Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thích Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

30/04/201318:27(Xem: 4226)
Thích Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
KHAI TỔ THIÊN THAI TÔNG
THIÊN THAI TRÍ KHẢI

THIỀN VÀ CHỈ QUÁN

PAUL L. SWANSON biên soạn
TỪ HOA NHẤT TUỆ TÂM biên dịch
thienquanvachiquan-bia2

Phần Hai
Thích Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Giác Ý Tam Muội
釋 摩 訶 般 若 波 羅 密 多 心 經
覺 意 三 昧
Thiên Thai Trí Khải giảng thuyết
Quán Đảnh ghi chú

[1] Giải thích đặc tính (621a7-b25)

Nếu có người muốn vượt biển sinh tử đến bờ kia, chắc chắn rằng người ấy phải biết rõ những vọng tưởng căn bản và hiểu được yếu chỉ đạt đạo. Thực tế 實際của kiến thức là nền tảng của ảo tưởng, phản chiếu tâm nguyên 反照心源 là [việc làm] thiết yếu để chứng đạo. Thực tế của tri thức là chánh nhân 正因 [giải thoát][1], phản chiếu nguồn tâm là liễu nhân了因Bồ đề [2]. Hai nhân nầy gồm thu muôn pháp, không có chỗ nào mà không cùng tận. Ví như ánh thái dương rực rỡ trên bầu trời trong sáng cùng lúc chiếu soi [muôn loài]; hư không và mặt trời chẳng tức chẳng ly, chẳng trụ chẳng bất trụ, ánh sáng mặt trời tỏa ngời hùng tráng, đẩy lui bóng tối, phơi bày không gian. Cũng vậy, mặc dù bóng đêm bị xóa tan vì hư không lộ diện, nhưng không hề mất đi một cái gì đó hoặc thêm vào một cái gì đó trong không gian nầy. Cái gì có thì không bao giờ mất, điều nầy bao hàm thế giới sự tướng. Cái chướng ngại của bóng tối đã vĩnh viễn lìa xa, nhưng không có gì mất đi trong bản tánh. Vô số sự tướng trong không gian hiển bày nhưng tánh rỗng lặng của hư không vẫn hồn nhiên, thanh tịnh. Nếu không có ánh sáng mặt trời thì có bóng đêm. Không phải vì hư không mà khuất đi bóng tối, nhưng bóng tối tạm ẩn đi vì có ánh mặt trời. Nếu không có mặt trời thì sẽ không có ánh sáng mặt trời, không gian sẽ không rực sáng. Nếu không có ánh mặt trời, bóng đêm không tự ý rút lui. Dù vậy, thể tánh của bóng tối chẳng [từ đâu] đến mà cũng chẳng đi [về đâu]. Tánh và Tướng của mặt trời chẳng sinh chẳng diệt. Có một vầng thái dương, và vầng thái dương đó chiếu rạng bầu trời. Đây là cái thấy rõ ràng về trời và đất, thấy hư không / tánh rỗng lặng tự bản tâm hằng chiếu soi bởi mặt trời trí tuệ thì cũng giống như vậy – vì mặt trời không là không gian nhưng cũng không ly khai không gian. Nếu như mặt trời tức là không gian thì làm cách nào chiếu rạng không gian cho được?. Nếu như mặt trời cách biệt với không gian thì không gian cũng không nương nhờ được ánh sáng của mặt trời. Tuệ nhật 慧日cũng như vậy. Tuệ nhật không là hư không / tánh rỗng lặng của bản tâm nhưng cũng không lìa hư không / tánh rỗng lặng của bản tâm. Nếu nó tức hư không thì nó không thể làm nhân chiếu sáng. Nếu nó cách biệt với hư không thì nó cũng không thể làm việc chiếu sáng. Vì mặt trời không trú [như một chủ thể] trên bầu không, mà cũng chẳng phải không trú trên bầu không nên mới có thể chiếu rạng bầu không từ bản tánh vô trụ; mà cũng không rơi ra khỏi không gian cũng vì không trụ vào không gian. Tuệ nhật cũng như vậy. Hãy quán rằng tánh rỗng lặng của bản tâm không trụ nơi tánh rỗng lặng của bản tâm nên có thể chiếu soi. Điều nầy không có nghĩa rằng tánh rỗng lặng có trụ vì nó có chiếu soi. Tuệ tâm thường tịch. Như ánh mặt trời có thể xóa tan bóng tối, lộ bày tướng trạng của không gian. Tuệ nhật cũng như vậy. Tuệ nhật có thể diệt bóng tối vô minh làm hiển lộ nguyên lai chân tánh. Khi mặt trời xóa bóng đêm làm lộ tướng không gian, nhưng không gian nầy chẳng mảy may tăng hoặc giảm, cũng như mặt trời trí tuệ. Tuệ nhật xóa tan vô minh và làm hiển lộ chân tánh nhưng tánh không của bản tâm chẳng tăng chẳng giảm, ví như mặt trời chẳng thêm chẳng bớt khi đẩy lui bóng đêm và phơi bày một bầu trời với muôn sự tướng. Tuệ nhật cũng giống như vậy. Mặc dù bản tánh của tự tâm chẳng tăng chẳng giảm nhưng năng diệt phiền não, vẹn toàn vạn hạnh hiển lộ vạn pháp. Trên bầu không thanh tịnh, có bóng tối nếu không có mặt trời, tánh của bản tâm cũng không khác. Bản tâm tự tánh thanh tịnh, nhưng vì không có ánh sáng của trí tuệ, ảo vọng vô minh liền phát sinh. Không gian thanh tịnh nhưng không thể tự hủy diệt bóng tối vì sự hủy diệt bóng tối đòi hỏi sự giả hiện của ánh sáng mặt trời, bản tánh rỗng lặng của tâm cũng như vậy. Tâm vốn thanh tịnh nhưng không phải tự nhiên mà diệt được vô minh, sự diệt trừ ảo chướng đòi hỏi sự chiếu soi của trí tuệ. Không thể có ánh sáng và sự chiếu soi nếu không có mặt trời trên bầu không. Nếu mặt trời không lộ diện thì bóng tối sẽ không bị xóa tan đi. Tuệ nhật cũng như vậy. Nếu tự bản tâm [không có ánh sáng trí tuệ] thì làm sao có được sự chiếu soi?. Nếu tánh rỗng lặng của bản tâm không có trí tuệ thì không thể diệt được vô minh. Vì bóng tối chẳng đến chẳng đi, mặt trời chẳng sinh chẳng diệt, trí và ngu cũng như vậy. Tạm nói rằng vô minh bị diệt trừ, nhưng vô minh chính nó không có định tánh, nó chẳng đến chẳng đi, nên không hề có một thực thể bị hủy diệt. Trí tuệ chiếu soi muôn pháp, nhưng bản tánh [của trí tuệ] thường tịch. [Trí tuệ] chẳng sinh chẳng diệt, và tuyệt đối không có một [thực thể] chiếu soi. Ví như mặt trời chiếu rạng không gian là một cách hiểu tự nhiên về trời đất; đây cũng là chỗ hồi quang phản chiếu bản tâm rỗng lặng. Từ đó tất cả sự tướng thế gian và siêu thế gian đều tự nhiên hiển bày viên mãn. Vì ý nghĩa nầy, tôi [Trí Khải] nói rằng trí tuệ chiếu soi tự tâm, ví như vầng thái dương trên nền trời. Nếu có người nhờ nghiền ngẩm mưới ẩn dụ của không gian và mặt trời mà thâm nhập được vạn pháp thì từ đó người ấy có thể vào được biển giác ý 覺意. Đây gọi là giải thích tất cả sự tướng.

[2] Giải thích tên “giác ý tam muội” (621b26-622b23)

Vấn:Giác Ý Tam Muội là gì? Vì sao gọi là Ý?. Có phải vì chư Bồ tát “giác” được “ý” của họ nên chứng được tam muội?. Tuy nhiên, có vô lượng pháp, tại sao lại giảng về giác ý tam muội?.

Đáp:“Giác” hoặc “viên giác” có nghĩa là “giác danh chiếu liễu” 覺名照了, Ý chỉ cho tâm sở ( xưa gọi là tâm số 心數 ). Tam Muội chỉ cho Điều 調, Chân 眞, Định 定 [ý của hành giả]. Khi tâm sở phát sinh, người ấy nên phản chiếu quán sát 反照觀察, bất kiến động chuyển 不見動轉. Đây là ý nghĩa của “Giác Ý Tam Muội”. Đối với câu hỏi có vô lượng pháp, tại sao lại chỉ giảng về giác ý tam muội mà không nói đến những pháp khác – xin đáp rằng mặc dù pháp thì vô lượng nhưng đều từ Ý [sinh khởi], không có bất cứ điều gì không tùy thuộc vào [tiến trình] nầy.

[621c5] Biết được điều nầy nên có người nói rằng khi con người biết nhận ra cảnh vật – chính là lúc phân biệt người với gỗ, đá – đây gọi là Tâm 心. Sau đó là sự định lượng, phân biệt gọi là Ý 意. Biết đưa ra đầy đủ phán đoán gọi là Thức 識. Tâm, Ý, Thức theo đó mà phân biệt tức rơi vào sự điên đảo của tâm [thị phi], sự điên đảo của khái niệm, và sự điên đảo của tri kiến. Nếu có người có thể biết rõ rằng trong tâm, ý không có mặt [như thực] cũng không hẳn là không có mặt; trong tâm, thức không có mặt [như thực] cũng không hẳn là không có mặt; trong ý, thức không có mặt [như thực] cũng không hẳn là không có mặt; trong thức, ý phân biệt không có mặt [như thực] cũng không hẳn là không có mặt; trong thức, tâm không có mặt [như thực] cũng không hẳn là không có mặt – đây là [cái hiểu đúng về] tâm, ý, và thức. Vì vậy cho nên là “phi nhất tạo lập tam danh” 非 一 造 立 三 名, và “phi tam tạo thuyết nhất tánh” 非 三 造 說 一 性.

Nếu danh không là [thực] danh thì tánh cũng không là [thực] tánh. Vì đây không phải là ba tên gọi [cố định] nên không phải là ba [chân lý độc lập]; vì không có một chân lý [cố định] nên không phải là một. Không là ba nên không [có gì gọi là] hợp, không là một nên không [có gì gọi là] tan. Không hợp nên không phải là Hữu, không tan nên không phải là Vô.Không là hữu nên không thường; không là vô nên không đoạn. Tâm, ý, thức nầy chẳng phải đoạn cũng chẳng phải thường. Nếu các ông không vướng mắc vào các chủ trương thường hoặc đoạn thì hẳn nhiên các ông sẽ không vướng mắc vào cái thấy một hoặc nhiều [giống hoặc khác].

Vậy nên nếu có người nói về Ý thì ở đây có cả hai nghĩa của Tâm và Thức. Tất cả các pháp đều như vậy. Nếu các ông có thể quán tâm một cách thâm sâu thì các ông có thể vượt qua những ý [tưởng] vô minh cũng như những nhiễm ô ngu ngốc, và diệt được tất cả. Vì vậy nên dù pháp có vô lượng, tôi [Trí Khải] thuyết về Giác Ý Tam Muội nầy.

[621c21] Kế tiếp, cái được gọi lả Giác Ý Tam Muội được kinh và luận [Đại Bát Nhã và Đại Trí Độ Luận] giải thích như thế nào?. Kinh luận nói rằng chứng đắc Thất Giác Ý 七 覺 意 trong tất cả các tam muội thì gọi là Giác Ý Tam Muội. Ở đây, “tất cả tam muội” có nghĩa rằng tất cả pháp đều không lìa tam muội vì tất cả pháp vốn thường tịch.

Hơn nữa, nói về tam muội thì có ba loại: thế gian, siêu thế gian, và siêu siêu thế gian tam muội [3].

Thế gian tam muội là sự chứng đắc tam muội của cõi Dục, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, và những tam muội của tứ vô sắc mặc dù vẫn còn tâm tán loạn của cõi Dục.

Siêu thế gian tam muội gồm có trí tuệ thực hành ba mươi bảy phẩm, ba môn giải thoát, tứ đế, và mười hai nhân duyên.

Siêu siêu thế gian tam muội gồm 108 tam muội như thập lực tam muội, Thủ Lăng Nghiêm tam muội v.v...

Với nghĩa nầy, ba loại tam muội bao gồm những tam muội nhiều như cát trong khắp mười phương thế giới. Vạn pháp gồm thu trong đó. Vì các pháp gồm thu, người ta có thể nói đến “tất cả tam muội”.

[622a6] Thất giác [ý] là gì?. Đó là: Niệm, Trạch pháp, Tinh tiến, Hỉ, Khinh an, Định, Xả.

“Thất giác” có nhiều nghĩa, nhưng tôi chỉ lược giải sáu loại:

[1] Thất giác là nhân nghe [pháp] 因聞

[2] Thất giác là tu hành 修行

[3] Thất giác là hội lí會理

[4] Thất giác là khởi phương tiện 起方便

[5] Thất giác là nhập pháp môn 入法門

[6] Thất giác là viên cực 圓極

[622a12] [1] Thất giác là nhân nghe [pháp] có nghĩa rằng: Vạn pháp vốn không tịch và tuyệt đối thanh tịnh nhưng chúng sinh không nhận ra được điều nầy. Nếu họ gặp được chư Phật, chư Bồ tát, hoặc thiện tri thức bảo họ rằng vạn pháp vốn không tịch, người nghe [nếu tiếp nhận được] sẽ đại ngộ phi thường... Người sinh giác ngộ như trên vì nghe được pháp, đây gọi là nhân văn 因聞.

(Ghi chú của người dịch: Từ số [2]- [5] bản Anh ngữ, chỉ có tựa mà không có phần giải thích).

[622b2] [6] Thất giác là viên cực 圓極có nghĩa rằng: Nếu Bồ tát ma ha tát trụ ở Kim Cang Tam Muội, trong tịnh thiền an lạc, đại ngộ và được nhất tâm, thường chiếu soi viên tịch, hiểu tất cả pháp một cách đầy đủ và rõ ràng, đây gọi là viên cực [các pháp]. Đây cũng gọi là đại giác ngộ. Đây cũng gọi là vô học.

Đó là ý nghĩa của thất giác. Bồ tát sơ phát tâm, thực hành nhiều pháp quán, cuối cùng đắc quả rốt ráo, đây gọi là thất giác; cũng gọi là quán tướng của tâm, và phản chiếu thức反照識.

Với nghĩa nầy vô lượng tam muội có tên gọi khác nhau. Trong Hoa ngữ có nghĩa là điều chân tâm 調眞心, và cũng gọi là thường tịch định 常寂定. Đây là tấm gương thanh tịnh, hoặc như nước mặt hồ lặng yên không mảy may gợn sóng, có thể phản chiếu muôn vật. Tất cả những gì hiển lộ trong tâm thì cũng giống như vậy. Mặc dù bản tâm vốn thanh tịnh, nhưng vì ý khuấy động khiến tâm [tạm] mất đi sự tĩnh lặng. Nếu các nhân giác ngộ nói trên được vun tưới đầy đủ thì hành giả đắc được tịnh ý. Nếu các pháp nầy được hiển bày, thì sẽ đạt được định, và tâm sẽ an lạc. Đây gọi là “định”, vì vậy nên thuyết về “giác ý tam muội”.

[3] Giải thích về sự tu tập Giác Ý Tam Muội (622b24-623a4)

[giải thích về Lục Độ, theo Maha Chỉ Quán, 17b].

….

[622c28] Nếu hành giả không tu tập lục độ ba la mật, tam muội sẽ không thành tựu. Vì vậy, những người muốn tu tập giác ý tam muội cần phải lấy lục độ làm phương tiện tu học tinh cần. Sáu độ nầy gồm thu tất cả phương tiện thiện xảo. Nếu các ông biết dùng, các ông có thể vượt được cái tâm bám đầy phấn bụi của sáu cái tán [loạn] 六散, điều được tâm. Chỉ từ đó, các ông mới có thể nhận ra được sự thật, có được cái thấy từ tâm vi diệu, và vào được cánh cửa của trí tuệ chân thực. Đây gọi là phương tiện thiện xảo tu tập tam muội cho kẻ sơ cơ...

[4] Giải thích minh bạch đối với tướng của tâm qua Giác Ý Tam Muội [623a5-b23]

Vấn:Khi một hành giả muốn vào [Giác Ý] tam muội, tướng của tâm trong định nầy là gì?.

Đáp:Kinh và luận có nói về tâm tướng心相, nhưng không giống nhau, tôi [Trí Khải] cũng sẽ không mang ra thảo luận [mọi khía cạnh] ở đây. Thay vào đó, tôi sẽ nói về các điểm chính với bốn loại tâm tướng, là những đối tượng quán chiếu. Bốn loại nầy là gì?. Thứ nhất là vị niệm 未念. Thứ hai là dục niệm欲念. Thứ ba là niệm 念. Thứ tư là niệm dĩ 念已.

[623a10] Vị niệmlà niệm trước khi duyên cảnh 緣境 mà sinh. Dục niệmlà niệm duyên theo cảnh mà sắp sinh.Niệmlà niệm duyên theo cảnh mà đã sinh.Niệm dĩchỉ cho niệm duyên cảnh đến chỗ hoàn toàn và chấm dứt, dần phai mờ và mất đi.

[623a12] Vấn:Tướng của tâm nhiều sai khác. Tại sao ông chỉ lấy bốn tướng trên?.

Đáp:Bốn tướng nầy bao gồm tất cả các niệm. Ví như gặp phải một tà pháp. Trước tiên là có vị niệm về pháp nầy, rồi đến dục niệm về pháp nầy, rồi có niệm về pháp nầy, và sau cùng là niệm dĩ về pháp nầy. Hoặc ví như gặp được một chánh pháp. Trước tiên là có vị niệm về pháp nầy, rồi đến dục niệm về pháp nầy, rồi có niệm về pháp nầy, và sau cùng là niệm dĩ về pháp nầy. Đối diện với sáu căn và kinh nghiệm về tam độc; tất cả phiền não và tất cả các sinh hoạt như đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, ăn uống v.v... về tiến trình của bốn tướng đã giải thích như trên. Tất cả những gì liên quan đến sự tướng thế gian đều có bốn tướng nầy, vì vậy nên tôi [Trí Khải] giới hạn bài giảng trong bốn tướng mà không nói qua những đối tượng quán chiếu khác.

[623a19] Vấn:Ý nghĩa của “tướng” là gì?

Đáp: Cái được thấy và phân biệt thì gọi là tướng. Các pháp về nhận thức thì không có tướng vật chất. Không thể biết được chúng nếu không qua bốn tâm tướng nầy để phân biệt. Nếu không biết đến chúng thì không quán được chúng. Vì vậy nên việc cần yếu trước tiên là phân biệt bốn tướng nầy. Nếu các ông quán và hiểu rõ rằng những tướng nầy [là Không và vì vậy] không là thực tướng, thì các ông nhận ra tánh bình đẳng [của tất cả các tướng và tánh phổ quát] của một tướng.

[623a24]Vấn: Có thể quán được “dục niệm” và “niệm” vì hai tướng nầy có dấu vết. Nhưng “vị niệm” chưa sinh khởi nên không có niệm. Nếu không có niệm thì không có tướng có thể phân biệt. “Niệm dĩ” thì đã diệt, không khác với chẳng có gì. Nếu không có các pháp thì không có các tướng. Làm cách nào mà có thể quán [được các tâm tướng nầy]?.

Đáp: Mặc dù ở trạng thái “vị niệm”, niệm chưa sinhnhưng không có nghĩa rằng không có niệm. Điều nầy muốn nói lên điều gì?. Ví như có một người chưa có tác động gì cả, nhưng rồi theo duyên mà hành động. Nếu chỉ vì không có tác động mà chúng ta nói rằng không có người trước khi tác động được làm?. Nếu chúng ta khẳng định rằng không có người, thì ai là kẻ sau đó khởi lên động tác?. Vì có người, người đó chưa làm nên động tác cho nên sau đó mới có động tác do người nầy làm.

Tướng của tâm cũng như vậy. Sở dĩ có “dục niệm” vì có “vị niệm”. Nếu không có “vị niệm” thì làm cách nào một người có thể đến với trạng thái “dục niệm”?. Vì vậy, với tướng “vị niệm”, dù rằng niệm chưa phát sinh, điều đó không có ý nghĩa khẳng định rằng [niệm] không hiện hữu.

Nói rằng hành giả không thể quán được tướng của “niệm dĩ” vì niệm đã đến trạng thái chấm dứt và [tạm gọi là] mất đi. Tuy vậy nhưng không phải vậy. Ví như một người sau khi động tác đã hoàn tất – chúng ta không thể nói rằng không hề có người nầy. Nếu chúng ta nhất quyết rằng không có người thì ai là kẻ sau đó khởi lên động tác? . Niệm diệt [ở trạng thái] “niệm dĩ” cũng như vậy. Chúng ta không thể nói rằng cái việc “diệt” là vĩnh viễn, và không có niệm. Nếu chúng ta nói rằng cái việc “diệt” là vĩnh viễn, và không có niệm tức là chúng ta đã rơi vào chủ nghĩa đoạn diệt, bác bỏ nhân quả. Vì vậy, dù rằng một niệm đã đi đến trạng thái chấm dứt và [tạm gọi là] mất đi, nhưng vẫn có thể quán được.

[623b8] Vấn:Một hành giả phải quán tâm 觀心như thế nào?. Nếu nói rằng quán tâm quá khứ thì tâm quá khứ ấy đã qua. Nếu nói rằng quán tâm vị lai thì tâm vị lai chưa đến. Nếu nói rằng quán tâm hiện tại thì tâm hiện tại nầy không dừng lại. Không có tâm nào ngoài ba thời nầy. Lại hỏi, vậy thì hành giả quán tâm nào?.

Đáp:Câu hỏi của ông thực quá sai lầm. Nếu tâm quá khứ đã hoàn toàn qua đi và không thể nào biết đến nó được thì làm cách nào bậc thánh biết được tất cả tâm quá khứ?. Nếu tâm vị lai chưa đến và không biết nó ra sao thì làm cách nào bậc thánh biết được tất cả tâm vị lai?. Nếu tâm hiện tại không dừng lại và không thể biết được nó thì làm cách nào bậc thánh biết được tâm hành của tất cả chúng sinh khắp mười phương thế giới?. Ngay cả loài yêu mị trong cõi nầy còn có khả năng biết được tâm niệm của chúng nó trong ba thời, và cũng biết được tâm niệm của người khác trong ba thời. Tại sao những hành giả đã gặp được pháp Phật như các ông lại còn sinh khởi tà kiến chấp vào đoạn diệt, tức cho rằng quá khứ, hiện tại, và vị lai không hiện hữu – như lông rùa, sừng thỏ – nên không thể biết được?.

Các ông phải nên biết rằng tâm quá khứ, hiện tại, và vị lai – mặc dù không thường trú nhưng vẫn có thể biết đến được. Như bài kệ trong Đại Trí Độ Luận nói: “Phật thuyết rằng: Không mà không đoạn. Tiếp nối mà không thường. Vậy nên quả thiện ác không mất.” (T25.64c8-10)

Các ông không nên có cái chấp đoạn diệt, cũng không nên chẳng có kiến giải. Người không tu tập pháp quán thì chẳng khác người mù, dù đứng trước hình sắc cũng không thấy được [hình sắc]. Các ông cũng giống như vậy. Nếu các ông không có được con mắt [thấy được thực tướng của các] pháp thì thực là thiếu sót và chẳng lợi ích gì.

[5] Giải thích lối vào pháp quán Giác Ý Tam Muội [623b24-626c1]

Vấn: Nay chúng tôi biết rằng bốn tâm tướng bao gồm tất cả tâm pháp. Làm cách nào một hành giả định nơi các tâm nầy để thông đạt mọi mặt của thực tại, chiếu soi và minh bạch tất cả các tam muội, và trở nên tương ưng với thất giác?.

Đáp: Trước hết nên lập đại thệ nguyện, và tu tập lục độ như đã nói trên. Điều tâm, tin và biết rằng tất cả các pháp đều không tịch, rằng chính mình đang chìm đắm trong vô minh mà chưa hoàn toàn giác ngộ. Phải nên chuyên cần tu tập chánh quán, và đạt đến chỗ biết được những tà niệm và tà kiến làm hại [con đường huệ mạng của] các ông.

Các ông nên biết chính các ông, và theo dõi tâm mình khi niệm phát sinh, với tâm chẳng trụ vào đâu cả, hãy tự phản chiếu, hãy quán và nhận ra sự có mặt của vị niệm, dục niệm, niệm, và niệm dĩ.

[623c3] Đó là lúc quán một cách chân chánh, hoặc là [1] tâm vị niệm diệt, và tâm dục niệm sinh, [2] tâm vị niệm không diệt và tâm dục niệm sinh, [3] tâm vị niệm diệt và chẳng diệt, và tâm dục niệm sinh, [4] tâm vị niệm chẳng diệt chẳng không diệt, và tâm dục niệm sinh. Trong đường lối nầy, dùng tứ cú phân tích vị niệm, quán rằng cái sinh của tâm dục niệm bất khả đắc, rồi cái vô sinh cũng bất khả đắc. Như vậy, hợp với bản tâm mà giải thoát.

[Phân tích] vị niệm với tứ cú gọi là gì?. Đó là quán tâm dục niệm bất khả đắc.

[623c9] Trước hết, [phân tích] vị niệm qua phần thứ nhất [của tứ cú]:

Hãy quán sự sinh khởi của dục niệm là bất khả đắc. Nếu [chúng ta nói rằng] dục niệm sinh khi vị niệm diệt, nếu vị niệm đã diệt hẳn rồi thì dục niệm từ đâu mà có thể sinh?. Cái sinh đó xảy ra cùng lúc với cái diệt của vị niệm, hoặc là cái sinh đó cách biệt với cái diệt của vị niệm?.

Giả định [chúng ta nói rằng] cái sinh của dục niệm xảy ra cùng lúc với cái diệt của vị niệm. Tuy nhiên, pháp diệt không phù hợp với pháp sinh vì bản tánh của sinh diệt không dung nhau.

Giả định [chúng ta nói rằng] trong cái sinh có chứa đựng cái diệt, nhưng vì bản tánh của sinh diệt không dung nhau, nên giả định nầy không thể được. Mặc dù [chúng ta thấy] trong một quả chín, bên trong lớp vỏ vẫn chứa hạt, đến khi lớp vỏ chín thì thấy được hạt. Nhưng vỏ không phải là hạt, và hạt cũng không phải là vỏ. Làm cách nào người ta có thể lấy ra hạt từ trong lớp vỏ?. Niệm cũng đúng như vậy. Người ta không thể lấy ra cái sinh ngay trong cái diệt. Vì vậy, sự diệt của vị niệm và sự sinh của dục niệm xảy ra cùng lúc là điều không thể có được.

Giả định [chúng ta nói rằng] có cái sinh của dục niệm cách biệt với cái diệt của vị niệm. Như vậy có lý nào lại có một cái sinh mà không có nhân?. Điều nầy cũng không thể có được. Nếu có một cái sinh, sinh ra mà không từ đâu cả, thì [cái sinh nầy] không thể gọi là “sinh”. Ví như cái rỗng không thì không thể sinh ra ở nơi đâu, cho nên cái rỗng không nầy không thể gọi là “sinh”. Các ông phải nên biết rằng cái diệt của vị niệm đối với cái sinh của dục niệm đều bất khả đắc.

Thực hành [pháp quán nầy] cũng như vậy. Hoặc đồng hoặc dị, hãy quán cái diệt của vị niệm và cái sinh của dục niệm đều bất khả đắc.

[623c22] Thứ hai, [phân tích] vị niệm qua phần thứ hai [của tứ cú]:

Hãy quán sự sinh của dục niệm là bất khả đắc. Nếu dục niệm sinh trước khi vị niệm diệt, thì cái vô diệt và sinh đồng thời hoặc cái vô diệt và sinh diệt khác [thời]?.

Nếu cái vô diệt và sinh đồng thời thì trong cái vô diệt đã sẳn có cái sinh. Cái sinh nầy sinh như thế nào?. Nếu cái sinh như vậy có thể phát khởi cái sinh nầy thì có thể nối tiếp sinh. Những cái sinh như vậy có thể liên tục sinh khởi đến vô tận. Nhưng [những lối sinh mà không có nhân như vậy] thì không thể được. Nếu mỗi cái sinh có một đặc tính thì không thể phát khởi vô số cái sinh. Thí dụ như một ngón tay không thể chứa đựng trong nó nhiều ngón tay khác. Nếu cái sinh nầy có một đặc tính khác thì không thể gọi đó là “sinh”. Sinh có đặc tính của sinh; bỏ ra ngoài đặc tính nầy thì không thể sinh khởi. Ví như một trái đào và một quả táo có đặc tính khác nhau. Trái đào không sinh ra quả táo và quả táo không sinh ra trái đào. Như vậy, dục niệm không thể sinh khi vị niệm chưa diệt.

Nếu chúng ta nói rằng chúng khác [thời], thì dục niệm sinh bên ngoài cái vô diệt của vị niệm, vậy thì dục niệm từ đâu sinh?. Nếu sinh từ chỗ rỗng không thì chúng ta có cái sinh từ chỗ vô nhân [là điều không có được]. Nếu không có nhân mà sinh được, thì là vô sinh, và có thể nói [luôn] được rằng vô sinh là sinh, rồi thì chúng ta rơi ngay vào lỗi lầm [đưa ra] một loại quả [mà quả đó] không có nhân. Ví như thạch nữ sinh con. Các ông nên biết rằng dục niệm không thể nào sinh bên ngoài cái vô diệt của vị niệm.

Hãy thực hành pháp quán nầy như vậy. Hoặc đồng hoặc dị, hãy quán cái vô sinh của vị niệm và cái sinh của dục niệm đều tuyệt đối bất khả đắc.

[624a8] Thứ ba [phân tích] vị niệm qua phần thứ ba [của tứ cú]:

Hãy quán cái sinh của dục niệm là bất khả đắc. Giả định chúng ta nói rằng vị niệm diệt và vô diệt. Khi dục niệm sinh, nếu cái sinh đó có do cái diệt của vị niệm, thì còn cần gì đến cái vô diệt?. Mặt khác, nếu sinh vì vô diệt thì cần gì đến cái diệt?. Một cái nhân bất định không thể sinh ra một cái quả định. Một người [cha hoặc mẹ] lông bông thì không thể uốn nắn những đứa con có được nền tảng vững vàng.

Nếu có cả diệt và vô diệt thì dục niệm không thể nào sinh được nếu đặc tính là một và giống nhau. Cũng vậy, diệt không là vô diệt, và vô diệt cũng không là diệt; đặc tính của chúng biệt lập, và không đồng một thể. [Nói rằng] dục niệm sinh vì [tánh diệt và vô diệt] không khác nhau thì giống như nói rằng một người không có chủng tính có hai chủng tính, chẳng phải một. Người như vậy không thể sinh con có chủng tính...

Hãy thực hành [pháp quán nầy] như vậy. Hãy quán rằng cái diệt và vô diệt của vị niệm, để có cái sinh của dục niệm, thì tuyệt đối bất khả đắc.

[624a22] Tiếp theo, [phân tích] vị niệm qua phần thứ tư [của tứ cú]:

Hãy quán cái sinh của dục niệm là bất khả đắc. Giả định [chúng ta nói rằng] dục niệm sinh dù vị niệm chẳng diệt chẳng không diệt. Nhưng nếu nhân sinh là cái vô diệt [của vị niệm], thì cái vô diệt không cần phải vắng mặt. Nếu nhân sinh là sự vắng mặt của vô diệt thì cái vô diệt không cần thiết. Chúng cũng không thể cùng là một nhân. Sự kiện các nhân nầy loại trừ nhau có nghĩa rằng chúng không thể cùng nhau sinh ra quả. Ví như hòa hợp nước và lửa thì đến vô tận cũng không có kết quả...

[624b9] Theo nghĩa nầy dùng lối phân tích cái diệt của vị niệm trong tương quan với dục niệm qua tứ cú, [có thể thấy rằng] tuyệt đối bất khả đắc.

[624b11] Nếu các ông nhận ra rằng cái sinh diệt trong tâm vị niệm và trong tâm dục niệm là bất khả đắc, rằng cái vô sinh diệt của chúng cũng bất khả đắc, rằng những cái ảo tưởng vu vơ trong dục niệm và trong tất cả pháp của người thế gian chỉ toan sinh và diệt, hoặc không sinh và diệt, hoặc chẳng sinh chẳng diệt, và là những ảo giác trống không, chẳng có thực lý. Các ông nên thấy được rằng tất cả đều bất khả đắc, và chỉ là giả danh. Các pháp chỉ có giả danh mà không hề có mặt [như thực]; chẳng trong chẳng ngoài; chẳng ở khoảng giữa; cũng chẳng tự hiện hữu một cách thường hằng. Nói tóm lại, chúng cũng không có được danh [như thực]. Nếu danh là bất khả đắc như sinh diệt... qua tứ cú, thì cái không hiện hữu [như thực] của danh cũng bất khả đắc. Vì danh không nắm bắt được cho nên giả hữu cũng không phải là chủ tể [như thực]. Nếu cái bất hữu của danh là bất khả đắc thì danh không phải là cái gì trống không. Nếu giả hữu là bất khả đắc thì nó không phải [chỉ] là tục đế. Nếu không là bất khả đắc thì nó không phải [chỉ] là chân [đế]. Nếu tục đế bất khả đắc thì nó không [chỉ] là hiện hữu của thế gian. Nếu chân đế là bất khả đắc thì nó không [chỉ] là siêu thế gian. Nếu hiện hữu thế gian là bất khả đắc thì nó không [chi] là ô nhiễm. Nếu siêu thế gian bất khả đắc thì nó không phải [chi] là vô nhiễm. Nếu ô nhiễm là bất khả đắc thì nó không [chỉ] là luân hồi. Nếu vô nhiễm là bất khả đắc thì nó không phải [chỉ] là niết bàn.

Khi các ông quán vị niệm và dục niệm trong đường hướng nầy, nếu các ông nhận ra tánh bất khả đắc của hai đối cực mà không nắm giữ hai cực đoan nầy. Nếu không nắm giữ hai cực đoan thì không tự trói buộc vào hai cực đoan; không bị nghiệp buộc ràng. Nếu không bị nghiệp chướng che khuất vì hai cực đoan nầy, tâm các ông là tâm chánh quán; tâm nầy tự nhiên thanh tịnh như hư không. Đây là nhân [đưa đến] chân tuệ trung đạo, như nhiên chiếu soi nhị đế [tục và chân, không và giả]. Tâm như vậy thì tịch diệt, tự nhiên xuôi vào biển đại niết bàn. Nếu các ông cũng như vậy mà quán vị niệm và dục niệm, thì các ông sẽ nhận ra niệm, niệm dĩ, và tất cả các pháp khác.

[624b28] [Luận về hai pháp quán: tổng và biệt]...

[624c-626ca] [Luận về lục trí và lục hành] (theo Maha Chỉ Quán, 15c-16c)

[626a14-b9] (theo Maha Chỉ Quán, 16c7-24)

[6] Giải thích về tướng giác ngộ từ sự thực hành Giác Ý Tam Muội [626c2-627b24]

(Ghi chú của người dịch: Phần nầy và ba phần trên chỉ có tựa mà không có nội dung, theo bản Anh ngữ. )



[1] Nhân chánh sinh ra pháp, đối lại với duyên nhân là trợ lực.

[2] Trí tuệ vốn có của tất cả chúng sinh làm nhân giác ngộ Bồ đề.

[3] Tôi [Swanson] không chắc chắn rằng từ kinh Đại Tập hoặc từ Đại Trí Độ Luận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]