Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Lục Phương Lễ Bái

25/02/201103:42(Xem: 5379)
Kinh Lục Phương Lễ Bái

BÁO ĐÁP CÔNG ƠN CHA MẸ
Tuệ Đăng - Nguyễn Minh Tiến

KINH LỤC PHƯƠNG LỄ BÁI

Các bạn trẻ thân mến! Lòng hiếu thuận được đức Phật chỉ dạy và nhắc nhở đến trong rất nhiều kinh điển. Qua câu chuyện hôm nay, hẳn các bạn đã thấy được sự lớn lao vĩ đại của công ơn cha mẹ, cũng như trách nhiệm của một người con hiếu phải như thế nào. Tuy nhiên, để các bạn hiểu rõ hơn nữa lời dạy của đức Phật, chúng tôi xin mời các bạn nghe thêm câu chuyện sau đây, cũng xảy ra vào thời đức Phật còn tại thế. Qua đó, đức Phật không chỉ giảng dạy về đạo hiếu của một người con, mà còn ân cần chỉ dạy về nhiều mối quan hệ khác trong xã hội, để giúp bạn trở thành một người tốt, hữu ích cho xã hội.
Các bạn thân mến! Chàng trai trẻ trong câu chuyện này có tên là Thi-ca-la-việt, hay Thiện Sanh, cũng là một người còn rất trẻ như các bạn. Và chính những lời dạy ân cần của đức Thế Tôn đã giúp cho chàng trai này được thức tỉnh, thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống cũng như những mối quan hệ tốt đẹp trong đời sống.

Khi ấy, đức Phật đang ở tại thành Vương Xá,vào buổi sáng sớm đi khất thực, nhìn xa xa về phía núi Kê Túcthấy có một chàng con nhà trưởng giả tên Thi-ca-la-việtđang chải đầu, súc miệng, rửa mặt, thay y phục sạch sẽ, rồi hướng về phương đông lạy 4 lạy, hướng về phương nam, phương tây, phương bắc cũng lạy mỗi phương 4 lạy, lại hướng lên trời lạy 4 lạy, hướng xuống đất lạy 4 lạy.
Đức Phật liền đến nhà người ấy, hỏi: “Con đang làm gì vậy?”
Thi-ca-la-việt
đáp: “Con ở đây lễ lạy sáu phương.”
Đức Phật hỏi: “Lễ lạy sáu phương như vậy là theo pháp gì?”
Thi-ca-la-việt
đáp: “Khi cha mẹ còn sống có dạy con mỗi buổi sáng sớm phải lễ lạy sáu phương, con cũng không hiểu để làm gì. Nay cha mẹ đã qua đời, con không dám trái lời dạy.”
Phật nói: “Cha mẹ con dạy việc lễ lạy sáu phương không phải dùng thân lễ lạy như thế. Con đã hiểu sai ý của cha mẹ con rồi.”
Thi-ca-la-việt
liền quỳ xuống thưa: “Xin Phật từ bi vì con giảng giải ý nghĩa việc lễ lạy sáu phương.”
Phật dạy: “Được, con hãy lắng nghe cho kỹ! Hãy để tâm vào lời dạy, ta sẽ vì con giảng rõ.
“Hàng trưởng giả, những người trí thức, nếu như có thể trừ dứt sáu pháp xấu ác, đó chính là lễ lạy sáu phương.
“Những gì là sáu pháp xấu ác? Một là tham uống rượu, hai là mê cờ bạc, ba là thích ngủ sớm dậy trễ, bốn là ưa mời thỉnh khách khứa, năm là thích kết giao cùng kẻ xấu, sáu là ham thích việc giết hại, lừa gạt, dan díu vợ người. Nếu có thể trừ dứt sáu việc ấy, đó là lễ lạy sáu phương.
“Nếu con không trừ được sáu việc ấy thì sự lễ lạy nào có ích gì? Lại còn lan tràn tiếng xấu, việc nhà rối loạn, tiền của tiêu tốn, thân thể yếu đuối, gầy còm, việc lành ngày càng mai một, kẻ xa người gần không còn ai kính trọng!
“Này chàng trai! Nên biết chọn người tốt để giao tiếp, học hỏi theo; tránh xa những người xấu ác. Như ta từ vô số kiếp trước vẫn thường gần gũi những bậc thiện tri thức, nay mới được thành quả Phật.”
Các bạn trẻ thân mến! Lời xưa thường nói: “Chọn bạn mà chơi”; lại cũng nói rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nếu các bạn hiểu được và vâng theo những lời Phật dạy nơi đây, từ bỏ những thói xấu vừa kể trên, thì lo gì không trở thành một người tốt đẹp?

Phật lại bảo Thi-ca-la-việt: “Bảo con lễ lạy phương đông là có ý nghĩa phụng dưỡng cha mẹ phải nhớ 5 điều. Một là hết lòng hiếu kính, chăm nom thăm viếng, thường khiến cha mẹ vui lòng. Hai là mỗi ngày dậy sớm, sắp xếp việc nhà, việc cơm nước, luôn giữ theo nếp nhà cần kiệm. Ba là thay cha mẹ làm mọi việc nặng nhọc. Bốn là luôn nhớ nghĩ đến công ơn cha mẹ. Năm là khi cha mẹ có bệnh tật phải hết lòng lo lắng, tìm thầy thuốc chữa trị.
Các bạn thân mến! Năm điều Phật dạy ở đây có lẽ không quá khó khăn đối với bất cứ ai trong chúng ta. Chỉ cần các bạn có sự lưu tâm thì chắc chắn đều có thể làm được. Tuy nhiên, điều khó khăn chính là ở chỗ có thể giữ cho sự thực hành được đều đặn, lâu dài. Nếu bạn chỉ làm được trong năm ba ngày rồi xao lãng thì không thể gọi là người con hiếu. Hãy nghĩ xem, cha mẹ chăm lo cho chúng ta từ tấm bé, có bao giờ ngơi nghỉ hay chăng?

“Cha mẹ đối với con cũng có 5 điều. Một là dạy con bỏ điều ác, làm điều lành. Hai là dạy con thường gần gũi những người hiểu biết. Ba là dạy con chuyên cần, chú trọng việc học hỏi. Bốn là khi đến tuổi thì lo việc dựng vợ gả chồng. Năm là chia phần tài sản trong gia đình cho con.
Các bạn thấy đó, cha mẹ lo cho con không chỉ đến lúc trưởng thành là xong việc, mà còn chuẩn bị cho cả cuộc sống của con về sau, chắt chiu dành dụm tài sản để lại cho con, trong khi bản thân mình thì chẳng bao giờ dám tiêu xài hoang phí. Hiểu được như vậy rồi, làm sao các bạn còn có thể sử dụng tiền bạc của cha mẹ vào những việc ăn chơi vô ích nữa, phải không?

“Lễ lạy phương nam là có ý nghĩa người học trò phụng sự thầy phải nhớ 5 điều. Một là giữ lòng cung kính, sợ sệt. Hai là y theo lời thầy dạy bảo. Ba là có những việc giặt giũ, sửa sang phải gắng sức làm. Bốn là chuyên cần học hỏi không chán nản. Năm là sau khi thầy qua đời phải giữ lòng kính ngưỡng, nhớ tưởng, ngợi khen những đức độ của thầy, nhất thiết không được luận bàn đến những điều sai trái, lầm lỗi trước đây của thầy.
“Thầy dạy đệ tử cũng có 5 điều. Một là hết lòng dạy bảo không mỏi mệt, khiến cho học trò mau được hiểu biết. Hai là mong muốn học trò của mình vượt hơn học trò người khác. Ba là muốn cho học trò không quên những kiến thức đã học. Bốn là khi học trò có những chỗ khó khăn, không hiểu, phải tận tình giảng rõ. Năm là mong muốn dạy dỗ sao cho học trò có được trí tuệ vượt hơn cả thầy.
“Lễ lạy phương tây là có ý nghĩa người vợ đối với chồng phải nhớ 5 điều. Một là khi chồng từ bên ngoài đi vào phải đứng lên chào đón. Hai là khi chồng vắng nhà phải lo việc bếp núc, quét dọn, giữ lòng kính trọng mà chờ đợi. Ba là không được khởi lòng dâm dục với người ngoài, phải giữ chặt cửa khuê phòng. Bốn là khi chồng có nặng lời, không được tùy tiện đối đáp, lộ vẻ giận tức; chồng có dạy răn điều gì phải cung kính nghe theo; có sở hữu món gì cũng không được cất giấu để dùng riêng. Năm là phải đợi chồng nghỉ ngơi trước, tự mình xem xét cẩn thận việc nhà rồi mới đi nghỉ sau.
“Chồng đối với vợ cũng có 5 điều. Một là mỗi khi ra vào đều giữ lòng tương kính. Hai là việc ăn uống có giờ giấc thích hợp, không để vợ phải khó nhọc, buồn bực. Ba là khi vợ muốn mua sắm quần áo, đồ trang sức... chớ nên trái ý; nhà giàu có thì sắm đủ, nghèo khó thì tùy sức. Bốn là giao phó tài sản trong nhà cho vợ coi sóc, gìn giữ. Năm là không được dan díu tư tình với người khác, khiến vợ phải sanh lòng nghi ngờ.
“Lễ lạy phương bắc là có ý nghĩa trong sự giao tiếp cư xử với thân thuộc, bạn bè, đôi bên đều phải nhớ 5 việc. Một là khi có người làm việc xấu ác, lỗi lầm, những người khác phải thay nhau khuyên bảo, can gián, ngăn chặn. Hai là khi có người gặp tai nạn rủi ro, ốm đau tật bệnh, những người khác phải quan tâm chia sẻ giúp đỡ, chữa trị bệnh tật. Ba là khi một ai đó có lời nói riêng trong nhà, những người khác không được mang ra nói với người ngoài. Bốn là phải giữ lòng kính trọng, ngợi khen điều tốt của nhau; duy trì quan hệ tới lui thăm viếng; nếu như có lúc đụng chạm, xung đột nhau cũng không được sanh lòng buồn giận, oán hờn. Năm là trong quan hệ có sự khác biệt giàu nghèo chẳng giống nhau, nên giúp đỡ, hỗ trợ, cứu vớt lẫn nhau; khi có món ngon vật quý nên chia sẻ cho nhau.
“Lễ lạy phương dưới là có ý nghĩa người chủ đối với những kẻ giúp việc phải biết 5 điều. Một là trước hết phải lưu tâm đến các nhu cầu đói no, lạnh nóng của họ, rồi sau mới sai khiến công việc. Hai là khi họ có bệnh phải lo mời thầy thuốc chữa trị. Ba là không được dùng đến đòn roi, đánh đập một cách sai lầm, cần phải tra xét sự việc rõ ràng rồi sau mới trách phạt. Việc có thể tha thứ thì nên tha thứ; không thể tha được mới phải trách phạt để dạy dỗ. Bốn là khi họ có đôi chút tiền riêng không được tìm cách đoạt lấy. Năm là khi cung cấp, phân chia món gì cho họ đều phải công bằng, bình đẳng như nhau, không được có ý thiên vị.
“Người giúp việc đối với chủ cũng có 5 việc. Một là phải lo dậy sớm, không đợi chủ gọi. Hai là phải biết những việc nên làm thì tự lưu tâm làm, không để nhọc lòng chủ sai khiến. Ba là phải biết thương tiếc quý trọng tài sản của chủ, không được coi rẻ mà vất bỏ, làm hư hỏng. Bốn là mỗi khi chủ nhà có việc ra vào, phải lưu tâm đưa đón. Năm là chỉ nên ngợi khen những điểm tốt đẹp của chủ, không được bàn nói những việc xấu lỗi.
“Lễ lạy phương trên là có ý nghĩa người cúng dường các bậc sa-môn, thiện tri thức phải nhớ 5 điều. Một là phải dùng tâm chân thật hướng về. Hai là phải cung kính làm việc phụng sự, không cho là khó nhọc. Ba là phải thường nhiều lần thưa hỏi đạo lý. Bốn là phải lắng nghe, suy ngẫm rồi tu tập làm theo. Năm là phải thưa hỏi rõ về tông chỉ của việc niệm Phật, tham thiền, ngày đêm chuyên cần tu tập.
“Hàng sa-môn, thiện tri thức khi chỉ bày cho người cũng phải nhớ 5 điều. Một là dạy người tu tập các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, định tâm,trí huệ. Hai là dạy người những điều thuộc về oai nghi, lễ tiết, không để buông thả, phóng túng. Ba là dạy người giữ cho lời nói với việc làm luôn tương xứng, hoặc thà nói ít làm nhiều chứ không được nói nhiều làm ít. Bốn là dạy người chuyên cần lễ bái Tam bảo, khởi lòng thương xót hết thảy mọi loài chúng sanh. Năm là dạy người hồi hướng công đức, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, chứng đắc đạo Bồ-đề rồi sẽ trở lại hóa độ chúng sanh.
“Làm theo đúng như những điều trên gọi là cung kính vâng theo lời cha lễ lạy sáu phương. Nếu không làm được như vậy, dù lễ lạy cũng là vô ích.”
Bấy giờ, Thi-ca-la-việtliền xin thọ trì Năm giới, ân cần lễ bái Phật.
Đức Phật liền nói kệ tóm lại rằng:
Gà gáy sớm thức dậy,

Mặc áo, bước xuống giường,

Rửa mặt, súc miệng sạch,

Hai tay dâng hương hoa.

Khêu đèn, thay nước sạch

Cúng dường Phật, Pháp, Tăng.

Chắp tay cung kính lễ,

Phát nguyện đền Bốn ơn.

Sáu pháp ba-la-mật,

Thảy thảy đều tu học.

Bố thí trừ tham lam,

Trì giới không hủy phạm,

Nhẫn nhục hết nóng giận,

Tinh tấn khỏi mê trầm,

Định tâm không tán loạn,

Trí huệ dứt ngu si.

Ngày tháng chẳng đợi người,

Chuyên cần không lười nhác.

Khổ sanh, già bệnh, chết,

Mạng người nào được lâu!

Huống chi lúc lâm chung,

Thân thuộc không thể giúp,

Lại không nơi trốn tránh,

Không thuốc nào cứu được.

Phước trời còn phải hết,

Phước người được bao lâu?

Cha mẹ cùng vợ, con...

Như khách cùng quán trọ,

Cùng ngủ nghỉ qua đêm,

Sáng ra, người một nẻo.

Vô thường cũng như vậy,

Sớm lo hướng cõi Phật.

Huống chi trong sáu đường,

Luân hồi không tạm nghỉ.

Nay may được làm người,

Lại nghe pháp sâu mầu.

Tự tu, dạy người tu,

Ta, người đều lợi ích.

Ba-la-mật là thuyền,

Vượt qua biển sanh tử.

Cực Lạc A-di-đà,

Nguyện lực khó nghĩ bàn.

Dẫn bước lên thềm vàng,

Được thọ ký quả Phật.

Bốn chúng vâng làm theo,

Cầu sanh về Cực Lạc.

Con trai Thi-la-việt,

Nghe Phật thuyết pháp rồi,

Lòng hân hoan phấn khởi,

Lễ bái tin nhận lời.

Các bạn thân mến! Qua hai câu chuyện ngắn ngủi vừa được nghe, có lẽ các bạn cũng đã phần nào hiểu ra được phải làm những gì, phải sống như thế nào để có thể báo đáp công ơn cha mẹ. Chúng tôi rất mong rằng tất cả các bạn đều sẽ trở nên những người con hiếu thảo, những người công dân tốt của xã hội chúng ta. Mong rằng sẽ được gặp lại các bạn trong những câu chuyện kể khác.

Thân ái chào tạm biệt!

Thành Vương Xá, tên Phạn ngữ là Rjagṛha, dịch âm là La-duyệt.

Núi Kê Túc (Kê Túc sơn), tên Phạn ngữ là Kukkuṭapada, dịch âm là Khuất-khuất-trá-bá-đà. Núi này thuộc địa phận nước Ma-kiệt-đà (Magadha), cũng có tên là núi Gurupada (Cũ-lô-bá-đà, dịch nghĩa là Tôn Túc, là nơi Tôn giả Ca-diếp từng nhập định.

Thi-ca-la-việt, phiên âm từ Phạn ngữ là Sỵṅglaka, dịch nghĩa là Thiện Sanh.

Về pháp thứ năm trong sáu ba-la-mật, hầu hết các kinh điển được dịch về sau đều dịch là “thiền định”. Riêng ở đây ta thấy dịch là “định tâm”, còn trong bản dịch của ngài An Thế Cao là “nhất tâm”. Chúng tôi thấy những cách dịch này có vẻ thích hợp hơn trong bối cảnh chung của sáu phẩm chất đang được đề cập. Cách dịch là thiền định dường như do ảnh hưởng sự phát triển mạnh của Thiền tông trong giai đoạn sau này.

Bốn ơn (Tứ ân, hay Tứ trọng ân): là bốn công ơn mà tất cả mọi người đều nhận chịu và phải hết lòng báo đáp, gồm có: 1. Ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục; 2. Ơn chúng sinh, hay ơn xã hội, tạo mọi điều kiện cho mình sinh sống; 3. Ơn đất nước, giữ cho mình được yên ổn làm ăn sinh sống; 4. Ơn Tam bảo, chỉ dạy điều lành và chân lý để mình tu tập đạt đến giải thoát.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]