Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 8

25/04/201311:27(Xem: 3048)
Phần 8

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

8

Thanh Tâm Quả Dục

Giảng ngày 22/8/1987

Lý Bạch có nói rằng:"Trong trời đất, vạn vật chỉ sống tạm trú. Thời gian trăm đời như khách qua đường. Phù sinh như giấc mộng, vui sướng được bao lâu? ".

Con người sống trong khoảng giữa trời đất, là một trong tam tài. Tam tài là: Thiên, địa, nhân (trời, đất và con người). Tam quang là: Nhật, nguyệt, tinh (mặt trời, mặt trăng và sao). Chữ trời do chữ nhị và chữ nhân hợp thành, chữ nhị đại biểu cho âm dương hai khí, chữ nhân có hai phẩy cũng tượng trưng cho âm dương hai khí. Cho nên cổ nhân nói:"Thiên là một đại thiên, người là một tiểu thiên". Trời và người tương thông với nhau. Nếu có thể hợp đức với thiên đîa, thì nhật (mặt trời), nguyệt (mặt trăng) hợp thành minh (sáng). Tứ thời hợp tự, quỷ thần hợp cát hung, liền là Thánh nhân. Tại sao chúng ta hiện tại chưa hợp đức với thiên đîa, nhật nguyệt hợp minh, tứ thời hợp tự, quỷ thần hợp cát hung? Vì bị khách trần phiền não chướng ngại.

Khách trần là gì? Khách trần là đến từ bên ngoài, cho nên nói là "Khách", nếu là chủ nhân, thì không gọi là khách. Từ bên ngoài vào, lại muốn chiếm đoạt ông chủ, nhiễu loạn chủ nhân, khiến làm mất đi chủ tể, không có trí huệ. Khách trần tổng cộng có năm thứ: Tài, sắc, danh, ăn và ngủ. Dục là thứ nhiễm ô. Tự tính chúng ta vốn sáng suốt như như bất động, liễu liễu thường minh, nhưng hiện tại bị dục niệm năm dục làm nhiễm ô, chi phối con người trở thành hồ đồ, thấy sắc thì tham sắc, thấy tài thì tham tài, thấy danh thì tham danh, thấy thức ăn ngon liền sinh tâm tham ăn đồ ngon, hoặc đã no, hoặc chưa no, lại cảm thấy mệt, liền muốn đi ngủ. Con người ở trong trận năm dục thoát ra không được, đánh không vỡ. Ngủ vẫn còn tưởng nhớ năm dục, tỉnh dậy lại cũng vì năm dục mà bận rộn, không được nghỉ ngơi, bận rộn đủ rồi thì ngủ, ngủ tỉnh rồi lại bận rộn nữa. Cổ nhân có nói:"Tri túc thường lạc", nếu không biết tri túc (biết đủ) thì khổ mãi. "Năng nhẫn tự an", nếu không thể nhẫn nại được thì thường không được an lạc.

Ngồi thiền thì phải thanh tâm quả dục, đây là bước đầu của việc công phu tu hành. Thanh tâm là làm cho khách trần trầm tĩnh xuống. Giống như một chén nước đục, nếu bạn khuấy động lên thì nước sẽ đục, không thể nhìn rõ được, nhưng nếu để yên một lúc thì bụi bặm từ từ lắng xuống đáy. Ðây là công phu bước đầu hàng phục khách trần phiền não. Thân thể chúng ta ngồi trong chốc lát, hơn tạo Hằng sa tháp bảy báu. Vì trong lúc tĩnh tọa trong một sát na, có thể hàng phục khách trần, khiến năm dục bụi trần lắng xuống đáy. Cho nên có câu:

"Tâm tịnh nước hiện trăng,

Ý định trời trong xanh".

Lại nói rằng:

"Tâm bình, trăm nạn tiêu,

Ý định vạn điều tốt".

"Tâm ngừng bặc niệm giàu sang thật,

Tư dục đoạn sạch ruộng phước thật".

Nếu còn một phần tư dục thì vẫn còn là kẻ nghèo, vẫn còn lòng tham! Tại sao con người lại tham? Vì cảm thấy mình không đủ, nếu cảm thấy đủ thì không tham. Không tham mới là chân khoái lạc, cho nên "Tri túc thường lạc". Không biết tri túc thì thường khổ, thường lo lắng. Bạn ôm giữ những gì đã có nhưng lại sợ mất, còn những gì chưa có, lại trăm phương ngàn kế muốn đoạt được. Suốt ngày đến tối phiền não đầy dẫy, đó là nhiều khổ. Người sống thì tham cái này, tham cái kia, đến chết rồi thì làm thế nào đây? Cho nên cổ nhân nói:

"Nếu người muốn đừng chết,

Hãy hạ thủ công phu".

Chúng ta ngồi thiền là vì việc gì? Là vì "giả chết", phải thanh tâm quả dục, làm người sống như đã chết, mới được lìa khổ được vui, liễu sinh thoát tử.

Mọi người hãy nhìn xem, người đi học thì có phiền não của người đi học, người làm việc thì có phiền não của người làm việc, nông phu thì có phiền não của người nông phu, làm quan thì có phiền não của người làm quan, đừng cho rằng làm quan thì rất đắc ý. Mỗi người đều có phiền não riêng, nhưng lại vui chơi say đắm trong phiền não, còn cảm thấy rằng quá sung sướng thật là đáng thương xót!

Chúng ta sinh ra trong hồ đồ, chết đi cũng hồ đồ, ngủ cũng hồ đồ, tỉnh lại cũng hồ đồ. Sống như thế có giá trị gì? Ðó có phải là không muốn làm người chăng? Không phải, nhưng bạn có muốn biết sinh từ đâu đến? Chết đi về đâu chăng? Có người nói:"Tôi biết làm thế nào để chết đi, hoặc uống thuốc độc, hoặc nhảy xuống sông, hoặc thắt cổ. Không biết phải vậy chăng?". Ðó gọi là tự tử, không những không được giải thoát mà còn tăng thêm tội nghiệp. Do đó, ngồi thiền phải nghĩ tưởng biện pháp, tương lai lâm chung thì thân đừng bệnh khổ, tâm không tham luyến (Tài, sắc, danh, ăn, ngủ), ý không điên đảo, như nhập thiền định, hoặc cười mà đi, hoặc tự nhiên mà đi, hoặc thấy Phật Di Ðà tay cầm hoa sen đến tiếp dẫn, biết trước giờ phút lâm chung, biết trong cuộc đời những gì đáng làm đã làm xong. Tu hành thì phải vì như thế, nếu không biết những sự việc như thế thì hồ đồ cả một đời, cũng không được nói chết rồi thì hết. Một đời hồ đồ đã qua, đời sau tái sinh lại hồ đồ nữa, như vậy thì vĩnh viễn vẫn hồ đồ, thật là đáng thương xót!

Chúng ta ngồi thiền, học Phật là muốn không hồ đồ, muốn chân chính hiểu biết về bản thân bộ máy hóa học này, làm thế nào kiến lập lại bộ hóa học, nghiên cứu chân khoa học sở dĩ nhiên. Bạn đi tìm khoa học bên ngoài là bỏ gốc theo ngọn. Nếu bạn hiểu bản thân rồi thì đắc được trí huệ. Học Phật tức là học đại trí huệ, làm bậc đại trượng phu trong nhân gian.

Ðiều Phục Con Khỉ

Giảng ngày 29/08/1987

Tu hành, ai cũng đều có vọng tưởng, trong tâm ai cũng đều có con khỉ. Cho nên "Tâm viên ý mã". Tại sao đem tâm so sánh với con khỉ? Vì con khỉ hay nhảy nhót, không khi nào yên được. Vọng tưởng con người cũng lăng săng, không có lúc nào ngừng, chạy đông tây nam bắc, không ở lại khoảng giữa, vì không ở lại khoảng giữa cho nên hướng ngoại truy cầu, mà quên mất chính mình. Có người hỏi Khổng Tử:"Ví như có người dọn nhà, mà quên mang theo vợ con đi, việc này có thể chăng?" Khổng Tử đáp:"Không những quên mất vợ con mà chính thân mình cũng quên luôn". Người ngày nay cũng đều quên thân, cũng quên tâm luôn. Không đếm xỉa đến tự tính, như vậy tâm luôn chạy bên ngoài, không biết thu hồi lại, suốt ngày bận rộn, bôn ba, từ sáng đến tối cũng không biết bận chuyện gì. Ðây là quay lưng với giác ngộ mà hợp với trần lao, nhận giặc làm con, quên mất bổn phận của mình, Phật tính vốn có cũng không nhớ tới, từ khi sinh ra đến khi chết, cả một đời cũng không nhận ra, đều sống trong mộng huyễn bọt bóng, sống trong sự say sưa chết đi trong giấc mộng, tìm không được ông chủ nhân của chính mình.

Hiện tại ngồi thiền là vì hàng phục tâm. Kinh Kim Cang có nói:"Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm", tức là dạy bạn đừng chấp trước, mà hãy điều phục tâm viên ý mã của bạn, thì đó là sơ bộ đi trên con đường giác ngộ. Nếu hàng phục không được, thì dù trải qua số kiếp nhiều như bụi, cũng khó mà ra khỏi luân hồi, ví như nấu cát mà muốn thành cơm, không có lý vậy. Do đó, chúng ta tu hành sống với đại chúng thì giữ khẩu nghiệp, ngồi một mình thì nhiếp tâm, nếu cùng với đại chúng thì không nên nói nhiều. Nếu một mình thì phải đề phòng tư tâm vọng tưởng. Lâu dần thì tâm từ từ sẽ chuyên nhất. Cho nên:"Trụ tâm một chỗ, không việc gì mà chẳng xong".

Ðến lúc, đại trượng phu sẽ hoàn tất mọi sự, những gì cần làm đã làm xong, phạm hạnh đã vững, không thọ thân sau nữa, liền thoát khỏi luân hồi, dứt sinh tử. Tại sao bạn chưa dứt sinh tử? Vì bạn không chế tâm tại một chỗ, còn tham đồ hư danh, chấp trước cảnh bên ngoài, cho nên thường thường dụng công phu không tiến bộ. Có chân công phu thì không lo không sầu, không nghĩ, không biết. Cho nên có câu:

"Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo,

Học đáo như ngu thỉ kiến kỳ".

Nghĩa rằng:

"Luyện thành khờ khạo mới là khéo,

Học đến như ngu mới thấy kỳ".

Công Ðức Tĩnh Toạ

Giảng ngày 17/9/1987

"Nhược nhân tĩnh tọa nhất tu du,

Thắng tạo Hằng sa thất bảo tháp".

Nếu có người tĩnh tọa trong thời gian rất ngắn khoảng một Sát na mà như như bất động, liễu liễu thường minh. Hết thảy trần lao, vọng tưởng tạp niệm đều ngưng bặc thì hết thảy trí huệ liền phát sinh. Lúc đó nhận rõ pháp vốn không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Hiểu rõ pháp tự tính vốn thanh tịnh bất động, liền trở về cội nguồn. Tháp bảy báu như số cát sông Hằng là pháp hữu vi, có hình tướng, còn tĩnh tọa là pháp vô vi. Vô vi mà vô bất vi. "Tĩnh cực quang thông đạt". Tĩnh đến cực điểm, thì trí huệ quang liền hiện tiền, không còn điên đảo. Lúc này liền hành đạo bồ đề, phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác. Do đó so với tạo tháp bằng bảy báu thì thù thắng hơn. Lúc đó mới thật bố thí, thật trì giới, thật nhẫn nhục, thật tinh tấn, thật thiền định, thật trí huệ, đều tu lục độ, đầy đủ vạn hạnh. Tại sao chúng ta không có trí huệ? Vì từ sáng đến tối chuyên truy cầu bên ngoài, chưa hồi quang phản chiếu, phản cầu chính mình, cho nên làm việc thì hồ đồ, bỏ lìa tự tính ngày càng xa, không biết quay đầu cho nên:

"Biển khổ không bờ,

Quay đầu sẽ thấy bến".

Biển khổ là biển thế gian, tuy nhiên không có bờ mé, nếu hiểu mà biết quay đầu lại thì sẽ lìa khổ được vui.

Người thế gian thì cầu danh cầu lợi, mệt tâm nhọc sức, ngày càng thêm ngu si. Vì bị năm dục trói buộc, nhìn không thủng, buông chẳng đặng. Cho nên không được tự tại, chạy đi tìm bên ngoài. Nếu nhìn thấu suốt, buông xả đặng thì đắc được tự tại, sẽ không chạy lăng săng bên ngoài. Cho nên bản tính không lay động, không lấy không bỏ, không thiếu không thừa, không ta không người. Lúc này chứng được vô sinh pháp nhẫn, quay đầu chuyển mình, mới biết trời cao đất rộng. Tại sao con người bị sáu căn, sáu trần, sáu thức câu thúc? Tại vì bỏ quên nguồn gốc tự tính, chưa phá được nguồn gốc vô minh. Nguồn gốc vô minh tức là dục niệm, tổng cộng có năm thứ: Tài, sắc, danh, ăn và ngủ. Năm dục này bám chặt lấy chúng ta, tháo gỡ không ra. Nếu thoát khỏi tài dục thì vướng vào sắc dục, nếu thoát được sắc dục thì vướng vào danh dục, thậm chí tài sắc danh và ăn có thể thoát ly được, nhưng lại vướng vào ngủ. Mỗi ngày mà ngủ không đủ tám tiếng thì chịu không được, bằng không thì cảm thấy ăn nuốt không vào. Tại sao? Vì bạn chấp trước về sự ngủ. Nếu không chấp trước thì không biết mình đã ngủ hay chưa, đều không thành vấn đề. Tài, sắc, danh, thực dục cũng lại như thế. Bạn buông xả được thì đắc được tự tại. Khởi niệm thì việc theo đó mà phát sinh, bặc niệm thì việc theo đó mà diệt. Cho nên có câu:

"Tâm bặc niệm dừng thật giàu có,

Lòng dục đoạn sạch ruộng phước thật".

Nếu bạn không khởi vọng tưởng thì là đại phú quý. Ðoạn hết lòng tư dục mới là thật sự hưởng phước. Nếu còn chút tơ hào tư dục thì còn bần cùng. Bạn muốn có phước chăng? Nếu muốn thì đừng khởi nhiều vọng tưởng, đừng bị năm dục trói buộc, nếu không thì chẳng được tự tại.

Tứ Thiền Không Phải Là Tứ Quả

Giảng ngày 04/10/1987 tại Kim Sơn Tự

Tỳ Kheo Vô Văn, tu hành đắc được cảnh giới tứ thiền, cho rằng đã chứng được tứ quả A La Hán. Nói dối là chứng Thánh, tự đi sai đường cho nên đọa vào địa ngục vô gián.

Cảnh giới tứ thiền:

1. Sơ thiền:"Ly sinh hỷ lạc địa". Các mạch máu đều ngừng lại.

2. Nhị thiền:"Ðịnh sinh hỷ lạc địa". Hơi thở ngừng lại.

3. Tam thiền:"Ly hỷ diệu lạc địa". Niệm trụ rồi nhưng chưa xả hết.

4. Tứ thiền:"Xả niệm thanh tịnh địa". Niệm cũng xả hết thì bất cứ xuất định nhập định vọng tưởng cũng không sinh.

Tứ Thiền Thiên này là phương tiện ngồi thiền, chẳng phải là pháp cứu kính. Tỳ Kheo Vô Văn cho rằng cảnh giới này là chứng quả La Hán, đó là vì thiếu trí huệ, nói dối, kiêu ngạo, chưa chứng mà nói là chứng.

Ngồi thiền đạt đến Tứ thiền xả niệm thanh tịnh địa rồi, quán tâm bên trong, tâm chẳng thấy tâm ; quán hình bên ngoài, hình chẳng thấy hình ; quán vật từ xa, vật chẳng thấy vật. Tam phẩm tức ngộ, chỉ thấy nơi không. Quán không cũng không, sở không cũng không. Không không cũng không. Dục (niệm) há sinh chăng? Dục tức không sinh, tức là chân tĩnh, thường ứng thường tĩnh, thường thanh tĩnh vậy. Nếu được như thế thì với Phật tính hợp mà làm một thể. Ðây là một thứ cảng giới khinh an, chớ đừng được ít cho là đủ. Trung đạo tự vẽ, phải tiếp tục nỗ lực, không ngừng tu tập, mới chứng sơ quả.

Sơ quả gọi là Nhập Lưu, nghĩa là nhập vào dòng Thánh, ngược dòng với phàm phu, trần lưu phần đông đều bị sáu căn sáu trần làm ô nhiễm sáu căn: Mắt tai mũi lưỡi thân ý. Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn cộng với sáu trần là mười hai xứ. Giữa sáu căn và sáu trần sinh ra sáu thức cộng thành mười tám giới. Trong Kinh Lăng Nghiêm phân tích rất rõ ràng. Nếu không chấp trước mười tám giới thì sẽ giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, trở về cội nguồn. Tu thiền thì phải hiểu rõ đạo lý này, không thể lầm lẫn, nhận giặc làm con, mọi người phải cẩn thận.

Tại Sao Vọng Tưởng Ðiên Ðảo

Giảng ngày 10/10/1987 tại Chùa Kim Sơn

"Nếu người nhận được tâm,

Ðại địa không tấc đất".

"Một niệm không sinh toàn thể hiện,

Sáu căn hốt động bị mây che".

Tham thiền đả tọa phải nhận rõ bổn tâm của mình, thấy tự tính mình. Phải từ tâm tính mình mà dụng công. Tại sao hết thảy chúng sinh khởi vọng tưởng điên đảo? Bạn muốn không điên đảo, nhưng vẫn cứ điên đảo. Bạn không muốn khởi vọng tưởng, nhưng vọng tưởng vẫn cứ lăng săng, không làm chủ được chính mình. Tại sao? Vì bị tất cả cảnh giới bên ngoài làm lay chuyển, bên trong không có định lực, cho nên mới bị cảnh vật bên ngoài làm lay động. Ðối với cảnh giới bên ngoài đến, tin cho là thật, nhận giặc làm con, nhận khổ cho là vui, suốt ngày bận rộn bôn ba, nghĩ kỹ càng thì cũng không biết cứu kính là vì cái gì? Từ sinh ra cho đến chết, cuối cùng cũng không minh tâm kiến tánh. Vì chưa rõ bổn tâm thấy bổn tính, cho nên mới hướng ngoại truy cầu, lưu chuyển sinh tử, trôi nổi trong biển nghiệp, lúc lên lúc xuống, phiêu lưu không cố định. Cuối cùng quay lưng với giác ngộ mà hợp với trần lao, truy cầu danh lợi. Ðó là bị vọng tưởng chi phối, bị sáu trần mê hoặc. Cho nên:"Một niệm không sinh toàn thể hiện". Ngồi thiền tập định, ngồi đến "Tĩnh cực quang thông đạt", thì sẽ khai mở trí huệ. Nếu tiến thêm một bước nữa thì "Một niệm không sinh". Như vậy sẽ khoát nhiên quán thông, vạn sự vạn vật, không có gì mà chẳng hiểu biết, không có gì mà mắt nhìn không thấu suốt.

Hiểu biết hết thảy vạn sự vạn vật trên thế gian, mà không bị cảnh giới làm lay chuyển, ngược lại chuyển biến được hết thảy cảnh giới. "Tám gió thổi không động", thì dù ngàn đao vạn mũi tên bắn đến thân bạn, cũng giống như bắn vào hư không, vì bạn đã hợp với hư không mà làm một, đồng thể với pháp giới. "Túng ngộ phong đao thường đản đản, giả nhiêu độc dược dã nhàn nhàn". Lìa hết thảy khổ, đắc được hết thảy vui thì dù ở trong khổ, cũng chuyển khổ thành vui, trong tâm không còn khổ tồn tại. Lúc này bạn muốn đến địa ngục thì địa ngục cũng biến thành hoa sen, đến ngạ quỷ thì ngạ quỷ cũng sinh về thế giới Cực Lạc. Hết thảy súc sinh đều thoát khỏi súc sinh, được sinh về thế giới Cực Lạc. Tại sao lại như thế? Vì bạn có oai lực và cảm ứng.

Trong Ðại Bi Sám có nói:

"Nếu tôi đến núi đao, núi đao tự sụp đổ.

Nếu tôi đến hầm lửa, hầm lửa tự tắt hết.

Nếu tôi đến địa ngục, địa ngục tự tiêu diệt.

Nếu tôi đến ngạ quỷ, ngạ quỷ tự no đủ.

Nếu tôi đến Tu La, ác tâm tự điều phục.

Nếu tôi đến súc sinh, tự đắc đại trí huệ".

Nếu tâm có thể chuyên nhất, niệm Chú Ðại Bi, "một niệm không sinh", thì đến núi đao, núi đao liền sụp đổ, hầm lửa cũng tắt hết. "Một niệm không sinh" thì không còn vọng tưởng. Niệm Chú Ðại Bi, địa ngục cũng tiêu diệt, ngạ quỷ cũng đều no đủ. Nếu có lòng nóng giận, vì có tính A Tu La, nếu hướng về A Tu La niệm Chú Ðại Bi, thì A Tu La cũng cải ác hướng thiện, không còn nóng giận. Súc sinh thì ngu si, nếu hướng về súc sinh niệm Chú Ðại Bi, thì súc sinh sẽ khai mở đại trí huệ. Nếu người nào tu được tam muội định lực, thì chuyển biến được hết thảy tai nạn, gặp xấu hóa thành tốt, gặp rủi ro thành may mắn.

"Sáu căn hốt động bị mây che". Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Mắt thấy sắc vì sắc mà động, tai nghe tiếng, vì tiếng mà động, mũi ngửi mùi, vì mùi mà động, lưỡi nếm vị, vì vị mà động, thân giác xúc vì xúc mà động, ý duyên pháp vì pháp mà động. Nếu sáu căn không động thì hóa thành sáu vị hộ pháp bảo vệ tự tính, tự tính không giao động thì sáu căn không bị sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm lay động, cho nên có đại định lực. Nếu sáu căn hốt động thì giống như mây phủ che lấp trí huệ quang minh. Mọi người phải tu pháp bất động, cho nên phải tu thiền tập định.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]