Kinh Tạp A Hàm
Tạp A-hàm quyển 26 (653 - 663)
Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
KINH 653. QUẢNG THUYẾT[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như trên đã nói, nhưng có một vài sự sai khác:
“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với năm Căn này mà có sự tăng thượng minh lợi, mãn túc[20] thì sẽ đạt A-la-hán Câu phần giải thoát[21]; hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Thân chứng[22]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Kiến đáo[23]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Tín giải thoát[24]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Nhất chủng[25]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Tư-đà-hàm; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Gia gia[26]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém thì sẽ đạt Thất hữu[27]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Pháp hành[28]; nơi đó hoặc nhu nhuyến hay yếu kém, thì sẽ đạt Tín hành[29]. Đó gọi là Tỳ-kheo vì nhân duyên căn ba-la-mật, nên biết quả ba-la-mật[30], vì nhân duyên quả ba-la-mật, nên biết người ba-la-mật[31]. Người đầy đủ như vậy, thì làm việc đầy đủ; người giảm thiểu, thì làm việc giảm thiểu[32]. Các căn này không phải rỗng không, không quả. Nếu người nào không có các căn này, thì Ta nói kẻ đó thuộc vào số phàm phu.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 654. TUỆ CĂN (1)[33]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn, những gì gọi là năm? Căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ. Năm Căn này, căn Tuệ nhiếp thọ tất cả. Thí như các thứ cây gỗ của nhà, gác, thì cây đòn nóc là ở trên hết, mọi cây gỗ khác đều nương vào cây đòn nóc mà giữ yên. Như vậy trong năm căn, Tuệ thâu nhiếp tất cả nên Tuệ trên hết.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 655. TUỆ CĂN (2)[34]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn. Những gì gọi là năm? Căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ. Căn Tín, nên biết, đó là bốn Bất hoại tịnh. Căn Tinh tấn, nên biết, đó là bốn Chánh đoạn. Căn Niệm, nên biết, đó là bốn Niệm xứ. Căn Định, nên biết, đó là bốn Thiền. Căn Tuệ, nên biết, đó là bốn Thánh đế.
“Các công đức này Tuệ đứng hàng đầu, vì Tuệ nhiếp trì tất cả.”
Cho đến sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 656. TUỆ CĂN (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn, những gì gọi là năm? Căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ.
“Thánh đệ tử thành tựu căn Tuệ thì có thể tu tập căn Tín, y viễn ly, y vô dục, y tịch diệt, hướng đến xả. Đó gọi là thành tựu căn Tín. Thành tựu căn Tín tức là căn Tuệ.
“Như căn Tín, cũng vậy căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ cũng nói như vậy.
“Cho nên khi đối với năm căn này, căn Tuệ đứng hàng đầu vì nhiếp trì tất cả. Thí như các thứ cây gỗ của nhà, gác, thì cây đòn nóc là ở trên hết, mọi cây gỗ khác đều nương vào cây đòn nóc mà giữ yên. Như vậy trong năm căn, Tuệ trên hết vì Tuệ thâu nhiếp tất cả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 657. TUỆ CĂN (4)
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn, những gì gọi là năm? Căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ.
“Thánh đệ tử thành tựu căn Tín, học như vầy: ‘Thánh đệ tử sanh tử từ vô thỉ. Bị vô minh che lấp, ái trói buộc, chúng sanh mãi mãi trôi lăn qua lại trong sanh tử, không biết bản tế. Vì có nhân nên có sanh tử. Nếu nhân vĩnh viễn đoạn tận thì sẽ không có sanh tử. Vô minh là khối tối tăm vĩ đại làm chướng ngại, ai nhập Bát-niết-bàn? mà chỉ có khổ diệt, khổ dứt, mát mẻ không còn (?).’ Như căn Tín, cũng vậy căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ cũng nói như vậy. Trong năm Căn này, Tuệ nhiếp trì tất cả nên nó là hàng đầu. Thí như cây đòn nóc của nhà gác, vì nó giữ vững các cây nên nó ở trên hết.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 658. TUỆ CĂN (5)[35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn, là Căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ.
“Thế nào là căn Tín? Tín tâm mà Thánh đệ tử phát khởi nơi Như Lai[36], có gốc rễ bền chặt, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các pháp thế gian không thể nào phá hoại được; đó gọi là căn Tín. Thế nào là căn Tinh tấn? Là bốn Chánh đoạn. Thế nào là căn Niệm? Là bốn Niệm xứ. Thế nào là căn Định? Là bốn Thiền. Thế nào là căn Tuệ? Là bốn Thánh đế. Những công đức này đều lấy Tuệ làm đầu, thí như nhà, gác, cây đòn nóc là ở trên hết.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 659. TUỆ CĂN (6)[37]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn, những gì là năm? Đó là, căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ.
“Thế nào là căn Tín? Tín tâm thanh tịnh màThánh đệ tử phát khởi nơi Như Lai khi phát tâm Bồ-đề[38]; đó gọi là căn Tín. Thế nào là căn Tinh tấn? Tinh tấn phương tiện được phát khởi đối với Như Lai khi mới phát tâm Bồ-đề[39]; đó gọi là căn Tinh tấn. Thế nào là căn Niệm? Niệm được phát khởi đối với Như Lai lúc mới phát tâm Bồ-đề; đó gọi là căn Niệm. Thế nào là căn Định? Tam-muội được phát khởi đối với Như Lai khi mới phát tâm Bồ-đề khởi Tam-muội; đó gọi là căn Định. Thế nào là căn Tuệ? Tuệ được phát khởi đối với Như Lai lúc bắt đầu phát tâm Bồ-đề; đó gọi là căn Tuệ. Còn những thí dụ về nhà, gác thì như đã nói ở trên.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 660. KHỔ ĐOẠN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm Căn, những gì là năm? Đó là, căn Tín, căn Tinh tấn, căn Niệm, căn Định, căn Tuệ. Đối với năm Căn này, nếu tu tập, tu tập nhiều, thì tất cả những cái khổ quá khứ, hiện tại, vị lai đều sẽ dứt sạch.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như đoạn khổ, cũng vậy cứu cánh biên tế khổ, đoạn tận khổ, dập tắt khổ, diệt tận khổ, qua dòng khổ, giải thoát mọi trói buộc, tổn hại sắc, đoạn tận tất cả lậu quá khứ, hiện tại, vị lai; đều cũng nói như vậy.
KINH 661. NHỊ LỰC (1)[40]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai loại sức mạnh. Những gì là hai? Sức mạnh của số[41] và sức mạnh của tu[42]. Thế nào là sức mạnh của số? Thánh đệ tử ở dưới bóng cây, ngồi trong rừng vắng, tư duy như vầy: ‘Đối với ác hành của thân, đời này và đời sau chịu báo ác. Nếu thân ta làm hạnh ác, thì tự ta phải tự chê trách và khiến người khác cũng chê trách ta. Đại Sư của ta cũng sẽ chê trách ta, Đại đức phạm hạnh của ta cũng chê trách ta. Ta sẽ bị khiển trách đúng pháp, tiếng ác của ta vang khắp, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa ác thú, sanh trong địa ngục. Quả báo đời này và đời sau như vậy. Đoạn trừ ác hành của thân; tu thiện hành của thân. Cũng như thân làm ác, miệng, ý làm ác cũng nói như vậy. Đó gọi là sức mạnh của số. Thế nào là sức mạnh của tu? Tỳ-kheo học sức mạnh của số; Thánh đệ tử đã thành tựu được sức mạnh của số rồi, tùy thuận mà đạt được sức mạnh của tu. Khi sức mạnh của tu đã được rồi, thì sức mạnh của tu sẽ đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 662. NHỊ LỰC (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Thánh đệ tử đã học sức mạnh của số đã thành tựu, tham, nhuế, si hoặc tiết hoặc giảm, hoặc hết sạch. Thánh đệ tử y trên sức mạnh của số, xác lập trên sức mạnh của số như vậy, tùy thuận mà đạt được sức mạnh của tu lực. Khi sức mạnh của tu đã được rồi, thì sức mạnh của tu sẽ đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
KINH 663. NHỊ LỰC (3)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như trên đã nói, nhưng có một vài sai biệt.
“Cái gì là sức mạnh của tu? Đó là bốn Niệm xứ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như bốn Niệm xứ, cũng vậy tu bốn Chánh đoạn, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác phần, tám Thánh đạo phần, Bốn đạo[43], Bốn pháp cú[44], Chỉ quán, cũng nói như vậy.[45]