Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 22 (576 - 590)

08/05/201316:32(Xem: 13317)
Tạp A-hàm quyển 22 (576 - 590)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 22 (576 - 590)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 576. NAN-ĐÀ LÂM[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Chẳng ở rừng Nan-đà[2],
Trọn chẳng được khoái lạc;
Trong cung trời Đao-lợi,
Được danh xưng Thiên đế.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Trẻ con[3], ngươi nào biết,
Điều A-la-hán nói:
Tất cả hành vô thường,
Đấy là pháp sanh-diệt.
Đã sanh rồi lại diệt,
Tịch diệt cả là vui.
Bấy giờ, Thiên tử này lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.

Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi liền biến mất.

KINH 577. CÂU TỎA[4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Bứt tất cả xiềng xích,
Mâu-ni không có nhà;
Sa-môn ham giáo hóa:
Tôi chẳng nói ‘Lành thay!’
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tất cả loài chúng sanh,
Thảy cùng ràng buộc nhau;
Kia có người trí tuệ,
Ai chẳng khỏi thương xót?
Thiện Thệ vì thương xót,
Thường dạy dỗ chúng sanh.
Người thương xót chúng sanh,
Đó là đúng như pháp.
Thiên tử kia lại nói bài kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.

Thiên tử kia sau khi nghe Phật dạy, tùy hỷ hoan hỷ rồi liền biến mất.

KINH 578. TÀM QUÝ[5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, cuối đêm đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Thường tập lòng hổ thẹn,
Thường có hạng người này;
Hay xa lìa điều ác,
Như ngựa khôn thấy roi.
Bấy giờ, Thế Tôn nói bài kệ:
Thường tập lòng hổ thẹn,
Người này thật ít có;
Hay xa lìa điều ác,
Như ngựa lành thấy roi.
Vị Thiên tử kia lại nói bài kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.

Thiên tử này sau khi nghe Phật nói kệ xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ Phật rồi biến mất.

KINH 579. BẤT TẬP CẬN[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Chẳng gần gũi Chánh pháp,
Ưa đắm các tà kiến;[7]
Ngủ mê chẳng tự biết,
Nhiều kiếp tâm sao ngộ?
Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ trả lời:
Chuyên tu nơi Chánh pháp,
Xa lìa nghiệp bất thiện;
Là La-hán lậu tận,
San phẳng đời gập ghềnh[8].
Thiên tử kia nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.

Thiên tử này sau khi Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân rồi biến mất.

KINH 580. THIỆN ĐIỀU[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Rồi, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Nhờ pháp, khéo điều phục,
Không đọa các tà kiến;[10]
Tuy còn đắm ngủ say,
Có thể tùy thời ngộ.
Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Nếu nhờ pháp điều phục,
Chẳng theo các tà kiến;
Rốt ráo dứt vô tri,
Hay vượt đời ân ái.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.

Thiên tử này sau khi nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi biến mất.

KINH 581. LA-HÁN (1)[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Tất cả lậu dứt sạch,
Mang thân tối hậu này,
Xác định nói: ‘có ngã,’
Và nói: ‘ngã sở’ không?[12]
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Các hữu lậu đã sạch,
Mang thân tối hậu này.
Giả sử còn nói ngã,
Ngã sở, cũng không lỗi.
Thiên tử lại nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Tất cả lậu hết sạch,
Mang thân tối hậu này.
Tâm nương nơi ngã mạn,
Mà nói là có ngã;
Và nói về ngã sở,
Có nói như thế không?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đã lìa nơi ngã mạn,
Không còn tâm ngã mạn;
Siêu việt ngã, ngã sở,
Ta nói là lậu tận.
Đối ngã, ngã sở kia,
Tâm trọn chẳng chấp trước;
Hiểu danh tự thế gian,
Bình đẳng giả danh nói.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chứng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt đời ân ái.

Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 582. LA-HÁN (2)[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Lậu tận, tối hậu thân;
Có thể nói: ‘có ngã’,
Và nói: ‘ngã sở’ chăng?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Lậu tận, tối hậu thân;
Cũng nói là có ngã,
Và nói có ngã sở.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Đã sạch các hữu lậu,
Chỉ còn thân sau cùng.
Sao còn nói có ngã,
Và nói có ngã sở?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu Tỳ-kheo La-hán,
Việc mình đã làm xong;
Tất cả lậu hết sạch,
Chỉ còn thân sau cùng.
Ta nói sạch các lậu,
Cũng chẳng chấp ngã sở;
Hiểu danh tự thế gian,
Bình đẳng giả danh nói.

Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 583. NGUYỆT THIÊN TỬ[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ có La-hầu-la A-tu-la vương[15] che Nguyệt Thiên tử[16]. Lúc ấy các Nguyệt Thiên tử đều sợ hãi, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui sang một bên và nói kệ khen ngợi Phật:

Nay lễ Tối Thắng Giác,
Hay thoát tất cả chướng;
Con nay gặp khổ não,
Thế nên đến quy y.
Chúng con Nguyệt Thiên tử,
Quy y Đấng Thiện Thệ;
Phật thương xót thế gian,
Xin cứu thoát Tu-la.
Thế Tôn liền nói kệ đáp:
Phá tan mọi tăm tối,
Ánh sáng chiếu hư không;
Nay Tỳ-lô-giá-na[17],
Bày ánh sáng thanh tịnh.
La-hầu tránh hư không,
Phóng bay nhanh như thỏ.
A-tu-la La-hầu,
Vội bỏ trăng trở về;
Toàn thân tuôn mồ hôi,
Kinh hoảng chẳng an ổn;
Thần hôn, chí mê loạn,
Giống như người bệnh nặng.

Bấy giờ, có A-tu-la tên là Bà-trĩ[18] thấy A-tu-la La-hầu-la vội vàng bỏ mặt trăng trở về liền nói kệ:

La-hầu A-tu-la,
Bỏ trăng sao nhanh thế?
Toàn thân tuôn mồ hôi,
Như người bị bệnh nặng.

A-tu-la La-hầu-la trả lời bằng bài kệ:

Cù-đàm thuyết chú kệ;
Nếu không nhanh bỏ trăng.
Đầu vỡ làm bảy mảnh,
Chịu khổ như sắp chết.
A-tu-la Bà-trĩ lại nói bài kệ:
Phật xuất hiện, hiếm có;
An ổn cho thế gian.
Ngài thuyết kệ khiến cho
La-hầu bỏ mặt trăng.

Phật nói kinh này rồi, bấy giờ Nguyệt Thiên tử sau khi những điều Phật thuyết, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ rồi lui.

KINH 584. TỘC BẢN[19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa hào quang chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Vị Thiên tử kia nói kệ bạch Phật:

Ngài có bản tộc chăng?
Có tộc nối dõi chăng?
Thân thuộc thảy đều không?
Làm sao cởi trói buộc? [20]
Thế Tôn trả lời bằng bài kệ:
Ta không có tộc bản
Cũng không tộc nối dõi;
Thân thuộc cắt vĩnh viễn,
Giải thoát mọi ràng buộc.
Thiên tử lại nói kệ:
Thế nào là tộc bản?
Thế nào là dòng tộc?
Thế nào có thân thuộc?
Thế nào dây trói chắc?
Bấy giờ, Thế Tôn trả lời bằng bài kệ:
Mẹ, tộc bản của đời;
Vợ là tộc nối dõi[21];
Có con có thân thuộc;
Ái là dây trói chặt.
Rồi, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lành thay không dòng họ,
Không sanh tộc cũng tốt;
Lành thay không tương thuộc!
Lành thay giải thoát buộc!
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.

Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 585. ĐỘC NHẤT TRỤ[22]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại tháp Ưu-la-đề-na của họ Thích[23].

Bấy giờ Thế Tôn mới cạo râu tóc. Vào cuối đêm, Ngài ngồi kiết già, thân ngay, ý chánh, cột niệm ở trước mặt, lấy y trùm lên đầu. Bấy giờ bên tháp Ưu-la-đề-na có Thiên thần cư ngụ, phóng ánh sáng từ thân, chiếu khắp tinh xá, bạch Phật rằng:

“Sa-môn lo buồn phải không?”

Phật bảo Thiên thần:

“Ta mất gì đâu?”

Thiên thần lại hỏi:

“Sa-môn hoan hỷ phải không?”

Phật bảo Thiên thần:

“Ta được gì đâu?”

Thiên thần lại hỏi:

“Sa-môn không lo buồn, không hoan hỷ phải không?”

Phật bảo Thiên thần:

“Đúng vậy! Đúng vậy!”

Bấy giờ Thiên thần nói kệ:

Vì lìa các phiền não,
Vì chẳng có vui mừng;
Làm sao sống một mình,
Không bị buồn phá hoại?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Giải thoát không ưu não,
Cũng không có hoan hỷ;
Buồn không thể phá hoại,
Nên Ta sống một mình.
Thiên thần này lại nói kệ:
Làm sao không ưu não,
Làm sao không hoan hỷ;
Làm sao ngồi một mình,
Không bị buồn phá hoại?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Phiền não sanh hoan hỷ,
Hoan hỷ sanh phiền não;
Không não cũng không hỷ,
Thiên thần nên gìn giữ.
Thiên thần lại nói kệ:
Lành thay! Không phiền não,
Lành thay! Không hoan hỷ;
Lành thay! Sống một mình,
Không bị buồn phá hoại?
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.

Thiên thần kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 586. LỢI KIẾM[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ:

Như gươm bén làm hại,
Cũng như lửa cháy đầu;
Đoạn trừ lửa tham dục,
Chánh niệm cầu xa lìa.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Thí như gươm bén hại,
Cũng như lửa cháy đầu;
Đoạn trừ thân sau rốt[25],
Chánh niệm cầu xa lìa.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.

Thiên tử này nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu làm lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 587. THIÊN NỮ[26]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ rằng:

Các Thiên nữ vây quanh,
Như chúng Tỳ-xá-chi[27];
Trong rừng rậm si hoặc,
Do đâu được ra khỏi?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Đạo chánh trực bình đẳng,
Phương thoát ly sợ hãi;
Cỡi chiếc xe tịch mặc,
Che kín bởi pháp tưởng[28].
Tàm quý vòng dây cổ[29],
Chánh niệm là dây buộc;
Trí tuệ người đánh xe,
Chánh kiến dẫn đường trước.
Cỗ xe mầu nhiệm ấy,
Cùng đưa cả nam nữ;
Ra khỏi rừng sanh tử,
Chóng đến nơi an lạc.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.

Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 588. TỨ LUÂN[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:

Có bốn chuyển, chín cửa,
Sống đầy đủ tham dục;
Đắm chìm sâu trong bùn,
Voi lớn làm sao ra?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Cắt dây dài ái hỷ,
Tham dục cùng các ác;
Nhổ gốc rễ ái dục,
Hướng thẳng đến chỗ kia.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.

Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 589. ĐẠI PHÚ[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử dung nhan tuyệt diệu, vào cuối đêm, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:

Nước Lại-tra-bàn-đề,
Có các khách buôn bán[32];
Giàu có nhiều của cải,
Tranh nhau mong làm giàu.
Tìm cách cầu tài lợi,
Như đốt lửa cháy bùng;
Tâm tranh thắng như thế,
Dục tham luôn dong ruổi.
Thế nào nên dứt tham,
Hết cần cầu thế gian.
Thế Tôn nói kệ đáp:
Bỏ tục sống không nhà,
Vợ con cùng tiền của;
Lìa dục, tham, sân, si,
La-hán sạch các lậu.
Chánh trí tâm giải thoát,
Ái tận dứt phương tiện.
Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Chóng đắc Bát-niết-bàn;
Mọi sợ hãi đều qua,
Trọn vượt thoát ân ái.

Thiên tử kia nghe Phật nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất.

KINH 590. GIÁC THỤY MIÊN[33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ tại nước Câu-tát-la có các nhà buôn với năm trăm cỗ xe cùng đi buôn bán. Họ đi đến chỗ hoang mạc. Hoang mạc này có bọn cướp năm trăm tên, đuổi theo sau, lén tìm cơ hội cướp đoạt. Bấy giờ, nơi hoang mạc ấy có một Thiên thần đang ở bên đường. Thiên thần ấy nghĩ thầm: ‘Ta nên đi đến nước Câu-tát-la kia, chỗ các nhà buôn để hỏi nghĩa lý. Nếu họ vui lòng cho ta được hỏi và giải thích, ta sẽ tìm cách khiến họ an ổn, được thoát khỏi nạn giặc cướp. Nếu họ không vui lòng với những câu hỏi của ta, ta sẽ bỏ mặc họ, như những Thiên thần khác.’ Sau khi suy nghĩ xong, Thiên thần ấy phóng ánh sáng chiếu khắp các cỗ xe của những nhà buôn và nói kệ:

Ai đối thức lại ngủ,
Ai đối ngủ lại thức;
Người nào hiểu nghĩa này,
Ai hay vì tôi nói.

Trong các nhà buôn đó có một Ưu-bà-tắc tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo Tăng, nhất tâm hướng về Phật, Pháp, Tăng; quy y Phật, Pháp, Tăng. Vị ấy đối với Phật, Pháp, Tăng lìa nghi, đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo lìa nghi, thấy bốn Thánh đế, đắc quả hiện quán thứ nhất[34]. Trong các nhà buôn cùng kết bạn đi đường đó, Ưu-bà-tắc kia vào khoảng cuối đêm ngồi thẳng suy nghĩ, cột niệm ở trước; đối với mười hai nhân duyên, quán sát thuận nghịch; nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; nghĩa là duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập xứ, duyên lục nhập xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có lão, duyên lão có bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như thế thuần đại khổ tụ tập. Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão diệt, lão diệt thì bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Như thế thuần đại khổ tụ diệt.”

Vị Ưu-bà-tắc ấy suy nghĩ xong liền nói kệ:

Đối người thức ta ngủ,
Đối người ngủ ta thức;
Ta hiểu rõ nghĩa này,
Nói rõ được cho người.

Lúc ấy, Thiên thần hỏi Ưu-bà-tắc:

“Thế nào là tỉnh thức ngủ mê, thế nào là ngủ mê tỉnh thức, thế nào là có thể biết, thế nào là có thể xác nhận?”

Ưu-bà-tắc nói kệ:
Tham dục và sân nhuế,
Ngu si được lìa dục;
A-la-hán lậu tận,
Chánh trí tâm giải thoát.
Vị ấy là thức tỉnh,
Đối kia ta mê ngủ;
Chẳng biết nhân sanh khổ,
Và khổ nhân duyên tập.
Đối tất cả khổ này,
Dứt hết không còn sót;
Lại chẳng biết Chánh đạo,
Đưa đến nơi hết khổ.
Như thế là đang ngủ,
Đối kia ta lại thức;
Như thế đối với ngủ,
Như thế đối với thức.
Khéo biết nghĩa như thế,
Như thế hay xác nhận.
Thiên thần lại nói kệ:
Lành thay! Ngủ trong thức,
Lành thay! Thức trong ngủ;
Lành thay! Khéo hiểu nghĩa,
Lành thay! Khéo xác nhận.
Lâu xa nay mới thấy,
Các anh em nên đến;
Nhờ ân lực của người,
Khiến cả bọn thương nhân,
Được thoát khỏi giặc cướp;
Đi theo đường an ổn.

Như thế, các Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la và cả đám thương nhân theo đường đi an ổn, thoát khỏi nơi hoang vắng, nguy hiểm.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]