Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phẩm kinh nghiêm hành trì thứ hai mươi hai

03/05/201312:54(Xem: 11510)
4. Phẩm kinh nghiêm hành trì thứ hai mươi hai

Kinh Hoa Thủ

4. Phẩm kinh nghiêm hành trì thứ hai mươi hai

Hòa thượng Thích Bảo Lạc

Nguồn: Hòa thượng Thích Bảo Lạc Việt dịch

Phật bảo Xá Lợi Phất rằng, ông nên đem ba việc nghiệm tâm Bồ Tát. Những gì là ba?

1/ Xã bỏ tất cả sở hữu mà không mong đền đáp, nên biết đấy mới thật là chân tâm Bồ Tát.

2/ Cầu pháp không tham tiếc, thà mất thân mạng chứ không bỏ pháp. Ấy mới gọi là tâm Bồ Tát.

3/ Không đi ngược lại các pháp mầu nhiệm, nhờ lực tín giải (19) nên trong Phật pháp không tâm nghi hoặc. Ấy mới là chân thật Bồ Tát. Ðem ba việc đây nghiệm tâm Bồ Tát vậy.

Này Xá Lợi Phất, lại còn ba việc nghiệm tâm Bồ Tát. Những gì là ba? Ðó là thường hành tinh tấn, cầu pháp không tâm mỏi mệt, học hỏi kinh tạng Ðại Thừa. Ðem kinh tạng ấy làm tăng thiện căn chính mình và làm cho chúng sanh tăng trưởng thiện căn; thường theo pháp sư, cung kính cúng dường, trải qua 1000 năm để được nghe một bài kệ bốn câu hợp với thiện căn. Nghe xong thuận theo, không phản không nghịch, không bỏ không lui, theo đuổi pháp sư, đem lòng cung kính, thường tự trách: kiếp trước ta tội chướng nặng nề nên không được nghe pháp, không phải lỗi của pháp sư. Nay ta phải gần gũi theo hầu pháp sư, làm cho tất cả tội chướng, nghiệp báo của ta thảy đều tiêu trừ. Ðược như thế mới gọi là chân thiện Bồ Tát. Vì thế, ông nên biết rằng, thâm tâm Ðại Bồ Tát cầu pháp tiến theo pháp sư, nên thành tựu được Phật pháp.

Này Xá Lợi Phất, nhìn lui về quá khứ trãi qua vô lượng vô số kiếp không thể nghĩ bàn, có một kiếp tên là Diệu Trí, lúc bấy giờ có đức Phật hiệu là Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Ðăng thọ mạng nửa kiếp, chúng hội Thanh Văn đông hằng hà sa số, trong mỗi hội có vô số người đầy đủ ba minh (trí sáng) cũng được chứng quả A La Hán. Chúng hội Bồ Tát số đông như Thanh Văn, trong mỗi hội có vô số Bồ Tát được pháp vô sanh nhẫn, ở ngôi bất thối. Còn những người mới phát tâm thì vô số lượng. Lúc Phật Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Ðăng sắp nhập Niết Bàn, ở cõi Diêm Phù Ðề có hằng trăm ức người, mỗi vị là một đại pháp sư đều nhờ thần lực của Phật gia hộ. Sau khi đức Phật diệt độ, giáo pháp tồn tại đến tám trăm nghìn vạn ức na do tha năm. Lúc bấy giờ ở cõi Diêm Phù Ðề có một vị pháp sư tên là Thanh Minh, nhờ thần lực của Phật gia hộ pháp sư, tùy pháp tồn tại mà ủng hộ giáo pháp; tu hạnh Bồ Tát được vô sanh nhẫn, ở ngôi bất thối. Sau khi đức Phật tịch diệt tám vạn năm, Thanh Minh pháp sư du hành các nước từ nơi này sang nơi khác, tại mỗi nơi đều diễn thuyết Phật pháp của Phật Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Ðăng trong vô lượng vô số a tăng kỳ kiếp. Này Xá Lợi Phất, lúc đó biên cảnh cõi Diêm Phù Ðề có một thành gọi là Kiên Lao. Trong thành ấy có một cư sĩ tên là Kiên Chúng. Cư sĩ từ nhỏ đến lớn chủ trị các thành, khởi tâm như vầy: ta phải làm sao có được trí huệ; đem trí huệ ấy làm cho chúng sanh tu hành đạo pháp, xa lánh trần tục. Nghĩ như thế rồi, liền có vị trời đến bảo rằng: cư sĩ nên biết, có đức Phật ra đời hiệu là Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Ðăng, nay đã tịch diệt. Lúc đó cư sĩ nghe danh từ Phật tâm rất hoan hỷ. Khi nghe Phật diệt độ, cư sĩ rất áo não. Vị trời hỏi cư sĩ: cớ sao ông trước vui mà sau lại buồn thảm? Cư sĩ đáp: tôi nghe Ngài nói có Phật ra đời nên tâm rất vui mừng, rồi lại nghe Phật diệt độ, tức mất hết lợi lớn nên rất buồn thảm. Vị trời lại bảo cư sĩ rằng: ông chớ lo sầu như thế, vì Phật Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Ðăng lúc diệt độ dùng thần lực gia hộ cho một vị pháp sư tên là Thanh Minh. Giáo pháp của Phật còn được duy trì, tức Phật biết còn có người duy trì Phật pháp. Cư sĩ hỏi: Thanh Minh pháp sư nay ở đâu? Vị trời đáp: nay vị pháp sư ấy ở thành Ca Tỳ La, ở về phương Ðông cách đây hơn ba trăm sáu mươi do tuần. Cư sĩ Kiên Chúng nghe như thế rồi, sáng hôm sau mang 80 ức tiền vàng, 1000 chuỗi ngọc anh lạc quí giá, cùng với quyến thuộc đích thân tới thành ấy; đến tận nơi tìm chỗ của pháp sư. Trông thấy pháp sư, cư sĩ liền đê đầu đảnh lễ sát dưới chân rồi đứng qua một bên. Pháp sư Thanh Minh vì họ mà nói pháp mầu nhiệm, trừ hết nghi ngờ, làm cho tâm họ hoan hỷ, thâm nhập tất cả Bồ Tát thiện căn, là kinh Ðại Thừa.

Lúc bấy giờ cư sĩ nghe kinh xong lấy làm hoan hỷ. Vì tôn kính pháp, nên mang vàng ngọc đến dâng cúng pháp sư, cũng như đích thân hầu hạ cúng dường. Này Xá Lợi Phất, cư sĩ Kiên Chúng vì cầu pháp nên hết lòng cung kính cúng dường, hầu cận pháp sư và muốn biên chép, thọ trì, đọc tụng kinh điển để tu hành. Từ lúc nghe pháp đầu tiên trải qua 60 ức năm thường theo hầu pháp sư. Ở trong khoảng thời gian ấy chưa được nghe pháp, huống gì là biên chép, thọ trì, đọc tụng? Cư sĩ cúng dường pháp sư Thanh Minh trong khoảng thời gian đó tâm không rời bỏ, lòng không dục nhiễm, sân giận, phiền não, thường đứng ngoài cửa của pháp sư, trọn ngày thâu đêm hầu cận chẳng hề ngủ nghỉ. Lúc đó có một ác ma tên là Thường Cầu Tiện, vì muốn cư sĩ Kiên Chúng đoản mạng, biến thành thân hình pháp sư Thanh Minh, cùng một người nữ giao hợp. Biến hình xong, cư sĩ thấy rõ, ma nói rằng, ngươi xem thầy ngươi thường được xưng là trí huệ bậc nhất như Phật, đa văn như biển. Nay ngươi quán xem việc làm phi pháp kia thì làm sao dạy người khác tu hành tịnh giới, vì tự chính mình đã hủy phạm điều cấm giới. Thầy ngươi tự cho rằng là kẻ tu hành phạm hạnh mà lại phá giới cấm. Vì người nói pháp thanh tịnh vi diệu mà nay tại sao tự làm điều phi pháp? Cư sĩ nên chấm dứt, lánh xa người ấy chớ cho là thầy nữa. Ông giữ giới thanh tịnh, thiểu dục, tri túc, tinh tấn, trí huệ, tịnh niệm kiên cố... những công đức ấy ông đã thành tựu. Tại sao ông còn cho người này là thầy? Lúc đó cư sĩ Kiên Chúng bèn nghĩ rằng, ta đang ở tại nhà có một vị trời đến bảo có Phật ra đời hiệu là Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Ðăng, nay đã tịch diệt. Lúc Phật sắp nhập diệt, Ngài gia hộ thần lực cho trăm ức mỗi vị pháp sư trong cõi Diêm Phù Ðề. Ở cõi Diêm Phù Ðề có một pháp sư tên là Thanh Minh. Pháp sư có thể thọ trì những lời của đức Phật ấy thuyết. Ðó là Như Lai muốn duy trì người nối dòng Phật pháp, ông nên gần gũi vị ấy. Ta nghe nói thế cho là có lợi lớn, liền thân hành ra mắt pháp sư. Lúc đó pháp sư vì ta mà nói pháp trừ nghi chúng sanh, làm cho chúng hoan hỷ trong kinh tạng Ðại Thừa, để hướng dẫn chỉ vẽ cho tôi. Lúc ấy tôi lấy làm hoan hỷ đem nhiều của báu dâng cúng pháp sư, cũng như đích thân cung cấp hầu hạ. Tôi nghĩ việc này là chân thật, nay người này đến chỉ cho tôi pháp sư như thế quá sai lầm không thể chấp nhận được, nên biết đó là ma. Tại sao thế? Vì Phật dùng thần lực gia hộ pháp sư, như có làm ra những việc kỳ dị kia cũng đều là ngụy tạo. Ðây hoặc do chúa ma, dân ma hay kẻ dưới quyền bọn ma vậy. Tại sao thế? Vì pháp sư Thanh Minh nói pháp cho rằng không có việc như thế. Tôi đang quán sát tìm tướng nữ nhơn và pháp của người nữ, tướng của người nam và pháp của người nam. Nếu ta chạy theo tướng hư dối này không có điều ác nào mà chẳng phạm. Tại sao thế? Vì tất cả tội lỗi đều do trí tưởng tượng phân biệt mà ra. Nếu chạy theo các tướng đã trông thấy tức là khi dễ pháp sư, cũng như hủy báng Phật và phá hoại Phật pháp. Pháp sư ấy nhờ thần lực của Phật Phổ Ðức Tăng Thượng Vân Âm Tăng gia hộ, nay đang phát lời thệ nguyện; nếu pháp sư nhờ thần lực của Như Lai Phổ Ðức gia hộ cho, thì tôi đây cũng chính là kẻ thiết tha cầu pháp. Do nhân duyên phát nguyện như thế nên biết đây là tướng bất tịnh cần phải tiêu trừ. Liền đó tôi chấp tay nhất tâm niệm Phật, nói lời thành khẩn như thế thì người nữ biến mất không còn hiện nữa. Cư sĩ Kiên Chúng trừ ma xong, nghĩ thế này: ta nhất tâm cầu pháp như thế mà pháp sư Thanh Minh không nói pháp cho ta, tức là việc ma. Ðây cũng là do tội báo nghiệp chướng đời trước của ta tạo chứ không phải lỗi của pháp sư. Ta nên tự cố gắng thực hành tinh tấn để trừ các việc ma. Nghĩ thế rồi ta đem lòng cung kính theo sát pháp sư, không sanh tâm sân si, kiêu mạn.

Này Xá Lợi Phất, ông xem tâm vị cư sĩ ấy thật là thanh tịnh kiên cố khó hoại. Từ lúc nghe xong, trải qua 60 ức năm, trong khoảng thời gian ấy do tâm cung kính không rời, nên ác ma dối gạt tìm đến tác hại như thế mà tâm không lay chuyển, lại càng tăng thêm lòng cung kính thanh tịnh. Cư sĩ Kiên Chúng trải qua 60 ức năm đến lúc mạng chung sanh lên cõi trời thứ 1000. Cõi ấy tên là Vô Tránh, ở đó có đức Phật hiệu là Ðại Kiên, có một hội thuyết pháp cho chúng Thanh Văn đến chín mươi sáu ức người. Lúc bấy giờ Kiên Chúng Bồ Tát sanh nhằm dòng vua chúa. Lúc sanh có vị trời đến cho hay rằng: ông do nhân duyên nhất tâm cầu pháp nên được quả báo ấy. Kiên Chúng nghe xong liền nghĩ rằng, nếu như thế thì ta từ nay phải hết lòng cầu pháp. Ở đời được một nghìn năm rồi bèn xuất gia với Phật Ðại Kiên, Phật vì ông mà thuyết pháp. Nhờ hạnh nguyện xưa và thần lực của Phật mà biết được đời trước. Phật Ðại Kiên thuyết pháp yếu gì đều được Kiên Chúng thọ trì, trong nửa kiếp tu hành thanh tịnh, giáo hóa vô số chúng sanh đều được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Sau khi mất Kiên Chúng lại gặp được đức Phật hiệu là Tu Di Kiên; lúc sanh được bảy tuổi bèn xuất gia cầu đạo. Kiên Chúng do nhân duyên căn bản sâu bền như thế, và nhờ thần lực của Phật gia hộ, nên Phật Tu Di Kiên thuyết pháp yếu gì đều thọ trì. Từ lúc nghe pháp với đức Phật Ðại Kiên, Kiên Chúng ghi nhớ mãi không xao lãng, lần lựa như thế được gặp 60 nghìn vạn ức na do tha các đức Phật. Chư Phật có thuyết pháp gì ông đều thọ trì, đọc tụng, giảng giải tu hành. Từ đó về sau, Kiên Chúng Bồ Tát trí huệ đa văn rộng sâu như biển; vô lậu sạch như hư không, thanh tịnh sâu nhiệm khó lường.

Này Xá Lợi Phất, ý ông ngờ rằng, cư sĩ Kiên Chúng nghe vị trời nói thế, đem vàng ngọc đến dâng pháp sư, nghe pháp tâm hoan hỷ vâng theo pháp sư; cũng như tự nguyện đem thân cung cấp hầu hạ, vì muốn cầu pháp nên thường theo pháp sư. Trong 60 ức năm chẳng nghe được pháp, nên bị ma dối gạt như thế - nghe thấy thầy phạm điều sai lầm-mà không sân hận, nhứt tâm theo đuổi cho đến chết. Thấy người lạ ấy không nên nghĩ là tia Phật quang. Này Xá Lợi Phất, ông quán sát tâm Bồ Tát cầu pháp tinh tấn như thế nên được đại quả báo. Vì thế ông nên biết, chư Ðại Bồ Tát thật tâm cầu pháp nên đạt được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Xá Lợi Phất, pháp sư Thanh Minh vì chư Phật mà hộ trì giáo pháp trong ba thời kỳ nên nay trong hội này. Xá Lợi Phất, lại còn ba việc nghiệm tâm Bồ Tát. 1) Một là Bồ Tát chuyên tâm cầu pháp nên có thể đi cùng khắp đến tất cả chúng sanh, đó là tâm ban đầu. Lại nữa, này Xá Lợi Phất, như Bồ Tát cầu vô lượng Phật pháp, nghe pháp nhiệm mầu mà không sợ hãi, tín thọ không trái giáo pháp.

2) Thứ hai, nghe pháp nhiệm mầu tâm tịnh không động, là chân tâm Bồ Tát. Lại này Xá Lợi Phất, có người đến chỗ Bồ Tát nói lời như thế này: nếu có ai phát tâm vô thượng Bồ Ðề, ban cho chúng sanh sự an lạc, nay đây tôi là người khổ đệ nhứt. Trước phải thấy, rồi sau mới đi sát tất cả chúng sanh, nếu là Bồ Tát năng lực có thể tế độ cho tất cả mà không từ nan, cũng không thối thác. Vị ấy nghĩ như thế này: ta chưa làm cho người này vui được làm sao trợ giúp tất cả chúng sanh; nên biết đó chẳng phải là chân tâm Bồ Tát. Như thấy người cầu khẩn mà tâm không thối thác, lại đem lòng từ bi làm cho người ấy được an lạc. Ông nên biết đó là thật tâm Bồ Tát.

3) Này Xá Lợi Phất, nếu ban cho người đầy đủ mọi sự an lạc mà có bị lời ác mắng rủa, hủy nhục, tâm vẫn không tức giận, chỉ lấy lòng từ bi ban cho người. Như thế đã là điều phục được tâm rồi trừ diệt được vô lượng nhân quả nghiệp báo trong đường sanh tử, chóng gần Phật đạo. Trong mỗi niệm bao nhiếp vô lượng vô biên Phật pháp, ấy là Bồ Tát phương tiện tâm, thì ý chí không thể mất được. Nếu người cầu xin dùng lời ác mắng chửi, lúc đó Bồ Tát phải suy nghĩ: người này đem Phật pháp đến cho ta, nên trong lúc độ sanh không sanh tâm sân giận, tức là gần Phật đạo. Ấy gọi là Bồ Tát phương tiện tâm. Này Xá Lợi Phất, nếu có người đến chỗ Bồ Tát nói lời như thế này: pháp đạt vô thượng chánh đẳng chánh giác thật là khó, làm sao ông có thể thâm nhập được? Nếu nghe thế rồi sanh tâm thối chuyển chẳng phải thật tâm Bồ Tát. Nếu nghe người nói như thế mà tâm vẫn nghĩ là dễ mới gọi là chân tâm Bồ Tát.

Này Xá Lợi Phất, nếu có người đến bảo Bồ Tát rằng: người phát tâm vô thượng Bồ Ðề đối với thân mạng còn chẳng tiếc, huống gì là tài sản. Này thiện nam tử! Ông nên từ bỏ tâm niệm ấy đi, phải tiếc thân mạng! Bồ Tát nghe như thế bèn tiếc thân mạng, sanh tâm thối chuyển. Nên biết đấy chẳng phải là thật tâm Bồ Tát. Nếu nghe việc như thế mà nghĩ thế này: tất cả chúng sanh mến tiếc thân mạng thì cái già, bịnh, chết sẽ ập đến cướp đi mất. Vì tiếc thân mạng nên gây ra bao nhiêu nghiệp tội, do gây tội nên phải đọa trong đường ác. Rốt cuộc rồi không ai giữ gìn được mạng sống của mình cả. Nếu ta tham tiếc giữ gìn thân mạng, chỉ gốc tạo tội nên đọa vào các đường ác, qua lại trong sanh tử có khác gì với người ngu đâu! Nay ta không nên tiếc giữ thân mạng, chỉ nên mến tiếc trí huệ Như Lai, hộ trì Phật pháp. Vì độ chúng sanh mà cần hành tinh tấn, xa lìa tham ái, phiền não... Ta nên vì chỗ không buộc không mở mà diễn nói các pháp cho chúng sanh. Suy nghĩ kỹ như thế rồi nên trả lời người kia rằng: ông nên biết rằng thân mạng chẳng được thường còn, các pháp tự nó đều như thế. Tiếc hay chẳng tiếc, thân mạng cũng chẳng thường còn. Ô hay thương thay! Tất cả các pháp đều không, không có chủ tể, không chỗ nương tựa, chỉ do các duyên mà có. Nếu quán xét đúng đắn như thế mới thật tâm Bồ Tát có pháp phương tiện khéo léo. Xá Lợi Phất, nếu có người đến bảo với Bồ Tát rằng: ông phát tâm vô thượng Bồ Ðề, nay nên vì ta mà làm kẻ giúp việc. Bồ Tát nói lầm rằng: ta không riêng vì ông làm người giúp việc, ta làm việc cho tất cả chúng sanh. Tại sao thế? Vì ta là người gánh vác cho hết thảy chúng sanh, nhận sự an lạc, gánh việc không mỏi mệt, lo cho chúng sanh được an ổn, lo cho chúng được gặp Phật, giúp đỡ cho nghe Phật pháp, phụ trách việc thực hành giáo pháp, lo việc giải thoát; lo làm sao cho thân tâm không bị mỏi mệt giải đãi, để khỏi tự buồn phiền, cũng không phiền người. Ta đã không chịu khổ cũng đừng làm cho người khác khổ. Như lời ông nói là vì tôi mà làm kẻ giúp việc. Vậy ông có thể làm được những gì? Người kia trả lời: ông nên làm cho chính thân ông. Bồ Tát bèn nói: ta nay chẳng tiếc giữ thân mạng, chỉ thương cho ông đừng có đối với các pháp không, không chủ tể, không chỗ nương tựa như thế mà sanh tâm tự tại nên tạo ra nghiệp tội, đọa vào đường ác. Ô hay thương thay! Ta không muốn ông tạo thêm nghiệp tội đọa vào ác thú; tâm của ta là như thế. Nếu không tin là tùy ý ông. Nếu không tiếc thân mạng được như thế, mới gọi là chân tâm Bồ Tát, xa đường sanh tử, gần đạo Bồ Ðề, đầy đủ trí huệ giáo hóa chúng sinh trang nghiêm cõi Phật; cũng làm tăng trưởng căn lành cho mình và người.

Này Xá Lợi Phất, như người cầm viên ngọc ma ni vô giá hơ lửa thì tỏa ra muôn màu óng ánh. Người thợ cầm ngọc báu ấy được lợi rất lớn. Vì viên ngọc có công dụng làm ra được các món đồ khác. Như người nào thấy ngọc không ai chẳng thích nên sanh tâm thèm muốn. Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát cũng thế, luôn hành các pháp bình đẳng, nên chỉ cho chúng sanh thấy được tâm Bồ Tát. Tùy chỗ thực hành các căn lành, tâm được trong sạch, chư Phật thường hộ niệm. Vô số chúng sanh đều muốn trông thấy, hết thảy thế gian, trời, người đều hướng về. Này Xá Lợi Phất, ví như có người trồng cây làm thuốc theo thời tươi bón, che chở nắng gió, làm cho cây dần dần lớn lên xanh tốt. Khi cây thuốc đã đủ lớn trừ được nhiều bịnh cho chúng sanh. Vì người không bịnh ai trông thấy cũng ưa. Ðại Bồ Tát phát tâm vô thượng Bồ Ðề cũng như thế, là gieo các căn lành. Vì Phật trí nên nhất tâm cầu pháp, che khuất việc ma và các phiền não. Trong Phật pháp tùy chỗ tạo nghiệp, tâm Bồ Ðề dần dần tăng trưởng. Tâm Bồ Ðề đã tăng trưởng diệt được vô lượng bịnh phiền não cho chúng sanh. Có thể vì vô số chúng sanh chứa thuốc trí tuệ, đến lúc thành Phật tất cả chúng sanh dù thô hay tế đều muốn trông thấy, nên hết thảy thế gian, trời, người, a tu la đều tôn quí. Này Xá Lợi Phất, nếu có người đến nói với Bồ Tát rằng, người phát tâm vô thượng Bồ Ðề là người phải sanh vào đại địa ngục. Tại sao thế? Vì cứu độ chúng sanh nên phải ở đại địa ngục trong vô số a tăng kỳ kiếp thọ khổ thay cho chúng sanh, rồi sau mới được Phật trí vô thượng Bồ Ðề cứu độ chúng sanh. Nếu ông làm được việc ấy tức là cầu đạo vô thượng Bồ Ðề. Bồ Tát nghe xong bèn thối thác đạo tâm, nghĩ là việc khó thành, nên biết đây là chân tâm Bồ Tát. Nếu nghe như thế mà liền nghĩ là chẳng lâu xa gì, ta có thể kham được nên không còn ý nghĩ thối lui nữa. Nghĩ thế này: nếu ta có nhân duyên vào địa ngục làm cho chúng sanh xa lìa hết khổ để thành Phật, ta có thể vì mỗi chúng sanh mà ở trong đại địa ngục chịu khổ qua vô lượng a tăng kỳ kiếp như thế. Tại sao thế? Do Bồ Tát đã được trí huệ không ai sánh bằng, Phật lực không ai sánh kịp, đạt tới vô sở úy của chư Phật, cũng như đạt được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ Tát vì chúng sanh lập đại pháp hội, ban bố pháp bảo. Người nào nghe được phần pháp bảo ấy, trừ được vô lượng vô số khổ não; cũng như trừ được vô số các thống khổ trong a tăng kỳ kiếp ở đời vị lai, và được cái vui ly dục không thể so sánh. Vì thế ta phải vì vô số chúng sanh chịu khổ thay cho mỗi chúng sanh trong địa ngục mà tâm không thối chuyển.

Trong lúc đó, ta nghĩ trong chớp nhoáng nên không viễn tưởng xa vời, nghĩ có thể kham nhẫn được. Ông nên biết như thế mới gọi là chân tâm Bồ Tát.






CHÚ THÍCH

(1) Tam muội: hay còn gọi là tam ma đề hoặc tam ma địa: dịch là thiền định, đại định hay giải thoát. Phật, Bồ Tát, A La Hán đều nhập trong thiền định để giúp hộ thân và độ đời. Có nhiều hình tướng tam muội như Pháp Hoa tam muội, Tịnh Ðức tam muội, Thanh Tịnh tam muội, Trang Nghiêm Vương tam muội, Thần Thông Du Hí tam muội...

(2) Ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Cõi dục chúng ta đang sống, cõi sắc là cõi của các tiên nhơn chung ở và cõi vô sắc của chư thiên.

(3) Pháp tổng trì: (tiếngPhạn là Dhàrani, dịch âm: đà la ni) : giữ lấy tất cả, tùy câuniệm, cách định ấn chú mà giữ lấy, thâu lấy tất cả giáo pháp của Phật, của ba cõi hay thâu sức anh linh trong vũ trụ. Pháp tổng trì hay đà la ni là chơn ngôn hay thần chú, có nghĩa là giữ gìn trọn vẹn điều thiện, không cho điều ác dấy khởi.

(4) Ngã và ngã sở: chấp thân mạng và của cải vật chất là vật sở hữu của ta, nên ra sức duy trì bảo vệ; càng cố duy trì và bảo vệ bao nhiêu càng xa rời chúng bấy nhiêu và càng lún sâu trong tội lỗi.

(5) Thọ và trì: nhận và giữ gìn hay hành trì đối với kinh điển hay giáo pháp của Phật, trong tinh thần hiểu biết và đem áp dụng pháp tu ngay vào cuộc sống.

(6) Pháp khí: chỉ người đạo đức tinh anh, có khả năng đem giáo pháp truyền bá khắp nơi như một khí giới tinh nhuệ, sắc bén không khiếp sợ trước một mãnh lực nào. Bậc pháp khí là người xứng đáng nhận lãnh sứ mạng thay thế dức Phật hoằng truyền đạo giác ngộ cho nhân quần xã hội như thời đức Phật có ngài A Nan, Ca Diếp; về sau có các Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma, lục tổ Huệ Năng...

(7) Ðiều phục: chế ngự ba nghiệp: thân, miệng, ý; trừ diệt những việc làm xấu ác, lỗ lầm. Như Bồ Tát vì muốn điều phục những vị Tỳ Kheo phạm giới, nên chung cùng họ trong việc đạo đức sáng suốt, mà không chung cùng họ trong những thói tà lầm lạc, để hướng họ về với chánh đạo.

(8) Thất niệm: mất chánh niệm, tức rơi vào trong điên đảo vọng tưởng, si mê lầm lạc không còn biết đến giáo pháp nữa.

(9) Thâm tín: tin sâu vào giáo pháp, những lời Phật dạy và hiểu nghĩa lý để tu hành là được phước báu, nên hoàn toàn được mãn nguyện hay thành tựu được tất cả những gì theo lòng mong ước.

(10) 12 nhập hay 12 xứ gồm 6 căn: nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp nhập với 6 trần: hình sắc, âm thanh, mùi, vị, tiếp xúc và các pháp hợp thành.

(11) 18 giới: giới là ngăn chia thành từng lãnh vực, giới hạn, do 6 căn, 6 trần như trên đã nói và 6 thức là nhãn thức, nhỉ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Thức là cái tánh biết của 6 căn nên khác 6 căn. Như người có mắt mà không trông thấy được là thiếu nhãn thức rồi vậy.

(12) 12 nhân duyên: mười hai mối dây liên hệ buộc chặc với nhau như móc xích không rời nhau là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử dẫn chúng sanh đi thọ thai kiếp khác.

(13) Theo nghĩa chớ y lời: nên hiểu theo tinh thần hiểu biết chớ nên theo lời phao truyền sẽ rơi vào nẽo tà, lầm lạc trong vô minh điên đảo.

(14) Tam hữu: ba cõi có chúng sanh và cảnh vật, có nghiệp duyên, nghiệp quả và có

sanh tử. Tam hữu tức là ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc có chúng sanh chung nhau nương ở.

(15) Ngồi kiết già: ngồi thiền mà tư thế hai chân bắt tréo lên nhau như hoa sen; hai bàn chân để lên hai bắp đùi và ngồi ngay thẳng như pho tượng để quán tưởng.

(16) Lưỡng túc tôn: cả hai phần phước và trí hay huệ đầy đủ nên được tôn kính. Một tôn hiệu của Phật, vì Ngài viên mãn cả hai phần tu: phước đức và trí huệ.

( 17) Pháp vô sanh: pháp không sanh, tức vạn pháp vốn không sanh, nên cũng chẳng diệt, là cái lý chân như thật tướng. Chỉ có sự phát hiện, do các nhân duyên hòa hợp hay ly tán mà ta thấy có sanh, có diệt, có hiện hữu, có chấm dứt mà thôi. Ðiều này cũng có nghĩa là không có chúng sanh, thì không có các pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]