Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[151 - 160]

13/02/201217:42(Xem: 8781)
[151 - 160]

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN

(333 Câu Chuyện Thiền)

Đỗ Đình Đồng góp nhặt

 

151. KHUYẾN CÁO CÁC THIẾU NỮ

Một vị sư già đã từng trải qua một cuộc đời dài và sinh động, được giao cho vai trò tuyên huấn ở một học viện nữ sinh. Trong các cuộc thảo luận nhóm ông thường thấy rằng đề tài tình yêu đã trở thành đề mục chính.

Điều đó đã tạo thành lời khuyến cáo cho các thiếu nữ như vầy:

Các con hãy hiểu rằng trong đời sống bất cứ điều gì thái quá cũng trở thành nguy hiểm. Quá giận dữ trong chiến đấu có thể đưa đến liều lĩnh và cái chết. Quá nhiệt tình trong các niềm tin tôn giáo có thể đưa đến tâm trí khép kín và ngược đãi tôn giáo. Quá đam mê trong tình yêu tạo ra những mộng ảnh về người mình yêu -- những hình ảnh mà cuối cùng tỏ ra là giả và sinh ra giận dữ.

“Yêu thái quá là liếm mật trên mũi dao nhọn.”

Một thiếu nữ hỏi:

- Nhưng là một ông sư độc thân, thầy làm sao biết được tình yêu nam nữ?

Vị sư già đáp:

- Các con thân mến, có lúc ta sẽ kể cho các con nghe tại sao ta trở thành nhà sư.

(Ngụ Ngôn Thiền)

152. BẤT CỨ QUYỀN HẠN NÀO

Vị tổng quản các Thiền viện trên đảo Honshu trở nên phiền não vì các báo cáo về những hành vi xấu nghiêm trọng tại ngôi chùa đẹp nhất của họ ở thành phố hải cảng Yokosuka. Một thời nó đã là lâu đài rồi được cúng dường cho cộng đồng Thiền viện. Tăng chúng (cũng là người) khó mà nhớ lời thệ nguyện sống cảnh thanh bần trong tình thế lãng phí như vậy. Để đối phó tình trạng, ông gọi một trong những trưởng lão đang ẩn cư trong sơn động đến.


Vị tổng quản nói:

- Tôi muốn trưởng lão điều tra những kẻ chịu trách nhiệm chuyện trụy lạc, chuyện mua bán sa đọa và những hành vi bất chính khác.

Vị trưởng lão hỏi:

- Nhiệm vụ của tôi là gì?

Tổng quản nói :

- Sửa chữa.

- Quyền hạn của tôi là gì?

- Bất cứ quyền hạn nào ông cần. Không hạn chế.

- Bao lâu?

- Bao lâu ông cần.

Hai tuần lễ sau vị trưởng lão trở về. Tổng quản hỏi:

- Về sớm thế?

- Vâng, đúng là sớm.

- Cách nào?

Vị trưởng lão đáp:

- Lấy đuốc đốt sạch.

(Ngụ Ngôn Thiền)

153. HÃY NÓI CHUYỆN TỪ BI TRƯỚC ĐÃ

Một cậu bé mồ côi bảy tuổi được gửi đến một ngôi chùa vì cậu không có gia đình nào khác hơn là ông chú họ xa. Ông chú chưa bao giờ gặp cậu bé nói:

- Thà làm chú tiểu còn hơn chết đói.

Ở trong chùa cậu bé lên cân nhưng trở thành bất hạnh vì kỷ luật khắc nghiệt--bất hạnh đến nỗi cậu phải chạy trốn. Khi nhà cầm quyền mang trả lại, vị trụ trì đe dọa trục xuất cậu bé, hỏi:

- Có lẽ mi thích ra ngoài thế gian một mình để chết cóng?

Cậu bé đáp:

- Cảm ơn, thà tôi chết rét ngoài phố còn hơn là sống ấm ở đây để bị hành hạ.

Vị trụ trì nói:

- Nhưng ở đây mi được học tụng kinh.

Cậu bé vừa giở chiếc áo lên vừa nói:

- Hãy nói chuyện từ bi với tôi trước đã.

Vị trụ trì đang chuẩn bị một câu trả lời châm chích; tuy nhiên khi nhìn thấy những lằn roi kỷ luật trên lưng cậu và nước mắt rưng rưng trên mắt cậu thì câu trả lời đã nghẹn lại trong cổ họng vị trụ trì.

- ‘Hãy cho chúng tôi một cơ hội nữa,’ vị trụ trì van xin và ra lịnh đốt ngay chiếc roi kỷ luật.

Cậu ở lại chùa mười bảy năm cho đến khi cảm thấy mình sẵn sàng đi vào thế gian như là một lão sư.

Bấy giờ được gọi là Kazi, sư trở thành nổi tiếng là nhà hòa giải trong các cuộc tranh luận, dù cho kết quả cay đắng đến đâu.

Khi mỗi bên tuyên bố trường hợp của mình, sư đều chen vào vấn nạn nổi tiếng của sư...

“Vâng, nhưng hãy nói chuyện từ bi với tôi trước đã.”

(Ngụ Ngôn Thiền)

154. TÔI KHÔNG MUA CHUYỆN NGHIỆP NÀY ĐÂU

Một thanh niên xuất thân từ trường đại học nói:

- Tôi không mua chuyện Nghiệp này đâu. Nó trái với cảm nhận hoài nghi của tôi. Làm sao trong đời này chúng ta có thể chịu ảnh hưởng của những lỗi lầm trong đời trước? Tôi không tin ngay cả chuyện tái sinh.

Vị thầy dạy Thiền nói:

- Hãy bắt đầu ở đây. Hãy suy xét mỗi buổi sáng anh thức dậy là một người mới. Anh đến giường, anh ngủ, rồi anh thức dậy và anh bắt đầu trở lại quãng đời còn lại của anh. Anh có sự chọn lựa vô giới hạn những gì anh muốn làm và nhân vật gì anh muốn trở thành vào ngày hôm đó. Tuy nhiên, tất cả nhân và duyên của đời anh trước sáng hôm đó trợ giúp những gì anh sẽ làm và sẽ là. Nghiệp cũng như vậy.

- Vậy ...?

- Vậy có thể suy xét điều này: Hằng ngày hãy làm việc cực nhọc hơn một chút để trở nên từ bi hơn.

- Và...?

- Và có thể anh sẽ không trở lại làm một ông thầy dạy Thiền tồi cố gắng giúp một thanh niên sáng láng có tâm trí trì độn.

(Ngụ Ngôn Thiền)

155. PHÂN TRÂU CŨ ĐI ĐÂU CŨNG VẬY

Một viên quan nhỏ đã tiêu phí phần lớn đời mình làm thị vệ phục vụ hoàng đế trong hoàng cung. Khi đã lớn tuổi, ông ta bắt đầu ghét những tranh biện nhỏ nhen và sự dùng mưu kế để tranh đoạt địa vị.

Đến khi về hưu, ông ta ly dị bà vợ vô tích sự và dời đến một ngôi chùa Thiền nào càng xa kinh đô càng tốt.

Ông ta tự hứa với mình: “đây, không có những ti tiện nhỏ bé của bản tánh con người, nếu không giác ngộ thì ta cũng được yên tĩnh.”

Đến khi ở trong chùa, ông ta thấy mình lên chức nhanh chóng trong hệ thống đẳng cấp; những kỹ năng cũ trong đời sống cung đình lại dự phần ở đây.

Mười một tháng sau, ông ta dọn ra khỏi chùa và đến ở trong một sơn động đạm bạc. Khi có người hỏi lý do, ông ta giải thích: “Phân trâu cũ đi đâu cũng vậy.”

(Ngụ Ngôn Thiền)

156. TẠI SAO TÔI PHẢI NGỒI THIỀN

Một đêm nọ, hoàng tử hỏi thầy:

-Tại sao tôi phải ngồi thiền đạt ngộ? Tôi có thể nghiên cứu, có thể cầu nguyện, có thể suy nghĩ các vấn đề một cách rõ ràng. Tại sao phải làm cái việc rỗng tâm ngốc nghếch này?

-Tôi sẽ chỉ cho.

Ông thầy đáp, rồi lấy cái thùng múc đầy nước xách ra vườn dưới ánh trăng tròn. Ông khuấy động mặt nước trong thùng rồi hỏi:

- Bây giờ anh thấy gì?

Hoàng tử đáp:

- Những lằn sáng.

Ông thầy bảo:

- Đợi một lát.

Rồi ông đặt thùng nước xuống đất. Hai thầy trò nhìn mặt nước dần dần trở nên yên tĩnh trong chiếc thùng tre sau mấy phút.

Ông thầy lại hỏi:

- Bây giờ anh thấy gì?

Hoàng tử đáp:

- Mặt trăng.

- Như vậy đó, ông chủ trẻ, cách duy nhất để đạt ngộ là tâm yên tĩnh.

(Ngụ Ngôn Thiền)

157. ĐÊM QUA TÔI LÀ KHÁCH...

Ở Nhật, viếng kỹ viện là một phần chánh thức (nếu không nói ra) trong truyền thống tu luyện Thiền. Thiền tăng Dịch Đường, cũng như hàng ngàn tăng nhân khác trước ông, đã sống một đêm ở nhà các geisha (kỹ nữ). Sáng hôm sau, Dịch Đường nói với bà chủ: “Đêm qua tôi là khách của bà, nhưng sáng nay tôi là tu sĩ. Hãy cho phép tôi làm Phật sự để tất cả mọi người trong nhà bà được phúc lợi.” Bà chủ ngạc nhiên nói, “Đây là lần đầu tiên một ông tăng không lẫn trốn như một ‘bác sĩ’ hay một ‘sinh viên’. Ngày nào đó, người này sẽ là một nhân vật.” Lời tiên đoán đã trở thành sự thật, quả nhiên sau này Dịch Đường được chỉ định làm Trưởng quản phái Thiền Tào Động.

(Phật Giáo và Tính Dục)

158. CHÚNG TA HÃY CỨ NHƯ VẬY ĐI

Một cô gái trong nhà geisha (kỹ nữ) chào Thiền sư Mokudo bằng tên thế tục của sư. Sư bước vào trong và khám phá ra cô gái là người quen thuở thơ ấu. Một năm làng quê bị mất mùa, cô gái trở thành một kỹ nữ để trợ giúp gia đình. Họ nói chuyện xưa với nhau mãi cho đến chiều, rồi cô ta yêu cầu sư ở lại đêm. Sư trả tiền cho bà chủ và cô gái trải chăn màn. Cô ta kéo tấm chăn lại và nói: “Hãy đến đây với em. Chẳng ai biết đâu.” Mokudo đáp: “Cô tử tế mời tôi, nhưng tôi nên ngồi thiền tốt hơn. Nghề cô đang làm là ngủ với khách, còn việc hiện tại của tôi là ngồi thiền. Chúng ta hãy cứ như vậy đi.”

(Phật Giáo và Tính Dục)

159. LỜI MỜI CỦA ĐIẠ NGỤC

Thiền sư Nhất Hưu có lần chạm trán với một danh kỹ có biệt hiệu là “Địa Ngục”. Nhãn hiệu thương mại của sắc đẹp quyến rũ chết người này là những chiếc áo xa hoa lộng lẫy của nàng, trên ấy vẽ cảnh những kẻ tội lỗi rơi xuống Địa Ngục Dục Vọng, bị tra tấn dày vò. Khi Địa Ngục nghe Thiền sư Nhất Hưu đang ở trong thành phố, nàng gửi đến sư lời mời úp mở: “Một nhà ẩn tu như ngài nên sống trong núi sâu, đâu phải ở đây trong thế gian trôi nổi này.”

Nhất Hưu đáp lại bằng bài thơ Thiền như sau:

Bởi vì chẳng có thân, tâm

Ta ở cả núi sâu và thế gian trôi nổi.

Trước khi quyết định chấp nhận lời mời của nàng hay không, Nhất Hưu đã dò hỏi về cái Địa Ngục đặc biệt này và được cảnh cáo là coi chừng bị bỏng. Sư gửi một bức thư ngắn khác: “Địa Ngục còn đáng gờm hơn ta tưởng.” Nàng viết thư trả lời: “Không một nam nhân nào thoát khỏi móng vuốt của Địa Ngục.”

Sư quyết định không nhận lời thách thức và không xuống cái Địa Ngục đặc biệt này.

(Phật Giáo và Tính Dục)

160. ĐÀN BÀ LÀ KHO TÀNG CỦA PHẬT GIÁO

Một hôm, Thiền sư Nhất Hưu hành cước qua một khu vực biệt lập, bất ngờ thấy một người đàn bà trần truồng chuẩn bị xuống sông tắm. Sư dừng lại, hướng về phía âm hộ của người đàn bà bái ba bái rồi tiếp tục đi. Những người đi đường chứng kiến cảnh ấy, chạy theo hỏi sư về hành động kỳ lạ này: “Một người đàn ông bình thường, nhất là một tu sĩ Phật giáo, sẽ liếc mắt đưa tình với người bàn bà khỏa thân đó. Tại sao sư lại cúi đầu bái trước âm hộ của bà ta?” Sư đáp một cách sắc bén: “Đàn bà là kho tàng của Phật giáo, là nguồn lưu xuất tất cả chúng sinh, kể cả Phật và Bồ-đề Đạt-ma.”

(Phật Giáo và Tính Dục)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]