Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Phẩm Kim Cang Thân

10/05/201319:02(Xem: 9770)
5. Phẩm Kim Cang Thân

Kinh Ðại Bát Niết Bàn

5. Phẩm Kim Cang Thân

Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Nguồn: Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch

Bấy giờ đức Phật lại bảo Ca Diếp Bồ Tát: "Nầy Ca Diếp! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân bất hoại, thân kim cang chẳng phải là thân tạp thực. Chính là pháp thân".
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Bạch thế tôn! Những thân của Phật nói đó con đều chẳng thấy, con chỉ thấy những thân vô thường, phá hoại, vi trần, tạp thực thôi, vì rằng đức Như Lai sắp nhập niết bàn".
Phật dạy: "Nầy Ca Diếp! Ông chớ cho rằng thân của Như Lai hư hoại không bền, như thân phàm phu."
"Ông nên biết rằng thân Như Lai trong vô lượng ức kiếp luôn bền chắc không hư hoại, không phải thân người, thân trời, không phải thân sợ sệt, chẳng phải thân tạp thực. Thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, vô tri vô hình, rốt ráo thanh tịnh, không có lay động, không phải thọ hành, chẳng trụ chẳng làm, không mùi vị không xen tạp, chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp, chẳng phải quả, chẳng phải dời chẳng phải diệt, chẳng phải tâm vương tâm sở, chẳng thể nghĩ bàn, thường chẳng thể nghĩ bàn, không thức, rời tâm cũng chẳng rời tâm, tâm đó bình đẳng không có mà cũng có, không đến đi mà cũng đến đi, chẳng phá hoại, chẳng đoạn tuyệt, chẳng sanh diệt, không chủ mà cũng là chủ, chẳng phải hữu vô, chẳng phải giác quán, chẳng danh tự chẳng phải không danh tự, chẳng phải định chẳng phải không định, không thể thấy mà cũng thấy rành rành, không nơi chỗ cũng là nơi chỗ, không tối không sáng, không tịch tịnh mà cũng tịch tịnh, là vô sở hữu, chẳng nhận lấy chẳng ban cho, trong sạch không nhơ, không tranh đua, dứt tranh đua, trụ nơi vô trụ, chẳng chấp lấy chẳng sa mắc, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải phước điền chẳng phải không phước điền, vô tận bất tận, lìa tất cả tận, là rỗng không rời rỗng không, dầu chẳng thường trụ mà cũng thường trụ, chẳng phải niệm niệm diệt, không có cấu trược, không danh tự rời danh tự, chẳng phải tiếng chẳng phải nói, cũng chẳng phải tu tập, chẳng phải cân lường, chẳng phải nhứt dị, chẳng phải hình tượng, chẳng phải tướng mạo mà đủ tướng tốt trang nghiêm, chẳng phải dõng mãnh, chẳng phải sợ sệt, không tịch chẳng tịch, không nhiệt chẳng nhiệt, không thể xem thấy không có tướng mạo.
Như Lai độ thoát tất cả chúng sanh vì không ai độ thoát cho. Như Lai có thể làm cho chúng sanh được hiểu biết được giác ngộ, vì không ai giác ngộ cho. Như Lai thuyết pháp đúng như thật vì không có hai, chẳng thể nghĩ lường vì không sánh bằng, bình đẳng như hư không chẳng có hình mạo, đồng tánh vô sanh chẳng đoạn chẳng thường, thường hành nhứt thừa chúng sanh thấy là ba, chẳng thối chẳng chuyển, dứt tất cả kiết sử, chẳng gây chẳng chạm, chẳng phải tánh mà trụ nơi tánh, chẳng phải hiệp chẳng phải tan, chẳng phải dài chẳng phải vắn, chẳng phải tròn chẳng phải vuông, chẳng phải ngũ ấm lục nhập, thập bát giới mà là ấm, nhập, giới, chẳng phải thêm chẳng phải tổn, chẳng phải hơn chẳng phải thua. Thân của Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy, không có ai biết không ai chẳng biết, không ai thấy không ai chẳng thấy, chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi, chẳng phải thời gian chẳng phải không thời gian, chẳng phải làm chẳng phải chẳng làm, chẳng phải nương chẳng phải không nương, chẳng phải tứ đại chẳng phải không tứ đại, chẳng phải nhơn chẳng phải chẳng nhơn, chẳng phải chúng sanh chẳng phải chẳng chúng sanh, chẳng phải Sa Môn chẳng phải Bà La Môn, là sư tử là đại sư tử, chẳng phải thân chẳng phải chẳng thân, chẳng thể tuyên thuyết, trừ một pháp tướng không tính đếm được, lúc nhập niết bàn chẳng nhập niết bàn. Pháp thân của Như Lai thảy đều thành tựu vô lượng công đức như vậy.
Nầy Ca Diếp! Chỉ có Như Lai mới biết tướng ấy, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được. Những công đức như vậy thành thân của Như Lai, chẳng phải thân do tạp thực nuôi lớn.
Nầy Ca Diếp! Chơn thân của Như Lai có công đức như vậy, đâu lại có các bịnh hoạn mỏng manh chẳng bền như đồ gốm chưa hầm kia ư? Sở dĩ Như Lai thị hiện có sự khổ là vì muốn điều phục các chúng sanh.
Nay ông phải biết thân Như Lai là thân kim cang. Từ ngày nay ông phải chuyên tâm suy nghĩ nghĩa ấy, chớ nghĩ là thân tạp thực. Cũng nên vì người mà giảng nói thân Như Lai tức là pháp thân".
Ca Diếp bồ tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Ðức Như Lai thành tựu công đức như vậy, sao thân Như Lai phải có bịnh khổ vô thường phá hoại?
Từ ngày nay, con phải thường suy nghĩ thân của Như Lai là pháp thân thường trụ, là thân an lạc. Con cũng sẽ nói rộng nghĩa ấy cho người khác cùng nghe biết.
Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai Kim Cang bất hoại, mà con chưa rỏ nguyên do thế nào."
Phật dạy: "Nầy Ca Diếp! Vì nhơn duyên hay hộ trì chánh pháp nên được thành tựu thân Kim Cang này.
Nầy Ca Diếp! Do vì ngày trước Như Lai hộ pháp nên nay được thân Kim cang thường trụ bất hoại này.
Nầy Ca Diếp! Người hộ trì chánh pháp chẳng thọ năm giới, chẳng tu oai nghi. Phải cầm binh khí hộ trì Tỳ Kheo giữ giới thanh tịnh".
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ Kheo rời sự hộ trì, ở riêng nơi vắng vẻ, bên gò, dưới cây, thời nên gọi vị này là chơn Tỳ Kheo. Nếu có người theo giữ gìn, phải biết vị này là cư sĩ trọc."
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: "Ông chớ nói là Cư sĩ trọc. Nếu có Tỳ Kheo tùy ở chỗ nào nuôi thân vừa đủ, đọc tụng kinh điển, tư duy tọa thiền. Có ai đến thưa hỏi đạo pháp, thời giảng nói phước đức trì giới, bố thí, ít muốn biết đủ. Dầu hay thuyết pháp như vậy mà vẫn không thể tuyên thuyết pháp đại thừa, không có đồ chúng đại thừa, không hàng phục được kẻ ác phi pháp. Tỳ Kheo này không có thể đem lợi ích lại cho chính mình và chúng sanh. Phải biết Tỳ Kheo này lười nhác biếng trễ. Dầu hay giữ giới gìn hạnh thanh tịnh mà không làm được việc gì.
Nếu có Tỳ Kheo nuôi thân đầy đủ, giữ gìn cấm giới đã thọ, có thể giảng rộng giáo lý vi diệu đại thừa trong chín bộ kinh, để lợi ích an lạc các hạng chúng sanh. Xướng lên rằng: Trong kinh Niết Bàn, đức Phật bảo các Tỳ Kheo chẳng được chứa nuôi tôi tớ trâu bò dê lợn, những vật phi pháp. Nếu có Tỳ Kheo nào chứa nuôi những vật bất tịnh ấy thời phải răn trị. Ðức Như Lai ở trong bộ kinh khác đã từng nói có Tỳ Kheo nuôi chứa những vật phi pháp ấy, bị quốc vương y cứ pháp trừng trị bắt phải hoàn tục.
Nếu có Tỳ Kheo lúc tuyên thuyết những lời như trên đây, những kẻ phá giới nghe được rất oán giận bèn hại vị pháp sư này. Dầu bị giết chết, nhưng vị pháp sư này vẫn được gọi là bực trì giới lợi mình lợi người. Vì do duyên này nên Như Lai cho phép vua quan, cư sĩ hộ trì người thuyết pháp. Nếu ai muốn được hộ trì chánh pháp phải nên học như vậy.
Nầy Ca Diếp! Người phá giới chẳng hộ trì chánh pháp, gọi là cư sĩ trọc. Chẳng phải người trì giới mang phải danh từ ấy.
Nầy Ca Diếp! Về đời quá khứ đã vô lượng vô biên vô số kiếp, nơi thành Câu Thi Na này có Phật ra đời hiệu Hoan Hỉ Tăng Ích Như Lai đủ cả mười đức hiệu. Lúc ấy cõi nước rộng lớn tốt đẹp giàu vui, nhơn dân đông đầy ấm no như chư Bồ Tát ở cõi An Lạc. Phật Hoan Hỉ Tăng Ích ở đời rất lâu, cơ duyên đã mãn, Ngài nhập Niết Bàn, nơi rừng Ta La. Sau khi Phật Hoan Hỉ Tăng Ích nhập Niết Bàn. Chánh pháp còn ở đời vô lượng ức năm, lúc còn lại bốn mươi năm cuối cùng, bấy giờ có một Tỳ Kheo trì giới hiệu là Giác Ðức có đông đồ chúng. Tỳ Kheo Giác Ðức hay tuyên thuyết chín bộ kinh. Cấm các Tỳ Kheo không được chứa nuôi tôi tớ trâu bò heo dê, những vật phi pháp. Bấy giờ có các Tỳ Kheo phá giới oán ghét theo làm hại Giác Ðức. Quốc vương Hữu Ðức nghe được việc ấy, vì hộ pháp nên nhà vua liền vội đến đấu chiến với bọn phá giới, nhờ đó mà pháp sư Giác Ðức khỏi nạn. Nhà vua cả mình bị thương rất nặng. Pháp sư Giác Ðức liền khen vua rằng: "Lành thay! Lành thay! Nay vua thiệt là người hộ pháp, đời sau, thân vua sẽ là vô lượng pháp khí". Vua nghe lời ấy lòng rất vui mừng, rồi liền chết sanh về cõi Phật A Súc làm vị đệ tử thứ nhứt. Quân lính nhơn dân hoặc người theo vua chiến đấu, hoặc tùy hỉ đều được không thối chuyển tâm bồ đề, sau khi chết họ cũng được sanh về nước của Phật A Súc. Pháp sư Giác Ðức khi mãn thọ cũng sanh về cõi ấy làm vị đệ tử thứ hai trong chúng Thanh Văn của Phật A Súc.
Nầy Ca Diếp! Quốc Vương trước kia là tiền thân của Như Lai đây, Pháp sư Giác Ðức là tiền thân của Phật Ca Diếp.
Nếu lúc chánh pháp sắp diệt phải nên hộ trì như vậy. Người hộ pháp được vô lượng quả báo, vì thế nên nay Như Lai được nhiều tướng tốt để tự trang nghiêm, thành tựu pháp thân không biến hoại".
Ca Diếp Bồ Tát lại bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Thân chơn thường của Như Lai cũng như khắc chạm vào đá".
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: "Nầy Ca Diếp! Vì nhơn duyên như vậy nên Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di phải siêng năng hộ trì chánh pháp. Hộ pháp được quả báo rộng lớn vô lượng.
Nầy Ca Diếp! Vì những cớ ấy nên hàng Ưu Bà Tắc v.v... phải cầm binh khí ủng hộ vị Tỳ Kheo trì pháp như Giác Ðức kia. Nếu cứ thọ trì ngũ giới chẳng đặng gọi là người đại thừa. Người hộ trì chánh pháp nên phải cầm binh khí hầu người thuyết pháp."
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Nếu chư Tỳ Kheo làm bạn với hàng Ưu Bà Tắc cầm binh khí như vậy, là có thầy hay không có thầy? Là trì giới hay phá giới?".
Phật nói: "Ông chớ nói những người ấy là phá giới.
Nầy Ca Diếp! Sau khi ta nhập niết bàn đời trược ác, cõi nước hoang loạn, đánh cướp lẫn nhau, nhơn dân đói khổ. Bấy giờ có người vì đói khổ nên phát tâm xuất gia, người như vậy gọi là người trọc. Hạng trọc ấy thấy Tỳ Kheo thanh tịnh giữ giới oai nghi đầy đủ hộ trì chánh pháp, bèn xua đuổi hoặc giết hại".
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : "Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy thời Tỳ Kheo trì giới hộ trì chánh pháp, làm thế nào vào tụ lạc thành ấp để giáo hóa".
Phật nói : "Vì vậy nên Như Lai cho phép Tỳ Kheo trì giới cùng làm bạn với hàng cư sĩ cầm khí giới. Trong trường hợp trên đây, các quốc vương, đại thần, trưởng giả, Ưu Bà Tắc v.v... vì hộ pháp mà cầm binh khí. Như Lai gọi họ là người trì giới. Dầu cầm binh khí, nhưng chẳng nên giết chết người, nếu được như vậy thời được gọi là người trì giới bực nhứt.
Nầy Ca Diếp! Người đủ chánh kiến có thể giảng rộng kinh điển đại thừa, trọn nắm cầm tàng lọng của hàng vương giả, bình dầu, gạo thóc, các thứ dưa trái. Chẳng vì lợi dưỡng mà thân cận vua, quan, trưởng giả. Ðối với các đàn việt tâm không đua vạy, đầy đủ oai nghi, phục trừ hạng ác phá giới, đây gọi là bực thầy trì giới hộ pháp. Người này có thể làm chơn thiện tri thức cho chúng sanh. Tâm người này rộng lớn như biển cả.
Nầy Ca Diếp! Nếu có Tỳ Kheo vì cầu lợi mà thuyết pháp cho người. Ðồ chúng quyến thuộc của Tỳ Kheo nầy cũng bắt chước thầy mà cầu lợi, Tỳ Kheo này bèn là tự phá hoại tăng chúng.
Nầy Ca Diếp! Tăng chúng có ba hạng: một là phạm giới tạp tăng, hai là ngu si tăng, ba là thanh tịnh tăng. Hạng phá giới tạp tăng thời d phá hoại. Hạng tăng thanh tịnh trì giới thời lợi danh không làm hư được.
Thế nào là phá giới tạp tăng ? Nếu thầy Tỳ Kheo dầu là giữ gìn giới cấm, mà vì cầu lợi nên cùng với người phá giới ở chung, ngồi chung, đi chung, sự nghiệp chung, đây gọi là phá giới cũng gọi là tạp tăng.
Thế nào là ngu si tăng ? Nếu có Tỳ Kheo ở nơi A Lan Nhã, tâm trí tối khờ đần độn, thiểu dục đi khất thực. Ðến ngày thuyết giới ngày tự tứ, bảo các đệ tử thanh tịnh sám hối. Thấy người không phải đệ tử phạm giới không có thể bảo thanh tịnh sám hối, mà bèn chung thuyết giới tự tứ. Ðây gọi là hạng ngu si tăng.
Thế nào là thanh tịnh tăng ? Có Tỳ Kheo Tăng không bị trăm ngàn loài ma làm trở hoại. Ðại chúng Bồ Tát nầy bổn tánh thanh tịnh, có thể điều phục được hai bộ chúng trên làm cho đều an trụ trong chúng thanh tịnh. Ðây gọi là bực đại sư Hộ Pháp vô thượng.
Người khéo trì luật vì muốn điều phục lợi ích chúng sanh, rõ biết hành tướng hoặc khinh hoặc trọng của giới, không phải luật thời không chứng biết, còn phải là luật thời bèn chứng biết.
Thế nào là điều phục lợi ích chúng sanh? Nếu là Bồ Tát vì giáo hóa chúng sanh mà thường vào xóm làng chẳng chọn thời tiết, hoặc đến nhà của góa phụ, dâm nữ mà cùng ở chung nhiều năm. Ðây gọi là điều phục lợi ích chúng sanh. Nếu là hàng Thanh Văn thời không nên làm như vậy.
Thế nào gọi là giới trọng ? Nếu thấy đức Như Lai nhơn sự chế giới, từ ngày nay ông phải cẩn thận chớ lại phạm, như bốn giới trọng người xuất gia không nên làm mà bèn cố ý làm là không phải là Sa Môn, không phải hàng Thích tử, đây gọi là trọng.
Thế nào là giới khinh? Nếu phạm tội nhẹ, ba lần can gián, nếu hay bỏ được, đây gọi là khinh. Chẳng phải luật không chứng biết, là khi có người khen nói những vật không thanh tịnh nên thọ dùng thời không ở chung với người ấy.
Phải là luật thời chứng biết, là khéo học giới luật, chẳng gần người phá giới, thấy ai thật hành thuận với giới luật thời lòng vui mừng, khéo hay giải thuyết thế nào là chỗ làm của Phật pháp, đây gọi là luật sư. Khéo hiểu nhứt tự, khéo gìn khế kinh cũng lại như vậy.
Nầy Ca Diếp! Phật pháp vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai cũng vậy chẳng thể nghĩ bàn".
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Ðúng như lời đức Phật dạy, Phật pháp vô lượng chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai cũng vậy chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế nên biết Như Lai thường trụ chẳng biến đổi chẳng hư hoại. Nay con khéo học và cũng sẽ giảng rộng cho người về nghĩa ấy".
Phật khen Ca Diếp Bồ Tát : "Lành thay! Lành thay! Thân Như Lai là thân Kim Cang bất hoại. Bồ Tát phải khéo học như vậy, thấy chơn chánh biết chơn chánh như vậy. Nếu có thể thấy biết rành rẽ như vậy, thời là thấy thân kim cang không hư hoại của Phật, như thấy hình sắc trong gương sáng".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567