Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lá Thư Tịnh Độ 21 - 30

17/12/201206:36(Xem: 8140)
Lá Thư Tịnh Độ 21 - 30

Lá Thư Tịnh Độ

Nguyên tác: Ấn Quang Pháp Sư
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch

21/ Thơ Đáp một Cư Sĩ ở Ninh Ba

Được thơ, biết cư sĩ siêng năng đối trị tập quán, song chưa có hiệu quả. Ấy cũng bởi cư sĩ không tha thiết vì việc sanh tử, chỉ đem “pháp môn vượt phàm lên Thánh, dứt trừ hoặc nghiệp, thành tựu tịnh niệm”làm việc lấy có bên ngoài. Duyên cớ không được thật hiệu là tại chỗ đó! Phải thường xét nghĩ: “thân người khó được, pháp Phật khó nghe, môn Tịnh độ rất là khó gặp. Nay ta đã may mắn được thân trượng phu, lại có phước duyên gặp môn Tịnh độ, dám đâu đem ngày giờ hữu hạn để cho sắc, thanh, danh, lợi làm tiêu mòn hầu hết ư? Nỡ cam chịu mãi kiếp sống suông chết uổng, rồi vẫn đắm chìm trong sáu nẻo, không biết chừng nào thoát ly đó ư?”Lại phải đem một chữ chết dán trên đầu, khi gặp những cảnh không nên tham luyến, liền biết đó là vạc dầu lò lửa để làm khổ lụy cho mình, thì quyết không đến đỗi như con sâu bướm bay vào đèn tự tìm lấy sự thiêu đốt. Lúc gặp những điều đáng làm, lại nghĩ đó là thuyền từ cứu khổ, tất không còn sụt sè trong việc nhân nghĩa, biếng trễ trên bước tu hành. Được như thế, cảnh trần cũng có thể làm duyên nhập đạo, đâu phải từ bỏ hết sự đời mới là tu niệm? Nếu tâm có chủ trương, không xoay theo hoàn cảnh, thì trần lao chính là giải thoát. Cho nên trong Kinh Kim Cang luôn luôn khuyên bảo chẳng nên trụ tướng; tuy phát tâm độ tất cả chúng sanh, song không thấy mình là người hóa độ, chúng sanh là kẻ được độ, cho đến dù chứng đạo cũng không thấy có tướng thọ giả của quả Vô Dư Niết bàn. Đó mới là người thật hành đạo Bồ tát. Nếu trái lại, dù có độ sanh hay tu muôn công đức cũng không thể hợp với thật tướng nhứt thừa, vì chẳng hiểu chúng sanh đương thể là Phật, trong tánh bình đẳng lầm khởi tâm phân biệt, khiến cho sự lợi ích vô vi hóa thành phước hữu vi. Như thế làm sao thoát khỏi vòng ràng buộc của sắc tài danh lợi?

Người đời phải có bổn phận, nhưng ngoài phần việc của mình, chớ thêm điều chi vô ích. Nên để thời giờ ấy, tùy phần tùy sức tụng kinh niệm Phật, quyết chí cầu sanh Tây phương. Đối với tất cả việc lành, hoặc ra của tiền, hoặc dùng lời để tán trợ, nếu không thì phát lòng vui theo, cũng có công đức. Và phải đem những điều này hồi hướng, phụ giúp cho sự vãng sanh. Như thuyền đã đi theo nước xuôi lại thêm chèo chống, chẳng là mau về bến hơn đó ư? Ba mươi tháng chạp là ngày cuối năm, nếu không có dự bị sẵn sàng trước, đâu thể tránh khỏi các tay chủ nợ? Giờ phút lâm chung chính là ngày ba mươi tháng chạp của một đời, nếu chưa đủ tư lương Tín Nguyện Hạnh, vẫn còn nghiệp ác tham giận mê, thì oan gia chủ nợ từ vô lượng kiếp đến nay, đều tới đòi hỏi lôi kéo. Đừng nói chi kẻ không biết pháp môn Tịnh độ phải bó tay theo nghiệp thọ sanh, tức như người biết mà không thiết thật tu trì, cũng bị nghiệp lực lôi cuốn vào sáu nẻo, kiếp kiếp chịu luân hồi. Muốn cầu đường yếu thoát khổ, chỉ có mỗi niệm sợ chết và chết mà đọa vào ác đạo, thì câu niệm Phật tự thuần, phẩm sen thành tựu, tất cả cảnh trần không thể cướp được chánh niệm.

Tâm Kinh nói: “Soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua tất cả khổ ách.”Năm uẩn bao quát thân tâm và ngoại cảnh, nếu thấy đó là không, thì chính nơi năm uẩn mà rời năm uẩn, chỗ nào không phải pháp môn đại giải thoát, cảnh giới đại Niết bàn?

22/ Thơ Đáp Nhạc Tiên Kiều

Muốn trong hiện đời thật ích, phải y pháp môn Tịnh độ, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây phương, tất sẽ thoát đường sanh tử. Nếu chẳng thế, đừng nói kẻ không được chơn truyền của Phật giáo không thể giải thoát, dù có được cũng tuyệt phần! Vì được chơn truyền là đại triệt đại ngộ không phải thật chứng. Chứng mới khỏi luân hồi, ngộ vẫn còn trong vòng ấy. Tu các pháp môn khác, đều phải dứt hoặc chứng chơn mới thoát sanh tử. Riêng môn Tịnh độ, chỉ cần đủ tin sâu, nguyện thiết, trì danh hiệu Phật, dứt các điều dữ, làm những việc lành, gồm tu cả hai phần chánh trợ, quyết định sẽ vãng sanh. Hơn nữa, về phẩm vị còn được chiếm ngôi ưu thắng. Lại chẳng những người công hạnh tinh thuần quyết được sanh, mà kẻ phạm tội Ngũ nghịch, Thập ác, khi sắp chết biết tỉnh ngộ, hết sức hổ thẹn, sợ hãi chí tâm niệm Phật vài câu liền mạng chung, cũng quyết được sanh. Bởi đức Phật lòng từ rộng lớn, chuyên lấy sự độ sanh làm bổn phận. Nếu kẻ nào biết một niệm quay về, liền được nhiếp thọ. Đó gọi là “nương nhờ sức Phật, đới nghiệp vãng sanh.”

Người đời Mạt pháp, nếu tu các môn khác, không y theo Tịnh độ, chỉ được phước báo ở cõi Trời, Người và gieo nhân giải thoát nơi kiếp lâu xa về sau mà thôi. Do bởi chúng sanh đời này không đủ sức dứt hoặc nghiệp, nên gốc sanh tử hãy còn. Như thế làm sao khỏi mọc lại mầm mộng sanh tử?

23/ Thơ Đáp Cư Sĩ Trương Vân Lôi

Quyển Nhập Phật Vấn Đáp có thể dẫn dắt kẻ sơ cơ khiến cho họ lần lần đi sâu vào giáo lý đạo Phật phát lòng tin chơn chánh. Nếu in ra đem biếu tặng để kết pháp duyên, thì công đức còn chi lớn hơn? Những quyển ấy luận rộng về sự lý trong Phật giáo, tuy có nói đến pháp môn Tịnh độ, thật ra chưa tỏ bày hết ý nghĩa của tông này. Nếu người đã có lòng tin, nên tìm xem các kinh sách Tịnh độ. Như không đủ phương tiện để khảo duyệt nhiều, thì đọc kỹ một quyển Kỉnh Trung Kỉnh Hựu Kỉnh cũng được. Quyển này gom góp những yếu nghĩa của tông Tịnh độ, chia thành môn loại rõ ràng, rất lợi ích cho kẻ sơ cơ. Nếu được xem, có thể đi thẳng vào chỗ nhiệm mầu của môn niệm Phật, đỡ tốn công nghiên cứu các kinh sách Tịnh độ khác.

Phật pháp tùy người mà lập, quyết không nên chấp theo quy củ thông thường, khiến cho trái với căn cơ và mất sự lợi lớn: một đời được liễu thoát. Vậy nên lượng theo căn tánh mình, tự sắp đặt nghi thức tu trì. Chú Vãng Sanh bằng Phạm Văn, học được rất tốt, song chớ nên sanh lòng phân biệt cho lối tụng xưa nay là không đúng. Nếu có quan niệm ấy, sẽ vướng thêm mối nghi ngờ đối với tất cả chú văn trong đại tạng, rồi nhận lầm rằng những bài ấy không hợp ý Phật. Nên biết thuở xưa các bậc tôn đức dịch kinh, chẳng phải là làm việc luống suông, chớ thấy lối dịch mới khác hơn, vội xem thường lối cũ. Hơn ngàn năm trở lại đây, người tụng chú theo bản dịch cũ, được lợi ích biết bao nhiêu, đâu phải những người ấy đều không hiểu Phạm văn? Vậy học vẫn nên học, nhưng đừng sanh quan niệm hơn kém thấp cao, thì sự lợi ích tự nhiên không thể nghĩ bàn!

Phép trì chú cũng giống như cách tham câu thoại đầu. Tham câu thoại đầu, vì không thể giải nghĩa, nên dứt được tình phàm phân biệt, chứng vào tánh thiên chơn. Trì chú bởi không biết nghĩa lý, chỉ hết lòng thành khẩn tụng niệm, nên nghiệp chướng tiêu trừ, phước huệ to rộng. Những sự lợi ích ấy, không thể đem tâm tư nghĩ ngợi suy lường. Nghi thức lễ Phật không tiện lập riêng cho người có việc cần kíp, chỉ nên hết lòng thành khẩn, miệng xưng danh, thân cúi lạy, tưởng như Phật hiện ở trước là được. Sống trong đời kiếp trược, chúng sanh tranh đua giết hại lẫn nhau, nếu không có lá bùa hộ thân, chắc khó khỏi tai họa. Lá bùa ấy, chính là chí thành lễ niệm Phật A Di Đà. Lại, đức Quán Thế Âm Đại sĩ bi nguyện rộng sâu, tìm tiếng cứu khổ, tùy cơ cảm liền ứng hiện, ngoài thời hôm sớm lễ Phật, nên thêm lễ niệm Đại sĩ, tất sẽ được sự gia bị trong âm thầm, có thể đổi họa làm phước, gặp rủi hóa may mà chính mình không tự biết.

Trên đây là lời kẻ quê mùa ở phương ngoại vì người tri kỷ lập phép cứu đời. Nếu nói rằng “vì tất cả thế gian”, chẳng phải là không thể được, chỉ e người đời không chịu y phương pháp thực hành, thì biết làm sao?


24/ Thơ Gởi Cư Sĩ Tạ Dung Thoát

Nơi quê hương của các hạ được biết pháp môn niệm Phật, là do Lâm Giới Sanh thỉnh kinh sách Tịnh độ đem về truyền bá. Nếu trong đời trước các vị cư sĩ không trồng căn lành đối với pháp môn ấy, thì đâu có thể lấy gương xưa làm Thầy, sau khi nghe rồi liền sanh lòng tín nguyện, tự tu và khuyên người ư? Và, đâu có thể trong vòng không đầy mười lăm năm, đạo pháp lan rộng như thế ư?

Xét về thiên tư và cảnh duyên của các hạ đối với thời cơ pháp vận hiện nay, thì chỉ nên giữ năm giới để hộ trì Tam bảo, truyền Tịnh độ mà khuyên chúng vãng sanh, là hợp lý hợp thời và cần yếu hơn hết. Tại sao tôi lại nói như thế? Vì, các hạ tuổi đã hơn bốn mươi, căn tánh chưa phải là bậc thượng, nếu muốn nghiên cứu Tạng Kinh, tham hỏi hàng tri thức, e cho pháp môn quá rộng, ngày tháng chẳng nhiều, rồi khi trở tay không kịp, có sự ăn năn. Lại hiện nay tuy có bậc tri thức, song Tăng chúng phần nhiều đều ô lạm, bạn đồng hạnh ít người (đồng hạnh: bạn giúp đỡ về phần tu tập, có thể khiển trách lẫn nhau, khiến cho đạo hạnh tiến thêm), nếu khi chí hướng thượng suy kém, tất sự biếng trễ cũng nương theo, khó bề gắng gượng. Như tôi năm hai mươi mốt tuổi, từ cha mẹ xuất gia, cũng có thể gọi là lập chí mạnh và phát tâm chơn. Nhưng đến nay tuổi đã năm mươi ba, mà bên tông bên giáo đều không sở đắc chi cả. Nghĩ tủi thẹn luống phụ ơn mẹ cha, uổng làm con đức Phật! Song cũng may, đối với môn Tịnh độ, khi mới xuất gia học Kinh A Di Đà, tôi đã sanh lòng tin, thật chưa nhờ bậc tri thức nào chỉ dạy. Vì lúc đó Thầy thọ nghiệp và các vị tri thức chỉ chuyên về sự tham cứu, những lời khai thị đều phá môn Tịnh độ. Tôi lượng biết sức mình, nên không lay chuyển theo ai, dù Phật, Tổ hiện thân cũng chẳng đổi ý, huống nữa là lời nói của bậc tri thức bên tông Thiền? Lại hiện nay, chánh yếu tà mạnh, việc hộ trì Phật pháp, với tục thì dễ, với tăng lại khó. Nếu các hạ giữ chắc năm giới, chuyên niệm Phật, về phần tu thân lời và hạnh hiệp nhau, thì có thể truyền bá chánh pháp, làm lợi ích cho mọi người. Song chớ nên ở địa vị Thầy mà tự cao, và thọ tiền của để lợi dưỡng. Phải đem lẽ chánh khuyên bảo những kẻ thân sơ, tất mọi người đều mến đức vâng theo lời. Đó gọi là: “sửa mình được chánh, tuy không bảo người cũng theo, như cỏ ở trước ngọn gió tất phải thuận chiều vậy.”Lệnh lang không tin đạo Phật, cũng chẳng nên ép, đợi khi nào cảnh ngộ đẩy đưa khiến cho tánh thiên chơn phát lộ, chừng ấy chỉ dùng một lời nhắc bảo, tự nhiên tấm lòng của y sẽ phơi phới hướng về chánh pháp, khó nỗi cản ngăn.

Liên xã mới mở phải có quy tắc nhất định và thận trọng về việc cho người nữ dự vào. Chẳng nên bắt chước theo các nơi khác, thờ ơ không kiểm ước, để đến đỗi một pháp vừa lập trăm mối tệ sanh theo, điều ấy rất cần yếu. Không cơ duyên được lễ bái Xá Lợi và gần gũi tòng lâm, việc ấy có hại gì? Nếu khi thấy tượng Phật, tưởng như Phật sống, thấy Kinh Phật, lời Tổ, tưởng như Phật, Tổ đối trước mình chỉ dạy, tấm lòng kỉnh sợ không dám biếng trễ, tức là trọn ngày được thấy Phật và gần gũi các bậc Bồ tát, Tổ sư, Thiện tri thức. Như thế, Xá Lợi và tòng lâm có thấm vào đâu? Về tập quán thô lỗ, đừng nói hàng cư sĩ, nếu người xuất gia mà không chơn tu, lại còn quá hơn thế tục. Muốn trừ bỏ tánh ấy, trước phải nhận rõ các pháp giữa đời đều là khổ, không, vô thường, vô ngã, hoặc nhơ nhớp, thì ba ngọn lửa tham, giận, mê, sẽ dịu tắt lần. Nếu chưa dứt được, phải dùng lòng ngay thật, xót thương, nhẫn nhục, tha thứ mà đối trị. Thảng hoặc còn chưa dứt, cứ tưởng rằng mình đã chết, thì bao nhiêu sự nóng bức đều hóa thành mát mẻ tươi nhuần. Kinh Báo Ân dạy phải lần lượt thọ giới, người xuất gia khi thọ giới cũng y theo thứ đệ: giới Sa di, Tỳ kheo và Bồ tát. Nhưng người xưa thọ giới là phát tâm vì dứt sự sanh tử, trái lại, người đời nay phần nhiều đều muốn cho ra vẻ một vị đại Tăng, đắc giới hay không, chẳng cần nghĩ đến. Vì thế, mấy ông sư thiếu học thiếu tu bên ngoài, đều là những người đã thọ qua ba đàn đại giới cả. Sự tệ đó do bởi vua Thế Tổ nhà Thanh bỏ độ điệp, bãi lệ thí Tăng mà ra. Cho đến những kẻ xưng là Thầy người, song chỉ cầu danh lợi, tham quyến thuộc, cũng xuất phát từ nguyên nhân ấy. Tôi e chư Tăng ở quí địa không rõ điều này, bảo rằng độ người xuất gia là việc rất tốt, để cho hạng vô lại lẫn vào cửa Phật phá hủy chánh pháp, nên chẳng sợ tị hiềm mà nói thẳng ra.

Môn Tịnh độ là pháp rất mầu nhiệm, viên đốn nhất trong một đời thời giáo của đức Như Lai. (Viên đốn: một pháp đủ tất cả pháp là viên, hiện đời tu, hiện đời giải thoát là đốn). Hạng phàm phu thấp kém đều được dự vào, bậc Đẳng giác Bồ tát cũng không thể vượt ra ngoài pháp ấy. Thật là con đường rất tắt để mau đi đến quả Phật cho thượng Thánh hạ phàm. chư Phật, chư Tổ đều dùng môn này làm chiếc thuyền từ để độ khắp tất cả chúng sanh. Đối với một pháp như thế mà chẳng sanh lòng tin, hoặc tin mà không chơn thiết, đó là người nghiệp chướng sâu nặng, không ưng được giải thoát, sẽ phải chịu khổ luân hồi không biết lúc nào ra khỏi. Khi đã ở trong vòng sanh tử, dù có được làm thân Trời, Người cũng ngắn ngủi như lữ khách nghỉ nơi quán trọ. Trái lại, phần đọa vào ác đạo, thời gian rất lâu dài, như người ở yên nơi quê nhà. Mỗi khi tôi nghĩ đến điều này, bất giác cả sợ, nên chẳng nài mỏi nhọc, khẩn thiết tỏ với đồng nhân. Nay xin dẫn một bằng chứng rõ ràng, để các hạ phát thêm lòng tín nguyện và đem ra khuyên bảo mọi người.

Những kinh chuyên nói về tông Tịnh độ, có ba quyển: Phật Thuyết A Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thọ Kinh. Ngoài ra, các kinh điển Đại thừa phần nhiều đều phát minh pháp môn này. Như Kinh Hoa Nghiêm là khi đức Phật mới thành đạo, vì các bậc pháp thân Đại sĩ trong bốn mươi mốt vị: Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, nói pháp cao cả về giới ngoại, hàng phàm phu và Nhị thừa đều không thể biết được. Sau rốt, trong phẩm Nhập Pháp Giới, Thiện Tài đồng tử vâng lời dạy của đức Văn Thù, đi tham phỏng khắp các bậc tri thức. (Đồng tử: danh từ xưng tặng bậc dứt hoặc chứng chơn, phá vô minh trở về bản tánh, tâm hạnh trong sạch chân thật ví như kẻ đồng tử. Người đời không biết, vẽ hình tượng nhi đồng là sai lầm. Như đức Văn Thù, trong Kinh Hoa Nghiêm có chỗ gọi là Văn Thù Đồng Tử. Các kinh khác đôi khi cũng dùng danh từ này để xưng những bậc Bồ tát). Ban đầu Đồng Tử ra mắt Ngài Đức Vân nghe pháp môn niệm Phật, liền chứng bậc Sơ trụ. Kế đó lần lượt tham học mọi nơi đều được chứng, cho đến vị tri thức thứ năm mươi ba là đức Phổ Hiền. Bấy giờ, Bồ tát Phổ Hiền dùng oai thần gia bị, khiến cho chỗ chứng của Đồng Tử bằng mình và chư Phật, (đây gọi là Đẳng giác Bồ tát) rồi khuyên Ngài Thiện Tài cùng hải chúng Bồ tát trong cõi Hoa Tạng phát mười nguyện rộng lớn, đem công đức ấy hồi hướng về Tây phương Cực lạc, để cầu mau phương tròn quả Vô thượng Bồ đề. Lại, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Những chúng sanh tạo năm tội nghịch, mười điều ác, làm đủ những việc chẳng lành, sẽ phải đọa vào Địa ngục, trải qua nhiều kiếp chịu sự khổ vô cùng. Nhưng nếu kẻ ấy khi sắp chết gặp bậc Thiện tri thức khuyên bảo niệm Phật, liền vâng lời niệm đủ mười câu, tức thì tội chướng tiêu trừ, được vãng sanh.”Như Trương Thiện Hòa, Trương Chung Quì, trong Long Thơ Tịnh Độ Văn chính là hạng người đó. Thế thì, trên như đức Văn Thù, Phổ Hiền là những bậc Đại Bồ tát, dưới như kẻ phạm năm nghịch mười ác sắp đọa tam đồ, đều thuộc về cơ nhiếp hóa của môn Tịnh độ. Bao nhiêu đó cũng đủ thấy pháp môn này quảng đại không bỏ sót một ai, và đức A Di Đà hạnh nguyện rộng sâu, xem chúng sanh bình đẳng. Tôi thường có đôi liễn:

“Bỏ đường tắt Tây phương, chín cõi chúng sanh khó thể được tròn nên quả giác.
Rời cửa mầu Tịnh độ, mười phương chư Phật không vẹn toàn độ khắp hàng mê.”

Các hạ gắng phát lòng mạnh mẽ tinh tiến, đảm đương pháp này. Nên đem những ngôn luận hợp cơ về sự truyền dương Tịnh độ của người xưa, giảng lại cho trong thôn ấp nghe. Làm sao cho ở trần không nhiễm, nơi tục tu chơn, mới hợp với danh nghĩa hai chữ “Dung Thoát”. Vì “Dung Thoát”là lẫn với trần mà thoát khỏi trần vậy. Đó là ý kiến quê hèn của tôi, các hạ nghĩ thế nào? Xin suy gẫm lại.

25/ Thơ Đáp Cho Cư Sĩ Tạ Thành Minh

Được thơ, biết nơi quí địa còn có tâm pháp của Nho, Phật, các hạ lại hết sức đảm đương, tôi rất lấy làm vui đẹp! Đến như những lời khen tôi, thật là đưa ngọn cỏ khỏi lầu cao, khoe mắt cá hơn châu ngọc, quá dùng theo lối khách sáo ngoài đời, khiến cho người xiết bao hổ thẹn! „n Quang vẫn một kẻ dung tăng, hằng đón lấy canh thừa cơm hẩm nơi nhà bậc phú trưởng giả để tự nuôi sống, nếu có ai không chê rằng nặng mùi, cũng đem để chia sớt cho nhau. Nhưng cư sĩ Từ Huất Như bảo rằng thức ăn ấy có ích cho người đói, nên mấy phen đem lời kẻ quê mùa này in ra lưu bố, tuy về ý có phần khả thủ, song văn chương không đáng để nhìn. Chẳng dè bộ Văn Sao của tôi lại làm lờn mắt xanh của các hạ, thật nghĩ cảm thẹn không cùng! Trong ấy, những điểm: chánh tâm, thành kính, dùng để đối trị sự tìm cầu bên ngoài, sự không biết kiêng sợ của người đời nay, cũng có đôi phần ích lợi cho kẻ sơ học. Nhưng, nếu bậc thông Tông hiểu Giáo được trông thấy, chắc không khỏi bắt nhợn ra. Tuy nhiên, nếu mửa hết những thức ăn khó tiêu của Tông Giáo, thì canh thừa cơm hẩm ấy cũng có thể bồi bổ ngươn khí, đợi đến khi sức khỏe phục hồi, lại dùng thứ cao lương mỹ vị mới được thật ích.

Về các pháp môn: Luật, Giáo, Thiền, Tịnh, thứ nào hợp cơ, xin xem kỹ bài Tịnh Độ Quyết Nghi Luận trong Văn Sao của tôi sẽ tự rõ. Bậc đại thông gia tuy gồm tu Thiền, Tịnh, song tất lấy Tịnh độ làm chủ. Nếu như hạng người thường không cần phải nghiên cứu khắp kinh luận sâu xa, chỉ nên làm lành dứt dữ, một lòng niệm Phật cầu về Tây phương mà thôi. Hạng người ấy vẫn sinh sống theo đời mà gồm tu đạo xuất thế, tuy tợ hồ bình thường không chi kỳ lạ, song được sự lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Vì kẻ quê mùa dốt nát chỉ dùng lòng chơn thành tin tưởng niệm Phật, nên có thể thầm hợp cùng đạo mầu, cảm thông với trí Phật. Người thông hiểu giáo lý, nơi tâm thường hay tính toán suy lường, nên trọn ngày thức thần ở trong vòng phân biệt, so lại không bằng sự chơn thành của hạng ngu tối kia. Cho nên, kẻ quê dốt niệm Phật rất dễ được lợi ích. Bậc đại thông gia như có thể buông bỏ tất cả cũng dễ được lợi ích; trái lại nếu chỉ suy lường nghĩa lý, chẳng những không đắc ích, e có khi trở thành bệnh, hoặc chưa được cho là được, lạc vào phái ngông cuồng.

Phép tham thiền chẳng phải là cơ duyên của người đời nay, dù có học cũng thành sự hiểu biết về văn tự, quyết không thể tỏ suốt tâm tánh. Tại sao thế? Vì thiếu bậc Thiện tri thức dắt dìu chỉ định, lại người học chẳng biết tham thiền là thế nào, phần nhiều tuy gọi tham thiền, song thật ra là ngộ nhận. Trong bài luận “Tông cùng Giáo không nên lẫn lộn”“Tịnh Độ Quyết Nghi”, tôi đã chỉ phần đại khái về việc trên đây. Người đời nay, không luận căn cơ thượng, trung, hạ, đều phải gìn luân thường, giữ lòng thành kính, tin chắc lý nhân quả, làm những điều lành và chuyên niệm Phật cầu sanh về Tây phương. Nhân quả là cái lò lớn để nung phàm luyện Thánh trong đạo pháp thế và xuất thế gian. Nếu trước tiên không nghiên cứu về nhân quả, sau khi thông hiểu Tông Giáo, e cho còn sự lỗi lầm đối với vấn đề này, và đã lỗi lầm tất có phần sa đọa. Vì thế, chớ cho nhân quả là cạn cợt mà xem thường. Phàm phu vì tâm lượng nhỏ hẹp nên không hiểu thấu những chỗ nói về nhân quả trong kinh, thật ra, các đấng Như Lai thành Chánh giác, chúng sanh đọa tam đồ, đều chẳng ngoài đạo lý ấy. Nên lấy pháp thiển cận ở đời để làm phương tiện vào đạo mầu, như các thiên: Văn Xương Âm Chất, Thái Thượng Cảm Ứng chẳng hạn. Mấy quyển ấy, nếu xem kỹ và thực hành theo thì mỗi người đều có thể thoát nẻo luân hồi, hoặc ít ra cũng làm được hạng dân lương thiện. Niệm Phật tuy trọng ở sự vãng sanh, nhưng khi niệm đến cùng cực cũng ngộ được chân tâm, chẳng phải đối với đời hiện tại hoàn toàn không lợi ích. Thuở xưa, Thiền sư Minh Giáo Tung mỗi ngày niệm Thánh hiệu Quán Âm mười muôn câu, về sau những kinh sách ở đời, Ngài không đọc mà biết cả. Nên xem Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, sẽ biết niệm Phật là nhiệm mầu. Về điều này, trong Văn Sao của tôi cũng thường nói đến. Các hạ bảo: “Niệm Phật không được lợi ích ngay trong đời hiện tại”, đó là bởi chính mình chưa nghiên cứu các kinh luận của Tịnh Tông. Cho đến quyển Văn Sao của tôi, có lẽ các hạ cũng đọc qua như người chạy ngựa xem đèn, không tế tâm tìm hiểu.

Đến như giới luật, chẳng những chỉ riêng về hình thức bên ngoài, mà nếu không giữ lòng thành kính cũng là trái phạm. Nhân quả chính là trụ cốt của luật, nếu không biết hoặc mù mờ đối với đạo lý này, tức đã trái luật, lỗi lầm. Người niệm Phật, như giữ được tâm niệm hợp với chánh lý, thì trong một hạnh gồm đủ cả: Luật, Giáo, Tịnh, Thiền. Nên biết, tu các pháp môn kia đều phải dứt hết hoặc nghiệp không còn mảy tơ, mới được giải thoát. Riêng môn Tịnh độ, nếu người trừ sạch phiền não được vãng sanh, tất mau chứng pháp thân, kẻ nghiệp chướng còn nặng, khi về Cực lạc, cũng đã lên cõi Thánh. So lại hai phương diện, một bên toàn dùng sức mình, một bên nương nhờ sức Phật, sự hơn kém cách xa như vực với trời. Có nhiều kẻ thông minh, mỗi khi đọc sách về tông Thiền thấy có ý vị, liền tự cho mình là thiền khách, muốn làm bậc cao nhân. Hạng ấy không biết Thiền, Tịnh là thế nào, lầm chuốc lấy lỗi tự tôn tự đại. Những kẻ có kiến giải như thế, quyết không nên bắt chước. Nếu noi theo, thì với việc thoát sanh tử, e cho trải qua kiếp số như bụi cũng khó mong cầu.

Xin xem kỹ lại quyển Văn Sao của tôi sẽ tự rõ.

26/ Thơ đáp Cư Sĩ Mã Khế Tây (1 - 3)

1.Thời khóa niệm Phật nên tùy chỗ thích hợp riêng của mỗi người mà lập. Theo nghi thức ở Niệm Phật Đường của các chùa hiện nay, đều trước tụng Kinh A Di Đà, kế tụng ba biến chú Vãng Sanh, xong lại đọc bài kệ khen Phật, đến cuối bài, tiếp niệm “Nam Mô Tây phương Cực lạc Thế Giới, Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật”, rồi đứng dậy đi quanh theo bàn Phật mà niệm. Phép đi nhiễu quanh phải từ Đông qua Nam, Tây qua Bắc, đó gọi là thuận, là tùy hỷ và như thế mới có công đức. Ở Tây Vức rất trọng phép đi nhiễu, nước ta cũng dùng phép này, kiêm cả sự lễ bái để tỏ lòng kính thành. Nếu đi từ Đông qua Bắc, Tây qua Nam, tức là trái ngược, có tội lỗi, điều này cần nên biết. Đi nhiễu quanh niệm Phật được một lúc, rồi ngồi xuống niệm thầm, ước một khắc lại niệm ra tiếng. Khi sắp xong, quì niệm Phật mười câu, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Hải Chúng, mỗi Thánh hiệu đều ba lần, kế đọc bài văn phát nguyện, tụng Tam Tự Quy Y, rồi lễ Phật lui ra. Người tại gia, nếu chỗ nơi chật hẹp khó đi vi nhiễu, thì quì, đứng, hoặc ngồi niệm cũng được. Tóm lại, phải tùy tiện theo cảnh duyên, tinh thần, sức khỏe của cá nhân mà định, nếu nhờ người khác lập pháp thức cho, e không được hoàn toàn.

“Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm”, là cảnh giới của người đã niệm đến trình độ tâm Phật hợp nhau. Đến lúc ấy, tuy thường niệm Phật nhưng không có tướng khởi lòng động niệm, tuy không khởi lòng động niệm, mà vẫn hằng xưng niệm, hoặc ức niệm. (Chưa đến lúc tương ứng, nếu chẳng khởi động tâm niệm mà niệm, thì không niệm được). Không niệm đây, đừng nhận lầm là chẳng niệm Phật, vì đó là chỉ cho trạng thái tuyệt sự khởi tâm động niệm, thật ra thì mỗi câu Phật hiệu vẫn nối nhau không hở dứt. Cảnh giới ấy không dễ gì được, chớ nên nhận lầm. Phép quán tưởng tuy tốt, nhưng cần phải biết tượng Phật mình thấy, thuộc về duy tâm hiện; nếu nhận lầm là cảnh ngoài, có khi ma dựa phát cuồng. Duy tâm hiện là tượng Phật tuy rõ ràng, song không phải hình tướng chất ngại, thật có, nếu nhận định như thế thì thành cảnh ma. Lúc niệm Phật mắt nhắm hay mở, cũng thuộc về việc tùy nghi... Kiêm trì Thánh hiệu Quán Âm, rất được chỗ nương tựa, tất cả mọi người đều nên tu như thế. Khi làm việc, không giữ được tịnh niệm, vì chưa đến cảnh giới một lòng chẳng loạn. Như thế tất khó khỏi sự ngăn cách, bởi một tâm không có hai dụng. Nên thường định tâm soi vào trong.

Mỗi người đều phải giữ bổn phận, như ngươi trên có bà nội, cha mẹ, dưới có vợ cùng em dại, chức nghiệp lại nhàn nhã rất dễ tu trì. Ở hoàn cảnh ấy chẳng thiết thật dụng công, còn muốn xuất gia làm chi? Có chắc rằng ngươi xuất gia, lại được cơ duyên tốt như thế để chuyên tâm tu hành chăng? Nên biết, xuất gia có bổn phận của kẻ xuất gia, đâu phải bỏ tất cả công việc? Như Ấn Quang đây xem ra như người vô sự, nhưng cũng bị bận buộc hầu hết tháng năm, không rỗi rảnh để chuyên tâm niệm Phật, huống là kẻ khác ư? Vậy nên tùy sức tu trì, đừng tưởng nghĩ việc chi ngoài bổn phận.

Đó là hạnh phúc cho ngươi, mà cũng là điều ta mong ước.

2.Người tu hành rất cần yên tâm tịnh dưỡng. Ngươi tên Tịnh Am, sao chẳng xét tên nhớ nghĩa, cứ sanh thêm việc để cho mọi người lờn chán, chính mình lại vương lấy các chứng: uất hơi, xây xẩm, đau đầu? Nếu ngươi còn chẳng biết tự trọng, tất rồi sẽ thổ huyết, nhẹ thì thành phế tật, nặng hoặc đến thân mạng không toàn. Chừng đó lại để cho người đời mai mỉa rằng ngươi học Phật tu hành, chẳng những không lợi ích còn bị tổn thêm! Rồi cũng từ nguyên nhân ấy, một hạng kém hiểu biết sanh lòng phỉ báng, bảo: Đó là sự tai hại của Phật pháp. Họ lại tìm đủ cách ngăn trở kẻ khác tu niệm, phá mất căn lành của người, mấy ai tìm hiểu lỗi ấy do ngươi không thật hành đúng theo Phật giáo. Vậy ngươi phải biết điều hay dở, gắng giữ tròn bổn phận người tu, làm sao cho được sự cảm thông trong thầm lặng. Bệnh của ngươi đều do chính mình chuốc lấy, không tự xét tỉnh, lại còn hỏi ai?

Vậy ngươi nên mau cải lỗi và nhiếp tâm niệm Phật, kinh điển cũng tạm đình lại đừng xem. Cứ y theo lời ta, độ một vài tháng sẽ được bình phục. Nếu chẳng thế, thì xin tuyệt nghĩa Thầy trò, ngày khác có gặp nhau cũng đồng như người đi đường mà thôi!

3.Danh là bề ngoài của sự thật. Có thật có danh vẫn không lấy làm vinh, vì đó thuộc về bổn phận. Không thật có danh, đã nhiều thẹn nhục, huống chi còn muốn đăng lên báo để khêu động tai mắt của khách bốn phương? Việc ấy nếu làm ra, mọi người sẽ nghi ngờ bàn luận, tất trở thành cái thật án trộm danh khi đời. Ngươi chỉ biết một, chẳng biết hai, nên ta phải đôi phen giải bày chỉ rõ. Với Phật pháp, ngươi tuy có lòng tin sâu, nhưng lại ưa phô trương, kết giao, du ngoạn; đó là điều chướng ngại lớn cho sự tu hành. Vả lại ngươi tuổi mới hơn hai mươi, mà đã kết giao nhiều như thế, sau này khi học Phật được tinh thông, chắc mỗi ngày không có lúc nào rỗi rảnh. Nên yên tịnh trầm lặng, sự lợi ích sẽ vô cùng!

Phải gắng dè dặt và tự kiểm thúc lấy!

27/ Thơ Đáp Một Cư Sĩ ở Dõng Giang

Sắc dục là chứng bệnh chung của người đời. Chẳng những hạng người trung, hạ bị nó làm mê, mà bậc thượng căn nếu không kiêng sợ giữ gìn, cũng khó khỏi mang hại. Xưa nay biết bao trang tuấn kiệt có thiên tư làm Thánh hiền, chỉ vì phá không nổi lớp cửa ấy, trở thành kẻ hèn ngu bất tiếu! Vô số loài hữu tình cũng vì đó mà sa đọa vào tam đồ. Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật bảo Ngài A Nan: “Nếu chúng sanh ở sáu đường trong các thế giới, dứt được lòng dâm, thì không còn bị xoay vần theo vòng sống, chết. Ngươi tu Tam muội, vì cầu ra khỏi trần lao, nếu chẳng trừ lòng dâm, tất không thể nào giải thoát.”Với người học đạo, vấn đề trọng đại là sự sống chết, nếu không mau thống trừ căn bệnh kia, làm sao lìa nỗi khổ luân hồi? Như pháp môn niệm Phật tuy là đới nghiệp vãng sanh, song nếu đem lòng dâm cố kết, tất sẽ cách ngăn với Phật, đạo cảm ứng khó giao thông. Muốn dứt mối họa ấy, không chi hơn khi thấy tất cả người nữ, đều tưởng là thân thuộc, oan gia và nhơ nhớp.

Tưởng như thân thuộc là thế nào? Khi thấy người người nữ tuổi cao thì tưởng là mẹ, lớn hơn mình tưởng là chị, nhỏ hơn tưởng là em, nhỏ hơn nữa, nên tưởng là con. Người lòng dục dù mạnh, quyết không dám đối với mẹ, chị, em và con, sanh niệm bất chánh. Đó là dùng luân lý ngăn dục tâm khiến cho không phát khởi.

Tưởng như oan gia là thế nào? Người đời, theo tình thường khi thấy sắc đẹp liền động lòng luyến ái. Do tâm mê nhiễm ấy, nên đọa vào ác đạo nhiều kiếp chịu khổ không được thoát ly. Thế thì vẻ kiều mị đẹp tươi, sánh với cọp, sói, rắn rít cùng các thứ thuốc độc, còn hại gấp trăm ngàn lần! Đối với mối oan gia rất lớn ấy, còn quyến luyến ưa thích, há chẳng phải là ngu mê quá lắm ư?

Tưởng nhơ nhớp là thế nào? Sắc đẹp chỉ là một lớp da mỏng bên ngoài. Nếu banh lớp da ấy ra, thì dẫy đầy những xương, thịt, máu, mủ, đờm, dãi, phẩn uế, hôi tanh nhơ nhớp không ai muốn nhìn! Những thứ không đáng ưa đó, chỉ vì một làn da mỏng giấu che, làm cho người lầm sanh lòng yêu mến. Như chiếc bình đẹp đựng đồ hôi nhơ, không ai cầm lấy để ngắm, xem. Lớp da của mỹ nhân chẳng khác chi chiếc bình đẹp kia, trong ấy nhơ nhớp còn hơn phẩn, đâu nên chỉ ưa thích bề ngoài, quên hẳn bề trong, lầm sanh vọng tưởng ư? Nếu không răn dè sợ hãi, thống trừ tập tánh ấy, tất bị vẻ đẹp mỏng manh phỉnh gạt, mũi tên ấy sẽ ghim sâu vào xương tủy, làm sao tự nhổ ra? Lúc bình thường đã như thế, mà muốn sau khi chết chẳng đọa vào bào thai, việc ấy không thể có. Nhưng vào bào thai người còn khá, vào thai loài súc thú mới ra thế nào? Thử suy nghĩ kỹ điều này, tâm thần tự nhiên kinh động sợ hãi! Song, muốn cho khi thấy cảnh không khởi lòng nhiễm, trước phải thường tưởng ba điều trên, thì lúc đối cảnh mới khỏi bị lay chuyển. Bằng chẳng thế, dù không thấy cảnh, ý vẫn mơ tưởng triền miên, cũng vẫn bị tập khí dâm dục ràng buộc. Cho nên, đối với nữ sắc phải xét nhận thấu đáo, quét sạch tập quán dục nhiễm, mới có phần tự do.

Mỗi ngày, ngoài chức phận của mình, cư sĩ gắng chuyên tâm niệm Phật và đem hết lòng thành kính tha thiết sám hối tội nghiệp từ vô thỉ đến nay. Như thế, lâu ngày sẽ có sự lợi ích không thể nghĩ bàn mà chính mình không tự biết. Kinh Pháp Hoa nói: “Nếu có chúng sanh nào nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, sẽ được lìa dục”, cho đến nhiều giận hờn, ngu si cũng như vậy. Thế thì biết, nếu chí thành niệm Thánh hiệu đức A Di Đà, tất cũng được tiêu trừ ba món hoặc: tham, giận, mê. Lại, hiện nay là thời buổi nhiều hoạn nạn, ngoài giờ niệm Phật, nên niệm thêm Thánh hiệu đức Quán Âm. Như thế, sẽ được sự chuyển biến rất mầu nhiệm trong âm thầm, mới khỏi cảnh khi túc nghiệp hiện ra không phương trốn tránh. Phải tìm xem những sách: giới dâm, nhân quả, báo ứng, xa lìa bạn bè du đãng thì tâm hạnh mới được chánh đáng, vững vàng và Tịnh nghiệp mới có thể thành tựu.

Cố gắng! Cố gắng!

28/ Thơ Đáp Hai Cư Sĩ Ngạn Như, Dật Như

Xem thơ, thấy nhị vị tỏ ý phiền muộn vì việc đời buộc ràng, không biết làm sao được giải thoát. Mọi người đều có bổn phận, duyên sự tuy nhiều nhưng nếu tâm điềm nhiên không chuyển theo cảnh, thì đương lúc bận buộc cũng được giải thoát an nhàn. Cảnh trạng ấy như đài gương soi hình, hình đến không trở ngăn, hình đi chẳng lưu luyến. Nếu không hiểu nghĩa này, dù cho bỏ hết việc đời, nơi tâm cũng còn vương vấn, rộn ràng chẳng yên. Người học Phật biết an theo phận mình, giữ tròn nhiệm vụ, thì dù có tiếp xúc muôn duyên, mỗi ngày vẫn thung dung ngoài cảnh vật. Đó chính là nghĩa “một lòng không trụ, muôn cảnh đều nhàn”vậy.

Đến như niệm Phật, rất cần ở sự thoát ly vòng sống chết. Đã vì việc ấy tất đối với nỗi khổ luân hồi tự sanh chán nản, với sự vui Cực lạc tự sanh mến ưa. Thế là trong một niệm đủ cả hai điều tín nguyện. Thêm vào đó lòng chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ, thì sức Phật, sức Pháp và sức công đức tín nguyện của tâm mình, ba pháp đều vẹn toàn. Lực dụng ấy ví như vầng nhật giữa trời, dù có tuyết sương dầy đặc, không mấy chốc cũng tự rã tan. Người mới niệm Phật chưa đến lúc thân chứng Tam muội, làm sao khỏi có vọng niệm? Nhưng nếu biết đem tâm soi vào trong, không theo vọng cảnh, cũng đã quí lắm rồi! Ví như hai chiến trận đối nhau, cần phải giữ thành lũy mình cho chắc, đừng để bên nghịch xâm phạm, phòng khi quân giặc kéo qua liền đón lại đánh. Lúc ấy phải đem binh Chánh giác bao vây bốn bên, khiến cho đối phương không đường tẩu thoát, phải chịu quy hàng. Điều cần yếu là vị chủ soái phải thường thường tỉnh táo đừng biếng trễ, hôn trầm. Nếu phạm hai lỗi ấy, chẳng những không phá được giặc, trở lại bị giặc tiêu diệt. Cho nên người niệm Phật nếu không biết nhiếp tâm, thì càng niệm càng sanh vọng tưởng. Nếu có thể nhiếp tâm, vọng niệm sẽ lần lần yếu bớt, cho đến khi tiêu tán không còn. Nên người xưa có lời kệ:

“Học đạo dường như giữ cấm thành,
Ngày phòng sáu giặc, tối tinh chuyên.
Tướng, quân, chủ soái đều theo lịnh,
Chẳng động đao thương nước được yên.”

29/ Thơ Đáp Cư Sĩ Bao Sư Hiền

Hỏa hoạn ở Ôn Châu nghe qua thê thảm! Tai trời nạn nước thật không biết đâu là cùng! Cảnh khổ ấy đủ làm bằng chứng cho lời kệ: “Ba cõi không an, dường như nhà lửa”trong Kinh Pháp Hoa, và cũng là một duyên nhắc nhở rất thiết cho sự tín, nguyện, niệm Phật cầu sanh về Cực lạc.

Niệm Phật chẳng quy nhất, do bởi không tha thiết đối với việc sống chết luân hồi. Nếu tưởng mình bị nước cuốn lửa thiêu không ai cứu vớt, hoặc đang ở vào giờ phút lâm chung sắp đọa Địa ngục, thì tâm tự quy nhất, chẳng cần phải tìm phương pháp chi nhiệm mầu. Vì thế, trong kinh thường nói: “Nên nghĩ sự khổ nơi Địa ngục, phát lòng Bồ đề.”Đây là lời chỉ dạy rất thiết yếu của đấng đại giác Thế Tôn, tiếc vì người đời không chịu thật tâm tưởng nghĩ đến. Sự khổ nơi Địa ngục sánh với thảm họa nước lửa, còn gấp không lường, không ngằn lần đau đớn hơn! Tưởng đến lửa thiêu nước cuốn thì sợ hãi, nghĩ đến Địa ngục lại thờ ơ đó là người trí lực kém tối không thể quan sát rõ ràng sự khổ. Giả sử được một phen tận mắt trông thấy cảnh ấy, chắc bất giác lông tóc dựng đứng, xương lóng đều rung, không tự kiềm chế được.

30/ Thơ Đáp Pháp Hải Đại Sư

Hơn mười năm nay, tòa hạ tìm Thầy học đạo để mưu sự lợi ích cho mình và người, đó là điều đáng khen ngợi. Nay lại buông bỏ muôn duyên, một lòng niệm Phật, lấy quả giác làm nhân địa tu hành, có thể sẽ thân chứng Tam muội và chiếm được phẩm cao. Nếu tòa hạ phát lòng quả quyết thì sự mong cầu tất nhiên thành tựu. Nhưng người đời niệm Phật tuy nhiều, song chứng Tam muội rất ít, vì chưa buông được muôn duyên giữ một niệm, nên tâm cùng Phật khó dung hợp nhau. Tòa hạ đã thiết thật giữ sạch thân tâm, lẽ nào lại không có chỗ sở đắc? Nhưng trong thơ về mấy điểm: “Tỏ lòng thấy tánh, thoát ly sự sống chết và bằng cứ chứng đạo đến tay”, cần phải đôi chút phân biệt.

Nếu tu theo giáo lý thông thường, dù được tỏ lòng thấy tánh, cũng còn cách xa với sự thoát ly sống chết luân hồi, vì cảnh giới ấy thuộc về ngộ chớ không phải chứng. Người đời nay ngộ đạo còn rất ít, huống nữa là chứng ư? Chứng đạo thì hoặc nghiệp mới hết sạch, gốc sanh tử đã dứt, không còn cảm quả luân hồi. Bậc Tu đà hoàn bảy lần sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian, mới tiêu hết hai món hoặc kiến, tư, chứng quả A la hán. Ngài Thiên Thai thị hiện ở ngũ phẩm, Ngài Nam Nhạc ở ngôi Thập tín; các bậc Đại sĩ ấy còn ẩn thật đức của mình, tự bảo chỉ được địa vị nội, ngoại phàm, thì đâu phải dễ dàng khi muốn nói chứng đạo? Song đây là ước theo giáo lý thông thường để luận sự khó khăn về chứng đạo trong hiện đời. Nếu cứ theo môn Tịnh độ là pháp đặc biệt của đức Như Lai lập ra, thì trên từ bậc Đẳng giác dưới đến hạng tội nặng A tỳ, như đủ tín nguyện, đều được nương sức từ của Phật sanh về Cực lạc. Khi đã vãng sanh, tất sự tỏ ngộ cùng chứng đạo dễ dàng như lượm cỏ. Một điều hơi khác, tòa hạ chuyên tâm niệm Phật, không đề cập đến sự vãng sanh trong lúc lâm chung, lại nói có thể nắm chắc bằng cứ chứng đạo. Nói rằng chứng đạo cũng được, sao lại bảo: bằng cứ đến tay? Nếu bằng cứ đến tay thì không cần luận, thảng như không đến mới liệu làm sao? Xét qua ý tứ trong lời nói ấy, dường như tòa hạ chỉ niệm Phật suông, không phát lòng tín nguyện cầu sanh Cực lạc. Đó là lối dùng sự niệm Phật làm câu thoại đầu của nhà tu Thiền, không đúng với tông chỉ Tín Nguyện Hạnh trong môn Tịnh độ. Niệm Phật không tín nguyện so với phép tu Thiền tham câu thoại đầu tuy công đức lớn hơn, nhưng nếu hoặc nghiệp vẫn còn, tất không được giải thoát. Lại bởi không tín nguyện, nên không thể nương nhờ sức Phật tiếp độ, vẫn là pháp môn tự lực thông thường, rất khó chứng đạo. Chớ cho sự tín nguyện cầu sanh là thấp kém, vì trên hội Hoa Nghiêm, hải chúng trong cõi Hoa Tạng đều dùng mười đại nguyện vương để hồi hướng vãng sanh. Hơn nữa, các bậc Bồ tát, Tổ sư trong tông Tịnh độ đều bảo phải phát lòng tín nguyện cầu sanh Cực lạc. Sao Tòa hạ lại lập riêng môn đình không theo Thánh quy của Phật, Tổ như thế? Và, người đã suốt tháng, suốt năm, suốt đời niệm Phật, đâu nên không tu hạnh Lễ Kỉnh? Trong mười đại nguyện vương, Lễ Kỉnh đứng đầu, tòa hạ bỏ việc gì còn có thể được, quyết không nên bỏ sự lễ Phật. Nếu chẳng lễ Phật chắc khó cảm thông, vì lẽ thân ưa an ổn, tất thiếu trợ duyên để triển đạt hết lòng thành. Theo phép chuyên tu của Ngài Thiện Đạo thì thân chuyên lễ, miệng chuyên xưng, ý chuyên niệm, niệm cùng cực tự nhiên ngoài tâm không Phật, tâm Phật như nhau.

Sự chứng đạo ấy, các lối tu chứng về tự lực không thể sánh kịp. Về việc này, người xưa đã thí dụ như tên dân hèn kém nương bánh xe báu của Luân Vương, một ngày có thể dạo khắp bốn châu lớn. Vậy tòa hạ không nên đem pháp môn niệm Phật rất đặc biệt, tu theo đường lối tự lực về quán hạnh thông thường. Ấn Quang tuy hèn ngu, thật chẳng dám hứa nhận việc ấy. Nếu tòa hạ có thể dùng lòng trong sạch không nhiễm mảy trần, phát ba tâm mà niệm Phật, thì hiện đời sẽ thân chứng Tam muội, sau khi mạng chung liền sanh về Thượng phẩm. Như thế, Ấn Quang xin vòng tay trước để chúc mừng.

Kẻ ngu ngàn việc, dùng được một điều, mong Tòa hạ xét lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]