Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Ba

01/03/201116:25(Xem: 3746)
Phẩm Thứ Ba

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG NGHĨA
Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

PHẦN DỊCH NGHĨA

PHẨM THỨ BA

MƯỜI CÔNG ĐỨC

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm lại bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa vi diệu, thâm sâu, cao cả nhất này, thật rất thâm sâu, rất thâm sâu!

"Vì sao vậy? Trong chúng hội này, các vị đại Bồ Tát và Tứ chúng, trời, rồng, quỷ thần, quốc vương, quan, dân... những chúng sanh nào nghe kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, cao cả nhất này, ai ai cũng được các môn Tổng trì, Tam pháp, Tứ quả, hoặc phát tâm Bồ-đề. Nên biết rằng pháp này ý nghĩa chân thật, chánh đáng, tôn quý hơn hết. Ba đời chư Phật đều giữ gìn, bảo hộ; chúng ma, ngoại đạo không thể xâm nhập vào. Tất cả tà kiến sanh tử không thể làm cho hư hoại được. Vì sao vậy? Vì nghe được một pháp này có thể nắm hiểu tất cả các pháp. Nếu chúng sanh nào nghe được kinh này, ắt được lợi ích lớn. Vì sao vậy? Nếu biết tu hành theo kinh này, ắt được mau thành Vô thượng Bồ-đề. Chúng sanh nào chẳng nghe được kinh này, nên biết rằng đã mất đi lợi ích lớn, dù trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp không thể nghĩ bàn, cũng không bao giờ được thành Vô thượng Bồ-đề. Vì sao vậy? Vì chẳng biết con đường lớn thẳng tắt đến Bồ-đề, lại đi theo nẻo hiểm nguy, vướng nhiều tai nạn.

"Bạch Thế Tôn! Kinh điển này thật chẳng thể nghĩ bàn. Xin đức Thế Tôn đem lòng thương xót, diễn giải rộng với đại chúng chỗ thâm sâu chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Bạch Thế Tôn! Kinh điển này từ đâu đến, sẽ đi về đâu, trụ ở nơi nào, mà lại có được vô lượng công đức, sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn như vậy, khiến người tu được mau thành quả Phật?"

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Đại Trang Nghiêm: "Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói đó. Thiện nam tử! Ta thuyết kinh này rất thâm sâu, quả thật rất thâm sâu. Vì sao vậy? Vì khiến cho người tu mau thành Vô thượng Bồ-đề; vì nghe được kinh này một lần, có thể nắm hiểu được tất cả các pháp; vì có lợi ích lớn đối với chúng sanh; vì là con đường lớn thẳng tắt đến Bồ-đề, không vướng tai nạn.

"Thiện nam tử! Ông hỏi rằng kinh này từ đâu đến, sẽ đi về đâu, trụ ở nơi nào. Hãy khéo lắng nghe đây!

"Thiện nam tử! Kinh này vốn từ trong nhà ở của chư Phật mà ra; sẽ đi đến chỗ phát tâm Bồ-đề của hết thảy chúng sanh; trụ vào chỗ trụ của chư Bồ Tát.

"Thiện nam tử! Chỗ đến của kinh này là như vậy, chỗ đi là như vậy, chỗ trụ là như vậy. Cho nên kinh này có được vô lượng công đức, sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn, khiến người tu mau thành Vô thượng Bồ-đề.

"Thiện nam tử! Kinh này lại có mười sức mạnh công đức chẳng thể nghĩ bàn, ông có muốn nghe chăng?"

Bồ Tát Đại Trang Nghiêm thưa: "Con rất vui mừng được nghe."

Phật dạy: "Thiện nam tử! Thứ nhất là, kinh này có thể khiến cho Bồ Tát chưa phát tâm sẽ phát tâm Bồ-đề. Với người không có lòng nhân từ, lại làm cho khởi lòng nhân từ; kẻ ưa giết hại khởi tâm đại bi; kẻ hay tật đố khởi tâm tùy hỷ; kẻ trói buộc nơi luyến ái khởi tâm xả bỏ; kẻ tham lam bủn xỉn khởi tâm bố thí; kẻ kiêu căng ngã mạn khởi tâm trì giới; kẻ hay sân nhuế khởi lòng nhẫn nhục; kẻ lười nhác khởi lòng tinh tấn; kẻ tán loạn khởi tâm thiền định; kẻ ngu si khởi tâm trí tuệ; kẻ chưa từng cứu độ người khác khởi tâm cứu độ; kẻ làm mười điều ác khởi tâm làm mười điều lành; kẻ thích hữu vi hướng đến vô vi; kẻ có lòng thối chuyển sanh tâm chẳng thối chuyển; kẻ theo hữu lậu khởi tâm vô lậu; kẻ nhiều phiền não khởi tâm trừ dứt.

"Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ nhất chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ hai chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là, nếu chúng sanh nào được nghe kinh này, dù nghe qua hết một lần, hoặc chỉ một bài kệ, cho đến chỉ một câu thôi, ắt có thể thông đạt được trăm, ngàn, ức nghĩa của các pháp. Dù trải qua vô lượng số kiếp cũng không thể diễn thuyết cho hết các pháp đã nắm hiểu được. Vì sao vậy? Vì pháp hiểu được từ kinh này có vô lượng nghĩa.

"Thiện nam tử! Kinh này ví như một hạt giống sanh ra trăm, ngàn, vạn hạt. Trong trăm, ngàn, vạn hạt này, mỗi hạt lại sanh ra đến số trăm, ngàn, mười ngàn. Cứ như vậy mà tăng dần cho đến vô lượng. Kinh điển này cũng vậy. Do một pháp mà sanh ra trăm, ngàn nghĩa. Trong trăm, ngàn nghĩa này mỗi nghĩa lại sanh ra đến số trăm, ngàn, mười ngàn. Cứ như vậy mà tăng dần cho đến vô lượng, vô biên nghĩa. Vì vậy mà gọi tên kinh này là Vô lượng nghĩa.

"Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ hai chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ ba chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là, nếu chúng sanh nào được nghe kinh này, dù nghe qua hết một lần, hoặc chỉ một bài kệ, cho đến chỉ một câu thôi, thông đạt được trăm, ngàn, ức nghĩa của các pháp rồi, tuy có phiền não cũng như không phiền não; ra vào chốn sanh tử lòng không sợ sệt. Đối với chúng sanh, sanh lòng thương xót. Đối với hết thảy các pháp, sanh lòng mạnh mẽ, dũng mãnh.

"Như người lực sĩ đủ sức gánh vác những thứ nặng nề. Người trì kinh này lại cũng như vậy, có thể nhận lấy nhiệm vụ nặng nề là Vô thượng Bồ-đề, gánh vác chúng sanh ra khỏi đường sanh tử. Tuy chưa độ thoát chính mình nhưng đã có thể độ cho kẻ khác. Cũng như người chèo thuyền, dù thân mang bệnh nặng, tay chân chẳng cử động, nằm yên nơi bờ sông bên này, nhưng đã có thuyền tốt, chắc chắn, lại đủ các dụng cụ để đưa khách, liền giúp người qua bờ sông bên kia được. Người trì kinh này lại cũng như vậy. Tuy mang xác thân nằm trong Năm nẻo, một trăm lẻ tám bệnh nặng thường bám lấy thân, chỉ nằm yên ở bờ bên này là vô minh, già, chết; nhưng đã có thuyền tốt, chắc chắn là kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa này, có thể cứu độ được chúng sanh. Nếu chúng sanh theo lời thuyết dạy mà làm, ắt vượt qua được con sông sanh tử.

"Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ ba chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ tư chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: nếu chúng sanh nào được nghe kinh này, dù nghe qua hết một lần, hoặc chỉ một bài kệ, cho đến chỉ một câu thôi, sẽ được tư tưởng dũng mãnh, mạnh mẽ. Tuy chưa thể tự độ thoát chính mình, nhưng có thể cứu độ cho người khác; làm quyến thuộc với chư Bồ Tát. Chư Phật Như Lai thường hướng về người trì kinh mà diễn thuyết các pháp; được nghe rồi có thể thọ trì, tùy thuận chẳng nghịch; lại còn vì người khác mà tùy nghi thuyết rộng.

"Thiện nam tử! Người ấy ví như vị hoàng tử mới sanh của vua và phu nhân. Dù mới sanh ra chỉ một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày, hoặc một tháng, hai tháng, cho đến bảy tháng, hoặc được một tuổi, hai tuổi cho đến bảy tuổi, tuy chưa có thể lo liệu việc nước, nhưng đã được quan và dân tôn kính, lại thường kết giao với các vị con lớn của vua. Vua và phu nhân hết lòng chiều chuộng thương yêu, thường cùng trò chuyện. Vì sao vậy? Vì hoàng tử còn bé thơ.

"Thiện nam tử! Người trì kinh này lại cũng như vậy. Chư Phật là vua, kinh này là phu nhân, hòa hiệp nhau mà sanh ra Bồ Tát. Nếu Bồ Tát được nghe kinh này, dù là một câu, một bài kệ, hoặc nghe qua hết một lần, hai lần, mười lần, trăm lần, ngàn vạn, ức vạn lần, cho đến nhiều lần như số cát sông Hằng, vô lượng vô số lần, tuy chưa đạt được tột cùng chân lý, chưa thể làm chấn động tam thiên đại thiên thế giới, phát tiếng Phạm âm như sấm rền mà chuyển Đại Pháp luân, nhưng đã được hết thảy Tứ chúng, Bát bộ tôn trọng, kính ngưỡng. Được các vị đại Bồ Tát nhận làm quyến thuộc. Thâm nhập vào các pháp bí mật của chư Phật, chỗ diễn thuyết không lỗi lầm, không bỏ mất; thường được chư Phật hộ niệm, đem lòng từ ái chở che cho. Vì là người mới tu học.

"Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ tư chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ năm chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, có thể thọ trì, đọc tụng sao chép kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu cao cả nhất này, những người ấy cho dù bị nhiều phiền não trói buộc, chưa thể lìa xa các việc phàm phu, nhưng lại có thể thị hiện đạo lớn Bồ-đề; có thể kéo dài một ngày ra thành trăm kiếp; có thể rút ngắn trăm kiếp thành một ngày, khiến cho chúng sanh hoan hỷ tin phục.

"Thiện nam tử! Những kẻ nam người nữ lòng lành ấy cũng ví như rồng con, mới sanh được bảy ngày liền có thể kéo mây, làm mưa.

"Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ năm chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ sáu chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế, hoặc sau khi diệt độ, nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, có thể thọ trì, đọc tụng kinh điển này, dù vẫn còn nhiều phiền não, nhưng có thể vì chúng sanh mà thuyết pháp, khiến cho lìa xa phiền não sanh tử và dứt trừ hết thảy khổ não. Chúng sanh nghe thuyết pháp rồi tu hành đắc pháp, đắc quả, đắc đạo, so với Phật Như Lai không còn khác biệt. Ví như vị vương tử tuy còn nhỏ tuổi, nhưng nếu vua đi tuần du hoặc gặp lúc có bệnh, ủy quyền cho vương tử ấy lo liệu việc trị nước, vương tử liền vâng lệnh truyền của vua, y theo phép tắc mà sai khiến hết thảy quan thuộc, nêu rõ chánh hóa. Nhân dân trong nước nhờ đó mà được an ổn cũng như khi vua cai trị, chẳng khác chi cả.

"Người trì kinh này lại cũng như vậy. Trong khi Phật tại thế hoặc đã diệt độ, tuy chưa trụ được ở Sơ, Bất động địa, nhưng cũng y theo lời giảng dạy của Phật mà diễn bày ra, chúng sanh nghe rồi hết lòng tu hành, dứt trừ phiền não, đắc pháp, đắc quả, cho đến đắc đạo.

"Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ sáu chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ bảy chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã diệt độ, nếu có những kẻ nam, người nữ lòng lành, được nghe kinh này, trong lòng vui vẻ, hoan hỷ tin nhận, cho đó là việc ít có, liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, giảng giải, y theo pháp mà tu hành, phát tâm Bồ-đề, sanh khởi các thiện căn, vững lòng đại bi, muốn cứu độ tất cả chúng sanh khổ não. Khi chưa tu hành Sáu ba-la-mật, Sáu ba-la-mật tự nhiên hiện ra. Ngay trong đời này liền được Vô sanh Pháp nhẫn, phiền não sanh tử nhất thời liền dứt trừ hết sạch, thẳng lên địa vị thứ bảy của đại Bồ Tát. Tỷ như một người dũng mãnh, giúp trừ kẻ oán nghịch cho vua. Kẻ oán nghịch trừ xong, vua rất hoan hỷ, đem một nửa cõi nước mà phong thưởng cho. Người trì kinh này lại cũng như vậy, so trong những kẻ tu hành là bậc dũng mãnh hơn hết. Món pháp quý báu là Sáu ba-la-mật, tuy người chẳng cầu, mà tự nhiên hiện đến. Kẻ oán nghịch là sanh tử tự nhiên bị diệt mất, liền chứng Vô sanh nhẫn, được phong thưởng bằng một nửa cõi nước là món báu của Phật, khiến được an ổn, vui thỏa.

"Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ bảy chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ tám chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã nhập diệt, nếu có kẻ nam, người nữ lòng lành nào gặp được kinh điển này, đem lòng kính trọng, tin nhận, chẳng khác gì như được thấy thân Phật; lại ưa thích, mến mộ kinh này, liền thọ trì, đọc tụng, sao chép, hết sức cung kính, y như pháp mà vâng làm theo; vững vàng nơi giới luật, nhẫn nhục, cùng thực hành Bố thí ba-la-mật, phát tâm từ bi sâu vững; đem kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa này thuyết rộng với nhiều người khác. Nếu có người khi vừa mới đến chẳng tin việc tội phước, liền đem kinh này mà chỉ bảo cho, dùng đủ mọi phương tiện, cố giáo hóa cho họ được lòng tin. Nhờ oai lực của kinh này, khiến cho người ấy hốt nhiên hồi tâm. Đã khởi lòng tin rồi, nhờ sự dũng mãnh tinh tấn, có thể có được thế lực oai đức của kinh này, lại đắc đạo, đắc quả.

"Cho nên những kẻ nam, người nữ có lòng lành, nhờ sự giáo hóa của kinh này mà ngay trong đời hiện tại được chứng Vô sanh Pháp nhẫn, lên tới Thượng địa làm quyến thuộc với chư Bồ Tát, nhanh chóng thành tựu cho chúng sanh, làm trong sạch cõi Phật, chẳng bao lâu sẽ được Vô thượng Bồ-đề.

"Thiện nam tử! Đó gọi là sức mạnh công đức thứ tám chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức mạnh công đức thứ chín chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã nhập diệt, nếu có kẻ nam, người nữ lòng lành nào gặp được kinh điển này, vui mừng sung sướng, cho là việc chưa từng có, liền thọ trì, đọc tụng, cúng dường, lại sao chép ra, vì mọi người khác mà phân biệt giảng nói nghĩa kinh. Người ấy liền được nhất thời dứt sạch mọi nghiệp chướng nặng nề từ đời trước, tâm liền được thanh tịnh, được đại tài biện luận, lần lượt hội đủ các ba-la-mật mà trang nghiêm đức hạnh; được các phép Tam-muội, Thủ-lăng-nghiêm Tam-muội, nhập vào môn đại Tổng trì; được sức chuyên cần tinh tấn, nhanh chóng vượt lên đến Thượng địa; có thể biến hóa phân thân ra khắp các cõi nước mười phương, cứu vớt tất cả chúng sanh khổ sở trong hai mươi lăm cảnh Hữu, khiến cho đều được giải thoát. Cho nên kinh này có được sức mạnh như vậy.

"Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ chín chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Sức công đức thứ mười chẳng thể nghĩ bàn của kinh này là: Trong khi Phật còn tại thế hoặc đã nhập diệt, nếu có kẻ nam, người nữ lòng lành nào gặp được kinh điển này, hết sức vui mừng, cho là việc chưa từng có, liền tự mình thọ trì, đọc tụng, cúng dường, lại sao chép ra, rồi y theo lời dạy mà tu hành; lại khuyến khích được nhiều người tại gia, xuất gia cùng thọ trì, đọc tụng, cúng dường, sao chép kinh này, theo như pháp mà tu hành. Khiến cho kẻ khác tu hành, nhờ sức kinh này nên đắc đạo, đắc quả; đó đều là do sức khuyến hóa lòng lành của người trì kinh. Nên ngay trong đời này, người ấy liền được vô lượng các môn Tổng trì. Ở địa vị phàm phu mà tự nhiên có thể phát vô số a-tăng-kỳ lời thệ nguyện rộng lớn, có thể thừa sức cứu vớt hết thảy chúng sanh, thành tựu đức đại bi, cứu bạt những nỗi khổ rộng khắp, gom góp đủ các căn lành, làm lợi ích cho tất cả; lại tuôn mưa Pháp thấm nhuần tốt tươi cho những nơi khô hạn, dùng món thuốc Pháp mà ban cho chúng sanh, khiến hết thảy đều được an lạc; dần dần vượt lên đến Pháp vân địa, ban ân trạch thấm nhuần mọi chốn, lòng từ trải khắp nơi nơi, gồm thâu mọi khổ não của chúng sanh, khiến họ bước vào nẻo đạo. Do vậy, chẳng bao lâu người ấy sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

"Thiện nam tử! Đó là sức mạnh công đức thứ mười chẳng thể nghĩ bàn của kinh này.

"Thiện nam tử! Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa cao quý hơn hết này có sức đại oai thần như thế, tôn quý chẳng gì bằng, có thể giúp cho phàm phu được thành Thánh quả, mãi mãi dứt lìa sanh tử, thảy đều được tự tại. Vì vậy nên gọi tên kinh là Vô lượng nghĩa, có thể khiến cho hết thảy chúng sanh ở địa vị phàm phu sanh khởi vô lượng mầm đạo của chư Bồ Tát, làm cho cây công đức trở nên to lớn, sum sê. Vì vậy nên kinh này cũng có danh hiệu là Sức công đức chẳng thể nghĩ bàn."

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm cùng với tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát đồng thanh bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, vi diệu, cao cả hơn hết mà Phật đã thuyết, ý nghĩa chân thật, chánh đáng, cao quý hơn hết, chư Phật ba đời đều gìn giữ, hộ trì, chúng ma ngoại đạo không thể xâm nhập, tất cả tà kiến sanh tử không thể làm hư hoại. Cho nên kinh này mới có mười sức mạnh công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy, làm lợi ích rất nhiều cho vô lượng hết thảy chúng sanh, khiến tất cả chư đại Bồ Tát đều được phép Tam-muội Vô lượng nghĩa, hoặc được trăm ngàn môn Tổng trì, hoặc được các địa vị trong Thập địa, các pháp nhẫn của Bồ Tát, hoặc được các quả Duyên giác, A-la-hán, chứng bốn Đạo quả. Đức Thế Tôn thương xót đã vui lòng giảng thuyết cho chúng con nghe pháp ấy, khiến được sự lợi ích rất lớn về giáo pháp. Thật là rất lạ, chưa từng có vậy! Chúng con thật khó báo đáp từ ân của Thế Tôn!"

Lời ấy vừa nói xong, khắp tam thiên đại thiên thế giới liền chấn động sáu cách. Từ trên không trung, mưa xuống các thứ hoa trời như hoa ưu-bát-la, hoa bát-đàm-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lỵ, lại mưa xuống vô số hương cõi trời, các thứ y phục, anh lạc, châu báu vô giá cõi trời. Từ trên không trung, những thứ ấy dần dần hạ xuống cúng dường Phật cùng chư Bồ Tát, Thanh văn, đại chúng. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong chén bát cõi trời, hiện ra đầy đủ, dư dật. Chỉ cần nhìn và ngửi các món ăn ấy, tự nhiên đã thấy no đủ rồi. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời được bày biện ra khắp nơi, trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán Phật.

Lại chấn động sáu cách lần nữa. Các thế giới chư Phật ở phương đông, nhiều như số cát sông Hằng, cũng mưa xuống những hoa, hương cõi trời, các loại y phục, chuỗi ngọc, châu báu vô giá trên cõi trời. Lại có những món ăn đủ trăm mùi vị được nấu ở nhà bếp cõi trời, đựng trong chén bát cõi trời; chỉ cần nhìn và ngửi các món ăn ấy, tự nhiên đã thấy no đủ rồi. Các loại cờ xí, lọng phướn, nhạc cụ vi diệu trên cõi trời trỗi lên âm nhạc cõi trời để ca ngợi, tán thán chư Phật cõi ấy và chúng Bồ Tát, Thanh văn.

Ở phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ, phương trên, phương dưới đều lại cũng như vậy.

Lúc ấy Phật bảo Đại Bồ Tát Đại Trang nghiêm và tám mươi ngàn vị đại Bồ Tát rằng: "Đối với kinh này, các ông nên khởi lòng kính trọng sâu xa, y như pháp mà tu hành, giáo hóa cho hết thảy, hết lòng truyền bá, lưu hành, thường nên ân cần ngày đêm giữ gìn, bảo vệ, khiến cho chúng sanh đều được lợi ích về pháp. Các ông đúng thật là đại từ, đại bi, đã lập nguyện thần thông mà ưa thích bảo hộ kinh này, chớ để ngưng trệ. Về đời sau, nên lưu hành rộng khắp cõi Diêm-phù-đề, khiến cho tất cả chúng sanh đều được thấy, nghe, đọc tụng, cúng dường, sao chép ra. Nhờ vào việc ấy, sẽ giúp các ông cũng mau đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề."

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Đại Trang Nghiêm với tám mươi ngàn đại Bồ Tát liền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh Phật cả trăm ngàn vòng, rồi cùng nhau quỳ xuống, đồng thanh bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chúng con lấy làm vui thích được đức Thế Tôn đem lòng từ mẫn thuyết cho nghe kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa thâm sâu, vi diệu, cao cả hơn hết này. Chúng con kính vâng lời dạy của Phật, sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ làm cho khắp nơi được lưu hành kinh điển này, khiến cho hết thảy chúng sanh đều thọ trì, đọc tụng, cúng dường, sao chép thêm ra. Xin đức Thế Tôn đừng đem lòng lo lắng, chúng con sẽ dùng nguyện lực khiến cho hết thảy chúng sanh đều được oai thần phước lực của kinh điển này."

Bấy giờ, Phật khen rằng: "Lành thay, lành thay! Các thiện nam tử! Nay các ông quả thật là Phật tử, đại từ, đại bi, có thể thừa sức cứu bạt khổ ách; là ruộng phước màu mỡ cho hết thảy chúng sanh; rộng vì hết thảy chúng sanh mà làm người dẫn dắt cho theo về đúng nẻo; làm chỗ nương dựa chắc chắn của chúng sanh; là bậc đại thí chủ, thường đem sự lợi ích về giáo pháp mà bố thí rộng rãi cho tất cả."

Lúc ấy, hết thảy chúng hội đều vui mừng hoan hỷ, lễ bái đức Phật, thọ trì rồi lui ra.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]