Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 7 (139 - 149)

08/05/201311:37(Xem: 13409)
Tạp A-hàm quyển 7 (139 - 149)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 7 (139 - 149)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 139. ƯU NÃO SANH KHỞI[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu ưu, bi, khổ, não chưa khởi, thì khiến cho nó khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi, thì khiến cho nó càng tăng trưởng rộng lớn thêm?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Thế Tôn nói rộng ra; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng lời thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Do có sắc, sanh khởi sắc, hệ lụy, đắm đuối sắc, nơi sắc thấy ngã, cho nên, ưu, bi, khổ, não chưa khởi thì khiến cho khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi, thì khiến tăng trưởng rộng thêm. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Lại hỏi:

“Vô thường có phải là khổ chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu vô thường là khổ. Vì có khổ này nên sanh khởi sự ấy[2], hệ lụy, đắm đuối, thấy ngã, cho nên, ưu, bi, khổ, não chưa khởi thì khiến khởi; ưu, bi, khổ, não đã khởi thì khiến cho tăng trưởng rộng lớn thêm. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc[3], cái được nhớ nghĩ, cái được tùy giác, cái được tùy quán; tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.

“Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, có đời khác, là pháp thường hằng, không biến dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.

“Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái tôi đời này, không phải cái của tôi đời này[4], không phải là tôi trong tương lai, không phải là cái của tôi trong tương lai; thì tất cả chúng cũng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.

“Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Pháp và đối với Tăng. Đó gọi là, Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo nghiệp thân, miệng, ý để đưa đến ba đường ác; giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định hướng đến chánh giác[5], bảy lần qua lại trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 140

Kinh tiếp theo cũng như vậy, nhưng có sự sai biệt ở chỗ: Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Khổ-Tập-Diệt-Đạo.



KINH 141

Kinh tiếp theo cũng như vậy, nhưng lại có sự sai biệt ở chỗ: Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật-Pháp-Tăng và Khổ-Tập-Diệt-Đạo.



KINH 142. NGÃ NGÃ SỞ[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử[7] chưa khởi, thì khiến cho nó khởi; mà nếu ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử đã khởi, thì khiến cho càng tăng trưởng rộng lớn thêm?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Thế Tôn nói rộng ra; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ hoan hỷ vâng lời thực hành.”

(...) chi tiết như kinh trên (kinh 139), cho đến:

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 143 VÀ KINH 144

Hai kinh này dạy cũng như kinh trên (kinh 139).



KINH 145. HỮU LẬU CHƯỚNG NGẠI[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà nếu hữu lậu, chướng ngại, thiêu đốt, ưu, bi, khổ, não chưa khởi thì sanh khởi; hữu lậu, chướng ngại, thiêu đốt, ưu, bi, khổ, não, đã sanh khởi thì khiến cho càng tăng trưởng rộng lớn thêm?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...).”

Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).



KINH 146. TAM THỌ [9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà khiến cho ba thọ chuyển hiện ở thế gian?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...).”

Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).



KINH 147. TAM KHỔ[10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà khiến cho ba khổ chuyển hiện ở thế gian?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...).”

Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).



KINH 148. THẾ BÁT PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, mà khiến cho tám thế pháp[11] chuyển hiện ở thế gian?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp (...).”

Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).



KINH 149. NGÃ THẮNG[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Do có cái gì, do khởi cái gì, do hệ lụy cái gì, do đắm đuối cái gì, do thấy ngã nơi cái gì, khiến cho chúng sanh thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta hơn, ta bằng, ta kém?’”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp (…).”

Chi tiết thứ tự như ba kinh trên (kinh 139, 140, 141).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]