Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Phát khởi trí nhớ

05/03/201103:19(Xem: 4575)
4. Phát khởi trí nhớ

KINH TỲ-KHEO NA-TIÊN
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải; Nguyễn Minh Hiển hiệu đính

QUYỂN HẠ

III. TU TẬP VÀ GIẢI THOÁT

4. PHÁT KHỞI TRÍ NHỚ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Bạch đại đức, người ta do nơi những việc gì mà gợi nên trí nhớ?”

Na-tiên đáp: “Người ta có mười sáu việc làm cho nhớ lại việc đã qua. Một là nhớ được những điều đã làm từ rất lâu xa. Hai là thấy người mới học nên nhớ. Ba là nhớ đến những việc lớn quan trọng. Bốn là nhờ nghĩ điều lành nên nhớ. Năm là nhớ đến những điều khổ sở. Sáu là thường suy nghĩ đến nên nhớ. Bảy là những điều thường làm khác nhau đều nhớ biết. Tám là nhờ người khác nhắc nhở mà nhớ. Chín là nhớ những việc tương tự, gần giống. Mười là nhớ những điều mình đã từng hay quên. Mười một là nhớ những điều mình hiểu rõ. Mười hai là nhớ những điều mình đã tính toán, học làm theo. Mười ba là mắc nợ nần nên nhớ. Mười bốn là nhờ chuyên tâm không tán loạn cho nên nhớ. Mười lăm là nhớ những điều đọc thấy trong sách vở. Mười sáu là nơi mình đã từng sống, nay nhìn thấy lại nên nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ lại những điều đã làm từ rất lâu xa?”

Na-tiên đáp: “Như ngài A-nan, đệ tử của Phật, và nữ cư sĩ Cưu-thù-đan-bãi, nhớ lại được những điều từ nhiều đời trước. Nhiều vị tu chứng khác nữa, cũng có khả năng nhớ lại được việc từ nhiều đời trước. Những người trong chúng tu học được như A-nan và vị nữ cư sĩ ấy nhiều lắm. Khi nhớ được điều này lại có thể nhân đó nhớ được điều khác nữa.”

Vua hỏi: “Thế nào là thấy người mới học nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Như người đã từng học hỏi, tính toán, làm được điều gì, sau quên mất. Nay nhìn thấy người khác học hỏi liền nhớ lại.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ đến những việc lớn, quan trọng?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như vị thái tử được lập lên làm vua, cho đó là việc lớn quan trọng, vì giúp mình được trở nên cao quý. Nghĩ như vậy nên ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhờ nghĩ điều lành nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như người ta có ý tốt mời thỉnh người khác đến chiêu đãi, trong lòng tự nghĩ rằng: Ngày ấy, ta mời thỉnh người ấy với ý tốt muốn cung phụng, đãi ngộ. Do ý tốt ấy mà ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ đến những điều khổ sở?”

Na-tiên đáp: “Ví như người đã từng bị người khác giam hãm, tù đày khổ sở nên ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là thường nghĩ đến nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như những điều người ta thường trông thấy, như người, vật quen thuộc trong gia đình, thường nghĩ đến nên đều ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là những điều thường làm khác nhau đều nhớ biết?”

Na-tiên đáp: “Ví dụ như tên người, cảnh, vật khác biệt nhau, màu sắc, hương vị... mà người ta ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhờ người khác nhắc nhở mà nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví như người ta tính hay quên. Những người bên cạnh lại có kẻ nhớ, người quên. Người quên nhờ người nhớ nhắc cho nên nhớ lại.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những việc tương tự, gần giống?”

Na-tiên đáp: “Người ta cho đến trâu, ngựa... mỗi loài đều có những điểm giống nhau trong loài của mình. Người ta nhờ đó mà ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều mình đã từng hay quên?”

Na-tiên đáp: “Ví như có những việc mình hay quên mất, nhiều lần được người khác nhắc nhở nên tự mình luôn tâm niệm về việc ấy, nhờ vậy mà ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều mình hiểu rõ?”

Na-tiên đáp: “Ví như người học viết, chú ý tìm hiểu rõ về các con chữ nên ghi nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều mình đã tính toán, học làm theo?”

Na-tiên đáp: “Ví như người vừa tính toán việc gì, lại vừa tự mình học làm theo được hoàn tất, có thể phân biệt rất rõ ràng. Đó là nhờ có học hỏi, tính toán và làm theo mà nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là mắc nợ nần nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Ví như người có món nợ, lúc nào cũng nhớ nghĩ đến. Như vậy gọi là mắc nợ nần cho nên nhớ.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhờ chuyên tâm không tán loạn cho nên nhớ.”

Na-tiên đáp: “Ví như vị sa-môn nhờ tu tập có thể đạt đến chỗ nhất tâm, liền tự nhớ lại những việc từ ngàn vạn đời trước cho đến nay. Như vậy bần tăng gọi là nhờ chuyên tâm không tán loạn cho nên nhớ lại.”

Vua hỏi: “Thế nào là nhớ những điều đọc thấy trong sách vở?”

Na-tiên đáp: “Ví như các vị đế vương có những quyển sách rất cổ xưa. Nhờ đó biết được ngày trước có vị vua như thế, vào tháng năm như thế, đã ghi trong sách này... Như vậy là nhờ đọc sách mà nhớ biết việc trước kia.”

Vua hỏi: “Thế nào là nơi mình đã từng sống, nay nhìn thấy lại nên nhớ?”

Na-tiên đáp: “Như người có chỗ cư trú trước đây rất lâu xa, nay có dịp đến nhìn thấy lại liền nhớ biết.”

Vua tán thán: “Hay thay!"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]