Trường Định
Sống Trong Từng Sát Na là phương pháp thực tập sống tỉnh thức, sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây. Đây là phương thức tu tập dựa trên tinh thần Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm.
Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Satipatthana Sutta), còn gọi là Kinh Tứ Niệm Xứ, là bản kinh do Ngài đại đức Ananda thuật lại những lời thuyết giảng của Đức Phật lúc Đức Phật đang cư trú ở Kammasadamma, một thủ phủ của xứ Kuru.
Con đường tu tập bốn lãnh vực quán niệm là con đường độc nhất một lối đi để đạt đến đích điểm, là con đường tu tập tỉnh thức mà bản thân mình tự nỗ lực hành trì. Đó là con đường thiền quán mà Đức Phật đã giác ngộ, là con đường đưa đến mục tiêu giải thoát tâm linh, đạt tới Niết Bàn thanh tịnh ngay trong giờ phút hiện tại.
Bốn lãnh vực quán niệm là phương pháp tu trì dùng trực giác để ghi nhận và quán sát về các sự kiện đang xảy ra liên quan đến thân thể, cảm thọ, tâm thức và đối tượng tâm thức. Sự ghi nhận cần phải thật khách quan, ý thức về sự việc không dính mắc đến đề mục “ta”“của ta” trong quá trình quán niệm.
Phương pháp tu tập bốn lãnh vực quán niệm bao gồm 2 tiến trình là niệm và quán. Niệm là chú tâm ghi nhận. Ghi nhận để thấy rõ quá trình sinh và diệt của sự việc, để không bám víu vào năm uẩn. Quán là quán sát khách quan. Quán sát để trực nghiệm bản chất vô thường, khổ và vô ngã của mọi sự kiện. Như vậy, quán niệm là chú tâm ghi nhận và quán sát khách quan về các sự việc đang xảy ra liên quan đến thân thọ tâm pháp trong giờ phút hiện tại. Nó còn được hiểu là niệm xứ, hay niệm trú, có nghĩa là an trú tâm trong ý thức giác tỉnh ngay bây giờ và ở nơi đây.
- Lãnh vực đầu tiên là quán thân nơi thân. Đây là phương pháp quán niệm về hơi thở, các tư thế của thân thể, các cử động của thân thể, các bộ phận trong thân thể, bốn yếu tố cấu tạo thành thân thể, chín giai đoạn tan rã của một tử thi.