Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. 06/01/95 - 12/01/95 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

23/04/201320:19(Xem: 3685)
13. 06/01/95 - 12/01/95 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

13.

06/01/1995 – 12/01/1995 tại Chùa Từ Ân, Qu. 11

Hỏi: Khi Đức Phật sắp nhập diệt, Ngài A Nan lên tuyên bố rằng: “Đối với lời dạy của Đức Phật, chúng con không còn nghi ngờ gì nữa”. Nhưng chuyện hiểu là một vấn đề, còn tu là một vấn đề; chúng con tâm chí khiếp nhược, đối với việc sinh tử không có phát tâm chơn chánh, đối với lòng tin của Phật tánh không có tánh quyết định, vậy thế nào là chỗ ách yếu của tin tự tâm? Kính xin xin Sư phụ từ bi khai thị, để chúng con được lòng tin quyết định và nổ lực tu hành?

Đáp: Pháp môn Tổ Sư Thiền do Đức Phật thân truyền, còn các kinh điển khác chẳng phải do Phật thân truyền mà chỉ là nói thôi. Trong kinh điển Đại thừa nói có ba thứ thiền quán: Sa ma tha, Tam ma bát đề, và Thiền Na.

Sa ma tha dịch là cực tịnh, trong Kinh Viên Giácthí dụ như âm thanh ẩn trong chuông trống, mặc dầu ẩn trong chuông trống, nhưng hễ đánh lên là có âm thanh phát ra; khi phát ra sự dụng vượt ra ngoài chuông trống, không bị cái chuông cái trống hạn chế. Cũng như tâm của mình, tánh Không khắp hư không, thời gian, vốn chẳng nghĩa lý gì, chẳng nhúc nhích lay động, tức là cực tịnh. Quán cái cực tịnh đó gọi là tu pháp Sa ma tha.

Tam ma bát đề gọi tắt là tam ma đề, có nghĩa là tùy duyên bất biến, như lúa mạ huyễn hóa mà dần dần tăng trưởng, cũng như cha mẹ sanh ra chúng ta, từ đứa bé dần chuyển thành người lớn.

Thiền na dịch là tịnh lự: Tịnh là yên tịnh, lự là tư lự. Theo lẽ thường hễ tịnh là không thể lự, hễ lự là không thể tịnh, nhưng Thiền na thì tịnh lự đồng thời.

Nếu thí dụ theo Tông Thiên Thai thì Sa ma tha bằng như quán Không, Tam ma đề bằng như quán Giả, Thiền na bằng như quán Trung. Ấy là cách thiền mà Đức Phật nói trong kinh điển, gọi là Như Lai Thiền. Như Lai Thiền là pháp thiền theo kinh điển, có nghĩa lý thí dụ, phải vừa học vừa tu, còn Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, chẳng nghĩa lý thí dụ, chỉ cần thực hành thôi, tức chỉ chú trọng chữ NGHI, giữ nghi tình mãi.

Muốn phát khởi nghi tình phải hỏi câu thoại, hễ không biết thì cái không biết đó đụng với tánh ham biết tự thành nghi tình, nghi tình tức không biết, nhìn vào chỗ không biết. Mà nói đến “chỗ” thì không biết làm sao có chỗ? Đó chỉ là phương tiện để diễn đạt mà thôi. Nói tóm lại, tất cả pháp tu của các loại thiền khác là có lý luận và thực hành, còn Tổ Sư Thiền thì không có phần lý luận, chỉ có thực hành, chỉ cần phát khởi nghi tình và giữ nghi tình, rất đơn giản. Cho nên, tôi thường nói đứa trẻ 6-7 tuổi cũng tham thiền được, bà già 80-90 tuổi cũng tham thiền được, nhưng sự thật chứng tỏ là em bé 3 tuổi cũng tham thiền được!

Năm 1991, tôi được mời đi thuyết pháp tại Canada, cùng đi có mười mấy vị Phật tử, trong đó có cô Nguyệt Anh và đứa con 3 tuổi. Cô Anh đã theo tôi tham thiền và thương ngày có dạy con tham thiền, tôi chỉ cho là đứa bé niệm câu thoại, vì tôi thường nói đứa bé 6-7 tuổi mới biết tham thiền.

Khi đến thành phố Toronto, tôi tham quan một quán khoa học, trong đó đang triển lãm một máy điện toán kiểm tra sự hoạt động của bộ não con người. Máy đó chia thành ba mươi mấy cấp: khi bộ não của mình hoạt động nhiều thì đèn hiện ở trên, bớt suy nghĩ thì đèn hạ xuống bớt. Lúc tôi ngồi vào bàn, để tay lên máy, đề câu thoại đầu lên thì ngọn đèn từ trên cao tụt xuống mức thấp nhất và tắt luôn. Tôi muốn thử đứa bé 3 tuổi, xem bé có tham thiền không, bèn ẳm bé ngồi đùi, đè tay bé lên máy và bảo nó: “Tham thiền đi!”, ngọn đèn cũng từ trên tuột xuống và vụt tắt đi.

Lúc đó những người Canada ở chung quanh cảm thấy rất ngạc nhiên, sao cả đoàn ai cũng có thể khiến máy đèn vụt tắt mà họ làm không được?

Tôi bảo họ “Đừng suy nghĩ mới xuống được”.

Họ nói: “Họ không suy nghĩ nhưng nó có chịu xuống đâu!”.

Vì họ đâu thể khống chế bộ não! Những người tham thiền do dùng sự không biết để tu, kể cả đứa bé 3 tuổi chỉ mới tập tu mấy tháng, chứng tỏ cái pháp không biết này ai cũng tu được. Lại có cô Hằng Thiền mà tôi thường kể cũng đi cùng đoàn, công phu của cô nhiều người không thể so bằng, mặc dầu khi cô để tay lên máy đèn cũng từ trên cao tuột xuống và tắt đi, nhưng không nhanh bằng đứa bé đó.

Cho nên, chỉ cần giữ được cái không biết là tham thiền được, chỉ cần tin tự tâm mình đầy đủ tất cả thần thông trí huệ, chẳng kém hơn Phật chút nào. Nay ở Trung Quốc nhiều người cũng thể được sức dụng của tâm, như ông Trương Bửu Thắng, Nghiêm Tân, Địch Ngọc Minh v.v...

Mục đích của chúng ta không phải chỉ thể hiện những thứ đó, hiện được mấy thứ đó hễ chấp vào thì trở ngại cho sự kiến tánh, vì tất cả đều ở trong tâm mình sẵn có, khi kiến tánh đều được hiện ra. Nên Thiền Tông chư Tổ có thần thông cũng không cho ai biết, khi phải hiện ra thần thông thì sau đó liền thị tịch, vì sợ người ta mê thần thông quên chánh pháp. Chỉ có chánh pháp mới đưa người đạt đến tự do tự tại, đó mới là thiết yếu. Chỉ e rằng chúng ta không đạt đến kiến tánh thành Phật, đã thành Phật rồi lo gì không có thần thông!

Hỏi: Con từ trước đến giờ sống trong đường đời vì chén cơm manh áo, nên cũng chẳng biết tu là cái gì, chỉ biết làm phước làm lành, và con cho những cái đó là tu?

Đáp: Nói làm phước lành, cho là đối với con người làm phước lành đi, nhưng đối với tất cả chúng sinh thì ăn thịt chúng, giết mạng chúng, làm sao gọi là làm phước làm lành được? Tất cả Phật pháp đều bình đẳng, và đó thuộc về nhân quả, còn nói đến sự tu, trong cuộc sống, hằng ngày, ăn cơm mặc áo đều là tu cả.

Hỏi: Con nghe Sư phụ nói “ai ăn nấy no”, bấy lâu nay con đi chùa, cúng dường lạy Phật, ý muốn bòn phước cho con cháu, nhưng Sư phụ lại nói là ai làm nấy chịu, con bòn phước đức mà con cháu không được hưỏng, vậy để lại cho ai? Chảng lẽ con phải mang theo sao? Mỗi lần con lạy Phật đều cầu an cho bá tánh, vậy là không được ư?

Đáp: Cô muốn để cho ai? Sự tu là tu cho chính mình, hễ có cầu là không được. Tự mình cầu còn không được, làm sao cầu cho bá tánh? (Sư phụ đã dẫn dụ về nghiệp chướng và con đường gai góc cứt sình, lược qua).

Hỏi: Sư phụ nói là chưa kiến tánh, nếu chưa kiến tánh, thì làm sao ra hướng dẫn tu Tổ Sư Thiền?

Đáp: Đáng lẽ tôi không ra dạy Tổ Sư Thiền, nhưng vào ngày mùng Một tháng 4 năm 1977, khi tôi đi thọ cúng dường tại Tịnh xá Giác Huê quận 5, thì ở chùa Từ Ân, lúc cúng Ngọ thầy Bổn sư của tôi tuyên bố với Phật tử là nngày mùng 2 sẽ có thầy Duy Lực ra dạy Tổ Sư Thiền, ai muốn học thì mời đến. Khi tôi về chùa cũng chưa hay biết gì, đến sáng mùng 2 Hòa thượng mới báo cho tôi rằng Phật tử đã đến, mời tôi ra dạy.

Theo bản ý của tôi là phải đợi kiến tánh cong mới ra hoằng pháp. Hồi xưa tôi tự mình ở trong phòng tọa hương, giường nằm, bàn ghế đều dời cách xa tường để tôi tiện việc kinh hành. Quý vị cũng biết, ở trong chùa vị nào có ra làm Phật sự, tụng kinh mới có lợi dưỡng, vì tôi không có tụng kinh, nên mọi người nói là họ đi làm cho tôi ăn, nên có một thời gian khoảng nửa năm tôi tự đi bình bát khất thực …

Lúc đó, nếu tôi không ra dạy thì e làm mất mặt của thầy Bổn sư, hễ ra dạy lại nghịch với chí hướng của tôi. Cuối cùng tôi nghĩ: Ngài Lai Quả và Hư Vân, hai vị đã kiến tánh mà thầy của hai vị cũng chưa kiến tánh. Theo tôi biết, nếu đi đúng đường lối thực hành thì sẽ kiến tánh. Nay tôi đã nắm được đường lối thực hành, nên nghe lời thầy tôi miễn cưỡng ra hoằng dương Tổ Sư Thiền. Sau một tuần giảng dạy, tôi hỏi qua những người đến nghe có ai thích tu Tổ Sư Thiền không? Trong ba mươi mấy người đến nghe về Tổ Sư Thiền, chỉ có một người mà thôi! Dù chỉ có một người tỗi vẫn tiếp tục dạy, dần dần số người đông dần, từ mấy trăm cho đến mấy ngàn … đã ra hoằng pháp thì không thể dừng lại được, cho đến ngày hôm nay.

Theo tôi thì dù thầy của Ngài Lai Quả chưa kiến tánh, nhưng Ngài vẫn được kiến tánh; thầy của Ngài Hư Vân chưa kiến tánh, nhưng Ngài Hư Vân vẫn được kiến tánh, dù rằng tôi là thầy, tôi chưa kiến tánh, nhưng nếu quí vị kiến tánh trước cũng được vậy!

Hỏi: Theo thường lệ là thầy ấn chứng cho đệ tử, nếu như thầy chưa ngộ mà đệ tử lại ngộ thì có nghịch với tông chỉ của Thiền Tông không?

Đáp: Lịch sử Thiền Tông có ghi về Thiền sư Thần Tán: Thầy của ngài chưa kiến tánh, ngài xin ra ngoài tham học, gặp Thiền sư Bá Trượng rồi kiến tánh quay trở về, vẫn làm đệ tử để chăm sóc thầy. Nhà cửa hồi xưa cửa sổ không có song, chỉ dán một lớp giấy ở ngoài, ban ngày ánh sáng chiếu qua cửa sổ, con ruồi ở trong phòng thấy sáng bèn muốn bay qua cửa sổ, nhưng vì có dán giấy nên cứ dúi vào mãi mà không ra được.

Thiền sư Thần Tán thưa với thầy: Cửa đã mở mà không chịu ra, cứ dùi mãi vào giấy làm chi!

Thầy của ngài cũng biết đệ tử của mình đang ám chỉ thầy cứ xem kinh mãi không thể ngộ, nên nói:

- Mấy năm nay con đi ra ngoài có đắc được gì không?

Lúc đầu ngài không chịu nói ra, Thầy bảo:

- Ta thấy ngươi có những lời nói khác thường, hãy nói thật với thầy.

Ngài mới nói là đã gặp được Ngài Bá Trượng. Thầy nói:

- Sao không chịu nói sớm!

Bèn mời đệ tử lên tòa mời đệ tử thuyết pháp, thầy trở thành đệ tử, sau đó cũng được kiến tánh. Do đó, đệ tử làm thầy, thầy làm đệ tử cũng được vậy.

Hỏi: Con dó đi đến một Thiền đường kia để tham dự, thấy vị sư dẫn chúng tu như sau: Trong giờ tham đều mặc áo tràng, Sư hỏi chỉ định “Niệm Phật là ai? Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, đi hương thật chậm, hai tay để trước ngực, chúng đi trước, sư đi sau, trong Thiền đường có giờ học về Giáo môn. Vậy có tu đúng pháp môn không? Kính xin Sư phụ khai thị?

Đáp: Những gì bà nói không phải Tổ Sư Thiền, Tổ Sư Thiền chỉ có khán thoại đầu và tham thoại đầu, là dùng cái không biết để tu, và không có nghi thức gì cả.

Hỏi: Khi con nhìn vào chỗ đen tối thì lại có cái tâm biết, vậy cách khán như thế nào mới đúng?

Đáp: Tôi chẳng bảo nhất định phải nhìn chỗ đen tối, nói “cái đen tối” là bất đắc dĩ, do không biết nhìn chỗ nào, vì nó chẳng có chỗ, chỗ không biết là chỗ chưa có ý niệm nổi lên. Hễ có ý niệm rồi mới có cái biết, ý niệm là năng biết, có năng biết phải có sở biết. Bây giờ không biết thì không có sở, không có năng biết sở biết là không có ý niệm, nhưng vì mọi người không hiểu, không chỗ để nhìn, nên tôi mới phương tiện nói “Nhắm mắt nhìn chỗ đen tối”. Chỉ là tạm thời nhìn chỗ đen tối, khi nào nhìn được rồi thì không cần nhìn chỗ đen tối nữa.

Hỏi: Có phải cái tâm không biết đó ở ngay chỗ nhìn, chứ chẳng phải là mình nhìn vào chỗ không biết?

Đáp: Không phải vậy. Tâm biết và tâm không biết đều là một tâm, nhưng tâm này chẳng hình thể số lượng, dùng cái biết của bộ não tiếp xúc chẳng được, kiến văn giác tri cũng tiếp xúc nó không được, thế thì làm sao diễn tả? Chỉ có thể tạm thời nói “không biết” thôi.

Hỏi: Về việc công phu tham thoại đầu, có cần vận dụng bộ não của mình để tham không? Và có phải bộ não của mình là chánh?

Đáp: Vận dụng cái không biết của bộ não chú chẳng phải vận dụng cái biết của bộ não. Bộ não cáo hai mặt: Một mặt biết và một mặt không biết. Nếu vận dụng cái biết của bộ não để thực hành là Như Lai Thiền, cũng như Thiền quán của Tông Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận, Duyên Thức v.v... còn Tổ Sư Thiền là vận dụng cái không biết của bộ não để chấm dứt tất cả biết của bộ não, sau cùng chỉ có cái không biết, gọi là nghi tình. Khi nghi tình bùng nổ là giờ phút kiến tánh, cái không biết của bộ não cũng tan rã, ngay lúc đó, cái biết và không biết của bộ não sạch hết, cái biết của tự tánh tự hiện khắp không gian thời gian, gọi là Chánh biến tri, tất cả đều biết, chẳng còn cái nào không biết nữa, chẳng còn cái gì để nghi nữa, gọi là đoạn dứt nghi căn, không những gốc nghi hết, mạng căn cũng hết. (Nếu còn một chút gì không biết tức gốc nghi chưa hết). Mạng căn hết tức ra khỏi sinh tử luân hồi.

Hỏi: Con nghe Hòa thượng nói Như Lai Thiền là dùng cái biết để tu, biết để trở về chỗ một niệm chưa sanh; còn Tổ Sư Thiền là dùng cái không biết để tu, nhưng con có điều thắc mắc: Nếu còn cái thân ngũ uẩn này mà nói là không biết thì vẫn còn cái biết để biết cái không biết, vậy có gì sai khác với Như Lai Thiền không?

Đáp: Như Lai Thiền là Thiên Giáo môn, gồm Sa ma tha, Tam ma đề và Thiền na. Trong Kinh Viên Giác, do ba thứ trên đảo qua đảo lại thành hai mươi lăm thứ. Tổ Sư Thiền là pháp thiền trực tiếp, ở ngoài Giáo môn kinh điển, bất lập văn tự, không nhờ Việt Nam văn tự lời nói, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật. Nói đến Tâm là Diệu tâm, tâm này chẳng hình thể số lượng, dùng kiến văn giác tri tiếp xúc không được, nên dùng lời nói diễn tả không được.

Những gì không có hình thể mà có số lượng thì bộ óc nhận biết được, vì cái biết của bộ não có giới hạn, nên phàm là bộ não nhận biết được đều không phải thực tế, Bát Nhã Tâm Kinhnói là “vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý”, vì nó không có thật. Chẳng những lục căn lục trần lục thức không thật, luôn cả Tứ Diệu Đế, Khổ Tập Diệt Đạo đều dùng chữ VÔ để quét; cho đến Thập nhị nhân duyên, Đại thừa Bồ tát … trí huệ của Bồ tát cũng quét.

Ai ai đều nói “tu hành phát trí huệ” tại sao trong Kinh lại nói “vô trí diệc vô đắc”? Vì trí huệ đó đã sẵn, chẳng phải do học mới biết, nếu do học được thì chẳng phải cái bổn lai sẵn có. Như ở trên tôi dùng cảm giác của lớp da để thí dụ: Cảm giác của lớp da là biết, cái biết đó khắp không gian thời gian của cơ thể, đụng chỗ nào cũng biết; một người chạm vào cũng biết, mười đồng thời chạm vào cũng biết; đau, ngứa, lạnh, nóng, trơn, rít … Vậy lúc không có đụng, không có đau ngứa, cảm giác của lớp da có biết không?

- Dạ biết. Kinh Lăng Nghiem nói đó là “biết cái không biết”.

- Dạ phải.

- Vậy cái biết đó do học mới biết, hay là không học cũng tự biết?

- Dạ, không học cũng sẵn sàng.

- Thế thì tại sao ông chấp vào phải học rồi mới biết? Lớp da thuộc cơ thể của mình, là sờ thấy được, chẳng cần học cũng đã biết, huống là Phật tánh, là hơn sự biết của lớp da, là cái sẵn sàng bổn lai. Nay mình tham thiền là muốn phát hiện cái sẵn sàng bổn lai chẳng phải do học, bây giờ ông hiểu chưa?

Hỏi: Vâng, con đã hiểu nhưng vẫn còn thắc mắc: Nếu không học là không tham khảo kinh điển thì làm sao nhận được chỗ đó?

Đáp: Thì đã nhận được rồi phải thực hành thôi.

Hỏi: Vậy là lúc ban đầu vẫn phải dĩ huyễn độ chơn chứ? Phải tham khảo kinh điển cho sâu rộng rồi mới nhận được chỗ đó chứ?

Đáp: Hôm qua tôi có nhắc đến đúa bé 3 tuổi trong chuyến đi Canda, bé có biết gì đâu, nó vẫn tham thiền được mà, đâu cần phải tham khảo kinh điển!

Hỏi: Có phải ngày nay Hòa thượng dạy pháp tham thoại đầu là vì lúc trước Hòa thượng không tham khảo kinh điển?

Đáp: Tại ông chấp thật cái biết của bộ não, nay thôi nói cho biết: Nếu ông muốn tham Tổ Sư Thiền, thì phải đem tất cả những gì biết được của bộ não, cho đến những gì khi xưa học được, ngộ được, quăng xuống biển hết, trở lại thành một người khờ ngốc không biết gì cả, mới có thể tương ưng với Tổ Sư Thiền. Nếu cứ nhớ cái hiểu biết của bộ não hồi xưa, hay là mấy cái ngộ được cho là cao siêu đó thì là chướng ngại, chẳng phải tham Tổ Sư Thiền, dù có tham cũng không thể kiến tánh.

Hỏi: Nếu không có dụng thì lấy gì làm thể?

Đáp: Tôi đã thí dụ về sự cảm giác của lớp da, mà ông nói là đã biết rồi, đó có phải thể dụng đồng thời không?

Hỏi: Nếu đã thể dụng đồng thời thì tại sao còn phân chia Tổ Sư Thiền và Như Lai Thiền?

Đáp: Cái chia đó là người ngu si muốn cứu giúp người ngu si, do người bệnh chấp nặng quá. Như cảm giác của lớp da, thể cũng sẵn sàng, dụng cũng sẵn sàng, làm sao chia ra thể dụng!

Hỏi: Vậy tham cứu kinh điển cũng đâu có trái với Tổ Sư Thiền?

Đáp: Làm sao không trái! Cũng như ông dùng kinh điển để so sánh đã là trái rồi!

Hỏi: Nếu con trái thiền Hòa thượng cũng trái?

Đáp: Phải, do ông trái nên tôi phải trái, vì cái này giải thích không được, nếu tôi không trái thì làm sao giải thích cho ông biết? Trong Kinh Đại Niết Bàn, Ma Ha Ca Diếp hỏi Phật về Thế lưu bố tưởng và trước tưởng, như ông là ở nơi thế lưu bố tưởng sanh trước tưởng, còn tôi giải đáp, mặc dầu cũng dùng thế lưu bố tưởng, nhưng không sanh ra trước tưởng.

Hỏi: Thế thì tham cứu kinh điển cũng vậy nếu không sanh ra trước tưởng?

Đáp: Tại sao muốn tham cứu? Mục đích tham cứu là gì?

Hỏi: Là vì vô lượng kiếp mê lầm …

Đáp: Không phải. Sự tham cứu là muốn biết cách thực hành để giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại. Bây giờ đã biết, đã thực hành rồi, ví như muốn đi đến Sàigòn, lúc chưa biết đường thì phải hỏi, phải tham khảo sách vở để hướng dẫn đường đi, đã biết rồi thì cứ đi sẽ đến, đâu cần cầm bản đồ, cầm sách chỉ đường xem mãi để làm gì? Phải vậy không?

Hỏi: Người kiến tánh có phải là thánh nhân không?

Đáp: Người kiến tánh rồi mới biết là không có thánh, kiến tánh thành Phật rồi mới biết chẳng có Phật để thành. Tôi ví dụ cho ông biết, Thủ đô của Việt Nam là Hà nội, chúng ta chưa đi qua lần nào, nay muốn đi là phải có kế hoạch, hoặc mua vé máy bay, hoặc đi tàu hỏa, xe khách v.v... bây giờ không đi mà cứ hỏi “không biết Hà Nội như thế nào, đường phố ra sao? …” mặc dầu nghiên cứu nhiều bài biết về Hà Nội đến thuộc lòng, rốt cuộc chẳng phải đích thân đi đến. Khi nào tự mình đi đến rồi, cái biết đó mới rõ ràng chơn thật.

Hỏi: Trong thời gian qua, con có nhập thất tại chùa Tam Bảo khoảng hai tháng, trong quá trình tu, lúc đầu con có tiến, nhưng sau một cơn bệnh tự điều trị mà không được giảm, tự nhiên công phu bị lui sụt và tâm con không được yên ổn. Con có quay về Sàigòn, sau khi trao đổi với huynh đệ dù tâm vẫn chưa được yên, nhưng an ổn hơn. Vậy kính xin Sư phụ từ bi giải đáp.

Đáp: Ông nói nhập thất là nghĩa lý gì? Dự Thiền thất gọi là nhập thất hay tự nhốt mình ở trong phòng?

Hỏi: Ở Tam Bảo có hai cách tu: Một là cách thông thường với đại chúng, ngoài ra thầy Trụ trì có cất một cái thất ở vườn nhãn, có chiều dài 4m x 6m, cũng có thể đi kinh hành được. Có hai huynh đệ ở đó trước, nên con về ở chung với hai vị đó, chúng con áp dụng cách ăn Ngọ. Có thể do không hạp nên trong vòng hai tháng đó con bị bệnh đường ruột, sau đó bệnh phù. Con tự điều trị giảm được một phần, nhưng về an ổn nơi tâm để tiếp tục công phu thì nó không tinh tấn.

Đáp: Tôi đã thường nói, Thiền Tông là “bất phá trùng quan bất bế quan”, là sau khi ngộ mới nhập thất, lúc tu là không được nhập thất, có hại chứ không có ích, nay nhiều người thích nhập thất để tu, lại hiều sai về Nhập Ngưu Đồ, ấy là nghịch với tông chỉ của Thiền Tông.

Hỏi: Sư phụ đã khai thị nhiều lần rằng Phật tử phải tin chắc vào nhân quả, chẳng thể do cầu mà được. Vậy phương pháp Tịnh Độ của nhà Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng không đúng, phải không?

Đáp: Đó là phương tiện bất đắc dĩ của nhà Phật, nhà Nho nói: “Giữa hai thứ có hại thì lựa thứ hại ít hơn; hai thứ có lợi thì lựa thứ lợi nhiều hơn”. tánh ham cầu của con người không thể sửa lại được, hễ bỏ thì họ chẳng thể giải thoát. Cho nên bất đắc dĩ bảo họ bỏ hết danh lợi thế gian, chỉ cầu sanh cõi Cực lạc, nhưng chẳng phải chỉ cầu cho bản thân mình, mà phải cầu cho tất cả chúng sinh, trong đó đã là phá ngã chấp rồi.

Người tu tịnh Độ mỗi ngày phải phát đại nguyện, cầu cho tất cả chúng sinh đều vãng sanh Cực lạc. Đã phát đại nguyện thì phải bình đẳng với tất cả chúng sinh, cho đến con muỗi con kiến, cho nên, những người tu Tịnh Độ còn ăn thịt chúng sinh là không bao giờ được vãng sanh. Ví như có người nói là do bệnh nặng phải dùng con gà chưng thuốc, nếu không thì phải chết … Tôi nói: “Nếu tin nhân quả thì chấp nhận cái chết thôi, bây giờ lại đi giết hại chúng sinh khác tạo thêm ác nhân, để sau này phải trả nợ mạng”.

Lại nữa, trong cái cầu của đại nguyện là có sự tu hành, trong Kinh Lăng Nghiêmnói: “Độ nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, con mắt phải không phân biệt xấu đẹp, tai không phân biệt khen chê, mũi không phân biệt thơm thúi, lưỡi không phân biệt ngọt đắng … Tịnh niệm tương tục, tịnh là trong sạch, tâm niệm trong sạch và kéo dài mãi cho đến khi được vãng sanh. Nay nhiều người tu Tịnh Độ đâu có thực hành theo tám chữ này? Nếu được tịnh niệm tương tục thì sự cầu đó chỉ là lúc ban đầu, đã thực hành sâu rồi chỉ còn lại tám chữ “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục” mà thôi.

Thật ra, tám chữ “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục” là Ngài Đại Thế Chí dạy cho người cách thực hành tu Tịnh Độ, nhưng tôi đã từng gặp nhiều người tự nói là tu pháp Tịnh Độ và những vị pháp sư dạy về Tịnh Độ, thì đối với tám chữ này hoàn toàn không dính dáng, không để ý.

Lại nữa, mọi người đều biết về Ấn Quang Đại Sư, Tổ thứ 13 của Tông Tịnh Độ ở Trung Quốc, ngài có một tác phẩm “Ấn Quang Văn Sao”, cũng có người tóm tắt lại tinh hoa của tác phẩm đó, gọi là “Ấn Quang Văn Sao Tinh Hoa Lục”, trong đó hướng dẫn cách tu tông chỉ của Tịnh Độ về Tín, Nguyện, hành: Có ba thứ tin, hai thứ nguyện, và hai thứ hành, đường lối thực hành rất tỉ mỉ.

Do người tu Tịnh Độ không thực hành đúng theo đường lối, lại cho tụng kinh gõ mõ là tu, ăn chay niệm Phật là Tịnh Độ … thật ra, tụng kinh thuộc về Giáo môn chứ chẳng phải Tịnh Độ, và ăn chay niệm Phật chưa Phật là Tịnh Độ, phải đi đúng theo tông chỉ Tín, Nguyện, Hành. Ai ai cũng nói là mình tu Tịnh Độ, ở chùa Tịnh Độ, sự thật thì không biết Tịnh Độ, làm sao được vãng sanh? Đức Phật nói là thật đáng thương xót.

Hỏi: Kinh Lăng Nghiêm có câu “ Thuần tưởng thì đi lên, thuần tình thì đọa xuống,” Nếu tu Pháp môn Tịnh độ đến mức của nó rồi có phải là thuần tưởng không ?

Đáp: Đâu có thuần tưởng? Vì đã niệm trong sạch thì không có tưởng nữa rồi, hễ còn tưởng thì không phải tịnh niệm. Thuần tưởng là suy nghĩ, là vọng tưởng, như buồn, vui, yêu, ghét, tham, sân, si, sát, đạo, dâm v.v.... bất cứ suy nghĩ cái gì đều không phải là tịnh niệm. Còn thuần tưởng của phàm phu sở dĩ được sanh cõi trời là do nhân quả, nhưng không được giải thoát.

Hỏi: Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Con người lúc lâm chung, khi thuần tưởng thì được sanh lên, khi sanh lên mang hai nghiệp phước và trí, tùy niệm tưởng nhớ mười phương Như Lai, tùy ý liền được sanh, vậy là thế nào?

Đáp: Tịnh Độ nói lâm chung mười niệm thì được đới nghiệp vãng sanh. Tôi cũng có giảng: “Nếu thực hành đúng theo tông chỉ của Tịnh Độ, phát đại nguyện và thực hành đúng theo đại nguyện của mình phát, thì chỉ một niệm cũng được vãng sanh”. Nếu chỉ phát nguyện, miệng nói tâm nghĩ mà không thực hành, tức là nguyện suông nguyện giả, lúc lâm chung dù ngàn niệm muôn niệm cũng đâu thể được vãng sanh? Hoặc chỉ được sanh cõi Trời mà thôi.

Hỏi: Trong lúc đọc thần chú, có phải là tịnh niệm không? còn có ngã không?

Đáp: Đọc thần chú thuộc Mật tông, nếu đọc thần chú để đè nén vọng tưởng thì điều đó nguy hiểm lắm, mặc dù đọc đến có thần thông cũng là nguy hiểm. Theo tôi biết, có người dùng lục tự DI Đà niệm mãi, như đá đè cỏ, cũng đè nén được vọng tưởng, lâu ngày rồi cũng phát được thần thông, nhưng vì không phá ngã chấp, tham sân si còn nguyên, nhất là lòng tham. Theo kiến thức vật lý, một vật bị đè mạnh chừng nào thì phản lực mạnh chừng nấy, lúc tu đến mức cao, tâm lực mạnh, vọng tưởng cũng mạnh, khi tham vọng kềm chế không được xảy ra ba tình trạng: Có người ói máu chết liền, hoặc bị phát điên, hoặc bị phá giới, nên rất nguy hiểm.

Thái Hư Đại sư là một vị Pháp sư danh tiếng ở Trung Quốc, Đồ chúng rất đông, ngài cho ba người học trò sang Tây Tạng học Mật tông, sau khi học mấy năm có thần thông rồi trở về Thượng Hải, do hiện được thần thông nên khiến đông đảo Phật tử rất mê say. Thượng Hải rất nhiều Phật tử giàu sang, vì không kềm nỗi lòng tham, cuối cùng các vị bị phá giới và chết vì thần thông.

Hỏi: Khi Phật tử cúng dường tiền cho con, con đem về nuôi cha mẹ,vì con nghĩ rằng cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục, con nuôi như vậy có nhân quả gì không?

Đáp: Nếu cha mẹ không ai nuôi thì mình phải nuôi, việc đó không sao; hễ có anh em khác thì mình phải nuôi, việc đó không sao; hễ có anh em khác thì mình không nuôi. Như câu chuyện của Ngũ Tổ:

Kiếp trước của Ngũ Tổ là người trồng cây tùng, chắc cũng đã kiến tánh, được sanh tử tự do nhưng chưa ai ấn chứng, ngài tìm đến Tứ Tổ xin ấn chứng, Tổ nói:

- Nay ông đã quá già, thời gian hoằng pháp chẳng còn bao lâu, nay hãy đi đầu thai lại rồi tôi sẽ đợi ông.

Ngũ Tổ quay về, dọc đường đi ngang qua một con sông thấy một cô thôn nữ đang giặt quần áo, cô chưa có chồng, ngài hỏi:

- Cô có thể cho tôi ở nhờ được không?

Thôn nữ đáp: Việc này phải xin ý kiến của cha mẹ tôi.

Ngài nói: Cô hứa rồi tôi mới hỏi cha mẹ cô.

Cô ấy gật đầu, ngài liền đầu thai. Do cô chưa chồng mà có mang, cha mẹ cô tức giận, nghĩ rằng con mình thất đức bèn đuổi cô tức giận, nghĩ rằng con mình thất đức bèn đuổi cô ra khỏi nhà. Sau khi sanh, cô đem đứa con thả xuống sông trải qua một ngày đêm mà không chìm mới vớt lên, đi khất thực để nuôi nấng con. Đến năm 14 tuổi, ngài mới gặp lại Tứ Tổ và tu kiến tánh. Lúc đó người mẹ đã già, nên ngài rước về chùa nuôi.

Hỏi: Tại sao Tổ Đạt Ma chỉ quảy một chiếc giày?

Đáp: Theo truyền thuyết, Tổ Đạt Ma đến Trung Quốc muốn truyền pháp môn Tổ Sư Thiền nhưng chưa tìm được người kế thừa, nên ở lại Thiếu Lâm Tự đợi chín năm, sau đó Ngài Huệ Khả mới kế thừa làm Nhị Tổ. Lúc đầu hoằng Pháp, có nhiều vị đang học Giáo môn rồi chuyển qua Tổ Sư Thiền, khiến những pháp sư danh tiếng đương thời nổi lòng ganh tỵ, dùng thuốc đốc muốn giết hại Tổ Đạt Ma. Dù Tổ thừa biết đó là thuốc độc cực mạnh, vẫn uống vào mà không sao cả. Như thế trái qua năm lần bị đầu độc mà không chết, đến lần thứ sáu, bởi đã truyền pháp cho Tổ Huệ Khả, công việc đã xong, Tổ định quay về Ấn Độ, cho nên lần này uống thuốc vào là chết. Sau khi Tổ thị tịch, môn đồ đem chôn ở núi Hùng Nhĩ, sau núi Thiếu Thất.

Một hôm, một vị triều thần tên Tống Vân trên đường từ Ấn Độ về nước, gặp Tổ Đạt Ma gánh một chiếc giày nơi biên giới, bèn hỏi thăm:

- Đại Sư đi đâu?

- Về Ấn Độ.

Tống Vân về triều đình tâu vua rằng ở biên giới có gặp Tổ Đạt Ma, vua không tin, vì mọi người đều cho là Tổ đã chết, bèn sai người khai quật mộ, mở nắp hòm ra thấy trong đó chỉ có một chiếc giày, đó là vật kỷ niệm mà Tổ để lại Trung Quốc. Chiếc giày lúc đầu được giữ trong Thiếu Lâm Tự, sau mấy lần di chuyển, cuối cùng không biết lạc về đâu.

Hỏi: Thế nào là khai giá trì phạm trong luật Tứ phần?

Đáp: Chẳng phải là cô không biết về khai giá trì phạm, nhiều người dạy luật cũng chưa rõ vấn đề này. Chúng ta phải biết căn bản của Phật pháp.

Khai:Ví như uống rượu là phạm giới, có tội phạm giới nhưng không có tội nhân quả, cho nên có thể khai. Khai bằng cách nào? Trường hợp mắc bệnh mà thầy thuốc nói cần uống thuốc rượu mới hết, ngươì ấy khai báo ra lý do, ấy là không phạm.

Giá:Giá là che. Tại sao phải che? Trong giới luật, như một trăm điều về tứ oai nghi cũng chỉ có tội phá giới, không có tội nhân quả. Vậy thì tại sao phải lập ra những giới điều trên? Là vì muốn che không cho người đời phê bình. Ví như ở Ấn Độ, nếu Tu sĩ đi làm ruộng thì người đời phê bình, cho nên làm ruộng là phạm. Ngược lại, ở Trung Quốc, Tu sĩ đi khất thực thì người đời lại chê là con mọt gạo, còn đi canh tác thì được chấp nhận, nên ở Trung Quốc làm ruộng là giữ giới, ở Ấn Độ làm ruộng lại phá giới. Tại sao phải che? vì hễ muốn hoằng pháp thì phải phù hợp với phong tục của địa phương đó.

Trì và phạm:Gồm chỉ trì và tác trì, từ 5 giới, 10 giới, đến 250 giới, 348 giới Thanh Văn, gọi là chỉ trì, tức không làm thì không phạm, còn giới Bồ tát gọi là tác trì, những việc cần làm thì phải làm, không làm là phạm.

Hỏi: Tỳ-kheo ni phải hành theo pháp Bát kỉnh, vậy Tỳ-kheo có thể hiếp đáp không?

Đáp: Không được, nếu vị Tỳ-kheo đó vô cớ hiếp đáp, thì Tỳ-kheo-ni có thể hợp chúng lại Yết-ma. Đáng lẽ theo pháp bát kỉnh, Tỳ-kheo-ni phải đảnh lễ khi gặp Tỳ-kheo-Tăng, nhưng vì vị Tỳ-kheo Tăng đó vô cớ hiếp đáp, nên không nhìn nhận vị Tỳ-kheo đó và không kính lễ.

Hỏi: Những lúc tham sân si khỏi lên là do vô minh mà ra, vậy làm cách nào để diệt tham sân si và ai chịu trách nhiệm về nó? Cái thân này ư?

Đáp: Trong Kinh Duy Ma Cật nói “ Dâm nộ si là giải thoát,” Kinh Lăng Nghiêm nói “Tham sân si là đạo Quỉ, không có tham sân si là đạo cõi Trời. “Giữa hai cái có và không thay phiên nhau xoay chuyển mãi nên có luân hồi. Lại nữa, Tâm kinh nói: “Vô vô minh diệc vô vô minh tận,” do có vô minh mới có tham sân si, đã không có vô minh thì làm sao có vô minh tận? Cho đến vô lão tử: có sanh tử mới có tham sân si, sanh tử còn không có, làm sao có tham sân si, mà nói là tham sân si khởi!

Hỏi: Nếu không có tham sân si tức là thường hằng thanh tịnh ư?

Đáp: Bây giờ tôi hỏi ông: ông có tham sân si không?

- Hiện thời không có.

- Tại sao không có? Nay ông muốn hiểu được tham sân si đó cũng là tham vậy! Thế thì tham sân si của ông từ đâu có?

- Dạ, so cái chấp mà có, nếu không chấp thật thì không có.

- Ông đã biết rồi đó, hễ chẳng chấp thật thì không có tham sân si, vậy sao còn hỏi tôi! Nhưng cái chấp đó từ đâu khởi, biết không?

- Dạ …

(Sư phụ đã giảng về nghiệp chướng và đôi chân dẫm cứt sình, lược qua).

Hỏi: Thế nào là từ tán tâm đến đa tâm, từ đa tâm đến thiểu tâm, rồi nhất tâm, vô tâm, liễu tâm của Ngài Lai Quả?

Đáp: Ấy là phương tiện bất đắc dĩ để khuyến khích hành giả tham thiền, nay nếu chúng ta quết tử tham thiền thì cứ nhìn vào chỗ thoại đầu, dùng cái không biết để tu, đã không biết thì làm sao còn biết đến đa tâm, thiểu tâm cho đến liễu tâm? Giáo môn có một bài kệ: “Nếu khởi tâm tinh tấn, là vọng chẳng tinh tấn, nếu tâm chẳng nổi vọng, tinh tấn vô cùng tận”. Khởi tâm tinh tấn còn không được, huống là muốn biết đa tâm, thiểu tâm làm chi. Đó là Ngài Lai Quả dùng phương tiện để khuyến khích mọi người tham thiền từ từ tiến lên, bây giờ mình tham cũng sẽ tự nó từ từ tiến lên.

Hỏi: Vậy chữ Liễu là thế nào?

Đáp: Liễu là sạch hết, luôn cả cái “vô” cũng không có. Khi chúng ta đến thoại đầu thì tất cả niệm, tất cả vọng tưởng đều không có, tức là vô, nhưng chưa có kiến tánh, phải sạch cả cái vô mới là liễu, đến liễu mới kiến tánh, cho nên có hai câu kệ “Chớ tưởng vô tâm tức là đạo, vô tâm còn cách muôn trùng quan”.

Hỏi: Kính bạch Sư phụ, con nhận thấy co những huynh đệ đồng tham, khi công phu có sở đắc, liền sanh tâm chấp trước rồi những thấy nghe hiểu biết hơi khác thường liền sanh trưởng bản ngã, dùng những suy nghĩ của mình dẫn chứng kinh điển của chư Phật chư Tổ, giải thích một cách sai lầm, nên kính thỉnh Sư phụ nói về cảnh giới ngũ ấm ma trong Kinh Lăng Nghiêm.

Đáp: Trong Kinh Lăng Nghiêmnói về ma ngũ ấm gồm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc thuộc vật chất, thọ, tưởng, hành là suy nghĩ cảm giác, thuộc thể tinh thần, chẳng phải vật chất. Thọ là sự cảm thọ, như buồn, vui … tưởng là suy nghĩ, hành có hai thứ: Một là hành vi, hai là sự biến đổi: Như các tế bào trong cơ thể biến đổi từng sát na, mỗi sát na không biết có bao nhiêu tế bào chết, rối bao nhiêu tế bào sanh. Thức là phân biệt: theo Duy Thức Học chia làm tám thức, tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy Mạt na thức, thức thứ tám là tạng thức.

Tấm thân này hình thành bởi ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức nhưng nó không có chủ; nay nói sắc uẩn là ta cũng không được, nói thọ uẩn là ta cũng không được, tưởng, hành, thức cũng vậy, vốn chẳng thể thành lập cái TA này, nhưng vì do thức thứ bảy chấp thật thức thứ tám là ngã, ngày đêm không gián đoạn, dùng sự suy nghĩ cho là đúng hay, sai, rồi cảm giác vui buồn, phân biệt tốt xấu v.v... tất cả đều không đúng.

Nếu nói một cách thực tế về chủ của chúng ta, đó là Chơn như Phật tánh, cũng gọi là Diệu tâm. Do Diệu tâm không hình tướng số lượng, chẳng thể nhận biết được; những gì có thể nhận biết được là ngũ uẩn, do ngũ uẩn chấp thật mới có thiên ma và tâm ma, tự mình làm hại cho mình, cứ cho những cảm giác suy nghĩ là ta, cho là của mình thì có sở đắc, cái nào không được thì muốn cầu, và có sở sợ. Chẳng biết những cái đó đều không thực tế, đều là việc trong chiêm bao, vì chấp lấy những việc trong chiêm bao cho là thật nên có đủ thứ buồn vui yêu ghét, vì chấp ngã nên chỉ biết lo cho mình.

Đức Phật nói chúng sinh bình đẳng: Ví như trong xã hội có một ngàn người, và phát hành số tiền một trăm ngàn đồng, nếu chia bình quân là mỗi người được một trăm đồng. Bây giờ chính mình đã có một trăm đồng, nhưng vì muốn nhiều hơn nên phải chiếm đoạt của người khác; hễ muốn hai trăm đồng thì trong một ngàn người phải có một người bị chiếm mất, muốn một ngàn đồng thì có chín người bị chiếm mất phần tiền v.v... mà dã tâm của con người đâu chỉ dừng lại ở một ngàn đồng, mà là muốn toàn bộ chín mươi chín ngàn đồng kia là của ta, nếu những người kia không đồng ý thì phải đánh lộn, đổ máu, thậm chí chiến tranh … Chớ nói là người ngoài, trong gia đình anh chị em ruột với nhau, vì tranh giành gia tài của cha mẹ mà đưa đến kiện tụng, giết hại lẫn nhau … ấy cũng là do suy nghĩ cảm giác, chẳng có thật mà chấp cho là thật rồi tự hại mình. Những vấn đề như thế đầy rẩy trong xã hội, mỗi ngày đều có, mắt thấy tai nghe, đau phải chỉ có nói trong Kinh Lăng Nghiêm!

Những thứ kể trên còn chưa phải gọi là ma, Đức Phật đã dạy bảo chúng ta rằng “ngũ uẩn chẳng thật”, Tâm kinh nói: “Vô sắc, thọ, tưởng, hành, thức”, dùng chữ VÔ quét sạch tư tưởng chấp thật của chúng ta, nhưng có ai chịu nghe đâu! Chẳng phải chỉ có người không biết Phật pháp mới không nghe, mà ngay cả những người mỗi ngày mỗi tụng cũng không chịu nghe, cho đến pháp sư giảng kinh thuyết pháp dạy Phật tử mà chính bản thân những vị này còn chưa chịu nghe, cho nên xã hội đủ thứ ma chướng, cứ xảy ra tai nạn hoài.

Nay muốn quét sạch những ma chướng đó phải dùng nghi tình, đạt đến liễu tâm rồi mới có thể quét sạch được.

Hỏi: Có phải hành ấm là trạng thái sanh diệt của tư tưởng?

Đáp: Cũng đúng, vì hành ấm là thay đổi, và tư tưởng thì cứ sát na thay đổi hoài, như ngọn đèn đang đốt cháy, chúng ta nhìn thấy ngọn đèn hình như không thay đổi , nhưng thực nó thay đổi từng sát na, ngọn đèn ở sát na thứ nhất đã chẳng phải ngọn đèn ở sát na thứ nhất, rồi, nó cứ sanh diệt mãi, hành ấm cũng vậy.

Hỏi: Vì bệnh tật của mẹ, con đã bốn lần phát nguyện muốn xuống tóc khi mẹ còn nằm trong bệnh viện: ba lần trước thì mẹ con qua được cơn đau nặng, nhưng con lại không thực hiện được lời phát nguyện của mình, và lần thứ tư thì mẹ con không qua được. Ông thầy của con bảo con hãy tâm nguyện trước bàn thờ Phật, rồi thầy đọc kinh và giá kéo cắt đi ba chùm tóc của con. Vậy con có tội lỗi không?

Đáp: Tại sao cô muốn xuống tóc? Việc xuống tóc đó có ích lợi gì?

- Dạ tại lần đầu tiên khi mẹ con đau nặng, con quá lo sợ cho mẹ con.

- Tại sao cô lại đem việc xuống tóc coi như một điều kiện trao đổi như việc mua bán. Người tại gia nếu không biết được xuống tóc vì mục đích gì, rồi tự tiện xuống tóc và mặc áo Tu sĩ, việc đó chẳng những không có công, còn mang tội giả mạo Tu sĩ nữa.

- Con chẳng có ý muốn tu hành, nhưng vì hồi xưa con thích ăn diện, thích trang điểm, nên con chỉ nghĩ là việc xuống tóc là một sự hy sinh đối với con mà thôi.

- Hy sinh như thế là tạo tội lớn chứ chẳng ích lợi gì.

Hỏi: Vậy thầy con xuống tóc cho con trước chánh điện có tội gì không?

Đáp: Tội là lấy việc xuống tóc coi như một điều kiện mua bán trao đổi. Xuống tóc xuất gia là để chuyên tu, vì muốn giải quyết việc lớn sinh tử, đạt đến tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ do chính mình và cho chúng sinh, nay làm như thế chẳng những không thể báo hiếu cho mẹ, lại gây tội cho mẹ và cho mình nữa.

Hỏi: Kính bạch Sư phụ, trường hợp một vị thầy xuống tóc, chưa thọ Sa di, chỉ tập sự xuất gia, xuống tóc xong không chịu ở với thầy Bổn sư mà bỏ về nhà sống với cha mẹ gia đình, nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng Tu sĩ, như thế có được gọi là người xuất gia không?

Đáp: Không. Theo giới luật nhà Phật, Tỳ kheo phải qua mười năm rồi mới được rời bổn sư, còn Tỳ kheo ni phải mười hai năm. Nếu mới xuất gia đã rời bổn sư là phạm giới. Bổn sư phải có trách nhiệm dạy đệ tử. Nếu là Tỳ kheo, muốn dạy đệ tử phải thông suốt hai bộ luật Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, chứ chưa nói đến vấn đề Phật pháp, nếu không thì lấy gì để dạy đệ tử?

Hỏi: Xin Sư phụ kể về câu chuyện nhân quả của hai ông bà ăn xin hồi thời Phật?

Đáp: Tâm lực yếu thì tạo nhân yếu, tâm lực mạnh tạo nhân mạnh. Hồi thời Phật Thích Ca, có hai vợ chồng nghèo đi ăn xin, trong nhà chẳng có đồ vật gì, kể cả quần áo, hai vợ chồng chỉ mặc chung một cái xà rông, hể người chồng đi xin ăn thì người vợ phải ở nhà và ngược lại, vợ đi xin thì chồng phải ở nhà. Cuộc sống của hai người rất khổ, khi đói khi no, lúc có bệnh lại càng khổ thêm.

Một hôm, gặp một vị Tăng khất thực đi ngang qua nhà, người chồng liền chạy ra xin Sư tạm chờ một lát, rồi quay về bàn với vợ:

- Chắc tại chúng mình kiếp trước không bố thí cúng dường, nên kiếp này nghèo khổ như thế, bây giờ phải bố thí, để mong kiếp sau được tốt hơn.

Người vợ đồng ý, nhưng đâu còn cái gì để bố thí ngoài cái xà rông duy nhất kia? Thôi thì gởi cái xà rông này nhờ Sư đem về cúng dường Đức Phật vậy.

Hai người thừa biết nếu đem cúng dường chiếc xà rông là không còn để mặc ra ngoài xin ăn, phải chịu chết đói ở nhà nhưng vẫn không thay đổi ý định, rồi từ trong lỗ vách đưa chiếc xà rông ra nhờ vị Tăng gởi đến cúng dường Phật.

Khi vị Tăng đến với Đức Phật thì ngài dang tiếp chuyện với ông vua, Phật kể với vua về sự phát tâm của đôi vợ chồng này, vua nghe xong rất cảm động, liền xin Phật đến thăm hai vợ chồng và mang theo tiền, quà tặng cho hai vị, đồng thời phong cho người chồng một quan chức nhỏ.

Nhân mới gieo mà quả lập tức, ấy là vì sự cúng dường này phát tâm quá mạnh, mặc dầu chiếc xà rông kia dơ bẩn chẳng đáng giá, nhưng là phương tiện nuôi sống cho hai mạng người. Cho nên hễ cái nhân mạnh thì quả đến tức thời.

Hỏi: Tham thiền có phải là vọng tưởng không?

Đáp: Đó là nhất niệm vô minh. Tôi thườngnói: Nay chúng ta tham thiền là dùng ý thức, ý thức ngày đêm hoạt động là vọng tưởng, đến chỗ thoại đầu cũng là vô thỉ vô minh. Bây giờ dùng cái biết để tu Như Lai Thiền là nhất niệm vô minh, dùng cái không biết để tu Tổ Sư Thiền cũng là nhất niệm vô minh. Tất cả những gì do bộ não, kiến văn giác tri nhận biết đều là vọng tưởng, Kinh Lăng Giàgọi là “tâm lượng”. Tâm thì không có số lượng, hễ có số lượng của tâm tức là vọng, mặc dầu trí huệ cao nhất vẫn là có số lượng, có số lượng là vọng.

Nghiệp chướng, phiền não, vọng tưởng v.v... là xiềng xích làm bằng sợi chỉ, rơm cỏ; còn Bồ đề, Niết bàn, giải thoát là xiềng xích bằng vàng, mặc dầu rất quý nhưng vẫn là xiềng xích trói buộc, thì đâu có cái nào chẳng phải vọng tưởng đâu! Cho nên, tham Tổ Sư Thiền là học thiền học đạo cũng không cho, bởi vì đã thực hành rồi, còn muốn học cái gì nữa!

Cái nhất niệm vô minh trong cuộc sống hằng ngày là dẫn mình từ khổ vào khổ, còn cái nhất niệm vô minh của tham thiền là dẫn mình từ khổ ra khổ, mặc dầu cũng là nhất niệm vô minh. Sự không biết giữa người biết tham thiền và người không biết tham thiền là vậy.

Hỏi: Thời nay có ai kiến tánh không?

Đáp: Thời gần đây có Ngài Lai Quả, Ngài Hư Vân, Ngài Nguyệt Khê, cho đến vị Tăng sửa đường lộ ở tỉnh Vân Nam. Có những vị do có nhân duyên thì người ta biết được, còn những vị không có nhân duyên thì người đời chẳng biết.

Tại sao nói không có nhân duyên? Như vị Tăng sửa đường lộ ở tỉnh Vân Nam là do Ngài Hư Vân phát hiện mới biết.

Ngài Hư Vân muốn lập ngôi chùa tại núi Kê Túc tỉnh Vân nam. Khi ngài đi hóa duyên, nghe người kể về một vị Tăng suốt ngày sửa đường một mình trải qua mấy mươi năm, mọi người cho tiền thì không nhận, cho gạo chỉ nhận một ít để ăn qua ngày, ngoài ra không lấy gì cả, bất cứ ai đến chào hỏi cũng không màng đến. Hồi xưa đường đi ở vùng đó rất xấu, trở ngại cho người và xe cộ, sau khi được vị Tăng đó tu sửa dần suốt mấy mươi năm khiến đường đi dễ dàng hơn nhiều, và ông vẫn một mình lặng lẽ sửa mãi.

Ngài Hư Vân nghe nói bèn tìm gặp vị Tăng ấy, hai người cùng nhau sửa đường, buổi trưa về chỗ ở của ông ấy, hai người giúp nhau làm cơm, rồi ông tự mình lấy chén đũa, tự ăn một mình, coi như không hề biết sự có mặt của Ngài Hư Vân, mặc cho ngài tự tìm chén đũa, hai người sống ch ung như thế trải qua mười mấy ngày, cùng ăn cùng làm, chẳng ai nói chuyện với ai.

Một buổi tối, đêm trăng sáng tỏ, ngài ngồi trên tngđáở sau chùa ngắm trăng, vị Tăng hỏi ngài:

- Ông làm gì thế?

- Ngắm trăng.

- Trăng ở đâu?

- Sáng vằng vặc.

Vị Tăng ấy nói ra hai câu thiền ngữ, Ngài Hư Vân đáp lại, lúc đó vị ấy mới biết đây là người kiến tánh, mới mừng rỡ và nói chuyện với ngài. Hai người ấn chứng với nhau về sự kiến tánh, vị Tăng kể lại: Ông đã kiến tánh từ hồi hai mươi bốn tuổi ở Chùa Kim Sơn, sau đó đi hành cước đến chỗ này, thấy đường lộ hư hoại nhiều, khó khăn cho sự đi lại, muốn kết duyên như Trì Địa Bồ Tát trong Kinh Lăng Nghiêm, bèn phát tâm sửa đường cho mọi người. Từ lúc hai mấy tuổi đến lúc gặp ngài đã là tám mươi mấy tuổi rồi, nếu không gặp Ngài Hư Vân thì chẳng ai biết vị đó đã kiến tánh. Việc này được ghi lại trong “Hư Vân Niên Phổ”.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]