Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Thuyết Kinh Pháp Tối Thượng Vương

04/04/201315:14(Xem: 7011)
Phật Thuyết Kinh Pháp Tối Thượng Vương

Phật Thuyết Kinh Pháp Tối Thượng Vương

Việt dịch: Thích nữ Thuần Hạnh

Nguồn: Hán dịch: Tùy, Bắc Ấn, Tam Tạng Xà Na Quật Ða Chứng nghĩa: Tỳ kheo Thích Ðỗng Minh, Tỳ kheo Thích Tâm Hạnh

Khi thuyết pháp này, đức Thế Tôn ở tinh xá Ca Lan Ðà, rừng Trúc Lâm, cùng với chúng đại Tỳ kheo 1250 vị do cựu bối tóc Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp dẫn đầu, đều chứng A la hán, các lậu đã tận, những việc cần làm đã làm, đặt bỏ gánh nặng xuống được tự lợi, chấm dứt kiết sử, tâm chánh trí, giải thoát, đến bờ bên kia một cách tự tại, chỉ trừ một vị, đó là Mạng Giả A Nan Ðà.
Lúc ấy vào ngày 15, đức Thế Tôn ngồi bố tát giữa đất trống, chúng Tỳ kheo cung kính vây quanh, hướng về phía Phật. Có một Tỳ kheo mới xuất gia chưa bao lâu, được thọ giới cụ túc, đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Ngài, nhiễu phải ba vòng chắp tay bạch:
- Bạch Thế Tôn! Con mới xuất gia, ngày nay được thọ giới. Xin Ngài vì con thuyết giảng, vì sao thọ thức ăn ở tụ lạc gọi là thiện thực? Vì sao thọ thực rồi là được phước điền thanh tịnh, sẽ được lợi ích bậc nhất. Tỳ kheo ấy nói kệ:
Con chỉ mới xuất gia
Ngày nay thọ cụ túc
Thế Tôn vì con thuyết
Làm sao được tịnh thí
Con vì đạo tu hành
Bỏ nhà đến không nhà
Tịnh thí là như vậy
Vì con thuyết nghĩa này.
Phật dạy Tỳ kheo:
- Thầy hãy khéo nghe và khéo chánh niệm. Ta sẽ thuyết cho thầy. Tỳ kheo không hư dối, thọ thức ăn tụ lạc, tịnh thí rồi thọ thực. Cho nên thiện nam, thiện nữ bỏ nhà đến chốn không nhà, tu hành hạnh Vô thượng, sẽ được cứu cánh thù thắng. Tỳ kheo như vậy là gia nhập trong chúng Tăng, hành động theo Tăng và dự lợi dưỡng của Tăng. Ðầy đủ ba pháp này, không uổng thọ thức ăn tụ lạc, tịnh thí rồi thọ thực, được lợi ích đệ nhất. Thế Tôn nói kệ:
Chúng sanh nhập chúng Tăng
Nhớ nghĩ hành động Tăng
Ðược hưởng lợi của Tăng
Ðược phước đức tịnh thí.
Tỳ kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nay con nghe Phật thuyết giáo nghĩa sơ lược như vậy, không hiểu rõ nghĩa này. Bạch Thế Tôn! Vì sao Tỳ kheo nhập trong chúng Tăng dự vào hành động của Tăng và dự lợi dưỡng của Tăng. Tỳ kheo thuyết kệ:
Vì sao nhập chúng Tăng
Mà thấy hành động Tăng
Vì con thuyết lợi ích
Nghe rồi con hiểu rõ.
Phật dạy Tỳ kheo:
- Chú tâm lắng nghe. Ta thuyết cho Thầy rõ về Tăng, hành động Tăng và lợi ích Tăng.
Tỳ kheo bạch:
- Bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe điều đó.
Phật dạy:
- Sao gọi là Tăng? Tăng là những người đủ bốn đôi tám vị nên gọi là Tăng. Nên khéo dâng thức ăn và chắp tay hướng về các vị ấy. Ðây là nơi được bố thí, thanh tịnh gọi là phước điền. Các trời và người đều cúng dường. Thế Tôn nói kệ:
Nay Ta nói về người
Ðủ bốn đôi tám vị
Các vị ấy là Tăng
Ðược phước điền vô thượng.
Tỳ kheo! Sao gọi là hành động của Tăng? Hành động của Tăng ấy là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy phần giác ngộ, tám thánh đạo. Ðó là hành động của Tăng. Thế Tôn thuyết kệ:
Siêng cầu đạo tối thắng
Gọi là tám thánh đạo
Chánh nghiệp của vị Tăng
Ðược Ta thuyết như vậy.
- Tỳ kheo! Sao gọi là lợi dưỡng của Tăng. Ðiều lợi dưỡng của Tăng là bốn quả Sa môn. Những gì là bốn? 1- Quả Tu Ðà Hoàn; 2- Quả Tư Ðà Hàm; 3- Quả A Na Hàm; 4- Quả A La Hán. Ðây là điều đại lợi dưỡng của Tăng. Thế Tôn thuyết kệ:
Thân lớn lợi ích lớn
Những vị Tăng như thế
Ðược bốn quả Sa môn
Thanh tịnh trong phước thí.
Tỳ kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Theo điều Thế Tôn thuyết về gia nhập trong chúng Tăng, dự vào hành động Tăng và dự lợi dưỡng của Tăng; người kia khéo thọ thực của tín thí ở tụ lạc, tịnh thí rồi thọ thực, được phước đức lợi ích bậc nhất. Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người phát tâm nơi Ðại thừa, vì trí Biến tri mà bỏ nhà xuất gia. Những vị đó có dự vào trong Tăng không? Dự vào hành động của Tăng không? Dự vào lợi dưỡng của Tăng không?
Phật dạy:
- Lành thay! Tỳ kheo! Thầy đối với Như Lai Chánh Biến Tri mới có thể suy niệm để hỏi nghĩa này. Tỳ kheo! Thầy là người biện tài thù thắng và có sự kiết tường lớn lao mới khéo hỏi nghĩa này. Tỳ kheo! Thầy khéo tư duy nên mới hỏi Như Lai nghĩa này. Tỳ kheo! Những điều này đều nhờ oai lực của Phật, khiến cho Thầy phát sanh biện tài như vậy, muốn hỏi nghĩa này, cũng do nghiện lực từ xưa của Thầy mới hỏi được như vậy. Thế nên Tỳ kheo! Hãy khéo lắng nghe, khéo suy niệm, Ta sẽ thuyết cho thầy.
Tỳ kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Lành thay! Nay con muốn nghe.
Phật dạy:
- Tỳ kheo! Ý thầy thế nào? Người kia phát tâm đại thừa vì trí Biến Tri, bỏ nhà xuất gia. Người đó có dự vào trong Tăng không? Dự hành động Tăng không? Ðược lợi dưỡng của Tăng không? Tỳ kheo! Chúng sanh kia không được gia nhập trong Tăng, hành động, lợi dưỡng của Tăng cũng không được dự. Thế Tôn thuyết kệ:
Người kia phát Bồ đề
Không dự hàng chúng Tăng
Hành động của chúng Tăng
Lợi dưỡng cũng không dự.
Tỳ kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà người kia xuất gia, nghe sự hưởng thọ thức ăn tụ lạc, nhưng không dự trong hàng Tăng, hành động, lợi dưỡng của Tăng cũng không dự?
- Bạch Thế Tôn! Vì sao những hạng người kia có thể tịnh thí phước điền, nhưng không dự vào trong Tăng, hành động và lợi dưỡng của Tăng đều cũng không được dự?
Phật dạy:
- Tỳ kheo! Thầy cần gì phải hỏi điều không nên hỏi.
Tỳ kheo bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Người kia làm sao có thể tịnh thí phước điền?
Phật dạy:
- Tỳ kheo! Thầy cần gì phải hỏi điều không nên hỏi.
Tỳ kheo lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Người kia không dự vào trong Tăng, hành động và lợi dưỡng của Tăng cũng không được dự làm sao có thể tịnh thí phước điền?
Bấy giờ, Thế Tôn thấy Tỳ kheo kia thỉnh cầu ba lần, liền mỉm cười, hiện thần thông. Dựa vào loại thần thông mà biến hiện, tướng lông giữa chặn mày phát ra hào quang lớn. Hào quang đó lại có vô lượng trăm ngàn loại màu sắc khác nhau. Thần lực của hào quang chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến chúng sanh ở trong biển lớn. Ai chưa từng thấy nghe hào quang này, nay mới thấy cho nên kinh hãi rợn tóc gáy. Trời phi tưởng phi phi tưởng cũng đều một suy nghĩ này. “Do thần lực của Phật, nên biết hào quang này phát từ giữa chặn mày của Phật, thấy hào quang này rồi ai cũng kinh hãi rợn tóc gáy”.
Ở ba ngàn đại thiên thế giới trời Tứ Thiên Vương cho đến trời Sắc giới, Vô sắc giới, đều đến tinh xá Ca Lan Ðà, vườn Trúc Lâm, thành Vương Xá. Ðến rồi đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu phải vô lượng trăm ngàn vòng, đứng trước Phật, chắp tay cúi cong mình chánh niệm cung kính, không động không dựa, mắt chưa hề nháy, sanh tâm tôn trọng, tâm ái kính, tâm hoan hỷ, tâm sung sướng, tâm kham nhẫn, tâm nhu nhuyến, tâm thanh tịnh, tâm không chướng ngại. Rất muốn nghe pháp đứng sang một bên.
Khi ấy ba ngàn đại thiên thế giới, có đại thần lực của chư thiên, các rồng, Dạ xoa, La sát, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, loài người và không phải loài người. Chủ loài trời, chủ loài rồng, chủ Dạ xoa, chủ Càn thát bà, chủ A tu la, chủ Ca lầu la, chủ Khẩn na la, chủ Ma hầu la già, chủ loài người và chủ không phải loài người. Từ dưới đất cho đến trên cao, không một chỗ nào mà không tràn đầy. Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di của ba ngàn đại thiên thế giới và đủ loài chúng sanh sống trên mặt đất của các thế gian, nhờ thần lực Phật đều thấy hào quang Phật, lòng kinh hãi rợn tóc gáy. Ví như trượng phu có sức mạnh, co duỗi cánh tay trong chốc lát. Cũng vậy, nhờ thần lực của Phật, chỉ trong một niệm hướng về tinh xá Ca Lan Ðà, rừng Trúc Lâm thành Vương Xá mà đến đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh phải ba vòng, đứng trước Phật chắp tay chánh niệm, cúi mình cung kính, sanh tâm tôn trọng, tâm kính yêu, tâm hoan hỷ, tâm vui mừng, tâm kham nhẫn, tâm nhu nhuyến, tâm thanh tịnh, tâm không chướng ngại. Chiêm ngưỡng Thế Tôn mắt chưa từng tạm dừng. Thân đó không động rồi đứng một bên.
Ba ngàn đại thiên thế giới này hoặc trong ngoài thành và chỗ bị che khuất, có sông lớn nhỏ, từ nguồn xuất phát các dòng nước, đều chảy thuận dòng, âm thanh nhẹ nhàng. Lại ở bên trong, các chỗ bị ngăn che trong hư không, đủ loại chim đều cất tiếng hát véo von. Nhờ thần lực của Phật, các âm thanh đều hòa hợp tương ưng. Voi, ngựa, trâu, dê cho đến trâu núi, trâu nước, nhờ thần lực của Phật đều ở yên chỗ mình. Các chúng sanh sống ở biển, nhờ thần lực của Phật, mỗi loài tự phân chỗ sống không xúc não nhau. Chư thiên ở thế giới này nhờ thần lực của Phật đều đứng im lặng, âm thanh cõi trời cũng không vang. Chúng sanh ở các cõi ác, tính độc ác mạnh mẽ, cho đến các loại chống đối nhau, cũng được an lạc; đều nhờ thần lực của Phật, chỉ trong một niệm mà tất cả đều thương mến nhau giống như bạn thân, tâm được lợi ích, tâm an lạc, tâm nhu nhuyến, tâm tạo tác hành động, tâm hoan hỷ, tâm thanh tịnh, tâm không chướng ngại, dáng dấp, mặt mày tươi vui, lời nói nhẹ nhàng không nhanh không thô, nói ra điều gì cũng được mọi người yêu mến. Già trẻ, trung niên đều thích.
Ngay trong lúc này cả ba ngàn thế giới không có một tiếng tằng hắng. Nhờ thần lực của Phật, chúng sanh đều đứng im lặng. Gió thổi nhẹ nhàng mà thơm, chúng sanh thích thú đứng ngắm đều rất vui mừng, cũng không thổi động các cành cây hoa lá cỏ. Ðều nhờ thần lực của Phật, mới có việc như vậy.
Như bậc La Hán nhập vào định diệt tận không còn hơi thở ra vào. Các đại chúng đứng im lặng cũng như vậy. Vì chúng Tỳ kheo kia nhờ vào sức công đức thù thắng đời trước hộ trì và nhờ sức công đức thù thắng của Phật hộ trì.
Bấy giờ, Mạng Giả Xá Lợi Phất biết mọi người đều im lặng, nương thần lực của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo một bên, theo cách của chúng Tăng, gối phải sát đất, chắp tay cúi cong mình, nhất tâm chiêm ngưỡng, vì muốn đại chúng được lợi ích an ổn, tâm thanh tịnh không chướng ngại, muốn được nghe pháp môn mà Tỳ kheo kia hỏi Phật và lý do đức Phật phóng hào quang và chư thiên loài người đều đến tập họp, bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Có nhơn duyên gì mà Như Lai mĩm cười và phóng hào quang. Hiện điềm tốt lành là có lý do; cho đến chư thiên đều đến tập trung rất im lặng. Xá Lợi Phất nói kệ:
Chư Phật tối thắng có nguyên nhân
Vì sao Ngài hiện tướng tốt lành?
Xin Thế Tôn mau thuyết nghĩa này
Vì sao Ngài hiện thần thông lớn
Hơn trăm ngàn chúng sanh
Và hơn na do tha
Ðều đến đây tập hợp
Vì thấy thần thông này
Thế Tôn vì cớ sao
Lại có nhơn duyên này
Trí Phật biết nghĩa đây
Do đâu người tập họp
Xin Thế Tôn thương con
Vì con thuyết nghĩa này
Chư thiên và nhơn loại
Ðều khởi lòng tôn kính
Chắp tay hướng về Ngài
Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn
Chư thiên bỏ cung điện
Thiên tử đều đến đây
Tôn trọng và nghe pháp
Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn
Nên lìa bỏ cung rồng
Vô lượng rồng đều đến
Ngài nên thuyết lý do.
Nghĩa thần biến như vầy
Dạ xoa bỏ cung điện
Nhiều dạ xoa đến đây
Nay Phật nên tuyên thuyết
Ý nghĩa thần biến này.
Xá Lợi Phất nói kệ rồi, đứng im lặng.
Thế Tôn thuyết kệ:
Là trượng phu phạm âm
Rống tiếng sấm vang động
Vì Xá Lợi Phất thuyết
Nghĩa thần biến thế này
Có một tân Tỳ kheo
Xuất gia thọ cụ túc
Tỳ kheo ấy hỏi Ta
Các hàng Ðại Bồ tát
Vì sao khi xuất gia
Hành động như thế nào?
Thọ thức ăn tụ lạc
Sao gọi là tịnh thí
Xá Lợi, vì nghĩa đó
Hào quang giữa chặn mày
Phóng oai đức rộng lớn
Chiếu khắp cả thế giới
Chính vì lý do này
Chư thiên đến tập họp
Chắp tay rất cung kính
Chiêm ngưỡng Lưỡng Túc Tôn
Xá Lợi, chính ý này
Rồng, Dạ xoa đều đến
Mây sấm chớp nổi tan
Ðến chỗ của Như Lai
Xá Lợi, chính vì thế
Nhiều chúng sanh tập trung
Ðều đắc A la hán
Lậu tận đến Niết bàn
Xá Lợi, vì nghĩa này
Vô số chúng tập họp
Nên phát tâm như vậy
Ðiều kiện đến Ðộc giác
Xá Lợi Phất chính vậy
Nên tập họp đến đây
Mặc áo giáp trang nghiêm
Ở nơi trí huệ Phật
Xá Lợi Phất, chính vậy
Nhiều người đến tập họp
Không thối tâm đại thừa
Ðắc Bồ đề tối thắng
Nghe ý nghĩa này rồi
Nên được Phật thọ ký
Rất nhiều người làm ác
Hối hận quyết không làm
Nghe thuyết nghĩa cú này
Ở đời mạt pháp sau
Ngàn ức số chúng sanh
Trụ nơi đạo tối thắng
Trừ Bồ tát đã chứng
Ở đời mạt pháp sau
Nếu trì được kinh này
Trọn không có việc ấy
Trừ Bồ tát đã chứng
Ở đời mạt pháp sau
Nếu ai nghe kinh này
Vô trí, không tin tưởng
Chúng sanh kia tin ít
Không thể phát Bồ đề
Nếu khi nghe kinh này
Vô số người nghi hoặc
Nếu không tin kinh này
Thường ở trong sanh tử
Ðịa ngục là chỗ đi
Súc sanh là vườn rừng
Ở cõi trời cõi người
Không có phần vị ấy
Không phá hoại kinh này
Ở đời mạt pháp sau
Chư thiên và nhơn loại
Ðều chứng A la hán
Nếu thuyết những điều trên
Mà sanh tâm nghi hoặc
Chứng được đạo Ðộc giác
Ở khắp mười phương cõi
Nếu thuyết những điều trên
Tâm không sanh nghi ngờ
Không có không tu thiện
Ðược nghe thuyết như vậy
Nếu thành tựu nghĩa này
Mới nghe được đạo này
Vì các hàng Bồ tát
Ta thuyết kinh pháp này
Trong chúng tu hành rồi
Sẽ thành Lưỡng Túc Tôn.
Thế Tôn dạy Xá Lợi Phất:
- Vị Tỳ kheo kia mới xuất gia chưa được bao lâu. Ngày nay được thọ giới, đến hỏi Ta “ Người phát tâm đại thừa, làm sao hưởng thọ thức ăn tụ lạc mà gọi là thiện thực. Thọ thực rồi có thể làm phước điền cho thí chủ”. Xá Lợi Phất! Vị Tỳ kheo kia hỏi nghĩa này nên vô lượng a tăng kỳ, trăm ngàn na do tha chúng sanh đến đây tập họp đều muốn nghe Ta thuyết nghĩa này.
Xá Lợi Phất! Nay Ta muốn giải thích, trình bày, phân biệt nghĩa này để cho người kém cỏi được dễ hiểu, vô lượng chúng sanh được lợi ích lớn.
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nay đã đúng thời, xin Ngài vì con giảng thuyết.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Nếu khi thuyết nghĩa này, có chúng sanh tâm mê muội là vì sao? Vì vị đại thí chủ đó không có thể suy nghĩ về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Bậc rống tiếng đại sư tử không thể tư nghì. Ðại chúng sanh này không thể suy nghĩ về pháp. Các phàm phu và nhị thừa đó không thể phân biệt, tin tưởng, thâm nhập, hiểu biết, chỉ trừ Ðại Bồ tát bất thối.
Xá Lợi Phất! Ta thấy việc này, nên ba lần Tỳ kheo kia thỉnh cầu mà vẫn im lặng không đáp.
Xá Lợi Phất lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, xin Ngài vì con giảng thuyết, để nhiều chúng sanh được lòng tin chơn chánh.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Nếu khi Ta giảng thuyết nghĩa này chúng sanh mê muội, vì sao? Vì bố thí các pháp đều bất khả tư nghì, cho đến Ta thấy điều này cho nên tuy thầy thỉnh ba lần, mà vẫn im lặng không thuyết.
Xá Lợi Phất lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Vì lợi ích an lạc nhiều chúng sanh vì từ bi thương xót họ, cúi xin Ngài vì con thuyết nghĩa trên. Ở đời vị lai, có Ðại Bồ tát nào phát tâm đại thừa, nghe nghĩa này sanh lòng yêu kính tôn trọng, sẽ được chánh tín tu hành nhiều nghiệp thiện, mặc áo giáp nhẫn nhục để tự trang nghiêm thân mình.
Bấy giờ, Thế Tôn thấy Xá Lợi Phất ba lần cung thỉnh, dạy Xá Lợi Phất rằng:
- Ðại Bồ tát không cần tịnh thí. Vì sao? Ðại Bồ tát từ lúc mới phát tâm cho đến thành đạo, hoàn toàn thường tịnh thí. Vì sao? Vì Ðại Bồ tát thành tựu phước điền cho các chúng sanh nên các chúng sanh nhờ đó được đầy đủ an lạc, dù cúng dường Bồ tát cũng không thể báo được ân của Bồ tát. Thế Tôn thuyết kệ:
Giả sử như có người
Phát tâm cầu Phật trí
Mới phát tâm đến nay
Là ở trong tịnh thí
Còn nếu như có người
Phát tâm cầu Phật đạo
Không cần tu tịnh thí
Vì vốn đã tịnh rồi
Chư thiên và loài người
Thường siêng năng tinh tấn
Bậc dũng kiện vây giữ
Trí huệ Ðại Bồ tát
Cõi của trời và người
Ðều do Bồ tát thành
Bậc trí phát nhất tâm
Ðã thanh tịnh các thí
Không bám dục và sắc
Cùng cõi Vô sắc giới
Bằng tâm không chấp trước
Các thí đều thanh tịnh.
Thế Tôn dạy Xá Lợi Phất:
- Xá Lợi Phất! Ta sẽ dùng ví dụ để Thầy hiểu rõ nghĩa này. Vì sao? Vì Ta thuyết ví dụ là để cho người có trí hiểu rõ nghĩa này một cách chơn chánh. Xá Lợi Phất! Giả sử như có Bồ tát hưởng thọ y phục của chúng sanh cúng dường nhiều khắp cả cõi Diêm phù. Từ lúc mới phát tâm ngày nào cũng thọ dụng. Y phục như vậy đều có thể tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ tát đó là phước điền vô thượng đối với các chúng sanh.
Xá Lợi Phất! Ví như có Bồ tát hưởng thọ thức ăn của chúng sanh cúng dường lớn như núi Tu Mê Lưu, từ lúc phát tâm ngày nào cũng thọ dùng. Thức ăn như vậy đều có thể tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ tát đối với các chúng sanh là phước điền vô thượng.
Xá Lợi Phất! Ví như có Bồ tát hưởng thọ sàng tòa của chúng sanh cúng dường nhiều khắp cả bốn châu thiên hạ, cao như núi Tu Mê Lưu, cũng như núi đó mà đem bảy báu đến để trang sức, dùng thiên y trải lên, y đó rất mềm mại nhu nhuyến. Từ lúc mới phát tâm ngày nào cũng thọ dụng. Sàng tòa vi diệu như vậy đều có thể tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ tát phước điền vô thượng đối với các chúng sanh.
Xá Lợi Phất! Nếu như có cung điện nhà lầu quí báu, cửa sổ của nhiều nhà lầu ấy trang hoàng bằng cờ, lọng, chuông, rèm đủ loại màu sắc. Có 7 lớp tường bao quanh giống như cung điện ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại cũng có vô lượng cây Kiếp Ba, cây AÂm nhạc, cây hương hoa quả, cây anh lạc, mỗi mỗi nơi đều trưng bày vô số bình xông hương, đủ các loại hoa, ao thì đầy nước bát phần, đẹp mà lại trong vắt không cấu uế không bùn nhơ. Hoa thì che trên, dưới đáy thì cát vàng màu nước trong suốt giống như ngọc lưu ly, lan can bảy báu bao bọc xung quanh 7 vòng. Bốn hướng chính đều có lối đi, treo các loại tơ lụa và để bình báu, đủ màu sắc rất đẹp. Trong đó có vô lượng trăm ngàn na do tha tòa bằng 7 báu, Ðông, Tây, Nam, Bắc đều trải tòa, đốt hương, rải hoa, dùng màn báu che lên.
Xá Lợi Phất! Ví như có tòa báu cung điện báu.v.v... như trên, mà chúng sanh đều dâng cúng lên Bồ tát. Bồ tát nhận lấy. Từ lúc mới phát tâm ngày nào cũng hưởng thọ đều có thể tịnh thí. Vì sao? Vì Bồ tát là phước điền vô thượng đối với các chúng sanh.
Xá Lợi Phất! Thầy nên biết! Thiện pháp ở thế gian và xuất thế gian đều do Bồ tát phát sanh ra. Ðó là đại gia Sát đế lợi, đại gia Bà la môn, đại gia trưởng giả, hoặc vua, vua Chuyển Luân, trời Tứ Thiên Vương, trời 33, trời Tu Dạ Ma, trời San Ðâu Suất Ðà, trời Thiên Hóa, trời Tha Hóa Tự Tại và trời Sắc giới, Vô Sắc giới, hoặc trụ ở quả thứ nhất cho đến quả thứ tư, hoặc hướng đến Ðộc giác và đắc Ðộc giác, đắc đạo Vô Thượng Chánh Biến Tri, chuyển Pháp Luân. Nếu người nào nghe được chánh pháp đã thuyết mà hành trì, hành trì rồi tức là trụ ở bốn quả Thanh Văn, cho đến phát tâm cầu Ðộc Giác, hoặc phát tâm Vô Thượng Chánh Biến Tri. Nếu nghe thuyết bố thí liền tu hạnh bố thí. Tu rồi được sanh trong gia đình Sát đế lợi, Bà la môn, Trưởng giả.v.v... cho đến địa vị Chuyển Luân vương. Nếu nghe thuyết về giới liền tu giới nghiệp. Tu rồi được sanh ở trời Tứ Thiên Vương cho đến trời Tha Hóa Tự Tại. Nếu nghe diễn thuyết về bốn tâm vô lượng. Nghe rồi hành trì. Hành rồi được sanh ở cõi Sắc và Vô sắc. Xá Lợi Phất! Vì thế nên biết, tất cả điều này đều do Bồ tát phát sanh.
Xá Lợi Phất! Ví như vua rồng A Na Bà Ðát Bá, dùng sức oai thần của mình mà chia ra bốn sông lớn. Ðó là sông Hằng Già, sông Tân Ðậu, sông Bạc Xoa, sông Tư Ða. Bốn con sông như vậy, tất cả đều có 500 sông nhỏ làm quyến thuộc. Sông Hằng Già và các quyến thuộc chảy vào biển phía Ðông để biển kia được tràn đầy. Sông Tân Ðậu và quyến thuộc chảy vào biển phía Nam để biển kia được tràn đầy. Sông Bạc Xoa và quyến thuộc chảy vào biển phía Tây để biển kia được tràn đầy. Sông tư Ða và quyến thuộc chảy vào biển phía Bắc để biển kia được tràn đầy.
Ý thầy thế nào? Bốn sông lớn này và quyến thuộc, lần lượt chảy vào biển, thực hành đúng chỗ. Chúng sanh bốn phương có lợi ích không?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Làm được vô biên lợi ích đối với chúng sanh. Người và không phải loài người đều được thấm nhuần lợi ích lớn. Những ruộng lúa, đậu, mì ở gần sông đều được thấm nhuần.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Bốn biển kia là do ai làm cho sung mãn?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Do bốn con sông này làm cho sung mãn.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Bốn con sông đó có lợi ích đối với các chúng sanh không?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các chúng sanh ở dới nước hay ở đất liền đều được lợi ích lớn. Ðó là các loại rùa, cá... và người bắt cá. Lại Dạ xoa, La sát, A tu la, Tất Xá Giá Long Xà, Ma Hầu La Già và vô lượng các loại chúng sanh khác. Hoặc các chúng sanh ở cung điện, nhà cửa. Trú xứ đó đủ các loại báu vật như san hô, lưu ly, báu vật trong suốt ở trời Ðế Thích, xa cừ, ma ni đủ loại châu báu, cùng vô số các báu vật ở trú xứ đó đều từ biển cả sanh ra đủ các đồ dùng để làm lợi ích. Lợi ích cho người thọ dụng rất nhiều.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Nước của bốn con sông lớn từ đâu chảy ra?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Từ ao A Na Bà Ðát Bá Ða phát sanh ra.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Vua rồng A Na Bà Ðát Bá Ða đã thoát khỏi ba điều sợ hãi. Những gì là ba:
1- Sợ chim cánh vàng.
2- Sự cát nóng đốt cháy.
3- Khi muốn hành dâm sợ hóa làm hình rắn.
Ba điều sợ hãi ấy đã thoát rồi.
Xá Lợi Phất! Long cung của vua rồng A Na Bà Ðát Bá Ða, chỉ có vị đạt được thần thông, thiền định ở. Nếu có người nào vào, hoặc có thấy đều không bị cháy.
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Long cung kia, đầy đủ thắng pháp hi hữu, kỳ lạ. Các rồng khác có điều sợ hãi nhưng vua rồng kia hoàn toàn không có điều đó. Chúng sanh ở chỗ ấy và ai vào trong đó cũng không sợ hãi điều gì là nhờ những vị đại thần thông có oai đức ở chỗ đó. Bạch Thế Tôn! Chỉ vua rồng A Na Bà Ðát Bá Ða mới có đầy đủ vô lượng công đức phát ra bốn sông lớn chảy về bốn hướng biển, làm lợi ích an lạc cho chúng sanh.
Phật dạy:
- Ðúng thế! Ðúng thế! Xá Lợi Phất nên biết Ðại Bồ tát cũng lại như vậy. Xá Lợi Phất! Như vua rồng A Na Bà Ðát Bá Ða thoát khỏi ba điều sợ hãi. Ðại Bồ tát cũng thoát khỏi ba điều sợ hãi. Những gì là ba:
- Sợ hãi ở cõi địa ngục.
- Sợ hãi ở loài súc sanh.
- Sợ hãi ở cõi ngạ quỉ.
Xá Lợi Phất! Giống như ao lớn A Na Bà Ðát Bá Ða phát ra bốn sông lớn chảy đến bốn hướng. Bồ tát cũng vậy dùng bốn nhiếp pháp để nhiếp hóa chúng sanh: 1- Bố thí; 2- Ái ngữ; 3- Lợi hành; 4- Ðồng sự.
Xá Lợi Phất! Như biển lớn kia là xuất phát ra từ ao A Na Bà Ðát Bá Ða. Chánh Biến Tri của chư Phật phát sanh từ Bồ tát. Xá Lợi Phất! Như biển lớn kia có vô lượng trăm ngàn na do tha câu chi chúng sanh đều sống ở đó được đầy đủ an lạc. Nên biết chúng sanh ở ba cõi này cũng đều nương vào biến trí của chư Phật mà an trụ. Ðó là Dục hữu, Sắc hữu và Vô sắc hữu.
Xá Lợi Phất! Do nghĩa này nên biết các sự an lạc ở ba ngàn đại thiên thế giới đều do Bồ tát mà phát sanh. Vì sao? Vì Bồ tát khi phát tâm liền tu hành. Ðã tu hành liền được thọ ký. Ðã thọ ký thì đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Chứng đắc Bồ đề rồi liền chuyển Pháp luân.
Pháp luân như vậy trước đây chưa ai chuyển dù cho Sa môn, Bà la môn, trời, ma, phạm và các chúng sanh khác cũng không thể chuyển được. Khi vì chúng sanh chuyển pháp luân, pháp được vị ấy thuyết chặn đầu, giữa, sau đều hoàn hảo, nghĩa vị đầy đủ thuần nhất thanh tịnh, thuyết về phạm hạnh để cho bốn chúng biết. Bốn chúng là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nhờ nhơn duyên này vô lượng vô số chúng sanh hưởng thọ an lạc của trời người không chấm dứt, chấm dứt khổ não, không lìa niềm vui.
Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Pháp lạc như vậy từ đâu phát sanh?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Phát sanh từ Bồ tát.
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Thầy thấy các pháp được truyền bá trong ba cõi, từ ai mà sanh ra?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Phát sanh từ Bồ tát.
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Các vật cúng dường ở trong ba cõi, nếu đem dâng cúng tất cả cho Bồ tát thì có thể báo được ân đức của Bồ tát đã làm lợi ích không?
- Bạch Thế Tôn! Không! Vì sao? Vì tất cả đều phát sanh từ Bồ tát. Bạch Thế Tôn! Như có người nghèo, nghèo khổ không có tiền tài phẩm vật. Có người giàu có phát tâm từ bi đem trăm ngàn vô lượng vô số các tài sản vật báu cho người nghèo kia. Lại có người nghèo thứ hai, thứ ba cũng cho như vậy, cho đến đem các tài vật báu cho cả trăm ngàn vô lượng vô số các chúng sanh đều được đầy đủ giàu sang. Nếu bị các nổi khổ sở, lo sợ, tranh giành, trói buộc, bắt bớ đều làm cho thoát khỏi. Lại còn thoát khỏi các nổi khổ nơi đường ác, khiến cho đầy đủ vô lượng an lạc ở trời người.
Trong chúng sanh đó có một người dùng ngọc thủy tinh chia làm trăm phần. Lấy một phần trong một trăm phần ấy, đem đến chỗ vị ân nhân trước nói rằng:
- Trước, ông đã làm nhiều điều lợi ích cho tôi. Nay tôi đến báo ân ông điều này.
Bạch Thế Tôn! Ðối với việc chúng sanh kia làm lợi ích một người mà chỉ dùng một phần tinh châu đem cho bậc trượng phu. Ðây có gọi là báo ân không?
Phật dạy:
- Không.
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ðúng vậy! Bạch Thiện Thệ! Ðúng vậy. Bồ tát kia giống như đại trượng phu làm lợi ích lớn cho chúng sanh. Một người mà chỉ dùng một phần ngọc thủy tinh thì không thể báo ân được. Cũng vậy, Bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm đại thừa, chúng sanh đem tâm tùy hỷ cúng dường cho đến cúng dường trọn đời. Tuy làm việc như vậy cũng không thể báo ân được.
Phật dạy:
- Rất hay! Rất hay! Xá Lợi Phất! Thầy rất khéo thuận theo lời dạy của Phật. Làm những việc xứng đáng đệ tử Phật. Xá Lợi Phất! Nếu các chúng sanh đem da thịt, gân máu, xương tủy của mình, hoặc xả bỏ thân này cho đến cả trăm ngàn lần vì muốn làm lợi ích để báo ân Bồ tát. Cũng không báo ân được một phần trăm cho đến một phần trăm ngàn, một phần a tăng kỳ, toán số, thí dụ cũng không thể báo ân được.
Vì sao? Xá Lợi Phất! Vì nếu ai phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác đều phải làm lợi ích lớn đối với các chúng sanh. Xá Lợi Phất! Ví như ở Diêm phù đề này có cây Chiên đàn na. Khi mới nảy mầm, bé trai, bé gái nào có bệnh hoạn thì lấy mầm cây này dùng sẽ chữa được bệnh hoạn. Khi ra lá, đàn ông, đàn bà, trai, gái có bệnh hoạn, lấy lá cây này dùng sẽ hết bệnh ngay. Khi cây to lớn ai đi vào bóng mát của nó thì có bệnh cũng đều trừ diệt được. Sau khi ra quả, ánh sáng của nó chiếu khắp mười phương thế giới. Nếu có chúng sanh nào nhớ nghĩ đến ánh sáng này thì sẽ không bị già, bệnh, chết. Nếu chặt cây này lấy gỗ cũng không sợ bị nghèo khổ. Cây bị chặt rồi cũng còn có lợi ích. Nếu lấy cây làm phòng nhà. Ai vào trong nhà đó thì những sự sợ hãi đều diệt trừ, cũng không bị lạnh, nóng, đói, khát.
Như vậy, Xá Lợi Phất! Cây Chiên đàn na này từ lúc nảy mầm, ra lá, hoa, quả rồi to lớn cho đến lúc chặt phá để làm nhà đều làm lợi ích lớn cho các chúng sanh.
Xá Lợi Phất! Nên biết, Ðại Bồ tát khi phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác, dùng bốn nhiếp pháp nhiếp hóa chúng sanh. Ðó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự làm cho chúng sanh đều được an lạc. An lạc rồi liền tu tập ba môn giải thoát. Ðó là không, vô tướng, vô nguyện. Khi đã tăng trưởng điều đó liền hoàn toàn đắc pháp Vô sanh nhẫn, cho đến cứu cánh được quả Biến Trí. Ðắc quả ấy rồi, sẽ nhập cảnh giới đại Niết bàn vô dư, rồi diệt độ. Khi diệt độ, tự phân xá lợi nhỏ như hạt cải, nhưng vẫn trụ ở đời.
Xá Lợi Phất! Như cây Chiên đàn na, phá lấy gỗ, các nhánh đều bỏ. Ai vào trong nhà đó các nhiệt não dục vọng không còn phát sanh lại nữa. Xá lợi của Như Lai cũng lại như vậy. Xá Lợi Phất! Nương nghĩa này, nên biết, nếu các thiện nam hay thiện nữ nào phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác mới báo được ân đức trên kia. Vì sao? Xá Lợi Phất! Vì ai phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác tức không đoạn tuyệt giáo pháp của Như Lai, không đoạn tuyệt pháp ThanhVăn, Ðộc Giác mà có thể đoạn trừ các khổ của chúng sanh và nổi khổ của trời người.
Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Có người nào khác cùng với người kia giống nhau không?
- Bạch Thế Tôn! Không.
- Người kia hoặc là người, trời, ma, phạm, Sa môn, Bà la môn hay các chúng sanh khác đem nhiều sự an lạc đến cúng dường Bồ tát, cũng không thể báo được ân đức trước kia.
Xá Lợi Phất! Nếu đem hết một kiếp, hoặc giảm một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn câu chi, na do tha kiếp cúng dường các sự an lạc cho Bồ tát có thể báo ân được không?
- Bạch Thế Tôn! Không.
- Xá Lợi Phất! Ðúng như lời thầy nói! Nếu thiện nam thiện nữ nào muốn báo ân đức kia thì nên phát tâm Vô Thượng Bồ đề, mới có thể cùng người kia giống nhau, là báo được ân đức trên.
- Bạch Thế Tôn! Ðúng như vậy! Như người kia đem cho không bằng người khác rồi hoàn trả lại giống như người kia đem cho mà gọi là báo ân. Nếu người ở hiện tại muốn báo ân chỉ nên phát tâm Vô thượng. Thiện nam, thiện nữ ở đời vị lai muốn báo ân vô thượng chư Phật cũng phải phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Như vậy mới được gọi là báo ân.
- Xá Lợi Phất! Có hai hạng người đem tâm Vô thượng cúng dường Như Lai. Hai hạng người là ai? Có người đoạn tận các lậu, có người phát tâm Vô thượng Bồ đề. Khi ấy Thế Tôn thuyết kệ:
Chỉ có hai hạng người
Có thể cúng dường Phật
Lậu tận phát Bồ đề
Ðó là hai hạng người
Các thế gian ba cõi
Cũng không có tài thí
Ðem dâng bậc đại sĩ
Mà báo ân cho Ngài
Các sắc thanh hương vị
Ưa thích và ca ngợi
Dâng cúng cho vị ấy
Cũng không gọi cúng dường
Nếu phát tâm Bồ đề
Thì được quả Bồ đề
Không sự cầu nơi đây
Là cúng dường trên hết
Chư thiên và thế gian
Và các ma ở đời
Ai cần đều đem cho
Cũng không gọi báo ân
Dù chỉ có một chút
Cũng không sanh ham muốn
Ðối với bậc đại sĩ
Không gọi là cúng dường
Nếu có người muốn được
Cúng dường cho đức Phật
Cầu phát tâm như vầy
Cầu nơi đạo Bồ đề
Nếu muốn làm công đức
Vô số không thể lường
Nên phát tâm Bồ đề
Mau làm điều quan trọng
Nếu muốn cầu thiền định
Muốn tu vô lượng niệm
Nên sanh lòng tinh tấn
Là nhơn duyên trí Phật
Nếu muốn nhiều an lạc
Dẹp trừ các nổi khổ
Cần phải phát tâm này
Là Bồ đề của Phật
Nếu muốn thấy vô lượng
A tăng kỳ chư Phật
Làm điều tôn quí rồi
Hỷ lạc phát Bồ đề
Nếu người kia muốn đến
Vô biên các thế giới
Nên phát đại tinh tấn
Hỷ lạc phát Bồ đề
Lòng người được hỷ lạc
Thấy chư Phật quá khứ
Cần phát tâm Bồ đề
Nên tu hạnh Bồ tát
Nếu người muốn mau thấy
Chư Phật đời vị lai
Cần phát tâm Bồ đề
Nên tu hạnh Bồ tát
Nếu người muốn được thấy
Chư Phật đời hiện tại
Người kia thường hỷ lạc
Là do tu Bồ đề
Nếu người khởi lòng từ
Muốn biến các chúng sanh
Cần sanh tâm như vầy
Là tâm Bồ đề Phật
Ðối với các chúng sanh
Muốn họ thoát khổ não
Cần phải siêng năng học
Trí huệ vô thượng kia
Nếu muốn cho chúng sanh
Vô lượng vô biên lạc
Cần phải phát tâm này
Cầu Bồ đề của Phật
Nếu người muốn xả bỏ
Khổ não các đường ác
Cần phải phát tâm này
Là cầu nơi Bồ đề
Công đức kia vô biên
Không thể nói hết được
Nếu phát tâm như vậy
Sẽ giác ngộ Bồ đề.
Phật thuyết kệ rồi, Xá Lợi Phất bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Pháp môn này Ngài thuyết có bao chúng sanh phát tâm Vô Thượng Bồ đề?
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Thầy cần gì phải hỏi sự việc này. Vì sao? Xá Lợi Phất! Với đại trí của Như Lai có thuyết thì tâm vô biên chúng sanh đều mê hoặc. Vì sao? Xá Lợi Phất! Vì giới đức, định lực, trí huệ, thần thông của Như Lai đều không có lường. Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Có người có thể biết hư không có biên giới chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì biên tế của hư không ở đời quá khứ không thể biết, vị lai, hiện tại cũng không thể biết.
- Ðúng vậy! Xá Lợi Phất! Ðại trí của Như Lai, Thanh Văn, Ðộc Giác, chúng sanh ở vị lai, hiện tại đều không thể biết. Vì sao? Xá Lợi Phất! Vì đây là trí Phật chẳng phải cảnh giới của Thanh Văn hay Ðộc Giác.
- Bạch Thế Tôn! Thật là điều chưa từng có. Các chúng sanh phát tâm Bồ đề, chắc chắn sẽ hiểu rõ được trí như vậy.
- Xá Lợi Phất! Ðúng vậy, đúng vậy! Ðúng như lời thầy nói. Các chúng sanh, Ðại Bồ tát sẽ chắc chắn hiểu rõ trí như vậy.
- Bạch Thế Tôn! Ðại Bồ tát kia làm sao chắc chắn hiểu rõ trí này?
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Chúng sanh ở Diêm phù đề này, hoặc ở đất liền, dưới nước, trên không, mặt đất, tu hành lần lần sẽ được thân người. Nếu có người dạy họ giữ gìn năm giới hoặc an trụ mười việc lành. Xá Lợi Phất! Thiện nam, thiện nữ này nhờ nhơn duyên ấy, công đức được nhiều không?
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Cho đến không thể ví dụ được.
- Xá Lợi Phất! Nay Ta lại thuyết để thầy nghe được an lạc. Chúng sanh ở Diêm-phù-đề đều giữ gìn năm giới và đầy đủ mười nghiệp thiện. Người này sẽ được công đức. Lại có một người chỉ dạy một người trụ ở địa tín hành. Thiện nam, thiện nữ này được công đức nhiều hơn kia.
- Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Nếu có người dạy hết chúng sanh ở trong cõi Diêm-phù trụ ở địa tín hành, công đức có nhiều không?
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Công đức người kia không thể ví dụ nhiều hơn người trên vô lượng vô biên.
- Lại Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào chỉ dạy một người trụ ở địa tín hành được công đức rất nhiều. Dạy hết chúng sanh trụ ở địa tín hành, không bằng dạy một người trụ ở địa thứ bát, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh trụ ở địa thứ bát không bằng dạy một người trụ ở quả thứ nhất, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở cõi Diêm phù trụ ở quả thứ nhất không bằng dạy một người trụ ở quả thứ hai, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở cõi Diêm-phù trụ ở quả thứ hai không bằng dạy một người trụ ở quả thứ ba, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở cõi Diêm-phù trụ ở quả thứ ba không bằng dạy một người trụ ở quả thứ tư, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở cõi Diêm-phù trụ ở quả thứ tư không bằng dạy một người trụ ở đạo Ðộc Giác, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở cõi Diêm-phù trụ ở đạo Ðộc Giác không bằng dạy một người trụ tâm nơi Vô Thượng Bồ đề, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh trụ tâm Vô Thượng Bồ đề không bằng dạy một người trụ ở pháp Bất thối, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở Diêm-phù trụ ở pháp Bất thối không bằng dạy một người mau chóng đắc Biến Trí, công đức nhiều hơn. Dạy hết chúng sanh ở Diêm phù mau chóng đắc Biến Trí không bằng có người ở trong pháp môn này sanh trí Bồ tát, phá các nghiệp ma, bỏ năm tụ không lệ thuộc cảnh giới, lìa các nhập, phá hoại phiền não, giữ gìn pháp thanh tịnh, diệt trừ pháp hắc ám. Dùng các pháp kinh vương tối thượng này mà thuyết giảng cho người khác công đức này nhiều hơn kia vô lượng.
Xá Lợi Phất! Ðể cõi Diêm-phù cho đến bốn châu qua một bên. Như vậy nếu chúng sanh ở cả ngàn thế giới, hai ngàn thế giới, ba ngàn đại thiên thế giới cho đến hằng hà sa số thế giới ở phương Ðông, hoặc có sắc, không sắc, có tưởng không tưởng, chẳng có tưởng chẳng vô tưởng, loài dưới nước, trên đất liền, loài sanh bằng trứng, sanh bằng thai, loài sanh nơi ẩm thấp, loài hóa sanh. Ðủ loại như vậy, tu hành lần lần đều được thân người, cho đến chúng sanh ở mười phương thế giới cũng tu hành lần lượt được thân người. Nếu người nào hết lòng dạy họ trụ nơi năm giới và đầy đủ mười thiện nghiệp. Xá Lợi Phất! Ý thầy thế nào? Công đức của người kia có nhiều không?
- Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều. Vô lượng vô biên không thể ví dụ.
- Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với các pháp kinh vương tối thượng này, nghe mà không phỉ báng, lại tăng thêm lòng thích nghe rồi thọ trì, đọc tụng, dạy cho người khác. Ðem công đức trên so với công đức này không bằng một phần trăm, phần ngàn, phần trăm ngàn, phần câu chi, phần trăm ngàn na do tha câu chi, cho đến toán số thí dụ cũng không thể sánh bằng.
Lại nữa, Xá Lợi Phất! Nếu dạy chúng sanh ở mười phương thế giới đều trụ ở pháp tín hạnh, bát nhơn, tứ quả, Ðộc giác.v.v... cho đến phát tâm trụ ở pháp bất thối, pháp vô sanh nhẫn mau đắc Biến Trí. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đối với các pháp kinh vương tối thượng mà thọ trì đọc tụng, giảng rộng cho người khác. Công đức này đối với công đức trên là tối thắng, là tối thượng là tối đa, là tối diệu, là rất vi diệu, là vô tỷ là vô thượng là trên vô thượng, là không tương tợ. Ở trong không tương tợ được phước không tương tợ.
Xá Lợi Phất! Dùng nghĩa này nên biết chúng sanh kia chắc chắn hiểu rõ trí này, phát tâm Vô Thượng Bồ đề, nghe pháp môn này sanh tín tâm. Xá Lợi Phất! Chúng sanh như vậy nên được gọi là Bất thối chuyển, gọi là giải thoát, là độ tận, là tịch tịnh, là đại tịnh tịnh, là trong sạch, là điều phục, là vô thượng, là trên vô thượng, là đến Niết bàn, là đã diệt độ, là có thể thuyết pháp, là có thể thuyết nghĩa, là thuyết thật, là thuyết chơn, là làm theo lời nói, là bỏ gảùnh nằng, là lìa dục, là lìa sân, là lìa si, là vô cấu, là rửa sạch rồi thanh tịnh, là đến bờ bên kia, là người nghe, là vứt bỏ dục, là vứt bỏ sân, là vứt bỏ si, là diệt sạch các ác, là Phật tử, là phước điền, là dõng mãnh, là trượng phu dõng kiện, là chiến thắng phần sắc, là chiến thắng quân khác, là sư tử, là trượng phu, là đại trượng phu, là trượng phu thù thắng, là trượng phu vô úy, là trượng phu có trí, là trượng phu đại có chí, là trượng phu điều thuận, là vua trâu trượng phu, là trượng phu siêu việt, là trượng phu dõng kiện chiến thắng, là người trong sư tử, là người trâu, là rồng, là trời, là trời trong loài trời, là Bà la môn, là lìa ác, là không trở ngại, là không triền phược, là không keo kiệt, là không độc, là chẳng ngu, là bất cọng, là bất ly, là lời nói không tạp, là lời nói chánh niệm, là lời nói vô thượng, là lời nói trên vô thượng, là lời nói tối thắng, là lời nói không nhiễm, là lời nói không đắm trước, là lời nói không triền phược, là lời nói chắc chắn, là nói điều gì đều thật, nói điều gì đều chơn, là đầy đủ các công đức, là người làm điều nên làm, là việc cần làm đã xong, là các việc làm đều thành đạt, là đầy đủ tàm quí, là làm nhiều, là làm nhiều lợi ích, là từ, là đầy đủ các pháp công đức, là bỏ các điều phi công đức, là đầy đủ các việc, là bất nhiễm, là bất nhiễm cùng khắp, là không nhiếp không sợ, là không sợ hãi, là không lo sợ, là không hoảng hốt, là không thể suy nhược, là không buông thả, là vô lượng vô biên công đức, hành pháp đầy đủ, là núi, là núi Tu Mê Lưu, là núi Mê Lưu, là núi Luân, là núi Ðại luân, là không thể động, là người bố thí, là chủ bố thí, là có gì sở hữu đều bỏ, là thiện thí, là nhan sắc dung hòa vui vẻ, là bố thí đầy đủ, là trì giới, là nhẫn nhục, là tinh tấn, là thiền định, là trí huệ, là tu thần thông, là thần thông đã thành đạt, là đến các xứ, là đại thế chí, là lực chí, là đến chỗ an ổn, là đã độ đến bờ kia, là học các việc Phật, là đoán hành sự Phật, là đối với các pháp Phật đều được viên mãn nguyện lực, là phá các oán ma, là các độc hại không bị không chế, là làm cho sức lực của ma bị suy yếu, là làm tan rã quân chúng ma, là làm cho quân ma bỗng dưng hư hoại, là ngồi đạo tràng Phật đạo, là đã chế ngự các độc hại, là trừ quân ma đối địch, là tùy thuận giác ngộ, là khiến cho nghịch lưu thành thuận lưu, là bỉ ngạn, là có thể cứu độ, là đã cứu độ, là tự đắc giải thoát, là phá ngầm, là mặt trăng, là mặt trời, là ánh sáng vô biên, là ánh sáng vô ngại, là ánh sáng bất tư nghì, là ánh sáng khó xưng, là ánh sáng bất khả lượng, là ánh sáng đến các nơi, là ánh sáng chiếu khắp, là không nhiễm trước cõi dục, là không nhiễm trước cõi sắc, là không nhiễm trước cõi vô sắc, là giải thoát khỏi địa ngục, là giải thoát khỏi súc sanh, là giải thoát khỏi ngạ quỉ, là làm cho địa ngục được mát mẻ, là làm cho súc sanh được mát mẻ, là làm cho ngạ quỉ được mát mẻ, là có thể cho những gì ai cần, là xả bỏ các điều suy kém, là diệt các khổ, là thị hiện niềm vui, là Chuyển luân vương, là cha thế gian, là vượt thế gian, là giải thoát thế gian, là thoát khỏi thế gian suy kém, là thị hiện kín đáo, là kiến lập Bồ tát, là phát khởi Bồ tát, là khai mở kho chứa ngầm, là thị hiện bí mật của chư Phật quá khứ, là điều không thể suy nghĩ có thể suy nghĩ, là đầy đủ pháp vô biên, vô tế công đức.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng tâm thanh tịnh trang nghiêm phát ra âm thanh đầy đủ công đức. Ðó là lời tối thượng, lời giáo tha, lời thuận nghĩa, lời thậm thâm, lời bất khả phục, lời vi diệu, lời khai mở, lời hỷ lạc, lời thanh tịnh, lời vui tai, lời hướng tâm, lời khả ái, lời đầy đủ, lời được nhiều người yêu thích, lời hoạt bát, lời trôi chảy, lời khéo độ trước sau, lời yêu thích như con mình, lời nói hoàn hảo, lời dễ nghe, văn tự tương tục rõ ràng, khéo đoán các việc nghi ngờ, hạnh thuần nhất chơn thật, lời thấm nhuận, lời tợ âm thanh Phạm thiên, âm thanh vi diệu như sấm, lời nói rõ ràng chơn thật, âm thanh giống như tiếng chim Ca lăng tần già, lời nói trong trẻo chơn thật, lời nói có thể làm thanh tịnh bạn bè, đoán vô lượng việc nghi hoặc, lời nói không dựa dẫm, lời nói có thể làm an ổn người khác, lời khả niệm, lời nói có thể làm mỏng đi các kiết sử, lời làm các nhập viên mãn, lời đoạn trừ các tránh luận, lời nói từ trước đến nay đều thiện không dối trá, phát lời chơn thật phi cú nghĩa, cả trăm ngàn lời đều tương ưng, dùng trí huệ ca ngợi khiến cho thế gian yêu thích và được an lạc, cùng với pháp môn nghĩa lý đệ nhất, lời mất quá khứ, lời cùng tương ưng, tương ưng đúng thời, lời có thể kêu, lời không có phân biệt danh từ nghĩa cú, lời chắc chắn thanh tịnh các cú nghĩa, lời diệt trừ nhiều mũi nhọn của dục, lời diệt trừ nhiều mũi nhọn của sân, lời diệt trừ nhiều mũi nhọn của si, lời có thể thị hiện nhiều việc lý, lời chứng vô biên nghĩa lý, lời xa lìa sáu thú, lời xa lìa các đạo, lời xa lìa các luận bàn ngoại đạo nói về sự việc Chư thiên, nói về sự việc của loài Rồng, nói về sự việc của Dạ xoa, nói về sự việc của Kiền thát bà, nói về sự việc của A tu la, nói về sự việc của Già lưu trà, nói về sự việc của Khẩn na la, nói về sự việc của Ma hầu la già, thuyết âm thanh từ bi nhẫn nhục, làm cho người khác hoan hỉ tin tưởng giáo lý, lời không dua nịnh, lời có mặt khắp nơi, lời không chỗ nhiễm trước, lời không điên đảo, lời tự trọng không láu lỉnh, lời thường thật đúng pháp định, lời không dối trá, lời không thiên lệch, lìa lời u tối khổ sở, thành lợi ích khéo tương ưng, dạy người mau chóng đầy đủ, lời tối thắng tin tưởng, lời phá trừ, lưu chuyển hắc ám, lời xa lìa xấu xa chống trái mất cú nghĩa, phát ra lời phân biệt các cú nghĩa, diệt trừ cú nghĩa luận bàn ngoại đạo, lời chắc chắn không nghi hoặc, diệt trừ các pháp khổ, làm cho nó không còn, lời tối thượng chơn thật thanh tịnh tự nhiên, lời nói cùng tương ưng các thiện pháp làm cho hoan hỷ, thuyết các thiện pháp cùng tương ưng lời tịch tịnh, lìa các cấu nhiễm thuần tịnh tương ưng với đệ nhất nghĩa, đoạn nhiều sự nghi ngờ tương ưng, lời thanh tịnh tương ưng với tâm thanh tịnh, không tương ưng với lời nói phi nghĩa, lời tương ưng với các ngôn ngữ biện tài có thể thuyết, lời nói tùy theo các dục mà diễn rộng ra, dùng các ngôn ngữ thế gian làm cho chúng sanh vui mừng, lời nói được nhiều người yêu kính, lời tương ứng, lời giải thoát, lời khéo giải thoát, lời tối thắng, âm thanh bậc vua chúa, lời khéo tương ưng với âm thanh an ổn, lời nhiếp thủ tương ưng với các bạch pháp, lời cứu cánh hoàn toàn, lời phóng ánh sáng vô biên, lời làm ánh sáng vô biên, có thể giải thích chỗ hỏi về pháp trí vô biên, lời có thể độ thoát, thuyết tương ưng với pháp lạc, thuyết văn tự cú nghĩa hoàn toàn, lời khéo rốt ráo, thuyết tương ưng với văn tự cú nghĩa, thuyết tương ưng với cú nghĩa văn tự vô tất, thuyết tương ưng với cú nghĩa văn tự tri túc, thuyết tương ưng với cú nghĩa văn tự thị hiện đầy đủ an lạc, lời thị hiện vô lượng thiện căn, thuyết tương ưng với vô lượng thiện căn, dùng lời tương ưng với sự trang nghiêm của Phật mà trang nghiêm, thuyết tương ưng với cú nghĩa vô biên, thuyết văn tự cú nghĩa không đến không đi, rất đoan chánh, thuyết văn tự cú nghĩa vô ngại, lời khéo rốt ráo, thuyết lời tương ưng với chư thiên, a tu la, để dạy họ không dứt, thuyết tương ưng với cú nghĩa văn tự, lời nói không khiếm khuyết, thuyết tương ưng với cú nghĩa, lời không tạp loạn, thuyết tương ưng với cú nghĩa, lời không trì hoãn, thị hiện lời nói rõ ràng, làm việc rõ ràng, thiện hiện rõ ràng và làm việc rõ ràng, thị hiện lời nói siêu việt, thị hiện lời nói vượt hơn siêu việt, thị hiện lời nói siêu việt và vượt quá siêu việt, thuyết về hạnh khéo trì y bát, đối với vị giáo thọ cần phải tôn trọng siêng năng hộ trì để tương ứng, đối với bậc thân giáo sư phải tôn trọng, siêng năng hộ trì để được tương ưng. Luôn luôn thanh tịnh pháp trí, tịnh rồi lại làm cho thanh tịnh thêm. Siêng năng hộ trì văn tự cú nghĩa đệ nhất. Khéo thuyết Ðà la ni, Tu đa la (kinh), khéo thuyết kinh Tam luân, Bồ tát tạng, Bát nhã Ba-la-mật-đa, khéo thuyết lưu chuyển Ma ni tạng, khéo thuyết tám vạn bốn ngàn pháp tụ, lại thị hiện trăm ngàn pháp, phát khởi Bồ tát khiến phát tâm Bồ đề nguyện được thấy Phật pháp trong ba đời, không bị nhiễm trước, đã giải thoát, hoàn toàn giải thoát, âm thanh đến cõi Phạm thiện, cõi Phạm âm, âm thanh như tiếng chim hót, xa lìa âm thanh về dục, xa lìa âm thanh về sân, xa lìa âm thanh về si, âm thanh chư Phật tùy hỷ, chư Phật tán thán.
Tất cả các loại âm thanh như vậy đều phát ra, Thế Tôn hộ trì 32 tướng Pháp luân vương, Như Lai đầy đủ tám phần tối thắng đệ nhất. Vô lượng ngàn loại dùng để ca ngợi. Ngay lúc ấy thuyết kệ:
Ai phát tâm Bồ đề
Người này quyết định đến
Không cần sanh nghi hoặc
Ta không đắc Như Lai
Người này được nhiều phước
Không thể ví dụ được
Phước đức của người này
Từ Bồ đề phát sanh
Vô lượng vô biên số
Chúng sanh ở các cõi
Phước này hơn phước trên
Như ta, nói ở trên
Phước đức của người này
Tối thắng hơn người kia
Với người phát Bồ đề
Không có phước nào hơn
Ngoài kinh này đã thuyết
Không có kinh nào hơn
Ai học được kinh này
Gọi là được phước lợi
Nếu ai nghe kinh này
Phật tử theo lời dạy
Phước điền và điều phục
Ta thuyết tịnh tịch này
Nếu ai nghe kinh này
Là trời rồng sư tử
Người dõng mãnh không sợ
Là giải thoát nhu hòa
Tin tưởng nơi kinh này
Ðại kinh vô thượng tôn
Thiên trung thiên trên trời
Vô thượng trong chúng sanh
Huống chi là được nghe
Tôn trọng và tuyên thuyết
Biện tài của người kia
Cùng cực không thể nói
Ai nghe pháp môn này
Ðược biện tài như kia
Ai thọ trì kinh này
Nhẫn nhục không có sân
Hành giới không yếu kém
Mắt trí huệ trong sáng
Nếu ai tin kinh này
Là đắc trí vô biên
Tôn trọng vị pháp sư
Như yêu kính cha mẹ
Ai trì được kinh này
Ðại trí huệ Bồ tát
Không dựa vào dục giới
Sắc giới và Vô sắc
Ai trì được kinh này
Lạc bậc Ðại Bồ tát
Mau chóng hướng được đến
Vô thượng Bồ đề tràng
Ai trì được kinh này
Ðại trí huệ Bồ tát
Tan biến sợ nhỏ nhặt
Chúng Vô thượng Bồ đề
Ai trì được kinh này
Ðại trí huệ Bồ tát
Sẽ lưu chuyển pháp luân
Mà đời không thể chuyển
Ai trì được kinh này
Ðại trí huệ Bồ tát
Thế Tôn đã thọ ký
Sẽ thấy Phật ba đời
Ai trì được kinh này
Ðại trí huệ Bồ tát
Là đã nhập diệt độ
Như chư Phật không khác.
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Hi hữu thay! Bạch Thế Tôn! Như Lai đã lược thuyết giáo pháp cho các Bồ tát. Chư đại Bồ tát dù đã trải qua a tăng kỳ kiếp tu hạnh Bồ tát nhưng chưa giác ngộ đạo Vô Thượng Chánh Biến Tri, cũng chưa đắc trí Vô Thượng Chánh Biến Tri. Bạch Thế Tôn! Trong kinh này Ngài đã thuyết pháp vô thượng, các chúng sanh kia rất được nhiều lợi ích, ở ngay đời hiện tại được nghe Phật thuyết kinh tối thượng này, đó là pháp môn, Chư pháp thượng vương. Lành thay! Bạch Thế Tôn! Pháp môn như đây nay lại được thuyết. Vì sao? Vì theo hiểu biết của con về ý nghĩa sự thuyết pháp của Phật là chư Phật quá khứ đã diệt độ vì các chúng sanh đã thuyết chánh pháp này, làm tối thượng, đó là pháp môn Chư pháp thượng vương. Chư Phật ở đời vị lai cũng dùng kinh này làm pháp tối thượng để thuyết, đó là pháp môn Chư pháp thượng vương. Con cũng được ở chỗ Thế Tôn, nghe thuyết pháp môn Vô thượng, đối với văn nghĩa nhất định được hiểu rõ, như con đã từng được nghe pháp vô thắng này. Lành thay! Bạch Thế Tôn! Ngài đã liên tục vì con mà giảng thuyết pháp môn tối thắng này.
Phật dạy:
- Xá Lợi Phất! Ta tùy theo thời khắc, tùy theo sự tin tưởng hiểu biết nơi tâm chúng sanh kia, tùy theo suy nghĩ nơi tâm chúng sanh kia mà nhiếp thọ cho họ. Xá Lợi Phất! Ðây là Phật trí, chẳng phải là cảnh giới của Thanh Văn, Ðộc Giác.
Khi thuyết pháp môn này tám vạn bốn ngàn người phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, sáu vạn chúng sanh phát tâm Bồ đề, 70 câu chi Dục Hạnh thiên chưa phát tâm Vô Thượng Bồ đề nay đều phát. 30 câu chi chúng sanh đắc pháp Vô sanh nhẫn, vô lượng địa cư, chư thiên, rồng.v.v... vị nào chưa từng phát tâm Bồ đề nay đều phát.
Xá Lợi Phất! Vì nghĩa này, nay ta lại thuyết rộng pháp môn tối thắng này. Ðúng ngay lúc ấy có vô lượng ngàn chúng sanh, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, đứng im lặng chắp tay hướng về phía Phật chiêm ngưỡng dung nhan Thế Tôn.
Khi ấy, Thế Tôn liền mĩm cười. Khi chư Phật mĩm cười, từ nơi miệng phát ra ánh sáng đủ loại màu sắc, vô lượng trăm ngàn màu sắc. Ðó là màu xanh, vàng, đỏ, trắng sắc trong như pha lê, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, biến chiếu cùng khắp che lấp mặt trời, mặt trăng cho đến cõi Phạm thiên rồi trở về lại, lướt quanh Phật ba vòng rồi nhập vào đảnh Phật.
Khi ấy, Xá Lợi Phất thấy thần thông của Phật, liền đứng dậy, trịch y qua một bên, quì gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật:
- Bạch đại đức Thế Tôn! Có nhơn duyên gì mà Ngài mỉm cười. Chư Phật chẳng phải không có nhơn duyên mà mỉm cười?
- Xá Lợi Phất! Thầy thấy Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, chắp tay hướng về phía Ta, mắt chưa từng rời không?
- Bạch Thế Tôn! Ðúng vậy. Bạch Thiện Thệ! Ðúng như vậy.
- Xá Lợi Phất! Bốn chúng này đều phát tâm đại thừa, muốn nghe hạnh Bồ tát . Xá Lợi Phất! Hành trí huệ đối với trong tâm Như Lai, ngoài Như Lai ra. Quá khứ bất khả đắc, vị lai bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc. Gọi là hành Bồ tát. Xá Lợi Phất! Không được tụ họp, không nhiễm trước cảnh giới, không chấp lấy nhập. Gọi là hành Bồ tát. Nên thuận theo mà hành.
Khi thuyết hành Bồ tát này, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách.
Lúc ấy, Ma Ba Tuần hoảng sợ ngã lăn xuống đất, các thiên ma khác cũng đều té xuống đất. Do nhơn duyên này mà thuyết kệ:
Phá ma và quân ma
Chạy trốn không chỗ thoát
Nay bậc tối thắng tôn
Thuyết pháp người đời tin
Làm sao ma phiền não
Các sức lực đều mất
Ðến nay không còn sức
Nghe thuyết pháp không này
Ma hoảng sợ cuồng mê
Nghe thuyết pháp vô tác
Bỏ đi không chỗ hành
Chỗ nào cũng bị chết.
Khi ấy, Thiên tử ma, từ chỗ té đứng dạy bạch rằng:
- Lành thay! Bạch Thế Tôn! Lành thay! Ðại long. Lành thay! Ðại từ. Có tâm bi mẫn lợi ích đối với các chúng sanh. Ngày nay Thế Tôn làm cho con sống lai. Thế Tôn đại bi, chớ làm cho chúng con chẳng phải chết.
Thế Tôn thuyết kệ:
Này ma mặc áo nhiễm
Như Lai thuyết như vậy
Rất ít người tin ta
Nên ở mãi phàm phu.
Bấy giờ, Ma Ba Tuần được Như Lai thương xót, hoan hỷ vui mừng hoàn hồn trở lại thân mình và quyến thuộc ẩn mất.
PHẬT THUYẾT KINH PHÁP TỐI THƯỢNG VƯƠNG - hết.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]