Kinh Hoa Thủ
4. Phẩm kiên đức thứ ba mươi ba
Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch
Lúc bấy giờ trong chúng hội có một vị tỳ kheo tên là Kiên Ý từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai bên mặt chắp tay cung kính bạch Phật rằng, bạch Thế Tôn, con muốn phụng thờ kinh pháp, cũng như muốn cúng dường ba đời chư Phật và chư Bồ Tát đã học qua giáo pháp; cũng như muốn khuyến nhắc nhau làm tăng thêm căn lành. Do việc như trên nên nay được tôn phụng đức Thế Tôn, được lấy y trùm lên Như Lai, cũng như cầm y mà bạch Phật rằng: nay con đem chiếc y này dâng lên đức Thế Tôn, mong đời sau con sanh ra ở bất cứ nơi đâu đều được nghe pháp. Theo ý Phật con dâng hiến y này. Liền lúc đó Kiên Ý đến chỗ tỳ kheo Tinh Ðắc nói rằng: này Ngài thiện tri thức! Phật tán dương tôi nên tôi đem y này dâng cúng Như Lai, liền trao y cho Tinh Ðắc cầm, làm tăng thêm thiện căn của việc dâng y cúng Phật, trong lúc Như Lai hiện đại thần thông. Bấy giờ A Nan và bốn chúng (13) trong y đều thấy Như Lai hiện đủ lực thần thông biến hóa. A Nan bạch Phật rằng, hy hữu thay đức Thế Tôn! Như Lai biết rộng nên mới hỏi. A Nan, ông thấy nghĩa gì là hy hữu?
Lúc đó ngài A Nan muốn làm cho rõ việc trên nên dùng bài kệ bạch Phật rằng:
Với y này chúng con
thấy vô số Bồ Tát
Bồ Ðề tâm mãnh liệt.
Chẳng hành khen pháp Phật
cũng thấy chư Bồ Tát
đều từ y này phát
gần vô lượng trăm nghìn
a tăng kỳ loại y
gìn giữ các y xong
đem dâng mười phương Phật.
Ta thấy hiện đây kia
vô lượng thần thông lực
người dâng y cúng Phật
được Phật thọ ký cho.
Người ấy hành đạo theo
đều sẽ được làm Phật.
Tùy chỗ ở nơi đâu
làm cõi Phật tịnh thanh
và mỗi một chúng sanh
Phật quả được viên thành.
Lại thấy vô lượng ức
đủ các loại kỹ nhạc
tiếng pháp âm vừa phát
Từ không trung Phật nói
ta thấy ba nghìn cõi
chư Phật hiện đầy đủ
Thế Tôn, nay con nghĩ
tự cho chẳng Thanh Văn
lực thần thông hy hữu
làm choáng ngợp mắt con
dùng thánh trí vẹn tròn
xem ba cõi đều không.
Con nơi 'không' trí này
và 'vô sanh trí' thảy
trong các trí như thế
thường không mất chánh niệm
chỉ do nghiệp báo chuyển
trong đó có sai lầm
bốn chúng đều vui mừng
bay ở giữa không trung
đều ngồi trên đài sen
trên nghìn cánh sen xinh.
Lại cũng từ y kia
thấy mười phương thế giới
chư Phật thầy trong đời
đại chúng vây khắp nơi
Cũng thấy các thượng nhơn
bố thí khó nghĩ bàn
để cầu đạo Bồ Ðề
nên chưa hề xa Phật
Do nhờ nhân phước đức
chúng sanh được lợi lạc
Hay tự mình hóa hiện
thuyết pháp khắp mười phương.
Trong y ta thấy tường
việc ấy nói không cùng
Chư Bồ Tát khó lường
tâm hoan hỷ kính nhường
như Tự Tại Phạm Vương
thấu rõ lực thần thông
đa văn, biện luận tài
đều được đà la ni
chuyển xoay Phật huệ trí
khắp mười phương châu biến
Chư Bồ Tát cũng thấy
dạo chơi các thế giới
đều hóa thành vật quí
hương hoa để trang bị
Thấy Phật ngồi đạo tràng
chuyển pháp luân vô thượng
thần lực của Phật hiện
đều từ nơi y biến
dạo qua các thế giới
đủ thân hình biến hóa
thuyết pháp làm lợi chúng
khiến trụ đạo Bồ Ðề.
Thật là hy hữu thay
việc ấy khó thể tin
Thần lực Phật vô biên
cho chúng sanh thấy rõ
Phật làm ruộng phước báu
đệ nhất pháp nhận thí.
Kẻ thí đuợc quả quí
các khổ não trừ hủy.
Ta trong nghìn vạn kiếp
xưng tán cũng không hết.
Vì ai thị hiện tiếp
việc thần thông thiên biến.
Ai làm tịnh cõi Phật
tu tập đạo Bồ Tát.
Ai được thần lực này
mong Phật trừ nghi con
Hoa sen bảy báu tròn
cánh hình bánh xe lăn.
Bồ Tát ngồi ở trên
dạo đi khắp mười phương.
Quán Phật xong trở về
liền chứng đạo Bồ Ðề.
Thế giới tịnh nghiêm thế
hiện việc khó có thể
Con trong thế giới này
thấy có một Bồ Tát
khuyên người tu đạo giác
tay cầm y đạo đạt
việc này ngưỡng mong Phật
làm sao tu học được?
Ðây chắc xưa từng bố thí nhiều
thực hành tâm tùy hỷ rộng sâu
cùng chúng sanh tu pháp nhiệm mầu
đều an lạc như nay trông thấy.
Thế Tôn vì con nói việc này;
trừ sạch chúng sanh tâm nghi ngờ.
Tỳ kheo phát nguyện được như vầy
ấy là Tinh Ðắc vì Kiên Ý.
Phật bảo ngài A Nan đợi trong giây lát, Kiên Ý Bồ Tát có điều nghi vấn nên ta nhân đây mà đáp. Lúc đó Kiên Ý Bồ Tát bạch Phật rằng: bạch đức Thế Tôn, con có điểm nghi muốn hỏi, nếu Phật chấp thuận con mới dám thưa. Phật bảo Kiên Ý: ông cứ việc hỏi, ta sẽ tùy nghi đáp cho ông được hài lòng. Lúc đó Kiên Ý thưa: bạch Thế Tôn, có pháp môn để nhập. Như thế pháp là gì? Môn là thế nào? Nhập là nghĩa làm sao? Ngưỡng mong đức Thế Tôn phân biệt đây là pháp, kia là môn, nên nhập như thế nào mới là nhập? Lúc đó Kiên Ý dùng bài kệ hỏi rằng:
Sao gọi là thượng pháp
cái gì gọi pháp môn ?
Làm sao vào cửa này
mong Phật giải đáp cho.
Làm sao vào cửa này
được đắc quả Bồ Ðề?
Làm sao lúc thuyết pháp
biện luận đều thông suốt
từ đâu đến gọi pháp?
Ðến đây trụ chỗ nào?
Trong các pháp làm sao
mà nghĩ đúng không sai?
Thế nào là sắp nhập?
và sao gọi đã vào?
Thuyết pháp phải làm sao
ở trước pháp hiện ra?
Lúc nói đủ pháp cả
làm sao tâm không loạn?
trong vô lượng muôn kiếp
biện tài không gián đoạn?
Chư Bồ Tát thành tựu
làm sao có chí cầu?
Nói pháp không bến bờ
mà tâm không thượng mạn?
Bồ Tát đây đời trước
thí, hồi hướng thế nào?
Ðời đời lúc thuyết pháp
biện tài không gián đoạn?
Và giữ giới thế nào
giới thanh tịnh làm sao?
Sao lấy giới hồi hướng
mà tâm không liệt nhược?
Làm sao tu nhẫn nhục
và tập nhẫn thế nào?
Do nhân đó cho đến
vô tận không bến bờ.
Làm sao khởi tinh tấn
tu pháp ấy thế nào?
đời đời được sanh ra
đạo Bồ Ðề không xa.
Làm sao tu thiền định
thế nào tập an tĩnh?
Trong định quán pháp gì
để được biện luận tài?
Cầu trí huệ thế nào
gần gũi tu tập đạo?
Huệ ấy ở tại đâu
mà không đoạn mất được?
Trụ pháp thiện vô thượng
thuyết các pháp thật tướng
trí tuệ Phật suy lường
không, vắng lặng vi diệu
đọc tụng đủ các kinh
hiểu rõ được nghĩa thú.
Song không muốn diễn nói
để lìa trí huệ thật.
Nghĩa này con hỏi Phật
trừ hết thảy chúng nghi
đời vị lai trở đi
cầu có các pháp sư
làm sao được thân cận?
Phải hỏi pháp thế nào?
tu tập phải làm sao?
Ủng hộ pháp cách nào?
Mong Phật dùng thần lực
vì con nói nghĩa thực
khiến cho đời vị lai
dứt trừ các lưới nghi.
Lúc đó Phật bảo Kiên Ý Bồ Tát rằng: lành thay! lành thay! ông khéo hỏi Như Lai nghĩa sâu mầu ấy. Trong đời quá khứ ông đã ở nơi vô lượng các đức Phật gieo trồng phước đức, cúng dường, lễ bái, thọ sự hỏi đáp.
Này Kiên Ý, ta nhớ ông lúc xưa trong hư không của thế giới này đã từng theo hỏi sáu vạn tám nghìn đức Phật cũng nghĩa như thế. Lúc chư Phật trả lời những câu hỏi có vô số chúng sanh được nhiều lợi ích. Vì thế, nên biết ông trong quá khứ đã sâu trồng căn lành nơi các đức Như Lai rồi. Này Kiên Ý, lui về thời quá khứ vô lượng vô số a tăng kỳ kiếp có đức Phật ra đời hiệu là Xuất Bảo Quang Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn sống lâu nửa kiếp. Phật có bảy mươi ức chúng A La Hán tâm được lậu tận tự tại. Phật Xuất Bảo Quang cùng đại chúng dạo qua các quốc độ để cùng an cư. Lúc đó cõi Diêm Phù Ðề đất đai rộng rãi ngang rộng bảy vạn do tuần. Lúc đó ở đời có người sát lợi Chuyển Luân Thánh Vương tên là Thượng Kiên Ðức, cai trị bốn châu thiên hạ. Này Kiên Ý, lúc đó cõi Diêm Phù Ðề có tám mươi ức thành, các thành đều rộng lớn: chiều dài 40 do tuần, rộng 30 do tuần. Nhân dân ở đó được thái bình hưng thịnh. Trong cõi Diêm Phù Ðề có một thành lớn chiều ngang rộng đúng 80 do tuần, đường đi ngay thẳng chạy dọc theo tương đương. Mỗi đường rộng năm dặm, bên trong có một thành nhỏ gọi là An Ổn. Vua Thượng Kiên Ðức ở trong thành ấy. Này Kiên Ý, bên thành lớn có bảy vạn vườn rừng không thuộc về của ai cả. Chúng sanh ở đó có thể tha hồ vui chơi trong thành đó. Trong số có một vườn lớn ngang rộng 80 do tuần, chỗ vua dạo chơi có cây báu bảy lớp bao quanh vườn, cũng như có bảy lớp lưới giăng che phủ bên trên. Có bảy tầng lâu đài cũng bằng bảy báu, bảy lớp tường vây kín, bảy lớp hào bao bọc quanh vườn. Lúc đó Phật Xuất Bảo Quang cùng với bảy mươi ức A La Hán cung kính vây quanh, dạo khắp chư quốc đến thành An Ổn. Vua Thượng Kiên Ðức nghe Phật cùng đại chúng dạo khắp các nước đến thành này, tâm rất lấy làm hoan hỷ đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Lúc đó Phật quán xét tâm nhà vua có túc duyên đời trước, bèn nói pháp trừ nghi chúng sanh làm cho chúng hoan hỷ nơi kinh tạng Ðại Thừa. Vua Thượng Kiên Ðức nghe pháp tâm rất hoan hỷ liền nghĩ rằng, nay ta nên đem những đồ tốt đẹp trang hoàng khu vườn này dâng cúng Như Lai làm sao cho Ngài thọ nhận. Tức khắc trong vườn hiện lên 70 ức chư tăng, phòng xá, y đẹp che phủ mặt đất. Có 70 ức chỗ đi kinh hành, giường gối, tọa cụ cũng có 70 ức. Vua sẵn sàng đi đến nơi đức Phật đầu mặt lạy dưới chân Phật rồi bạch rằng: cúi mong đức Thế Tôn thương xót con, và đại chúng mà nhận lời mời đến nhà ngày mai. Phật Xuất Bảo Quang yên lặng nhận lời. Vua biết Phật đã nhận lời nên đảnh lễ dưới chân rồi đi vòng quanh phía bên hữu. Trong đêm đó, vua lo liệu đầy đủ mọi thứ đồ ăn trân quí của bậc chuyển luân thánh vương đem cúng Phật và chúng tăng.Vào sáng sớm hôm sau vua đến bạch Phật rằng: cơm nước đã xong ngưỡng mong Phật biết thời. Phật Xuất Bảo Quang đắp y mang bát cùng bảy mươi ức vị đại A La Hán cung kính cùng đi đến vườn ấy ngồi theo thứ tự. Vua Thượng Kiên Ðức thấy Phật và chúng tăng đã ngồi yên ổn rồi, tự tay ông mang thức ăn đủ vị sớt cho từng vị làm cho ai nấy đều được no nê. Biết Phật và chư tăng dùng cơm và rửa tay, rửa bát xong, Vua đem dâng Phật và chư tăng mỗi vị một chiếc y. Cúng y xong chính nhà vua cầm chén vàng múc nước rửa tay Phật, rồi bạch rằng: con đem vườn này, và các phòng xá, chỗ kinh hành, giường gối, ngọa cụ sắp đặt sẵn sàng trong vườn để cúng Phật và chúng tăng, cúi mong Ngài thọ dụng, cũng như đích thân vua hầu hạ Phật. Phật bảo Kiên Ý rằng, vua Thượng Kiên Ðức cúng dường Phật Xuất Bảo Quang, đêm ngày tùy thời thường đến nghe pháp như thế cho đến nửa kiếp để hỏi Phật các Pháp về Nhân Quả liên tục. Phật tùy thời hỏi mà đáp làm lợi ích cho vô số chúng sanh. Này Kiên Ý, ông cho rằng vua Chuyển Luân Thượng Kiên Ðức thuở đó đâu phải người nào lạ chăng? Ông chớ nghĩ như thế mà chính là ông đấy! Này Kiên Ý, ta nghĩ ông trước đây thuộc đời quá khứ đã hỏi pháp như thế, đem đồ trân quí cúng dường hằng ngàn đức Phật. Nay Như Lai cũng vì ông mà nói pháp môn này, là pháp nhập pháp tướng vậy.
CHÚ THÍCH
(1) Ðồng tử: đứa bé có khí phách của bậc hiền nhân, căn tánh thông tuệ mẫn lợi
(2) Ðấng Pháp Vương: bậc vua các pháp, chỉ cho đức Phật. Vì Phật mới biết rõ vạn pháp trong vũ trụ và tìm ra chân lý giải thoát cho chúng sanh.
(3) Pháp thí: ban bố giáo pháp đến tất cả những nơi cần
(4) Nhiễm y: áo bẩn, áo thế tục bị nhiễm bụi trần lao phiền não
(5) Hoà Thượng: Tàu dịch là Lực Sanh hay Thân giáo sư. Lực Sanh là có đạo lực làm cho dệ tử phát sanh trí huệ; thân giáo sư là bậc thầy thân cận đệ tử. Vị Tăng sĩ từ 40 tuổi hạ trở lên và tuổi đời trên 60 tuổi mới được gọi Hòa Thượng.
(6) Xà Lê hay A Xà Lê, Tàu dịch nghĩa là Giáo Thọ, tức Thầy dạy đạo. Trong đạo tràng truyền giới có ba vị trưởng lão hòa thượng chứng minh: trong đó có một thầy giáo thọ để hỏi về giới luật, kiến thức Phật pháp của những người thọ giới.
(7) Pháp yết ma: phép hỏi đáp của các vị tỳ kheo trong giới đàn hay những ngày bố tát, được đại chúng tỳ kheo đồng lòng hoan hỷ chấp thuận, phép tác bạch mới thành tựu đúng pháp.
(8) Giới hoàn bị: đầy đủ giới tướng (250) của thầy Tỳ kheo và cũng đủ khả năng cung cách để làm việc đạo.
(9) Thiện lai: lời nghinh đón những vị tỳ kheo danh đức từ xa đến viếng thăm tự viện, đàm đạo Phật sự với một vị trưởng lão khác. Ngay như đức Phật cũng dùng từ ấy xưng tán tỳ kheo thiện đức.
(10) A Tỳ Ðàm: còn gọi là A Tỳ Ðạt Ma (Abhidharma) là một trong ba tạng thánh điển: kinh , luật, luận của Phật giáo. A Tỳ Ðàm chỉ về phần luận tạng bao hàm nghĩa mầu thâm diệu trong giáo pháp của Phật.
(11) Ba môn: nói đủ là ba môn học là giới, định, huệ hay còn gọi là văn, tư, tu; giữ giới, tu thiền, phát sanh trí huệ hoặc nghe hiểu, suy xét, thực hành phát sanh trí huệ.
(12) Pháp ấn: trong Phật pháp là dấu hiệu của một ý định như đã hằn sâu trong tâm thức mà nhà tu hành quyết đạt tới quả Phật. Ðó còn là cách bắt ấn của các vị tăng phái chân ngôn, mật giáo Tây Tạng thường thực hành để truyền đạt đạo lý với nhau giữa thầy trò. Là sự ấn chứng huyền diệu của Phật cho các đệ tử có căn cơ thâm nhập diệu lý của những lời Phật dạy; là sự trao truyền tâm pháp giữa Phật với Phật, Tổ với Tổ để ấn định việc duy trì giáo pháp.
(13) Bốn chúng: bốn chúng đệ tử của Phật. Xuất gia có hai chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni và tại gia có hai chúng: ưu bà tắc hay cận sự nam và ưu bà di hay cận sự nữ, tức là những người Phật tử đã phát nguyện quy y tam bảo và thọ giữ 5 giới.
(14) Thượng nhơn: người đạo cao đức trọng được người đời kính phục tôn xưng.