Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II.

11/03/201104:02(Xem: 9888)
II.

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG HAI: HÀNH TRÌNH SANG ẤN ĐỘ

II.

Tuy rời khỏi cảng New York vào ngày 17 tháng 12 năm 1878, nhưng chúng tôi vẫn chưa ra khỏi hải phận Mỹ cho đến trưa ngày 19, vì bị nước ròng vào ngày 18 và tàu phải bỏ neo ở vịnh Lower Bay để chờ nước lên.

Bạn đọc hãy thử tưởng tượng tâm trạng của bà Blavatsky! Bà quở trách, quát tháo vị thuyền trưởng, viên hoa tiêu, các kỹ sư, chủ tàu, và cả những con nước thủy triều lên xuống!

Sau hơn hai tuần vượt Đại Tây Dương, vào ngày đầu năm 1879, tàu chúng tôi tiến vào hải phận Anh trong một biển sương mù dày đặc, cũng giống như cái tương lai hãy còn mờ mịt của chúng tôi. Sáng hôm sau, tàu cập bến Gravesend.[2]Tại đây chúng tôi đáp xe lửa đi London, và thế là kết thúc giai đoạn đầu của cuộc hành trình.

Đến thủ đô Anh quốc, chúng tôi được tiến sĩ Billing và phu nhân tiếp đón nồng hậu tại tư gia của họ ở vùng ngoại ô Norwood Park. Ngôi nhà này đã trở thành trung tâm qui tụ tất cả những bạn đạo và thư tín viên của chúng tôi ở London kể từ lúc đó.

Ngày 15 tháng 1, tôi chủ tọa một phiên họp của xứ bộ Thông thiên học Anh quốc để bầu cử một Ban chấp hành và bàn về nhiều vấn đề linh tinh khác.

Thời gian chúng tôi ở London hoàn toàn bận rộn với những công việc của Hội, tiếp khách và viếng thăm Viện Bảo Tàng Anh cùng nhiều nơi khác. Ngoài ra cũng có những dịp biểu diễn phép mầu của bà Blavatsky và những buổi họp đàn với bà Hollis-Billing và một vong linh mệnh danh là “Ski” mà toàn thể giới Thần linh học đều biết.

Diễn biến kỳ diệu nhất trong thời gian chúng tôi ở London là việc gặp gỡ một vị chân sư khi tôi và hai bạn đạo cùng nhau dạo chơi trên đường Cannon Street.

Sáng hôm đó, sương mù dày đặc đến nỗi người ta không nhìn thấy bờ bên kia đường, và cả thành phố đều hoàn toàn mờ mịt. Hai bạn tôi nhìn thấy ngài trước nhất, còn tôi lúc ấy mải lo nhìn quanh nên không để ý. Khi hai bạn tôi thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên, tôi mới quay đầu nhìn lại và bắt gặp cái nhìn của chân sư. Khi ấy ngài cũng vừa quay đầu nhìn lại đằng sau.

Tôi nhận ra ngài không phải như một người quen biết thường, mà là nhận ra gương mặt của một đấng cao cả, vì gương mặt ấy khi người ta đã gặp một lần thì không bao giờ có thể lầm lẫn. Cũng như ánh sáng huy hoàng chói rạng của mặt trời so với ánh sáng nhẹ nhàng êm dịu của mặt trăng, vốn có một sự khác biệt rõ ràng giữa sự sáng sủa dịu hiền trên gương mặt một người hiền lương của thế tục so với sự xán lạn huy hoàng rực rỡ trên gương mặt của một vị chân sư, vì gương mặt ấy phản ảnh cái ánh sáng bên trong của một tinh thần đã thức tỉnh về phương diện tâm linh và hoàn toàn giải thoát.

Chúng tôi ba người cùng dạo chơi trong thành phố và cùng về một lượt, nhưng khi vừa bước vào nhà thì đã nghe bà Billing và bà Blavatsky nói cho chúng tôi biết rằng chân sư đã đến đây và ngài có nói đã gặp chúng tôi đi chơi ngoài phố. Ngài cũng có nêu tên cả ba người.

Câu chuyện của bà Billing thuật lại rất thú vị. Bà nói rằng cửa trước vẫn đóng và khóa chặt như thường lệ, và không ai có thể vào nhà mà không reo chuông báo hiệu. Tuy nhiên, khi bà rời khỏi phòng khách đi qua hành lang để đến phòng bà Blavatsky thì bà suýt đụng phải một người lạ mặt hình dung cao lớn, đứng sững ngoài hành lang trước cửa buồng của bà Blavatsky.

Bà mô tả người ấy như là một người Ấn Độ có tác phong cao quý, với đôi mắt sáng và cái nhìn như soi thấu lòng người. Lúc ấy bà ngạc nhiên đến nỗi không thốt ra được môt lời nào, nhưng người lạ mặt nói: “Tôi muốn gặp bà Blavatsky”, và tiến về phía cửa phòng của bà Blavatsky.

Bà Billing đích thân mở cửa cho ngài và mời ngài vào. Ngài bước vào phòng, tiến đến gần bà Blavatsky, chào bà theo cung cách của người phương Đông, và bắt đầu nói chuyện với bà Blavatsky bằng thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ đối với bà Billing, tuy rằng bà này, với tư cách một người đồng tử công cộng với nhiều năm thực nghiệm, đã từng tiếp xúc với đủ mọi hạng người của nhiều xứ khác nhau.

Lẽ tự nhiên là bà Billing đứng dậy để bước ra ngoài, nhưng bà Blavatsky mời bà ở lại và bảo bà đừng để ý về việc hai người nói chuyện với nhau bằng một thổ ngữ lạ, vì họ cần thảo luận với nhau về một việc đạo sự trên phương diện huyền linh. Tôi không biết là người khách Ấn Độ bí mật này có trợ giúp thêm thần lực cho bà Blavatsky hay không, nhưng khi ngồi vào bàn ăn tối hôm đó, bà làm cho vị nữ gia chủ rất vui mừng thích thú khi thò tay xuống dưới mặt bàn rồi lấy lên một ấm trà Nhật Bản bằng sứ rất đẹp, dường như là theo lời yêu cầu của chủ nhà, tuy rằng tôi không chắc lắm về chi tiết này.

Ngày 15 tháng 1, chúng tôi sửa soạn đến Liverpool để đáp tàu “Speke Hall” đi Ấn Độ qua ngã Địa Trung Hải, Hồng Hải và Ấn Độ Dương rồi thẳng vào Bombay.

Đúng một tháng sau, ngày 15 tháng 2, chúng tôi đã vào hải phận Ấn Độ và sáng hôm sau tàu cập bến hải cảng Bombay.

Đêm hôm đó, tôi đã ngồi trên boong tàu đến một giờ sáng để ngắm nhìn bầu trời xanh biếc hùng vĩ của xứ Ấn Độ, và căng mắt nhìn lên bờ để mong thấy được ánh sáng đầu tiên của thành phố Bombay.

Sau cùng, từ xa một ngọn đèn nhỏ xuất hiện trên mặt biển, và tôi liền trở về ca-bin để thân xác mỏi mệt được nghỉ ngơi chờ đón những công việc của ngày mai.

Trước khi mặt trời mọc, tôi lại trở lên boong tàu, và khi chiếc tàu lướt trên mặt nước, tôi ngắm nhìn và thưởng thức cảnh tượng hải cảng Bombay hiện ra trước mắt tôi. Động Voi (Elephanta Cave) ngay trước mặt là địa điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn xem, vì đó là kiểu mẫu điển hình của xứ Ấn Độ cổ xưa, tức đất Thiên Trúc thiêng liêng cổ kính của muôn đời (Bharata-Varsha) mà chúng tôi vẫn kính ngưỡng tận đáy lòng và ước mong được nhìn thấy sự phục sinh nơi xứ Ấn Độ ngày nay.

Nhưng than ôi! Khi chiếc tàu lượn vòng quanh ngọn đồi Malabar Hill thì mơ ước của chúng tôi liền tiêu tan như mây khói. Cảnh tượng mà chúng tôi thấy ngay trước mắt là một xứ Ấn Độ tân thời với những dinh thự, lầu đài nguy nga tráng lệ, lồng trong cái bối cảnh xinh tươi của những công viên được chăm sóc lịch sự theo kiểu mẫu du nhập từ Anh quốc, và bao phủ bằng tất cả những dấu hiệu của sự giàu có sung mãn thu hoạch được bằng các dịch vụ kinh doanh thương mãi!

Xứ Tây Vực cổ kính của Elephanta[3]xa xưa nay đã bị xóa nhòa bởi sự lộng lẫy huy hoàng của một nền kiến trúc mới, trong đó triết học và tôn giáo không có dự phần, và lòng tôn sùng nhiệt thành nhất được đặt vào hình ảnh của thần tượng Nữ hoàng trên tờ giấy bạc Ru-pi!

Bây giờ chúng tôi đã quen với thực trạng, nhưng lần đầu tiên thì cảnh tượng đó đã gây cho chúng tôi cảm giác đau lòng của sự thất vọng chua cay. Tàu chưa bỏ neo cập bến thì đã có ba người Ấn sắc phục chỉnh tề đến tìm chúng tôi. Đó là Mulji Thackersey, Krishnavarma và Sitaram, đã gia nhập Hội Thông thiên học bằng thư từ và được cấp chứng thư của Hội. Ba người này đã ngủ đêm trên một chiếc ca-nô nhỏ để đợi tàu cập bến và lấy làm vui mừng được tiếp đón chúng tôi, cũng như chúng tôi rất vui mừng khi được đến đất nước của họ.

Chúng tôi bốn người cùng xuống ca-nô với họ để vào bờ. Khi vừa lên đất liền, cử chỉ đầu tiên của tôi là cúi rạp xuống hôn bậc tam cấp bằng đá, một hành động chiêm bái do bản năng tự nhiên thúc đẩy! Đây là giờ phút chờ đợi từ lâu, chúng tôi đã thật sự được đặt chân lên dải đất thiêng liêng, nơi đất lành của các chân sư, quê hương của các tôn giáo cổ từ nghìn đời, xứ sở của những huynh đệ đồng môn cùng một lý tưởng tâm linh với chúng tôi, và được cùng sống chết với họ là tất cả những gì chúng tôi có thể mong ước.

Tất cả những gì người ta nói với chúng tôi trên tàu về những thói hư, tật xấu của người Ấn như sự nhu nhược tinh thần, thói a dua, nịnh hót, bợ đỡ, sự bất trung bất tín... đều đã bị quên hết cả. Đó là vì chúng tôi thương yêu họ, vì những truyền thống tổ tiên của họ, và thậm chí còn vì những điểm thiếu sót bất toàn của họ nữa. Nói đúng hơn, chúng tôi sẵn lòng thương yêu họ bất luận họ là như thế nào. Ít nhất là đối với tôi, cái cảm nghĩ đó vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Tôi cảm thấy thật sự rằng dân tộc họ là dân tộc của tôi, quê hương xứ sở họ là quê hương xứ sở của tôi: ước mong sao những ân huệ của các đấng chân sư minh triết luôn luôn đến với họ và che chở họ mãi mãi!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]