Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nụ cười của Đức Phật

23/04/201316:36(Xem: 4010)
Nụ cười của Đức Phật

nuc cuoi duc phat


NỤ CƯỜI CỦA ĐỨC PHẬT

Martin Evans

Hoang Phong chuyển ngữ

 

Lời giới thiệu của người dịch:

            Cách nay vừa tròn một năm, một tập san Phật Giáo có tên là Regard Bouddhiste (Hướng Nhìn Phật Giáo) được ra đời tại Pháp. Chủ đề của số đầu tiên này (số 1, tháng 11 và 12, năm 2013) là Thiền Định, và người dịch cũng đã chuyển ngữ bài thứ nhất trong số báo này với tựa đề là "Nói chuyện thiền định, Nhưng quý vị có hiểu thiền định là gì không" của Philippe Cornu một trong số các học giả uyên bác nhất về Phật Giáo hiện nay của Pháp (độc giả có thể xem bài này trên Thư Viện Hoa Sen). Một tập san Phật Giáo ra đời trên một mảnh đất độc chiếm từ lâu đời bởi các tôn giáo hữu thần quả là một thử thách lớn lao. Bài dịch về thiền định trên đây cũng là một cách giới thiệu với các Phật tử Việt Nam ở Pháp để ủng hộ tập san non trẻ này.

         Quả hết sức bất ngờ là qua lá thư tòa soạn trong số 7 đánh dấu ngày sinh nhật đầu tiên của tập san, người ta được biết là số độc giả và người đặt mua dài hạn đã gia tăng thật bất ngờ. Trong sáu số báo đã phát hành và ba số đầu tiên đã phải được tái bản. Quả là một kỷ lục! Trong số đầu tiên của năm thứ hai (tức số 7, tháng 11 và 12, năm 2014) mang chủ đề "Hãy vun xới niềm hân hoan" (La Joie, Cultivons-la) có một bài viết rất đặc sắc của Martin Evans.  Ông là một người Anh tu tập theo Phật Giáo Theravada từ những năm 1970, và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hai vị thầy thuộc "Truyền thống tu trong rừng" là Ajahn Chah và Ajahn Amaro.

             Bài viết mang tựa là Nụ cười của Đức Phật (Sourire du Bouddha/Buddha s' Smile) đề cập đến một chủ đề thật khúc triết và sâu sắc, thế nhưng văn phong và cách diễn đạt thì lại vô cùng giản dị và trong sáng, hầu như không thấy dùng đến một thuật ngữ Phật Giáo đặc thù nào cả. Bài viết trên đây cũng như các bài khác trong tập san Hướng nhìn Phật Giáo số 7 này với chủ đề "Hãy vun xới niềm hân hoan" trình bày quan điểm Phật Giáo không mang tính cách yếm thế chỉ thấy hiện thực toàn là khổ đau, mà đúng hơn Phật Giáo còn là một tín ngưỡng giúp chúng ta biến cải tất cả những khổ đau ấy thành một nụ cười. Tuy là bài thứ nhất trong số báo trên đây, thế nhưng thật ra thì bài này đã được viết trước đây khá lâu. Người đọc có thể xem bản tiếng Anh trên trang mạng buddhacommunity.net và bản dịch tiếng Pháp (dịch giả Christiane Melchior) trên trang mạng buddhaline.net:

            http://www.buddhacommunity.net/wp-content/uploads/2013/07/com21.pdf

            (xem tr.12)

            http://www.buddhaline.net/Le-sourire-du-Bouddha

            Một bài được đăng lại hay một bài đã xưa không hẳn là đã lỗi thời vì thực sự thì những gì có giá trị sẽ còn giá trị lâu dài.

   

Tập san Regard Bouddhiste (Hướng nhìn Phật Giáo)

số 7 (tháng 11 và 12)

 regard-bouddhiste  Martin Evans



martin-evans
tác giả bài báo "Nụ cười của Đức Phật"

  



NỤ CƯỜI CỦA ĐỨC PHẬT

  

            Thuở nhỏ lúc còn cắp sách đến trường tôi hay mỉm cười và mỗi lần như thế thì lại bị mắng và quở phạt. Trong khi đang chép phạt thì lại bị thêm một lần phạt nữa. Lúc nào tôi cũng mỉm cười. Người ta mắng tôi: "Im đi, không được nhạo báng kẻ khác nhé!". Bắt đầu từ đấy tôi mới hiểu được là tại sao lại không được phép cười. Thế nhưng hầu hết mọi người đều thích trông thấy một nụ cười. Thật chẳng có gì ấm áp hơn khi được người khác tiếp đón mình với một nụ cười trên môi. 

            Trông kìa quý vị hãy nhìn lên gương mặt của Đức Phật xem sao. Quý vị có trông thấy nụ cười của Ngài hay chăng? Nụ cười của Ngài thật là tinh tế. Thế nhưng tại sao Ngài lại mỉm cười? Có phải đấy là một thể dạng phúc hạnh mà Ngài cảm nhận được trong khi thiền định hay chăng? Hay đấy cũng chỉ là một nụ cười của một người nào đó không hề cảm nhận được bất cứ một điều gì cả? Theo tôi cả hai cách phỏng đoán ấy đều không đúng.  

            Chúng ta có thể nghĩ rằng sự Giác Ngộ của Đức Phật là một hình thức thoát tục, một hình thức vượt thoát ra khỏi thế giới này nhờ vào phép thiền định nhằm tạo ra một thể dạng hiện hữu siêu phàm. Nếu cho rằng điều này là đúng thì chúng ta cũng sẽ tìm cách tạo ra cho mình cái thể dạng phúc hạnh ấy nhờ vào một số các kỹ thuật thiền định nhằm giúp mình phát huy sự tập trung tâm thần. Thế nhưng chính Đức Phật đã bác bỏ và không xem cách tập trung tâm thần ấy là con đường đưa đến mục đích tối thượng. Chính Ngài đã từng bước theo con đường này (trong suốt sáu năm trời tu khổ hạnh: chận đứng mọi đòi hỏi của thân xác để phát huy sức tập trung của tâm thức) và nhận thấy nó không sao có thể mang lại sự chấm dứt khổ đau được. Dù không phủ nhận sự lợi ích mang lại từ một tâm thức tập trung, thế nhưng Ngài cho rằng sự tập trung ấy không thể mang lại được một thể dạng kinh nghiệm cảm nhận nào về sự thật của mọi sự vật đúng với bản chất "chỉ là như thế" của chúng.  

            Người ta cũng có thể nghĩ rằng đấy là một sự hội nhập với hư vô hay một hình thức phi-hiện-hữu nào đó. Thế nhưng Đức Phật thì lúc nào cũng thật minh bạch: sự giác ngộ của Ngài không thuộc vào thế giới này, nhưng cũng không thuộc vào một thế giới nào khác cả. Hoàn toàn không phải là một hình thức trốn chạy. Đấy là một sự giải thoát, một sự tự do, không hề là một sự chối bỏ.

            Vậy thì ý nghĩa trong nụ cười của Đức Phật là gì? Tôi nghĩ rằng đấy là kinh nghiệm cảm nhận về những giây phút của hiện tại, một sự đình chỉ của một cuộc phiêu lưu và tìm kiếm một điều gì đó nằm bên ngoài những giây phút của hiện tại. Qua cách suy nghĩ thông thường của mình, chúng ta có thể cho rằng: "đấy là một sự thỏa mãn mà chẳng phải cần đến một thứ gì cả", chẳng qua là vì các cảm nhận của chúng ta chỉ biết hướng vào quá khứ hoặc tương lai. Trong một tâm thức tham lam (thèm khát/hám lợithì sẽ không có một thể dạng kinh nghiệm cảm nhận nào về những giây phút hiện tại có thể hiển hiện ra được.

            Theo tôi thuật ngữ "khoảnh khắc hiện tại" (maintenant/now/hiện tại) chính xác hơn là thuật ngữ "chú tâm" (attentif/mindful/tỉnh thức) hay "sáng suốt " (avisé/aware/ tỉnh giác). Vậy "hiện tại" hay "khoảnh khắc hiện tại" là gì? Câu hỏi ấy gợi lên một thể dạng đột khởi (immédiateté/immediacy/đột ngột, trực tiếp, tức thời) của sự tỉnh giác (sagacité/awareness/sự sáng suốt) hay là sự chú tâm (attention/mindfulness/sự tỉnh thức), do đó nếu nghĩ rằng mình sáng suốt thì đấy cũng có nghĩa là gợi lên một cái gì đó trong tương lai. Tóm lại là nếu không sáng suốt trong hiện tại thì chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có thể sáng suốt trong tương lai được.

            Sự cảm nhận ấy cũng chẳng khác gì trút bỏ một gánh nặng. Chẳng phải là sự kiện ấy (trút bỏ gánh nặng) cũng đã đủ để khiến hiện ra một nụ cười hay sao? Vâng, quả đúng thế, tôi đã từng cảm nhận được điều ấy. Nếu tôi phải đi bộ từ Lands End (một ghềnh đá ở bờ biển cực nam nước Anh) đến O'Groats (một ngôi làng trong vùng cao nguyên ở cực bắc xứ Scotland/Tô Cách Lan) thì tất tôi cũng sẽ hình dung ra được những cảm giác nào sẽ hiện ra với mình khi đã trút bỏ được gánh nặng trên vai sau một ngày cực nhọc (không thể đi bộ từ miền nam đến miền bắc của hòn đảo Anh Quốc trong một ngày được. Trút bỏ được gánh nặng ấy - hay là ý nghĩ ấy - cũng tương tự như là một sự giải thoát). Quả thật hết sức lạ lùng, tất cả những gì mà người ta tìm kiếm cũng chỉ đơn giản là sự nhẹ nhõm, thế nhưng muốn tìm thấy nó thì cũng chỉ cần đặt cái gánh nặng ấy xuống mà thôi, sự buông bỏ ấy cũng chính là cách "chỉ là như thế" của mọi sự vật.

            Ngoài ra còn có gì khác nữa trong nụ cười của Đức Phật hay chăng?

            Đấy là nụ cười của lòng tử bi. Chẳng phải là một điều thật huyền bí hay sao: từ đâu sinh ra lòng từ bi, khi mà chẳng có một người nào tìm cách biến mình trở thành một con người từ bi cả? Chúng ta nghĩ rằng mình phải từ bi mới được. Thế nhưng không một ai trong chúng ta tin rằng lòng từ bi lại có thể là bản chất đích thật của chính mình. Chỉ khi nào làm cho cảm tính về cái tôi và cái của tôi, tức ảo giác về một cái ngã, biến mất thì khi đó mới không còn bất cứ gì có thể ngăn chận được sự biểu lộ của lòng từ bi. Thật cũng lạ là vì dù rằng lòng từ bi chỉ là một sự cảm nhận về nỗi đớn đau của kẻ khác, thế nhưng nó lại hiện ra dưới hình thức một nụ cười. Thế nhưng chẳng phải là nụ cười ấy cũng thoang thoảng một nét buồn hay sao: một nụ cười hàm chứa cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Nụ cười ấy không phản ảnh một sự thoát tục nào cả, mà đúng hơn là một sự mở rộng hoàn toàn vào thế giới này.

            Chẳng phải là một điều tuyệt diệu hay sao khi mà nụ cười ấy của Đức Phật cũng đều có sẵn bên trong mỗi con nguời chúng ta, và nó cũng chỉ mong được hiện ra mà thôi?

            Mỗi khi hành thiền chúng ta phải làm hiện lên nụ cười ấy, phải mang lại một niềm hân hoan cho con tim mình. Tôi không muốn nói là chúng ta phải trở thành những con người "hớn hở vì hạnh phúc" (béats-ravis/happy-clappy), bởi vì Phật Giáo Theravada chỉ quan tâm đến những người biết yêu chuộng những gì nghiêm chỉnh. Tất nhiên là có một bóng tối che lấp nội tâm mình: quán thấy sự thật cũng chẳng khác gì như "trông thấy ánh sáng" sau khi bóng tối đã tan biến hết.

            Nếu muốn cho việc tu tập của mình được đúng đắn thì phải giữ con tim mình thật thanh thoát. Không được ép buộc nó phải phấn đấu, thế nhưng tiếc thay, đấy lại là cách mà hầu hết mọi người đều thực thi như là một điều kiện bắt buộc. Họ luôn tìm kiếm một thứ gì đó để mà "chống lại". Dù có bảo họ rằng bản chất phù hợp nhất với họ là cách chỉ quán nhìn mà thôi, thì nhất định họ cũng không nghe. Họ không hề tin nơi khả năng quán thấy sự thật của mình, theo họ thì sự thật không thể nào có thể lại là như thế đươc, sự sống nhất định phải là một sự phấn đấu bất tận. Thế rồi đâu cũng lại vào đấy. Tình trạng ấy cứ tiếp tục kéo dài, và kéo dài thêm mãi...

            Nếu quý vị luyện tập theo một kỹ thuật thiền định nào đó thì thay vì là một phương tiện trợ giúp cho việc tu tập, nó cũng có thể trở thành nguồn gốc mang lại mọi thứ khó khăn. Khi nào đã tạo được cho mình một thái độ tu tập đúng đắn thì các kỹ thuật thiền định mà mình mang ra sử dụng cũng sẽ không còn quan trọng nữa. Tất nhiên là có một số kỹ thuật đặc biệt thích ứng với cá tính của một số người, tuy nhiên cũng có một kỹ thuật thật hữu ích thế nhưng vấn đề là quý vị lại không thích mang nó ra để mà luyện tập. Thật hết sức rõ ràng, kỹ thuật ấy nhất định là lòng nhân ái (mettâ). Phép luyện tập này rất hữu ích đối với những người thường hay nóng giận. (Thật ra tất cả chúng ta đều mang cái tính khí ấy, thế nhưng nó cũng có thể là sẽ mạnh hơn đối với số người nào đó. Sự thách đố đối với tất cả chúng ta là làm cho nó phải trở nên thăng bằng hơn). Vì thế tốt nhất hãy mang phép luyện tập ấy (tức là lòng nhân ái) ra mà thực hiện, thay vì cứ bám vào các kỹ thuật quen thuộc và ưa thích của mình. Quý vị cứ thử thực hiện xem sao, và sau đó sẽ xét xem phép luyện tập ấy có đúng là lại lợi ích cho mình hay không. Quyết tâm mở rộng lòng mình với tất cả những gì đang xảy ra trong những giây phút hiện tại sẽ đưa đến một tâm thức thật mềm dẻo và mang lại một sự lợi ích thật tuyệt vời, tuyệt vời hơn cả bất cứ một sự lợi ích nào mà quý vị có thể thu đạt được bằng bất cứ một kỹ thuật thiền định nào. 

            Cung cách tu tập đó, sự mở rộng thật êm ái đó, cái tâm thức mềm dẻo đó, sẽ hỗ trợ cho việc phát huy một tâm thức tỉnh giác, tạo ra sự an trú trong những giây phút của hiện tại này. Điều ầy đòi hỏi phải có thời gian, thế nhưng quý vị cũng đã bắt đầu hiểu rằng các kỹ thuật thiền định có thể mang lại được những lợi ích như thế nào, và đâu là những mối hiểm nguy của chúng. Mối hiểm nguy của một cơ sở chuyển tải (tức là kỹ thuật thiền định), nhất là trong trường hợp khi nó đã tỏ ra thật hữu ích, chính là sự bám víu của mình vào nó thay vì phải gạt bỏ nó ra vào một lúc nào đó (khi đã đạt đến một mức độ hiểu biết hay trí tuệ nào đó thì ngay cả kỹ thuật luyện tập giúp mình đạt được thể dạng ấy cũng phải buông bỏ nó ra, bởi vì đấy cũng chỉ là một phương tiện mà thôi). Chúng ta phải hoàn toàn loại bỏ được mọi sự bám víu. Hãy xem sự buông bỏ ấy như là con đường tu tập tốt nhất cho mình.

            Tôi vẫn thường tự nhủ: "Nếu có thể thì cứ buông bỏ, và buông bỏ", và tôi cũng đã từng mang câu man-tra ấy (man-tra là các câu tụng niệm nhằm mục đích hỗ trợ cho việc thiền định) ra thử nghiệm với mọi sự vật. Tôi thường áp dụng sự buông bỏ ấy đối với tất cả những gì hiện ra trong tâm thức tôi. Sau đó tôi quán xét các cảm tính hiện ra với tôi bằng cách tự hỏi: "Thế thì ai cảm nhận các cảm tính ấy?" và sau đó tôi dừng lại ngay với sự yên lặng hiện ra trong tâm thức tôi (tất cả chỉ là Tánh Không; không có "cái tôi" cũng không có cái nào là cái "của tôi" cả. Không có cảm tính nào là "của tôi", cũng chẳng có "cái tôi" nào để cảm nhận các cảm tính ấy). Đấy chính là phép luyện tập về sự hiểu biết sâu xa (vipassana). Phép luyện tập ấy không liên hệ gì đến bất cứ một kỹ thuật thiền định nào, mà đơn giản chỉ là cách buông bỏ mọi hình thức bám víu vào cái tôi và cái của tôi, tức là cái tâm thức tham lam của chính mình. Tuyệt nhiên không nên tìm cách đánh gục tâm thức. Sở dĩ chúng ta tìm cách gây chiến với tâm thức là vì nó không theo đúng sự mong muốn của mình là phải như thế. Chúng ta đành phải thay đổi thái độ vậy, phải thân thiện với các tư duy hiện lên trong tâm trí mình. Nếu khăng khăng tìm cách loại bỏ hay ngăn chận chúng thì đấy cũng chỉ là cách khiến chúng gia tăng thêm sức mạnh mà thôi. Khi nào không còn đặc biệt lưu ý đến chúng nữa thì chúng sẽ tự động ra đi khi nào chúng muốn. Quyết tâm nhận chịu những gì xảy ra trong tâm thức mình luôn đòi hỏi một sự kiên nhẫn vô song; thế nhưng chẳng phải đấy là đức tính tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể mang lại cho mình hay sao!

            Tuy nhiên cũng có một số tư duy bám rất chặt. Các tư duy dai dẳng ấy thường là các tư duy mà chúng ta mong muốn loại bỏ nhất. Thế nhưng chúng lại chất chứa một điều gì đó mà chúng có thể mang ra giảng dạy cho chúng ta. Vậy chúng ta phải biết lắng nghe chúng. Hãy cứ để cho chúng làm thầy mình. Khi nào chúng ta đã học được những gì cần phải học, thì chúng sẽ không còn quấy rầy mình nữa.

            Nhà sư Ajahn Chah (1913-1992, một vị thầy Thái Lan rất uyên bác và cũng là một trong số các vị thiền sư lỗi lạc nhất của thế kỷ XX) đã từng giải thích rất cụ thể những gì được trình bày trên đây qua câu chuyện quý vị mời khách bước vào một gian phòng chỉ độc có một chiếc ghế duy nhất, và quý vị thì đã ngổi trên chiếc ghế ấy. Khách tuy được ân cần mời vào thế nhưng họ không thể ở lâu được, chẳng qua là vỉ họ không sao tìm được một chỗ để mà ngồi. Nhà sư Ajahn Chah còn cho biết thêm là trước tình trạng thiếu tiện nghi ấy các người khách tất sẽ phải phát lộ các phản ứng của mình, và khi đó quý vị sẽ nhận thấy thật sự họ là gì (chỉ là những người khách tạm thời hiện ra vào những lúc nào đó trong cuộc đời của mình mà thôi).

            Vì thế chúng ta không nên gây chiến với tư duy của mình làm gì. Tìm cách giữ lại các tư duy yêu thích và loại bỏ các tư duy ghét bỏ chỉ là cách khiến mình rơi vào chiếc bẫy do mình tự giăng ra cho mình, chiếc bẫy ấy chẳng phải là cái thế giới trói buộc này của chúng ta hay sao. Đấy không phải là cách phải nhìn mọi sự vật "là như thế". Tâm thức là một cơ sở tiếp nhận (receptacle) tư duy. Bên trong cơ sở ấy, tư duy sẽ hiện lên và chấm dứt. Bản chất của tâm thức là như thế. Tương tự như những người bước vào và rồi sau đó lại bước ra khỏi cuộc đời mình. Quý vị phải đón tiếp tất cả họ như những người bạn, dù quý vị có yêu thương họ hay không.  

            Trong khi luyện tập về sự tỉnh giác, tức là phép luyện tập giúp mình an trú trong hiện tại, thì tất quý vị sẽ quán thấy được những gì hiện lên trong từng giây phút một. Mỗi khi tư duy hiện lên với mình thì quý vị cứ cho chúng đứng (không tìm ghế cho chúng ngồi) và cứ để cho chúng tự động ra đi. Đấy là cách cư xử đối với các tư duy của mình. Thế nhưng cũng không phải vì thế mà khinh thường chúng, bởi vì khinh thường chúng cũng là cách mà quý vị khinh thường cả tâm thức quý vị. Chẳng qua là vì tâm thức chính là nơi mà các sự hiểu biết sâu xa (vipassana/trí tuệ) sẽ hiện lên. Đấy là nơi mà chúng ta suy nghĩ, và cũng chính ở tại nơi ấy chúng ta sẽ nhận biết được các sự vật "là như thế". Chẳng có một người bạn nào lại có thể tốt hơn là chính tâm thức mình. Tôi vẫn thường nghe nhiều người nói rằng họ chỉ mong làm cho tâm thức họ phải chấm dứt. Thế nhưng thật ra thì họ lại tập trung tất cả tâm thức mình vào tại nơi này nhằm tìm cách trốn chạy những gì mà họ không thích cũng đang ở tại nơi này. Họ tháo chạy. Chẳng qua là vì họ nghĩ rằng có một nơi nào khác giúp họ có thể ẩn nấp được (họ e sợ địa ngục nên phải ra sức tìm kiếm một cảnh thiên đường để mà ẩn nấp). Thế nhưng thật ra thì họ tìm cách ẩn nấp ở ngay bên trong ngôi nhà của họ (và đấy cũng là cách mà họ tự tạo ra một cảnh địa ngục trong ngôi nhà của chính mình. Chẳng phải là súng đạn có quá nhiều trong thế gian này hay sao? Những người cầm súng có thể đã nghĩ rằng mình sẽ mang lại một thiên đường, thế nhưng thật ra thì họ tự tạo ra địa ngục cho mình và gia đình mình trong gian nhà của mình; tạo ra địa ngục cho dân tộc mình trên quê hương mình; tạo ra địa ngục khắp nơi cho tất cả nhân loại trên hành tinh nhỏ bé này). Thế nhưng họ trốn chạy những gì? Quả thật hết sức đáng buồn, đấy là cái thân xác và cả cái tâm thức của họ, thế nhưng những thứ ấy lại là tất cả những gì mà họ có thể có được trong thế gian này. Những gì cần phải làm cho chấm dứt chỉ đơn giản là cái tâm thức tham lam. Chỉ có cách ấy mới mang lại hạnh phúc đích thật mà thôi.

            Hãy cứ nhìn vào sắc thân của Đức Phật. Chúng ta an trú trong một thân xác, cái thân xác ấy giúp chúng ta hiện hữu trên địa cầu này. Nó có thể gây ra cho chúng ta thật nhiều đau đớn. Thế nhưng chính là nhờ vào những sự đau đớn ấy mà chúng ta ý thức được là mình bị buộc chặt vào một thân xác. Thân xác đó mang chúng ta trở về với hiện thực (trong nguyên bản là: nous ramene sur terre/bring us down to earth/mang chúng ta trở về với địa cầu này). Quả là một nơi rất thuận tiện giúp tâm thức hướng vào đấy để mà buông bỏ tất cả. Đối với các sự xao động (các sự lo lắng trong tâm thần) cũng thế, tức là phải xem chúng là các vị thầy của mình. Chúng ta phải lưu lại bên cạnh các vị thầy ấy để mà học hỏi. Không được vội vã bước ra khỏi lớp, khi mà người thầy chưa giảng xong. Hãy nhìn thẳng vào chính những sự xao động ấy. Chẳng có gì là khó khăn cả, các sự xao động ấy luôn là các vị thầy thật tuyệt vời, thế nhưng về phần mình chúng ta cũng phải phát động thật nhiều kiên nhẫn hầu giúp mình có thể lưu lại bên cạnh họ. 

            Tại sao chúng ta lại phải hành xử theo cung cách ấy? Bởi vì việc đó sẽ giúp mang lại sự tự do cho mình. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được sự xao động là gì thì chúng ta mới không còn trốn chạy để lánh xa nó nữa. Khi nào không còn bỏ chạy thì tâm thức sẽ trở nên hoàn toàn bình thản, bình thản trên thân xác và cả bên trong tâm thức, dù cho bất cứ gì xảy ra ngay trong lúc ấy, có nghĩa là trong khoảnh khắc này, trong từng giây phút của hiện tại này.

            Và cũng chính tại nơi này sự biến cải sẽ được thực hiện, đấy là sự hiển lộ của những gì từng được dấu kín trong nội tâm. Toàn thể nhân tính của mình, kể cả sự yếu đuối cũng như lòng từ bi của mình, tất cả trước đây từng thu mình bên trong nội tâm, bỗng dưng quay ngược ra ngoài và hướng vào thế giới này như một cánh hoa nở rộ. Vì thế cũng thật dễ hiểu tại sao Đức Phật lại nở một nụ cười. Thế nhưng nụ cười ấy cũng thật hết sức tinh tế! Phải cần một thời gian nào đó mới có thể nhận thấy được nụ cười ấy hiện ra trên con đường tu tập của riêng mình.

            Và biết đâu chúng ta cũng còn phải phát huy thêm nhiều phẩm tính khác nữa mà mình chưa có. Thế nhưng điều hệ trọng nhất là trước hết phải phát huy được sự vững tâm. Sự vững tâm trên đường tu tập và sự tự tin nơi khả năng suy nghĩ của mình sẽ giúp mình tìm hiểu cái thân xác và cái tâm thức này của chính mình và giúp mình nhìn vào mọi sự vật đúng với bản chất "là như thế" của chúng.

            Đức Phật quán thấy được bên trong mỗi con người chúng ta đều tàng ẩn một khả năng giác ngộ. Thế nhưng dường như trong nụ cười của Ngài cũng thoang thoảng một nét buồn nào đó mà không mấy ai trong chúng ta có thể nhận biết được.

            Trong khu vườn của tôi có thật nhiều cây ăn trái mà tôi đã trồng cách nay hai mươi năm. Mỗi năm tôi đều hái được rất nhiều hoa quả để biếu tặng mọi người, và lắm khi cũng khó tránh khỏi một chút ái ngại nào đó khi nhận thấy mình có quá nhiều để cho. Tất cả những gì mà tôi còn phải làm chỉ là chờ lúc nào hoa quả chín rộ để hái mà thôi. Thiên nhiên cũng chỉ là như thế, có đúng vậy hay chăng! Thật thế, quý vị hãy nhìn vào tất cả các khu vườn không có một thứ hoa quả nào cả. Tất cả mọi người đều hiểu rằng nếu trước đây mình trồng thì hôm nay mình sẽ có nhiều quả để hái. Thế nhưng họ chẳng bao giờ trồng. Có thể họ nghĩ rằng trồng cây để mà làm gì, bởi vì phải chờ đợi thật lâu ngày mới có quả.

            Đức Phật dạy rằng một trong những thể dạng phúc hạnh to lớn nhất là hoàn tất được những hành động tốt trong quá khứ. Tất cả mỗi người trong chúng ta đều sống trong một khu vườn, khu vườn ấy chính là tâm thức mình. Chúng ta phải trau dồi và phát huy đạo đức, sự tập trung và trí tuệ cho nó. Những gì mà tôi muốn nói lên là phải vững tin rằng nếu mình biết lo chăm sóc các cây ăn trái trong khu vườn của mình, thì nhất định một ngày nào đó quả chín sẽ hiện ra trên cành. Cách duy nhất giúp mình tạo ra quả phát sinh từ một hành động tốt trong quá khứ là phải thực hiện ngay các hành động tốt ấy trong hiện tại. May mắn thay tất cả chúng ta đều có khả năng làm được việc ấy.

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 12.11.14

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]