Trong toán học, muốn giải một bài toán cơ bản luôn cần có một mẫu số chung, đó là con số quan trọng cần thiết để đưa đến kết quả chính xác cho bài toán. Ngoài ra vì tính khoa học, những con số còn giúp cho mọi việc được mạch lạc, rõ ràng thứ lớp hơn mà chính Đức Thế Tôn của chúng ta cách đây 2600 năm cũng đã sử dụng nó để nói đến trong toàn bộ những bài giảng của Ngài. Khi giảng nói về các loại tâm vô hình, trừu tượng khó nhớ Đức Phật đã dùng những con số cụ thể trong Vi diệu pháp (Duy thức học). Chính nhờ vậy việc tìm hiểu về các loại Tâm vương, Tâm sở đầy phức tạp đã được Ngài hướng dẫn, phân loại rõ ràng cho từng loại tâm khác nhau. Tuy nhiên đây chỉ là những học thuyết sâu rộng của triết lý Phật giáo dành cho lãnh vực nghiên cứu.
Thực tế Đức Phật đã có rất nhiều những bài pháp dành cho đại chúng đơn giản, dễ hiểu cũng bằng những con số mà bắt đầu từ bài pháp quan trọng đầu tiên là Tứ diệu đế. Tiếp theo trong suốt hành trình giáo hóa với những pháp học liên quan đến nhiều con số khác nhau như :
- Tam pháp ấn (Vô thường, khổ, vô ngã)
- Tứ nhiếp pháp
- Ngũ giới
- Sáu pháp lục hòa
- Bảy pháp hưng thịnh
- Bát nạn khổ
- Thập thiện
- Thập nhị nhân duyên
- Ba mươi bảy phẩm trợ đạo
- Ba mươi tám pháp hạnh phúc…
Những con số này chỉ là tiêu biểu trong rất nhiều những con số chi tiết mà khi đi vào từng đề mục Đức Phật đã tùy duyên, tùy thời để nói đến trong 45 năm hoằng dương chánh pháp của Ngài. Vì thế đi theo con đường học Phật là gắn liền với những con số để ghi nhớ, để thực hành, mà chỉ có thực hành mới nhận chân được kết quả hạnh phúc, an vui. Cho nên học Phật là học muôn đời, không chỉ riêng ở kiếp sống hiện tại này mà trong vạn kiếp luân hồi, với tâm nguyện được gặp Phật Pháp, được gần gũi những thiện hữu tri thức cũng là một trong 38 pháp hạnh phúc Đức Phật vẫn thường nhắc đến. Luôn thân cận bạn lành để được học hỏi, để có môi trường hiền thiện không phiền não.
Ngày xưa những bậc hiền thánh như Đức Khổng Tử khi muốn đem những điều luân lý, đạo đức đến cho nhân quần xã hội cũng đã mượn những con số như Tứ thư, Ngũ kinh, Tam cương, Ngũ thường…đặt để vào những lời giáo huấn của mình. Còn Tăng Tử một trong bốn môn đệ có nhiều công lớn trong việc xiển dương Khổng giáo cũng đã khuyên dạy cách học làm người với việc mỗi ngày cần phải suy xét 3 điều:
- Làm việc gì đã hết lòng chưa ?
- Giao tiếp với bạn bè có thành tín không ?
- Những lời thầy dạy đã nghiên cứu, thực hành chưa?
Quả thật từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, thế gian chẳng khi nào hết những lời răn dạy hữu ích, cùng biết bao nhiêu những điều luân thường đạo lý làm đẹp con người, làm đẹp cuộc đời. Nhưng trên tất cả vẫn còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi con người để có thể tin giữ, thực hành hay không đó mới là điều quan trọng. Riêng với Đức Phật điều căn bản Ngài thường nói là tam độc Tham Sân Si, nếu tỉnh thức, biết cảnh giác tránh xa cho dù làm được ít nhiều cũng đã đóng góp phần nào đó cho một xã hội được an bình, tốt đẹp.
Trở lại con số chung trong cuộc đời. Chắc rằng ai cũng mong muốn tìm được điểm chung hay con số chung nào đó với bạn bè, với những người thân thương để từ điểm chung ấy có thể dễ dàng cảm thông, hiểu biết. Nhưng thật sự không phải dễ dàng cho dù bè bạn có đông, người thân có nhiều thì tri kỷ cũng vẫn không dễ gặp. Cho nên cuộc đời không thiếu những câu chuyện gia đình, người thân bạn bè đôi khi nhìn thấy gần gũi nhưng tâm hồn lại thật sự nghìn trùng xa cách. Vì vậy trong Thành ngữ VN có những câu nói như ‘Đồng sàng dị mộng’, ‘Bằng mặt chẳng bằng lòng’... Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì có câu hỏi ‘Tại sao thế giới đông người ta chỉ thấy riêng ta’. Trong Hán ngữ lại có câu: Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa. Đúng là như vậy, gặp tri kỷ thì ngàn chung rượu cũng thấy ít, người không thích hợp nói nửa câu cũng đã là nhiều. Bởi con người sinh ra trong cuộc đời này gọi là ‘Chín người mười ý’ nên thật khó để tìm được người thuận ý, vừa lòng hiểu nhau như câu chuyện Bá Nha Tử Kỳ thời xa xưa.
Tuy vậy theo dòng sinh tử luân hồi, khi Đức Phật chứng đắc Túc mạng minh với một tuệ nhãn trong sáng Ngài cho biết mọi chúng sinh đến cõi ta bà này có chung một sợi dây huyết thống mà đứng trên căn bản từ bi thì tất cả đều là cha mẹ, anh em hay thân bằng quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp của nhau không phân biệt. Đây là một quan điểm vô cùng nhân bản trong giáo lý Đạo Phật, nhờ vậy đã giúp cho những người học Phật, thấu hiểu những lời dạy của Ngài có thể đem tâm từ trải rộng, bố thí cùng khắp, trong khả năng có thể của mình cho hết thảy mọi người, mọi loài chúng sinh một khi cần đến sự giúp đỡ. Nói sao cho hết những lời dạy từ tâm cao thượng và đầy trí tuệ của Đức Phật dành cho chúng sinh, nhân loại.
Cũng bắt nguồn nơi từ bi nhân hậu ấy những bài pháp của Đức Phật đã hướng dẫn con người biết suy tư trí tuệ hơn để có thể tránh thoát khổ đau, phiền não trong đời sống nhờ vào hai chữ Duyên Nghiệp. Câu nói ‘Vạn pháp tùng duyên’ đã trở nên ý tứ huyền nhiệm để con người an tâm chấp nhận và bình thản hơn trước mọi việc xảy ra cho dù thuận duyên hay nghịch duyên. Chữ Duyên đặc biệt chỉ có trong Đạo Phật ngày nay đã phổ cập rộng rãi cho tất cả mọi người để có thể giải tỏa nhiều sự việc khác nhau. Chữ duyên cũng thường được nói đến nhiều trong tình yêu đôi lứa vì sự tốt đẹp, trân quý của nó, nhưng tiếc thay với xã hội bây giờ tình yêu đã trở nên quá mong manh, không bền vững khiến con người càng thêm nghi ngờ và mất niềm tin. Thật sự nhìn đúng bản chất của tình yêu hôm nay đôi khi chỉ là cảm xúc ngắn hạn, cũng có khi không thật hoặc được tô vẻ thêm vì nhiều lý do đã biến nó trở thành cái duyên để dẫn dắt đến nghiệp quả lâu dài. Thật ra duyên nghiệp được nhắc đến trong Đạo Phật tùy thuộc rất lớn vào phần phước của mỗi con người biết sống và biết tích lũy những điều lành, việc thiện mới mong có hạnh phúc, bình yên. Trong văn hóa VN còn có hai chữ ‘tình nghĩa’ là từ ngữ chắc thật nhất để mô tả như là sự lắng đọng lâu dài hay biến thể của tình yêu qua thời gian. Tình nghĩa còn mang nhiều ý nghĩa rộng lớn không hạn hẹp, luôn đặt căn bản trên tình thương và đạo đức nên tình nghĩa là nét đẹp cao quý, là sự tự nguyện tùy nơi quan niệm sống của mỗi con người.
Vật chất và những tiến bộ khoa học hôm nay đã đẩy xô con người xa dần với đạo đức và chân thật là điều vô cùng tai hại. Trong bài kinh Bát nhã có câu ‘…Năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư…’chân thật không hư dối, có năng lực diệt trừ những điều thống khổ trần gian, là lời nhắc nhở rất đúng, khi rời xa chân thật sống càng ảo thì khổ đau càng nhiều. Trong ngũ giới căn bản của người cư sĩ cũng đã có sẵn giới luật chân thật không nói dối vì Đức Phật là con người chân thật, luôn đề cao sự chân thật cho nên những lời giáo huấn của Ngài là chân thật, chính vì những điều chân thật ấy Đức Phật là mẫu số chung để giải quyết bài toán khổ đau cho nhân loại. Trong bài pháp đầu tiên trên bước đường du hóa Đức Phật đã nói về bốn sự thật cao quý còn gọi là Tứ thánh đế hay Tứ diệu đế với mục đích cho chúng sanh nhận biết rằng khổ là sự thật và phải tìm phương thức để chấm dứt sự thật này ngay trong đời sống hiện tại. Nhưng con người hôm nay hầu như không muốn nhìn vào sự thật khổ đau này, lại còn bày ra thêm nhiều thứ ảo tưởng khác để tự dối lừa, tự đau khổ. Sự thật mặt trái của chân thật ngày hôm nay không dễ gì nhận biết được, chỉ có Đức Phật là người thấy trước nên mới có bài kinh Kalama tóm tắt để hướng dẫn như sau:
“Này người Kalama ! Đừng vội tin bất cứ điều gì vì đã được truyền khẩu. Đừng tin điều gì cho dù đó là truyền thống lâu đời. Cũng đừng vội tin điều gì vì đó là những lời đồn đại. Đừng vội tin điều gì vì đã được ghi chép trong kinh điển. Cũng đừng vội tin bất cứ đìều gì cho dù điều đó được nói ra bởi các vị đạo sư khả kính. Tất cả không nên vội tin mà cũng đừng chối bỏ mà phải được suy tư cẩn trọng, thực hành chứng nghiệm từ nơi chính bản thân, nếu thấy lợi ích thật sự cho mình và cho người thì hãy tin giữ hành theo”.
Với bài pháp đầy trí tuệ của Đức Phật cách đây 2600 năm cho đến vô tận vẫn còn nguyên hiệu lực dành cho những người thiện trí, chững chạc biết suy tư thận trọng mới khỏi vướng lụy phiền. Mong rằng mẫu số chung Đức Phật sẽ đem đến hạnh phúc an lạc cho hết thảy mọi người.