Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền và võ đạo.

23/04/201318:07(Xem: 5170)
Thiền và võ đạo.
62thien-vodao


Nhà xuất bản: THUẬN HÓA

HUẾ - 1977

Thiền và võ đạo

Tác giả: Ngô Ánh Tuyết - Vương Long

---o0o---

Lời Dẫn Nhập

Trời có lẽ đã khuya, trăng soi chênh chếch xuống hiên và dồn ánh sáng về một góc như để rót vào luống kiếm đang lấp lánh uốn lượng trong khoảng không thinh lặng. Người múa kiếm như trôi theo kiếm, hoặc nói đúng hơn, người và kiếm cùng trôi.

Tôi ngồi dưới gốc dừa sát hiên, lặng lẽ nhìn giữa hương thơm ngát chẳng biết tự nhiên mà có hay do trăng, do kiếm và người gợi lên. Tôi cảm thấy mình dịu nhẹ và như tan loãng ra, hòa vào ánh trăng chảy tới góc kia.

Chợt từ luống kiếm phụt ra một tia sáng xoẹt tới phía tôi. Tôi chưa kịp phản ứng thì đã nghe tiếng cười ha hả của anh bạn. Vâng, người múa kiếm là bạn rất thân. Tôi hoàn hồn nhìn kỹ thì kinh ngạc xiết bao, mũi thanh kiếm nơi tay anh đăng cắm vào một trái dừa khô. Trái dừa sáp rơi trúng đầu tôi thì mũi kiếm kịp thời ngăn lại. Tôi cẩn thận rút trái dừa ra đặt lên bàn và thầm nghĩ chắc nó cũng mải mê xem đến nỗi buông rơi mà không hay biết.

Anh bạn tôi là võ sư từng nổi tiếng một thời nay lui về ẩn dật. anh nghiên cứu Thiền Học cũng như dịch lý khá kỹ và sáng tác ra những thế võ mang tính "Đạo", cốt nâng cao sức khỏe thân tâm hơn là biểu diễn và chiến đấu (tuy trông rất đẹp mắt và gồm đủ cương nhu) ... Trong phòng tập của anh, ở bàn thờ Tổ có đặt một chữ "nhân" tức "người', trên gác hai thanh kiếm tượng trưng Âm Dương, và nhìn toàn bộ là chữ "thiên" tức "trời". Người thấu suốt lẽ tự nhiên, thống hợp mọi đối đãi tức là Trời, là Phật.

Thật ra, xét về lịch sử, hầu hết các môn võ Á Đông đều được cho là bắt nguồn từ chùa Thiếu Lâm ở núi Trung Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, và như vậy là có dính dáng đến Thiền, bởi vì chùa Thiếu Lâm không những được xưng tụng là "ngôi sao Bắc đẩu" của võ lâm, mà còn là nơi khai sáng dòng Thiền Trung Quốc với Ngài Bồ Đề Đạt Ma là Sơ Tổ; và cho đến nay việc tu hành của các sư tăng ở đây vẫn bao gồm tập Thiền kết hợp với võ.

Tuy nhiên, nơi mà võ thuật chịu ảnh hưởng sâu đậm của Thiền phải nóí đến Nhật Bản. Theo sử liệu thì khi Thiền được Đại Sư Eisel (1141-1251) đưa vào Nhật Bản, giới võ sĩ- người Nhật gọi là "samurai" tức "hiệp sĩ" - liền thu dụng ngay. Lý do rõ nét nhất là vào thời buổi chinh chiến liên miên giữa các lãnh chúa tranh giành ưu thế chính trị và quyền lực, chủ trương của Thiền được xem là động lực giúp chấn chỉnh tinh thần và lòng can đảm của các chiến binh.

Thiền tuy là một tông phái của Phật Giáo, nhưng không ấn định những giáo điều khe khắc mà chỉ vạch ra một con đường quyết tiến, xông thẳng tới, không sợ hãi, không biện luận, không so đo tính toán. Đó là một phương pháp phát triển trực giác, luyện ý chí, tạo dũng khí, biết quên mình, xem thường chuyện sống chết. Những đức tính này rất phù hợp với yêu cầu của người võ sĩ lâm trận: phải phán đoán nhanh theo linh tính và hành động chớp nhoáng theo phản xạ, chỉ cần phân tâm một giây hoặc lưỡng lực trong tích tắc là thất bại ngay. Đồng thời, cách hành Thiền với kỹ thuật căn bản là "tọa Thiền" (ngồi Thiền) cũng giúp tăng cường nội lực (nên nhiều người cho đó là một cách luyện khí công).

Ở Nhật Bản ngày xưa, các võ sĩ thường học hỏi ở các vị Thiền sư. Có một võ sĩ đấu vật tên Onami ("Đại Ba"" nghĩa là "sóng lớn") rất mạnh, đánh bại nhiều võ sư, nhưng lại bị những võ sĩ cỡ học trò ném xuống đài khi thi đấu công khai. Anh cảm thấy xấu hổ và tìm đến Thiền sư Hakuin để hỏi ý kiến. Thiền sư khuyên: "Anh tên là Đại Ba, vậy tối nay hãy ở lại đây và tưởng tượng anh là những cơn sóng lớn đang quét sạch mọi thứ trước mặt, đang nuốt chửng tất cả những gì trên đường đi".

Onami ngồi xuống Thiền định, chú tâm quán tưởng mình là những cơn sóng đang xô tới nhiều vật khác nhau. Càng lúc anh thấy sóng nổi lên càng lớn và quét sạch những bông hoa cắm trong các độc bình, phủ trùm lên tượng Phật trên bàn thờ, rồi nhận chìm cả ngôi chùa trong làn nước mênh mông.

Sáng sớm hôm sau, Thiền sư Hakuin bước vào phòng thấy Onami còn đang Thiền định, trên mặt anh thoáng nhẹ nụ cười. Thiền sư đập nhẹ vào vai người võ sĩ và bảo "Bây giờ không có gì có thể làm phiền anh nữa. Anh là những cơn sóng lớn, sẽ quét sạch mọi thứ trước mặt mình".

Ngay hôm đó, Onami vào đấu trắc nghiệm và anh đã thắng. Sau đó chẳng còn ai đánh bại anh được.

Tôi còn nhớ một chuyện tương tự khi thấy tôi là cụ Anh Minh Ngô Thành Nhân còn sống. Có một võ sư đến nhờ thầy chỉ cách chữa trị chứng nhói tim nhất là khi ở trước đám đông. Thầy nhìn người này một lúc rồi nói: "Anh chỉ cần định tâm là hết". Võ sư liền hỏi: Định tâm như thế nào?". Thầy bảo: "Ăn ròng gạo lứt muối mè mười ngày; khi ăn nhớ ngồi thẳng lưng, chú tâm nhai kỹ, khi nuốt nhớ theo dõi đường đi của thức ăn. Thức uống chỉ dùng nước sôi để nguội bớt, khi thật khát mới uống một ít và chỉ hớp từng ngụm nhỏ, ngậm trong miệng một lúc mới nuốt". Võ sư tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: "Ăn uống mà dính đến việc định tâm hay sao?" thầy đáp: "Anh cứ làm y như thế sẽ rõ".

Khi người võ sư ra về, Thầy Anh Minh quay lại bảo tôi: "Đây là bệnh ở tánh, nếu không chịu nổi mười ngày nhún mình kham khổ thì thì đừng mong cứu trị". Quả nhiên sau đó tôi nghe tin người này vào tù vì tranh tiếng đánh người trọng thương.

Thật ra, cách ăn uống mà Thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân chỉ ở trên là một phương thức điều trị thân tâm triệt để nhất theo phương pháp Thực Dưỡng do Nhà y triết dưỡng sinh Ohsawa đề xướng; và theo giới nghiên cứu, đây chính là cách ăn uống của các vị sư Nhật Bản ngày xưa khi nhập thất hành thiền. Riêng ở nước ta, những người tập võ ăn uống quân bình Âm Dương theo phương pháp này (muốn biết rõ xem sách "Phương Pháp Thực Dưỡng" của Anh Minh Ngô Thành Nhân) đều học hành mau thông, phản ứng nhanh nhạy, khí lực dồi dào khiến các huấn luyện viên đôi lúc phải ngạc nhiên. Đặc biệt những võ sư dưỡng sinh theo phương pháp Thực Dưỡng hầu như không thích đua tranh hoặc phô bày tài nghệ; nhưng khi đã hành động, họ rất quả quyết, không e ngại bất cứ trở lực nào.

Giới hiệp sĩ Nhật Bản theo Thiền cũng có tâm kiên định chẳng khác. Có một hiệp sĩ tên là Nagasaki Jiro Takashige khi biết phe mình sắp thua trận, đã đến nhờ một vị Thiền sư chỉ cho mình phải có thái độ như thế nào trong tình cảnh đó. Vị sư bảo: "Nhập một với kiếm, chặt lìa bản ngã". Chàng hiệp sĩ hiểu ý và chiến đấu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Chính bản thân của các vị Thiền sư cũng là tấm gương sáng cho giới hiệp sĩ noi theo. Nhìn bề ngoài, các vị Thiền sư trông có vẻ nhu hòa, tiêu cực, nhưng bên trong "hào khí ngút trời". Một viện nọ bị bao vây nghiêm ngặt vì sư trụ trì đã cho những kẻ thù của Lãnh chúa địa phương vào chùa ẩn náu mà không chịu giao nộp. Sau cùng, đám quân bình tràn vào bắt vị sư và tăng chúng trong chùa đưa lên cái tháp ở cổng để thiêu sống. Vị sư thuyết pháp như thường lệ rồi nói: "Bây giờ bị vây trong đám lửa, các con định làm gì trong vòng quay cuối của bánh xe luân hồi?". Các đệ tử lần lượt trả lời xong, vị sư mới bảo: "Muốn đại định chẳng cần phải vào núi sâu khe thẳm; khi tâm đã lắng thi lửa cũng nguội lạnh", và tất cả ung dung đón nhận cái chết không than vãn một lời.

Các Thiền sư còn giúp giới hiệp sĩ nhận ra chân lý của cuộc đời. Có hiệp sĩ Nobushige đến hỏi Thiền sư Hakuin: "Thiên đàng và địa ngục có thật hay không?". Sư hỏi lại: "Anh là ai?". Hiệp sĩ đáp: "Tôi là một samurai". Sư kêu lên: "Hứ, anh mà là samurai sao! Chẳng có gì cho thấy anh là hiệp sĩ. Mặt anh trông chẳng khác ăn mày!". Nobushige giận dữ chụp lấy đốc kiếm, sư nói tiếp: "Anh có kiếm đấy ư! Có lẽ kiếm của anh chẳng buồn cắt đầu tôi đâu!".

Nobushige liền rút phắc kiếm ra, Thiền sư Haukin bèn nói:"Đấy, cửa địa ngục đã mở". Nghe lời này, người hiệp sĩ hiểu ra ý dạy nên dút kiếm vào vỏ và cúi đầu bái lạy. Sư lại nói: "Đấy, cửa thiên đàng đã mở".

Cái tâm của Thiền sư đã trở thành cái tâm của người hiệp sĩ Nhật Bản. Tương truyền nhà kiếm thuật lừng danh sử sách Miyamoto Musashi có học Thiền và rất thích "Chứng Đạo Ca" của Thiền sư Huyền Giác. Ông đã dựa vào kinh nghiệm bản thân và bài ca này để viết ra tập sách nhan đề "Dokkodo" (Độc Hành Đạo) được người xem là cẩm nang của giới samurai. Tập sách nói về bổn phận của người hiệp sĩ và gồm hai mươi mốt chương có nội dung tóm lược như sau:

1. Không chống lại những truyền thống đạo đức xã hội.

2. Không sống theo dục vọng cá nhân.

3. Trong mọi sự việc ở đời, phải giữ thế quân bình.

4. Nghĩ ít về mình, nhưng nghĩ nhiều về người.

5. Trong đời mình đừng có những ham muốn lớn.

6. Không làm điều gì để phải hối tiếc cho mình.

7. Không ganh tị với sự thành công của kẻ khác.

8. Không buồn khi biệt ly.

9. Không oán giận kẻ khác.

10. Không ưa thích quá mức.

11. Không nuôi lòng thù ghét.

12. Không xây nhà quá đẹp, quá lớn.

13. Không nên ăn uống ê hề, nhất là các món cao lương mỹ vị.

14. Không nên có nhiều quần áo, không ăn mặc lộng lẫy, không trang sức xa hoa.

15. Không mê tín dị đoan.

16. Không tiêu xài tiền bạc phung phí, trừ việc tối cần như mua kiếm báu chẳng hạn.

17. Không sợ chết khi phục vụ chủ nhân hoặc giúp đỡ người khác.

18. Không nên có nhiều tiền bạc.

19. Kính trọng Trời, Phật nhưng không ỷ lại vào Trời, Phật.

20. Giữ danh dự, không sợ chết.

21. Không khi nào được quên cái Đạo của võ sĩ.

Có lẽ các nội dung trên đã tóm gọn những gì mà "Thiền và Võ Đạo" phương Đông muốn nói. Tuy nhiên làm thế nào để "tự đánh giá" mình đã đắc "Đạo" hay chưa? Chúng ta, các vị võ sư cũng như những người thuộc các giới khác, có thể xét mình theo bảy điểm sau đây:

1. Không mệt mỏi, chán nản.

2. Ngon ăn; ăn gì cũng thấy ngon, dù món ăn hết sức đạm bạc.

3. Ngủ ngon giấc và thức dậy đúng giờ đã định.

4. Trí nhớ tốt, nhất là nhớ ơn.

5. Luôn luôn hớn hở vui tươi, dù gặp cảnh khó khăn.

6. Phán đoán và hành động nhanh chóng, chính xác.

7. Chân thật, yêu thương và tin tưởng lẽ công bằng của Trật Tự Vũ Trụ.

Đây chính là bảy điều kiện sức khỏedo Giáo sư Ahsawa nêu ra kèm theo lời nhấn mạnh: "Muốn chú trọng đến Võ Đạo, thì trước hết, các bạn phải khỏe mạnh cái đã".

Chắc các bạn đều đồng ý sức khỏe thân tâm là điều kiện tiên quyết của mọi ngành.

"Thiền và Võ Đạo"được in với mục đích chính là đáp ứng lòng khát khao tìm hiểu của nhiều người, đặc biệt là những võ sư và võ sinh muốn thấy lại "tinh thần thượng võ" của người xưa cùng "nguyên lý thống nhất của sự sống". Tập sách vốn được viết bằng tiếng Đức, dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, chúng tôi phỏng dịch lại từ hai bản sau của - "Zen" do NBX. MacGraw-Hill Book Company và "Le Zen dans l'Art chevaleresque du Tir à l'Anc do NBX. Paul Derain, Lyon - nên chắc chắn có những sơ sót, kính mong các bậc cao minh và độc giả châm chước.

Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn các sư Hân Đức, Chơn Minh, Viên thông, cư sĩ Đức Đạt, võ sư Trấn Kỉnh, bác sĩ Nguyễn Văn Khuê, anh Thiếu Bảo, anh Vương Từ, Lương y võ sư Đinh Công Bảy, võ sư Hoàng Thái, Nguyễn Đình Bá cùng nhiều người khác đã góp phần chuyên môn và khuyến khích hoàn thành tập sách này.

Ngô Ánh Tuyết

Lời Giới Thiệu Của Thiền Sư D.T. Suzuki

Khi học tập môn bắn cung hoặc nói chung tất cả các bộ môn nghệ thuật từng được truyền dạy tại Nhật Bản và có lẽ tại các nước khác ở Viễn Đông, thì một nét có ý nghĩa nhất chúng ta cần lưu ý là những nghệ thuật này không chỉ riêng nhắm đến mục đích vị lợi hoặc thuần túy thỏa mãn óc thẩm mỹ, mà cốt để tu tâm dưỡng tính, hay nói đúng hơn là để tâm hội nhập với chân lý thâm cùng. Bởi vậy, không nên học nghệ thuật bắn cung chỉ để bắn trúng tấm bia cũng như bậc kiếm khách không nên dùng kiếm chỉ để loại trừ địch thủ, người vũ sư không nên nhảy múa chỉ để trình diễn một số động tác nhịp nhàng của thân thể; mà trước hết, phải chỉnh tâm hòa điệu với "vô tâm".

Nếu thật lòng muốn thấu triệt một môn nghệ thuật, thì thông thạo về kỹ thuật là chưa đủ. Người ta phải vượt qua kỹ thuật để nghệ thuật thực sự trở thành cái nghệ thuật "vô nghệ thuật" được khởi sinh từ chốn "vô tâm".

Trong trường hợp thuật bắn cung, cái bắn trúng và cái bị bắn không còn là hai đối tượng tách biệt nhau, mà thống hợp thành một thực thể duy nhất. Người bắn không còn ý thức gì về mình khi chăm chú vào tâm điểm trước mặt. Trạng thái không còn ý thức gì về mình hay "vô tâm", "vô thức", "phi tư lương" này chỉ có được khi cung thủ - người bắn - hoàn toàn vắng lặng, dứt bỏ cái tôi và nhập một với việc trau giồi để hoàn thiện tài năng kỹ thuật; mặc dù trong việc này có cái gì đó thuộc về một đẳng giới rất khác biệt không thể đạt đến bằng bất cứ sự học tập nghệ thuật theo cách tiệm tiến nào.

Điều làm cho Thiền đặc biệt không giống với những học thuyết khác về tôn giáo, triết học hoặc thần bí đó là Thiền không hề tách rời đời sống hằng ngày; nhưng với tính thực tiễn và cụ thể, Thiền chứa đựng một cái gì đó ở bên trong khiến tông phái này đứng ra ngoài khung cảnh ham muốn và hiếu động của đời thường.

Ở đây chúng ta đề cập mối liên hệ giữa Thiền với thuật bắn cung và các môn nghệ thuật khác như thuật đánh kiếm, thuật cắm hoa, thuật uống trà, thuật múa ca và mỹ nghệ.

Thiền là "tâm bình thường" như Thiền sư Mã Tổ (1) đã gọi; tâm bình thường này chẳng khác gì hơn là "ngủ khi mệt, ăn khi đói" (2).Ngay khi chúng ta suy tư, cân nhắc và nhận định, trạng thái "phi tư lương" vốn có liền mất để ý niệm len vào. Chúng ta không còn "ăn" trong lúc ăn, không còn "ngủ" trong lúc ngủ. Mũi tên lìa khỏi dây cung nhưng không bay thẳng tới đích, mà cái đích cũng không còn nguyên tại chỗ.

Tính toán quá kỹ hóa ra sai lầm. Toàn bộ công trình bắn cung như vậy là đi đong. Tâm lăng xăng của cung thủ đã phản bội lại chính mình trong mọi hướng và trong mọi môi trường hoạt động.

Con người là một cây sậy biết suy nghĩ (3)nhưng các tuyệt tác của con người chỉ hoàn thành khi người ta không tính toán, nghĩ suy. Cần phải khôi phục trạng thái "giống như con trẻ" (4)bằng nhiều năm kiên trì học tập nghệ thuật quên mình. Khi đã đạt điều này, người ta sẽ suy nghĩ mà không hề nghĩ suy. Người ta sẽ suy nghĩ như mưa rào từ trời trụt xuống, người ta sẽ suy nghĩ như sóng cuộn trên mặt đại dương, người ta sẽ suy nghĩ như ngàn sao sáng soi bầu trời đêm, người ta sẽ suy nghĩ như đám lá xanh nảy ra trong gió xuân dịu mát. Mà thật vậy, người là mưa rào, là đại dương, là ngàn sao, là đám lá.

Khi đã đến giai đoạn phát triển tâm linh này, người ta là nghệ sĩ Thiền trong cuộc sống. Người nghệ sĩ này không như một họa sĩ cần giấy, cọ, và thuốc vẽ, cũng không như cung thủ cần cung tên và bia ngắm, mà đã có chân tay, thân thể, cái đầu và những cơ phận khác. Đời sống Thiền của người này sẽ tự phô bày ra bằng tất cả các "dụng cụ" này, chúng là những phương tiện quan trọng để đời sống Thiền biểu hiện. Tay chân là cọ, và toàn thể vũ trụ là khung vải mà nhờ đó người nghệ sĩ Thiền vẽ ra cuộc đời mình trong bảy mươi, tám mươi hoặc đến chín mươi năm. Bức tranh đó được gọi là "lịch sử".

Thiền sư Pháp Diễn ở Ngũ Tổ Sơn (mất năm 1104) (5)có nói: "Đây là một người biến hư không thành tờ giấy, biến sóng biển thành nước mực, và biến núi Tu Di thành bút cọ để viết ra năm chữ Tổ Sư Tây Lai Ý(6). Đến như thế thì tôi phải trải tọa của ra để bái lạy.

Hẳn có người gặn hỏi: "Câu nói kỳ quặc này có ý nghĩa gì? Tại sao một người chỉ biểu diễn ngón nghề như thế lại được xem là đáng hưởng sự kính trọng tột bực?". Có lẽ một Thiền sư sẽ đáp: "Tôi ăn khi đói, ngủ khi mệt", còn người mê thiên nhiên thì trả lời: "Hôm qua trời tốt, hôm nay trời mưa". Nhưng đối với độc giả có lẽ câu hỏi vẫn chưa có lẽ giải đáp là: "Người bắn cung ở đâu?".

Trong tập sách thú vị này, ông Herrigel, một nhà triết học người Đức đã qua Nhật học bắn cung để nhờ đó mà thấu hiểu về Thiền, sẽ kể rõ kinh nghiệm của chính mình. Qua lời trình bày của ông, độc giả thời nay sẽ tìm cách tiếp xúc quen thuộc với một kinh nghiệm theo kiểu cổ truyền Á Đông trông có vẻ xa lạ và khó đến gần.

D. T. Suzuki

ĐƯỜNG VÀO CÕI THIỀN

Vừa đến đảo quốc Phù Tang, tôi đã có dịp họp mặt với một số đồng nghiệp người Nhật ở Tokyo. Chúng tôi cùng ngồi uống trà trong nhà hàng nằm ở tầng năm của một khách sạn.

Thình lình có tiếng ầm vọng đến, tôi cảm thấy nền nhà dưới hơi dâng lên, rồi càng lúc càng nghe rung chuyển mạnh kèm theo tiếng kèn kẹt răng rắc và tiếng đồ đạc đổ vỡ náo động. Cơn hoảng loạn bùng lên, nhiều người hành khách, hầu hết là người Âu, túa ra hành lang chạy nháo nhào xuống cầu thang hoặc đâm bổ vào thang máy. A! Động đất! Chắc mọi người vẫn còn nhớ cảnh động đất khủng khiếp cách nay mới vài năm. Tôi cũng nhổm dậy chực lao ra cửa, nhưng sực nhớ anh bạn đồng nghiệp trò chuyện nảy giờ, tôi định giục anh ta chạy nhanh lên. Khi quay nhìn lại, tôi ngạc nhiên thây anh đanh ngồi tĩnh lặng, hai tay chắp vào nhau, mắt hơi nhắm, như thể việc xảy ra chẳng can hệ gì đến anh. Trông thì chẳng phải là người do dự phân vân hoặc chưa định ý, mà có vẻ như người không hấp tấp vội vàng đang làm việc gì đó hoặc không làm gì hết một cách hoàn toàn tự nhiên đến độ tôi đứng khứng lại rồi ngồi xuống trân trối nhìn anh, mà lòng chẳng hề thắc mắc tại sao mình làm như thế và có nên ở lại hay không. Tôi bị chết sửng mà không biết do đâu, như thể chẳng có gì xảy đến với tôi. Khi cơn động đất đã qua - nghe nói nó kéo dài khác lâu, anh bạn lại tiếp tục đúng vào chỗ đã bỏ dở lúc nảy và không hề phí một lời về biến cố vừa xảy ra, còn tôi thì hoàn toàn không thể nào chú ý được và có lẽ đã đối đáp ngu ngơ. Nỗi khiếp sợ vẫn còn, tay chân tôi lạnh toát và lòng tôi cứ phân vân tự hỏi: "Cái gì đã ngăn không cho mình chạy đi" Tại sao không theo sự thúc đẩy của bản năng?", nhưng tôi không tìm được câu trả lời thỏa mãn.

Vài ngày sau khi biết được anh bạn đó là người tu Thiền, tôi suy ghĩ chắc anh ta đã đặt mình vào một trạng thái định tâm cực độ nên đã trở thành "không thể lay chuyển".

Dù trước đó đã đọc sách và nghe đôi điều về Thiền, tôi cũng chỉ có những ý niệm hết sức mơ hồ về đề tài này, nhưng do được chứng kiến cảnh gây xúc động mạnh kể trên, niềm hy vọng bước vào Thiền, từng làm tôi dễ dàng sang Nhật, đã biến thành nỗi khát khao khởi sự không chần chờ thêm nữa. Tôi lưu tâm nhiều hơn đến khía cạnh huyền bí của Thiền với con đường dẫn người ta vượt qua cả trạng thái "không lay chuyển", chứ không phải đức tính điềm nhiên "không lay chuyển" của anh bạn dù gây ấn tượng mạnh, đã ám ảnh tôi như là một mục tiêu cần tới, vì có nhiều phương pháp khác cũng giúp đạt điều này mà không cần phải đến Nhật Bản.

Trong khi đó, tôi được biết không dễ gì đi sâu vào Thiền, vì Thiền không có lý thuyết, không có giáo điều. Người ta khuyên tôi nên quay sang một trong các môn nghệ thuật chịu ảnh hưởng mạnh mẽ đến Thiền, và nhờ đó mà tiếp xúc với Thiền bằng con đường lượn vòng chậm rãi. Tôi đã làm theo lời khuyên này và sẽ kể lại quá trình học tập trong phần "Võ Đạo phương Đông" hay "Thiền trong nghệ thuật bắn cung".

E. Herrigel

---o0o---

Vi tính: Cao Thân

Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567