Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 9

25/04/201311:28(Xem: 2893)
Phần 9

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

9

Nhìn Thủng Cảnh Giới Sáu Trần

Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 11/10/1987

"Ðạo trước mắt mà cầu chi xa

Việc dễ dàng mà cầu chi khó"

Sơ quả A La Hán, tiếng Phạn là Tu Ðà Hoàn, dịch là "Nhập lưu" hoặc "Nghịch lưu". "Nhập vào dòng Thánh nhân pháp tính, ngược với dòng phàm phu sáu trần ". Hiện tại phần đông cũng "Nhập lưu", nhập vào dòng sáu trần vậy. Cho nên sáu trần tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

1. Sắc trần: Phàm là có sắc tướng đều là trần ; không sắc tướng tức là tịnh.

2. Thanh trần: Tai nghe chuyện đời tâm bị nhiễm ô, tự tính không trong sạch.

3. Hương trần: Phụ nữ thích thoa dầu thơm, thời gian lâu dầu thơm biến thành dầu thối. Bên ngoài thì thơm mà bên trong thì hôi thối. Hiện nay phái nam cũng thoa dầu thơm, bắt chước phụ nữ. Vì thấy phụ nữ thoa dầu thơm, làm mê hoặc phái nam. Phái nam muốn làm mê phụ nữ, cho nên cũng làm như thế. Bây giờ chỉ chưa có sơn môi đỏ. Tin chắc rằng tương lai không lâu phái nam cũng sẽ vẽ mắt sửa lông mi, tô môi đỏ, dũa móng tay. Ðó là nam nữ đôi bên hỗ tương lường gạt, đội mặt giả hỗ tương lợi dụng. Bạn nói đây không phải là trần thì là cái gì? Phiền phức quá! Con người vốn là sạch sẽ mà lại tô vẽ làm vẻ mặt bướng bỉnh.

4. Vị trần: Tức là tham ăn ngon. Vì muốn đầy miệng bụng, nên tưởng hết phương pháp mời người nấu những món sơn trân hải vị. Nếu không ngon thì nuốt chẳng xuống.

5. Xúc trần: Tức là tham trơn nhẵn, khi tiếp xúc liền sinh ra trần.

6. Pháp trần: Trong tâm duyên pháp. Tâm pháp có 8, sắc pháp có 11, tâm sở pháp có 51, pháp bất tương ưng có 24, vô vi pháp có 6, cộng thành 100 pháp. Tâm duyên pháp trần khiến tự tính không được thanh tịnh.

"Ðạo trước mắt mà cầu chi xa". Ðây là những cảnh giới sáu trần, đều ở trước mắt, hằng ngày tiếp xúc trong đời sống. Nếu tâm thanh tịnh không bị sáu trần ô nhiễm, thì hiển lộ tự tính quang minh trí huệ tịch chiếu. Chẳng qua phần đông không nỗ lực dụng công phu, ngược lại hướng ngoại truy cầu, bỏ gốc tìm ngọn.

"Việc dễ dàng mà cầu việc khó". Sự việc vốn rất dễ dàng, nên "bỏ trần mà hợp giác", mà chuyển thành "bỏ giác mà hợp trần". Dễ như trở bàn tay, nhưng chúng ta cứ nhận giặc làm con, tránh chết đuối mà lại nhảy vào lửa, cuối cùng không bị chết đuối thì cũng bị chết thiêu. Chẳng qua chết đuối không thống khổ lắm, nhưng chết thiêu thì thống khổ khó tả. Thế nào là chết đuối? Chết thiêu? Tham tài thì bị tài sản chôn vùi, giống như chết đuối. Tham sắc: Do lòng tham muốn cho nên bị lửa thiêu thân, giống như lửa thiêu. Nước, lửa tức là ví dụ tài và sắc.

Sơ quả A La Hán thì không còn bị sáu trần làm giao động. Hỗ tương dùng sáu căn biến thành hộ pháp. Ðây cũng giống như bổn thân của bạn thiết lập trường thành, không thể bị lục tặc xâm lược. Tục ngữ có câu:"Bất đáo trường thành phi hảo hán". Hiện tại trong thân của bạn có vạn lý trường thành tức là anh hùng hảo hán.

Lại có người nói:"Tôi không muốn làm hảo hán, tôi muốn làm người nhẫn nại". Câu này tôi không tin. Nếu thật tại sao có người đánh bạn bạt tai, bạn lại nổi giận? Do đó mọi người hãy xét lại, phải thật sự làm chủ được mới gọi là hảo hán. Nhưng phải hòa hợp với mọi người, đừng cống cao ngã mạn, tiêu kỳ lập dị.

Cảnh Giới Nhị Quả A La Hán

Giảng tại Kim Sơn Tự ngày 14/10/1987

Sơ quả A La Hán gọi là "Nhập lưu". Có sơ nhập cũng có chánh nhập. Sơ nhập là mới đắc được một chút tin tức tốt. Hiểu rõ duyên cảnh của sáu trần, hư vọng không thật, cho nên không chấp trước, không nhập sắc thanh hương vị xúc pháp, mà nhập vào dòng Thánh nhân pháp tính. Sơ đắc được trí Thánh nhân tức là sơ đắc, trí huệ chưa thâm hậu. Cho nên phải tiếp tục tu hành dụng công. Người chứng được sơ quả khi đi thì chân không đụng đất, nhưng vì chưa hoàn toàn rời khỏi đất cho nên còn bảy lần sinh tử, nhưng đã đoạn được tám mươi tám sử kiến hoặc của ba cõi gọi là "nhập học vị".

Nhị quả Tư Ðà Hàm, gọi là "Nhất Lai", còn một lần sinh lên trời, một lần sinh xuống nhân gian. Ði thì như gió. Những thô hoặc đã đoạn, nhưng tế hoặc còn chưa đoạn hết. Ðã đoạn dục giới trước sáu phẩm tư hoặc, gọi là "hữu học vị". Cho nên không thể bỏ dở giữa đường, con đường trung đạo tự vẽ, được ít cho là đủ, dừng ở hóa thành, đến không được chỗ "Bảo Sở". Phải từ từ, đừng quên dụng công tu hành, nhưng đừng miễn cưỡng lâu dài. Ðừng giống như có một người Tống nhổ mầm giúp mau lớn. Mỗi rễ mầm nhổ lên một tấc, trốc gốc bày rễ, lỏng đất mầm khô, muốn giúp cho lớn nhanh nhưng ngược lại mầm chết khô. Nhị Quả La Hán phải từng bước từng bước hướng về trước dụng công, nhưng đừng tham nhanh, phải có tâm nhẫn nại: Sinh nhẫn và pháp nhẫn. Có sức nhẫn nại thì công phu ngày càng tiến bộ, được phần tương ưng mới chứng nhị quả. Sơ quả Thánh nhân đi bộ thì chân hỏng mặt đất, khoảng một cái đầu tóc không dính đất. Nhị quả Thánh nhân công phu lại cao hơn một chút. Ðến đi không có âm thanh. Ði thì như gió, thong thả mà đi nhưng rất nhanh, cho nên chứng quả đều có chứng cứ, không thể mạo xưng.

Việc "khai ngộ". Ai ai cũng đều có thể khai ngộ. Có tiểu ngộ và đại ngộ. Tiểu ngộ thì cánh nhiên hiểu biết một chút. Chưa hoàn toàn hiểu biết. Khai đại ngộ thì biết từ đâu đến? Chết đi về đâu? Sinh như thế nào? Chết như thế nào? Sinh tử tự do, muốn sinh thì sinh, muốn chết thì chết, không câu thúc quái ngại, thấy rõ như chỉ tay, không còn kéo bùn mang nước, buông không đặng, nhìn không thủng, suốt ngày đến tối đả chuyển trong mê hồn trận. Không mê tức là khai ngộ. Theo lý tức là đốn ngộ nhưng trên sự tướng phải tu hành. Cho nên:" Lý thì đốn ngộ, sự phải tiệm tu". Luôn luôn hồi quang phản chiếu. Thế nào là chiếu? Cũng giống như ánh sáng mặt trời mặt trăng, chiếu xuống thì màn đen hắc ám liền tiêu trừ. Tự tính quang minh bị dục niệm vô minh che đậy như núi Tu Di đè lên trí quang, không thể hiển lộ. Cho nên mắt nhìn sự vật không rõ ràng. Gọi là "tán quang" (quang minh trí huệ bị phân tán).

Tu hành thì phải hồi quang phản chiếu. Thu thập "tán quang" lại. Chiếu trong tâm có bao nhiêu rác rến phải khử trừ? Có bao nhiêu bảo bối phải giữ gìn. Nếu hồi quang phản chiếu thì phiền não ngày càng giảm, vô minh ngày càng rõ thì trí huệ vốn có sớm sẽ hiện tiền.

Pháp Thân Y Thực Thuỳ

Giảng ngày 31/10/1987 tại Kim Sơn Tự.

Tọa thiền tu định là cho pháp thân chúng ta lương thực. Nhục thân của chúng ta hằng ngày phải ăn cơm, mặc quần áo, ngủ nghỉ, bận rộn bôn ba cũng vì y, thực, thùy (quần áo, ăn uống, ngủ nghỉ). Một ngày không ăn cũng không đặng, một ngày không mặc đồ cũng không đặng, một ngày mà không ngủ nghỉ cũng không đặng. Ba điều này đều không thể thiếu được. Ai ai cũng đều như thế, thiếu một không thể được. Nhưng pháp thân cũng phải ăn, mặc và ngủ. Ngồi thiền là cho pháp thân ăn uống thiên nhiên, hấp thụ chất dinh dưỡng trong hư không, khiến cho pháp thân tăng trưởng khoẻ mạnh. Ngồi thiền nếu nhập định rồi tức là pháp thân đang ngủ nghỉ. Nếu không nhập định thì pháp thân không ngủ nghỉ. Y phục của pháp thân là nhẫn nại. Hay nhập định thì pháp thân sống lại, tĩnh tọa lâu thì pháp thân sẽ đắc được pháp vị, hấp thụ chân chánh dinh dưỡng trong hư không. Chúng ta tu hành, hằng ngày cần mặc y nhẫn nhục, vào nhà Như Lai (nhập định), ngồi tòa Như Lai. Ðây là những thứ mà hằng ngày pháp thân không thể không từ dưỡng.

"Bớt một lời thị phi,

Thêm một câu niệm Phật,

Ðánh niệm đầu chết rồi,

Pháp thân mới sống lại".

Hiện tại pháp thân bị vô minh phiền não che đậy, cho nên không thể hiện tiền. Nhưng nhục thân chẳng phải chân thật. Pháp thân mới là chân thật với pháp thân chư Phật không phân biệt. Như vậy đi tìm pháp thân ở đâu? Pháp thân không rời khỏi nhục thân, nhục thân chúng ta đã có đủ pháp thân. Nhưng người chỉ biết nhục thân mà không biết có pháp thân, cho nên lãng quên. Ví như bầu trời vốn trong xanh tốt đẹp, hốt nhiên có một đám mây che lấp mặt trời. Người chưa thấy qua mặt trời, thì cho rằng trời vốn là âm khí trầm trầm. Ðồng với lý ấy, người không biết có pháp thân thì cho rằng chỉ có nhục thân tồn tại.

Ngày và đêm vốn vận hành với nhau, cùng nhau tan trường, ban ngày có lúc dài thêm một chút, ban đêm có lúc cũng dài thêm một chút. Khi tâm tính con người bừng sáng thì tự tính thái dương hiển lộ. Nếu như suốt ngày phiền phiền não não, thì pháp thân trong nhục thân bị vùi lấp, không thể hiển lộ thì không có ánh sáng mặt trời. Nếu người ít phiền não thì trí huệ tự nhiên hiện tiền, như mặt trời trên không, không thêm tư tác, nghênh nhận mà giải. Trí huệ thì không cần suy nghĩ tưởng tượng, nhưng rất sáng suốt, việc đến thì ứng, việc đi thì tĩnh. Giống như gương soi khi cảnh giới đến thì hiện ở trong gương ; khi cảnh giới đi thì trong gương không lưu lại dấu vết. Cho nên Phật có "Ðại viên cảnh trí", không chỗ nào mà không chiếu, không chỗ nào mà không rõ.

Chúng ta thường đả tọa tập định, thì pháp thân huệ mạng hiện tiền. Nếu chúng ta không thường đả tọa nhập định, thì như mây mù ngày càng dày, che lấp trí huệ vốn có. Trí huệ vốn có tức là không điên đảo, không vì năm dục vật bên ngoài làm mê hoặc. Sáng suốt thanh tịnh như trời xanh, vạn dặm không một bợn mây. Nếu như muốn đạt đến trình độ như vậy, thì phải từ từ ngày ngày chuyên nhất, tu thiền định công phu, không phải mới ngồi một chút, liền đi ra ăn uống, dạo cảnh. Cho nên:

"Nhãn quán hình sắc nội vô hữu,

Nhĩ thính trần sự tâm bất tri"

Nghĩa là:

Mắt thấy hình sắc chẳng dính mắc,

Tai nghe chuyện đời tâm chẳng hay.

Mọi Sự Nhẫn Nhục Ðều Chịu Ðược

Giảng ngày 25/02/1987 tại Seatle Kim Phong Tự

Trước hết chúc các vị năm mới khoái lạc!

Tôi vốn muốn đến đây rất sớm, nhưng Chùa Kim Sơn làm lễ khai quang, cũng có rất nhiều người xin hẹn gặp tôi, cho nên mỗi ngày đều có người đến gặp tôi, do đó không có thì giờ đến đây được. Lần này nhàn rỗi trong sự bận rộn. Tôi trước đến đây (ở Seatle), ngày mai sáng sớm phải đi Gia Nã Ðại, Ôn Ta Hoa. Từ Ôn Ta Hoa lại đến Gia Cát Lý, thứ hai từ Gia Cát Lý lại đến Áo Châu Vưu Kim Thị. Vì đại học Vưu Kim Thị có một số mời tôi thuyết giảng.

Ðến đây thấy các vị đều rất thành tâm lễ Phật, niệm Phật, lại còn lễ lạy sớm. Như vậy thật quá tốt. Nhưng tôi nói với các bạn: "Bất luận bạn lạy Phật cũng tốt, lễ sám cũng tốt, tụng Kinh cũng tốt, tức là làm cho tính nóng giận thay đổi bớt". Người có tính nóng giận thì khổ, người không có tính nóng giận thì an vui. Người có tính nóng giận thì có phiền não, người không có tính nóng giận thì thường hoan hỉ. Sự nóng giận này là kẻ địch lợi hại nhất của chúng ta, giống như người sinh ra các thứ bệnh. Tại sao lại sinh ra? Vì có nóng giận. Hết thảy mọi sự đều không thuận lợi. Tại sao? Cũng vì có tính nóng giận, do đó nếu người không có nóng giận thì luôn luôn khoái lạc, đều yên ổn. Nhưng không ai chú ý điểm này, cho rằng tùy tiện nổi nóng thì sẽ giúp cho sự việc. Trên thực tế, việc gì tốt, khi bạn nóng giận thì cũng xấu. Cho nên điều quan trọng nhất là đừng có nóng giận, đừng có phiền não.

Người học Phật pháp phải có tâm nhẫn nại, nếu có người chưởi mắng chúng ta, thì chúng ta xem như họ đang ca hát, hoặc họ đang nói với chúng ta một ngôn ngữ khác mà chúng ta không hiểu. Vì tôi không chưởi ngườI, nếu kẻ khác chưởi tôi, tôi cũng không hiểu, cũng không biết. Song, có người chưởi mắng chúng ta đó là cho chúng ta thêm phân, khiến mảnh đất của bạn tốt thêm. Do đó chúng ta là người học Phật pháp phải có tâm nhẫn nại thì mới có đức hạnh, nhẫn được thì là đạo. Nhẫn không được cũng phải nhẫn, nếu chịu không được thì có phiền não. Nhẫn được thì bất cứ cảnh giới gì đến cũng đều nhẫn thọ được. Ðây là thấu hiểu được Phật pháp. Nếu bạn không thể nhẫn, không thể chịu được thì bạn không hiểu Phật pháp.

Bởi vậy chúng ta phải "Ðừng sinh phiền não, tâm chớ nghi". Luôn luôn đừng sinh phiền não, cũng đừng sinh tâm hoài nghi. Thường thường phải lo cho chính mình, đừng lo cho người khác. Thường phải nhận mình không đúng, đừng có tranh biện. "An nhiên thanh tịnh trí huệ sinh". Bạn luôn luôn bình an thì sẽ phát sinh trí tuệ. "Minh tâm tức là tâm của bạn hiểu biết sáng suốt. Bất cứ sự việc gì cũng đều không khó khăn. "Thấy tánh chẳng còn tâm ưu sầu". Người kiến tánh thì không biết tâm ưu sầu là gì. "Phật quang không chỗ nào mà chẳng chiếu đến". Cho nên có câu:

"Nước tâm trong trăng hiện,

Ý định trời không mây ;

Tâm bình trăm nạn tiêu,

Ý định vạn sự tốt".

Quang minh của Phật không phải là không chiếu đến bạn, nhưng nếu tâm của bạn như nước đục, cáu bẩn thì mặt trăng không thể hiện được. Nếu tâm của chúng ta thanh tịnh, thì như mặt trăng hiện trong nước, Phật tính liền hiện tiền. "Ý định trời không mây". Ý của bạn có định lực, thì giống như bầu trời không có mây. Tại sao quang minh của Phật không chiếu đến chúng ta? Vì "Ưu tư sân hận tâm vẫn đục". Bạn lại có ưu sầu, có phiền não, có oán, có hận, đủ thứ trong tâm cho nên trong tâm vẫn đục, thì chẳng có trí huệ. Chúng ta ai không có phiền não thì người đó không nóng giận, chắc chắn sẽ sinh đại trí huệ, khai mở đại trí huệ.

Học Phật pháp không cần học nhiều, nếu học được không nóng giận, không sân hận thì đó là Phật pháp. Cho nên nói:

"Mọi việc đều tốt đẹp,

Nóng giận khó chuyển hóa,

Nếu thật không nóng giận,

Thì được báu vô giá,

Lại không có oán người,

Mọi việc đều như ý,

Phiền não quyết không sinh,

Oan nghiệt làm gì có?

Hết thấy người không đúng,

Khổ mình chẳng còn nữa".

Chúng ta thọ khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu phước, đây rất là đơn giản, rất hiện thực. Nếu hiểu rõ thì hiểu được Phật pháp, không cần đi tìm đâu cho xa, chỉ ở ngay trước mắt hằng ngày của bạn. Ðó là cảnh giới bạn phải chuyển nó, nếu không nó sẽ chuyển bạn, phải luôn luôn như như bất động, liễu liễu thường minh. Như thế thì sẽ hiểu biết Phật pháp.

Khai Quang Thánh Tượng Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền

Giảng tại Chùa Kim Phật ngày 10/5/1987

Các vị thiện tri thức! Hôm nay là ngày rất cát tường. Chúng ta cùng tham gia lễ khai quang Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền, thật là may mắn. Người học Phật phải lão lão thực thực mà học tập, chớ tạo tội nghiệp trong Phật giáo. Tại sao người không thành Phật? Vì làm các việc thiện, việc ác hỗn tạp, có lúc nghĩ muốn làm việc thiện, nhưng bên trong lại xen một chút ác, có lúc trong ác lại có thiện, cho nên thị phi hỗn tạp, thị phi không rõ ràng.

Chúng ta làm việc trong Phật giáo phải phân minh, nhân quả thiện ác rõ ràng. Nếu biết mà cố phạm tội thì tăng gấp ba. Trên thế giới vì sao có những người mới sinh ra mà mắt đã mù, tai điếc, không tai, không chân, hoặc sinh ra rất ám độn? Là vì họ làm Phật giáo đồ thì thiện ác không phân biệt rõ ràng, không rõ nhân quả, cho nên làm nhiều việc sai lầm. Tuy nhiên Phật từ bi cũng không cách chi cứu họ được, cho nên đừng phỉ báng Phật pháp Tăng Tam bảo trong Phật giáo, nếu không tương lai sẽ đọa địa ngục, không thể thoát ra được. Nếu có ngày ra thì khi thọ quả báo trong địa ngục rồi, sẽ đầu thai làm ngựa, trâu, dê, gà, chó, heo .v.v., thọ khổ trong đường súc sinh rồi mới có thể tái sinh làm người. Tuy làm người nhưng sáu căn không đủ, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều không linh thông, ngu si đến cực điểm. Những kẻ điếc, mù, câm trên thế giới đều là những kẻ trong quá khứ phỉ báng Tam Bảo. Cho nên chúng ta ở trong Phật giáo nhất định phải:

"Ðừng làm các điều ác,

Hãy làm các việc lành".

Ðó mới là chân chánh Phật giáo đồ. Nếu không thể "chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành", tuy nhiên tin Phật, nhưng còn nhiều tâm tham, tâm sân, tâm cầu, tâm ích kỷ, tâm tự lợi, tâm lường gạt, sẽ không có cảm ứng với đạo. Chúng ta hôm nay tham gia lễ khai quang của Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền. Từ nay đem những thói hư tật xấu từ trước đốt sạch hết, sau này tiếp tục làm những việc thiện, bỏ những điều ác. Những người tham gia lễ khai quang phải khai mở tâm quang minh, hiện tại phải quang minh, từ trước hồ đồ, hiện tại không hồ đồ nữa. Nếu hiểu nhân quả thị phi thì có trí huệ. Nếu bạn có trí huệ thì làm người mới đem nhân cách kiến lập lại. Sau cùng, hy vọng những người tham gia điển lễ, hết thảy đều cát tường như ý, thân thể kiện khang, vạn sự toại tâm, tinh thần vui vẻ.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567