Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phụ Lục

30/04/201318:27(Xem: 4241)
Phụ Lục
KHAI TỔ THIÊN THAI TÔNG
THIÊN THAI TRÍ KHẢI

THIỀN VÀ CHỈ QUÁN

PAUL L. SWANSON biên soạn
TỪ HOA NHẤT TUỆ TÂM biên dịch
thienquanvachiquan-bia2


Phụ lục 1: Nhánh tay thiên thủ trên non Linh Thứu
(Trần thị Hoa Trắng)

Bài viết nầy không với mục đích ghi lại chi tiết chuyến hành hương trên đất Ấn tháng 3 năm 2011, mà chỉ như một cái nhìn về cảnh tượng thiên nhiên đã hiện thân thuyết pháp trên một tàng cây hoang dã tại Linh Thứu sơn.

Tàng cây in lại trên bức ảnh thật bình thường, trông như một loài cây hoang mọc đã lâu lắm rồi trên khoảng đất gồ ghề khó bước, chung quanh nhiều cỏ dại che mất lối đi. Tàng cây có hình dáng lạ kỳ, từng nhánh đơm thêm từng nhánh mới, dường như chỉ cần có một chỗ nhỏ nhoi nào đó ở thân cây thì mầm cây tức thì nẩy nhánh, đơm cành. Thân cây thoáng nhìn không đủ lớn để mang hết chừng ấy nhánh lớn, nhánh nhỏ, nhánh cao, nhánh thấp, nhưng vẫn oằn thân chịu đựng với một dáng vẻ bao dung pha lẫn hùng tráng.

Từ đâu đó, bài kệ “Quán Phật” của Thiên Thai Trí Giả mà thuở nhỏ tôi đã gắng công tập tành phiên dịch, và thích ngâm nga một mình bổng hiện về thấp thoáng trên mỗi nhánh lá xanh:

Cành dương liễu trải hàng hàng sương thơm mát
Trừ bức não được an hòa
Tìm nghe tiếng kêu than thống thiết của bốn loài chúng sinh mà giải cứu
Thuyết pháp độ thoát sáu nẻo trầm luân.
Tâm vốn từ bi kiên cố
Tướng sẳn đoan nghiêm tự tại
Có cảm tất có ứng, nguyện nguyện đáp bồi
Vốn dòng pháp tử, con nay tiếp thừa tịnh quán
Chí tâm xưng tán mật ngôn, giữ gìn pháp thủy.
Pháp thủy kia,
Vuông tròn tùy khí, có không nhậm thời
Mùa xuân tuôn tràn, mùa đông lắng đọng
Xuyên sâu bờ mạch lớn rộng thay
Cội nguồn thâm áo mênh mông khó lường thay.
Linh diệu vô cùng tận
Như rồng ẩn khe trong, như trăng dầm ao biếc.
Hoặc trên ngọn bút đấng minh vương ban ân cùng khắp,
Hoặc tại đầu nhánh liễu xanh của bậc đại từ tuôn thơm giọt ngọc.
Một hạt sương trong, mười phương nhuần tịnh.

Tàng cây trước mắt tôi không phải là nhánh liễu thanh thoát như trong bài kệ nầy mà dường như đang vươn ra nghìn cánh tay như muốn ôm trọn bầu trời khiến tôi liên tưởng đến Đức Quán Âm nghìn mắt, nghìn tay. Nhánh tay thiên thủ.

Vì sao mà phải có đến nhiều tay như vậy. Một số lớn người có lòng tin vào Bồ tát Quán Thế Âm thường nghĩ rằng vì lòng đại bi của Bồ tát quá lớn rộng nên phải cần nhiều mắt để không bỏ sót chúng sinh, nhiều tay để nâng đở chúng sinh, và nhất là luôn luôn tầm thinh cứu khổ. Vì lòng tin quá mãnh liệt cho nên sự cảm ứng cũng khôn lường. Nghìn bàn tay để bồng bế, dắt dìu, nghìn ánh mắt để trông nom, săn sóc.

Đứng trước tàng cây tôi bổng nhiên ngậm ngùi.

Lòng thế nhân dâu bể khôn dò, tâm ái dục hẫy hừng khó lấp. Cái khổ của con người từ đó mà sinh. Có rồi lại muốn có thêm, cầu rồi lại cầu nữa, được rồi lại muốn được. Dù cho Bồ tát có nghìn tay có lẻ không phải vì lý do để cho đủ số tay mà đáp ứng những sự mong cầu nầy.

Pháp thủy kia,
Vuông tròn tùy khí; có, không nhậm thời.
Mùa xuân tuôn tràn, mùa đông lắng đọng.

Nếu đã nói rằng “tùy khí, nhậm thời” thì không phải chỉ có một khí, một thời. Nếu chỉ có một khí và một thời thì không thể “tùy” 隨và “nhậm” 任được. Vì vậy mà phải có nghìn khí, nghìn thời để cứu vớt chúng sinh.

Khí và thời vốn sẳn, nhưng tùy và nhậm như thế nào?.

Kinh nói: “Phật bảo Vô Tận Ý Bồ Tát: Thiện nam tử, Nếu có chúng sinh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thì Bồ tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân Duyên Giác được độ thoát liền dùng thân Duyên Giác mà vì đó nói pháp...”.

Như vậy, cái đại sự nhân duyên mà Bồ tát xuất hiện trên thế gian có trong hai chữ “tùy” và “nhậm” nầy. Nhưng nếu nói rằng tùy và nhậm là chuyện riêng của Bồ tát thì hóa ra chuyện riêng của chúng sinh là tùy chuyện mà cầu xin?. Người học Phật chân chính không tin như vậy và không chỉ muốn như vậy. Không chỉ muốn như vậy thì người học Phật nên tùy duyên mà chuyển tâm, tùy thời mà khai tuệ. Chuyển từ tình phàm sang ý thánh, từ ngu sang trí, từ ác thành thiện. Lại cũng có người nói rằng: chưa đủ duyên nên chưa ăn chay được, chưa tụng kinh được v.v... Nghĩ cho cùng thì “duyên” do ai tạo?. Duyên thực ra chỉ là một tên gọi khác của nhân và quả mà thôi. Con người có hai bàn tay, một bàn tay gieo nhân, một bàn tay gặt quả. Duyên là cái nằm trong hai bàn tay nầy. Duyên không thể ở ngoài nhân quả được. Huống chi mười hai nhân duyên cũng không phải là thực thể, mà có lúc đến thì có lúc đi, như có, như không, như huyễn, như hóa. Nếu chính mình không làm chủ nhân quả và nhân duyên thì ai làm chủ?. Tu là sửa, sửa để được an lạc, không bị vô minh câu thúc. Như vậy, tu sửa là để được tự do. Một con người tự do thì không chỉ nghĩ đến chuyện xin xỏ những thứ mình cần, dù tinh thần, dù vật chất.

Trở lại bài pháp ngắn của Đức Lạt Ma XIV thuyết tại Dharamsala, nhắn gởi người Việt nam trên đất Ấn trong chuyền hành hương nầy:

Đức Phật không phải là đấng tạo hóa. Ngài là một con người bình thường, đã tu hành và đã giác ngộ viên mãn, và đối với đạo Phật, mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh khởi, do định luật nhân quả. Muốn đạt được hạnh phúc chân thật thì cần phải an lạc, và muốn được an lạc thì cần phải có lòng từ bi. Làm sao để chúng ta phát triển được lòng từ ? Chỉ nghĩ đến cũng chưa đủ mà cần phải làm sao để chuyển hóa tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày. Chìa khóa cho một thế giới hòa bình, hạnh phúc và an lạc bản thân chính là sự phát triển tâm từ... Mỗi người chúng ta đều có Phật tánh và cần nỗ lực thực hành để giác ngộ như Phật”.

nhanhtaythienthu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]