Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Vòng tròn sanh tử

05/03/201103:19(Xem: 4840)
5. Vòng tròn sanh tử

KINH TỲ-KHEO NA-TIÊN
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải; Nguyễn Minh Hiển hiệu đính

QUYỂN TRUNG

I. CÁC VẤN ĐỀ VỀ TÂM THỨC

5. VÒNG TRÒN SANH TỬ

Vua lại hỏi Na-tiên: “Những gì là lâu dài?”

Na-tiên đáp: “Việc quá khứ là lâu, việc tương lai cũng là lâu. Những gì đang nhìn thấy trong hiện tại không lâu.”

Vua nói: “Hay thay!”

Vua lại hỏi: “Thật ra, có thật có sự lâu dài hay chăng?”

Na-tiên đáp: “Sự lâu dài ấy, hoặc có, hoặc không.”

Vua hỏi: “Sao gọi là có? Sao gọi là không?”

Na-tiên đáp: “Những người đã đắc nhập Niết-bàn, không còn có sự lâu dài nữa. Đối với những ai chưa đắc đạo, còn lưu chuyển trong vòng sanh tử, tất nhiên còn có sự lâu dài. Trong sự luân chuyển lâu dài ấy, những ai đời này hay làm việc bố thí, hiếu thuận với cha mẹ, đời sau chắc chắn sẽ được hưởng phước báo.”

Vua khen rằng: “Hay thay! Hay thay!”

Vua lại hỏi: “Như trong các việc quá khứ, tương lai và hiện tại, ba việc ấy lấy gì làm gốc?”

Na-tiên đáp: “Như xét cả ba việc quá khứ, tương lai và hiện tại, sự ngu si chính là gốc rễ. Ngu si sanh ra, tức sanh thần thức. Thần thức sanh tức có sanh ra thân. Thân sanh ra danh, danh sanh ra sắc. Sắc sanh ra sáu sự nhận biết. Sáu sự nhận biết ấy là mắt nhận biết, tai nhận biết, mũi nhận biết, lưỡi nhận biết, thân nhận biết và ý nhận biết. Sáu sự nhận biết này đều hướng ra bên ngoài.

“Thế nào là hướng theo bên ngoài? Mắt hướng theo hình sắc, tai hướng theo âm thanh, mũi hướng theo hương thơm, lưỡi hướng theo mùi vị, thân hướng theo xúc chạm, ý hướng theo tham dục. Đó là sáu sự hướng theo bên ngoài, gọi là sáu nhập. Nhập là hiệp lại, là biết khổ, biết vui. Từ khổ vui mà sanh ra ân ái, lại theo nơi ân ái mà sanh ra tham dục, từ tham dục sanh ra chấp hữu, liền làm nhân sanh ra sự già yếu. Già yếu là nhân sanh ra bệnh khổ. Bệnh khổ là nhân sanh ra sự chết. Do sự chết sanh ra buồn đau sầu khổ trong tâm.

“Vậy nên sự hiệp lại ấy đều là khổ não, do hiệp lại mà giả tạm gọi là người. Người do đây mà luân chuyển mãi trong sanh tử, không có lúc dừng. Muốn tìm lại cái thân trước đây thật là không thể được.

“Ví như người trồng lúa, gieo hạt xuống, sanh lên thành cây, ra lá, đơm bông, ngậm hạt, cho đến khi có lúa gặt về. Năm sau lại gieo trồng nữa, lại được nhiều lúa nữa.”

Na-tiên hỏi: “Như người trồng lúa ấy, năm nào cũng gieo trồng, vậy có khi nào dứt đoạn không có lúa chăng?”

Vua đáp: “Nếu như năm nào cũng gieo trồng, tất không có khi nào dứt đoạn không có lúa.”

Na-tiên nói: “Con người cũng vậy. Luân chuyển nối tiếp mà sanh ra, không có lúc nào gián đoạn.

“Ví như con gà sanh ra cái trứng, cái trứng nở ra con gà... nối tiếp mà sanh mãi. Việc sanh tử của con người cũng vậy, nên không có khi nào gián đoạn.”

Đại đức Na-tiên nhân đó cúi xuống vẽ một bánh xe tròn trên mặt đất, hỏi vua rằng: “Này đại vương, như trong cái bánh xe này, có chỗ nào là góc cạnh chăng?”

Vua đáp: “Là hình tròn, nên không có góc cạnh.”

Na-tiên nói: “Kinh Phật dạy rằng, việc sanh tử của người ta cũng như cái bánh xe tròn này, liên tục xoay vòng, không có lúc nào chấm dứt.

“Người ta do nơi mắt, thấy được cảnh sắc vạn vật, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi tai, nghe được âm thanh, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi mũi, ngửi được mùi hương, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nhân nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi lưỡi, nếm được mùi vị, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi thân, xúc chạm các thứ mềm mại hoặc thô nhám, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Do nơi ý, suy nghĩ các việc, nhân đó nhận biết. Như vậy là ba việc cùng hiệp lại. Do sự hiệp lại ấy sanh ra sự khổ hoặc vui. Do khổ vui mà sanh ân ái, do ân ái sanh ra tham dục. Do tham dục sanh ra nguyên nhân của chấp hữu. Do nơi chấp hữu mà có sanh mạng. Do sanh mạng mà tạo tác các việc thiện ác. Do tạo tác các việc thiện ác nên phải chịu tái sanh.

“Người ta cứ như vậy, nối tiếp tương tục mà sanh ra, không có lúc dừng lại.”

Vua tán thán rằng: “Hay thay!”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com