Tâm Diệu
Thiền là phương pháp tu hành chủ yếu của nhà Phật. Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, các đệ tử của Ngài đều lấy việc hành thiền làm cơ bản. Các phương pháp hành thiền này đều nương theo các kinh, luật và luận đã thuyết; như thiền Quán niệm hơi thở, thiền Tứ niệm xứ, Thiền na Ba la mật v.v...Tu các pháp thiền này được chứng nhập tuần tự theo thứ bậc, tùy theo trình độ và thời gian hành trì của hành giả. Loại thiền này được gọi là Như Lai Thiền. Còn Tổ Sư Thiền thì ngược lại không có thứ bậc, là pháp trực tiếp chỉ thẳng vào bản thể chân tâm Phật tánh.
Được biết Tổ Sư Thiền bắt đầu từ Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp, đến ngài A Nan rồi truyền tới Tổ thứ 28 là ngài Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma được tôn làm Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa, truyền cho Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Sau đó chia thành năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn. Mỗi phái đều có phương tiện cơ xao riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Tùy mỗi đương cơ mà chư Tổ, hoặc nói, hoặc nín, hoặc dùng gậy đánh hay dùng tiếng la, tiếng hét v.v... Các phương tiện cơ xảo ấy giống như chuyện vô lý nhưng lại có tác dụng làm ngưng suối nguồn ý thức của người đệ tử lúc bấy giờ. Mục đích là để đệ tử, ngay sát na đó khai ngộ. Các ngài không muốn đệ tử sa lầy trong văn tự chữ nghĩa, chỉ cần ngừng dòng tâm ý thức để trực thấy bản tâm, bản tánh của mình. Do đó một người khi nhập môn dòng thiền Lâm Tế liền bị tiếng la hét hay khi nhập môn dòng thiền Đức Sơn liền bị đánh v.v... là vậy. Người tham thiền thời đó cảm thấy thích hợp với cơ xảo nào thì đến phái đó theo học. Tuy khác nhau ở cơ xảo nhưng sự ngộ chẳng khác.
Lâm Tế và Tào Động là hai phái thiền Tổ Sư còn tồn tại truyền qua Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Ngày nay, khi nói đến Tồ Sư Thiền, người ta lập tức nghĩ tới việc tham công án và nghĩ rằng tham công án cũng tương tự như khán thoại đầu. Thật ra công án và thoại đầu có khác nhau mặc dầu mục đích không khác nhau. Đa số các công án có chuyện tích phức tạp, thí dụ công án Vô của Thiền sư Triệu Châu: Một ông Tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu: "Con chó có Phật tánh không?". Sư đáp: Không. Vị khác hỏi: “Con chó có Phật tánh không?”. Sư đáp: Có. Tại sao Triệu Châu nói “Không” cho người này lại đáp “Có” với người kia? Tại sao các loài hữu tình chúng sinh đều có Phật tánh, mà Hòa thượng Triệu Châu lại nói không, rồi sau đó lại nói có? Ngài có nói sai không? Nếu không thì ý ngài ở đâu? thắc mắc không biết v.v... Còn khán Thoại đầu, đơn giản hơn, không có chuyện tích phức tạp như thế mà chỉ là câu hỏi. Ví dụ như câu “Niệm Phật là ai?” hay “Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao?” v.v...
Mục đích của tu Tổ Sư Thiền là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thủy. Chư Tổ sư dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.
Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì một niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, co cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dày đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức, nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức.
Thoạt kỳ thủy, chưa có công án, mà chỉ là cơ xảo của chư Tổ, tùy theo căn cơ của người đối diện mà tháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục tổ hỏi Thượng tọa Huệ Minh:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Nghe câu đó, Thượng tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm ý thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Những thí dụ như trong một ngàn bảy trăm công án đều là những câu vấn đáp của chư Tổ, chính là để đương cơ "khựng ngay dòng ý thức lại". Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo nhận xét của thầy mà đưa câu hỏi cho trò.
Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, bèn thu thập lại, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là "một tắc công án", để họ tự hỏi hoài, thành ra một nỗi thắc mắc nhân tạo, coi như dụng cụ để giúp người tu thiền có thể ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vơ, là Ngộ.
Càng về sau, tâm tư con người càng phức tạp, biện luận càng nhiều. Người tu dùng công án để tạo thắc mắc, nghi tình thì ít, đem công án ra để bình giải thì nhiều, công án nhà Thiền biến thành công cụ để bình luận văn thơ, đã không giúp cho dòng ý thức ngưng, còn khai triển ra đủ loại tư tưởng đối nghịch, biến thành trò chơi chữ nghĩa. Trong trường hợp đó, công án không còn phục vụ sứ mạng tạo nghi tình, lại lấp bít con đường đi tới giac ngộ chân chính, và cũng do bởi Cảnh Đức Truyền Đăng Lụcra đời thời điểm này, ghi chép tất cả các thủ đoạn, công án của chư Tổ, khiến người tham thiền biết hết kỹ thuật của Tổ nên không phát khởi được nghi tình; do đó, chư Tổ mới bất đắc dĩ chế ra pháp "Chiếu Cố Thoại Đầu" hay còn gọi là “Khán Thoại Đầu”. Chiếu Cố Thoại Đầu có từ đó.
Như vậy Chiếu Cố Thoại Đầu là gì? Thoại là lời nói và Đầu là đầu tiên. "Thoại đầu" là "phía trước, trước khi có câu nói". Nếu đã nói ra, dù là một chữ, thì hết là "đầu", mà chỉ còn là "thoại vĩ", là "câu nói" mất rồi. Cho nên không có "câu thoại đầu", mà chỉ có "phía đầu của câu thoại", cho nên phải có chữ "chiếu cô", chiếu cố thoại đầu, tức là "quán chiếu về phía trước của câu nói".
Trước câu nói là gì? Dĩ nhiên câu nói (thoại) phải là hậu quả của một dòng ý thức trước khi tuôn ra thành lời. Nhưng dòng ý thức trước khi thành lời đó ở đâu? Là cái gì? Sự thắc mắc ấy chính là nghi tình. Nghi tình này không có đáp án, không thể dùng tâm ý thức giải đáp huyên thuyên, dù có muốn, vì nó không có câu chuyện có đầu có đuôi như công án. Miên mật trong khối nghi này tức là hành giả đã vượt qua nhất niệm vô minh, đang ở trong vô thủy vô minh, tức là đang trên "đầu sào trăm thước". Sau đó sẽ là "bước thêm một bước", là nghi tình bùng vỡ, là bước vào nơi mà chư Tổ gọi là "đất điền địa kia" (gọi là "đất", là "bước", chỉ là hình thức hóa cho dễ hiểu trong ngôn từ, thật ra thì tất cả chỉ là chuyển hóa tâm thức, không có cụ thể thành vật chất được, nói ra đã là dùng tương đối, cách xa mất rồi). Bước này mau chậm tùy theo cơ duyên, có người ôm khối nghi nhiều năm, có người ngắn hơn. Cơ duyên khiến cho nghi tình bùng vỡ, là "bước thêm một bước" có thể là tiếng viên sỏi chạm vào cây tre, hoặc là tiếng vỡ của cái chén rơi, tiếng chuông chùa, câu nói vô nghĩa, v.v...
Chiếu Cố Thoại Đầu bắt đầu từ đời nhà Tống bên Trung Hoa, không rõ truyền qua Việt Nam từ năm nào nhưng sau năm 1975 có một vị sư người Việt gốc Hoa truyền giảng pháp môn này tại Việt Nam rồi sau đó truyền qua Úc, Canada và Hoa Kỳ theo vết chân di cư của chính vị sư này và những Phật tử Việt Nam và Phật tử Việt gốc Hoa. Vị sư này là cố Hòa thượng Thích Duy Lực.
Hiện nay tại Việt Nam pháp môn này đang được truyền dạy tại các chùa: Phật Đà, Liên Hoa, Giác Nguyên (TP. HCM); Tam Bảo (Nha Mân, Sa Đéc), Liễu Quán, (Núi Dinh, Vũng Tàu). Riêng tại Hoa Kỳ, Từ Ân thiền đường, ngôi thiền đường duy nhất hoằng truyền Tổ Sư Thiền ở hải ngoai được chính cố Hòa thượng thiết lập và hiện tại được điều hành bởi một Ban Trị sự gồm các cư sĩ môn sinh người Việt và người Việt gốc Hoa. Vị Thiền Chủ hiện nay là Đại Đức Thích Minh Ngọc được ban trị sự thỉnh mời từ Canada.
Tâm Diệu