Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VI - CƠ SỞ ĐÔNG Y CỦA KHÍ CÔNG

24/04/201314:16(Xem: 5253)
Chương VI - CƠ SỞ ĐÔNG Y CỦA KHÍ CÔNG

Chương VI

CƠ SỞ ĐÔNG Y CỦA KHÍ CÔNG

Chúng ta thực hành thở đan điền (thở bụng) phối hợp với đi bộ mà các thiền viện gọi là Thiền hành. Thiền hành là đi bộ với sự chú tâm thoải mái nơi hơi thở và bước chân. Đây là một loại Thiền hoạt động căn bản, cần thực tập cho quen, sau đó chúng ta tiến thêm bước nữa là thực hành Thiền hoạt động trong Khí Công Tâm Pháp. Mỗi ngày chúng ta gia tăng tập thở đan điền trong tĩnh lặng, sáng một lần và tối một lần, cùng với Thiền hoạt động (Thiền hành) sáng một lần và tối một lần. Xin thực hành thở đan điền khi đọc phần kế tiếp để biết rõ những lợi ích dựa trên nền tảng Đông Y khi chúng ta tập luyện hàng ngày.

1. Khí Công Tâm Pháp Và Cơ Thể Con Người

Khi tập Khí Công Tâm Pháp, chúng ta chú tâm thoải mái nơi hơi thở và và thực hành 3 điều sau:

1.Vận động để chân khí lưu chuyển điều hòa đến 12 bộ phận trong người (lục phủ và lục tạng) nhằm duy trì sự quân bình và phát triển sức khỏe cơ thể và tinh thần.

2.Vận động để 12 hệ thống thân thể (gồm hệ thống bắp thịt gân, xương, da, dinh dưỡng, bài tiết, tuần hoàn, hô hấp, tuyến nội tiết, miễn nhiễm, thần kinh, sinh sản và hệ thống ba đan điền) được quân bình, điều hòa và khỏe mạnh.

3.Phối hợp Thiền hoạt động và Thiền tĩnh lặng để tạo ra sự buông thư trong các hoạt động hàng ngày, làm cho đời sống của chúng ta vui tươi, tích cực, mạnh mẽ, thông minh, hiểu biết và phát triển.

Như thế, chương trình tập Khí Công Tâm Pháp có hai mục đích quan trọng:

1.Huấn Luyện Chức Năng(Functional Training): Tập các động tác nhằm tạo sức khỏe cho lục phủ và lục tạng cùng với 12 hệ thống trong cơ thể được điều hòa và mạnh khỏe để mỗi thứ hoàn thành chức năng tốt đẹp riêng biệt của mình trong sự phối hợp toàn thể hoạt động của thân thể.

2.Huấn Luyện Điều Kiện Hóa(Conditioning Training): Tạo điều kiện thuận lợi khi tập để sự thoải mái, an vui, thông minh, tỉnh thức xuất hiện cùng với cảm giác khỏe mạnh. Điều này rất quan trọng vì những thứ đó chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ làm nền tảng cho đời sống thông minh và hạnh phúc kỳ diệu của chúng ta.

Cơ thể chúng ta có năm mươi ngàn tỷ tế bào (50,000,000,000,000) kết hợp lại thành 650 bắp thịt, 206 khớp xương lớn nhỏ và các bộ phận trong thân thể. Mỗi lần chúng ta thở vào và thở ra chúng ta đem dưỡng khí vào phổi, từ đó chuyển qua mạch máu nhờ tim đẩy đến khắp nơi trong cơ thể. Trung bình chúng ta thở độ 23,000 lần một ngày và tim đập độ 36 triệu lần mỗi năm. Tim làm việc liên tục cho đến khi chúng ta lìa cuộc đời mà ít khi chúng ta để ý đến sự cần thiết của bộ phận quan trọng này, trừ phi khi tim bị trục trặc! Hơi thở không những đem dưỡng khí vào để nuôi dưỡng thân thể mà còn tống các chất độc ra ngoài.

Ngoài ra, có một điều quan trọng nữa là chúng ta có thể tập thở đan điền làm cho tâm lắng dịu, giải trừ sự căng thẳng (stress), đưa đến sự thoải mái và an lạc Thân và Tâm, từ đó quả tim đập chậm lại làm áp huyết từ từ giảm xuống. Phản ứng chiến đấu kích động hệ thần kinh giao cảm được giải trừ và hệ thần kinh đối giao cảm có cơ hội hoạt động đưa đến sự thư giãn Thân và Tâm. Bộ não chúng ta chứa 100 tỷ tế bào thần kinh, điều hòa mọi sinh hoạt của các bộ phận khác nhau trong người, lại còn thấy biết, suy nghĩ, phân tích, sáng tạo, cảm xúc, nhớ hay động viên Thân và Tâm. Tóm lại, bộ não phối hợp tốt đẹp mọi sinh hoạt hàng ngày của chúng ta.

Một bộ não lành mạnh rất cần thiết cho đời sống của chúng ta. Do đó, chúng ta không những tập cho lục phủ lục tạng được khỏe mạnh mà còn tập cho bộ não buông thư, tỉnh thức, bén nhạy, thoải mái để tiếp xúc được với nguồn năng lượng an lạc có sẵn và có thể biểu lộ bất cứ lúc nào nơi Thân và nơi Tâm. Đó là cách huấn luyện tạo điều kiện hay Huấn Luyện Điều Kiện Hóa cho niềm hạnh phúc Thân Tâm biểu lộ.

2. Âm Dương Và Ngũ Hành

Theo Đông Y, cơ thể được khỏe mạnh khi hai yếu Âm và Dươngquân bình. Sự quân bình này có được do� năm thành phần căn bản kết hợp nên đời sống là Kim (kim khí), Thủy (nước), Mộc (cây), Hỏa (lửa) và Thổ (đất), gọi là Ngũ Hành, sinh hoạt tốt đẹp. Trong cơ thể chúng ta, ngoài các sợi dây thần kinh, các mạch máu còn có một hệ thống chuyển chân khí đến các bộ phận trong người như bao tử, phổi, thận, gan, tim và gọi đó là hệ thống kinh huyệt.� Kinh� là những đường qua đó chân khí chuyển đi từ bộ phận này đến bộ phận khác và huyệt hay huyệt đạolà những điểm ở trên đường kinh hay bên ngoài đường này.

Thông thường, huyệt là những điểm nằm trên đường đi của các kinh và nơi ở gần với phía trên da và thịt nhất. Các nhà châm cứu có thể tác động vào hệ thống các huyệt này qua cách châm kim, đốt nóng, còn giới bình dân thường dùng kim hay mẻ chai để lể hay dùng ống giác để hút hơi ra ở một vài huyệt rất giới hạn. Dĩ nhiên, lể và giác nên tránh hay phải rất cẩn thận khi xử dụng để trị bệnh vì hiện nay có nhiều loại vi khuẩn đang truyền nhiễm bệnh tật ngặt nghèo. Huyệt liên hệ mật thiết đến các đường kinh và tạng phủ liên hệ. Khi các nhà châm cứu kích thích các huyệt bằng kim chích (châm) thì có thể làm thông đường kinh, đưa đến sự phục hồi chức năng của tạng hay phủ liên hệ, làm giảm các hội chứng bệnh lý và phục hồi sinh hoạt bình thường của cơ thể. Như vậy, châm cứu có khả năng vừa chữa trị bệnh tật vừa giúp phòng ngừa bệnh tật. Ví dụ những người bị bệnh tim đập mạnh, tim hồi hộp, mất ngủ, bần thần là các hội chứng liên hệ đến sự yếu kém chức năng của tạng tâm, họ sẽ được các nhà châm cứu dùng kim châm vào nơi huyệt Thần Môn, ở trên khớp cổ tay, ngay phía dưới lòng bàn tay phía bên trong, để chữa trị các hội chứng nói trên.

Huyệt là nơi vinh hay dinh (dinh dưỡng) khí và vệ (bảo vệ) khí chuyển đến, qua lại và cũng là nơi mà chân khí của các đường kinh cùng tạng phủ được vận đến và chuyển đi khắp cơ thể để tạo sự quân bình âm dương, kinh lạc thông, chân khí mạnh mẽ, tà khí không xâm nhập được vào cơ thể nên sức khỏe được tốt đẹp. Khi 6 thứ tà khí xâm nhập vào các huyệt thì sức đề kháng của cơ thể yếu đi nên làm cho bịnh phát sinh. Theo Đông Y thì 6 loại tà khí đó là: Phong (gió), Hàn (lạnh), Thử (nắng, nóng), Thấp (ẩm ướt), Táo (khô hanh) và Hỏa (nóng bức). Do đó, ngoài việc vận động thể lực, tập luyện, dinh dưỡng tốt, chúng ta nên tạo một môi trường sinh sống (nhà cửa, phòng ốc, nơi sinh hoạt, làm việc) tránh sáu loại tà khí nói trên để cho cơ thể được khỏe mạnh lâu dài.

Trong khoa châm cứu người ta châm vào các huyệt để thông các đường kinh và để làm cho chức năng của 12 bộ phận lục phủ và lục tạng được tốt đẹp. Còn trong Khí Công, chúng ta làm thôngcác đường vận hành chân khí hay kinh qua cách hít, nín rồi đẩy hơi hay vận khí đến các tạng phủ liên hệ cùng với các thế tập đặc biệt theo chu kỳ Ngũ Hành Tương Sanhhay năm thành phần căn bản bồi bổ hay nuôi dưỡng cho nhau (hay sanh), bắt đầu từ thổ: Thổ (sanh) ZKim ZThủy ZMộc ZHỏa ZThổ. Mỗi hành nuôi dưỡng trực tiếp một hành khác và gián tiếp ba hành còn lại trong vòng tương sanh.

Chúng ta có 7 thế tập Khí Công Thiếu Lâm và thở 10 lần sau mỗi chu kỳ tập cho sạch hơi nước hay không khí dơ bẩn có thể còn sót lại trong phổi, gọi là tử khí, làm cho phổi hoạt động mạnh hơn. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao trong 7 thế tập Khí Công Thiếu Lâm có đến ba thế Thổ trong khi các thế Kim, Mộc, Thủy, Hỏa chỉ có mỗi thứ một thế mà thôi. Theo Đông Y, Tỳ (lá lách) và Vị (bao tử) thuộc hành Thổ có chức năng rất quan trọng là 'thống nhiếp huyết và vận hóa'liên quan đến cả hai phần khí và huyết của con người. Ngoài ra, tỳ và vị là nơi phát xuất khí hậu thiên, do thực phẩm được tiêu hóa trong tỳ và vị mà sinh ra. Khí hậu thiên, cùng với khí tiên thiên(do di truyền mà có) phát xuất từ thận, giúp củng cố và bồi bổ sức khỏe. Nếu so sánh với các thành phần khác trong ngũ hành thì hành thổ giữ vị trí trung ương, màu vàng là màu của vua (trung cung hoàng cực).

Kinh Dịch nói đất hay thổ có đức tính rộng lớn, muôn vật đều có gốc ở đất và trong ngũ hành thì tỳ thuộc thổ, đóng ở trung cung. Thổ sinh Kim, nuôi Mộc, chứa Thủy, tàng hỏa. Trong cơ thể thì Tỳ (hành thổ) cũng xen kẽ vào các hành khác để điều phối, để đưa đến sự hoạt động quân bình. Hải Thượng Lãn Ông, một danh y Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Năm hành đều thuộc Thổ, muôn vật đề trở về Tỳ". Do đó, trong Khí Công Thiếu Lâm có ba thế tập cho hành thổ, trong khi các hành khác thì chỉ có một thế tập là điều rất phù hợp với quan điểm Đông Y. (Xin vui lòng xem phần chi tiết trong quyển Khí Công Tâm Pháp nói về Âm Dương, Ngũ Hành, sức khỏe và bệnh tật của lục phủ lục tạng liên quan đến sự thông suốt hay trở ngại các đường kinh.)

3. Đại Cương Về Kinh Lạc

Như đã nói, trong cơ thể con người có 12 đường kinh và những nhánh tách ra từ 12 đường kinh này cùng hai mạch Nhâm và Đốc được gọi là lạc mạch. Lạc mạch hợp với 12 đuờng kinh và hai mạch Nhâm và Đốc nói trên tạo thành một màng lưới chằng chịt khắp cơ thể, do đó được gọi là kinh lạc. Nơi đây chúng ta chỉ nói đến 12 đường kinh mà không đề cập đến lạc mạch. Các đường kinh gồm có 6 thủ kinh(3 đường bắt đầu và 3 đường tận cùng nơi bàn tay) và 6 túc kinh(3 đường bắt đầu và 3 đường tận cùng nơi bàn chân). Mỗi đường kinh có tính chất hoặc âm hoặc dương, lại còn phân ra hoặc nhiều (thái) hoặc ít (thiếu), hoặc trung bình (quyết). Đường kinh chạy trong cơ thể nếu nằm sâu phía trong thuộc tạng là kinh âm, nằm ngoài cạn hơn thuộc phủ thì gọi là kinh dương. Đó là căn bản để đặt tên cho mỗi đường kinh. Ngoài tên chính, chúng ta có thể giản dị hóa khi tập cho dễ nhớ như gọi� Kinh Tỳ thay cho Túc Thái Âm Tỳ Kinh. Ta cũng có thể nói đến chức năng, ví dụ Kinh Tỳ (lá lách, tạng) đi chung với Kinh Vị (bao tử, phủ), vì sự tiêu hóa thức ăn còn kèm theo sự chuyển hóa dinh dưỡng, tức là chức năng của Tỳ-Vị�, nói chung là gốc của huyết và thống hay quản lý huyết, là chủ cơ bắp, là tàng ý. Các kinh và tạng phủ liên hệ khác cũng có nhiều chức năng đa dạng như vậy.

Chúng ta có thể tóm lược lý thuyết về các kinh như sau: kinh dẫn Khí tới tạng và phủ nên mỗi tạng và phủ có một kinh riêng. Nội Kinh của Đông Y có nói: "Kinh là cái quyết định sự sống chết, và qua đó hàng trăm bệnh được điều trị." Có 12 kinh chính đi dọc theo hai bên cơ thể để vận chuyển chân khí đến các bộ phận trong người gọi là tạng và phủ. Có sáu tạng là những cơ quan đặc, sáu phủ là cơ quan rỗng, tạng thuộc âm, phủ thuộc dương và kết hợp lại thành một cặp âm dương, mỗi tạng liên hệ với một phủ qua lạc mạch.

Ngũ Hành

Tạng - Âm

Phủ - Dương

Kim

Phế

Đại trường

Thủy

Thận

Bàng quang

Mộc

Can

Đởm

Hỏa

Tâm

Tiểu trường

Thổ

Tỳ

Vị

Hỏa

Tâm bào

Tam tiêu

Bảng 2 (6-1) Ngũ Hành và Tạng, Phủ

Với căn bản lý thuyết trên, chúng ta hiểu rõ các động tác tập luyện là có liên hệ đến sự vận hành của 12 đường kinh chạy dọc theo cơ thể và tận cùng nơi bàn tay hoặc bàn chân. Mỗi lần chúng ta dồn hơi đến một vùng nào là chúng ta vận khí đến vùng tạng phủ liên hệ, đồng thời làm cho đường kinh nơi đó được thông.

image001


Hình 4 (6-1) Sáu Thủ Kinh

image002


Hình 5 (6-2) Sáu Túc Kinh

Khi một đường kinh duy trì được chức năng của nó, nghĩa là tạo ra sự luân chuyển tốt đẹp của chân khí đến một bộ phận liên hệ (như tim) làm cho bộ phận này khỏe mạnh và làm tròn chức năng của nó, thì nó cũng góp phần đưa đến sự quân bình âm dương, nghĩa là trạng thái khỏe mạnh tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra còn có các kinh cân là hệ gân cơ trong cơ thể chúng ta, là nơi chân khí của 12 kinh kết tụ lại và kết hợp các khớp cơ với nhau. Chức năng của hệ gân cơ là nối các khớp xương lại với nhau cho vững chắc. Có 12 kinh cânhay gân cơ tương ứng với 12 kinh chínhvà mỗi kinh cân liên hệ mật thiết với một kinh chính nuôi dưỡng nó. Do đó, khi tập 7 thế Khí Công Thiếu Lâm chúng ta làm cho hệ thống tạng phủ, gân xương cũng như các bắp thịt gia tăng sự khỏe mạnh.

Thế thở làm cho sạch phổi và gia tăng sự khỏe mạnh của hai buồng phổi. Điều quan trọng hơn nữa khi thở chúng ta thực hành sự buông thư� nơi bộ não đưa đến trạng thái an vui, bình lặng và thoải mái lâu dài.

4. Đường Kinh Sắp Theo Ngũ Hành

Bây giờ ta hãy đi vào chi tiết các đường kinh, đặc biệt nơi đây được trình bày theo thứ tự các thế tập là Thổ, Kim, Thủy, Mộc, Hỏa theo quy luật Ngũ Hành Tương Sanh (năm yếu tố nương nhau mà phát triển). Mỗi đường kinh có liên hệ chính hay tác động vào một phủ tạng, đó là một trong chức năng chính của đường kinh này. Ngoài ra, nó còn tiếp xúc với hay ảnh hưởng đến (nghĩa là làm cho tốt hơn hay xấu đi, gọi là sinh hay khắc) một kinh thuộc tạng hay phủ trong mối liên hệ mật thiết tạng � phủ cũng như nối tiếp với một kinh khác trên con đường vận hành của nó. Do đó, sự liên hệ giữa các kinh với nhau rất đa dạng và ảnh hưởng qua lại rất phong phú theo nguyên tắc ngũ hành tương sanh và tương khắc. Một hành, như Thổ chẳng hạn, mà lành mạnh thì làm cho (hay sinh) hành kế được lành mạnh (ở đây là Thổ sinh Kim) và như vậy tất cả các hành đều liên hệ với nhau mật thiết. Sự vận động cơ thể để chuyển vận chân khí đến tất cả các hành Thổ, Kim, Thủy, Mộc và Hỏa làm cho các kinh được thông và các tạng và phủ nhờ đó tiếp nhận được nguồn năng lượng tốt lành hay chân khí nên hoạt động điều hòa khỏe mạnh. Nếu đường kinh bị tổn thương, hay bị bế, thì chân khí không đến được các hành nói trên làm cho chức năng phủ và tạng suy giảm.

Điều chúng ta cần nhớ là mỗi đường kinh không phải chỉ liên hệ đến một tạng phủ (ví dụ Vị kinh) mà nó còn có một vài vai trò quan trọng liên hệ đến nhiều hoạt động khác của cơ thể nên mới nói là có cả các chức năng khác nữa (trong ví dụ này thì thận ngoài chức năng bài tiết còn có chức năng khác như tàng tinh và điều hoà tủy xương).

Chúng ta đã biết mỗi hành Kim, Thủy, Mộc, Hỏa chỉ có một thế tập, trong khi có 3 thế tập cho hành Thổ là do hành thổ có vị thế rất quan trong trong sự duy trì và phát triển sức khỏe. Trong mỗi thế tập lại có hai phần Âm (tạng) và Dương (phủ), trong lúc tập, chúng ta chuyển tay từ Dương sang Âm, và qua sự vận chân khí làm thông các đường kinh liên hệ cùng đưa chân khí đến phủ và tạng, giúp phủ tạng hoàn thành chức nămg tốt đẹp.

a. Hành Thổ : Kinh Tỳ, Vị và Thế Tập Thổ

Kinh Tỳ(lá lách, tạng), Túc Thái Âm Tỳ Kinh, phát xuất từ đầu ngón chân cái (huyệt Ẩn Bạch), chạy dọc theo mặt trong của chân lên bụng, tác động vào lá lách rồi tiếp xúc với kinh bao tử, sau đó chia nhánh: một nhánh đi qua dạ dày vào tim tiếp nối với kinh tim, nhánh kia đi lên trên đến cuống lưỡi.

Chức Năng: Tạng Tỳ chủ dinh dưỡng, nhiếp huyết (làm cho huyết được vận hành tốt), điều hòa cơ bắp, là then chốt của sinh hóa.

Không thông (chức năng tạng Tỳ bị suy yếu) thì bị: Ăn mất ngon, gầy yếu, cảm giác thân năng nề.

Không thông là cụm từ tổng quát để nói về sự lưu thông chân khí trong các đường kinh bị chướng ngại do:

  • Làm việc quá sức,

  • Bị xúc động thần kinh,

  • Căng thẳng kéo dài,

  • Các chất độc do thực phẩm hay ô nhiễm môi sinh tác động gọi là ngoại tà hay tà khí,

Những điều này đưa đến kết quả là chức năng tạng và phủ liên hệ bị suy yếu.

image003


Hình 6 (6-3) Thế Tập Thổ I

Kinh Vị(bao tử, phủ), Túc Dương Minh Vị Kinh, phát xuất từ huyệt Nghênh Hương (nơi nối tiếp với kinh ruột già) đi lên khóe mắt rồi vòng xuống qua hàm răng trên, vào lưỡi, quanh ra môi rồi chia thành hai nhánh: một nhánh vòng lên trên qua phía trước tai, lên phía trên trán, nhánh thứ nhì chạy xuống phía trước thân, tác động vào bao tử, tiếp xúc với kinh lá lách, xuống dọc theo mặt ngoài chân phải, tận cùng ở ngón chân thứ hai ở huyệt Lệ Đoài, nối với kinh lá lách phát xuất từ ngón cái đi lên.

Chức Năng: Phủ Vị chuyển hóa thực phẩm, thông huyết.

Không thông (chức năng phủ Vị bị suy yếu) thì bị: buồn nôn, ói mửa.

Khi tập thế Thổ, liên hệ đến kinh Tỳ và Vị, người Nam đưa tay từ trái (Dương) qua phải (Âm), người Nữ đưa từ Phải (Dương) qua trái (Âm), và để dễ nhớ chúng ta nói Namtả, Nữ hữuđể khi tập các thế chuyển động trước sau hai bên, chúng ta đưa tay trước sau cho đúng.

Khi vận chân khí chúng ta tác động vào hai kinh và tạng phủ Tỳ và Vị này. Cách vận chân khí sẽ được trình bày chi tiết trong phần sau. Tuy nhiên, một cách vắn tắt, ta sẽ phải cảm thấy vùng bụng hơi căng.


image004


Hình 7 (6-4) Kinh Tỳ


image005

Hình 8 (6-5) Kinh Vị


b. Hành Kim : Kinh Phế, Đại Trường và Thế Tập Kim

Kinh Phế(phổi, tạng), Thủ Thái Âm Phế Kinh, từ rốn đi xuống, tiếp xúc với kinh ruột già, quanh lên trên qua hoành cách mô vào hai bên phổi, đi lên họng, ra phía nách, nối với kinh gan, xuống phía ngoài phần trong cánh tay và tận cùng nơi ngón tay cái (huyệt Thiếu Thương) và nối với kinh ruột già từ ngón tay trỏ đi lên.

image006


Hình 9(6-6) Kinh Phế


Chức năng của Phế: Chủ khí toàn thân, thanh lọc Dinh Khí do ẩm thực đem lại, chuyển khí đi và khuếch tán ra da, chủ da và lông tóc, nếu vượng thì da tốt và điều hòa nước trong cơ thể.

Không thông (chức năng tạng Phế bị suy yếu) thì bị: Tức ngực, khó thở, hen suyễn, cảm hàn, đổ mồ hôi, ho.

image007


Hình 10 (6-7) Thế Tập Kim

Kinh Đại Trường(ruột già, phủ), Thủ Dương Minh Đại Trường Kinh, bắt đầu nơi đầu ngón trỏ (huyệt Thương Dương) chạy dọc theo mặt ngoài cánh tay, lên vai rồi vòng ra phía trước. Tại đây chia thành hai nhánh, một nhánh đi xuống qua phổi, hoành cách mô và tác động vào ruột già; nhánh kia đi lên qua cổ, qua hàm và tận cùng ở cánh mũi (huyệt Nghênh Hương) và nối với kinh bao tử.

Chức năng phủ Đại Trường: Chủ bài tiết sau khi tiêu hóa.

image008

Hình 11 (6-8) Kinh Đại Trường

Không thông (chức năng phủ Đại Trường bị suy yếu) thì bị: Táo bón, tiêu chảy.

Khi tập thế Kim thì phổi phồng bụng thóp và có cảm giác hơi căng ở hai vùng này.

c. Hành Thủy : Kinh Thận, Bàng Quang và Thế Tập Thủy

Kinh Thận, tạng, Túc Thiếu Âm Thận Kinh, phát xuất từ phía dưới ngón chân út lên gan bàn chân (huyệt Dũng Tuyền), lên dọc theo bờ sau mắt cá chân phải đến bụng và tận cùng nơi vùng ngực, chỗ xương dòn (huyệt Du Phủ) và nối với kinh Tâm Bào.

Chức năng tạng Thận: Chủ bài tiết, tàng tinh, điều hòa não, tủy, xương, răng, tóc, sinh dục, nạp khí, ngũ dịch.

Không thông (chức năng tạng Thận bị suy yếu) thì bị: Suy yếu toàn thân, mệt mỏi, răng tóc rụng, yếu tay chân, yếu sinh lý.

image009


Hình 12 (6-9) Thế Tập Thủy

image010

Hình 13 (6-10) Kinh Thận

image011

Hình 14 (6-11) Kinh Bàng Quang

Kinh Bàng Quang, (bọng đái, phủ), Túc Thái Dương Bàng Quang Kinh, bắt đầu từ góc phía trong của mắt phải (huyệt Tinh Minh), vòng lên đầu xuống lưng, chạy theo mặt ngoài của chân phải và tận cùng ở ngón chân út (huyệt Chí Âm) rồi nối với kinh thận.

Chức năng phủ Bàng Quang: Chủ nước tiểu, phối hợp với thận.

Không thông (chức năng phủ Bàng Quang bị suy yếu) thì bị: hay mắc tiểu (són đái), đái dầm, rối loạn tiểu tiện.

Khi tập thế Thủy, ta vận chân khí đến phủ tạng Bàng Quang và Thận, tập đúng thì có cảm giác vùng thận và bàng quang hơi căng.

d. Hành Mộc : Kinh Can, Đởm và Thế Tập Mộc

Kinh Can(gan, tạng), Túc Khuyết Âm Can Kinh, khởi đầu từ mặt ngoài ngón chân cái bàn chân mặt (huyệt Đại Đôn), chạy lên phía trên bụng đến ngực và tận cùng ở phía dưới vú (huyệt Kỳ Môn), từ đó nối tiếp với kinh Phế (phổi).

Chức năng tạng Can: Tàng huyết, chủ gân, tham dự vào hoạt động tiêu hóa, điều hòa khí, chi phối gân và qua đó liên hệ đến hoạt động xương khớp và cơ bắp.

Không thông (chức năng tạng Can bị suy yếu) thì bị: Mỏi cơ, đau hai bên hạ sườn, đau lan xuống bụng dưới, mất ngủ, ù tai, lo sợ, giận dữ.

image012


Hình 15 (6-12) Thế Tập Mộc

Kinh Đởm(túi mật, phủ), Túc Thiếu Dương Đởm Kinh, bắt đầu từ phía� ngoài đuôi con mắt bên phải (huyệt Đồng Tử Liêu) vòng qua đầu, đến bả vai, rồi xuống dưới ngực, lưng, chân phải và tận cùng nơi ngón chân áp út (huyệt Thúc Khiếu Âm), từ đó nối với kinh gan ở đầu ngón chân cái.

Chức năng phủ Đởm: Chủ tiêu hóa và chủ nghị lực.

Không thông (chức năng phủ Đởm bị suy yếu) thì bị: Sợ hãi, mất ngủ.

Khi tập thế Mộc, Nam đưa tay trái lên trước, Nữ đưa tay mặt lên trước vận chân khí đến hai tạng phủ Can và Đởm. Cảm giác vùng hai bên hông, nơi chỗ hông ưởn ra, hơi căng.

image013


Hình 16 (6-13) Kinh Can

image014


Hình 17 (6-14) Kinh Đởm

e. Hành Hỏa : Kinh Tâm, Tiểu Trường và Thế Tập Hỏa

Kinh Tâm(tim, tạng), Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh, khởi đi từ tim, ngang qua phổi, xuống nách, chạy xuống bờ ngoài phía trong cánh tay phải và tận cùng nơi ngón tay út (huyệt Thiếu Xung), nơi đây tiếp xúc với kinh Tiểu Trường (ruột non). Một nhánh thứ nhì cũng từ tim đi lên phía trên dọc theo thực quản đến cổ họng, rồi tới mắt.

image015


Hình 18 (6-15) Thế Tập Hỏa

Chức năng tạng Tâm: Chủ huyết mạch toàn thân, nuôi não, tàng thần, chủ tể của toàn thân.

Không thông (chức năng tạng Tâm bị suy yếu) thì bị: Hoại huyết, đau ngực, bụng to, ưu tư, buồn phiền.

Kinh Tiểu Trường(ruột non, phủ), Thủ Thái Dương Tiểu Trường Kinh, bát đầu từ đầu ngó�n tay út của tay phải (huyệt Thiếu Trạch), đi lên phía trên đến khớp vai, đi quanh bả vai, xuống hõm vai chia thành hai nhánh. Nhánh thứ nhất đi xuống tim và bụng; nhánh thứ hai đi lên cổ, góc hàm, má, đuôi mắt rồi vào nơi tai mặt (huyệt Thính Cung), từ đó nối tiếp với kinh bàng quang.

image016


Hình 19 (6-16) Kinh Tâm

018


Hình 20 (6-17) Kinh Tiểu Trường

Chức năng phủ Tiểu Trường: Chủ tiêu hóa, liên hệ với thận và ruột già.

Không thông (chức năng phủ Tiểu Trường bị suy yếu) �thì bị: Đầy bụng, tiêu chảy.

Khi tập thế Hỏa, hai tay đưa lên cùng lúc, vận chân khí đến kinh và tạng phủ Tâm và Tiểu Trường và cảm nhận cảm giác nơi vùng tim và vùng bụng. Tập đúng khi nào có cảm giác vùng tim và bụng hơi căng.

f. Các Kinh Khác: Kinh Tâm Bào và Kinh Tam Tiêu

Kinh Tâm Bào(màng bọc tim, tạng) thuộc hành Hỏa, Thủ Quyết Âm Tâm Bào Kinh, bắt đầu từ ngực, phía dưới nách (huyệt Thiên Trì), đi xuống ba phần của cơ thể là Thượng Tiêu, Trung Tiêu và Hạ tiêu hay Tam Tiêu. Một nhánh khác từ ngực đi ra sườn, qua hõm nách đi xuống chạy theo đường giữa mặt trong cánh tay phải và tận cùng nơi ngón tay giữa (huyệt Trung Xung), từ đó nối tiếp với kinh Tam Tiêu.

Chức năng tạng Tâm Bào: Che chở cho Tâm, chống lại xung kích bên ngoài, chống nhiệt, điều hòa sinh hoạt tim mạch.

020


Hình 21 (6-18) Kinh Tâm Bào

Không thông (chức năng tạng Tâm Bào bị suy yếu) thì bị: Tâm dễ bị ngoại tà xung kích, dễ bị nhiệt làm suy yếu, đau vùng tim, ngực, sườn, có cảm giác tức (khó chịu), tim đập mạnh.

Kinh Tam Tiêu(ba phần của cơ thể, phủ). Tam tiêu không phải là một bộ phận cụ thể, riêng biệt nào trong cơ thể mà là ba phần của cơ thể:

  • Thượng Tiêu: Từ cuống lưỡi đến hoành cách mô, gồm hai tạng tim và phổi.

  • Trung Tiêu: Từ hoành cách mô đến rốn gồm hai tạng là lá lách và gan, và phủ là bao tử.

  • Hạ Tiêu: Từ rốn đến hậu môn gồm có tạng thận và ba phủ là bàng quang, ruột non và ruột già.

021


Hình 22 (6-19) Kinh Tam Tiêu

Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu Kinh, bắt đầu từ ngón đeo nhẫn tay phải (huyệt Quang Xung)� chạy dọc theo mặt ngoài cánh tay, lên phía vai, cổ và vòng phía sau tai rồi tận cùng nơi đuôi lông mày phải (huyệt Ty Trúc Không), từ đó nối với kinh mật. Từ hõm vai, có một nhánh đi vào ngực, tiếp xúc với Tâm Bào. Hai kinh Tâm Bào và Tam Tiêu được gồm trong thế tập Hỏa.

Chức năng phủ Tam Tiêu: Điều hòa Phủ và Tạng. Phía trên thân chủ Tâm Phế, phía giữa thân chủ Tỳ Vị và phía dưới thân chủ Thận Bàng Quang.

Không thông (chức năng phủ Tam Tiêu bị suy yếu) thì bị:Nhức một bên đầu, đổ mồ hôi, bụng đầy chướng, cổ họng đau, tai điếc, đau cánh tay phía ngoài.

Sau thế tập Hỏa, ta còn 2 thế tập Thổ nữa, đó Hỏa Sanh Thổ và Thổ Sanh Thổ.

022

023


Hình 23 (6-20a, 20b) Thề Tập Thổ II và Thổ

Chúng ta tập tất cả là 3 thế Thổ trong 7 thế tập vì Thổ có vai trò điều phối các hành khác, bởi vậy mới có câu nói rằng Thổ sinh Kim, nuôi Mộc, chứa Thủy và tàng Hỏa. Vị thầy thuốc nổi danh Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông có nói rõ: "Năm Hành đều thuộc Thổ, muôn vật đều trở về Tỳ."

Sau khi tập bảy thế Khí Công Thiếu Lâm, chúng ta cần phải thở mười hơi cho sạch phổi theo cách tập hướng dẫn nơi phần sau.


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]