Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 01: Vài Nhận Định

19/01/201816:38(Xem: 4789)
Chương 01: Vài Nhận Định

 Tam Diem cua Thien Dinh

 

TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH

Khám phá tâm thức thần bí nhất

 

 

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

Hoang Phong chuyển ngữ

 


Chương 1

 

VÀI NHẬN ĐỊNH

 

 

            Một phần lớn thế giới ngày nay được kết nối bởi một hệ thống liên lạc điện tử và thông tin chớp nhoáng. Vào thế kỷ XXI này, nền kinh tế toàn cầu còn khiến các quốc gia và các dân tộc càng phải lệ thuộc vào nhau nhiều hơn nữa. Vào các thời kỳ xa xưa những hình thức thương mại quốc tế không phải là một điều cần thiết. [Trái lại] ngày nay chúng ta không thể nào sống biệt lập được. Do đó nếu các quốc gia không duy trì mối bang giao tương kính lẫn nhau thì thật khó tránh khỏi xảy ra các vấn đề rắc rối. Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy các cuộc xung đột nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra giữa các nước giàu nghèo, tương tự như giữa những người nghèo khổ và những kẻ dư thừa bên trong một quốc gia, thế nhưng những sự nứt rạn về kinh tế đó vẫn có thể giải quyết được bằng sự ý thức sâu xa về nguyên lý tương liên và trách nhiệm toàn cầu. Một dân tộc trong một quốc gia phải xem các dân tộc khác trong các quốc gia khác,và cả những người cùng chung sống trong cùng một xứ sở với mình, đều là anh chị em của mình và họ cũng phải được hưởng quyền tự do phát triển như chính mình.

 

            Dù một số các nhà lãnh đạo chính trị cho thấy nhiều cố gắng thật đáng khen thế nhưng các cuộc khủng hoảng vẫn cứ bộc phát. Chiến tranh vẫn cứ tiếp tục gây ra chết chóc cho những kẻ vô tội: người già, trẻ em vẫn cứ bị vong mạng. Dù vô tội nhưng người lính vẫn phải gánh chịu những khổ đau rất thật, chẳng phải đấy là một điều đáng buồn hay sao. Việc buôn bán vũ khí với hàng ngàn hàng vạn súng ống, đạn dược đủ loại, sản phẩm của các cường quốc, chính là cách tiếp tay duy trì sự hung bạo. Thế nhưng cũng có những thứ nguy hiểm hơn cả bom đạn: đấy là hận thù, thiếu lòng từ bi và thái độ bất chấp quyền hạn của kẻ khác. Một khi hận thù còn tồn tại trong tâm thức con người thì hòa bình đích thật sẽ không bao giờ thực hiện được.

 

            Chúng ta phải làm bất cứ gì có thể làm được để ngăn chận chiến tranh và loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới này. Khi viếng thăm Hiroshima, nơi gánh chịu quả bom nguyên tử đầu tiên, tôi được trông thấy tận mắt chỗ mà quả bom rơi xuống, và được nghe những người sống sót thuật lại những gì mà họ từng chứng kiến. Tim tôi se thắt lại. Trong một thoáng không biết bao nhiêu người ngã gục! Số người bị thương còn nhiều hơn nữa! Biết bao nhiêu đau thương và đổ vỡ gây ra bởi bom đạn hạt nhân! Hãy cứ nhìn nào số tiền khổng lồ mà người ta đổ vào việc chế tạo các thứ vũ khí đó thì sẽ rõ. Thật hết sức phi lý! Quả là một sự hổ thẹn không che dấu được! 

 

            Các tiến bộ khoa học và kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích lớn lao cho nhân loại, nhưng không phải vì thế mà không trả một giá quá đắt. Chẳng hạn như việc phát minh phi cơ dân sự giúp con người di chuyển dễ dàng khắp nơi trên thế giới là một điều đáng quý, trái lại việc sản xuất khí giới với sức tàn phá khủng khiếp là cả một điều thật tồi tệ. Dù quê hương có xinh đẹp cách mấy và xa xôi đến đâu, thế nhưng các dân tộc sống trong các quê hương ấy khó tránh khỏi phải thường xuyên phập phồng lo âu trước những mối hiểm nguy rất thật. Hằng ngàn và hằng ngàn đầu đạn nguyên tử đang hướng thẳng vào họ và sẵn sàng được phóng đi bất cứ lúc nào. Chỉ cần một đầu đạn hạt nhân cất dấu trong một thành phố cũng đủ để tàn phá cả thành phố ấy, thế nhưng nếu không có ai châm ngòi thì nó cũng không nổ được. Tác ý của con người vẫn là yếu tố quyết định duy nhất và cuối cùng.

 

            Phương pháp duy nhất có thể thiết lập một nền hòa bình lâu dài là tạo ra một sự tin cẩn, tương kính, tình thương yêu và lòng nhân ái. Không có cách nào khác cả. Việc ganh đua sản xuất các loại vũ khí thông thường, hạt nhân, hóa học hay sinh học, cũng như các kế hoạch và ý đồ tranh dành ưu thế của các cường quốc chỉ mang lại đổ vỡ mà thôi. Không thể nào tạo được một nền hòa bình đích thật khi mà thế giới vẫn còn ngập tràn hận thù vả giận dữ!

 

            An bình bên ngoài sẽ không bao giờ có được khi an bình bên trong [nội tâm] chưa thực hiện được. Tìm kiếm các giải pháp bên ngoài quả là một việc làm cao quý, thế nhưng khi con người vẫn còn duy trì hận thù và giận dữ trong tâm thức mình, thì các giải pháp ấy cũng sẽ chẳng hiệu quả gì. Sự biến cải triệt để phải bắt nguồn từ bên trong tâm thức. Trên phương diện cá nhân, mỗi người trong chúng ta phải luyện tập để biến cải các xu hướng căn bản liên quan đến các xúc cảm của mình. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng sự luyện tập, có nghĩa là phải cố gắng sửa đổi dần dần cách mà mình nhìn vào chính mình (không nên quá ích kỷ) và kẻ khác (phải vị tha hơn).  

 

            Tình trạng tuyệt vọng ngày nay trên thế giới bắt buộc chúng ta phải hành động. Mỗi người trong chúng ta phải có bổn phận góp phần mình vào việc giúp đỡ toàn thể nhân loại ở một cấp bậc thật sâu xa. Tiếc thay, con người thường chỉ biết hy sinh vì một thứ ý thức hệ nào đó mà thôi. Đó là một sự sai lầm hoàn toàn. Các thể chế chính trị đương thời phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đối với tiền bạc cũng vậy, không nên để nó kiểm soát con người mà phải sử dụng nó để phục vụ con người.

 

            Lòng nhiệt tình và sự kiên nhẫn sẽ giúp chúng ta biết nhìn vào quan điểm của kẻ khác và trao đổi ý kiến với họ bằng các cuộc thảo luận hòa nhã, đấy là cách mang lại sự hợp tác. Vì tình thương yêu và lòng từ bi đối với nhân loại, chúng ta phải có bổn phận tạo ra sự hài hòa giữa các quốc gia, các ý thức hệ, các nền văn hóa, sắc tộc, các hệ thống chính trị và kinh tế.

 

            Khi nào ý thức thành thật được tính cách đồng nhất của nhân loại thì lòng ước vọng kiến tạo hòa bình của mình mới có thể mạnh mẽ được. Trên bình diện sâu xa, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, do đó chúng ta phải cùng chia sẽ những niềm đau của nhau. Ước vọng cao đẹp nhất của chúng ta về một nền hòa bình lâu dài trong thế giới này nằm bên trong sự kính trọng, lòng tín cẩn và niềm âu lo cho sự an vui giữa chúng ta với nhau.

 

            Tất nhiên là các vị lãnh đạo quốc gia phải nhận lãnh một trọng trách nào đó đối với những điều trên đây, thế nhưng trên phương diện cá nhân thì mỗi người trong chúng ta cũng phải đóng góp phần mình, dù là mình theo tôn giáo nào cũng vậy. Chỉ cần đơn giản ý thức được mình là một con người, mong cầu đạt được hạnh phúc và loại bỏ khổ đau, thì cũng đủ để cảm thấy mình là công dân của hành tinh này, và do đó phải có trách nhiệm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho nó.

 

            Chúng ta phải luyện tập tâm thức thì mới có thể tạo ra cho mình một thái độ thân thiện, một con tim nồng nhiệt, giúp mình biết kính trọng quyền hạn và sự an vui của kẻ khác. Mục đích chủ yếu nhất trong việc luyện tập tâm thức là trau dồi lòng từ bi và sự an bình nội tâm, thái độ đó không thể thiếu sót trong xã hội con người ngày nay, chẳng qua là vì nó có khả năng mang lại sự hài hòa đích thật giữa các quốc gia, sắc tộc và dân tộc khác nhau, thuộc các tín ngưỡng, các đảng phái chính trị và các hệ thống kinh tế khác nhau. Tạo được một tâm thức từ bi và an bình mới có thể giúp mình phát huy dược nghị lực và lòng quyết tâm mang lại sự biến đổi.

 

            Các bạn có đồng ý với tôi hay không? Hay các bạn xem những thứ ấy chẳng mang một ý nghĩa nào cả? Tôi chỉ đơn giản là một nhà sư Phật giáo. Những gì tôi nói ra cũng chỉ là các kinh nghiệm hạn hẹp của riêng tôi. Thế nhưng trong từng ngày tôi luôn cố gắng biến các ý nghĩ ấy trở thành hành động trong cuộc sống của tôi, nhất là khi tôi phải đối đầu với các khó khăn. Tất nhiên cũng có lúc tôi không làm được, vì thế đôi khi tôi cũng cảm thấy bực dọc. Thỉnh thoảng tôi cũng thốt ra những lời nặng nề có thể làm thương tổn kẻ khác, thế nhưng mỗi khi thốt ra những lời ấy thì tức khắc tôi cảm thấy đau đớn trong lòng. Tôi hiểu rằng tôi phải hết sức cố gắng phát động bên trong tôi lòng từ bi và trí tuệ (để không thốt ra những lời nói ấy).

 

            Khi người cộng sản Trung quốc tràn vào miền đông Tây Tạng thì lúc đó tôi mới 15 tuổi, và cũng trong năm đó chính phủ Tây Tạng đưa ra nghị định đề cử tôi điều hành Chính phủ. Quả là một giai đoạn đầy khó khăn, trong thời gian này chúng tôi cảm thấy nền tự do của chúng tôi bị nghiền nát. Năm 1959, tôi bắt buộc phải trốn khỏi kinh đô, phải hóa trang và ra đi trong đêm tối. Trong thời gian lưu vong tại Ấn Độ, hằng ngày tôi phải đối đầu với đủ mọi thứ khó khăn, từ việc thích ứng với khí hậu hoàn toàn khác hẳn với Tây Tạng cho đến việc tái lập lại các thể chế văn hóa của chúng tôi. Sự tu tập tâm linh đã mở ra cho tôi một tầm nhìn giúp tôi ý thức được là phải luôn tìm kiếm một giải pháp dù trong hoàn cảnh nào, nhưng đồng thời cũng không được phép quên một điều là tất cả chúng ta đều là con người như nhau, dù các ý nghĩ sai lầm có làm mình bị lạc hướng đi nữa, nhưng các mối dây tương liên luôn kết hợp chúng ta với nhau hầu cùng sửa đổi cho nhau.  

 

            Điều đó giúp tôi hiểu rằng tầm nhìn mang lại bởi lòng từ bi, sự an bình nội tâm và sự quán thấy sâu xa giữ một vai trò chủ yếu trong cuộc sống thường nhật, do đó phải trau dồi các phẩm tính ấy trong từng ngày. Các vấn đề khó khăn không thể tránh hết được, vì thế thật hết sức quan trọng là phải chọn cho mình một thái độ đúng đắn. Sự giận dữ sẽ làm giảm khả năng phán đoán cái tốt và cái xấu, khả năng đó cũng là một trong các phẩm tính cao nhất của con người. Nếu đánh mất nó thì chúng ta sẽ mất hết định hướng. Đôi khi cũng cần phải phản ứng một cách cứng rắn, nhưng không được phép giận dữ. Sự giận dữ không cần thiết. Nó không có một giá trị nào cả. Lòng từ bi và sự an bình nội tâm trong lâu dài sẽ giúp mình thực hiện được các chủ đích to lớn (sự cứng rắn có thể tức khắc mang lại kết quả, nhưng cũng chỉ là những kết quả vụn vặt mà thôi, phía sau các kết quả nhất thời ấy, khó khăn vẫn còn nguyên hoặc cũng có thể trở nên trầm trọng hơn. Hãy nhìn lại chúng ta và quê hương mình thì sẽ rõ).    

 

            Tôi kêu gọi tất cả hãy nên xem lòng từ bi là một nhu cầu toàn diện. Sự an bình nội tâm tất nhiên sẽ tạo ra một thái độ hành xử từ bi, điều đó là cả một nhu cầu căn bản cho toàn thể nhân loại. Đối với các sinh viên cũng như các chính trị gia, kỹ sư, khoa học gia, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo sư, luật sư - qua từng giai đoạn của cuộc đời mình - phải khơi động nơi mình một động cơ thúc đẩy đúng đắn và một lòng từ bi đích thật, đó là nền tảng thật cần thiết cho một sự phát triển lành mạnh. 

 

            Ngày nay những ai có dịp tiếp xúc với người Tây Tạng đều quý mến họ vì nhận thấy tánh tình của họ rất tốt, dù họ từng phải gánh chịu những khổ đau thật to lớn. Dù quê hương bị lọt trong tay những kể xâm lược thế nhưng họ vẫn giữ được sự bình thản. Một số người cho rằng đấy là nét văn hóa đặc thù của người Tây Tạng, thế nhưng phần đông những người khác thì lại cho rằng đấy là nhờ vào cách suy nghĩ của họ và quyết tâm của họ mượn nghịch cảnh để giúp mình thăng tiến trên đường tu tập tâm linh (đây cũng là một nét đặc thù của Phật giáo Tây Tạng nói chung, tức không những khơi động các năng lực tích cực mà còn phải lợi dụng cả các năng lực tiêu cực để biến chúng trở thành tích cực, hầu giúp mình thăng tiến nhanh hơn). Đấy là lý do tại sao họ không tuyệt vọng, và hơn thế nữa sự an bình trong nội tâm họ không những giúp họ không lo âu mà còn mang lại cho họ một thái độ thân thiện trong cuộc sống bên ngoài. Tất cả các kết quả đó là nhờ vào nền giáo huấn về lòng từ bi được quảng bá sâu rộng tại Tây Tạng.

 

            Thực thi lòng từ bi càng nhiều càng tốt. Ngoài ra cũng thật hết sức quan trọng là phải ước vọng sẽ còn tiếp tục thực thi lòng từ bi nhiều hơn nữa trong tương lai. Đối với tất cả mọi sinh hoạt liên hệ đến xã hội con người, dù là trong lãnh vực chính trị, kinh doanh, công ăn việc làm, khảo cứu khoa học, kỹ thuật, v.v,. tình thương yêu và lòng từ bi luôn giữ một vai trò chủ yếu hơn cả, Nếu làm việc với một động cơ thúc đẩy chính đáng thì nghề nghiệp của mình sẽ trở thành một phương tiện phục vụ nhân loại. Ngược lại nếu thiếu một sự thúc đẩy đúng đắn, và cứ để sự ích kỷ và giận dữ chi phối mình, thì công ăn việc làm của mình sẽ rơi ra ngoài mục đích cao cả của nó. Thay vì mang lại lợi ích cho nhân loại, thì các sự hiểu biết góp nhặt được dù là từ bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cũng sẽ trở thành đầu mối mang lại thảm họa mà thôi. Lòng từ bi thật hết sức cần thiết là như thế.

 

            Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết rằng thay đổi thái độ nội tâm và biến cải tâm thức con người là những gì hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy không màu sắc, không hình tướng và đôi khi cũng tỏ ra yếu đuối, thế nhưng tâm thức cũng có thể trở nên cực mạnh tương tự như gang thép. Luyện tập tâm thức do đó phải kiên trì và quyết tâm, tương tự như luyện kim vậy. Nếu muốn luyện tập để cải biến tâm thức thì phải phát động một lòng quyết tâm và một sức kiên trì không lay chuyển, có nghĩa là phải cố gắng ngày càng nhiều hơn và nhiều hơn nữa, dù phải đối đầu với bất cứ một khó khăn nào. Với lòng kiên nhẫn, sự chuyên cần và thời gian, những sự biến cải mà mình mong muốn sẽ thực hiện được. Không nên thối chí. Hãy can đảm hoàn tất những gì mà mình có thể lảm được.

 

 

 

(hết chương1)

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 17.01.18

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2021(Xem: 5553)
Trước khi vào nội dung bài viết ta nhắc lại một vài kiến thức của vật lý cấp 2 phổ thông cần thiết cho chủ đề này. Một vài thuật ngữ: Trọng tâm G của một vật: là điểm đặt của trọng lực P tác dụng lên vật đó (P được biểu thị bằng một mũi tên thẳng đứng có chiều hướng xuống dưới). Chân đế: là đa giác lồi nhỏ nhất chứa tất cả các điểm tiếp xúc giữa một vật với mặt phẳng đỡ nó. Chân đế là một hình phẳng, nó cũng có trọng tâm G1, với những hình đặc biệt như hình vuông thì trọng tâm của nó là giao điểm của 2 đường chéo, nếu là hình tam giác thì trọng tâm của nó là giao điểm của 3 đường trung tuyến.
15/10/2020(Xem: 4173)
Có lẽ bài viết này sẽ không đúng thời, đúng lúc vào hoàn cảnh hiện nay (riêng cho Việt Nam, các miền Bắc Trung Bộ từ Quảng Trị vào đến Thừa Thiên (Huế) nơi các vị Thầy khả kính của tôi đang chịu nhiều áp lực của thiên tai (sạt lỡ và lũ lụt trầm trọng hơn bao giờ hết, vượt lên trên những hậu quả của năm 1999 và hơn thế nữa... thế giới đang chịu nạn đại dịch Covid 19 hoành hành làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Nhưng hậu bối trộm nghĩ nếu mình không ráng tu học để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi khi còn được may mắn có cơ hội làm người và có cơ hội giác ngộ hơn những động vật và loài cỏ đá vô tình, thì cũng uổng phí một đời...
03/09/2020(Xem: 3983)
Bài này sẽ khảo sát một số khái niệm về các hiện tướng của tâm, dựa theo lời dạy của Đức Phật và chư Tổ sư. Bản thân người viết không phải là một thẩm quyền nào; do vậy, nơi đây chỉ là một cố gắng trong khả năng hạn hẹp để đọc lại và ghi chép lại một số lời dạy từ kinh luận, hy vọng sẽ giúp làm sáng tỏ một số thắc mắc. Các chữ viết tắt trong bài này có thể đọc ở Đại Tạng Kinh (1) với các kinh: DN là Trường Bộ Kinh, MN là Trung Bộ Kinh, SN là Tương Ưng Bộ Kinh, AN là Tăng Chi Bộ Kinh, Sn là Kinh Tập trong Tiểu Bộ, Ud là Kinh Phật Tự Thuyết, SA là Tạp A Hàm,
17/07/2020(Xem: 7139)
Trong kinh có ghi lại lời cảnh giác của Đức Phật, Ngài đã từngnói rằng: “Phàm tất cả chúng sinh còn lên xuống trong ba cõi, lăn lộn trong sáu đường thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi sai lầm”.Lời nói của bậc toàn giác thật chính xác. Chúng sinh còn trầm luân trong ba cõi, sáu đường, là còn gây nhiều nghiệp xấu. Cho nên, dù chúng ta là ai của những đời trước, kiếp trước? Kiếp này, tuy chung sống ở cõi Ta-Bà nhưng mỗi người ôm vào đời một biệt nghiệp riêng, do tội lỗi hay phước báo đã gây ra trong đời trước. Nhưng nói chung,dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng đã từngbị vô minh che mờ lý trí xúi quẩy tạo ra muôn ngàn tội lỗi, và tội lỗi đó cứ chồng chất mãi theo thời gian.
10/07/2020(Xem: 6378)
Thực tập thiền chánh niệm sẽ giúp cho chúng ta cảm nhận được sự an lạc trong từng giây phút của cuộc sống. Thiền cũng tăng sự tập trung, tăng hiệu quả của bộ nhớ, vượt qua áp lực và căng thẳng trong đời sống hằng ngày. Các lớp học gồm có: Lớp 1: LỚP SƠ CẤP ONLINE - Thời lượng 8 tuần vào lúc 4pm tới 5:30pm chiều thứ 7 hàng tuần. (For English class: Friday Evenings: 7pm to 8:30pm from July 17 to September 4, 2020) Lớp 2: LỚP TRUNG CẤP - Thời lượng 10 tuần vào lúc 8am tới 10am sáng Chủ Nhật hàng tuần. (For English class: Saturday Evenings: 6:30pm to 8:30pm from July 18 to September 19, 2020)
30/06/2020(Xem: 12404)
Đây là cuốn sách viết bằng song ngữ Anh-Việt của cư sĩ Nguyên Giác. Sách dày 319 trang vừa được Ananda Viet Foundation (Nam California) xuất bản. Cư sĩ Nguyên Giác tu học với một số thiền sư tiền bối nổi tiếng trước 1975 như Thích Tịch Chiếu, Thích Thường Chiếu, Thích Thiền Tâm và Thích Tài Quang. Cư sĩ Nguyên Giác say mê Thiền, nghiên cứu về Thiền, viết về Thiền và sống chết với Thiền. Ông đã xuất bản tám cuốn sách về Thiền. Nay ở tuổi 68, ông viết cuốn này vì sợ rồi đây sức khỏe suy yếu, không còn khả năng viết nữa. Tuy nhiên ước mơ lớn vẫn là để cho các nhà nghiên cứu ngoại quốc muốn tìm hiểu về Phật Giáo Việt Nam, nhất là Thiền, có tài liệu tham khảo vì hiện nay Anh Ngữ là ngôn ngữ phổ biến khắp thế giới.
10/12/2019(Xem: 5729)
“Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá Thà như giọt mưa, khô trên tượng đá Thà như mưa gió, đến ôm tượng đá Có còn hơn không, Có còn hơn không …” Đó là những câu mở đầu bài thơ của một người làm thơ như ăn cơm, làm thơ như uống nước, làm thơ như thiền hành, làm thơ như tĩnh tọa, làm thơ như say ngủ …. Làm thơ mà như chưa từng nghĩ là mình làm thơ, huống chi, nhọc nhằn khoác vào mình những hư danh nhân thế.
02/12/2019(Xem: 5786)
Thiền Định, Một Phương Pháp Biến Cải Tâm Linh. Đức Đạt-lai Lạt-ma và Urgyen Sangharakshita
15/11/2019(Xem: 6862)
Cuộc sống của con người và vạn vật chung quanh biến đổi từng giờ từng phút theo không gian và thời gian. Không hề có bất kỳ sự kiện hay sự vật nào tồn tại vĩnh viễn. Giáo lý nhà Phật gọi tình trạng đó là Vô thường.
12/09/2019(Xem: 5224)
Bài này ghi lại một số lời dạy về Thiền Tông – để thấy rằng trong tận cùng, tất cả các phương tiện chư Tổ sử dụng khi truyền pháp chỉ là các bè pháp để lìa tham sân si, bằng cách nhận ra bản tâm vốn đã tròn đầy giới định huệ. Khi nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lời Đức Phật dạy qua nhiều thời kỳ khác nhau, sẽ thấy tất cả đều tương thông, trong tận cùng là không dị biệt, không trái nghịch giữa các truyền thống, dù là Nam Tông hay Bắc Tông. Với người đã sống được trong các pháp ấn vô thường, vô ngã… lúc đó không thấy còn bè pháp nào nữa, vì sẽ thấy tất cả các phương tiện tu học chỉ là sản phẩm của tâm quá khứ, chỉ là thêu dệt từ những ngũ uấn của ngày hôm qua và hôm kia, trong khi cái hiện tiền chảy xiết ngay bây giờ là cái dòng tịch lặng vô thường bất khả ngôn thuyết. Cũng y hệt như khi đã nắm được bâu áo tràng (cổ áo tràng), tự động chiếc áo sẽ xuôi một dòng, phẳng lì, không rời tay mình bất kể khi đi đứng nhanh hay chậm, lúc đó cũng chẳng bận tâm tới tay áo nghiêng về phía Nam
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]