Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. 14/08/97 - 20/08/97 tại chùa Tam Bảo, Sa Đéc

24/04/201311:10(Xem: 3338)
25. 14/08/97 - 20/08/97 tại chùa Tam Bảo, Sa Đéc

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

25.

14/08/97 - 20/08/97 tại Chùa Tam Bảo, Sa Đéc

Hỏi: Do ái dục nên có sanh tử luân hồi, vậy muốn không sanh tử luân hồi phải làm sao?

Đáp: Phải thoát ra sanh tử luân hồi, muốn ra khỏi vòng sanh tử phải tham thiền, đến khi kiến tánh sẽ ra khỏi sanh tử. Nói về vấn đề ái dục là của Giáo môn, còn tham thiền chỉ cần giữ được nghi tình đến kiến tánh chẳng cần biết ái dục hay không ái dục, hễ giữ được nghi tình thì ái dục làm sao nổi lên? Không những ái dục, không ái dục cũng chẳng nổi lên. Ái dục là dục vọng, không dục vọng cũng chẳng nổi lên, vì dục với không dục là tương đối, nên không cần biết tới.

Hỏi: Người xưa nói: “Tham thiền học đạo là lầm dụng tâm, thành Phật thành Tổ là lầm dụng tâm. Ngoài trừ những cái này ra, làm cái gì chẳng gọi là lầm dụng tâm?” là như thế nào?

Đáp: Ấy là bản tâm vô sở hữu như hư không, nguồn gốc của Phật pháp là như hư không vô sở hữu, nguồn gốc của vũ trụ cũng vậy. Nếu đã vô sở hữu rồi thì ai làm Phật, ai làm Tổ? Hễ kiến lập Phật với Tố là lầm dụng tâm rồi. Ngộ là tại mê, nếu vô sở hữu đâu có mê với ngộ, kiến lập mê ngộ là lầm dụng tâm vậy.

Như bốn bài kệ về chữ TRI của ngài Vĩnh Gia, hễ kiến lập cái biết thì có cái không biết để đối đãi, kiến lập cái sở biết, mặc dù tịch lặng thanh tịnh, cũng là kiến lập, tức có năng sở đối đãi.

Nếu thấu rõ cái vô sở hữu thì lấy gì gọi là thiền, lấy gì gọi là đạo, lấy gì gọi là Phật? Cho nên nói là lầm dụng tâm. Nếu không lầm dụng tâm thì tự nhiên vô sở hữu, dung nạp và ứng dụng, trong bài trích dịch Đại Trí Độ Luận của ngài Long Thọ giải thích rất kỹ, nhiều người đọc rồi cũng không hiểu thấu, chỉ có những người công phu mới lãnh hội được phần nào.

Hỏi: Vừa rồi Hòa Thượng nói tham thiền học đạo là lầm dụng tâm, vậy Hòa Thượng dạy chúng con lầm dụng tâm sao?

Đáp: Đó là do có người hỏi, tôi mới có cái đáp, tức có vấn mới có đáp. Vì hỏi là lầm dụng tâm rồi, mà người hỏi chẳng biết là lầm dụng tâm, qua sự giải đáp rồi mới biết mình lầm dụng tâm, như bây giờ thầy hỏi cũng là lầm dụng tâm vậy. Tôi chỉ là giải thích để cho đừng lầm dụng tâm thôi.

Tâm vốn vô sở hữu, đâu có lầm dụng hay không lầm dụng? Bây giờ nói lầm dụng cũng không đúng, nói không lầm dụng cũng không đúng, vì có sự đối đãi, còn bản tâm là chẳng tương đối, nên gọi vô duyên tri.

Do người hỏi có tâm chấp thật, ví như chấp Phật là thật, chấp đạo là thật, thì đó là lầm dụng tâm, nên ngài Lục Tổ nói bổn lai vô nhất vật thì ở chỗ nào dính bụi trần? Ở chỗ nào lầm dụng tâm? Chỉ cần hỏi và nhìn đi song song, hễ lầm dụng tâm là chướng ngại sự kiến tánh.

Hỏi: Con từ nhỏ tới lớn chẳng nghe lời ai chỉ, bất kể cha mẹ anh em. Con làm những việc trái ngược với đạo lý, bị quả báo rất nặng, nay biết được pháp của Sư phụ, muốn xin qui y và xuất gia. Con về xin phép cha mẹ để được qui y Tam Bảo, trả thân này về cho tứ đại và tiếp tục tu.

Thầy có nói một câu: Gặp hạt giống tốt để cày cấy, sau này đến ngày đến tháng sẽ nẩy mầm, đúng như lời Phật nói.

Đáp: Qui y thì dễ, hãy đăng ký và sẽ tổ chức vào ngày giải thất, còn vấn đề xuất gia để lại sau. Nay tạm làm công quả một thời gian, để người ta xét về hạnh kiểm có tốt không, sau này có giúp ích cho Phật giáo không, thời gian cứu xét thường là ba năm. Nhiều người xuất gia vì buồn chuyện gia đình, cũng có người vì sự nghiệp thất bại, hoặc vì thất tình mà xuất gia, đó chẳng phải chánh nhân, chẳng có ích cho Phật pháp mà chỉ làm hại mà thôi.

Khi xưa muốn xuất gia phải thi, đủ điểm rồi mới cho xuất gia, nay Chùa Tam Bảo là nơi chuyên tu, tứ chúng xuất gia và tại gia, quyền lợi và nghĩa vụ đều bình đẳng, cư sĩ cũng tu như Tu sĩ vậy, khi nào có nhân duyên thì xuất gia cũng được.

Hỏi: Người tham thiền nếu không có kiến giải thì làm sao có chánh tín để tham thiền?

Đáp: Theo Giáo môn cũng biết hữu học còn thấp, đến vô học là cao, nhưng Thiền môn thì siêu việt hữu vô, vô học cũng còn không được, vì vô học với hữu học là tương đối. Nếu bây giờ còn chấp vào tri kiến thì ở mãi hữu học, ví như người học lớp một chẳng chịu lên lớp, đâu thể lên đến vô học? Phải bỏ hữu học mới lên tới vô học, huống là đến vô học rồi cũng còn phải bỏ!

Nếu trong Phật tánh còn có tri kiến, tự tánh nếu không đầy đủ, phải học, thì làm sao nói là như hư không vô sở hữu? Ngài Long Thọ dẫn dụ như hư không vô sở hữu là giải theo Giáo môn, chứ chẳng phải giải theo Thiền môn. Vì Giáo môn là ham kiến giải, nên mới giải thích kỹ càng tỉ mỉ, còn Thiền môn thì khỏi cần giải.

Nói đến hai chữ “Chẳng có”, nếu chấp hai chữ đó cho là chẳng có gì cả vẫn còn không được, là lọt vào biên kiến. Hai chữ “Chẳng có” không phải là đoạn diệt, nếu đoạn diệt thì ai biết chẳng có? ấy cũng như Giáo môn nói “Chỉ cho ý hội, chẳng thể ngôn truyền”. Còn Thiền môn thì ý hội cũng không cho, phải tự ngộ mới được.

Cho nên, hoàng đương pháp Tổ sư thiền thật khó, ngài Triệu Châu là vị Tổ danh tiếng, dưới thiền hội của ngài chỉ có hai mươi người, Tổ thứ chín phái Lâm Tế chỉ có sáu người, nhưng sáu người đều xuất sắc, tất cả hành giả tham thiền sau này đều là con cháu của sáu vị này. Thời nay, trong một tỷ người có được một người kiến tánh cũng đủ vốn rồi.

Hỏi: Việc kiến tánh thì con chưa biết, nhưng nếu sau này Hòa thượng đi vắng, hành giả tham thiền nên căn cứ vào đầu để tham thiền không bị lạc?

Đáp: Không căn cứ vào đâu cả. Mười điều kiện tham Tồ sư thiền, đầu tiên là phải phá ngã chấp và chín chữ “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ”, hễ thực hành được chín chữ này là bảo đảm, nếu không thì chẳng dám bảo đảm. Cho dù nay có Phật Thích Ca, mà người thực hành không được chín chữ này thì Phật cũng bó tay.

Hỏi: Tại sao hư không vô sở hữu mà dung nạp tất cả vật?

Đáp: Ngài Long Thọ giải thích hư không vô sở hữu nên mới dung nạp, còn mấy cái kia giống như vô sở hữu mà vẫn còn sở hữu: Ví như Phật pháp Đại thừa cũng còn sở hữu, pháp tâm, tâm số, mặc dù không có hình tướng số lượng nhưng vẫn còn sở hữu, nó giống mà khác.

Trong đó ngài phân tích rất tỉ mỉ kỹ càng, ngài tự đặt ra câu hỏi và tự mình đáp. (Phần nguyên văn viết nghiêng và phần chú thích của Sư phụ viết thường).

Nguyên văn như sau:

Hỏi: Tại sao không nói hư không quảng đại dung nạp tất cả vật, mà nói hư không vô sở hữu dung nạt tất cả vật?

Đáp: Hiện tại thấy hư không vô sở hữu, tất cả vạn vật(núi sông đất đai, nhà cửa cây cối v.v…) đều ở trong đó vì vô sở hữu nên dung nạp.

Hỏi: Pháp tâm, tâm sở cũng vô hình tướng, tại sao không dung nạp tất cả vật?(giải: Duy thức học của Giáo môn nói về Tâm vương là tám thức, tác dụng của Tâm vương gồm năm mươi mất thứ tâm sở, như buồn, vui, yêu, ghét v.v ... nói chung gọi là pháp tâm, tâm sở hoặc tâm số).

Đáp: Pháp tâm, tâm sở là tướng giác tri, chẳng phải tướng dung nạp. (Giác tri mới biết buồn, vui, yêu, ghét ...) lại chẳng có trụ xứ trong ngoài, gần xa(cũng như căn nhà có tướng lớn nhỏ, trong ngoài, gần xa ...) chỉ do tướng phân biệt mới biết có khái niệm của tâm.

Sắc pháp có trụ xứ, do sắc mới biết có hư không(Chỗ có sắc thì chẳng phải hư không, chỗ không có sắc mới là hư không), vì sắc chẳng dung nạp mới biết hư không dung nạp. (Ví như chỗ này đã để cái bình rồi, muốn để thêm vật khác thì chẳng được). Bởi do vô minh mới biết có minh, (kỳ thật vô minh là đối với minh, tại chấp vô minh mới nói là có minh.) do khổ nên biết có vui, do chỗ không có sắc nên nói có hư không, chẳng có tướng khác.

Lại nữa, pháp tâm, tâm sở còn có cái nghĩa không dung nạp: Cũng như tâm tà kiến không dung nạp chánh kiến, tâm chánh kiến không dung nạp tà kiến, còn hư không thì chẳng phải vậy, tất cả đều dung nạp.

Lại nữa, Pháp tâm, tâm sở là tướng sanh diệt, là pháp có thể đoạn dứt, hư không thì chẳng thể đoạn dứt.(Như bây giờ mình tu có thể đoạn dứt tà kiến, nếu chẳng đoạn dứt được thì sự tu đâu có lợi ích gì? Còn hư không thì chẳng thể đoạn dứt). Pháp tâm, tâm sở với hư không chỉ giống ở chỗ vô hình vô sắc, chứ không được nói là tất cả đều chẳng khác(Cũng như tám thức và năm mươi mốt tâm sở, với hư không chỉ giống ở chỗ chẳng hình tướng và sắc thể), chứ không được nói là tất cả đều chẳng khác. Do đó nên trong các pháp nói hư không dung nạp tất cả.

Hỏi: Ý tôi hỏi là tại sao chẳng nói hư không quảng đại vô biên dung nạp tát cả vật, mà lại nói vô sở hữu nên dung nạp tất cả vật?

Đáp: Tôi nói hư không chẳng tự tướng, do sắc tướng nói có hư không. Nếu chẳng có tự tướng thì chẳng có hư không, nếu chẳng có hư không thì lấy gì nói quảng đại vô biên?

Hỏi: ông nói tướng dung nạp tức là hư không rồi, tại sao lại nói chẳng có?

Đáp: Tướng dung nạp tức là chẳng có sắc tướng (Chỗ chẳng có vật chất), là chỗ sắc chẳng đến, gọi là hư không. Nếu hư không là thật thì lúc chưa có sắc phải có hư không, nếu chưa có sắc mà có hư không thì hư không vô tướng. Tại sao? Vì chưa có sắc vậy.

Do có sắc nên biết có hư không, vì có sắc mới có vô sắc. Nếu trước có sắc sau mới có hư không thì hư không lại thành pháp tạo tác(Tạo tác là kiến lập, có sự sanh khởi) pháp tạo tác chẳng gọi là thường (Vì hễ tạo tác thì có thành có hoại, chẳng phải là thường, còn hư không là thường, không thể hoại, không ai tạo tác được ). Nếu có pháp vô tướng thì chẳng thể được (vô lý), do đó nên chẳng có hư không. (Chứng tỏ hư không chẳng tự tướng, chẳng có hư không nhưng dung nạp tất cả ứng dụng tất cả. ấy là nghịch với sự hiểu biết của bộ não mà lại là thật tế. Sự hiểu biết của bộ não không đúng với thật tế, nhưng đúng với thật tế thì người ta không chịu, không đúng với thật tế người ta mới chịu, gọi là tập khí phiền não. Nên ngài Lai Quả: “Ta nói thật thì các ngươi không tin, ta nói dối các ngươi mới tin”, cũng là vậy).

Hỏi: Nếu vậy hư không là thường có, bởi do sắc mà có tướng hư không hiện rồi chứng tỏ có hư không ư?

Đáp: Nêú hư không trước đã vô tướng thì sau cũng là vô tướng, nếu hư không trước đã hữu tướng thì tại sao tướng ấy chẳng có sở tướng(Chẳng có tướng sở hữu của hư không?) Nếu trước vô tướng thì sau cũng vô tướng(Chẳng có tướng mạo của hư không). Nếu lìa hữu tướng vô tướng thì chẳng có trụ xứ của tướng(Hữu tướng cũng chẳng phải, vô tướng cũng chẳng phải thì chẳng trụ xứ của tướng). Nếu tướng chẳng trụ xứ thì sở tướng cũng chẳng trụ xứ. Sở tướng chẳng có nên tướng cũng chẳng có, lìa tướng và sở tướng đâu còn pháp nào nữa!

Cho nên, hư không chẳng gọi là tướng, chẳng gọi là sở tướng, chẳng gọi là pháp. chẳng gọi là phi pháp, chẳng gọi là hữu, chẳng gọi là vô. ngôn ngữ cách tuyệt, tịch diệt như vô dư Niết bàn, tất cả pháp khác cũng như thế. (Vì hư không chẳng tự tướng, nên chẳng thể gọi là có hay không, tức tất cả tương đối đều chẳng thể kiến lập vì vô sở hữu vậy. Chẳng những hư không, tất cả pháp khác cũng vậy, nhưng bây giờ người ta chấp các pháp đều thật có, nên mới sanh ra đủ thứ phiền não).

Hỏi: Nếu tất cả pháp đều như thế tức là hư không, tại sao còn lấy hư không để thí dụ?

Đáp: Nhân quả của các pháp đều là hư vọng(Như con gà sanh trứng gà, trứng gà ấp ra con gà, con người cũng vậy, tương sanh với nhau mà không có nhân bắt đầu, nên nói đều là hư vọng chẳng thật), bởi vô minh mới có(Các pháp sánh khởi). Cái hư vọng đó lừa gạt chúng sanh(Vì chúng sanh cho là thật), vì chúng sanh ở nơi các pháp hư vọng sanh tâm chấp trước, mà chẳng phải ở nơi hư không sanh tâm chấp trước, mặc dù hư không cũng là hư vọng. Lục trần hư vọng lừa gạt tâm chúng sanh, hư không dù hư vọng nhưng chẳng phải như thế, cho nên lấy hư không để thí dụ.

Dùng việc thô hiện tiền để phá việc vi tế(Vì sự chấp khó phá mà việc thô thì dễ thấy, việc vi tế khó thấy, nên dùng việc thô chứng minh việc vi tế là hư vọng) như hư không bởi sắc mới có nên chỉ là giả danh (Sắc là vật chất, dùng vật chất để hiển bày hư không), chẳng phải pháp nhất định. Chúng sanh cũng thế, do ngũ uẩn hòa hợp mới có, cũng là giả danh, chẳng phải pháp nhất định. Đại thừa Phật pháp cũng thế, bởi do chúng sanh tánh không, nên chẳng Phật chẳng Bồ tát(Tâm của chúng sánh như hư không vô sở hữu, tức là tánh không, nếu thấu được tâm như hư không vô sở hữu thì chẳng Phật chẳng Bồ tát), bởi do chúng sanh chấp có(kiến lập), nên có Phật có Bồ tát. Nếu chẳng Phật chẳng Bồ tát thì chẳng có Phật pháp Đại thừa. Do đó Đại thừa dung nạp vô lượng vô biên A tăng kỳ chúng sanh(A tăng kỳ là vô lượng số). Nếu thật có pháp thì chẳng thể dung nạp vô lượng chư Phật và đệ tử (Vì chẳng có pháp mới dung nạp tất cả. Ví như nơi này, có chỗ trống rỗng vô sở hữu quí vị mới có chỗ ngồi, mới dung nạp mọi người, nếu là thật có thì làm sao có chỗ trống rỗng để cho quí vị ngồi? Không thể dung nạp. Nên nói “Chẳng có” mới có thể dung nạp, ấy là nghịch với sự hiểu biết của bộ não. Vì theo thói quen và sự hiểu biết, giáo dục là phải chấp thật có, nên cái nào cũng phải thật có: Nhà này là nhà của ta, tiền là tiền của ta, có được căn nhà mà chưa có quyền sở hữu, phải đi lo sao có giấy tờ rồi mới chắc ...).

Hỏi: Nếu thật chẳng có hư không, tại sao dung nạp vô lượng vô biên A tăng kỳ chúng sanh?

Đáp: Do nghĩa này(Nghĩa chẳng có mà dung nạp) nên Phật thuyết pháp Đại thừa vốn chẳng có, nên A tăng kỳ chẳng có. A tăng kỳ chẳng có nên vô lượng chẳng có, vô lượng chẳng có nên vô biên chẳng có; vô biên chẳng có nên tất cả pháp cũng chẳng có, như thế nên dung nạp.

(Theo sự hiểu biết của bộ não, chẳng có thì lấy gì để dung nạp? Dung nạp cái gì?).

Nói A-tăng-kỳ, A tiếng Hán dịch là vô, Tăng Kỳ dịch là số, chúng sanh các pháp mỗi mỗi đều chẳng bờ bến nên gọi vô số. Dùng số để đếm mười phương xa gần của hư không đều chẳng bờ bến, nên gọi vô số. Đem tính số để đếm từng cái một của sáu Ba-la-mật, mỗi mỗi bố thí, mỗi mỗi trì giới v.v… vốn chẳng có số, dùng số ấy để đếm bao nhiêu chúng sanh cho đến Phật thừa, quá khứ, hiện tại, vị lai đều chẳng thể đếm, ấy gọi là vô số.

Cũng có người nói số ban sơ là 1, chỉ có số 1, 1 thêm 1 nên thành 2, thế thì tất cả chỉ là 1, chẳng có số khác. Nếu tất cả đều là 1 tức là vô số vậy. Cũng có người nói tất cả pháp hòa hợp nên có tên gọi, ví như chiếc xe do trục vành xe, vỏ xe . . . hòa hợp thành tên gọi chiếc xe, thật thì chẳng có pháp nhất định. Một pháp chẳng có thì nhiều pháp cũng chẳng có, vì trước một sau mới nhiều. Lại nữa, dùng số để đếm vật, vật chẳng có thì số cũng chẳng có. Nói vô lượng (không thể đo lường) cũng như dùng đấu để lường gạo, dùng trí huệ đo lường các pháp cũng như thế.

Các pháp tánh không, nên vô số, vô số nên vô lượng, vô lượng nên vô biên, chẳng có thật trí (Tâm Kinh nói Vô trí diệc vô đắc), như thế làm sao có tướng nhất định của các pháp để đo lường ! Vì vô lượng nên vô biên, lượng gọi là tổng tướng, biên gọi là biệt tướng; lượng là ban sơ, biên là cuối cùng.

Lại nữa, từ cái ta cho đến kẻ biết kẻ thấy vốn chẳng có thì thực tế cũng chẳng có, thực tế chẳng có nên vô số cũng chẳng có, vô số chẳng có nên vô lượng chẳng có vô lượng chẳng có nên vô biên chẳng có; vô biên chẳng có nên tất cả pháp cũng chẳng có. Do đó nên nói tất cả pháp cứu cánh thanh tịnh, ấy là pháp Đại thừa dung nạp tất cả vậy.

Chúng sanh và pháp hai thứ làm nhân với nhau, nếu chẳng có chúng sanh thì chẳng có pháp; nếu chẳng có pháp thì chẳng có chúng sanh. Trước nói tổng tướng tất cả pháp không, sau nói biệt tướng mỗi mỗi các pháp đều không, thực tế tức là diệu pháp sau cùng. Cái này chẳng có thì cái kia làm sao có! Từ cái tánh bất khả tư nghỉ cho đến tánh Niết bàn cũng đều như thế.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]