Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Thiền sư Achaan Buddhadasa

25/04/201319:45(Xem: 3133)
Chương 7: Thiền sư Achaan Buddhadasa


Những vị Thiền sư đương thời

Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt

Sài Gòn, 1999

---o0o---

Chương VII

Thiền sư Achaan Buddhadasa

---o0o---

Có lẽ ngài Achaan Buddhadàsa là một vị pháp sư nổi tiếng tại Thái Lan đương thời. Hơn nữa ngài là một học giả vĩ đại theo truyền thống kinh điển của Phật giáo, ngài đã học nhiều lãnh vực khác nhau. Ngài đã viết nhiều sách thiền bằng tiếng Anh và tiếng Thái, giáo lý có so sánh và áp dụng chánh pháp cho đời sống hàng ngày. Trong một bài kinh bao quát, Anàpanasati - nhập tức xuất niệm - thiền sư Buddhadasa trình bày tỉ mỉ phương pháp thực hành hơi thở chánh niệm đều đặn từ giai đoạn ban đầu cho đến sự giác ngộ cuối cùng. Mặc dù đây là phương pháp chủ yếu cho sự tu tập riêng của ngài, nhưng lúc nào ngài cũng thiên về những điều này hơn để hướng dẫn theo một lối tu tập rất cởi mở, sử dụng pháp thiền như là một phương tiện để tiếp cận mỗi sinh hoạt trong đời sống. Ngài là bậc thầy chung cho tất cả. Người nhấn mạnh rằng trái tim hay chân lý của các tôn giáo thì giống nhau, tự do vay mượn các hình ảnh và các phương pháp của lời dạy từ tất cả các truyền thống khác nhau. Nhờ đa pháp môn của ngài và những lời dạy đơn giản cao quý, thiền sư Buddhadàsa đã trở nên có một tiếng nói lãnh đạo ở Phật giáo Thái Lan, từ nghi lễ đơn giản cho đến một sự hiểu biết là làm thế nào cho sự an lạc phát sinh từ lòng không cố chấp.

Ði vào chùa Suan Moke (vườn hoa giác ngộ), ta sẽ bắt gặp một pháp môn thiền giống như cảm giác an lạc và hài hòa với thiên nhiên. Suan Moke là một ngôi chùa thiền dành cho một số chư ni và ba mươi đến năm mươi chư tăng trú ngụ cùng với một trung tâm dành cho những du khách cư sĩ. Từ đầu đến cuối, nó được bao bọc bởi một vẻ đẹp hào phóng, có ao hồ tĩnh mịch và đất rừng của miền Nam nước Thái, lăn mình theo đồi núi với những cốc liêu rải rác khắp nơi. Thiền sư Achaan Buddhadàsa đã xây dựng một "Viện Bảo tàng" lớn, viện này dành để trưng bày Phật pháp nhờ nghệ thuật tranh ảnh và nghệ thuật điêu khắc từ những nước Phật giáo khác nhau và cũng như từ những tôn giáo khác nữa. Một số những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhứt ở viện bảo tàng là do một người phương Tây thực hiện, theo truyền thống của người Nhật Bản và sau đó ông đã qua đời trong khi ông hành thiền trong một hang động trên bờ biển của miền nam nước Thái. Người ta tìm thấy trong những bức tường hang động và cuốn sổ ghi chép của ngài, có nhiều bức tranh thanh tú và những lời ghi chú nói lên niềm vui giải thoát.

Ði đến sống với thiền sư Buddhadàsa, người ta sẽ được tự do để thực tập nhiều pháp môn khác nhau. Người ta có thể ngồi một mình và theo dõi hơi thở chánh niệm đều đặn như là tu tập bình thường có tập trung, hay học tập kinh điển dưới sự hướng dẫn của ngài. Hầu hết chư tăng và chư ni sống ở Suan Moke tu tập một phương pháp thiền trong khi làm việc ở những công trình khác nhau xung quanh tu viện. Ðây là mục tiêu chính theo lời dạy của thiền sư Buddhadàsa - phương pháp thiền tự nhiên - được thực hiện qua những hoạt động hàng ngày. Mặc dù thiền sư Buddhadàsa không phản đối những phương pháp thiền tích cực do những vị thiền sư của Phật giáo nguyên thủy cổ xúy, có thể dẫn đến tuệ giác và giác ngộ, ngài cảnh giác chúng ta về những nguy hiểm của sự chấp thủ với bất cứ phương pháp tu tập theo nghi thức nào hoặc bất cứ trạng thái đặc biệt nào của tâm.

Trong việc cổ xúy một phương pháp phát huy tự nhiên của tuệ giác, ngài Buddhadàsa không tự cho mình là một thiền sư, ngài hướng dẫn cho kẻ khác tu tập như là một người bạn tốt, người đem lại một lối sống thích hợp và một vài lời khuyên hay về một phương pháp, giúp cho việc phát triển tự nhiên của tuệ giác. Một phần lớn phương pháp tự nhiên của ngài là cổ vũ mọi người thấy rõ bất cứ sự ham muốn nào đều dẫn đến sự đau khổ. Thiền mang lại sự đoạn trừ tà kiến. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ nhận thấy được sự vô ích trong việc tìm kiếm hạnh phúc cá nhân, trong một thế giới thường xuyên thay đổi ở xung quanh chúng ta và nhận chân được sự an lạc của tâm mà không cần phải nỗ lực tìm kiếm. Con đường tự nhiên rộng mở này của giới, tâm thanh tịnh và hỉ xả là phương pháp của ngài, giúp tiếp cận với giáo pháp. Nó rất trong sáng, giản dị và không huyền hoặc, dẫn đến sự an vui của trí tuệ và chấm dứt khổ đau.

Ngài Buddhadàsa nói tiếng Anh rất giỏi và có nhiều đệ tử người phương Tây theo học với thiền sư. Ngài nhận được nhiều sự viếng thăm của du khách. Ngài bao dung và độ lượng. Ðể tìm hiểu thêm về thiền sư Buddhadàsa chúng ta có thể tìm đọc quyển "Con đường đến chân lý" (Toward The Truth), một cuốn sách do Donald Swearer biên soạn và nhà xuất bản Westminster Press phát hành.


Phương pháp tự nhiên để phát huy Tuệ giác

do Thiền sư Achaan Buddhadàsa giảng

Trong cuộc thảo luận này, chúng ta sẽ tìm hiểu làm cách nào để đi đến sự tập trung một cách tự nhiên và một mặt khác nữa đạt được kết quả của sự tu tập có hệ thống. Kết quả cuối cùng là sự giống nhau ở cả hai trường hợp: tâm được tập trung và thích hợp để thực hiện sự tỉnh tâm sâu sắc. Tuy nhiên có một điều chúng ta cần phải lưu ý: sự tập trung cao độ thì cần thiết và thích hợp cho việc tỉnh tâm và tuệ giác, trong lúc đó sự tập trung đạt được từ một sự tu tập có hệ thống thì thường thường quá độ, hơn là tu tập theo phương pháp tự nhiên. Hơn thế nữa sự tập trung cao độ có thể dẫn đến một sự thỏa mãn sai lầm. Trong khi tâm được tập trung quá mức nó có thể xảy ra sự cảm nhận một thứ hạnh phúc giống như trên và hành giả có thể bị dính mắc vào nó, hoặc tưởng tượng nó là kết quả của con đường đạt được quả vị Níp-bàn. Sựĩ tập trung xảy ra tự nhiên, thì vừa đủ và thích hợp cho việc tỉnh tâm, không nguy hại, không gặp phải những bất lợi thường xuyên xảy ra trong việc tu tập bằng những phương pháp tu tích cực.

Trong kinh điển, có vô số điều để tham khảo giúp người ta đạt được những giai đoạn giác ngộ một cách tự nhiên. Ðiều này đã thường xuyên xảy ra trong thời Phật còn tại thế, nhưng nó cũng xảy ra với các vị thầy khác sau này. Những người này không đi vào trong rừng ngồi để tu tập, mà thực hành tập trung tinh tấn trên những đề mục nào đó, hình thức này được mô tả trong những lời hướng dẫn sau đây.

Rõ ràng rằng khi năm vị đệ tử đầu tiên của đức Phật nghe thời pháp về vô ngã hoặc hàng ngàn vị đạo sĩ nghe bài pháp về lửa đã đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn mà không ai liên quan đến sự nỗ lực có chuẩn bị. Trong những trường hợp này, sự thể nhập tuệ giác sâu sắc đã diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Những ví dụ điển hình này cho thấy rõ ràng rằng sự tập trung tự nhiên thì có thể phát huy một cách tự nhiên trong lúc một người cố tìm hiểu rõ ràng một vài vấn đề, và tuệ giác có được hết sức sâu sắc và vững chải miễn là nó được thiết lập kiên cố. Nó xảy ra một cách tự nhiên, tự động, và giống như tâm được tập trung ngay khi chúng ta sắp sửa làm bài toán. Giống như khi bắn súng, chúng ta nhắm mục tiêu, tâm tự động tập trung và vững vàng. Ðây là sự tập trung xảy ra một cách tự nhiên là thế đó. Thông thường chúng ta theo dõi nó một cách cẩn trọng bởi vì nó không xuất hiện một cách huyền hoặc, kỳ diệu hoặc kinh hoàng. Nhưng qua sức mạnh của sự tập trung một cách tự nhiên như thế này, trên thực tế, hầu hết mọi người chúng ta có thể đạt được sự giải thoát. Chúng ta có thể đạt được quả giải thoát, Níp-bàn, và sự giác ngộ hoàn toàn, chỉ bằng những phương pháp tập trung tự nhiên.

Tuy nhiên chúng ta đừng quá quan tâm đến sự tập trung xảy ra một cách tự nhiên này. Nó là một điều gì đó mà hầu hết chúng ta đã có sẳn hoặc phát huy một cách dễ dàng. Chúng ta có thể sử dụng nó như hầu hết những người xưa đã thành công trong việc đi đến giác ngộ , trong lúc đó họ hoàn toàn không biết gì những kĩ thuật tập trung hiện đại.

Bây giờ chúng ta cần có một cái nhìn về bản chất của những giai đoạn nhận thức của nội tâm dẫn đến tuệ giác đầy đủ của "thân", đó là đi vào năm uẩn. Giai đoạn đầu là hỉ lạc. Làm một vài điều tốt nào đó, ngay cả việc bố thí (được xem là hình thức cơ bản nhứt của việc tạo phước thiện),có thể là một nguồn vui. Cao hơn nữa là giới hạnh, mang lại nguồn vui cao quý hơn. Vượt xa hơn giới hạnh là niềm vui của định. Chúng ta khám phá ra rằng có những sự thỏa thích kỳ diệu hơn, đi liền theo với những giai đoạn thấp nhứt của sự tập trung.

Khi hỉ lạc được phát huy, nó có một năng lực để dẫn đến sự an tịnh. Thông thường tâm luôn luôn bị dao động, liên tục bị các ý tưởng khống chế và những tình cảm bị lôi cuốn bởi những điều quyến rũ bên ngoài. Nó thường dao động, không yên ổn. Nhưng khi hỉ lạc trở nên vững chắc an lạc và kiên cố, sẽ liên kết để gia tăng sự cân xứng. Khi người ta có một sự quyết tâm hoàn toàn thì sẽ đạt được sự tập trung đầy đủ. Tâm người ấy trở nên vắng lặng, vững chắc, dễ điều khiển, dễ sử dụng, sáng sủa và thoải mái. Bây giờ nó sẵn sàng sử dụng cho bất cứ mục đích hoặc ước muốn nào, đặc biệt là cho việc loại trừ những phiền não.

Sự phát sanh hỉ lạc và an tịnh này không có được với người có tâm nghiêm khắc và lạnh lùng như đá. Thân tâm phải bình thường, đặc biệt là tâm phải an tịnh và thích nghi, vào việc suy niệm và tỉnh tâm. Tâm phải hoàn toàn trong sạch, mát mẻ, tĩnh lặng và không dao động. Nói một cách khác, nó phải phù hợp với công việc, sẵn sàng để nhận biết. Ðây là mức độ cần được đặt mục tiêu, đừng có tập trung quá độ chai cứng như tượng đá, hoàn toàn thiếu đi sự nhận thức. Ngồi tập trung quá độ như thế, người ấy không thể khám phá được bất cứ điều gì. Một tâm tập trung quá độ không thể thực hành được sự an tỉnh chút nào. Nó ở trong trạng thái không nhận thức và không sử dụng để phát huy tuệ giác được. Sự tập trung quá độ là một trở ngại lớn cho việc tu tập thiền quán. Ðể tu tập cho tâm an tỉnh, trước tiên người ta phải trở về ở những mức độ tập trung thấp nhứt; rồi dần dần dùng năng lực của tâm để đạt đến sự tập trung cao hơn. Thay vì tập trung quá mức, chúng ta nhắm vào một tâm vững chắc và an tịnh, một người quen thuộc với công việc như thế khi áp dụng vào việc tu tập thiền quán, người ấy có được chánh kiến đối với tất cả chúng sinh. Tuệ giác được phát huy như thế là một tuệ giác tự nhiên, nó giống như những người đạt được tuệ giác trong lúc ngồi nghe pháp của đức Phật. Nó dẫn đến ý tưởng và sự tỉnh tâm chơn chánh, sự chơn chánh đó mang lại sự hiểu biết. Và nó cũng không liên hệ đến những nghi thức hoặc những điều kỳ lạ.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tuệ giác sẽ phát sanh ngay lập tức. Người ta không có thể đạt được sự giác ngộ đầy đủ ngay lập tức. Tuệ đầu tiên có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, nhưng tùy thuộc cả sức mạnh tập trung và nó được áp dụng như thế nào. Nhờ tập trung, nhận biết trong sáng, những gì tuệ giác phát sinh hành giả kinh nghiệm qua khá ly kỳ, sâu sắc. Nếu tuệ đã tu tập thì đó là chánh tuệ, nó phù hợp với kinh nghiệm trực tiếp với thực tại, và khi thực hành sâu sắc hơn nó sẽ tiến bộ nữa, chủ yếu là phát huy chánh kiến về mọi hiện tượng. Dù là tuệ giác tu tập ở một mức độ thấp, nhưng nó có thể hoán chuyển một người thành bậc thánh ở giai đoạn thấp nhứt; hoặc là, nếu nó không có khả năng làm như vậy, thì nó có khả năng xây dựng người ấy có tâm hồn cao thượng, phẩm chất đạo đức tốt. Nếu hoàn cảnh thuận lợi và các đặc tính thích đáng của tâm đã được thiết lập đầy đủ, hành giả sẽ giác ngộ hoàn toàn. Tất cả đều tùy thuộc vào những hoàn cảnh. Tuy nhiên, xa hơn nữa, miễn là tâm có sự tập trung tự nhiên, yếu tố này gọi là tuệ giác phát sanh và tương ưng nhiều hay ít gần gũi với thực tại. Nếu chúng ta là những hành giả biết lắng nghe, suy gẫm và học tập về thế giới, thân và tâm, hoặc năm uẩn một cách thành thật, thì hy vọng chúng ta sẽ hiểu rõ bản chất thật của chúng, từ đó suy ra tuệ giác chúng ta đạt được trong trạng thái an tịnh và tập trung sẽ không bị lầm lạc. Ðiều đó được thừa nhận là luôn luôn có hữu ích.

Sự biểu hiện "Tuệ giác vào bản chất thật của các sự vật" liên quan với sự nhận biết về vô thường, khổ não, vô ngã, thấy rằng không có cái gì trên đời này xứng đáng và tồn tại lâu dài, nhận biết rằng không có bất cứ sự vật gì mà người ta phải dính mắc và cố chấp vào như là một bản ngã hay là thuộc về cái tôi hay là thiện ác, hấp dẫn hay ghê sợ. Thích hoặc không thích bất cứ điều gì, thậm chí nó chỉ là một ý tưởng hay một nỗi nhớ, là một điều dính mắc. Ðể nói rằng chẳng có cái gì đáng giá cả hoặc hiện hữu cũng giống như người ta nói rằng chẳng có cái gì để chấp thủ cả. "Sở hữu" đề cập đến tài sản địa vị, giàu sang hoặc bất cứ điều gì mà con người thỏa thích. "Hiện hữu" đề cập đến sự chấp thủ về nhận thức bản ngã của con người, dính mắc vào chỗ tình trạng vợ chồng, giàu nghèo, được thua hoặc con người, hoặc thậâm chí bản ngã hiện hữu. Nếu ta nhìn sâu sắc về sự việc này, thậm chí ngay cả bản thân thì chẳng có gì vui vẻ, mà chỉ là một điều buồn chán, bởi vì khi muốn đạt được cái gì đó chính là nguyên nhân của đau khổ.

Nếu một người hoàn toàn có thể từ bỏ mọi chấp thủ về ý niệm bản thân, bất cứ bản ngã nào, thì người ấy sẽ không còn đau khổ nữa. Ðây là điều để nhận biết rằng hiện hữu chẳng có gì đáng giá cả và thực chất của lời nói đó là chẳng có gì tồn tại, chẳng có gì quan trọng, bị trói buộc là điều đau khổ ở một khía cạnh nào đó phù hợp với tình trạng hiện hữu đó. Khi còn tồn tại bản ngã, thì có nhiều điều bị trói buộc hơn chính bản ngã nữa và người ta phải phụ thuộc vào nó. Như vậy khi một người có con, có vợ, có cái này, cái nọ và những thứ khác. Rồi người ấy phải có bổn phận làm chồng hoặc làm vợ, chủ hoặc tớ và . . .không có những tình trạng hiện hữu như thế để bảo vệ thì sẽ không có sự dấn thân tranh đấu. Sự phiền toái và đấu tranh để duy trì sự sống chỉ là kết quả của sự mù quáng với những điều trên.

Nếu chúng ta buông xuôi mọi việc, thì làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục tồn tại? Ðây là nguyên nhân chính bị trói buộc bởi chủ nghĩa hoài nghi cho bất cứ ai không có suy nghĩ vấn đề sâu sắc. Những từ ''sở hưũ'' và ''hiện hữu'' được dựa trên tâm phiền não, ái dục, ý tưởng về ''sự việc xứng đáng sống'', ''xứng đáng sở hữu'', khơi gợi tâm để ''ham muốn'' và ''hiện hưũ'' trong sự thành đạt thật sự trong tương lai. Ðiều này bị trói buộc để dẫn đến sự buồn bã, lo âu, chán nản, bực bội hoặc ít nhứt dẫn đến sự lo nghĩ trong tâm. Biết được chân lí này, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, theo dõi tâm để biết rằng nó không làm nô lệ cho ''sở hữu và hiện hữu'' do bởi ảnh hưởng của sự chấp thủ. Chúng ta phải đủ thông minh để tránh xa những ảnh hưởng bất thiện này.

Tuy vậy, nếu chúng ta chưa có lập trường để từ bỏ hoàn toàn ý tưởng hiện hữu, chúng ta phải chánh niệm và tỉnh giác, để khi chúng ta đạt được điều gì khi chúng ta từ bỏ nó mà không bị dính mắc, và không bị khó chịu.

Con người và vạn vật luôn có đặc tính vô thường, khổ não, vô ngã. Bất cứ ai khi bị dính mắc vào bất cứ điều gì sẽ bị điều đó làm đau đớn - ngay lúc ban đầu khi người đó ham muốn đạt được nó hoặc thành tựu nó. Trong quá trình muốn đạt được điều mơ ước hoặc muốn thành tựu điều mơ ước, và sau đó người ấy đạt được điều mơ ước hoặc thành tựu ước nguyện. Tất cả mọi lúc, trước đó, trong khi và sau đó nếu ai bị dính mắc, người ấy sẽ bị sự dính mắc này trói buộc như sợi dây xích và nhận lấy vô số khổ đau, những gì anh ta dính mắc sẽ đưa đến cái chết. Thậm chí điều đó giống như việc thiện, mà mọi người đánh giá cao về nó. Nếu bất cứ ai làm điều thiện mà còn dính mắc và chấp thủ, người ấy sẽ nhận nhiều đau khổ như là anh ta làm điều xấu. Khi làm điều tốt, chúng ta phải ghi nhớ điều này trong tâm và hãy cẩn thận để thực hiện ngay cả những hành động tốt để không bị dính mắc vào.

Một người theo chủ nghĩa hoài nghi có thể hỏi: "Nếu không có gì xứng đáng để đạt được thì có ai muốn làm hoặc xây dựng sự giàu sang, địa vị và tài sản". Bất cứ ai hiểu biết được điều này, đều nhận thấy rằng một người có chánh kiến và trí tuệ, thì hiển nhiên có một lập trường tốt đẹp hơn để thực hiện những công việc cần được làm trong thế giới này hơn là những người ngu si và thiếu hiểu biết chỉ ham muốn những tham vọng tầm thường. Chúng ta hẳn nhiên phải làm việc và hoạt động trong thế giới này, nhưng để khỏi dính mắc vào những vấn đề như vậy chúng ta phải thực hiện công việc hết sức chánh niệm, những hành động chúng ta không bị kích động bởi tham dục. Và rồi chúng ta có thể để kết quả công việc của chúng ta được trôi chảy ra khỏi thế giới nội tâm một cách tự nhiên và thanh thản. Ðức Phật và các vị đại đệ tử đã hoàn toàn thoát khỏi sự ham muốn, tuy vậy vẫn tiếp tục làm nhiều công việc hữu ích hơn bất cứ ai trong chúng ta. Nếu chúng ta xem kỷ những công việc mà đức Phật đã làm một ngày như thế nào, chúng ta nhận thấy rằng ngài chỉ ngủ bốn giờ và dành toàn bộ thời gian còn lại cho công việc. Chúng ta dành nhiều hơn bốn giờ trong một ngày chỉ để vui chơi.

Nếu những phiền não vì tham dục cần phải đoạn trừ hoàn toàn thì những sức mạnh nào đã thúc đẩy đức Phật và các đệ tử của ngài? Chính trí tuệ đi cùng với lòng từ bi. Thậm chí những hành động dựa trên những bản chất tham muốn tự nhiên chẳng hạn như nhận và ăn những thức ăn để bát, đã được thực hiện bởi trí tuệ. Chư vị thoát khỏi phiền não, ham muốn để tiếp tục sống để đạt được điều này hoặc điều nọ; nhưng chư vị có khả năng để phân biệt giữa những gì xứng đáng và những gì không xứng đáng là động lực thúc đẩy thân chư vị đi ra ngoài tìm thực phẩm? Nếu chư vị tìm thấy thực phẩm, thì tốt thôi, còn nếu không thì chẳng bận tâm. Khi chư vị bị cơn sốt hành hạ, chư vị biết cách chế ngự nó và việc làm như thế cũng có thể dựa trên căn bản sự hiểu biết này. Nhưng nếu cơn sốt quá mạnh, chư vị nghĩ rằng chết là một điều tự nhiên và lúc đó thân không còn kiểm soát được. Dù chết hoặc sống điều đó không quan trọng với họ. Trong cách nhìn của họ hai sự kiện này đều có giá trị tương đương. Chư vị không còn ham muốn nữa.

Nếu một người hoàn toàn thoát khỏi đau khổ, đây là quan điểm tốt nhứt mà họ đã đạt được. Không cần có suy nghĩ gì về bản ngã là người chủ của bản thân; chỉ có trí tuệ mới có thể giúp thân xác tiếp tục nhiệm vụ theo sức mạnh tự nhiên của nó. Chính trí tuệ này đã giúp cho thân và tâm được thanh thản để tiếp tục nhận thấy rõ mà không bị dính mắc hoặc ham muốn. Hình tượng của đức Phật cho thấy rằng sức mạnh của trí tuệ trong sạch và thiện ý sẽ đủ để tiếp tục làm một người thoát khỏi ham muốn sống trong thế giới và làm được những điều tốt đẹp hơn những người vẫn còn lòng ham muốn. Những người bất thiện thì làm những gì có lợi cho họ bởi vì họ hành động theo sự ích kỷ. Ngược lại hành động của những vị giác ngộ thì hoàn toàn vô tư và thật trong sạch.

Khi một người phàm tục nghe rằng, chẳng có gì xứng đáng để đạt được hoặc thành tựu, nếu người ấy không được thuyết phục thì người ấy sẽ không tin. Nhưng khi một người hiểu đúng ý nghĩa của câu nói người ấy, sẽ cổ vũ và tin theo. Tâm người ấy làm chủ các vấn đề và không bị chúng ràng buộc. Người ấy có khả năng thực hiện bất cứ công việc nào một cách chắc chắn bằng sự hiểu biết rằng anh ta không làm nô lệ cho nó. Lý do một người thường không thực hiện công việc của mình một cách hoàn hảo, đó là anh ta luôn luôn quá quan tâm để đạt một điều gì, và thành tựu được cái gì, những vấn đề này luôn luôn bị thúc đẩy bởi lòng ham muốn của anh ta. Do vậy anh ta không làm chủ được bản thân, và không thể tốt hoàn toàn, trung thực và công bằng. Trong mọi trường hợp bị thất bại hoặc đổ vỡ, nguyên nhân chính là sự nô lệ.

Ðể đi đến sự hiểu biết bản chất thực sự của vạn vật là mục đích chân chánh của người Phật tử. Ðây là phương tiện giúp chúng ta có thể tự giải thoát. Chúng ta không đặt hy vọng về những lợi ích tầm thường giàu có, địa vị và danh tiếng - hoặc lợi ích cho kiếp sau chẳng hạn như cõi trời hoặc lợi ích Níp-bàn - đạo quả giải thoát - điều duy nhứt để đạt được nó là chánh kiến và tuệ giác. Chúng ta nỗ lực tu tập thiền quán. Ở một số sách khác, người ta nói rằng chúng ta chỉ thanh lọc tâm qua phương pháp thiền quán ngoài ra không còn có phương pháp nào khác. Con đường đi đến giải thoát của ta nằm trong thiền quán, nhận thức rõ ràng, chẳng có điều gì có giá trị trong thế giới này. Chúng ta có mọi thứ và những thứ đó chỉ là những tên gọi tầm thường, tục đế. Thông thường chúng ta nói mình là thế này, thế nọ hoặc như vầy, bởi vì trong bất cứ xã hội nào, đó là điều thiết thực để chứng minh danh tánh và nghề nghiệp. Nhưng chúng ta đừng tin rằng chúng ta thực sự thế này thế nọ; nó được gán vào theo mức độ tục đế. Làm như vậy là cư xử giống như con dế, khi mặt chúng phủ đầy bụi, mất phương hướng và rối trí, đá lẫn nhau cho đến khi chết.

Chúng ta là con người khi mặt chúng ta phủ đầy bụi, khi chúng ta chỉ hướng đến những điều ham muốn và si mê, trở nên hoang mang và mất phương hướng, đến nỗi chúng ta hành động khác đi, đối với những gì chúng ta muốn. Vì vậy chúng ta đừng chấp thủ mù quáng với tục đế vì đó là điều cơ bản cho một sự giao dịch trong một xã hội chứ không là gì cả. Chúng ta phải nhận biết thân tâm thực sự là gì, bản chất thực sự là gì. Ðặc biệt chúng ta nhận thức về sự vô thường, khổ não, vô ngã của nó, và chúng ta phải luôn luôn chắc rằng mình không chấp thủ vào nó.

Ðối với sự giàu sang, địa vị và v. v. .mà chúng ta cảm thấy không thể làm thì không được, vậy chúng ta hãy xem nó như là điều tục đế để chúng ta thoát khỏi những lời nói tầm thường, "Cái này là như thế này. Cái này là như thế kia". Luật pháp sẽ bảo đảm quyền sở hữu của chúng ta; chúng ta không cần phải dính mắc vào ý tưởng của "tôi". Chúng ta phải có mọi thứ một cách trong sạch và giản dị vì sự tiện nghi và thoải mái, chúng ta có thể làm chủ tâm của mình. Khi chúng ta có sự hiểu biết rõ ràng này, mọi vật sẽ là những người phục vụ và những người nô lệ cho chúng ta và chúng ta sử dụng nó hơn là nó sử dụng chúng ta. Nếu tư tưởng của chúng ta theo con đường chấp thủ, chúng ta sẽ mang ý tưởng có cái này có cái kia, bám víu sâu xa vào những ý tưởng này, thì vật chất sẽ sai sử ta. Chúng ta dành quảng đời của ta để cố gắng đạt được những thứ đó và lo sợ việc mất mát tư hữu, danh vọng, giàu sang hoặc bất cứ điều gì, và chúng ta sẽ làm đầy tớ và nô lệ cho chúng, dưới sự kiểm soát của chúng. Cái bàn có thể dời đổi theo cách này hoặc cách khác, nhưng chúng ta phải cẩn thận. Chúng ta phải sắp xếp mọi việc có phương pháp để chúng ta tin chắc là giữ được sự thanh thản trong mọi công việc. Nếu không giữ được sự thanh thản chúng ta sẽ có một cuộc sống không giá trị khi đó những gì mà chúng ta bị dính mắc sẽ dẫn đến cái chết, bởi vì mọi sự việc đều phải như vậy.

Khi mà chúng ta nhận thức rõ rằng không có cái gì đáng để đạt được hay thành tựu, sự thoát ly tốt đẹp với thế gian phát huy cân xứng bằng sức mạnh của tuệ giác. Ðây là dấu hiệu mà sự dính mắc trở nên mờ nhạt và đang bắt đầu buông bỏ. Nó là dấu hiệu mà chúng ta đã bị nô lệ quá lâu đến nỗi sau cùng chúng ta có ý định muốn trốn thoát. Sự không mê muội và sự cảnh tỉnh này xuất hiện khi người ta trở nên chán chường với những sự ngu xuẩn trong sự tham đắm và dính mắc đối với mọi hiện tượng. Ngay khi sự cảnh tỉnh đã bắt đầu, có sự ràng buộc xảy ra theo một tiến trình thoát khỏi tự nhiên, dường như sợi dây thừng mà người ta bị trói buộc nay được mở ra; việc giặt rửa, khi thuốc nhuộm được pha vào trong quần áo người ta giặt bằng thuốc nhuộm đó trong tính chất chiếm hữu. Do đó tiến trình dính mắc này loại trừ dẫn đến sự thoát ly, hoặc là xả bỏ thân xác, hay từ đối tượng dính mắc đó được đức Phật dạy là "giải thoát". Tiến trình này quan trọng nhất. Mặc dù không phải là giai đoạn cuối, nhưng nó là bước quan trọng nhứt hướng đến sự giác ngộ hoàn toàn, giải thoát hoàn toàn đau khổ. Ðiều này được người ta tin chắc là vậy.

Một khi không còn chấp hình sắc tình cảm và ý tưởng, người ta không còn nô lệ cho thân xác này nữa. Hành giả trở nên thanh tịnh và trong sạch mà trước kia hành giả bị ô nhiễm bởi tham, sân, si. Thoát khỏi sự nô lệ để có được thân an lạc không còn sự dính mắc thì hành giả đạt đến an vui và tự tại. Sự thanh tịnh thật sự này một khi đạt được sẽ phát sinh niềm vui và hạnh phúc thật sự giải thoát tất cả tâm trạo cử, xung đột và đau khổ. Trạng thái giải thoát khỏi sự áp bức và tâm trạo cử này được đức Phật gọi là "an lạc tâm". Nó là sự trầm lặng, mát mẻ trong mọi hoàn cảnh, một phương pháp thực nghiệm, một loại Níp-bàn ngay trong kiếp sống này.

Níp-bàn đã được dịch là "vắng lặng các phiền não". Nói cách khác, nó có nghĩa "dập tắt không còn dư sót". Vì thế cho nên danh từ Níp-bàn có hai nghĩa rất quan trọng: thứ nhất là vắng lặng và thiêu đốt nguồn gốc đau khổ, giải thoát các khổ cảnh và sự áp bức; thứ hai là dập tắt, không còn phát sanh đau khổ thêm nữa. Kết hợp hai ý nghĩa nầy ám chỉ Níp-bàn là sự giác ngộ hoàn toàn. Níp-bàn có nhiều ý nghĩa hữu ích khác nhau. Nó có thể là dập tắt đau khổ, đoạn trừ phiền não hoàn toàn, hay là trạng thái an lạc, là chấm dứt mọi đau khổ, mọi phiền não, và mọi hành vi nghiệp báo.

Tuy nhiên danh từ Níp-bàn được sử dụng theo nhiều trường phái khác nhau, tri giác và học hiểu danh từ Níp-bàn hoàn toàn không giống nhau. Một số cho rằng Níp-bàn có nghĩa đơn thuần là thanh tịnh và mát mẻ, bởi vì họ nhận ra Níp-bàn tâm định uyên thâm. Thậm chí một số khác cho rằng Níp-bàn là an chỉ định hoàn toàn trong khoái lạc.

Ðức Phật định nghĩa Níp-bàn đơn thuần là sự giác ngộ khỏi ác đạo, khổ ách và đau đớn mà những kết quả có được từ sự nhận biết bản chất thực của pháp thế gian và tất cả mọi sự vật, và như vậy thì có thể thoát khỏi mọi sự chấp thủ. Cần thiết để chúng ta hiểu được giá trị tuệ giác rất là to tát trong bản chất thật của các sự vật, và bằng cách này hay cách khác, hãy cố gắng tu tập tuệ giác này. Ðơn thuần sử dụng một phương pháp, chúng ta phát huy tuệ giác để nó tự xuất hiện một cách tự nhiên, bằng sự tu tập ngày và đêm có được phỉ lạc là nhờ tâm thanh tịnh, chúng ta niệm cho đến khi có những đặc tính dần dần xuất hiện. Phương pháp khác nữa gồm có sức mạnh tâm tu tập bằng cách theo dõi một hệ thống tổ chức thực hành chỉ quán. Phương pháp sau này thích hợp người có khuynh hướng vững chắc, và nếu điều kiện thuận lợi, một số người sẽ tiến bộ nhanh. Tuy nhiên chúng ta có thể thực tập phát huy tuệ giác bằng phương pháp tự nhiên trong mọi hoàn cảnh và mọi thời gian - bằng cách thực hiện lối sống hàng ngày của chúng ta cho trong sáng và thành thật, ở đó phát sanh tâm an lạc, tuệ giác soi thấu được bản chất thực của vạn vật, giúp chúng ta tỉnh thức, thanh tịnh và thoát ly mọi phiền não cấu uế và sau đó là an lạc Níp-bàn, tịch lặng. Trong giai đoạn sự đau khổ sẽ giảm dần mỗi một ngày qua, chúng ta nếm được hương vị giải thoát hầu như hoàn toàn.

Tóm lại con đường của tuệ giác và thanh tịnh tự nhiên, nhờ thực hiện lời dạy giác ngộ là không có gì đáng giá để đạt được cả, nên chúng ta hiểu được làm thế nào một người có thể đạt đến Níp-bàn và sự giác ngộ. Bất cứ ai muốn cảm nhận được sự giác ngộ phải cố gắng để tự mình thanh tịnh và tu tập những đặc tính cá nhân cho tốt đẹp. Từ những thanh tịnh này hành giả sẽ thấy được nguồn phỉ lạc của chính mình trong lúc tu tập cũng như trong lúc thư nhàn. Ngay nguồn phỉ lạc này sản sinh sự trong sáng, mát mẻ, tâm an lạc và tĩnh lặng một cách tự nhiên, tâm thức có khả năng quán xét. Bằng cách tự xem xét lại nội tâm này nên phát sinh tuệ giác. Thật vậy, chính tuệ giác đó nhận biết không có gì đáng để đạt được hay tồn tại và tâm thức thì không còn tham đắm vào mọi thứ mà một thời nó đã từng dính mắc và tham đắm. Tâm thức có thể thảnh thơi mọi thứ trước đây nó từng dính mắc vào bản ngã và cái tôi, và tất cả lòng tham muốn ái dục không còn nữa. Ðau khổ (không còn nơi nào trú cả) biến mất, và nhiệm vụ về diệt khổ đã được hoàn thành. Ðây là kết quả mà ai cũng có thể đạt đuợc trong một phương pháp tự nhiên. Nội tâm an lạc này không có gì sánh bằng, vượt trội hơn sự cảm nhận bất cứ kinh nghiệm nào hay đối tượng như tôi hay bản ngã, đó là đỉnh cao của con đường thanh tịnh, giải thoát thật sự của đức Phật.

Ðể hoàn tất cuộc thảo luận về tu tập tuệ quán, ở nơi đây chúng ta cũng phải chú ý đến những hệ thống tổ chức về tu tập tuệ giác mà Ðức phật không giảng dạy nhưng được tu tập do bởi những vị tổ sư sau này. Loại tu tập này thích hợp cho người ở giai đoạn sơ cơ, vẫn hiên ngang không chấp nhận đau khổ trong cuộc sống trần tục. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là những kết quả đạt được do những hệ thống này không có giá trị đặc biệt như đã đạt được bằng phương pháp tự nhiên; bởi vì khi chúng ta chiêm nghiệm kinh điển sâu sắc, chúng ta nhận biết phương pháp tự nhiên chỉ là một điều được đề cập đến. Một số người nói, thật là khó để hiểu được phương pháp tự nhiên hay tin rằng phương pháp tự nhiên có thể được tu tập chỉ một người nào đó, người đó đã trở thành đạo đức gương mẫu khá tốt hay đã có túc duyên. Ðối với người không có những nết hạnh cao và tánh tình hay cố chấp. Các thiền sư dạy họ tu tập phương pháp theo thứ tự, mở những khóa tu ngắn hạn bắt đầu từ những sự khó khăn (như ngứa, đau. . .) và thiền sư thường xuyên theo dõiđể hướng dẫn họ.

Tu tập theo phương pháp để phát huy tuệ giác, thuật ngữ chuyên môn gọi là thiền quán (Vipassàna). Thiền quán hay tuệ giác thì tương phản với pháp học; ngày nay cả hai được xem là những đường hướng tu tập bổ sung. Thiền quán là pháp học được người ta tu tập để luyện tâm cho nghiêm nhặt. Không có gì học trong sách vở cả. Không có pháp học mà cũng không có pháp hành được đề cập trực tiếp trong kinh điển, cả hai chỉ xuất hiện trong những kinh điển sau này; tuy nhiên thiền quán là một pháp môn thực hành chủ yếu của Phật giáo, thiết lập cho con người với mục đích đoạn trừ đau khổ. Nó được dựa trên nền tảng vững chắc nội tâm an tịnh. Ðể giải thích thiền quán cho mọi người, các vị thiền sư thời xưa ra những câu hỏi sau đây:

- Nền tảng của thiền quán là gì?

- Những đặc tính nào mà chúng ta biết đó là thiền quán?

- Hoạt động nào thì được gọi là thiền quán?

- Kết quả cuối cùng của thiền quán là gì?

Khi được hỏi nền tảng của thiền quán là gì? Chúng tôi trả lời giới và định. Thiền quán có nghĩa là "tuệ giác trong sáng", và ám chỉ tri kiến mà có thể phát sanh khi tâm của một người đầy ắp nguồn phỉ lạc và không có bất cứ phiền não nào. Phỉ lạc phát triển là khi có giới thanh tịnh; giới là điều kiện quyết định trước hết. Ðiều này được dạy trong kinh điển của đức Phật, nơi nào người ta thực hành thì được xem là đang tiếp tục trong một chuỗi giai đoạn mà được gọi là thất tịnh, và đạt đến quả vị Níp-bàn. Những vị thiền sư xem sự thành đạt của giới thanh tịnh như là điều đầu tiên của thất tịnh.

Lúc nào giới được viên mãn, thân an tịnh thì lúc đó hành động và lời nói được thanh tịnh, kết quả sẽ là tâm an tịnh, dẫn đến những giai đoạn thanh tịnh xa hơn; thoát khỏi sai lầm, thoát khỏi hoài nghi, trí tuệ để nhận biết con đường nên đi và con đường không nên đi, trí tuệ và tri kiến phát triển theo đạo lộ và cuối cùng là tuệ giác hiểu biết hoàn toàn. Năm giai đoạn cuối cùng này thiết lập thiền quán đúng mức. Ðơn thuần hành vi và tâm thanh tịnh là đường lối đi vào thiền quán.

Hiện nay nhiều vị thiền sư dạy thiền quán bằng cách tu tập có tổ chức. Trước tiên, những sự thực hành bao gồm những bài tập định tâm như chánh niệm về hơi thở theo dõi bằng thiền quán hay thực hành tuệ giác, hoặc là một số hệ thống thiền chính thức bắt đầu luyện tập tuệ giác ngay từ đầu. Tiếp tục theo đuổi việc luyện tập có tổ chức, thông thường hành giả đi đến những khóa tu đặc biệt hay cách ly một thời gian. Trong suốt khóa tu, hành giả sẽ không làm gì cả ngoại trừ thực hành thiền tích cực, cố gắng để phát huy đầy đủ chánh định và chánh niệm để quân bình tâm và sẽ cảm nhận được sự xuất thế, giải thoát Níp-bàn. Dù hành giả có thực hành trong một khung cảnh cách ly nghiêm ngặt hay là thực hành phương pháp tự nhiên, cuối cùng hành giả phải đi đến sự thích nghi tự nhiên của thiền quán và chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Thật ra người trí không có suy nghĩ đến quá khứ và vị lai, vị ấy thấy rằng sự giác ngộ tùy thuộc vào trí tuệ không có cái gì đạt được mà cũng không có cái gì mất cả, không có cái gì thành tựu mà cũng không có cái gì tồn tại. Ước mong trí tuệ này sẽ là nhân đạt đến chân hạnh phúc và giác ngộ cho tất cả chúng sinh.


Chân thành cảm ơn Cư sĩ Bình Anson đã gởi tặng phiên bản điện tử tập sách này. 
( Trang nhà Quảng Đức, 01/2002)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]