Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 01: Vài Nhận Định

19/01/201816:38(Xem: 4753)
Chương 01: Vài Nhận Định

 Tam Diem cua Thien Dinh

 

TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH

Khám phá tâm thức thần bí nhất

 

 

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

Hoang Phong chuyển ngữ

 


Chương 1

 

VÀI NHẬN ĐỊNH

 

 

            Một phần lớn thế giới ngày nay được kết nối bởi một hệ thống liên lạc điện tử và thông tin chớp nhoáng. Vào thế kỷ XXI này, nền kinh tế toàn cầu còn khiến các quốc gia và các dân tộc càng phải lệ thuộc vào nhau nhiều hơn nữa. Vào các thời kỳ xa xưa những hình thức thương mại quốc tế không phải là một điều cần thiết. [Trái lại] ngày nay chúng ta không thể nào sống biệt lập được. Do đó nếu các quốc gia không duy trì mối bang giao tương kính lẫn nhau thì thật khó tránh khỏi xảy ra các vấn đề rắc rối. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy các cuộc xung đột nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra giữa các nước giàu nghèo, tương tự như giữa những người nghèo khổ và những kẻ dư thừa bên trong một quốc gia, thế nhưng những sự nứt rạn về kinh tế đó vẫn có thể giải quyết được bằng sự ý thức sâu xa về nguyên lý tương liên và trách nhiệm toàn cầu. Một dân tộc trong một quốc gia phải xem các dân tộc khác trong các quốc gia khác,và cả những người cùng chung sống trong cùng một xứ sở với mình, đều là anh chị em của mình và họ cũng phải được hưởng quyền tự do phát triển như chính mình.

 

            Dù một số các nhà lãnh đạo chính trị cho thấy nhiều cố gắng thật đáng khen thế nhưng các cuộc khủng hoảng vẫn cứ bộc phát. Chiến tranh vẫn cứ tiếp tục gây ra chết chóc cho những kẻ vô tội: người già, trẻ em vẫn cứ bị vong mạng. Dù vô tội nhưng người lính vẫn phải gánh chịu những khổ đau rất thật, chẳng phải đấy là một điều đáng buồn hay sao. Việc buôn bán vũ khí với hàng ngàn hàng vạn súng ống, đạn dược đủ loại, sản phẩm của các cường quốc, chính là cách tiếp tay duy trì sự hung bạo. Thế nhưng cũng có những thứ nguy hiểm hơn cả bom đạn: đấy là hận thù, thiếu lòng từ bi và thái độ bất chấp quyền hạn của kẻ khác. Một khi hận thù còn tồn tại trong tâm thức con người thì hòa bình đích thật sẽ không bao giờ thực hiện được.

 

            Chúng ta phải làm bất cứ gì có thể làm được để ngăn chận chiến tranh và loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới này. Khi viếng thăm Hiroshima, nơi gánh chịu quả bom nguyên tử đầu tiên, tôi được trông thấy tận mắt chỗ mà quả bom rơi xuống, và được nghe những người sống sót thuật lại những gì mà họ từng chứng kiến. Tim tôi se thắt lại. Trong một thoáng không biết bao nhiêu người ngã gục! Số người bị thương còn nhiều hơn nữa! Biết bao nhiêu đau thương và đổ vỡ gây ra bởi bom đạn hạt nhân! Hãy cứ nhìn nào số tiền khổng lồ mà người ta đổ vào việc chế tạo các thứ vũ khí đó thì sẽ rõ. Thật hết sức phi lý! Quả là một sự hổ thẹn không che dấu được! 

 

            Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà không trả một giá quá đắt. Chẳng hạn như việc phát minh phi cơ dân sự giúp con người di chuyển dễ dàng khắp nơi trên thế giới là một điều đáng quý, trái lại việc sản xuất khí giới với sức tàn phá khủng khiếp là cả một điều thật tồi tệ. Dù quê hương có xinh đẹp cách mấy và xa xôi đến đâu, thế nhưng các dân tộc sống trong các quê hương ấy khó tránh khỏi phải thường xuyên phập phồng lo âu trước những mối hiểm nguy rất thật. Hằng ngàn và hằng ngàn đầu đạn nguyên tử đang hướng thẳng vào họ và sẵn sàng được phóng đi bất cứ lúc nào. Chỉ cần một đầu đạn hạt nhân cất dấu trong một thành phố cũng đủ để tàn phá cả thành phố ấy, thế nhưng nếu không có ai châm ngòi thì nó cũng không nổ được. Tác ý của con người vẫn là yếu tố quyết định duy nhất và cuối cùng.

 

            Phương pháp duy nhất có thể thiết lập một nền hòa bình lâu dài là tạo ra một sự tin cẩn, tương kính, tình thương yêu và lòng nhân ái. Không có cách nào khác cả. Việc ganh đua sản xuất các loại vũ khí thông thường, hạt nhân, hóa học hay sinh học, cũng như các kế hoạch và ý đồ tranh dành ưu thế của các cường quốc chỉ mang lại đổ vỡ mà thôi. Không thể nào tạo được một nền hòa bình đích thật khi mà thế giới vẫn còn ngập tràn hận thù vả giận dữ!

 

            An bình bên ngoài sẽ không bao giờ có được khi an bình bên trong [nội tâm] chưa thực hiện được. Tìm kiếm các giải pháp bên ngoài quả là một việc làm cao quý, thế nhưng khi con người vẫn còn duy trì hận thù và giận dữ trong tâm thức mình, thì các giải pháp ấy cũng sẽ chẳng hiệu quả gì. Sự biến cải triệt để phải bắt nguồn từ bên trong tâm thức. Trên phương diện cá nhân, mỗi người trong chúng ta phải luyện tập để biến cải các xu hướng căn bản liên quan đến các xúc cảm của mình. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng sự luyện tập, có nghĩa là phải cố gắng sửa đổi dần dần cách mà mình nhìn vào chính mình (không nên quá ích kỷ) và kẻ khác (phải vị tha hơn).  

 

            Tình trạng tuyệt vọng ngày nay trên thế giới bắt buộc chúng ta phải hành động. Mỗi người trong chúng ta phải có bổn phận góp phần mình vào việc giúp đỡ toàn thể nhân loại ở một cấp bậc thật sâu xa. Tiếc thay, con người thường chỉ biết hy sinh vì một thứ ý thức hệ nào đó mà thôi. Đó là một sự sai lầm hoàn toàn. Các thể chế chính trị đương thời phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đối với tiền bạc cũng vậy, không nên để nó kiểm soát con người mà phải sử dụng nó để phục vụ con người.

 

            Lòng nhiệt tình và sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta biết nhìn vào quan điểm của kẻ khác và trao đổi ý kiến với họ bằng các cuộc thảo luận hòa nhã, đấy là cách mang lại sự hợp tác. Vì tình thương yêu và lòng từ bi đối với nhân loại, chúng ta phải có bổn phận tạo ra sự hài hòa giữa các quốc gia, các ý thức hệ, các nền văn hóa, sắc tộc, các hệ thống chính trị và kinh tế.

 

            Khi nào ý thức thành thật được tính cách đồng nhất của nhân loại thì lòng ước vọng kiến tạo hòa bình của mình mới có thể mạnh mẽ được. Trên bình diện sâu xa, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, do đó chúng ta phải cùng chia sẽ những niềm đau của nhau. Ước vọng cao đẹp nhất của chúng ta về một nền hòa bình lâu dài trong thế giới này nằm bên trong sự kính trọng, lòng tín cẩn và niềm âu lo cho sự an vui giữa chúng ta với nhau.

 

            Tất nhiên là các vị lãnh đạo quốc gia phải nhận lãnh một trọng trách nào đó đối với những điều trên đây, thế nhưng trên phương diện cá nhân thì mỗi người trong chúng ta cũng phải đóng góp phần mình, dù là mình theo tôn giáo nào cũng vậy. Chỉ cần đơn giản ý thức được mình là một con người, mong cầu đạt được hạnh phúc và loại bỏ khổ đau, thì cũng đủ để cảm thấy mình là công dân của hành tinh này, và do đó phải có trách nhiệm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nó.

 

            Chúng ta phải luyện tập tâm thức thì mới có thể tạo ra cho mình một thái độ thân thiện, một con tim nồng nhiệt, giúp mình biết kính trọng quyền hạn và sự an vui của kẻ khác. Mục đích chủ yếu nhất trong việc luyện tập tâm thức là trau dồi lòng từ bi và sự an bình nội tâm, thái độ đó không thể thiếu sót trong xã hội con người ngày nay, chẳng qua là vì nó có khả năng mang lại sự hài hòa đích thật giữa các quốc gia, sắc tộc và dân tộc khác nhau, thuộc các tín ngưỡng, các đảng phái chính trị và các hệ thống kinh tế khác nhau. Tạo được một tâm thức từ bi và an bình mới có thể giúp mình phát huy dược nghị lực và lòng quyết tâm mang lại sự biến đổi.

 

            Các bạn có đồng ý với tôi hay không? Hay các bạn xem những thứ ấy chẳng mang một ý nghĩa nào cả? Tôi chỉ đơn giản là một nhà sư Phật giáo. Những gì tôi nói ra cũng chỉ là các kinh nghiệm hạn hẹp của riêng tôi. Thế nhưng trong từng ngày tôi luôn cố gắng biến các ý nghĩ ấy trở thành hành động trong cuộc sống của tôi, nhất là khi tôi phải đối đầu với các khó khăn. Tất nhiên cũng có lúc tôi không làm được, vì thế đôi khi tôi cũng cảm thấy bực dọc. Thỉnh thoảng tôi cũng thốt ra những lời nặng nề có thể làm thương tổn kẻ khác, thế nhưng mỗi khi thốt ra những lời ấy thì tức khắc tôi cảm thấy đau đớn trong lòng. Tôi hiểu rằng tôi phải hết sức cố gắng phát động bên trong tôi lòng từ bi và trí tuệ (để không thốt ra những lời nói ấy).

 

            Khi người cộng sản Trung quốc tràn vào miền đông Tây Tạng thì lúc đó tôi mới 15 tuổi, và cũng trong năm đó chính phủ Tây Tạng đưa ra nghị định đề cử tôi điều hành Chính phủ. Quả là một giai đoạn đầy khó khăn, trong thời gian này chúng tôi cảm thấy nền tự do của chúng tôi bị nghiền nát. Năm 1959, tôi bắt buộc phải trốn khỏi kinh đô, phải hóa trang và ra đi trong đêm tối. Trong thời gian lưu vong tại Ấn Độ, hằng ngày tôi phải đối đầu với đủ mọi thứ khó khăn, từ việc thích ứng với khí hậu hoàn toàn khác hẳn với Tây Tạng cho đến việc tái lập lại các thể chế văn hóa của chúng tôi. Sự tu tập tâm linh đã mở ra cho tôi một tầm nhìn giúp tôi ý thức được là phải luôn tìm kiếm một giải pháp dù trong hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời cũng không được phép quên một điều là tất cả chúng ta đều là con người như nhau, dù các ý nghĩ sai lầm có làm mình bị lạc hướng đi nữa, nhưng các mối dây tương liên luôn kết hợp chúng ta với nhau hầu cùng sửa đổi cho nhau.  

 

            Điều đó giúp tôi hiểu rằng tầm nhìn mang lại bởi lòng từ bi, sự an bình nội tâm và sự quán thấy sâu xa giữ một vai trò chủ yếu trong cuộc sống thường nhật, do đó phải trau dồi các phẩm tính ấy trong từng ngày. Các vấn đề khó khăn không thể tránh hết được, vì thế thật hết sức quan trọng là phải chọn cho mình một thái độ đúng đắn. Sự giận dữ sẽ làm giảm khả năng phán đoán cái tốt và cái xấu, khả năng đó cũng là một trong các phẩm tính cao nhất của con người. Nếu đánh mất nó thì chúng ta sẽ mất hết định hướng. Đôi khi cũng cần phải phản ứng một cách cứng rắn, nhưng không được phép giận dữ. Sự giận dữ không cần thiết. Nó không có một giá trị nào cả. Lòng từ bi và sự an bình nội tâm trong lâu dài sẽ giúp mình thực hiện được các chủ đích to lớn (sự cứng rắn có thể tức khắc mang lại kết quả, nhưng cũng chỉ là những kết quả vụn vặt mà thôi, phía sau các kết quả nhất thời ấy, khó khăn vẫn còn nguyên hoặc cũng có thể trở nên trầm trọng hơn. Hãy nhìn lại chúng ta và quê hương mình thì sẽ rõ).    

 

            Tôi kêu gọi tất cả hãy nên xem lòng từ bi là một nhu cầu toàn diện. Sự an bình nội tâm tất nhiên sẽ tạo ra một thái độ hành xử từ bi, điều đó là cả một nhu cầu căn bản cho toàn thể nhân loại. Đối với các sinh viên cũng như các chính trị gia, kỹ sư, khoa học gia, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo sư, luật sư - qua từng giai đoạn của cuộc đời mình - phải khơi động nơi mình một động cơ thúc đẩy đúng đắn và một lòng từ bi đích thật, đó là nền tảng thật cần thiết cho một sự phát triển lành mạnh. 

 

            Ngày nay những ai có dịp tiếp xúc với người Tây Tạng đều quý mến họ vì nhận thấy tánh tình của họ rất tốt, dù họ từng phải gánh chịu những khổ đau thật to lớn. Dù quê hương bị lọt trong tay những kể xâm lược thế nhưng họ vẫn giữ được sự bình thản. Một số người cho rằng đấy là nét văn hóa đặc thù của người Tây Tạng, thế nhưng phần đông những người khác thì lại cho rằng đấy là nhờ vào cách suy nghĩ của họ và quyết tâm của họ mượn nghịch cảnh để giúp mình thăng tiến trên đường tu tập tâm linh (đây cũng là một nét đặc thù của Phật giáo Tây Tạng nói chung, tức không những khơi động các năng lực tích cực mà còn phải lợi dụng cả các năng lực tiêu cực để biến chúng trở thành tích cực, hầu giúp mình thăng tiến nhanh hơn). Đấy là lý do tại sao họ không tuyệt vọng, và hơn thế nữa sự an bình trong nội tâm họ không những giúp họ không lo âu mà còn mang lại cho họ một thái độ thân thiện trong cuộc sống bên ngoài. Tất cả các kết quả đó là nhờ vào nền giáo huấn về lòng từ bi được quảng bá sâu rộng tại Tây Tạng.

 

            Thực thi lòng từ bi càng nhiều càng tốt. Ngoài ra cũng thật hết sức quan trọng là phải ước vọng sẽ còn tiếp tục thực thi lòng từ bi nhiều hơn nữa trong tương lai. Đối với tất cả mọi sinh hoạt liên hệ đến xã hội con người, dù là trong lãnh vực chính trị, kinh doanh, công ăn việc làm, khảo cứu khoa học, kỹ thuật, v.v,. tình thương yêu và lòng từ bi luôn giữ một vai trò chủ yếu hơn cả, Nếu làm việc với một động cơ thúc đẩy chính đáng thì nghề nghiệp của mình sẽ trở thành một phương tiện phục vụ nhân loại. Ngược lại nếu thiếu một sự thúc đẩy đúng đắn, và cứ để sự ích kỷ và giận dữ chi phối mình, thì công ăn việc làm của mình sẽ rơi ra ngoài mục đích cao cả của nó. Thay vì mang lại lợi ích cho nhân loại, thì các sự hiểu biết góp nhặt được dù là từ bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cũng sẽ trở thành đầu mối mang lại thảm họa mà thôi. Lòng từ bi thật hết sức cần thiết là như thế.

 

            Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết rằng thay đổi thái độ nội tâm và biến cải tâm thức con người là những gì hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy không màu sắc, không hình tướng và đôi khi cũng tỏ ra yếu đuối, thế nhưng tâm thức cũng có thể trở nên cực mạnh tương tự như gang thép. Luyện tập tâm thức do đó phải kiên trì và quyết tâm, tương tự như luyện kim vậy. Nếu muốn luyện tập để cải biến tâm thức thì phải phát động một lòng quyết tâm và một sức kiên trì không lay chuyển, có nghĩa là phải cố gắng ngày càng nhiều hơn và nhiều hơn nữa, dù phải đối đầu với bất cứ một khó khăn nào. Với lòng kiên nhẫn, sự chuyên cần và thời gian, những sự biến cải mà mình mong muốn sẽ thực hiện được. Không nên thối chí. Hãy can đảm hoàn tất những gì mà mình có thể lảm được.

 

 

 

(hết chương1)

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 17.01.18

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/09/2019(Xem: 6500)
Narayan Helen Liebenson, Geshe Tenzin Wangyal Rinpoche và Blanche Hartman chia xẻ lời khuyên của họ về việc làm sao để ứng phó với các giai đoạn trầm cảm.Narayan Helen Liebenson là nữ giáo sư hướng dẫn tại Trung Tâm Thiền Cambridge Insight Meditation Center. Geshe Tenzin Wangyal Rinpoche là người nắm giữ truyền thừa của truyền thống Bön Dzogchen tradition của Tây Tạng. Ông là tác giả của cuốn sách “Spontaneous Creativity: Meditations for Manifesting Your Positive Qualities” [Sự Sáng Tạo Tự Phát: Thiền Để Thể Hiện Phẩm Chất Tích Cực Của Bạn] (xuất bản năm 2018).Zenkei Blanche Hartman (1926-2016) là Pháp Sư Cao Cấp và là phụ nữ đầu tiên Trú Trì Trung Tâm Thiền San Francisco.
24/08/2019(Xem: 10613)
Niết bàn là khái niệm thể hiện triết lý độc đáo về giải thoát của Phật giáo. Đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, giải thoát khỏi mọi đau khổ của cuộc đời. Trạng thái này có thể đạt được khi còn đang sống (Hữu dư Niết bàn) hoặc khi đã chết (Vô dư Niết bàn). Phật giáo Tiểu thừa hướng tới Vô dư Niết bàn - một Niết bàn tịch diệt, cô đơn, từ bỏ mọi thú vui trần thế. Phật giáo Đại thừa lại hướng tới Hữu dư Niết bàn - một Niết bàn nhân bản, nhập thế và hoạt động cùng những buồn vui nhân thế. Quan niệm này đã mang lại một sức hấp dẫn, sức sống mới cho Phật giáo, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.
21/08/2019(Xem: 5810)
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu xem độc tố này là gì. Xao lãng là xu hướng của tâm thức nhảy hết chuyện này sang chuyện khác. Đó là trường hợp của những người có một tâm thức tương tự như con cào cào hay con bướm, không sao có thể dừng lại với bất cứ một thứ gì, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Câu thơ nổi tiếng của T.S. Eliot (Thomas Stearns Eliot, 1888-1965, thi hào người Anh gốc Mỹ, đoạt giải Nobel văn chương năm 1948) : « xao lãng bởi sự xao lãng của sự xao lãng » có thể nói lên điều đó. Câu thơ này nêu lên một cách ngắn gọn cuộc sống ngày nay trong xã hội : đó là một quá trình liên tục – hết ngày này đến tuần khác – của sự « xao lãng bởi sự xao lãng của sự xao lãng ». Liều thuốc hóa giải sự xao lãng trong hoàn cảnh đó – ít nhất là đối với lãnh vực tâm thần – là sự chú tâm vào hơi thở. Một sự tập trung thật mạnh hướng vào quá trình hô hấp của mình là một phương pháp rất hiệu nghiệm, có thể hóa giải được tất cả mọi hình thức xao lãng.
09/08/2019(Xem: 5318)
‘Khổ và sự diệt khổ’ là trọng tâm của lời đức Phật dạy, được diễn đạt qua Kinh Chuyển Pháp Luân.[2] ‘Idaṁ dukkhaṁ ariyasaccaṁ’ pariññeyyan-ti ‘Chính sự thật về khổ’, cần được con người am hiểu, rõ biết tường tận.[3] Nhận định này có thể tư duythông qua bài kinh ‘Ví Dụ Tấm Vải’[4] như sau: Ví như tấm vải bị hoen ố, vấy bẩn và người thợ nhuộm đã cố gắng làm đẹptấm vải bằng cách nhúng nó vào thuốc nhuộm loại tốt này hay loại tốt khác, nhưng kết quả cho ra không được như ý. Bởi vì thực chất của tấm vải là dơ bẩn, không sạch, uế nhiễm.
06/08/2019(Xem: 4209)
Trong toán học, muốn giải một bài toán cơ bản luôn cần có một mẫu số chung, đó là con số quan trọng cần thiết để đưa đến kết quả chính xác cho bài toán. Ngoài ra vì tính khoa học, những con số còn giúp cho mọi việc được mạch lạc, rõ ràng thứ lớp hơn mà chính Đức Thế Tôn của chúng ta cách đây 2600 năm cũng đã sử dụng nó để nói đến trong toàn bộ những bài giảng của Ngài. Khi giảng nói về các loại tâm vô hình, trừu tượng khó nhớ Đức Phật đã dùng những con số cụ thể trong Vi diệu pháp (Duy thức học). Chính nhờ vậy việc tìm hiểu về các loại Tâm vương, Tâm sở đầy phức tạp đã được Ngài hướng dẫn, phân loại rõ ràng cho từng loại tâm khác nhau. Tuy nhiên đây chỉ là những học thuyết sâu rộng của triết lý Phật giáo dành cho lãnh vực nghiên cứu.
02/08/2019(Xem: 4613)
Vào sáng Chủ Nhật 14 tháng 7 2019, tại hội trường báo Người Việt (Westminster, Little Saigon) đã có một cuộc hội thảo với chủ đề tìm cách đem sự thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với giới thanh thiếu niên gốc Việt tại Quận Cam.
02/08/2019(Xem: 4588)
"Lý tưởng nhất là các lớp học không có cảm giác sợ hãi và căng thẳng làm việc dạy và học trở nên nặng nề. Lý tưởng nhất là giáo viên tạo dựng được nề nếp học trong không khí êm ả và chú tâm của lớp học. Tuy nhiên, không khí trong các lớp học công lập của Hoa Kỳ thường xuyên không được như vậy,…" Đó là lời phát biểu của Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ khi anh thuyết trình về lợi ích của việc thực tập hơi thở trong tỉnh thức ở học đường. Phương pháp này giúp con người trị được nhiều căn bệnh về tâm lý và đối đầu được những cảm giác hồi hộp, căng thẳng, sợ sệt, bất an, trầm cảm, thường xảy ra cho các học sinh và cả trong giới giáo chức.
20/07/2019(Xem: 7013)
Các bộ kinh Nikāya ghi nhận tầm quan trọng của thiềnna (jhana) trong cấu trúc của con đường hành trì trong Phật giáo. Trong bài kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphala Sutta, DN 2), Tiểu kinh Dụ Dấu Chân Voi (Cūḷahatthipadopama Sutta, MN 27) và nhiều bài kinh khác về sự tu tập tiệm tiến (anupubbasikkhā) của một tu sĩ Phật giáo, Đức Phật luôn đề cập đến thiền-na để minh họa cho việc tu tập tâm định. Khi vị tỳ-khưu hoàn tất tu tập về căn bản giới đức, vị ấy tìm nơi thanh vắng, sống độc cư và thanh lọc tâm, loại trừ “năm triền cái”. Khi tâm vị ấy được thanh lọc, vị ấy nhập và an trú vào bốn tầng thiềnna, được mô tả rất nhiều trong kinh tạng Nikāya qua một công thức kiểu mẫu:
03/07/2019(Xem: 4336)
Bài này sẽ viết về Thiền, phần lớn sẽ ghi về một số lời dạy của Đức Phật trong thiền pháp Thiền Tông, còn gọi là Thiền Đông Độ, hay Thiền Đạt Ma, hay Thiền Tổ Sư, và riêng tại Việt Nam còn gọi là Thiền Trúc Lâm. Chủ yếu nơi đây dựa vào kinh điển, và người viết không phải là tiếng nói thẩm quyền nào. Tất cả những gì viết nơi đây đều rất dễ hiểu; độc giả có thể ngưng ở bất kỳ dòng nào để thử nghiệm tự nhìn lại tâm. Với các bất toàn tất nhiên sẽ có, xin thành kính sám hối trước Tam Bảo.
01/07/2019(Xem: 4418)
Tâm là chủ thể tiếp nhận các đối tượng từ bên ngoài lẫn bên trong. Khi đang ngủ say, thì tâm được cho là trống rỗng, hay nói cách khác, đó là trạng thái vô thức ( bhavaïga, tiềm thức, tâm hộ kiếp). Chúng ta luôn kinh qua một trạng thái tiêu cực như vậy khi tâm mình phản ứng lại các đối tượng bên ngoài. Dòng chảy vô thức (bhavaïga) này bị gián đoạn khi các đối tượng thâm nhập vào tâm. Kế đó, tâm vô thức (bhavaṅga) rung động trong một chóc lát ý tưởng và biến mất.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]