dục nữa.’

“Các thiên nữ liền hỏi: ‘Những gì là vui theo đúng pháp?’

“Đáp rằng: ‘Vui thường tin Phật, vui muốn nghe Pháp, vui cúng dường Tăng. Vui lìa năm dục, vui quán năm ấm như bọn oán tặc, vui quán bốn đại như rắn độc, vui quán nội nhập như xóm không dân cư. Vui tùy hộ đạo ý. Vui làm lợi ích chúng sinh. Vui kính dưỡng thầy. Vui làm việc bố thí rộng lớn. Vui giữ bền giới hạnh. Vui nhẫn nhục nhu hòa. Vui siêng gom góp căn lành. Vui thiền định chẳng loạn. Vui lìa cấu nhiễm, tỏ sáng trí huệ. Vui mở rộng tâm Bồ-đề. Vui hàng phục chúng ma. Vui cắt đứt các phiền não. Vui tịnh quốc độ của Phật. Vui thành tựu tướng hảo, tu các công đức. Vui trang nghiêm đạo trường. Vui nghe pháp sâu xa mà chẳng sợ. Vui với ba môn giải thoát. Vui chẳng sai thời. Vui gần bạn đồng học. Vui giữa nhóm người chẳng đồng học, lòng không ngăn ngại. Vui hộ trì những kẻ quen biết xấu. Vui gần gũi những người quen biết tốt. Vui lòng ưa mến cảnh thanh tịnh. Vui tu các đạo phẩm vô lượng. Đó là các niềm vui theo đúng pháp của Bồ Tát.’

“Lúc ấy, ma Ba-tuần bảo các nàng ấy rằng: ‘Ta muốn cùng các cô trở về cung.’

“Các nàng thưa rằng: ‘Ông đã đem chúng tôi mà tặng cho vị cư sĩ này. Có các điều vui theo như pháp, chúng tôi rất vui thích. Chúng tôi chẳng còn muốn trở lại vui thích năm món dục lạc nữa.’

“Ma nói: ‘Cư sĩ! Ông nên buông xả các nàng này. Bồ Tát phải là người thí xả tất cả sở hữu của mình cho kẻ khác.’

“Duy-ma-cật nói: ‘Ta đã buông xả rồi, ông có thể ra đi. Hãy khiến cho tất cả chúng sinh được phát nguyện đầy đủ.’

“Lúc ấy, các thiên nữ hỏi Duy-ma-cật: ‘Chúng tôi sẽ làm gì khi ở nơi chốn cung ma?’

“Duy-ma-cật nói: ‘Này các cô, có một phép tu gọi là Đèn không dứt. Các cô nên học phép tu ấy. Đèn không dứt có nghĩa là, như từ một ngọn đèn, mồi sáng ra trăm ngàn ngọn đèn liên tiếp. Những chỗ tối đều trở nên sáng, mà ánh sáng không hề dứt. Cũng vậy, một vị Bồ Tát mở đạo cho trăm ngàn chúng sinh, khiến cho tất cả đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Mà cái đạo ý ấy cũng không bao giờ dứt. Tùy theo chỗ thuyết pháp, tự mình tăng trưởng tất cả pháp lành. Đó gọi là Đèn không dứt. Các cô tuy ở nơi cung ma, hãy dùng phép tu Đèn không dứt này mà làm cho vô số thiên tử và thiên nữ đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là báo đáp ơn Phật, cũng là làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh.’

“Lúc ấy, các Thiên nữ lấy đầu và mặt làm lễ sát chân Duy-ma-cật, rồi theo ma vương mà trở về cung. Bỗng nhiên, thảy đều biến mất.

“Thế Tôn! Duy-ma-cật có thần lực tự tại và trí huệ biện tài như vậy đó. Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”

Phật phán với Thiện Đức, con nhà trưởng giả: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”

Thiện Đức bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, ở nhà cha con, con có tự mình tổ chức một hội bố thí, cúng dường tất cả sa-môn, bà-la-môn, các thầy ngoại đạo và những kẻ bần cùng, hạ tiện, cô độc, hành khất. Kỳ hạn bố thí đủ bảy ngày. Bấy giờ, Duy-ma-cật đi lại, vào trong hội, bảo con rằng: ‘Chàng con nhà trưởng giả! Nếu là hội bố thí, chẳng nên tổ chức theo như cậu đang làm đây. Nên mở hội thí pháp, cần gì mở hội thí tài như vậy?’

“Con hỏi cư sĩ ấy: ‘Sao gọi là Hội thí pháp?’

“Đáp rằng: ‘Hội thí pháp là không thí cho kẻ trước người sau. Trong một lúc, cúng dường tất cả chúng sinh. Đó gọi là hội thí pháp.’

“Con lại hỏi: ‘Như vậy là thế nào?’ Đáp rằng: ‘Đó là: Nhân vì Bồ-đề, phát khởi lòng từ. Nhân vì cứu độ chúng sinh, phát khởi tâm đại bi. Nhân vì giữ gìn Chánh pháp, phát khởi tâm hỷ. Nhân vì nhiếp thâu trí huệ, thi hành pháp xả. Nhân vì nhiếp phục khan tham, khởi nên pháp bố thí. Nhân vì cải hóa việc phạm giới, khởi nên pháp trì giới. Nhân vì pháp vô ngã, khởi nên pháp nhẫn nhục. Nhân vì lìa tướng thân tâm, khởi nên pháp tinh tấn. Nhân vì tướng Bồ-đề, khởi nên pháp thiền định. Nhân vì cái trí biết tất cả, khởi nên pháp trí huệ. Vì giáo hóa chúng sinh, mà khởi ra lẽ không. Vì chẳng bỏ pháp hữu vi, mà khởi lẽ vô tướng. Vì thị hiện thọ sinh, mà khởi lẽ vô tác. Do hộ trì Chánh pháp, bèn khởi sức phương tiện. Nhân vì độ chúng sinh mà khởi bốn pháp thâu nhiếp. Nhân vì kính trọng tất cả, khởi trừ pháp kiêu mạn. Đối với thân, mạng, tài, khởi ba kiên pháp. Đối với sáu niệm, khởi pháp tưởng nhớ. Đối với sáu hòa kính, khởi lòng chơn chất ngay thẳng. Thi hành pháp lành một cách minh chánh, bèn khởi nên đời sống trong sạch. Lòng trong sạch vui vẻ, khởi ra việc gần gũi những bậc hiền thánh. Chẳng ghét kẻ dữ, khởi nên sự điều phục lòng người. Nhân vì pháp xuất gia, khởi nên lòng sâu vững. Nhân vì thi hành theo như thuyết, khởi nên tài đa văn. Nhân vì pháp không tranh chấp, khởi ra cảnh vắng vẻ, tịch tịnh. Hướng theo huệ Phật, khởi nên pháp ngồi yên. Mở trói cho chúng sinh, khởi ra trụ địa tu hành. Nhân vì tướng hảo và cõi Phật thanh tịnh, khởi nên nghiệp phước đức. Nhân biết được lòng nghĩ tưởng của tất cả chúng sinh, thuyết pháp ứng hợp, bèn khởi nên nghiệp trí. Biết rằng tất cả các pháp là chẳng giữ cũng chẳng bỏ, vào được chỗ một tướng duy nhất, bèn khởi nên nghiệp của trí huệ. Dứt tất cả phiền não, tất cả chướng ngại, tất cả pháp chẳng lành, bèn khởi nên tất cả nghiệp lành. Nhân vì được tất cả trí huệ, tất cả pháp lành, mà khởi nên tất cả các pháp trợ Phật đạo. Như vậy, Thiện nam tử! Đó là hội thí pháp. Nếu Bồ Tát trụ ở hội thí pháp ấy, đó là đại thí chủ, cũng là ruộng phước của tất cả thế gian.’

“Thế Tôn! Duy-ma-cật thuyết thời pháp ấy xong, hai trăm người trong chúng bà-la-môn đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi ấy, tâm ý con được trong sạch, con khen là chưa từng có, liền đảnh lễ nơi chân Duy-ma-cật. Rồi con cởi ra xâu chuỗi ngọc, giá trị trăm ngàn mà dâng hiến, nhưng ông ấy chẳng nhận. Con liền nói: ‘Cư sĩ! Xin ông nhận lãnh, rồi muốn cho ai tùy ý.’

“Duy-ma-cật bèn nhận chuỗi ngọc, chia làm hai phần. Ông đem một phần thí cho kẻ ăn xin nghèo hèn nhất trong hội ấy. Còn một phần, ông phụng hiến đức Như Lai Nan Thắng bên cõi nước kia. Tất cả chúng hội khi ấy đều nhìn thấy đức Như Lai Nan Thắng ở cõi nước Quang Minh. Chúng hội lại còn thấy được những hạt ngọc sang bên đức Phật kia, liền hóa thành một cảnh đài báu bốn cột, bốn mặt đều trang nghiêm, chẳng che khuất nhau.

“Lúc ấy, Duy-ma-cật hiện thần biến như vậy rồi, lại nói rằng: ‘Nếu thí chủ có lòng bình đẳng, thí cho kẻ ăn xin nghèo hèn nhất, cũng như tướng ruộng phước Như Lai, không có chỗ phân biệt, giữ lòng đại bi bình đẳng, chẳng cầu quả báo. Đó mới gọi là hạnh thí pháp đầy đủ.’

“Trong thành, kẻ ăn xin nghèo hèn nhất thấy sức thần ấy và nghe Duy-ma-cật thuyết pháp cũng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”

Cứ như vậy, các vị Bồ Tát lần lượt đối trước Phật nói ra duyên cớ của mình, xưng thuật lời lẽ của Duy-ma-cật. Tất cả đều thưa rằng chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]