Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 03

04/12/201212:20(Xem: 3222)
Phần 03

LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKÀYA

TẬP 1
Thích Quảng Tánh

PHẦN 3

 

KINH DOANH THÀNH CÔNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, vườn Ghosita, rồi Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn? Có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn?

Này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn, hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung đi đến chỗ này, dẫu có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.

Như ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho như đã hứa. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.

Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa môn hứa hẹn giúp đỡ, và người ấy đã cho nhiều hơn như đã hứa. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ này, dẫu buôn bán gì cũng đạt được thành tựu ngoài ý muốn.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Không hý luận, phần Buôn bán, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.708)

LỜI BÀN:

Hàng Phật tử tại gia, ngoài việc tu học còn có một nhiệm vụ khác vô cùng quan trọng là lo kiếm sống. Không ít người trong hàng Phật tử kiếm sống bằng nghề buôn bán, kinh doanh lương thiện. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng buôn bán thành công dù tận lực với công việc.

Trong bối cảnh kinh doanh đầy biến động như hiện nay, chỉ xét riêng về những người làm ăn chân chính, có nhiều người phất lên nhanh chóng nhưng cũng có không ít người ngậm đắng nuốt cay vì công việc trì trệ, thậm chí lỗ lã và dẫn đến tán gia bại sản.

Để lý giải cho thành công của mình, đa phần những doanh nhân đều cho rằng họ biết nhìn xa trông rộng, nắm bắt được quy luật thị trường và có chút phần may mắn. Đối với những doanh nhân làm ăn thất bại thì tiết nuối tìm cơ hội khác, vì mình đâu kém ai nhưng sự đời vốn “mưu sự tại người mà thành sự tại trời”

Ít ai ngờ rằng, công việc kinh doanh của họ trong hiện tại thành công hay thất bại có liên hệ mật thiết với phuớc boá mà họ đã gieo trồng trong quá khứ. Chính điều này đã lý giải rõ ràng điều mà ngành kinh tế học không lý giải nổi, đó là cơ may thị trường.

Vì thế, người con Phật khi “làm chơi mà ăn thiệt” thì không vội tự mãn; khi “làm thiệt mà ăn chơi” thì chẳng nên chán nản, bi quan. Bởi trong kinh doanh, ngoài năng lực, nhạy bén, biết chớp thời cơ, nắm bắt cơ hội thì may mắn vẫn là yếu tố quan trọng, đôi khi mang tính quyết định. May mắn ấy, theo Phật giáo chính là phước báo của mỗi người.

Phước báo được tô bồi, vun đắp bời nhiều đời, là nhiều điều thiện. Ảnh hưởng mạnh nhất là sự tạo phước bằng cách trợ duyên cho người thành tựu giới đức có điều kiện tu tập. Do vậy, hãy xây dựng phước báo cho mình trong đời này và đời sau bằng cách phát nguyện hộ trì người tu hành và thực hiện đúng như những gì mình đã phát nguyện.

KHÔNG KINH DOANH PHI PHÁP

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo.

Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Này các Tỷ kheo, có năm nghề buôn bán mà người cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm?

Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc.

Năm nghề buôn bán này, này các Tỷ kheo, người cư sĩ không nên làm.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.646)

LỜI BÀN:

Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp đem lại hiệu qua kinh tế cao, có nhiều cơ hội để thành công trở nên giàu có nhưng đồng thời cũng dễ dàng chuốc lấy thất bại. Vì lẽ, sự biến động về thị trường, giá cả và cạnh tranh rất dữ dội, trong khi quyết định đầu tư đôi lúc chỉ xảy ra trong tích tắc. Dù thương trường luôn là chiến trường nhưng từ xưa cho đến nay, kinh doanh buôn bán vẫn là một nghề hấp dẫn vì “phi thương bất phú” không lao vào kinh doanh thì khó mà giàu lên được.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng công sức và trí tuệ của mình để làm ăn chân chính, kinh doanh hợp pháp với hoài bão đem lại sự hạnh phúc cho tự thân và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống xã hội. Để kiếm tiền nhanh chóng, chạy theo siêu lợi nhuận không ít người đã táng tận lương tâm, làm ăn phi pháp, gây ra biết bao tai họa. Những phi vụ đen về vũ khí, hạt nhân; các đường dây buôn bán phụ nữ; những hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền có tính đa quốc gia của các tập đoàn, băng nhóm tội phạm đã trở thành mối hiểm họa, đe dọa an ninh và sức khỏe của nhân loại trên toàn cầu.

Không phải đến tận ngày nay nhân loại mới báo động đỏ, tấn công không khoan nhượng với các loại tội phạm kinh tế, mà ngay từ thời Thế Tôn, Ngài đã lên án, tuyên chiến và khai tử đối với các loại tội phạm vô cùng nguy hiểm này. Người Phật tử, vâng lời răn dạy của Thế Tôn không nên và không được buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc.

Ngày nay, nhân loại đang sống trong thời đại văn minh và tiến bộ, song những thủ đoạn làm ăn bất chính của các tập đoàn, băng đảng tội phạm lại càng tinh vi hơn, đặc biệt cực kỳ nguy hiểm vì mang tính toàn cầu. Hơn ai hết, người con Phật luôn ý thức sâu sắc về sự nguy hại của những hoạt động kinh doanh phi pháp, chạy theo lợi nhuận mà không màng đến hậu quả để làm ăn lương thiện nhằm xây dựng hạnh phúc, an vui bền vững cho bản thân và xã hội. Kiên quyết đấu tranh với các hình thức kinh doanh bất chính, phi nhân và phi nghĩa là hành động thiết thực của người Phật tử, sống theo lời Phật dạy.

LÀM GIÀU

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika.

Này gia chủ, có năm lý do để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.

Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. Vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc, hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.

Lãi nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn... Vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết; hiến cúng cho vua và chư thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.

Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn… Vị ấy tổ chức cúng dường các vị Sa môn, Bà la môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua Munda, phần Trở thành giàu [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.374)

LỜI BÀN:

Đề cập đến Phật giáo, xưa nay đa phần đều nghĩ về khuynh hướng ly dục, muốn ít và thanh bần. Ít ai ngờ rằng, Thế Tôn từng khuyến khích hàng đệ tử phải cố gắng làm giàu. Hãy gầy dựng tài sản, làm giàu với năm mục đích cao thượng. Làm cho cá nhân và xã hội trở nên giàu có, thịnh vượng là khác vọng của nhân loại. Thế nhưng, con đường để trở thành giàu có không phải ở đâu và lúc nào cũng chân chính, là thành quả lao động khó nhọc từ khối óc và bàn tay. Vì thế, người Phật tử vâng lời Thế Tôn dạy, làm giàu chân chính bằng sự nỗ lực, cố gắng; bằng tất cả trí tuệ và sức lực; bằng các phương thức lao động, kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, việc tạo ra của cải vật chất với mục đích cao cả là đem lại sự an vui và hạnh phúc cho mình và tha nhân.

Người Phật tử làm giàu trước hết nhằm đem lại hạnh phúc cho tự thân, gia đình và các nhân công, người phục vụ. Kế đến, đem tài sản của mình làm ra cho bà con, thân hữu, bạn bè và tha nhân được an vui hạnh phúc. Mặt khác, biết cách bảo vệ thành quả lao động đồng thời không lãng phí và đầu tư vào những công việc không đem lại lợi ích cho con người. Ngoài ra người phật tử phải biết đem tài sản do mình làm ra để xây dựng các công trình văn hóa, nhớ về cội nguồn, cúng tế ông bà, tổ tiên và bố thí cho các vong hồn đói khát. Sau cùng, người con Phật phải biết hướng về các vị bô lão, người có đời sống đạo đức, phạm hạnh như Sa môn để cúng dường đồng thời học theo đức hạnh của các ngài nhằm xây dựng phước báo tốt đẹp cho tự thân trong đời này và đời sau.

Làm giàu với năm mục đích cao thượng như trên, người con Phật đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, công bằng, tiến bộ và văn minh.

GIÀU LÊN DỄ SANH TẬT

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvathi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, bạch Thế Tôn:

Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang nồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”.

Thật sự là như vậy, thật sự là như vậy, thưa Đại vương: “Loài người bị đắm say; Trong tài sản, trong dục; Họ tham lam, điên dại; Trong các dục ở đời; Không ý thức rõ ràng; Đã quá độ mê say; Chẳng khác gì con nai; Không thấy đặt bẫy sập; Về sau họ khổ đau; Chịu quả báo ác nghiệp”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Thiểu số [lược], VNCPHVN ấn hành 1993, tr. 170)

LỜI BÀN:

Thường thì chúng ta hay quy kết cho đói nghèo là nguyên nhân chủ yếu của các tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi con người và xã hội giàu có lên cũng không hẳn là giảm bớt đi những tệ nạn ấy, đôi khi lại còn trầm trọng hơn.

Giàu lên bằng sự làm ăn chân chính là điều ai cũng mong muốn. Khi chia tay với cái đói nghèo, sánh vai cùng khấm khá giàu sang nhưng chớ ảo tưởng rằng ta đã thành công, đang neo thuyền đời nơi bến bờ hạnh phúc. Thực tế cho thấy không phải hễ “có tiền thì mua gì cũng được”. Sự đổi đời, giàu lên nhanh chóng dễ dàng tạo ra chênh vênh, lúng túng, thậm chí lệch lạc trong nhận thức cũng như hành động và đem đến không ít bất hạnh trong đời.

Khi trong tay có tiền, nếu không biết làm chủ bản thân, tư tưởng hưởng thụ bất chánh bắt đầu trỗi dậy. Không ít các trò đua đòi chưng diện xa hoa, ăn chơi trác táng và tệ hại hơn là quan niệm sống hưởng thụ, trụy lạc, sa đọa bắt đầu từ đây. Bằng chứng là những con nghiện, các “anh hùng xa lộ”, những dân chơi “lắc” thâu đêm suốt sáng ở vũ trường v.v… hiện nay phần lớn đều là người giàu hoặc con cái nhà giàu.

Đó là chưa kể đã giàu lại mong muốn giàu thêm. Có tiền sanh ra đủ tật: ăn nhậu, bài bạc, chơi bời, chim chuột…..và để bù cho những khoản chi vì các tật xấu ấy nên mới có tham quan, hối lộ, bòn rút của công hoặc không có chức quyền thì trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo. Và hậu quả là không ít gia đình tan vỡ hạnh phúc vì cái giàu, bị tù tội và hối hận vì sự ham giàu, mất niềm tin với cuộc sống dù cho giàu có, dư dật.

Như vậy, giàu có về vật chất là điều cần đạt được nhưng phải song hành với sung mãn về đạo đức, tinh thần. Mất cân đối giữa giàu sang về vật chất và tinh thần là hiểm họa. Do vậy, cùng làm giàu vật chất và thăng hoa tinh thần là mục tiêu của tất cả những người con Phật.

CÓ MẮT MÀ NHƯ MÙ

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Có ba hạng người, này các Tỷ kheo, có mặt ở đời. Thế nào là ba ? Người mù, người một mắt, người có hai mắt.

Này các Tỷ kheo, thế nào là người mù ? Ở đây, có người không có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; không có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người mù.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có một mắt? Ở đây, có người có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; nhưng không có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người có một mắt.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có hai mắt? Ở đây, có người có mắt để có thể thâu hoạch được tài sản chưa thâu hoạch, làm tăng trưởng tài sản đã thâu hoạch; và có mắt để có thể biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không có tội, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt.

Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này có mắt ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Mù lòa, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.229)

LỜI BÀN:

Trên đời, trừ những người tật nguyền, hầu hết mỗi người đều có đôi mắt sáng. Tuy nhiên, để thực sự có đôi mắt sáng đúng nghĩa tức biết nhìn lại chính mình đồng thời để nhìn rõ đục trong giữa dòng đời thì không phải ai cũng có. Do vậy, có khá nhiều người đầy đủ cả hai mắt mà cũng như mù hoặc chột nên phải rèn luyện và tu dưỡng thật nhiều mới đem lại ánh sáng đích thực cho đôi mắt của chính mình.

Theo tuệ giác Thế Tôn, một người thực sự có hai mắt khi người này biết làm ăn chân chính, đem lại sự no ấm, thịnh vượng cho gia đình và xã hội đồng thời biết phân biệt rõ ràng xấu tốt, thiện ác và họa phúc. Làm giàu một cách chính đáng bằng cách tuân thủ pháp luật, các nguyên tắc đạo đức và nhất là biết chia sẻ những thành quả lao động với cộng sự và những người kém may mắn hơn mình.

Nhưng nếu chỉ biết làm giàu, nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi hậu quả thì như người chột, vì đôi mắt của hạng người này chỉ nhìn thấy lợi mà thôi. Không thấy được điều ác, bất thiện để tránh né hoặc từ bỏ thì dẫu có chút thành công nhưng chỉ mang tích nhất thời. Tuy vậy, hạng người này vẫn còn khá hơn hạng người có mắt như mù, những người không có khả năng tự xây dựng đời sống no ấm cho chính mình và chẳng nhận ra những điều xấu ác, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Do vậy, vâng lời Phật dạy, mỗi người con Phật phải nỗ lực tu dưỡng để có đôi mắt sáng tức thành tựu chánh kiến, bằng cách xây dựng đời sống vật chất và tinh thần ngày một phát triển, thăng hoa.

SỰ NGHÈO KHỔ

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetanava, dạy các Tỷ kheo:

Sự nghèo khổ, này các Tỷ kheo, là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, phải mắc nợ, phải chấp nhận tiền lời, khi thời hạn đến nếu không trả được tiền lời bị người ta hối thúc, bị theo sát gót, bị truy tìm và bị người ta bắt trói.

Này các Tỷ kheo, như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị hối thúc, cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời. Bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, này các Tỷ kheo, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu trong Pháp và Luật của bậc Thánh.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Bhammika, phần Nghèo khổ, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.117)

LỜI BÀN:

Đã nghèo lại gặp eo, dẫn đến túng thiếu, nợ nần, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, nếu không trả được tiền lời thì bị hối thúc, bị truy bắt thực sự là bất hạnh, đau khổ cho người nghèo. Chẳng ai muốn lâm vào nghèo khó nợ nần, cũng không người nào muốn bị các chủ nợ bức bách, nhưng hoàn cảnh bắt buộc như thế thì cũng đành ngậm đắng nuốt cay, chịu mọi tủi nhục, đau khổ mà thôi.

Thân nghèo thường đi với phận hèn, vì nghèo nên phải túng, cái khó lại bó cái khôn, hoàn cảnh ấy lại càng làm cho khổ đau hơn đối với những người có nhiều mong cầu, tham vọng. Khi mà hiện thực xã hội thiên về thực dụng, coi trọng vật chất, ma lực đồng tiền có thể biến điều không thể thành có thể, thì thân phận của những kẻ nghèo hèn lại càng bi đát hơn.

Đới với những người đã phát nguyện xả phú cầu bần thì tiền bạc, tài sản đối với họ không quan trọng. Không ai chê cười người tu mà nghèo kiết xác cả, có chăng chỉ là trường hợp ngược lại. Tài sản và sự giàu có của người tu thuộc về tinh thần, suốt một đời phấn đấu để đạt được một gia tài chơn không mầu nhiệm, không có gì mà thực sự có tất cả.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, cái nghèo, túng thiếu của người học Phật chính là xu hướng tìm cầu sự sung túc vật chất theo kiểu thế gian vốn dĩ phù vân, hư giả. Biểu hiện cụ thể của sự “nghèo túng” là không có lòng tin, không có hổ thẹn, không biết sợ hãi, không siêng năng, thiếu hẳn trí tuệ.

Vì thế, để thực sự giàu có, sung mãn trong Pháp và Luật của bậc Thánh, người con Phật phải trau giồi, trưởng dưỡng lòng tin; phải biết hổ thẹn với mọi người và với chính mình đặc biệt là biết sợ đối với các bất thiện pháp; tinh cần, siêng năng, nỗ lực tu học và phụng sự chúng sanh dưới sự soi sáng của tuệ giác. Chính lòng tin, hổ thẹn, sợ hãi với ác pháp, tinh cần và trí tuệ mới là tài sản, làm nên sự giàu có đích thực của những người đệ tử Phật.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567