Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 5

24/04/201320:27(Xem: 3141)
Phần 5

NHÂN SINH YẾU NGHĨA

HT Tuyên Hóa

Thích Minh Định dịch Việt

5

Mượn Giả Tu Chân

Giảng ngày 25/04/1987

Thần Tú Ðại Sư có làm bài kệ:

"Thân là cây Bồ đề,

Tâm như đài gương sáng,

Thời thời siêng lau chùi,

Ðừng để dính bụi bặm".

Chúng ta muốn thành Phật, phải mượn cái giả mà tu cái chân. Thân thể giả này cũng phải dụng công phu. Tại sao nói thân thể là giả? Thân thể của chúng ta là do bốn đại giả hợp mà thành. Bốn đại là đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng trong thân thể như gân cốt, thuộc về đất, chất lỏng như máu mủ, nước dãi, thuộc về nước, nhiệt độ ấm thuộc về lửa, hơi thở thuộc về gió. Thân thể là do bốn đại giả hợp mà thành. Trong thân thể chúng ta, ngoài ra còn có Phật tánh. Phật tánh này tu cho tốt thì thành Phật, nếu không biết tu, thì thành quỷ. Thân con người cũng giống như bộ máy hóa học, xem bạn phóng khứ vật gì đi, nếu như phóng khứ đi vật tốt thì có được sản phẩm tốt, nếu phóng khứ đi vật không tốt thì có được sản phẩm không tốt.

Trên căn bản Phật tính có thể khống chế thân thể này, nhưng có lúc thân thể không nghe lời, không giữ quy cụ, làm việc không hợp pháp. Bạn dạy nó đừng tu hành thì nó rất phấn khởi vui mừng, bạn dạy nó nhẫn nại thì nó không cảm thấy không dễ dàng làm được, bạn dạy nó nóng giận thì nó cảm thấy rất dễ dàng. Lại nói thêm một ví dụ đơn giản nữa, về nam nữ. Nếu bạn kêu nó xuất gia tu đạo thì nó không muốn, nếu bạn kêu nó mau đi tìm đối tượng thì nó rất phấn khởi vui mừng.

Phật tính ở trong thân thể bốn đại giả hợp, giống như người ở trong phòng. Phòng của con người ở cũng cần đất, nước, gió, lửa tạo thành phòng có tác dụng gì? Là dùng để ở. Nếu không có người ở, phòng bỏ không thì sẽ hư hoại. Con người đến lúc chết, Phật tính rời khỏi thân thể, thì thân thể sẽ thối nát, tan rã, đất nước gió lửa, trả về cho bốn đại.

Nhưng con người muốn tu thành Phật, cũng phải nhờ thân thể bốn đại giả hợp này giúp đỡ Phật tính, cho nên Thần Tú Ðại Sư làm kệ rằng:"Thân là cây bồ đề" ; bồ đề là giác, thân thể chúng ta giống như một thân cây "Giác". "Tâm như đài gương sáng". Chân tâm của chúng ta là Phật tính, Phật tính này vốn nhìn không thấy, nhưng bây giờ đặt cho một ví dụ, gọi nó là "Ðài gương sáng". "Thời thời thường lau chùi", phải luôn luôn lau chùi Phật tính cho sạch sẽ, "Ðừng để dính bụi bặm".

Bài kệ trên là đại biểu pháp môn tiệm ngộ, phải tuần tự đi lên, từng bước từng bước tu hướng tới trước, lúc trước chưa khai ngộ phải từ từ lần lượt, không thể vượt bậc mà tiến, nói:"Tôi một khi ngồi xuống liền khai ngộ". Ðó gọi là "dã hồ thiền", mới có hiện tượng cổ quái. Người chân chánh dụng công thì tâm không tán loạn, như như bất động, thời thời khắc khắc không quên dụng công. Lúc trước có giảng qua, ngồi thiền thì đầu lưỡi uốn lên hàm trên, có nước dãi thì nuốt vào, vì nước dãi khiến cho thân thể điều hòa, trị được bách bệnh, cho nên gọi là "cam lồ thủy", nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng của bạn.

Trước đã nói xong bài kệ của Ngài Thần Tú. Bây giờ giảng bài kệ của Ngài Lục Tổ Huệ Năng:"Bồ đề vốn không thân", vì Lục Tổ là người đốn ngộ, Ngài thật sự đã hiểu bổn thể, cho nên nói giác vốn chẳng phải là một thân cây, không thể chấp vào hình tướng. "Gương sáng cũng không đài". Gương sáng dụ cho Phật tính quang minh, nhưng Phật tính này chẳng có cảnh đài ở trong đó. "Vốn không một vật". Phật tính vốn chẳng có vật gì, sạch sẽ thanh tịnh, lại "Chỗ nào dính bụi bặm"?

Hai bài kệ trên, đại biểu đốn và tiệm hai pháp môn, chúng ta không nên lầm cho rằng Thần Tú nói sai, Lục Tổ nói mới đúng. Thực ra đây là hai giai đoạn mà người tu hành phải đi qua con đường này.

Chúng ta ngồi thiền cũng như tằm làm kén, bị thất tình (Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ác, dục), lục dục trói chặt. Tuy nhiên thất tình không thể lập tức đoạn sạch, nhưng cũng được giảm bớt phần nào.

1. Hỷ: Không nên vui vẻ quá độ, cười đến phát cuồng.

2. Nộ: Không nên nóng giận, cho nên "Một chút lửa, có thể đốt hết rừng công đức" ; "Ngàn ngày nhặt củi, cháy trong tích tắc". Bạn ngồi thiền thì tâm bình khí hòa. Nhưng khi nóng giận thì bách bệnh phát sinh, khắp mình gân cốt đau đớn, vì lửa sân đã thiêu cây bồ đề cháy sạch.

3. Ai: Không thể bi ai quá độ mà không tiết chế.

4. Cụ: Tâm sợ hãi tất không được chánh đáng.

5. Ái: Thấy sắc đẹp sinh tâm ái dục, thấy kẻ khác có đồ tốt đẹp liền muốn chiếm làm của mình.

6. Ác: Ác với ái ngược nhau, ái đến cực điểm thì chán ghét.

7. Dục: Bao quát hết thảy dục niệm đều không tương ưng với đạo.

Thất tình này phải giảm bớt, cho nên phải luôn luôn thường lau chùi, thất tình giảm xuống đến cực điểm thì không còn nữa, lúc này thường ở trong định, đi, đứng, nằm, ngồi đều là tham thiền, đều là dụng công. Lúc này đã nhận ra bộ mặt thật của chính mình.

Tâm Thanh Thuỷ Hiện Nguyệt

Giảng ngày 26/04/1987

Thiền tức là tĩnh lự. Khi vị duy na đánh ba tiếng mõ thì chúng ta bắt đầu ngồi, phải ngưng bặc hết thảy mọi vọng niệm. Khi nước đục không lắng trong thì không cách chi nhìn thấy đáy được, khi bụi bặm lắng xuống, nước lắng trong, thì mới thấy được đáy.

Hằng ngày tư tưởng của chúng ta thường đầy dẫy các thứ tạp niệm, khiến chúng ta hồ đồ trong sự hồ đồ. Khởi vọng tưởng tốt cũng là hồ đồ trong sự hồ đồ ; khởi vọng tưởng xấu cũng là hồ đồ trong sự hồ đồ. Vì hồ đồ trong sự hồ đồ nên bị trần ai che lấp. Nửa tin nửa ngờ không thể quyết định. Tại sao không thể quyết định? Vì trong tâm quá hôn mê, không nhận ra đâu là tà đâu là chánh, gì là đúng và gì là không đúng. Con người sống hồ đồ trong sự hồ đồ ngày qua ngày, chính mình còn không biết những gì không đúng.

Trước khi tĩnh tọa, mình không bao giờ chú ý đến có vọng tưởng, còn cho rằng mình rất thông minh. Ðợi đến lúc ngồi thiền thì vọng tưởng tạp niệm đều dấy lên. Lúc này bạn mới bắt đầu biết được, cho nên bạn mới biết có vọng tưởng. Thực ra trước khi chưa ngồi thiền, vọng tưởng của bạn mới nhiều, chỉ vì bạn không biết được mà thôi, cho nên bạn cho rằng không có vọng tưởng. Ngồi thiền đừng sợ có vọng tưởng, không nhận rõ nó là cảnh giới vọng tưởng thì chuyển theo nó.

Cho nên "Tĩnh cực quang thông đạt". Tĩnh đến cực điểm thì trí huệ quang minh liền hiện tiền, nhưng quang minh không phải là chân, bạn nhìn thấy quang minh, đó chỉ bất quá là bóng trăng mà thôi, không nên cho đó là chân. Chúng ta tu hành, có chút cảm ứng hoặc chút cảnh giới, không nên được nhỏ cho là đủ, phải tiếp tục nỗ lực, từ từ, mỗi ngày định thời ngồi thiền tập tĩnh ; ngày ngày dụng công, lâu dần công phu thuần thục thì thượng lộ, một khi công phu thượng lộ, thì thời khắc luôn luôn nghĩ muốn dụng công. Tại sao chúng ta không muốn dụng công? Vì không có dưỡng thành tập quán.

Tu hành là tu tâm. Cho nên:

"Tâm thanh thủy hiện nguyệt,

Ý định thiên vô vân",

Nghĩa rằng:

"Tâm thanh tịnh thì như mặt trăng hiện trong nước,

Ý định thì như bầu trời không mây".

"Tâm bình bách nạn tán,

Ý định vạn sự cát".

Nghĩa rằng:

"Tâm yên tĩnh thì trăm nạn tiêu trừ,

Ý định thì vạn sự đều tốt lành".

Chúng ta tu hành phải có kiên, thành, hằng. Không những chỉ có tâm kiên cố mà cũng phải có tâm thành và tâm thường hằng. Nếu chỉ có tâm kiên cố mà không có tâm thành và tâm thường hằng thì chẳng làm gì được. Cho nên phải kiên cố lập chí tu thiền, phải kiên cố như kim cang. Thành tức là kiền thành, thành khẩn, không có tơ hào tâm tán loạn. Lại thêm tâm hằng viễn, không phải một sớm một chiều mà là ngày ngày thời khắc luôn luôn như thế.

Bình thường không cần giảng nhiều ; Ðầu lưỡi uốn cong lên hàm trên, có nước dãi thì nuốt vào, đó là nước nhà mình, cũng gọi là nước cam lồ, thường uống nước cam lồ, sẽ tiêu trừ bách bệnh, thân thể tự nhiên kiện khang.

Biến Hoá Khí Chất Cải Tập Khí Tốt

Giảng ngày 02/5/1987

Mọi người tụ lại đây tập ngồi thiền, thực tế không những chỉ ngồi mà đi, đứng, nằm đều là tham thiền. Cho nên "Ði đứng nằm ngồi, không rời cái này, rời cái này, liền sai lầm". Cái này là cái gì? Tức là thiền, hoặc là tĩnh lự. Làm cho ý niệm quy về một, tức là tập trung tinh thần. Cho nên: "Chế tâm một chỗ, không chuyện gì mà chẳng xong". Tại sao người làm việc chẳng thành công? Vì không có tập trung tinh thần. Nếu tập trung tinh thần, tức là có định lực, có định lực thì trí huệ sẽ phát sinh.

Ngồi thiền không nên cầu thần thông, hoặc cầu hiệu quả gì. Trước hết phải thu thập thân thể cho sạch sẽ, không có các bệnh tật, như thế thì bất cứ tà khí đều không thể xâm nhập vào phạm vi của bạn. Nếu bạn thường có chánh khí thẳng thắn, đầu đội trời, chân đạp đất, thì tự nhiên sẽ phát sinh chánh tri chánh kiến, mà làm bất cứ việc gì không thể không hợp lý, đây là ngồi thiền được chỗ diệu dụng.

Tâm cảnh của bạn có lúc không có sóng nổi dậy, không có phiền não, không có thị phi, không ta không người, dụng công được như thế thì ngồi thiền có hiệu quả. Ðến khi ngồi thiền có công hiệu, bạn tự mình có thể thí nghiệm, bạn có thể hồi quang phản chiếu, tự hỏi mình: Phải chăng tôi vẫn còn tham ăn? Có còn tham những thứ danh lợi không thật? Ðã sửa đổi những thói hư tật xấu chưa? Nếu gặp những chuyện không hợp lý, không như ý, có còn nổi phiền não lên chăng? Nếu như trả lời là "Phải", thì tôi có thể nói bạn ngồi thiền không có tiến bộ chút nào. Nếu như bạn giảm bớt những tập khí ở trên thì công phu tu hành có chút tiến bộ.

Bạn có thể tự kiểm soát:

1. Nói về việc ăn uống! Nếu như giữa thức ăn ngon và dở, bạn đều ăn giống nhau, thì con quỷ tham ăn bị bạn đuổi chạy đi.

2. Làm việc: Phải chăng những việc đối với tôi có lợi ích, tôi đi làm, còn không ích lợi thì không đi làm? Phải chăng tôi rất làm biếng? Nếu như thế, công phu thiền định của bạn không có tiến bộ. Nếu có thể sửa đổi, phàm làm việc gì đối với người có lợi, tôi đều nguyện ý đi làm, phục vụ cho mọi người. Việc đối với mình phạm vi nhỏ, không màng chú ý đến. Nếu bạn có thể như thế thì có thể đuổi con quỷ lười biếng phải chạy đi.

3. Nếu như tinh thần của bạn ngày càng sáng suốt hơn, không hôn trầm buồn ngủ, như thế thì con quỷ buồn ngủ bị bạn đuổi chạy đi. Bạn có thể đuổi con quỷ tham ăn, quỷ lười biếng, quỷ ngủ chạy đi rồi thì đó là sơ bộ công phu ngồi thiền. Từ đó tinh thần và khí chất của bạn nhất định sẽ khác với trước hơn nhiều, "Ðại biến hoạt nhân", nghĩa rằng "Thay đổi con người sống". Cho nên: "Ðồng ở một chùa, nhưng thần khí không giống". Cũng có thể nói: "Cùng ở một chùa, nhưng con quỷ không giống" ; trước kia là quỷ vương, hiện nay là Bồ Tát, hoặc là lúc trước tâm bạn rất độc cay, bây giờ tâm bạn là Bồ Tát.

Làm sao biết ngồi thiền có công phu? Chỉ xem bạn ăn vật gì thì biết liền. Nếu bạn luyện ăn ngon thì ngồi thiền sẽ không đắc được diệu dụng, phải trừ khử hết tập khí mao bịnh, quan trọng nhất là phải trừ khử và sửa đổi phiền não và sân hận. Phiền não không có thì như cát bùn đã lóng xuống đáy, nước lắng trong vắt thì nhìn đặng thấy rõ. Lúc này trí huệ liền hiện tiền, nếu tâm thủy hỗn đục, tức chưa quét sạch vô minh phiền não, tức không có định lực, nếu không có định lực thì đừng nói tới huệ lực. Do đó chúng ta ngồi thiền phải có tâm nhẫn nại, những hành vi, thái độ và các phương diện đều phải cải biến. "Thiền" không phải chỉ ngồi đó mới là tu hành, mà là thời khắc, không lúc nào mà chẳng dụng công. Lâu dần khí chất sẽ thay đổi. Nếu tôi nói đúng thì mọi người có thể chiếu theo làm, nếu nói không đúng thì đừng nghe, hãy quên nó đi. Phải đạo thì tiến, trái đạo thì lùi.

Thiền không phải ngồi ở đây xong, về nhà thì khởi nóng giận. Nếu không có nóng giận thì giống như Phật. Nếu có nóng giận thì giống như quỷ. Bạn phải thường thường mở miệng liền cười, chuyển phiền não qua thì thành bồ đề, dễ như trở bàn tay! Không cần tìm kiếm bên ngoài, hết thảy đều ở trong tự tính.

Cửa Khai Mở Trí Huệ

Giảng ngày 16/05/1987

Mục đích chủ yếu ngồi thiền là khai mở trí huệ. Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta vì không hiểu ngồi thiền, không hiểu tu trí huệ. Cho nên ngày càng ngu si, ngày càng nhiều vọng tưởng, phiền não. Vì sao? Vì không tu hành, không ngồi thiền. Sự khai ngộ thì không có hình tướng, không có nhan sắc, không thể dùng nhãn quang phàm phu để đo lường cảnh giới đã khai ngộ. Cứu kính thì khai ngộ gì? Tức là biết sinh từ đâu đến? Chết đi về đâu? Biết sinh như thế nào? Chết như thế nào? Hiểu biết rồi thì có thể phá vô minh, phá vô minh thì không còn phiền não. Không còn phiền não thì ít vọng tưởng tạp niệm. Tạp niệm ít thì tà niệm cũng ít. Tà niệm ít thì chánh niệm hiện tiền. Trí huệ liền càng ngày càng tăng trưởng. Như cây cỏ mùa xuân, ngày càng lớn nhanh, nhưng nhìn thì chẳng thấy mỗi ngày lớn bao nhiêu. Trí huệ cũng lại như thế, chánh niệm tồn tại thì tà niệm bớt đi, trí huệ liền càng ngày càng tăng trưởng. Bạn nhìn thấy được chăng? Nhìn chẳng thấy đặng. Vì trí huệ là việc thần Thánh không thể thấy được. Bạn có trí huệ chăng? Bạn tự mình cảm giác được. Nếu như bạn không điên đảo, không hồ đồ như lúc trước, chuyên làm những việc nên làm thì bạn có trí huệ ; nhưng nếu bạn còn hồ đồ điên đảo, chuyên làm những việc không nên làm thì đó là ngu si.

Tu hành thì phải trở về cội nguồn, khai phát quặng mỏ trí huệ vốn có, khai quật ra thì liền hiểu biết chân chánh. Chân chánh hiểu biết đến cực điểm tức là Phật, Phật với phàm phu không khác gì cho lắm, chỗ bất đồng là Phật thì người có đại trí huệ. Chúng ta tin Phật không cần cầu thần thông diệu dụng, ba thân, bốn trí, năm nhãn, sáu thông. Chỉ cần bạn tin trí huệ của Phật, chúng ta ai ai cũng đầy đủ trí huệ, không riêng Phật mới có. Phật là người chỉ đường cho chúng ta, chúng ta tiếp nhận con đường mà đi, đi khai phát quặng mỏ trí huệ vốn có.

Hiện tại các nhà khoa học, nhà hóa học, nhà vật lý học, nhà triết học .v.v., đều hướng ngoại tìm đáp án. Thực ra hết thảy đều vốn có đủ trong tự tính chúng ta. Tham thiền là khai mở công xưởng hóa học của thân mình, làm đủ các thứ thí nghiệm. Tham thiền là thí nghiệm hóa học, là mẹ của khoa học, là mẹ của triết lý, có thể khiến bạn khai mở đại trí huệ. Khai mở trí huệ rồi, thì hết thảy mọi vấn đề đều tự nhiên thấu hiểu.

Người thường tham thiền, thì thường phát quật đại viên cảnh trí, bình đẳng tính trí, diệu quán sát trí, thành sở tác trí vốn có. Nếu đắc được bốn trí này, thì năm nhãn, sáu thông không cầu mà tự được. Cho nên không cần hằng ngày đi tìm thần thông diệu dụng, những thứ này là tự tính của chúng ta vốn tự đầy đủ.

Nhưng bạn phải có tâm nhẫn nại, sớm tối ngồi thiền thì sẽ thanh tâm quả dục, tự tính thanh tịnh, trừ khử nhiễm ô, đây là lúc trong bộ máy hóa học làm thí nghiệm các loại, dùng nguyên liệu gì sẽ thu hoạch được sản phẩm đó. Do đó, ngồi thiền thì phải đề khởi chánh niệm. Cũng như cây cỏ mùa xuân từ từ phát triển. Nếu không tham thiền, không tu hành, cũng như đá mài dao, không thấy được sự mất mát, mà càng ngày càng mòn đi. Lúc chúng ta làm việc hồ đồ đã làm mất đi tinh thần quý báu, thân thể lại hư hoại, cuối cùng thì chết đi. Nếu trân tiết thân mình, giữ gìn tinh khiết thì có thể bảo trì thân thể kiện khang, thì trí huệ càng ngày càng tăng trưởng.

Không Cho Rằng Chứng Thánh Mới là cảnh giới tốt

Giảng ngày 17/05/1987

Tham thiền là trong thì điều tâm, ngoài thì điều thân, thân tâm hợp mà làm một. Tức là lời nói, việc làm phải đi đôi, phối hợp với nhau. Ngồi thiền là thu thập tâm viên ý mã, đừng để chạy nhảy bên ngoài, khiến thân thể và cử chỉ hành động đều phải chánh đáng: Ði đường phải chánh đáng, ngồi, đứng, nằm cũng phải chánh đáng, hết thảy phải thứ tự như pháp. Cho nên:

"Hành như phong,

Trạm như tùng,

Tọa như chung,

Ngọa như cung".

Ði thì như gió thoảng, không nên như cuồng phong bạo vũ, đứng thì thẳng như cây tùng, ngồi thì vững như đại hồng chung, nằm thì nằm theo tư thế cát tường.

Nếu đi đứng nằm ngồi phối hợp với tham thiền thì công phu mới dễ tương ưng. Thế nào là công phu tương ưng? Tức là rất khinh an, có một thứ cảm giác nhẹ nhàng khoái lạc, không có vọng tưởng tạp niệm, như nước không có sóng. Vọng tưởng ví như sóng nước. Hãy nhìn sóng trong biển, hết cái này đến cái khác, sóng trong tự tâm cũng lại như thế. Nếu có định lực, trong thì nhiếp tâm, ngoài thì nhiếp thân, thân tâm đều phối hợp với nhau, thì đắc được khinh an. Ðây là sơ bộ công phu. Ngồi thiền là "Ðịnh sinh hỷ lạc địa", một sự phương tiện đầu tiên mà tham thiền phải trải qua con đường này, cho nên đừng được ít cho là đủ. Lúc này phải hướng về trước cầu tiến bộ, không nên chấp trước cảnh giới gì. Nếu cảm thấy mình không phát khởi thì coi như xong rồi, không thể tiến bộ được nữa, con đường trung đạo tự vẽ, công phu từ trước phế bỏ hết, mà không thể thành tựu.

Cho nên Kinh Lăng Nghiêm có nói:"Ðừng cho rằng chứng Thánh, thì là cảnh giới tốt, nếu cho rằng chứng Thánh, tức bị ma cám dỗ". Ðừng cho rằng chứng Thánh, tức là đừng cho rằng công phu của mình đã đến nhà, tôi đã chứng quả khai ngộ, mà sinh tâm tự mãn. Khi sinh tâm tự mãn liền chiêu tà ma ngoại đạo đến, tà ma ngoại đạo tức là tham thần thông.

Nếu cho rằng mình chứng Thánh, tức bị ma cám dỗ, liền rất dễ bị tẩu hỏa nhập ma, nếu tham tiện nghi nhỏ, cảnh giới nhỏ, thì rất dễ lầm vào đường tà.

Do đó, tham thiền không nên chấp trước, không chấp thiện, không chấp ác. Cho nên có câu: "Phật đến chém Phật, ma đến chém ma". Phật hiện thân cũng đừng cho là tốt, đây chỉ là một giai đoạn của sự công phu, ma đến cũng đừng sợ, Phật đến cũng đừng mừng. Bạn sinh tâm mừng cũng dễ tẩu hỏa nhập ma ; sinh tâm kinh sợ cũng dễ tẩu hỏa nhập ma. Tóm lại, hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ác, dục, thất tình đều đừng động tâm. Nếu bạn sinh vui mừng, nóng giận, bi ai, kinh sợ, tham ái, ác độc hoặc dục niệm đều không chánh đáng. Cho nên phải quét cho sạch thất tình lục dục. Ði đứng nằm ngồi phải như nước không có sóng ; một khi động thất tình lục dục thì giống như nước nổi sóng, tâm vương liền không bình an. Nếu tâm vương không động thì tính an định, không ưu không sầu, bình bình tĩnh tĩnh, như nước không sóng thì trí huệ mới hiện tiền. Trong tâm không có tạp niệm, mới sinh trí huệ. Do đó, ngồi thiền phải phối hợp với hành động, không riêng ngồi mới là ngồi thiền, mà là đi đứng nằm ngồi đều phải luôn luôn dụng công.

----o0o---

Nguồn: Chùa Kim Quang

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]