Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. 20/10/93 - 26/10/93 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

23/04/201319:57(Xem: 3698)
05. 20/10/93 - 26/10/93 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

5.

20/10/93 -26/10/93 tại Chùa Từ Ân, Q.11

Hỏi: Khi chúng con ngồi tham, phải nhắm mắt hay mở mắt?

Đáp: Ban đầu không biết cách nhìn phải nhắm mắt để tập. Tại sao? Vì khi mở mắt thấy những cảnh vật trước mắt, biết cái này là bình, cái kia là tách hễ nhắm mắt là không thấy, không thấy thì không biết, chỉ thấy đen tối mịt mù, cứ nhìn vào chỗ đen tối, mặc dù đó chưa phải là thoại đầu. Nay chưa đến thoại đầu, nhưng phải lấy thoại đầu làm mục tiêu, nhìn chỗ chưa có niệm nào, vừa nhìn vừa hỏi câu thoại để kích thích khởi lên nghi tình, chẳng phải dùng con mắt nhìn, mà dùng tâm, tức tánh thấy để nhìn.

Khi tập đến nhìn được rồi thì mở mắt cũng như nhắm mắt, thấy như chẳng thấy, nghe như chẳng nghe. Tâm Kinh nói “Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn thức giới cho đến vô ý thức giới …”, lục căn tiếp xúc lục trần như không tiếp xúc thì chẳng sanh lục thức, chẳng sanh lục thức tức không biết, không biết này gọi là nghi tình.

Giữ được nghi tình rồi, khỏi cần hỏi câu thoại cũng được, cứ suốt ngày nhìn chỗ mịt mù đen tối, không biết là cái gì, ngài Nguyệt Khê gọi là “hầm sâu đen tối”, Thiền tông hình đung sự đen tối đó là “thùng sơn đen”. Giờ phút kiến tánh được hình dung là “thùng sơn lủng”, đáy thùng lủng thì thấy sáng, nghi tình đến thoại đầu, giờ phút cuối cùng bùng nổ một cái, tức giác ngộ kiến tánh thành Phật, cũng là từ mở mắt chiêm bao thức tỉnh, tất cả khổ trong chiêm bao đều tự mất.

Hỏi: Tham thiền có tâm đợi ngộ, được không?

Đáp: Tâm đợi ngộ là có sở cầu, tức cầu ngộ. Điều kiện đầu tiên tham Tổ Sư Thiền là “vô sở cầu”, chẳng nổi tâm cầu ngộ, cũng đang sợ mình không ngộ, vì có đi ắt phải đến, đi nhanh đến nhanh, đi chậm đến chậm, chứ không cần cầu ngộ đợi ngộ. Đến khi ngộ, chẳng phải ngộ câu đáp án của thoại đầu, mà là ngộ bản tâm bản tánh của chính mình.

Hỏi: Tham thiền muốn tránh tẩu hỏa nhập ma phải như thế nào?

Đáp: Tất cả thiền khác có thể tẩu hỏa nhập ma, Tổ Sư Thiền thì không. Tại sao? Vì các pháp thiền kia là dùng tâm biết để tu, biết thì có yêu ghét, có ham thích, người thì để ý hơi thở, người thì để ý cái này cái kia .. ma có thể thừa cơ đột nhập, còn Tổ Sư Thiền là dùng cái không biết để tu, chẳng yêu ghét ham thích, nên ma chẳng có dịp để quấy phá.

Hỏi: Người chưa ăn chay trường có thể tham Thiền được không? Có được lợi ích gì?

Đáp: Nếu tham đúng theo tông chỉ Tổ Sư Thiền thì được lợi ích. Ăn chay chẳng phải có công đức gì như người đời thường hiểu lầm, ăn chay thuộc về nhân quả: Vì chúng sanh bình đẳng, tất cả đều có Phật tánh, hễ giết một mạng, phải trả một mạng, ăn cục thịt phải trả cục thịt, mình ăn người ta thì người ta sẽ ăn lại mình ... chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau. Kiếp này người ăn dê, kiếp sau con dê làm người, người làm con dê cứ thay phiên ăn nuốt lẫn nhau, cũng như tự mình ăn thịt mình vậy.

Hỏi: Tổ Sư Thiền ngồi 2-3 tiếng đồng hồ có lỗi gì không? thay vì đi nửa tiếng ngồi nửa tiếng?

Đáp: Ngồi mười tiếng cũng không có lỗi. Lỗi chẳng tại ngồi mà tại chấp tâm. Bất cứ chấp cái gì, chấp ngồi cũng thành lỗi, chấp đi cũng thành lỗi, kể cả chấp Phật cũng thành lỗi, nếu chẳng chấp thì không thành lỗi. Ví như Cõi Tứ Không, nhập định tám muôn đại kiếp, đâu có lỗi ! Chỉ do chấp mà không ra khỏi sanh tử luân hồi, chứ chẳng phải do ngồi.

Hỏi: Trong Tứ Hoàng Thệ Nguyện có câu “Vô lượng pháp môn thệ nguyện học”, nếu Thiền tông chỉ tu một pháp môn, chỉ bám chặt câu “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” mà cố giữ lấy pháp tu của mình, khi ra hoằng pháp làm sao có thể thích ứng với mọi căn cơ? Ví như gặp người thích Phật Di Đà thì ta phải tán thán Phật Di Đà; gặp người thích Phật Thích Ca thì ta tán thán Phật Thích Ca v.v. . .Do đó, con kết luận: Đạo phải như trái banh trên mặt nước, có thể luân chuyển được bốn phươngtám hướng, nếu chỉ nói về Tổ Sư Thiền thì con thấy hạn hẹp quá?

Đáp: Lời của ông nói rất đúng, nhưng khi hoằng hóa phải dạy người ta nhất môn thâm nhập. Ví như trường đại học nơi thế gian, học đến cao rồi, chỉ chuyên một ngành, chứ chẳng thể học bao quát được.

Cũng như chế tạo máy bay, một người chẳng thể học hết toàn bộ hệ thống trong máy bay ... Nhưng nếu người dạy biết hết là tốt. Tại sao? vì đều bao gồm trong Tự tánh. Như Chư Tổ kiến tánh rồi, bất cứ hỏi về tông phái nào đều trả lời được, đều dạy được. Ví như Thiền sư Trung Phong, có người hỏi về Tịnh độ thì ngài dạy pháp Tịnh độ, nên người đời đồn rằng ngài kiến tánh rồi sao còn học pháp Tịnh độ, ấy là sai!

Mặc dù tôi chưa kiến tánh, nhưng người ta hỏi về pháp nào tôi phải trả lời pháp đó. Tôi đi các nước Canada, Úc, cho đến các trường Phật Học Cơ Bản ở Việt Nam, Phật tử hỏi về pháp Thiền của tông Thiên Thai;về pháp Tín, Nguyện, Hành của Tịnh độ v.v... tôi phải trả lời theo pháp đó, dạy về đường lối tu Tịnh Độ ... Đa số người tu Tịnh Độ chỉ biết có Tây phương Tịnh độ, thật ra còn có Đông phương Tịnh độ, Đâu Suất Tịnh độ … Cho nên, đâu phải tôi bắt buộc mọi người phải tu Tổ Sư thiền! Chỉ là tôi chuyên hoàng dương Tổ Sư Thiền thôi.

Hỏi: Theo con nghĩ! khi Phật Thích Ca vừa thành đạo, nghĩ rằng chẳng thể dùng Nhất Phật thừa để dạy chúng sanh, nên thuyết Tan thừa. Nay sư phụ tự nói chưa kiến tánh, lại dùng Nhất Phật thừa độ chúng con, vậy có sái ý của Phật không?

Đáp: Cô cho cái gì gọi là Nhất Phật Thừa, cái gì gọi là Tam Thừa? Kinh Pháp Hoa nói: “Duy có Nhất Phật thừa, chẳng có hai và ba”, nói hai nói ba đều là phương tiện.

Mặc dù nói nhất thừa, nhưng bao gồm tất cả; chẳng những Tam thừa, kể cả thế gian công thương kỹ nghệ, đến tà ma ngoại đạo đều bao gồm trong đó, chẳng có cái nào ở bên ngoài. Tại sao? Vì chơn tâm khắp không gian thời gian, đâu có cái gì ở ngoài!

Do có tâm phân biệt nên bị hạn chế, như tôi thường nói: Hạn chế cái Không ở trong cái tách, hạn chế cái Không ở trong cái bình; thật ra, cái Không ở trong tách và ở trong bình đâu có khác nhau? Cái Không ở trong nhà và ở ngoài nhà đâu có khác? Chỉ là tự mình hạn chế nhỏ lại rồi cho là khác. Đủ thứ khác biệt đều do tự mình hạn chế, kỳ thật đều ở trong Nhất thừa.

Do tâm của mỗi người mỗi khác, trong Phật pháp nói đến hữu học và vô học, vô học cao hơn hữu học, vậy thì không cho học, đừng học, được không? Nếu không cho học thì tu không được, rồi chìm đắm mãi trong sanh tử sao? Cho nên, Đức Phật đặt ra đủ thứ phương tiện, tám mươi bốn ngàn pháp môn, tùy theo căn cơ để giáo hóa. Do đó, mặc dù tôi chuyên hoàng Tổ Sư Thiền, nhưng cũng tùy theo căn cơ dạy các pháp môn! ai hỏi pháp môn nào tôi trả lới theo pháp môn đó.

Hỏi: Sư phụ dù chỉ rõ hạt châu trong áo của chúng con, nhưng Sư phụ là người phước trí vẹn toàn còn chưa kiến tánh, vậy chúng con phải tu đến bao giờ?

Đáp: Nếu tự tin có hạt châu thì hãy lấy ra xài, đâu cần tìm nơi khác!

Hỏi: Sư phụ còn chưa lấy ra được, chúng con làm sao lấy ra?

Đáp: Mặc dù hiện nay tôi chưa lấy ra được, nhưng cũng xài được chút đỉnh. Tại sao? Tôi chưa có học qua Viện Phật Học một ngày nào, tuy không có học kinh,nhưng nay người nào hỏi về kinh gì tôi đều giải đáp được. Tôi chưa học qua Giới luật, nhưng khi có người hỏi về giới luật, lời tôi giải đáp khiến họ cử tưởng tôi là Luật sư. Hôm trước tiếp chuyện với Hòa thượng Huệ Hưng, ngài chuyên dạy về Giới luật, cũng tưởng tôi chuyên về Luật, là Luật sư, Hòa thượng Tuệ Đăng chùa Kim Cương cũng tưởng như thế.

Tôi không có học, chẳng qua trong Tự tánh đã sẵn có. Lại nữa, trình độ học của tôi cũng chẳng phải là cao, tôi chỉ học đến tiểu học, nhưng sau này tôi dạy cả học sinh tú tài, tôi trước tác sách Hán văn; đó đâu phải do học, lúc công phu đến mức thì sức dụng của Tự tánh tự hiện. Ví như quí vị hỏi về Phật Pháp, bất cứ điều gì, tôi đều trả lời ngay, đâu cần suy nghĩ!

Ở nước Mỹ, tôi trả tời Phật pháp bằng tiếng Phổ thông qua Đài “Tiếng nói Trung Hoa”, hễ có hỏi là trả lời liền, đâu cần đem theo kinh sách! Cho nên, những người cần học thì phải học, những người chẳng cần học thì khỏi học, chứ chẳng phải người nào cũng giống người nào. Do có chấp tâm cho là phải học, nếu người cần học chẳng cho học, còn người ta không cần học lại bắt học, há có được chăng? Cũng do có tâm chấp, cho là không học tức tu mù, đâu phải vậy!

Thuở nhỏ, người lối xóm gọi tôi là “nấu không chín”, ý nói là thằng khờ, nhưng bây giờ tôi đi thuyết pháp khắp thiên hạ, có ai nói tôi là “nấu không chín” đâu!

Hỏi: Khi con ngồi tham thiền, đủ thứ cảnh giới bao vây lấy con, vậy phải làm sao?

Đáp: Đó đều là vọng tưởng, do vọng tưởng mới hiện ra đủ thứ cảnh vật. Người tham thiền là dùng cái không biết để tu, còn cảnh giới khủng khiếp, cảnh giới vui, cho đến Phật Thích Ca đến rờ đầu thọ ký mình thành Phật v.v... đều là vọng, không biết tới. Đường lối thực hành của mình là không biết, tại sao lại biết đến những thứ đó! Ấy là do tập khí phiền não tự lâu đời, nay cứ giữ lấy nghi tình, bất cứ hiện cảnh giới gì đều mặc kệ nó, hiện cứ hiện, tham cứ tham, chỉ nhìn vào câu thoại đầu tham tới mãi, vậy là được rồi.

Hỏi: Có người lập lại lời “Một hớp nuốt hết nước Tây Giang” của Mã Tổ đáp Bàng Uẩn, vậy có phải là Thiền bệnh không?

Đáp: Không phải, “Một hớp nuốt hết nước Tây Giang” là câu thoại đầu, tất cả công án đều là chỉ chỗ thoại đầu, chứ chẳng phải để cho người giải thích ý nghĩa. Nay thiền Nhật Bổn và thiền Đại Hàn là giải thích công án, chẳng bao giờ kiến tánh được. Tất cả lời của chư Phật chư Tổ ý chẳng ở chỗ lời nói, là muốn chấm dứt tác dụng tìm hiểu, suy nghĩ, ghi nhớ của bộ não. Người tìm hiểu lời nói, suy nghĩ ra đáp án để trình chỉ là kiến giải, chẳng phải là ngộ. Người đã ngộ Phật tánh khắp không gian thời gian, đâu có gì để hỏi nữa.

Hỏi: Thế nào gọi là Thiền bệnh?

Đáp: Trong Kinh Lăng Nghiêmnói đến năm mươi thứ ma ngũ ấm, kể rõ về các thứ Thiền bệnh. Sở dĩ có thiền bệnh, vì có sở cầu sở đắc, có cái ta, ma mới nhập được.

Còn điều kiện đầu tiên của Đường lối Thực hành tham Tổ sư Thiền là phải phá ngã chấp, ta còn chẳng có, ma nhập vào ai? Nếu không phá ngã chấp thì chẳng thể ra khỏi sanh tử luân hồi.

Do có cái chấp, nên mới phải phá, không chấp thì chẳng cần phá; do có cái ta, ma mới nhập được, nếu không có ta, lấy gì để nhập? như Lục Tổ nói “bổn lai vô nhất vật” thì lấy gì để dính bụi trần!

Hỏi: Vừa rồi con có nhập thất, khi công phu xong, con ra ngắm trăng, tự nhiên trong tâm lưu xuất năm câu “Sống điên đảo, nới điên đảo, ăn điên đảo, nghĩ điên đảo, tưởng điên đảo”. Con không biết đó là cái gì?

Đáp: Dẫu cho lưu xuất đúng với Chơn như Phật tánh cũng là vọng, đừng biết tới, nếu khởi lên cái biết, Thiền tông gọi là “cửa của tất cả tai họa”. Tổ Sư Thiền là dùng cái không biết để tu, giữ cái nghi để đưa đến kiến tánh, khi kiến tánh sẽ biết hết. Nay có biết tức chướng ngại cho sự tu, nên nói chữ TRI là cửa tai họa.

Ví như Hòa thượng Thủy Lạo, bình thường đã có công phu nhưng chưa ngộ, xin yết kiến Mã Tổ để trình công phu, Mã Tổ nói:

- Đảnh lễ đi !

Vừa lạy xuống bị Mã Tổ đá nhào một cái liền ngộ.

Ấy là thình lình chặn đứng sự suy nghĩ phân biệt. Ý thức của chúng ta như nguồn suối, ngày đêm chảy xiết, nên cái biết của Phật tánh chẳng thể hiện ra được. Khi thình lình bị chặn đứng thì Phật tánh liền hiện, khỏi cần hỏi nữa, mới biết thủ đoạn của Tổ sư.

Ví như ngài Huỳnh Bá, bảo nhiệm sau khi ngộ. Người khác thì nhập thất để bảo nhiệm, còn ngài lại đi vào một ngôi chùa làm công quả, ai sai việc gì làm việc nấy.

Một hôm, Thừa tướng Bùi Hưu đến viếng chùa, thấy trên vách vẽ một vị cao Tăng, hỏi người chủ chùa:

-Đây là hình tượng của ai?

- Cao Tăng.

- Hình vẽ đây rồi, còn cao Tăng ở đâu?

Chủ chùa trả lời không được.

Bùi Tướng quốc hỏi: Chùa này có Thiền sư không?

Đáp: Có một vị mới đến mấy hôm, đang làm công quả xem cử chỉ thì giống Thiền sư.

- Vậy thì mời Sư đó ra.

Gặp Hoàng Bá, Tướng quốc hỏi:

- Hồi nãy tôi thấy bức tranh này, hỏi Chủ chùa, nhưng ngài lại tiếc lời dạy bảo, chẳng biết Sư có thể chỉ dạy không?

- Xin hỏi.

- Hình tượng ở đây, còn cao Tăng đâu?

Huỳnh Bá hét lên gọi: Bùi Hưu.

Bùi Hưu đáp: Dạ.

- Ở đâu?

Bùi Tướng quốc liền ngộ, khen rằng: “Thật là Thiền sư!”, bèn mời về phủ cúng dường, và lễ Ngài làm thầy. Cho nên, Phật pháp chẳng phải do học, chỉ có Thiền sư kiến tánh rồi mới có cơ xảo đó, khiến người khai ngộ. Nếu người chưa kiến tánh, cứ theo lời nói để trả lời thì làm sao ngộ được ! Nay quí vị hỏi mà tôi trả lời, là muốn khiến cho tin tự tâm đầy đủ, cứ giữ mãi nghi tình, sau này sẽ ngộ.

Hỏi: Người chết rồi tùy theo nghiệp lực vãng sanh nơi lục đạo, vậy địa ngục ở đâu?

Đáp: Địa ngục do tâm tạo, thân này cũng đã tâm tạo, thế giới Ta bà do cộng nghiệp tạo, Thế giới Tây phương cũng là do cộng nghiệp tạo, tất cả đều do tâm tạo, địa ngục cũng vậy.

Hỏi: Sư cô Thanh Hải ở Mỹ tự xưng là Vô Thượng Sư, vậy có đúng không? Nếu không, sao lại có nhiều người theo?

Đáp: Vô Thượng Sư là Phật. Chư Tổ kiến tánh hơn bảy ngàn vị, chẳng vị nào dám xưng là Vô Thượng Sư, vì đó là hiệu Phật, đã chứng quả Diệu giác. Chứng đến Đẳng Giác rồi còn chưa thể gọi là Vô Thượng Sư, trên cõi Ta Bà này, ngoài Đức Phật Thích Ca ra, các vị Bồ Tát, Cổ Phật cũng chưa ai tự xưng là Vô Thượng Sư.

Trong Thiền tông, có một vị Tổ đã kiến tánh nhưng chẳng ai theo. Vị đó mỗi ngày thuyết pháp hai thời, một thời vào buổi sáng và một thời vào buổi chiều, không ai đến nghe; cứ như thế trải qua ba mươi mấy năm vì không có nhân duyên vậy.

Hỏi: Nếu tâm mình nghĩ thiện, nhưng làm không đúng tâm nguyện, vậy có tội không?

Đáp: Nếu phát tâm thiện nhưng chưa có làm, hoặc do hoàn cảnh không cho phép, chứ chẳng phải không muốn làm, cũng gieo được một thiện quả.

Hỏi: Ví như ban đầu phát tâm muốn cúng dường chỗ này, sau lại đem cúng dường chỗ kia, vậy có lỗi không?

Đáp: theo giới Bồ tát thì “niệm sau không được cướp đoạt niệm trước”, hễ cướp thì cũng như ăn cắp. Ví dụ cái tách của mình bị người khác lấy cắp rồi, tự mình khởi niệm coi như bố thí cái tách đó, tức đã không thuộc sở hữu của mình nữa. Dẫu cho sau này có gặp lại, cũng chẳng thể nói “đó là cái tách của tôi” mà lấy lại vì lấy lại tức trở nên phạm tội trộm cắp, vì đã bố thí rồi còn lấy lại, là niệm sau cướp đoạt niệm trước.

Hỏi: Thời gian một đại kiếp là bao lâu?

Đáp: Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp bằng hai mươi tiểu kiếp; một tiểu kiếp là mười sáu triệu bảy trăm chín mười tám ngàn năm. Tức là:

16.798.000 năm x 20 x 4 = l.343.120.000 năm (một tỷ ba trăm bốn mươi ba triệu một trăm hai mươi ngàn năm).

Hỏi: Khi đang tham thiền khởi tạp niệm phải đối trị như thế nào?

Đáp: Khởi tạp niệm cũng tham, không khởi tạp niệm cũng tham, chỉ biết khán thoại đầu là nhìn chỗ không biết, tham thoại đầu cũng là không biết, cứ nhìn như thế thì làm sao biết có tạp niệm? Tạp niệm khởi lên mặc kệ nó, mình tham cứ tham, tham mãi thì tạp niệm muốn nổi lên cũng chẳng được.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]