Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tọa Đàm 25 - 36

04/12/201205:00(Xem: 3909)
Tọa Đàm 25 - 36


HỘ NIỆM: HƯỚNG DẪN – KHAI THỊ

Tác giả: Cư sĩ Diệu Âm


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 25

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Khai Thịtrong phương pháp hộ niệm đóng một vai trò rất là quan trọng. Một cuộc hộ niệm thành công hay không là nhờ người hướng dẫn khéo léo, uyển chuyển, phương tiện để gỡ được những điều khó khăn hay chướng ngại đang hiện hành cho người bệnh hay không!...

Trong ngày hôm qua ở tại đây chúng ta có một cuộc hộ niệm, đồng thời ở bên tây Úc cũng có một cuộc hộ niệm. Bên tây Úc thì một vị đó đã ra đi, ở đây thì vị đồng tu chỉ bệnh mà thôi. Trong khi cuộc hộ niệm ở bên tây Úc thì Diệu Âm đã đến đó tham gia qua ba ngày và trở về đây đã mạnh miệng nói rằng, vị này có cái xác suất thành công đến chín mươi lăm phần trăm. Dù rằng là vị đó hồi giờ tình thật là một câu kinh cũng không biết, một tiếng niệm Phật cũng chưa niệm qua. Khi bác sĩ phát hiện bệnh ung thư mới hoảng kinh hồn vía chạy lung tung hết, vô tình lại gặp được những người trong ban hộ niệm chỉ dẫn khuyến khích niệm Phật. Vị này đã phát tâm niệm Phật một cách hết sức dũng mãnh. Thật là ban đầu không biết gì hết trơn, khi gặp lại gặp ngay vô câu A-Di-Đà Phật...

Ấy thế mà tối hôm qua đi hộ niệm về thì mới nghe một cái tin làm choáng váng mặt mày. Họ báo tin cho biết là vị này không được vãng sanh. Trong khi đó, lúc đang hộ niệm cho vị ở đây thì Diệu Âm đã nói rằng, bây giờ đây dù là chưa biết kết quả ở đó như thế nào, nhưng tôi vẫn giữ lời nói là chín mươi lăm phần trăm người đó được thành công.

Xin thưa thật với chư vị, khi mà nghe tin đó làm cho Diệu Âm thấy quá ngỡ ngàng!...

Kỳ thật ra là khi hộ niệm cho vị đó Diệu Âm đã hướng dẫn hết sức là cặn kẽ. Trong ba ngày hộ niệm đó, Diệu Âm đưa ra vài câu trắc nghiệm giống như bài thi, “Bài thi vãng sanh!”, để coi thử là vị này có còn vướng cái gì không? Thì hoàn toàn là ba lần trắc nghiệm như vậy thì đều chấm là một trăm phần trăm được vãng sanh, không có một cái gì gọi là trở ngại hết. Trước khi ra về, vị đó còn hứa là nhất định tôi phải đi về Tây Phương: “Tôi phải làm gương cho cả gia đình tôi biết...”, vì cả gia đình của chị đó là người Thiên-Chúa giáo.

Ấy thế mà khi nghe cái tin là sau khi hộ niệm hơn tám tiếng đồng hồ thân tướng không tốt mà nóng tại bụng, làm cho Diệu Âm giật mình, ngỡ ngàng, mới liền điện thoại qua điều tra thì mới biết đã xảy ra một sự việc như thế này:

Một ngày trước khi tắt thở, người anh chị em gì đó trong gia đình đã bắt buộc người bệnh phải thay đổi tờ di chúc, trong đó có liên quan về tiền bạc.

Quý vị nghĩ thử coi, một người sắp chết nằm trên giường bệnh cất cái tay lên không nổi, làm sao mà đặt bút xuống ký vào tờ di chúc, trong khi tờ di chúc xóa đi thì luật sư không chịu. Họ nói rằng nếu xóa bỏ, sửa chữa thì không có giá trị, nên phải đánh lại cái tờ di chúc khác, rồi nhờ người làm chứng ký vô, rồi ép buộc người bệnh ký vào. Sự ép buộc này đã làm chị quá bức xúc mà thành ra bị trở ngại!...

Khi biết được tình trạng như vậy!... Thật sự hồi hôm tôi điện thoại qua bên đó tôi làm dữ! Làm dữ không kiêng nể, đến nỗi tôi la cả những người hộ niệm, tôi trách luôn người đồng tu đứng ra làm chứng, rồi tôi trách luôn ông chồng. Tôi nói cứng lắm! Tất cả mọi người thấy tôi làm dữ quá, cho nên ai cũng đành nhận lỗi hết, không ai dám cãi lại. Rồi cuối cùng tôi nói với người chồng, bây giờ hãy để tôi nói với hương linh. Tôi nói, hãy lấy cái điện thoại mở cho lớn ra, trong khi ở đó thì đang có mười mấy người hộ niệm đứng chung quanh. Tôi mới bắt đầu khai thị cho người bệnh.

Bây giờ đây kể lại thì tôi quên rồi. Nhưng mà lúc đó mà chúng ta có ở tại đó, thì tôi nghĩ rằng tiếng điện thoại dù nhỏ nhưng chư vị có thể nghe tiếng nói của tôi vang ra có thể động luôn cả cái phòng hộ niệm! Tại vì tôi nói rất mạnh. Tôi biết rằng, qua lời khai thị này nếu mà không có tác động gì đến cái vị đang nằm xuống hơn tám giờ đồng hồ đó, thì sau đó vĩnh viễn không còn cách nào có thể cứu được nữa. Chắc chắn sau đó không còn ai đứng ra khai thị hướng dẫn nữa đâu. Nghĩ vậy, nên tôi bắt buộc phải nói những lời rất mạnh! Tôi nói:

- Tôi là Diệu Âm, không phải ở sát bên chị. Nhưng mà trước khi tôi đi về chị đã hứa với tôi là chị ra đi theo A-Di-Đà Phật và chị đã hứa là chị sẽ làm gương cho tất cả gia đình của chị về pháp Phật nhiệm mầu. Tại sao bây giờ đây chị đã xả bỏ báo thân hơn tám tiếng đồng hồ rồi mà còn vướng nạn?... Một đời này gặp được câu A-Di-Đà Phật, nói thẳng rằng là trong vô lượng kiếp qua chị chưa bao giờ gặp được trường hợp này đâu. Nó quý giá như vậy đó, hy hữu như vậy đó, thì tại sao... lý do gì mà không chịu theo A-Di-Đà Phật để về Tây Phương, mà bây giờ còn ở lại đây?... Có phải vì một ít tiền bạc vô thường mà chị đành đoạn chấp nhận vô lượng kiếp nữa trong khổ đau? Có đáng không?... Chị hứa là chị sẽ về Tây Phương để cứu cả ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ. Bây giờ chị đọa lạc thì ai cứu chị đây?... Chị muốn làm gương cho cả chồng con, những người thân về Phật pháp nhiệm mầu. Chị không vãng sanh thì ai thay cho chị làm gương bây giờ đây?...

Tôi nói rất là mạnh! Nói mạnh lắm!... Tôi nói tiếp:

- Mau mau tỉnh ngộ kịp thời... Nhất định niệm A-Di-Đà Phật về Tây Phương Cực Lạc, không được chần chờ một phút giây nào hết.

Tôi nói rất mạnh!... Không biết làm sao lúc đó tôi không kềm được, tôi nói mạnh lắm! Rồi tôi mời chư vị đồng tu tiếp tục niệm Phật hộ niệm cho chị thêm bốn tiếng đồng hồ nữa.

Thật ra thì ngay cả đêm hồi hôm tôi nằm mà thấy bức xúc quá! Tôi không ngờ rằng một người đã phát tâm rất là vững vàng, rất là mạnh mẽ, kiên cường đến nỗi mà tôi nghĩ không có sự kiên cường nào qua được sự phát tâm dũng mãnh của chị, ấy thế tại sao lại bị vướng như vậy?...

Suốt đêm hồi hôm tôi nằm trằn trọc, không ngủ được. Tôi định chờ sáng ra tôi sẽ bắt điện thoại gọi tiếp... Nhưng nghĩ lại, lúc này người ta đang bị rối rồi, mà mình la một lần nữa thì thật là không nên! Cho nên tôi cố gắng dịu lại, chờ thêm tin mới thử coi?...

Thì một chuyện đã xảy ra bất khả tư nghì! Sau bốn tiếng đồng hồ niệm Phật tiếp, chị đó lại chuyển đổi một trăm phần trăm. Thân tướng hồng hào mềm mại và hơi ấm thoát ra tại đỉnh đầu... Một hiện tượng đã xảy ra thật bất khả tư nghì! Người chồng là một người Thiên-Chúa giáo mà cũng quá cảm kích, phục xuống quỳ lạy ban hộ niệm...

Cho nên, mình thấy rõ rệt, pháp hộ niệm bất khả tư nghì! Quý vị cứ tưởng tượng đi. Phật dạy: “Vạn pháp nhân duyên sanh”. Có nhân, có duyên sanh ra vạn pháp. Chị đó từ một người không biết tu, gặp cái duyên bị bệnh, phát khởi tu, đây chắc có lẽ là do trong nhiều đời nhiều kiếp đã tu, có nhân rồi, gặp cái duyên là bị bệnh, hoảng kinh hồn vía, chạy cầu cứu lung tung... Gặp những người hộ niệm người ta chỉ câu A-Di-Đà Phật. Rõ ràng là duyên. Nhờ cái duyên này mà phát khởi niệm Phật, quyết lòng đi về Tây Phương. Đường đi về Tây Phương đã gặp những người hộ niệm hướng dẫn cụ thể. Trước những giờ phút nằm trên giường bệnh chờ chết, có vài trở ngại với gia đình không tự hóa giải được, nhưng mà nhờ chúng tôi tới khuyên giải đã giúp chị hóa gỡ hầu như hoàn toàn, nghĩa là coi như là buông bỏ hết không còn vướng mắc nữa.

Rõ ràng đang thuận buồm xuôi gió đi về Tây Phương, đúng ra người này rất là thuận duyên để thành tựu, không có trở ngại. Ấy thế mà trước những giờ phút tắt hơi lại bị cái chướng nạn do người trong gia đình ép buộc phải đổi tờ di chúc làm cho bức xúc. Vì sự bức xúc này mà đành bỏ con đường Tây Phương không chịu vãng sanh, làm cho ban hộ niệm đó hoảng kinh hồn vía, không biết làm sao mà giải quyết!...

Rõ ràng cực lạc cũng trong một niệm, mà đọa lạc cũng trong một niệm.

Giả sử như trong cảnh đọa lạc, hiện tượng thân xác nóng tại bụng tức là đang cảm ứng tới những cảnh giới rất xấu trong tam ác đạo, nếu không có một người nào vững vàng, biết hộ niệm hướng dẫn khai thị cụ thể, thì làm sao mà vực cái tâm của người đó dậy để kịp hồi đầu đi về Tây Phương?...

Rõ ràng...Một niệm giác ngộ đi về Tây Phương. Một niệm mê mờ đành phải chấp nhận thương đau vạn kiếp!...

Cho nên xin thưa với chư vị, pháp hộ niệm quá ư là tuyệt vời! Vi diệu không tưởng tượng được!

Một vị đó bây giờ dù có phát tâm như thế nào đi nữa, có giỏi như thế nào đi nữa, nhưng gặp phải những cảnh nghịch duyên, bức xúc trước khi ra đi thì làm sao mà thành đạo đây?... Làm sao mà giải thoát đây?... Vậy mà, chỉ cần một câu khai giải, chỉ cần một người hộ niệm vững có thể cứu vãn vấn đề. Phương pháp hộ niệm đã cứu người này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Tổ Ấn-Quang nói: Cứu một người vãng sanh Tây Phương công đức vô lượng vô biên, hơn hẳn gieo duyên cho vạn người tu hành.

Cho nên ở tại đây đã gặp được cái cơ hội niệm Phật, chúng ta đã biết giảng giải với nhau về phương pháp hộ niệm, về cách khai thị. Xin chư vị trân quý cơ hội này để chúng ta cứu nhau, cứu bà con chúng ta, cứu anh em chúng ta, cứu đồng tu chúng ta, mà sau cùng cứu chính mình nữa.

Gặp một buổi hộ niệm xin đừng bỏ qua. Bỏ lỡ một dịp hộ niệm cứu người vãng sanh thành đạo uổng lắm! Sau này nghe người ta kể lại, dù kể rành mạch đến đâu đi nữa thì mình không thể nào cảm nhận đúng mức được đâu! Mà chỉ cần tham gia, có chứng kiến sự việc thì tự nhiên mình biết, mình hiểu, tự nhiên mình thực hành một cách đúng đắn, hộ niệm thật vững vàng, chính xác, cứu người thoát nạn trong tầm tay.

Nguyện mong chư vị quyết lòng niệm Phật cứu người vãng sanh.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN-KHAI THỊ

Tọa Đàm 26

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong chương trình nói về “Khai Thị -Hướng Dẫn” cho bệnh nhân, chúng ta đã đi được một nửa đoạn đường. Mỗi lần chúng ta nghe được một tin vãng sanh, tự nhiên mình thấy có một nguồn an vui, sung sướng! Hơn nữa chuyện vãng sanh này chúng ta có đóng góp công sức vào đó, dù nhỏ hay lớn cũng làm cho mình thấy vui và niềm tin vãng sanh càng được vun bồi...

Có một điều đáng nói trong cuộc vãng sanh ngày hôm kia là một điều hơi bất cẩn của Diệu Âm! Biết rõ rằng người bệnh đó hồi nào tới giờ chưa biết tu, gia đình lại là Thiên-Chúa giáo, ấy thế mà dám tuyên bố trước rằng xác suất của vị này được vãng sanh lên tới chín mươi lăm phần trăm.

Rõ ràng đây là một điều hơi bất cẩn! Nhưng cũng rất may mắn là sau cùng kết quả vị này đã vãng sanh thật, để lại những thoại tướng bất khả tư nghì! Như vậy mình đoán mò nhưng vẫn đúng, kết quả nằm trong số chín mươi lăm phần trăm đó, còn chừa lại năm phần trăm là dành cho những gì sơ suất!...

Tại sao Diệu Âm lại dám mạnh miệng nói người này có xác suất chín mươi lăm phần trăm vãng sanh?

Xin thưa, vì “Tín-Nguyện-Hạnh”.

Thường thường thì người ta chú ý nhiều về thời gian tu tập lâu, về công phu hành trì tốt, về kiến thức Phật học cao... Trong khi đó thì người vừa mới vãng sanh cách đây hai ngày lại hoàn toàn không có những chuyện đó!

Một người đi theo học Phật chỉ đâu khoảng ba tháng. Suốt cả một cuộc đời sống trong một gia đình Thiên-Chúa giáo, ấy thế mà cuối đời lại gặp được cơ may, đã phát tâm niệm Phật cầu về Tây Phương, và Diệu Âm dám mạnh miệng đoán rằng người này có thể chín mươi lăm phần trăm sẽ được vãng sanh...

Tại sao vậy?... Xin thưa thật, tại vì người này đã có đủ Tín, đủ Nguyện, đủ Hạnh. Dù rằng trước đó người này sống như thế nào mình không biết, nhưng cuối đời có cơ duyên gặp được người khuyên nhủ, họ tự nhiên đã phát tâm niệm Phật với “Tín-Nguyện-Hạnh”một cách đầy đủ, vững vàng.

Như vậy, muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì một người phải bảo đảm ba điểm “Tín-Nguyện-Hạnh”đầy đủ. Đây là yếu tố được vãng sanh, chứ không thể khoe công phu giỏi như thế này, kiến thức tốt như thế kia... mà dành phần chắc chắn vãng sanh được đâu! Không phải! Có nhiều người tu rất giỏi, tu rất lâu... Nhưng hỏi rằng, có được vãng sanh hay không? Nhiều khi thật sự không dám trả lời! Vì sao vậy? Vì xét kỹ, người này không có đủ Tín, không có đủ Nguyện, không có đủ Hạnh!

Ví dụ, chúng ta đang niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. Tôn chỉ của Pháp môn niệm Phật là Tintưởng, Nguyệnvãng sanhNiệmcâu A-Di-Đà Phật. Nếu mình thấy rằng, pháp môn niệm Phật này quá đơn giản, không xứng đáng với cái trí tuệ thông minh của mình, thì xin tùy duyên!... Có người ở đây thì giả vờ niệm Phật, về nhà thì thêm cái này một chút, thêm cái kia một chút... Tại sao thêm vậy? Tại vì lòng tin vào câu A-Di-Đà Phật quá yếu!

Khi biết một người không dám mạnh mẽ tin tưởng vào câu A-Di-Đà Phật! Nếu hỏi rằng, người này xác suất vãng sanh được bao nhiêu? Xin thưa rằng, không dám đoán!...

Phải chuyên mới mạnh. Đi đường nào phải chuyên một đường thì mới dễ thành đạo được.

Đi hộ niệm, Hướng Dẫn -Khai Thịchính là phải:

- Làm sao cho người bệnh đó phát khởi niềm tin vững vàng.

- Làm sao cho người bệnh quyết lòng tha thiết vãng sanh.

- Làm sao cho người bệnh chuyên nhất niệm một câu A-Di-Đà Phật.

Mình muốn cho người bệnh có niềm tin vững vàng mà chính mình không có niềm tin vững vàng, xin nói thẳng rằng, dù chư vị tới khai thị, diễn nói một tháng đi nữa cũng không dễ gì có cảm ứng đâu! Nhất định! Người hộ niệm có niềm tin không vững, thì làm cho người bệnh cũng khó phát khởi niềm tin được! Tại sao? Tại vì chính niềm tin của mình không vững, thì tư thái của mình cũng không vững! Sắc mặt của mình cũng không vững! Lời nói của mình cũng không vững!...

Đã không vững, dù có nói gì đi nữa thì từ trường của sự hồ nghi vẫn tủa ra và ảnh hưởng không tốt đến người bệnh, làm cho người bệnh hồ nghi luôn! Đã hồ nghi rồi thì thôi chịu thua, không có thể nào phát khởi tín tâm được! Phát khởi tín tâm không được, thì không có cái nhân để hội tụ được thiện căn phước đức... Chính vì thế, mình nói về khai thị hướng dẫn cho người bệnh, chứ thật ra là để củng cố cho chính mình vậy.

Thế thì, nếu chư vị có “Tin” thì phải tin cho vững. Tin rằng lời Phật dạy không bao giờ sai.

- Chỉ có là chúng ta nghĩ sai!

- Chúng ta hiểu sai!

- Chúng ta thực hành sai!

- Mình có cái sai trong đó mà không thấy đó thôi!

Ví dụ như hôm trước, chúng ta nói rằng, một người đi theo con đường Tự Lực, thì nhu cầu tiên quyết của họ là phải phá nghiệp, phải đoạn cho hết nghiệp, phải diệt cho sạch nghiệp gọi là Đoạn Hoặc, Chứng Chơn. Nếu mà người đó không đoạn nghiệp hoặc, tức là nghiệp mà không sạch, tình mà không trụi lủi, thì nhất định họ phải vướng lại trong lục đạo luân hồi. Vì thế, đối với họ cái nhu cầu đầu tiên là phải diệt cho hết nghiệp. Chắc chắn phải tận diệt nghiệp chướng!...

Còn chúng ta đi con đường Nhị Lực, (Tức là niệm Phật, cầu Phật tiếp độ vãng sanh Cực Lạc), nếu vừa nghe những vị đó đưa ra vấn đề phải tận diệt nghiệp chướng, ta thấy lý luận đó quá đúng, ta cũng bắt chước theo để tìm cách quyết diệt cho hết nghiệp chướng, thì chúng ta đi lệch đường rồi! Tại sao vậy? Vì nhu cầu chính của người niệm Phật là “Tín-Nguyện-Hạnh”chứ không phải đoạn nghiệp.

Ví dụ cho dễ hiểu, muốn đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, có người nói rằng phải bước đi từng bước, từng bước,... Có như vậy thì đoạn đường sẽ ngắn lại, và sau cùng ta mới có thể tới đích. Đúng không? Đúng!...

Bước đi như vậy, ta phải tránh hố này, dọn đường nọ... Phải phá tất cả những hầm hố chông gai. Ta phải san bằng hết những chướng ngại trên đường đi. Đúng không? Đúng!...

Còn đối với tôi, tôi nói, tôi không bước một bước nào theo con đường đó hết, mà tôi sẽ mua một chiếc vé máy bay. Tôi ngồi trên máy bay, tôi ngã ngửa ra trên chiếc ghế nệm để nghỉ. Anh trải qua nào là núi này sông nọ, hầm này hố nọ, anh phải tự san bằng hết tất cả những thứ đó, còn tôi thì không cần. Tôi đang đằng mây, lướt gió, tôi không gặp phải những chướng ngại như anh. Anh tự bước đi thì anh phải giải quyết tất cả những hầm hố, chông gai đó. Còn ở đây tôi đã leo lên chiếc máy bay rồi, tôi không cần san bằng những thứ đó làm chi. Tất cả đều sẽ đi đến Sài Gòn, là một điểm, nhưng rõ ràng phương tiện khác nhau.

Cái phước báo của người tự lực đi bộ chính là trí huệ sắc bén, đầu óc thông minh, ý chí kiên cường. Cái phước báo của người đi trên máy bay, chính là có chút tiền bạc. Có tiền bạc, đó là phước báo của tôi. Anh muốn đi bộ là do sức khỏe của anh tốt, đó là phước báo của anh. Anh khỏe mạnh, anh mới đi được như vậy. Anh có thể tới đích đó, nhưng anh cũng nên coi chừng!... Đường đi quá dài, nhiều khi anh đành phải ngã quỵ trong một lùm cây nào đó ở đèo Hải Vân!... Anh ngã quỵ khi chưa tới đích!

Còn tôi thì sao?... Dù sức khỏe tôi yếu, nhưng tôi mua một chiếc vé máy bay. Tôi lên máy bay, tôi ngồi đàng hoàng... Chiếc máy bay sẽ chở tôi tới đó.

Người nào muốn đi máy bay thì hãy mua vé máy bay. Chúng ta chỉ cần bỏ tiền ra là đủ, không cớ gì phải lo san bằng những hầm này hố nọ làm chi! Rõ ràng chúng ta bay qua trên những hầm hố đó. Còn người nào muốn đi bộ, thì bắt buộc họ phải toan tính cẩn thận để san bằng tất cả những chướng ngại trên đường đi!...

Như vậy, xin hỏi rằng một người ở dưới đất đang đi từng bước, từng bước thì làm sao họ thấy được những cảnh thù thắng ở trên mây. Còn một người bay trên mây thì tại sao bắt họ phải xóa tan những thứ gai góc ở dưới đất làm chi? Rõ ràng là như vậy. Đúng là như vậy.

Xin thưa với chư vị, Thiện Căn -Phước Đức -Nhân Duyêntất cả ai cũng có cả, tiền bạc chúng ta cũng đều có cả, nhưng người nào khôn khéo biết dùng niềm tin sâu sắc để gom hết tất cả những thiện căn, phước đức trong nhiều đời nhiều kiếp lại mà mua một chiếc vé máy bay. Có chiếc vé máy bay thì hãy lên máy bay mà đi. Còn nếu niềm tin cạn cợt thì không gom tụ được thiện căn, phước đức đâu. Nhiều khi tiền bạc vẫn có nhiều quá rồi, nhưng nó đang nằm rải rác khắp nơi. Oan uổng hơn nữa, nhiều khi đã gom đủ tiền, nhưng lại lý luận rằng, một vật bằng sắt làm sao có thể bay lên không được? Sự suy tư này nghe qua có vẻ vững chắc quá, nên quyết định dùng số tiền đó mua sắm lương thực dự trữ để tự lực bước đi... Thôi! Cũng đành chịu khổ vậy!...

Hôm qua mình nói chuyện “Vạn Pháp Nhân Duyên Sanh” có liên quan đến vấn đề này. Nhất định chúng ta phải sáng suốt biết lựa con đường nào dễ thành tựu mà đi!...

Trở lại chuyện tại sao một vị đó hồi giờ chưa biết tu hành gì nhiều, nhưng khi gặp lời khuyên, người đó quyết lòng đi, nhất định đi, họ không còn tha thiết gì hơn nữa cả, mình dám đoán trước sự vãng sanh lên đến chín mươi lăm phần trăm?

Dễ hiểu thôi! Vì họ cóTín-Nguyện-Hạnh đầy đủ. Trong đó niềm tin là khởi đầu tất cả.

Như vậy, chúng ta có tu hành, tu nhiều hơn họ, ngày nào cũng có đi tu... Nhưng có chắc chắn được vãng sanh không? Xin tự mình hỏi lại rằng, niềm tin đã vững vàng chưa?

Nếu niềm tin đã vững vàng, thì một câu A-Di-Đà Phật hoàn thành tâm nguyện đi về Tây Phương Cực Lạc.

Nếu tin không vững, thì thường phải thêm cái này một chút, thêm cái kia một chút... Có nghĩa là chúng ta tự tạo thêm chướng ngại cho chính mình, làm cho đường về Tây Phương Cực Lạc sẽ còn xa vời vợi!...

Vì niềm tin không đủ, nên phát khởi thiện căn phước đứckhông được. Từ đó tâm hồn cứ chập chờn, chập chờn nửa ở nửa đi, làm cho đường đạo tự nhiên bị nhiều trở ngại! Trở ngại chính vì tại tâm này đã thiếu hẳn niềm tin!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 27

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hướng dẫn về Tây Phương, thật ra có lẽ tất cả chúng ta ở đây đều nắm vững rồi. Hôm nay Diệu Âm xin tổng kết lại những điểm chính trong cách hướng dẫn bệnh nhân.

Thật ra, mình nói hướng dẫn bệnh nhân, chứ đúng ra là hướng dẫn đồng tu, tại vì đừng bao giờ đợi cho đến khi bệnh rồi mới hướng dẫn, đây là điểm đầu tiên chúng ta xin nhắc nhở. Tuyệt đối đừng bao giờ để cho đến lúc sắp lâm chung rồi mới mời ban hộ niệm, lúc đó muốn hướng dẫn cũng không hướng dẫn được. Phải lo càng sớm càng tốt.

Trong lúc chúng ta tu như vầy phải lo chuẩn bị trước. Về “Tín”, về “Nguyện”, về lập “Hạnh”phải lo trước. Những chuyện liên quan đến tiền bạc, tài sản cũng nên lo trước đi. Đừng để như trường hợp của chị ở trên Perth, tất cả đều đã sắp sẵn, khá gọn gàng, nhưng sau cùng chỉ một chút sơ ý, vì người nhà không biết đạo gây điều phiền não mà suýt nữa là chị phải chịu đọa lạc. Cho nên phải lo liệu trước, điều này rất quan trọng.

Trong phần “Khai Thị”cho người bệnh, mấy ngày qua chúng ta có đi hộ niệm mấy lần, mình thấy rõ rệt rằng, nói là “Khai Thị”, chứ thật ra là tới tâm sự, nói chuyện với người bệnh một cách hết sức tự nhiên. Có nhiều lúc mình nói rất bình thường, vui vẻ, thoải mái, cầm tay, vỗ vai như tâm sự với nhau. Đó là cách khai thị tự nhiên, giống như nói chuyện cho vui. Tư thế của người hộ niệm lúc nào cũng nên vui vẻ, thoải mái.

Như hôm qua mình nói, điểm quan trọng nhất chính là Niềm Tincủa người hộ niệm phải vững. Khi mà có lòng tin vững vàng, tín tâm của mình vững vàng, thì tự nhiên những lời nói của mình sẽ vững vàng. Tư tưởng và lời nói của người hộ niệm vững vàng dễ xóa tan đi những mối nghi ngờ và sự khổ đau của người bệnh.

Ví dụ như thấy người bệnh đang trong cơn đau đớn, thì mình hãy làm sao biến sự đau đớn thành cái hạnh phúc cho họ mới là hay. Chứ không nên đến nói như thế này:

- Chị đau lắm phải không? Thôi ráng lên, ráng niệm Phật nhờ Phật gia trì là hết đau nghe chị.

Nếu mình nói một câu như vậy, thì vô tình mình đã làm sai nguyên tắc hộ niệm. Dù người đó có bắt đầu niệm Phật, nhưng họ cứ cầu A-Di-Đà Phật giúp cho hết đau, cái tâm của họ cứ chìm vào trong những cơn đau đó... Nghĩ tới cơn đau thì không cách nào hết đau được! Mà khi tâm họ đã lạc vào trong cơn đau rồi, không còn cách nào có thể vãng sanh Tây Phương được!

Do đó, thay vì nói vậy, thì mình nên nói:

- Chị đau lắm phải không? Đây thật ra là một bài pháp hết sức quý giá đó chị. Phật nói đời là khổ! Cái khổ đau này chưa thấm thía gì đâu chị! Nếu trong cơn đau này mà chị không về Tây Phương được, lỡ bị đọa lạc thì chị sẽ còn đau đớn nhiều hơn gấp vạn lần! Xuống dưới cảnh địa ngục mình bị tra tấn thống khổ không thể tả được đâu! Bây giờ, đau đớn này là Phật điềm chỉ cho chị đó. Hãy quyết lòng lên, càng đau chứng tỏ là mình sắp buông xả báo thân, mình sắp về với Phật rồi. Mừng lên chị! Càng đau càng niệm Phật. Quyết lòng đi về Tây Phương.

Mình nói những lời vững vàng như vậy thì tự nhiên người bệnh được vực lên. Càng đau người ta thấy càng phải vững.

- À! Đau như vậy mà mình chịu không nổi. Nếu giả sử như qua cơn đau này mà mình không về Tây Phương được, thì mình sẽ còn bị đau đớn gấp bội, chịu sao nổi!

Nghĩ vậy, từ cơn đau đớn này họ vực khởi lên niệm Phật. Quý vị để ý coi, nếu một người biết khai thị giỏi, một người biết hộ niệm giỏi, làm cho những người bệnh đau quằn quại trên giường, nhưng họ không có than đâu à. Họ đau đớn đến quặn người lại, đau đến uốn người lại, nhưng miệng họ vẫn niệm “A... Di... Đà... Phật”. Lạ lắm! Nghĩa là họ đã quyết lòng đi vãng sanh. Khi tâm của họ đã mạnh như vậy rồi, mình mừng vô cùng. Đây là những người rất dễ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Trong những băng đĩa hộ niệm, quý vị có thể nghiên cứu những cách điều giải, cách khai thị của chị Thu Hương ở ngoài Đà Nẵng. Chị đó có phương pháp hộ niệm khá hay, có cách khai thị rất vững. Xin thưa thật rằng, tôi cũng học tập ở chị đó, chứ không phải là tôi giỏi lắm đâu. Tôi hướng dẫn cho chị hộ niệm, nhưng mà tôi học cách khai thị của chị. Cách khai thị của chị mạnh. Nhờ mạnh và vững như vậy mới vực cái tâm người ta lên được.

Khi khai thị cho người bệnh, chớ nên hỏi người bệnh nhiều quá. Nhưng trong lúc nói chuyện với nhau, đôi khi ta cũng cần phải hỏi. Nhưng phải nhớ một điều này, lỡ mình hỏi qua mà chỉ cần một giây sau, hai giây sau mà người bệnh trả lời không được, thì người hộ niệm phải lo trả lời cho người bệnh liền, phải giải quyết liền cho họ, đừng để họ bị lúng túng. Nếu làm cho họ lúng túng, thì một là có thể người ta mắc cỡ, buồn phiền; hai là làm cho tâm người ta bị rối trong những vấn đề đó.

Mong chư vị khi hướng dẫn cho người bệnh đừng nên đặt ra quá nhiều vấn đề. Đừng nên hỏi bệnh nhân quá nhiều. Thứ nhất vì sức khỏe của họ yếu lắm, họ cất tiếng trả lời mình không phải dễ đâu! Giả sử nhiều khi mình sơ ý buông một câu hỏi mà vừa thấy người bệnh ấp a, ấp úng... thì ngay lập tức mình phải trả lời cho họ liền. Chú ý đừng bao giờ để cho họ vướng mắc bất cứ một cái gì hết.

Ví dụ như trước đây, tôi đã gặp một ban hộ niệm đang hộ niệm cho một ông già. Ông già đó thường quên, ngay tuổi tác của mình ông cũng quên luôn. Ban hộ niệm thấy vậy cứ gặp ông thì hỏi: Bác ơi! Tuổi bác bao nhiêu?... Hỏi thử cho vui! Bữa thì ông nói bảy mươi tám, bữa sau thì ông nói năm mươi tám... Hỏi cho vui để cùng cười đó mà! Thấy vậy, tôi ý kiến liền. Tôi nói:

- Chư vị không được đùa giỡn như vậy! Nếu mà ông cụ đã quên cái tuổi của mình, thì cứ để ông cụ quên luôn đi! Tại sao phải nhắc cho ông cụ nhớ đến cái tuổi làm chi?...Phải giúp cho ông cụ nhớ câu A-Di-Đà Phật mới tốt.

Cứ nhắc hoài tới chỗ yếu tức là làm cho ông cụ mắc cỡ! Thật ra, vì tâm trí của ông đã bị mệt rồi, đã mê rồi. Thành ra, khi vừa gặp mình thì ông đã mắc cỡ rồi! Mỗi lần gặp nhau thì ban hộ niệm hỏi tới tuổi ông ta. Một lần hỏi là một lần ông nói sai! Mỗi lần trả lời sai thì bị cười. Bị cười thì mắc cỡ! Thế mà người hộ niệm cứ hỏi hoài. Tôi nói:

- Không bao giờ được quyền làm như vậy!Làm như vậy, vô tình làm cho ông cụ đó bị vướng trong vấn đề này, làm cho ông cứ nghĩ mãi đến cái tuổi của mình. Nghĩ mà không nhớ nổi, không biết là tuổi gì?... Tuổi gì?... Tuổi gì?... Kẹt vào đây, sau cùng rất khó vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Trong vấn đề khai thị, nhiều khi mình nắm tay người bệnh rất có tác dụng, nhất là những người thường bị chìm trong những cảnh mộng mị, những cơn ác mộng. Nói chung, có thể là do oan gia trái chủ, hay bị đau đớn, hoặc thấy này thấy nọ, những người thường bị giật mình... mình nên nắm tay người bệnh làm cho họ tỉnh táo, tin tưởng. Nên nhớ, lúc đó họ còn tỉnh mà, còn đang bệnh, chưa phải là chết đâu. Mình nắm tay người bệnh để niệm Phật giống như “Truyền điện” vậy mà! Thật ra là truyền cái niềm tin, truyền cái ý chí vững vàng để cho họ an tâm. Chúng ta có thể làm như vậy.

Nhắc với gia đình, nếu như người bệnh nằm lâu quá thì cũng nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho người bệnh. Nên thường nhẹ nhàng xoa bóp, xoa cổ, xoa vùng vai, bóp tay, bóp chân... Làm vậy người bệnh thích lắm, vừa để tránh lở lưng khi nằm lâu, vừa giúp cho máu huyết lưu thông, vừa giúp người bệnh tỉnh táo.

Có thể cho người bệnh uống thuốc bổ, hoặc những gì bổ dưỡng. Nên theo lời khuyên của bác sĩ mà áp dụng. Nói chung những gì có thể giúp cho người bệnh khỏe lên, đều có thể cho người bệnh dùng. Bóp tay, bóp chân, xoa đầu, xoa huyệt, v.v... đều có thể áp dụng được để giúp cho người bệnh được tỉnh táo, thoải mái.

Nên nhớ, ngày giờ ra đi của mỗi người đã có sẵn, chúng ta không thể nào bắt người ta phải chết đói, bắt người ta phải chết khát! Không những như vậy, nếu bác sĩ nói, thứ thuốc này bổ dưỡng giúp cho người bệnh khỏe lên, thì nên cho uống. Nếu người bệnh còn uống được thì cứ cho uống. Uống thuốc đó làm cho sức khoẻ người bệnh tốt hơn, nhờ thế người bệnh mới niệm Phật được, nhờ chất thuốc đó người bệnh không bị nhức đầu, không bị chóng mặt... Người ta sẽ niệm Phật tốt hơn. Chuyện này không có gì phải e ngại!...

Khi hộ niệm, nên có một ly nước ở sát bên cạnh. Khi thấy người bệnh liếm liếm môi thì biết là họ đang khát nước, phải nhỏ một chút nước liền. Khi nào người bệnh không uống được nữa thì thôi. Đôi lúc người bệnh vì quá yếu không thể uống được, nhưng họ vẫn bị khát, ta nên dùng miếng bông chấm nước quét quét lên môi. Nếu để ý mình có thể thấy được người bệnh đang cố gắng mút mút giọt nước đó, nghĩa là họ bị khát nước!

Kinh nghiệm quan trọng lắm. Một lần đi hộ niệm chúng ta học thêm một kinh nghiệm. Ví dụ như hôm trước chị Chín nói, có lúc chị thấy trời đất tối mù mịt hết trơn làm cho chị sợ! Thì đây là những điều mình cần phải chú ý. Thấy người bệnh lo sợ điều gì, mình giải điều đó ra cho họ.

Có nhiều người sợ con rắn, có nhiều người sợ con giun, có nhiều người sợ bóng đèn đỏ, v.v... mình cũng cần phải chú ý tránh những hình tượng đó, đừng để họ gặp phải. Bên cạnh đó, hay nhất là dụ dỗ, khuyến tấn, động viên tinh thần họ vững lên, đừng nên sợ những chuyện đó nữa.

Xin thưa rằng, nếu một người sợ bóng tối chẳng hạn, nhiều khi trong phòng thì đèn mở sáng trưng, nhưng riêng người đó thì sống trong bóng tối! Lạ lắm!... Một người sợ con rắn thì đến những giây phút sắp sửa lâm chung thường thấy rắn hiện ra! Những người ganh ghét một người nào, thì khi sắp sửa nằm xuống thường hay thấy những người đó ứng hiện về trước mặt!... Những chuyện này, ngày mai chúng ta sẽ mổ xẻ thêm cho tường tận hơn.

Tốt nhất là bây giờ phải cố gắng tập có những lời khai thị Vui vẻ! Vững vàng! Dứt khoát!

Có nhiều người khai thị cho người bệnh mà nói nhanh quá! Nói giống như cái máy vậy! Không hay lắm! Hãy nói chậm rãi. Nói nhẹ nhàng. Lâu lâu nên pha trò vui một chút, cầm tay chút... Rồi khi người bệnh đó phát tâm vững vàng thì mình nên vỗ tay khen thưởng họ. Đây chỉ là những phương tiện thiện xảo, thật ra là những thủ thuật thôi chứ không có gì là đặc biệt hết, nhằm giúp cho người bệnh vui vẻ lên, giúp cho họ thấy cái chết như là một ân huệ. Nhờ vậy mới thoát được sự khủng bố mà an lành niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, giải thoát.

Tóm lại, tất cả chúng ta ở đây ai cũng có khả năng khai thị được rồi. Trong những lần hộ niệm tới mong chư vị lần lượt đứng ra đảm trách điều hành các cuộc hộ niệm, để khi chính trong gia đình mình nếu gặp một trường hợp phải hộ niệm, mình có thể đứng ra xử lý một cách gọn ghẽ, đừng để sơ suất mà chính người thân của mình bị thiệt hại vì sự sơ ý trong vấn đề khai thị này.

Mong chư vị phát tâm cứu độ chúng sanh.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 28

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cái điểm tối quan trọng mà chúng ta cần lưu ý về “Khai Thị” trong pháp hộ niệm là làm sao gây được “Tín Tâm” vững vàng cho bệnh nhân. Gây được cái tín tâm vững vàng cho họ thì coi như tất cả những gút mắt sau đó sẽ được hóa giải dễ dàng.

Ngày hôm qua, trên Internet có một vị hỏi như thế này:

- “Cha tôi đã già rồi, bây giờ tụng kinh nào để cho một người già được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc?...

Diệu Âm trả lời rằng, không có tụng kinh nào để cho một người được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hết, chỉ có niệm câu A-Di-Đà, với Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ thì được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Cách đây gần bốn tháng, khi Diệu Âm đi qua tây Úc, thì có duyên gặp một vị bị ung thư, chính là Phật tử Đặng Hồng Khanh. Nhờ chư vị giới thiệu, Diệu Âm tới thăm, gặp chị này đang ngồi trên cái ghế bành, ôm chiếc gối, mặt thì xanh mét, nói không ra lời, và đang trong cơn đau đớn! Chị bị ung thư! Chị đó cũng có hỏi:

- Bây giờ tôi phải trì tụng kinh nào để được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc?

Thì Diệu Âm cũng nói là:

- Chỉ có một câu A-Di-Đà Phật niệm ngay từ bây giờ, cho đến ngày chị tắt hơi ra đi, thì chị có hy vọng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chứ không có kinh nào giúp cho chị vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc hết.

Chị đó, như mình đã biết qua, là một gia đình Thiên-Chúa giáo, nhưng chính chị còn giữ được niềm tin Phật giáo. Nhờ vậy nên có cơ may gặp người khuyên nhủ, chị phát khởi lòng tin vững vàng và quyết thề niệm một câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh. Xin thưa thật, nếu lúc đó mà chị đó còn đòi hỏi tụng cái này, tụng cái nọ, niệm cái này, niệm cái nọ... thì chắc rằng sau đó Diệu Âm không dám can đảm bỏ năm ngày công phu ở đây đi qua bên đó, cách xa bốn ngàn cây số để hộ niệm cho chị ta đâu.

Khi đi hộ niệm cho chị, mình mới thấy cái lòng tin của chị vững như tường đồng, vách sắt. Mình thì nói qua đó khai thị cho chị, nhưng thật ra chính chị đó đã khai thị cho mình. Nhờ niềm tin vững vàng nên chị ta chuyên nhất... Hồi giờ chưa biết tu, bây giờ gặp phải một câu A-Di-Đà Phật, chị cứ vậy mà niệm, quyết lòng đi. Chính chị đã đạt được một thành quả bất khả tư nghì! Đây chính là một lời khai thị sắc bén cho chúng ta.

Không biết là khi nghe đến những chuyện này, trong đồng tu chúng ta có vị nào phát khởi niềm tin vững vàng vào câu A-Di-Đà Phật hay không? Vì đây là cái mấu chốt để cho chúng ta san bằng tất cả những ách nạn mà mình có thể gặp phải.

Thường thường cái tâm của chúng ta nó nhảy lăng xăng giống như một con khỉ! Cái ý của chúng ta nó chạy khắp nơi giống như con ngựa! Phật gọi là Tâm Viên Ý Mã. Sở dĩ tâm viên ý mã là vì ta thiếu một niềm tin! Thiếu niềm tin thì cái tâm của chúng ta không có chỗ định, cái ý của chúng ta không có chỗ dựa, tâm ý thường phân vân, chao đảo!

Ngài Liên-Trì Đại Sư khi ngộ ra được đường đạo, Ngài nói như vầy: Tam tạng thập nhị bộ, ai muốn ngộ cứ ngộ. Tám vạn tứ thiên hạnh, ai muốn hành cứ hành. Còn ta thì một câu A-Di-Đà Phật. Ngài đã nói như vậy. Ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo, ai muốn ngộ thì cứ nghiên cứu mà ngộ đi. Tám mươi bốn ngàn pháp môn tu, ai muốn tu thì cứ tu đi. Còn Ngài thì một câu A-Di-Đà Phật, bốn chữ, Ngài thành đại Tổ Sư.

Không biết rằng khi nghe lời khẳng định của Ngài, chư vị có ngộ ra đường vãng sanh Tây Phương Cực Lạc chưa?

Có nhiều người tu...

- Thấy người ta niệm Phật, mình cũng tới niệm Phật.

- Thấy vị kia tu Thiền, thì mình cũng lo kiếm một câu thoại đầu để trì giữ.

- Thấy vị nọ trì Chú, thì mình cũng nhào vô trì Chú.

- Thấy người nọ tu Khổ Hạnh, thì mình cũng bắt chước ôm bình bát...

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói: “Việc việc không xong, sự sự không thành. Đây là điều đáng thương nhất của người học Phật!” Nhất là thời mạt pháp này.

Ngài nói một câu A-Di-Đà Phật...

- Bao gồm ba tạng kinh điển trong đó.

- Bao nhiêu tế hạnh cũng bao gồm trong đó.

- Hàng ngàn công án cũng bao gồm trong đó.

- Tất cả tông phái cũng bao gồm trong đó luôn.

Một vị đại Tôn Sư nói như vậy đó. Khi nghe Ngài nói vậy, không biết mình giữ vững niềm tin vào câu Phật hiệu A-Di-Đà hay chưa?...

Ngài Tịnh-Không nói: Có nhiều người ưa lý luận, có nhiều người ưa nói cao siêu, có nhiều người thích nghiên cứu đủ các pháp. Diễn giảngthì hay lắm! Nhưng chúng ta biết rằng nhất định người đó không phá được nghiệp hoặc. Mà không phá được nghiệp hoặc, thì nhất định phải theo nghiệp thọ báo. Bây giờ đây thì nói hay lắm, được nhiều người khen, nhưng coi chừng sẽ thua một bà già lão lão thật thật niệm Phật. Bà già đó một đời vãng sanh về Tây Phương thành đạo. Khi thành đạo rồi thì bà đó mới trở về đây, cứu độ những người ưa nghiên cứu, tâm ý mông lung, đi không có đường.Ngài nói như vậy!...

Khi chúng ta nghe như vậy, không biết là ngộ được chưa? Nếu còn chưa ngộ, thì hãy lấy cái gương của chị Đặng Hồng Khanh ở bên Perth mới vừa vãng sanh đây. Chị đó thật sự là một người hoàn toàn không biết gì cả, chỉ biết rằng mình bị ung thư, đã đến con đường cùng rồi, chỉ cần khi nghe một câu A-Di-Đà Phật, không còn tha thiết cái gì khác nữa, lão lão thật thật niệm câu A-Di-Đà Phật. Nhất định như vậy. Sau cùng chị vãng sanh bất khả tư nghì!

Tất cả những chuyện này là bài pháp tuyệt vời, là một sự khai thị tuyệt vời để cho chúng ta khẳng định đường đi, để cho chúng ta nhất định được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Một là tất cả. Tất cả là một.

Nhiều người ưa nghiên cứu khắp nơi, muốn tìm hiểu đủ thứ, muốn tất cả những thuật ngữ nào cũng đều hiểu cho thấu đáo... Nhưng tại sao không hiểu được một câu hết sức đơn giản mà Phật đã nói cho chúng ta: “Một là tất cả. Tất cả là một”.

Tại sao không chịu hiểu câu này? Nếu muốn ngộ, hãy ngộ ngay câu này đi, thì tự nhiên ta thấy đường thành tựu đang ở ngay trước mắt. Không xa!...

Một” là sao?... Là chuyên nhất một đường mà đi. Một câu danh hiệu A-Di-Đà Phật mà niệm thì sau cùng chư vị sẽ có “Tất Cả”. Còn nếu sơ ý đi theo đường “Tất Cả” để trở về “Một”, thì xin thưa thẳng rằng, nhiều khi mình tu suốt đời, tu đến vô lượng kiếp nữa cũng chưa chắc gì đạt được một phần ngàn của cái “Tất Cả” mà Phật đã nói đâu!... Xin hỏi, muốn được tất cả, mà không đạt được tất cả, thì mình sẽ đạt được cái gì?... Chắc chắn sẽ tiếp tục trong vô lượng kiếp nữa để tu hành! Mà phải tinh tấn tu hành nhé, chứ không phải tiến-lùi, tiến-lùi... mà đạt được đâu!... 

Tất cả đều có đạo lý của nó. Nếu chúng ta quyết định một câu A-Di-Đà Phật mà đi, tức là chúng ta đi con đường “Một” để được “Tất Cả”. Làm sao để được?... Niệm một câu A-Di-Đà Phật thì ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì ta thành đạo. Thành đạo thì ta có tất cả. Nếu bây giờ ta muốn có “Tất Cả”, thì ở tại cõi ta bà này nhất định cái tất cả mà chúng ta tìm được đó, xin thưa thẳng rằng: Huyễn Mộng! Vô Thường! Không có gì là thật cả!Vậy xin hỏi rằng, làm sao chúng ta có thể trở về được cái “Một” để thành tựu?...

Cho nên, “Một” chính là một câuA-Di-Đà Phật”.Thành tựu tại cõi Tây Phương là trở về cái Chân Tâm Tự Tánh của mình. “Hà kỳ tự tánh, bổn lai cụ túc”. Đúng là trở về được cái Chân Tâm thì ta cóTất Cả”.

Một câu A-Di-Đà Phật mà đi. Thành tựu Vãng Sanh thì sẽ có tất cả vậy.

Nam Mô A Di Đà Phật.


HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 29

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hôm nay tiếp tục trở lại chuyện hộ niệm. Hôm trước chúng ta có nói đến chỗ người bệnh đang trong cơn hấp hối. Thường thường trong cơn hấp hối, thì người bệnh thở dốc, tức là người ta không thở bằng mũi nữa, mà phải há miệng ra để thở. Người ta thở từng cơn, từng cơn một, chứ không thở liên tục đều đặn như chúng ta và một lần họ thở như vậy có vẻ khó lắm! Nhìn thấy mình biết liền.

Trong lúc người ta thở như vậy, có nhiều người kéo dài khoảng chừng vài phút, có nhiều người ba bốn chục phút, cũng có nhiều người phải trải qua ba bốn giờ...

Người hộ niệm chúng ta thấy như vậy là bắt đầu phải khai thị, hướng dẫn cho họ biết liền. Thường thường là người trưởng ban hộ niệm nên nhắc nhở cho người bệnh biết là họ sắp sửa rời bỏ báo thân rồi, nên nói với họ:

- Bác hãy bình tĩnh, vui vẻ, mừng lên, vì đây là cơ duyên mà bác đã chờ trong bao nhiêu ngày tháng qua, bây giờ vững vàng, tin tưởng, nhiếp tâm lại, niệm Phật theo đồng tu.

Nhắc nhở cho họ là luôn luôn nghĩ đến A-Di-Đà Phật, niệm A-Di-Đà Phật, tất cả những cảnh giới gì hiện ra trong lúc đó, cứ tự nhiên, không cần để ý đến, cứ lo niệm Phật.

Trong lúc này, nếu thấy người bệnh nằm sát mé giường quá, thì mình lo sửa giùm cái thân người ta trước đi. Nhẹ nhàng. Nằm với cái giường của bệnh viện cho mượn thì đơn giản lắm, không sao. Còn nằm cái giường riêng ở nhà, nếu mà họ nằm sát mé quá, thì lúc tắt hơi ra đi có thể họ ưỡn mình hay sao đó, đôi lúc lỡ lọt xuống dưới giường, thì cũng kẹt lắm! Cho nên, trong giờ phút này, nếu mình nghĩ rằng người bệnh có thể sớm ra đi, thì nên nhẹ nhàng chuyển họ vô giữa giường. Trong lúc chuyển nên nhắc nhở cho họ quyết tâm tranh thủ từng hơi thở để niệm Phật. Có thể khai thị như vầy:

- Bác Trần văn X ơi! Cố gắng niệm Phật theo chúng con nhé.

Lúc này chúng ta không nên niệm Phật theo âm điệu nữa, mà nên niệm từng tiếng, từng tiếng thật rõ ràng. Diệu Âm đề nghị có hai cách niệm có thể ứng dụng được trong lúc đó:

Một là nếu họ thở quá chậm, thì cứ một chu kỳ họ hít vô rồi thở ra thì ta niệm “A.. Di.. Đà.. Phật”. Rõ ràng. Đừng nên niệm nhanh quá, cũng đừng nên niệm theo âm điệu “A-Dí-Đà Phật. Á-Dí-Đà Phật”nữa. Không tốt lắm.

Có những người hắt hơi ra mà nhanh hơn một chút, thì ta có thể niệm như vầy: Mỗi một câu hắt hơi niệm một tiếng “A”, rồi một câu hắt hơi niệm một tiếng “Di”, một câu hắt hơi niệm một tiếng “Đà”, một câu hắt hơi niệm một tiếng “Phật”... Nương theo hơi thở người ta. Hai cách này là hay nhất vì người bệnh có thể nương theo mình mà niệm theo được.

Ví dụ như, nếu họ thở hơi ra: “Hà-à... Hà-à...” (Cỡ hai giây một cái hắt hơi ra) thì cứ một lần hắt hơi mình niệm cho họ một tiếng “A...”, rồi một tiếng “Di...”, rồi một tiếng “Đà...”, rồi một tiếng “Phật...”. Tất cả đều niệm thật là đều, thật là mạnh như vậy, để cho người đó niệm theo.

Cũng có những người bệnh, người ta thở chậm lắm, thì mình cũng nên nương theo hơi thở mà niệm trọn câu. Người ta hít vô rồi thở ra một cái, ta niệm “A.. Di.. Đà.. Phật”, “A.. Di.. Đà.. Phật”. Tại vì chậm nên thời gian đủ cho người ta niệm bốn chữ. Có thể lấy hai cách này mà ứng dụng.

Trong khi đồng tu tiếp tục niệm mạnh, thì người trưởng ban hộ niệm chắp tay lại thành tâm khấn nguyện, cầu xin chư vị hữu duyên trong pháp giới. Nói chung, nếu là những vị thuận duyên, thì mình khấn nguyện, khuyên họ nên thành tâm niệm Phật để trợ duyên cho Phật tử Trần văn X... Nếu là chư vị oan gia trái chủ, nói chung là những vị nghịch duyên, thì mình cũng khấn nguyện với chư vị:

- Cầu xin chư vị đừng nên cản trở con đường vãng sanh của Phật tử này. Ngưỡng mong chư vị xóa bỏ tất cả hận thù, cùng nhau kết duyên lành với người này, giúp đỡ cho người này vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Thì đây là công đức vô lượng vô biên để cho chư vị được an lành, nhờ công đức này mà chư vị cũng được thiện lợi sau này.

Tổng quát, trong giờ phút này cần khuyên nhắc người bệnh niệm Phật. Cứ chừng mười lăm hay hai mươi phút thì người trưởng ban hộ niệm nên nhắc cho người bệnh:

- Bác Sáu ơi! Cố gắng tranh thủ từng giây niệm Phật. Kiên cường, vững mạnh nhé. Có tụi con đang ở chung quanh Bác hộ niệm đây. Vững vàng!... Có quang minh chư Phật đang phổ chiếu tại đây. Mau mau nhiếp tâm niệm niệm Phật để theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương Cực Lạc.

Nên nhớ cho kỹ là phải luôn luôn nhắc đến câu “A-Di-Đà Phật”, đừng nên nói chữ Phật không. Nói trổng trổng sẽ không tốt! Người hộ niệm thường chắp tay, khẩn cầu A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Khi khẩn cầu Phật tiếp độ xong, thì liền sau đó nên khẩn cầu chư vị pháp giới cùng hộ niệm. Đây là nhiệm vụ của người trưởng ban hộ niệm.

Trong những giờ phút này, nên khuyên con cháu, thân nhân trong gia đình đồng lạy Phật. Nên dành một chỗ nhỏ nhỏ để lạy Phật. Nếu phòng chật quá thì có thể ra phòng ngoài lạy cũng được, không sao. Ví dụ như mình hộ niệm trong phòng này, và người nhà lạy Phật ở phòng kế bên cũng được, không sao. Nói với tất cả người trong gia đình cùng lạy Phật, cầu Phật phóng quang tiếp độ. Đây là những điều nên làm.

Người trưởng ban hộ niệm trong những giây phút này phải chú tâm theo dõi động mạch cổ của người bệnh, vì có thể người ta ngưng hơi thở bất cứ lúc nào. Nếu mà người ta ngừng thở, ví dụ như họ đang thở hắt hơi... hắt hơi như vầy, rồi người ta ngưng lại khoảng chừng một phút, mình chưa vội gì quyết định, vì nhiều khi người ta ngừng thở ba mươi giây, rồi họ tiếp tục thở lại, lạ lắm! Lúc đó mình vẫn tiếp tục nhắc:

- Bác Sáu ơi! Bác Chín ơi!... Giờ phút ra đi đã sắp tới rồi. Hãy kiên cường, dũng mãnh, vui vẻ lên, niệm Phật theo chúng con. Quyết đi theo A-Di-Đà Phật. Nhớ nhé! Giờ đây chỉ còn niệm A-Di-Đà Phật. Quyết buông hết tất cả.

Nói những lời đại ý giống giống như vậy. Khi thấy người đó ngưng hơi thở, cỡ chừng hai phút, tức là biết chắc đã buông báo thân rồi, thì lúc đó người trưởng ban phải khai thị cho họ, nói lớn một chút:

- Bác Trần văn X... (Hay là) Phật tử Trần văn X, pháp danh Y, giờ phút xả bỏ báo thân đã đến rồi. Thân xác vô thường thật sự đã bỏ rồi, giờ phút này là tối quan trọng để đi về Tây Phương Cực Lạc, nhất định tất cả mọi hiện tượng gì xảy ra trong lúc này đừng để ý tới. Nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật, theo quang minh của A-Di-Đà Phật về Tây Phương. Phật tử nhìn đây là ảnh tượng của A-Di-Đà. Chỉ được theo A-Di-Đà Phật, vị giống như ảnh tượng này để về Tây Phương. Ngoài ra không được theo bất cứ một vị nào khác nào hết.

Mình nói rõ ràng. Lúc đó hãy niệm A.. Di.. Đà.. Phậtmạnh lên. Tất cả niệm niệm đều đều như vậy. Niệm mạnh lên! Có thể trong giờ phút này mà có được khoảng chừng hai mươi người, ba mươi người cùng nhau niệm Phật rất là tốt.

Khai thị xong rồi, thì đứng lên nhẹ nhàng chuyển cái ghế ra xa một chút. Cẩn thận đừng để gây ra tiếng động. Thật ra, khi người bệnh bắt đầu thở dốc, thì mình đã chuẩn bị chuyển những cái ghế ra xa một chút, chỉ còn có một người đại diện đứng gần hơn để khai thị nhắc nhở mà thôi. Những chiếc ghế cách xa người lâm chung cỡ hai thước, hay một thước rưỡi cũng được, tùy theo cái phòng. Đừng nên ngồi sát bên thân xác quá không tốt. Cần giữ một khoảng cách tối thiểu và chúng ta thành tâm bắt đầu niệm Phật.

Trong những giờ phút này, những người hộ niệm có thể đứng lên chắp tay niệm Phật cho có lực mạnh hơn. Cỡ chừng mười lăm phút, thì người trưởng ban hộ niệm lại tiến đến gần bên một chút, cúi xuống nhắc lại thêm một lần nữa, nói không cần lớn lắm.

- Phật tử Trần văn X, nên nhớ rằng, thật sự đã buông xả báo thân rồi. Nhất định không được lưu luyến cái thân. Nhất định không được lưu luyến gia đình con cháu. Nhất định phải nhiếp tâm lại niệm câu A-Di-Đà Phật. Giai đoạn này vô cùng quan trọng. Đừng sơ ý, đừng phân tâm mà lỡ luống qua cơ hội này thì ngàn vạn kiếp sau bị khó khăn! Quyết tâm đi về Tây Phương. A-Di Đà Phật đang phóng quang tới đây, mau mau theo A-Di-Đà Phật để về Tây Phương Cực Lạc nhé.

Nói rõ ràng như vậy rồi tiếp tục niệm Phật. Khi niệm Phật khoảng chừng được ba mươi phút, thì ra dấu tất cả mọi người ngừng lại một chút để mình khai thị nhắc nhở tiếp. Sau lần nhắc nhở này mình có thể đổi cách niệm theo tông điệu thường niệm để mọi người cảm thấy thoải mái hơn, dễ nhiếp tâm hơn, vì niệm mạnh như khi vừa tắt hơi bị tổn sức nhiều, niệm lâu không nổi.

Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục nói thêm về việc phải làm gì trong khoảng thời gian hấp hối và tắt hơi, chương trình khai thị sẽ đi vào cụ thể hơn, để chúng ta giúp người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 30

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hồi sáng này, Diệu Âm có được một người ở bên Đức điện thoại qua, Diệu Âm có hỏi thử bên đó mấy giờ rồi? Vị đó nói bây giờ là mười hai giờ khuya. Diệu Âm mới hỏi, tại sao anh thức khuya vậy? Thì anh đó nói rằng, hằng đêm, tôi phải thức đến một giờ sáng để chờ nghe những bài nói chuyện về hộ niệm của anh gửi lên Internet.

Nghe nói như vậy làm cho Diệu Âm rất là cảm động! Vị đó là một người phát tâm hộ niệm khắp Âu Châu. Anh ta đã có những thành tựu rất đáng kể trong những năm qua. Tinh thần của anh khá khiêm nhường và đã học hỏi về hộ niệm rất cặn kẽ. Diệu Âm nghĩ rằng vị này chắc chắn sẽ là một người hộ niệm lừng danh trong tương lai. Tất cả những người hộ niệm giỏi ở Việt Nam nổi tiếng hiện giờ, hầu hết đều có cái đức hạnh này. Thật sự là đáng quý.

Hộ niệm để cứu huệ mạng của một người, không phải là đơn giản. Nhiều người sơ ý tưởng là dễ nên vô tình cứ vấp phải những lỗi hết sức là đơn giản nhưng đối với phương pháp hộ niệm lại là tối quan trọng, vì cứ một lần sơ suất như vậy là một người mất phần vãng sanh. Nếu không thay đổi mà tiếp tục như vậy thì chắc rằng sẽ còn có người bị nạn vì sự sơ suất của mình.

Cho nên khi hộ niệm, xin chư vị cố gắng chú tâm vì đây là pháp cứu cả huệ mạng của một người chứ không phải chỉ cứu một người hết bệnh. Cứu huệ mạng rất là quan trọng!...

Trở lại chuyện khai thị cho những người trong những lúc hấp hối, tắt hơi. Khi mà mình thấy một người đang trong cơn hấp hối, tức là họ có thể ra đi bất cứ giây phút nào, thì người trưởng ban hộ niệm cũng cần phải chú ý nhạy bén đến điểm này, là coi thử người thân trong gia đình, có người nào dễ rơi nước mắt hay không? Có người nào dễ cảm động hay không?

Trong lúc hộ niệm, nếu thấy có người ưa khóc, ưa mủi lòng thì chúng ta phải chú ý, trong những giây phút đó phải cố gắng tìm cách kéo người đó ra khỏi hiện trường. Nên nhớ cho, ban đầu thì người ta hứa với mình là họ vững lắm, nhưng khi thấy người thân vừa tắt hơi, nhiều khi họ cầm lòng không được. Vì quá đau khổ, có thể họ nhào vô ôm lấy cái thân, hoặc là kêu khóc lên... Đây là điều tối kỵ trong pháp hộ niệm.

Mình đã biết rằng trong những giây phút hấp hối, tắt hơi, điều tối kỵ cho người ra đi là bị đụng chạm vào thân thể, bị con cái khóc la kêu réo, làm cho tâm thần của người ra đi bị dao động. Nếu một người chưa biết tu, chưa từng được hướng dẫn qua hộ niệm, gặp phải những cảnh ngộ này thì chắc chắn rất khó có thể cứu được họ.

Một ví dụ như ở bên Perth, người đó đã được khai thị, được hướng dẫn rất cụ thể, rất vững, dù rằng người đó hồi giờ chưa biết tu. Thật ra là Diệu Âm đã gặp trước vị này trong những ngày qua bên Perth, có nói chuyện qua và cũng giải tỏa rất nhiều, tinh thần chị đó cũng rất vững. Nhưng trước những giờ phút ra đi, chỉ cần một sự phiền não xảy ra, như mình đã thấy, một chút nữa là chị có thể phải chịu cảnh đọa lạc! Khi đọa lạc rồi... Chỉ nghĩ tới thôi mà cũng muốn rợn tóc gáy!... Vì thế, khi hộ niệm, chúng ta phải hết sức sáng suốt và nhạy bén trong vấn đề này.

Những người hộ niệm mà có tâm từ bi quá cao, quá lớn, nhiều khi cũng không tốt! Ví dụ như có người hộ niệm cho bệnh nhân, khi thấy bệnh nhân có những chướng ngại, mất vãng sanh, thì chính người hộ niệm lại khóc, lại than, lại có những động tác tỏ ra vô cùng bức xúc, đau khổ!... Xin thưa thẳng rằng, hiện tượng này cũng không tốt! Tại vì tâm trạng này có thể ảnh hưởng đến người ra đi, mà sau cùng cũng có thể ảnh hưởng đến chính mình nữa. Đây là điều không tốt!

Khi đi hộ niệm, một người được vãng sanh là do phước phần của họ, mà không được vãng sanh cũng là do phước phần của họ. Riêng nhiệm vụ của mình là nghiên cứu cho thật kỹ, áp dụng cho thật đúng, đừng có để xảy ra sự sơ suất, đó là tròn nhiệm vụ của mình rồi, chứ không phải là hộ niệm cho bất cứ một người nào thì người đó cũng được vãng sanh hết.

Nên nhớ, chỉ khi người bệnh có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnhthì mới được vãng sanh. Những người bệnh mà không có “Tín”, không có “Nguyện”, không có “Hạnh” đầy đủ thì đó là do phước phần của họ. Thiện căn phước đức của họ không đủ đó là duyên phần của họ, chứ không phải mình. Mong chư vị chú ý chỗ này để tránh những chuyện không tốt xảy ra cho người bệnh và làm cho tâm hồn của mình bị phiền não, âu sầu. Đây là điều cũng không hay.

Trở về vấn đề khai thị, hướng dẫn cho người bệnh trong những giây phút buông xả báo thân. Hôm qua thì mình nói tới chỗ là trong ba mươi phút sau khi người bệnh buông bỏ báo thân, tức là lúc đó mình nói tất cả mọi người ngưng lại để mình khai thị cho người bệnh một chút. Thì thường thường Diệu Âm hay nói như thế này:

- Phật tử Trần văn X..., pháp danh Y... bây giờ đã ba mươi phút xả bỏ báo thân. Trong giờ phút này thật sự là một bài pháp rất là thấm thía cho Phật tử. Rõ ràng là mình đã bỏ cái báo thân, là mình đã bỏ cái cục thịt nhơ bẩn vô thường của thế gian, nhưng chính Phật tử còn đang sống, còn đang nghe... Như vậy rõ ràng Phật tử không có chết. Trong giờ phút này mà còn ở tại đây tức là bị trở ngại! Hãy mau mau nhiếp tâm lại, một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, quyết lòng theo A-Di-Đà Phật...

Khi nói tới đó, mình thường chỉ tay về hướng ảnh tượng đức A-Di-Đà.

- Phật tử phải nhiếp tâm lại niệm Phật để theo A-Di-Đà về Tây Phương Cực Lạc. Nhất định đừng chao đảo, đừng luyến lưu, đừng phân tâm, đừng để bất cứ một điều gì chi phối mà quên lãng con đường về Tây Phương.

Nói cho rõ ràng, sau đó thì mình mời:

- Bây giờ xin Phật tử nhiếp tâm lại, niệm Phật đi theo A-Di-Đà Phật.

Nói đại khái như vậy...

Từ lúc tắt hơi đến giờ phút này mình niệm “A.. Di.. Đà.. Phật” khá mạnh. Thường thường cách niệm này dễ làm cho người hộ niệm bị khan cổ lắm nên niệm lâu không được. Cho nên mình trở lại cách niệm bình thường, ví dụ như cách niệm bốn chữ năm câu, (cách niệm với địa chung), cách này rất là hay, nó có cái lực mà tất cả mọi người đều niệm nhanh và niệm mạnh được. Vậy thì mình có thể bắt lại cách niệm này: “A-Dỉ-Đà Phật,... A-Di-Đà Phật...”, bắt mạnh lên, chậm một chút nhưng mạnh lên, thì tất cả mọi người đều hùa nhau cùng niệm theo rất là mạnh.

Thường thường trong vòng khoảng chừng hai tiếng đầu từ khi tắt hơi, nếu là những người mà trước đó đã được khai thị vững vàng rồi thì chúng ta không cần phải khai thị nhiều nữa, cỡ chừng ba mươi phút mình nhắc một chút là được. Nhưng với một người hồi giờ chưa biết hộ niệm, ít được khai thị, thì có thể là từ mười lăm hay hai mươi phút, người trưởng ban nên hướng dẫn một lần. Trong lúc hướng dẫn như vậy thì mình mời các vị đồng tu cứ niệm Phật đều đều, còn mình thì chấp tay lại khai giải với bệnh nhân.

Ví dụ như Diệu Âm đưa ra những cách khai thị mẫu:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật, hương linh Trần văn X... Đời này vô thường, sống tạm, ta lìa báo thân thì về Tây Phương thành đạo. Phật dạy: Chân tâm tự tánh của ta là Phật, là Phật thì mau mau giác ngộ, bỏ hết tất cả những cái gì vô thường, theo A-Di-Đà Phật để thành đạo. Nếu ngay từ bây giờ mà không ngộ ra, còn luyến lưu chuyện này, luyến lưu chuyện nọ, thì vô lượng kiếp phải chịu trầm luân. Đây là một cơ hội vô cùng quý giá quyết định vạn kiếp trong tương lai, nhất định phải sáng suốt, nhất định phải buông vạn duyên xuống đniệm câu A-Di-Đà Phật đi về Tây Phương. Trong những giây phút này, tuyệt đối không để ý gì đến những cảnh giới chung quanh. Nhiếp tâm lại, đừng có ngại, có chúng tôi bảo vệ đây, có chúng tôi niệm Phật, có quang minh của Phật ở tại đây, niệm A-Di-Đà Phật, tất cả đều được an toàn theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương.

Cứ nhắc nhở đại khái như vậy. Cỡ chừng hai mươi phút, mình phải nhắc lại nữa. Người khai thị là người trưởng ban luôn luôn theo dõi từng chút từng chút sự chuyển biến trên khuôn mặt người ra đi. Nếu một người đang vướng cái gì đó mà khai thị đúng chỗ, thì có thể mình thấy ngay hiện tượng là nét mặt của họ chuyển liền, chuyển lạ lắm. Có nhiều trường hợp chuyển rất nhanh.

Khi thấy những trường hợp chuyển nhanh như vậy thì mình mừng, an tâm hơn, vì mình đã khai đúng chỗ. Còn khi thấy hiện tượng xấu, mình khai giải mà không chuyển biến nhiều lắm, thì có thể cứ để mọi người hộ niệm tiếp tục niệm Phật, còn mình lặng lẽ gọi người thân nhân ra chỗ xa xa để hỏi thêm, nhiều khi có thể phát hiện thêm những chướng ngại khác.

Thôi thời gian cũng đã hết rồi. Ngày mai, chúng ta sẽ tiếp tục nói về giai đoạn này, rất là quan trọng để cứu người. Mong chư vị cố gắng lắng nghe để khi đối diện với thực tế, chúng ta sáng suốt cứu người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 31

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Mình bỏ một cái thân thì giống như mình liệng một chiếc áo, rồi mình thọ một cái thân khác cũng giống như mình mua một chiếc áo mới. Nếu hiểu được chút đạo ra thì rõ ràng chỉ là như vậy, chứ không có gì khác mấy...

Người không hiểu đạo khi bỏ một cái thân thì họ tiếc rẻ, đau buồn!... Vô tình chiếc áo rách nó gói cả cái huệ mệnh của mình, mình phải chịu đau khổ! Mình mạnh dạn liệng cái áo cũ để lấy cái áo mới, thì mình không làm con rệp nấp trong cái áo cũ đó, mà mình hưởng sự thoải mái trong một cái áo mới tốt hơn...

Nếu chúng ta biết tu thì mỗi đời ta có mỗi cái thân tốt đẹp hơn. Nếu không biết tu, đời này ta làm người, nhưng khi bỏ chiếc áo người này ta lại mặc chiếc áo thú vật, chiếc áo ngạ quỷ, chiếc áo địa ngục... vô cùng đau khổ! Người biết niệm Phật thật sự thì khi liệng chiếc áo của lục đạo luân hồi này ta đi lượm chiếc áo của chư Thánh Chúng, của chư Phật, màu sắc óng ánh, có quang minh, có trí huệ. Tốt hơn nhiều.

Cho nên người mà biết đạo một chút thì đứng trước cái chết họ an nhiên tự tại. Vì an nhiên tự tại như vậy nên họ thành đạo dễ lắm.

Ngày hôm qua chúng ta nói về hộ niệm, thì hộ niệm là một cái pháp cứu độ huệ mạng của chúng ta, chứ không phải là giải quyết cái chuyện bệnh hoạn hay nhằm vá chấp chiếc áo cũ. Mình biết hộ niệm thì mình thấy được con đường vãng sanh trước mắt, mình thực hiện dễ dàng. Người thân của mình mà biết hộ niệm thì mình hộ niệm cho người thân của mình rất dễ. Nếu người thân của mình không biết hộ niệm, thì xin thưa thật, khi mà sự cố đã xảy ra cho người thân, mình hộ niệm cho họ cũng khó khăn vô cùng!

Chính vì vậy mà trong những thời gian qua Diệu Âm tha thiết rằng, làm sao chúng ta phải vận động phương pháp hộ niệm cho rộng rãi để nhiều người biết cách hộ niệm, có được vậy thì ta sẽ cứu được nhiều người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Một bằng chứng cụ thể là cách đây chưa tới hai tuần một vị ở tại tây Úc, trước đó không biết gì cả, lại là một gia đình Thiên-Chúa giáo, ấy thế mà khi gặp phải bệnh ung thư mới hoảng kinh hồn vía lên! Trong lúc than thở u buồn như vậy, vô tình lại gặp được những người hộ niệm, người ta hướng dẫn cho niệm Phật. Khi Diệu Âm tới đó cũng may mắn gặp được và khuyên bảo. Chị đó đã quyết lòng niệm Phật, bốn tháng thôi, một câu A-Di-Đà Phật mà đi, ngày ngày thèm muốn được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, vậy mà được thành tựu khá tốt... Dù cho trong lúc xả bỏ báo thân vì gia đình sơ ý đã tạo ra một cảnh oan uổng làm cho chị phiền não! Nhưng có lẽ nhờ thời gian bốn tháng huân tu câu A-Di-Đà Phật, quyết lòng vãng sanh, nên trước cái ách nạn như vậy chỉ cần mình nhắc một câu thì tự nhiên người đó giật liền mình, nhớ lại niệm câu A-Di-Đà Phật... Ấy thế mà ra đi để lại thân tướng bất khả tư nghì.

Vãng sanh có nghĩa là người đó đã liệng một chiếc áo cũ, chiếc áo cũ ung thư tàn tạ! Rồi lượm một chiếc áo mới, chiếc áo mới của chư đại Thánh Chúng trên cõi Tây Phương Cực Lạc.

Thưa thật với chư vị,đọa lạc hay cực lạc nó nằm ngay tại cái tâm này. Ngộ!Ta đi về Tây Phương. Mê!Thì chư vị cứ kiểm lại coi, nhất định đời này xả cái thân này rồi, lượm lại cái thân người không được đâu!... Chắc chắn!... Cho nên chúng ta cần phải ngộ! Ngộ cấp thời để kịp tự cứu lấy ta và cứu lấy người thân của ta.

Hôm nay xin tiếp tục chương trình của ngày hôm qua, chúng ta khai thị nhắc nhở cho người đã tắt hơi được một tiếng đồng hồ. Thường thường thì trong một tiếng đồng hồ, nhu cầu nên khai thị hướng dẫn cho họ từng mười lăm phút một. Hôm qua chúng ta đã nói tới nửa giờ đầu, cứ khoảng chừng mười lăm phút thì ít ra gì người trong ban hộ niệm nên nhắc nhở thần thức của người ra đi một lần nữa:

- Hương linh Trần Văn X ơi! Mau mau định tâm lại, đừng phân vân nữa, niệm A-Di-Đà Phật nhé, nhất định theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương Cực Lạc.

Nói rõ, nói chậm, nói ngắntrong khi mọi người đang tiếp tục niệm Phật. Tức là mình đã nhắc nhở nhiều rồi nhưng vẫn sợ người đó còn chao đảo, còn phân vân, còn do dự điều gì đó. Hễ còn một niệm do dự thì không được vãng sanh. Mình cố gắng làm sao cho người chết đó giật mình ngộ ra một cái, họ nhiếp tâm lại niệm Phật thì tự nhiên liền cảm ứng đến quang minh của A-Di-Đà Phật.

Chư vị nên nhớ cho, trong những lúc đó những vị hộ niệm chung quanh họ đang niệm Phật mạnh lắm. Nhờ niệm Phật mạnh như vậy nên quang minh của A-Di-Đà Phật đang phủ tràn nơi đó, sát bên cạnh người bệnh chứ không đâu xa hết, chỉ cần giờ phút nào người chết giật mình tỉnh ngộ, nhiếp tâm niệm câu A-Di-Đà Phật thì tự nhiên tiếp xúc với quang minh của A-Di-Đà Phật, nhất định một niệm tất sanh.

Nhưng nếu họ chờn vờn, họ so đo, họ phân vân, họ cứ lo nghĩ: “Tại sao ta như thế này? Tại sao ta như thế nọ?... Tại sao ta lại ở đây?”... Người ta ở trong cái cảm giác hình như không biết là thật hay là hư? Cho nên ta cần phải xác định là:

- Hương linh Trần Văn X ơi! Đã bỏ báo thân rồi, không còn lý do gì để mà chần chừ do dự. Phải định cái tâm lại đừng phân đo nữa. Niệm A-Di-Đà Phật với đại chúng, theo A-Di-Đà Phật về Tây Phương Cực Lạc...

Nói mạnh một câu này. Nhiều khi chỉ cần một lời khai thị như vậy mà họ được vãng sanh. Vãng sanh thì tự nhiên thoại tướng chuyển biến liền.

Đến khoảng chừng một tiếng đồng hồ thì có thể mình cho đại chúng ngưng lại một vài phút, ta bắt đầu nhắc nhở nữa. Đó là cái khoảng thời gian một tiếng đầu:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật. Hương linh Trần Văn X ơi! Giờ phút này nhất định hương linh phải nhớ cho rõ, đã xả bỏ báo thân một tiếng đồng hồ rồi. Thân xác này không còn lệ thuộc vào Phật tử Trần Văn X nữa đâu. Mau mau tỉnh ngộ. Giờ này nhất định phải niệm câu A-Di-Đà Phật cấp kỳ, không được chần chờ nữa! Một niệm giác ngộ niệm câu A-Di-Đà Phật, theo A-Di-Đà Phật thành đạo Vô Thượng. Còn nếu mê mờ tham chấp thân xác, còn mê mờ nghĩ đến đứa con, còn mê mờ nghĩ đến gia đình, tiền bạc... thì vạn đời vạn kiếp sẽ bị đọa lạc, khổ đau! Trong bao nhiêu ngày tháng qua ta chờ cái giờ phút này để đi về Tây Phương, thì không cớ gì mà bây giờ phải chần chừ, lo nghĩ. Niệm A-Di-Đà Phật, quyết lòng theo A-Di-Đà Phật đi về Tây Phương.

Nói như vậy! Thật mạnh! Sau đó có thể tất cả chư vị cùng chắp tay lại nguyện cầu Phật tiếp độ. (Nên đọc từng bốn chữ một cho được đều):

Đệ tử chúng con,

Thành tâm cầu nguyện.

A-Di-Đà-Phật,

Quán-Âm Thế-Chí.

Đại từ đại bi,

Phóng quang tiếp độ.

Hương linh Trần Văn X

Pháp danh là Y.

Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Mình có thể cùng đọc câu đó cũng được rồi bắt đầu niệm: “A-Di-Đà Phật...” Nhưng cũng nên nhớ là sau những lúc khai thị cho người bệnh thì người trưởng ban luôn luôn phải chắp tay lại thầm khẩn nguyện chư oan gia trái chủ liền:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật. Ngưỡng mong chư vị trong pháp giới hiện hữu nơi đây đừng nên chống phá hương linh Trần Văn X, mà nên kết duyên lành với hương linh để hộ niệm cho hương linh Trần Văn X sớm được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, công đức này vô lượng vô biên. Xin chư vị vì vấn đề liễu đoạn sanh tử, mong chư vị phát tâm Bồ-Đề cùng với chúng tôi niệm A-Di-Đà Phật, hộ niệm cho hương linh sớm vãng sanh về Tây-Phương-Cực-Lạc, nhờ công đức này chư vị cũng được vãng sanh về Tây-Phương.

Cũng xin nhắc nhở rằng, biết hộ niệm thì cũng biết tự hộ niệm. Chúng ta nên dự phòng hết. Nghĩa là đặt mình vào trong trường hợp đến ngày xả bỏ báo thân. Nếu thường ngày mà mình nghe được những lời khai thị hướng dẫn về hộ niệm này, thì đến lúc đó chỉ cần nhắc sơ: “Anh Trần Văn X ơi!... Mau mau niệm Phật”. Vừa nghe đến thì mình giật mình liền, mình tỉnh ngộ liền, mình niệm Phật nhanh lắm. Còn giả sử như khi lâm chung mà không được khai thị, thì nhờ trong đời đã được sự khai thị trước mà có kinh nghiệm sẵn, nên khi xả bỏ báo thân, mình cũng dễ biết được đạo lý, dễ giật mình tỉnh ngộ. Mình không còn chờn vờn, không cỡi gió đi mây nữa. Thần thức của mình không còn lảng vảng lảng vảng, không còn bị ngỡ ngàng nữa. Cái tâm mình đã định lại rồi...

Vì thế, thông thường một người đã biết hộ niệm trước, thì ta hộ niệm cho người đó dễ được vãng sanh lắm. Còn người không biết gì về hộ niệm, thì khi họ lâm chung ta hộ niệm cho họ rất là khó!

Quý vị đừng nên nghĩ rằng, chúng ta cứ niệm Phật như thế này rồi sau cùng dễ vãng sanh. Không có đâu! Chắc chắn không dễ như vậy! Chính Diệu Âm này đã có một số kinh nghiệm về hộ niệm cho những người đã tu qua nhiều Phật Thất, mười mấy cái Phật Thất, hai chục cái Phật Thất vậy đó, tu được mấy chục năm qua, có ăn chay trường... nhưng sau cùng rồi không được vãng sanh. Lý do có lẽ vì trong suốt thời gian niệm Phật đó, không có người nào giảng giải cho họ cái đạo lý vãng sanh, họ không biết qua phương pháp hộ niệm vãng sanh!...

Vấn đề thiếu sót là: Họ không bao giờ được giảng giải về Niệm Phật - Hộ Niệm - Vãng Sanh là như thế nào?... Lúc xả bỏ báo thân cần được trợ duyên như thế nào?...

Cho nên trong lúc tu hành thường thường có những cái vọng tâm khởi ra nhiều quá! Có người thì ham lý này luận nọ! Có người thì nghiên cứu sách này sách nọ! Có người thì cầu mong chứng đắc này chứng đắc nọ!... Những cái ý niệm này nó sẽ biến thành những chủng tử tiêm vào trong đầu óc của họ. Khi mà nằm xuống thì nào là bị đau khổ, rồi nạn oan gia trái chủ, nào là những cảnh giới chập chờn thay đổi liên tục... làm cho tâm họ rối đi, không cách nào định được! Trong khi đó những người biết hộ niệm thì họ đã đoán biết trước những chướng nạn này, người ta giảng giải thẳng vào cái chỗ này.

Ví dụ, trước khi mình chưa bị bệnh thì họ đã dặn là khi ra đi phải theo A-Di-Đà Phật nhé. Lúc bệnh xuống họ dặn phải niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, đừng bao giờ niệm A-Di-Đà Phật mà cầu hết bệnh nhé. Vì sao vậy? Vì niệm A-Di-Đà Phật để cầu cho hết bệnh thì cái chủng tử “Hết Bệnhnó nhập vào trong tâm của mình. Lúc đó mình sẽ nghĩ rằng mình chỉ bệnh sơ thôi, chứ chưa phải là chết đâu. Tâm mình cứ nghĩ đến cơ may hết bệnh. Oan gia trái chủ trùng trùng điệp điệp, sẽ nương theo cái tâm sợ chết của mình, mà cài mình vào những cạm bẫy làm cho mình lạc đường!...

Chính vì thế, tại sao những người biết hộ niệm lại được vãng sanh dễ dàng?... Người ta có thể vãng sanh dễ dàng hơn những người tu giỏi nữa là khác. Tại vì từng điểm, từng điểm quan trọng trong pháp hộ niệm họ đã nắm vững, rõ ràng, cụ thể rồi... giống như một với một là hai, hai với hai là bốn vậy. Pháp hộ niệm đã hướng dẫn họ vững vàng như vậy, nhờ thế khi ứng dụng đến họ được vãng sanh bất khả tư nghì. Thật sự như vậy.

Mong chư vị quyết lòng củng cố về kiến thức hộ niệm, về ý niệm hộ niệm, về phương thức hộ niệm cho vững để chúng ta cứu người vãng sanh, cứu chính chúng ta vãng sanh về Tây Phương thành đạo Vô Thượng...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 32

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Buổi chiều hôm nay Diệu Âm có liên lạc với một người bệnh ung thư cũng sắp ra đi ở Tuy Hòa. Sau một vài mươi phút nói chuyện thì người bệnh này đã quyết thề niệm một câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh.

Ở tại đó chưa có ban hộ niệm, nhưng nghe nói hôm nay có hẹn Diệu Âm gọi về nói chuyện về Hộ Niệm, nên có khoảng mười mấy người tới nghe. Sau khi nói chuyện xong, Diệu Âm mời các vị đó mỗi tuần bỏ ra một vài buổi tới niệm Phật hộ niệm cho người bệnh được không? Tất cả mọi người đều nói: “Được! Chúng tôi sẵn sàng”. Sẵn cơ hội đó tôi kêu gọi thành lập một Ban Hộ Niệm tại chỗ luôn. Quý vị mừng quá, vỗ tay. Ấy thế mà mấy năm qua tại nơi đó muốn thành lập ban hộ niệm mà thành lập không được.

Tôi có hỏi người bệnh:

- Trong thời gian qua chị nghe kinh nào?

Chị nói:

- Tôi không có nghe kinh nào hết. Nhưng có một vị đạo hữu hai tuần nay đem biếu bộ tọa đàm “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu” của Diệu Âm. Tôi đang nghe cái đĩa đó.

Tôi nói:

- Tốt! Nhưng bắt đầu từ hôm nay chị nên giao cái đĩa đó cho chồng của chị, con của chị và ban hộ niệm họ nghe, riêng chị không nên nghe, tại vì nếu chị nghe như vậy thì tôi sợ rằng chị không có đủ thì giờ để niệm câu A-Di-Đà Phật.

Chị đó nói:

- Nhưng mà cái băng này hay quá.

Tôi nói:

- Vì hay cho nên chị mới thích. Vì thích nên chị mới tham. Vì tham nên chị mê những đoạn băng này mà coi chừng câu A-Di-Đà Phật bị hững hờ không nhập vào tâm được. Tôi nói tọa đàm này là để cho những người không biết hộ niệm, chưa biết hộ niệm, chưa tin vào phương pháp hộ niệm họ nghe. Người ta nghe để biết cách hộ niệm cho chị. Chớ bây giờ chị đang nằm trên giường bệnh, bác sĩ nói còn một vài tháng nữa là chết, thì còn thời gian đâu nữa mà chị nghe những lời này. Chính những lời tôi nói mà tôi cũng cấm chị nghe. Chị có quyết thề với tôi là chỉ niệm một câu A-Di-Đà Phật, nửa đêm thức giấc đau mình, chị cũng phải niệm câu A-Di-Đà Phật, không than không thở gì hết, quyết lòng nguyện vãng sanh.

Tôi nói chuyện với chị xong, rồi tôi khuyến tấn tiếp, chị sắp sửa được về Tây Phương gặp A-Di-Đà Phật rồi, hãy mừng đi, vỗ tay lên... Chị vỗ tay. Người chồng cũng ủng hộ trong tinh thần đó.

Tôi nói tiếp:

- Được rồi! Ban hộ niệm của quý vị khỏi cần tới tôi hướng dẫn. Tôi sẽ giới thiệu chị Thu Hương ngoài Đà Nẵng vào trực tiếp hướng dẫn cho chư vị.

Sau đó tôi bắt điện thoại gọi chị Thu Hương... Chị Thu Hương là người hộ niệm rất là tuyệt vời ở Việt Nam. Chị đã hộ niệm được trên một trăm người đã vãng sanh bất khả tư nghì, có nhiều người còn ngồi được để vãng sanh, có những người niệm Phật tới giờ phút chót vãng sanh nữa. Chị là người rất cứng rắn trong điều lệ hộ niệm. Giả sử như vị ung thư đó mà tham cái này, tham cái nọ, còn nghiên cứu cái này nghiên cứu cái nọ, còn muốn đọc này đọc nọ... Khi chị tới hỏi một vài tiếng mà người bệnh không buông bỏ thì có thể chị rút lui liền lập tức. Tính tình của chị cứng lắm. Trải qua hằng trăm cuộc hộ niệm rồi, chị đã nắm khá vững những yếu tố nào được vãng sanh, yếu tố nào sẽ bị trở ngại.

Chính vì vậy, những lời tọa đàm của Diệu Âm này chẳng qua là nói với những người có niềm tin yếu về chuyện vãng sanh, nói với những người mà niềm tin không vững rằng pháp hộ niệm có thể giúp người vãng sanh. Cho nên những cuộc tọa đàm này là mong cho nhiều người có duyên nghe được những lời này mà giật mình tỉnh ngộ. Còn những người đã quyết lòng vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì còn thì giờ đâu mà nghiên cứu, còn thì giờ đâu mà nghe cái này nghe cái nọ, còn thì giờ đâu mà đọc cái này đọc cái nọ! Đọc một cái gì là một chủng tử đi vào trong tâm của mình. Đọc nhiều thứ quá thì câu A-Di-Đà Phật nhất định không sáng suốt trong tâm của mình được.

Nên nhớ, bây giờ đây mình có thể lý luận. Nhưng khi nằm xuống rồi quý vị mới thấy rằng không còn lý luận được nữa đâu. Chủng tử A-Di-Đà Phật mà yếu thì nhất định những chủng tử khác sẽ mạnh, nó sẽ lấn hết tất cả. Bên cạnh đó, nghiệp chướng, oan gia trái chủ sẽ thừa cơ lồng vào thì chịu thua! Lúc đó không có cách nào có thể cứu vãn được!

Cho nên, nếu người bị bệnh ở Tuy Hòa chỉ cần vững tâm như vậy, tôi có thể dám mạnh dạn bảo đảm rằng chín mươi lăm phần trăm vãng sanh. Còn bây giờ mà không chịu nghe, đối với chị Thu Hương, thì vấn đề này chị xử lý cứng lắm. Thường gặp bệnh nhân chị hỏi rằng: “Chị có thề với tôi là trì giữ một câu A-Di-Đà Phật không?”. Không quyết định thì chị rút về liền, chị thẳng thắn như vậy. Vì cái kinh nghiệm của những người hộ niệm quý giá vô cùng, còn mình ngồi đây nói chẳng qua là sự lý luận theo sách vở, hoàn toàn chưa chứng nghiệm một cái gì hết.

Hiểu được như vậy, mình muốn đi về Tây Phương Cực Lạc thì cần phải Tịnh niệm tương kế, tự đắc tâm khai. Tâm mình tự nó sẽ khai ra... Nhất định như vậy. Đây mới chính là sự hiểu biết đúng đắn của mình đó, còn tất cả những gì ở ngoài đưa vô chẳng qua là thứ đối trị với những người không tin mà thôi.

Ba điểm “Tín-Nguyện-Hạnh”là tông chỉ. Muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc mà cửa ải “Tin” này cứ chập chờn chập chờn thì...

- Làm sao có thể thâm nhập vào đường đạo?...

- Làm sao mà phát nguyện được tha thiết?...

- Làm sao mà niệm câu A-Di-Đà Phật được chí thành?...

Chính vì thế, nghiệp chướng phá không nổi! Mà muốn phá, phá cũng không xong!

Hôm nay chúng ta nói thêm về Khai Thị - Hộ Niệm. Thật ra là chỉ để khai thị cho những người có niềm tin quá bạc nhược! Vì người sắp chết đó niềm tin không đủ, nghiệp chướng sâu nặng, nên mình phải tìm phương tiện gỡ lần, gỡ lần, gỡ lần cho họ. Chứ nếu như niềm tin đã vững vàng, thì chúng ta cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, không còn xen cái gì khác. Bảo đảm lúc đó khỏi cần khai thị nữa, chỉ cần nói, “Anh Hai ơi! Niệm Phật đi”, là tự nhiên người bệnh niệm leo lẻo. “Quyết tâm nghe anh Hai.... Thế thôi, khỏi cần gì khác.

Chứ còn người mà khuôn mặt chập chờn chập chờn, nửa đỏ nửa xanh, mộng này mị nọ... Thành ra mình đành phải cứ khai, khai, khai hoài là vì vậy. Mong rằng ai muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thì “Tín-Nguyện-Hạnh” phải nhập vào tâm, đừng để tâm hồn chập chờn bên ngoài. Tất cả những thiện căn phước đức nó nằm ở ngay tại chữ “Tín” đó. Mình tin không vững chứng tỏ thiện căn mình không đủ! Thiện căn không đủ mà còn không vững tin nữa, thì nhất định thiện căn sẽ bị tản mạn khắp, nhất là đối với những người tu hành, oan gia trái chủ sẽ có cách phá tinh vi vô cùng!

Mong chư vị nào muốn vãng sanh thì nhứt định nên nghe những người hộ niệm, vì họ đã từng hộ niệm hằng trăm người rồi, họ đã nắm vững rất nhiều yếu tố để thành công rồi. Chúng ta đang nói đến “Khai Thị - Hướng Dẫn”đây chính là để củng cố niềm tin cho những người còn chập chờn đó thôi, chứ không có gì khác. Mình đâu có thể đợi tới lúc hấp hối xuống mới củng cố niềm tin. Xin hỏi rằng, lỡ bị đọa lạc rồi thì làm sao đây?... Cho nên phải củng cố niềm tin trước. Để chi vậy?... Để lúc đó chúng ta không cần phải khai thị với nhau nữa.

Hôm qua chúng ta nói đến thời điểm một tiếng đồng hồ sau khi tắt thở. Bây giờ chúng ta nói đến chỗ hai tiếng đồng hồ. Thời gian từ một tiếng đến hai tiếng thì chúng ta kéo cái thời gian khai thị giãn ra. Trong vòng một tiếng sau khi tắt thở thì chúng ta nên khai thị cứ khoảng mười lăm phút một lần. Một tiếng đến hai tiếng thì kéo ra, ba mươi phút một lần. Làm vậy thật ra là để ngừa rằng người đó còn mắc nạn. Còn giả sử như bây giờ chúng ta đã nghe, đã hiểu hết trơn rồi, thì từ một tiếng đến hai tiếng khỏi cần phải khai thị nữa, nhắc sơ một chút là niệm tới.

Trong những khoảng thời gian này luôn luôn nhắc nhở người bệnh là phải nhiếp tâm lại niệm Phật đừng có phân vân. Hãy nói cho họ biết rằng, trong vòng bốn mươi chín ngày bác Trần Văn X cũng có thể được vãng sanh. Tuy nhiên càng về sau càng khó khăn. Đến giai đoạn này mà còn chập chờn ở đây...

- Là tại vì niềm tin đã bị chao đảo!

- Là tại vì tâm đã phân vân!

- Là tại vì còn tham chấp cái này, còn tham chấp cái nọ...

Mau mau hối thúc họ nhiếp tâm lại niệm Phật để đi về Tây phương, không có thể nào còn sơ ý nữa. Có những người vì quyến luyến tình thân, ví dụ như thương con nhớ cháu, những chuyện này mình nên hỏi gia đình để biết rõ hơn.

Có nhiều người nói rằng, nếu người bệnh thương đứa cháu quá thì đừng có cho đứa cháu đến trước mặt. Sự việc này trong các ban hộ niệm người ta ứng dụng thì có nhiều lúc đúng, cũng có nhiều lúc không được đúng mấy!

Đúng là khi người chết đó đã được hướng dẫn, họ quyết lòng hứa là không còn tha thiết gì đến đứa cháu nữa, thì lúc đó mình hãy nói với đứa cháu đó đừng tới, vì nó tới nhiều khi làm cho người bệnh sanh tâm luyến lưu.

Còn có hạng người khác họ quyết lòng nhớ, họ quyết lòng thương, họ quyết lòng muốn cầm cho được tay của đứa cháu... Đối với những người này thì tốt nhứt là mình nên kêu đứa cháu đó tới, nhưng phải dặn dò trước. Nhiều khi chính đứa cháu đó mới thật là nguồn khai thị quý giá vô cùng cho người sắp chết. Mình nói:

- Cháu ơi! Cháu thương bà nội, bà nội thương cháu. Nếu bây giờ mà bà nội tiếp tục thương nhớ cháu thì bà nội sẽ bị đọa lạc, đau khổ lắm! Bây giờ cháu thương bà nội thì cháu tới cứu bà nội đi nhé. Cháu tới nói với bà nội như vầy: Bà nội ơi! Cháu tới đây niệm Phật cho bà nội nè. Bà nội thương cháu, bây giờ bà nội hãy niệm Phật đi. Bà nội niệm Phật tức là bà nội thương cháu. Nếu bà nội không niệm Phật, bà nội không được về Tây Phương là bà nội không thương cháu. Cháu đang hộ niệm cho bà nội vãng sanh đây.

Nếu dạy được đứa cháu nói một câu như vậy tức là mình có thể gỡ được ách nạn cho người bệnh. Oan uổng thay, nếu đứa cháu đó không chịu nói vậy! Ngược lại, đứa cháu đó nói: “Bà nội đừng có chết nhé”, thì thôi rồi!... Người đó sẽ bị nạn rồi! Dù cho ban hộ niệm có giỏi cho mấy đi nữa, người đó cũng khó tránh khỏi đọa lạc!

Biết được vậy, những chuyện này chúng ta cần phải lo buông xả trước. Nhứt định những chuyện này nó sẽ trói chúng ta, đến lúc lâm chung nó càng trói mạnh đến ngàn lần hơn bây giờ chứ không phải là thường đâu. Lạ lắm!...

Vì thế, khi hộ niệm, tại sao chúng ta thấy có nhiều người bệnh cứ nhắc mãi một chuyện gì đó, họ cứ nhắc hoài... Nhiều khi mình hóa giải đến năm lần mười lượt mà giải cũng không được?... Là tại vì chuyện này nó đã nhập... nhập... nhập sâu trong tâm họ rồi. Đến lúc lâm chung xuống nó bắt họ phải nhớ tới. Lạ vô cùng!...

Một lần khai thị cho người bệnh, hay mỗi một lần mình ngừng lại nói chuyện, sẵn dịp đó, chúng ta nên nhớ khẩn nguyện với chư vị trong pháp giới hãy tha thứ lỗi lầm cho người bệnh. Thường thường trong khoảng một tiếng đồng hồ là mình hồi hướng công đức một lần, nên nhớ là phải hồi hướng công đức cho người bệnh và hồi hướng công đức luôn cho oan gia trái chủ nữa. Đừng bao giờ quên. Đây là điểm hết sức là quan trọng.

Từ hai tiếng đồng hồ trở về sau, chúng ta hãy kéo dài khoảng cách thời gian khai thị. Cứ cỡ một tiếng đồng hồ thì nhắc nhở một lần, hãy lợi dụng lúc hồi hướng công đức để nhắc nhở là được rồi. Nhắc nhở cho đến bốn tiếng đồng hồ. Thường thường sau bốn tiếng cho đến tám tiếng là chúng ta có thể chỉ niệm Phật và hồi hướng công đức, khỏi cần nhắc nhở nữa.

Trong khoảng thời gian từ bắt đầu tắt hơi cho đến hai tiếng là giai đoạn khá căng thẳng, rất là quan trọng. Chúng ta cố gắng làm sao gỡ cho được sự vướng mắc của người bệnh trong khoảng thời gian này.

Nếu như chính chúng ta bây giờ đã bắt đầu buông xả trước. Người buông xả được thì khi ra đi họ sẽ đi luôn về Tây Phương. Họ niệm Phật tới giờ phút chót, họ mỉm cười rồi có nhiều người ráng... ráng... ráng đưa cái tay lên chào và nghẻo cái đầu cười một cái là đi. Lạ lắm!... Họ cười cười vậy đó, cái tay từ từ đưa xuống... Mình thấy vậy là cảm thấy vững vàng. Vững rồi nhưng cũng phải cố gắng trợ duyên. Gặp trường hợp này mình thấy vững tâm rồi đó.

Có những người khi họ ra đi khoảng chừng mười lăm phút sau là thân tướng của họ bắt đầu chuyển... chuyển... chuyển... Thân thể chuyển từng chút từng chút. Thấy vậy là mình vững tâm lắm rồi. Còn những người để mười mấy tiếng đồng hồ mới chuyển là đã yếu lắm rồi đó!

Mong cho tất cả chúng ta đều hiểu được điều này. Tập buông xả là yếu tố quan trọng. Nhiếp tâm lại niệm một câu A-Di-Đà Phật sẽ được Tự Đắc Tâm Khai.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 33

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua Diệu Âm có kể câu chuyện một người đang bị bệnh ở Tuy Hòa đã sắp chết mà cứ mở băng “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu” ra nghe. Diệu Âm mới khuyên cô ta không được nghe băng đó nữa, vì cái băng đó chẳng qua là dẫn giải cho người bệnh niệm câu A-Di-Đà Phật để vãng sanh. Một người bệnh sắp chết mà không chịu niệm Phật lại nghe cái băng đó thì không cách nào có thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được.

Tu hành có nhiều người thường hay lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh. Những lời nói khai thị này chẳng qua là giúp cho người bệnh biết được cách thực hành để vãng sanh. Cách thực hành đó chính là niệm câu A-Di-Đà Phật chứ không phải là nghe những lời pháp nói ra. Đã đối trước cái chết rồi thì không còn con đường để suy nghĩ nữa. Phải niệm một câu A-Di-Đà Phật mới thành tựu!...

Cách đây hai năm khi đi qua bên Âu Châu, một chuyến đi rất ngắn ngủi nhưng Diệu Âm đã gặp một chuyện rất ấn tượng. Ấn tượng rất là sâu sắc! Có một vị đó bị ung thư phổi đang nằm trong viện dưỡng lão, vì không có nhà thương nào nhận hết, nên viện dưỡng lão thương tình mới nhận cho vị đó tới nằm để chờ chết. Diệu Âm được người ta dẫn tới gặp vị đó. Vị đó hoàn toàn không có vợ, không có con, không anh em gia đình gì hết, nghĩa là sống một mình. Khi đến thăm thì thấy rõ ràng đúng là một người đang bị ung thư trong tình trạng chờ từng ngày một để chết.

Thì tới đó Diệu Âm có hướng dẫn khuyên anh ta niệm Phật và anh ta cũng đã hạ quyết tâm là nhứt định niệm Phật để về Tây Phương. Trên bàn của anh ta có một quyển kinh A-Di-Đà và một quyển sách nữa, đó chính là tập “Khuyên Người Niệm Phật”số một, quyển đã ấn tống ở bên Âu Châu, ngoài bìa có in hình đức Quán-Thế-Âm.

Diệu Âm hỏi anh:

- Hằng ngày anh tụng kinh A-Di-Đà phải không?

Anh nói:

- Thường có tụng.

- Rồi cuốn sách này là để làm gì?...

- Ngày nào tôi cũng đọc cuốn sách này hết, vì nhờ tập sách này mà tôi biết được niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Tôi mừng lắm!...

Trước sau tôi nói chuyện với anh ta cũng khá lâu. Tôi cũng đã làm đủ thủ tục giống như một cuộc hộ niệm, làm ngắn gọn chớ không có nhiều. Tôi nói:

- Anh biết con đường về Tây phương rồi và anh quyết lòng đi như vậy thật là tốt. Bây giờ tôi hỏi anh nhé, anh có cái mộng ước gì cuối cùng nữa không? Anh cho tôi biết, thử coi tôi có cách gì giúp được cho anh không?...

Anh ta nói rằng:

- Tôi muốn cuối đời của tôi, trước khi chết được gặp cư sĩ Diệu Âm.

Tôi mới mắc cười quá!... Tôi nói:

- Dễ! Tôi xin giới thiệu với anh tôi chính là cư sĩ Diệu Âm từ bên Úc Châu qua đây, chỉ còn mấy ngày nữa là tôi về lại Úc rồi.

Anh ta mừng quá! Tôi nói:

- Anh muốn gặp tôi, vậy tôi xin bắt tay với anh để kết thành anh em.

Rồi tôi nói tiếp:

- Bây giờ anh đã gặp được cư sĩ Diệu Âm rồi. Đúng không?... Như vậy thì tôi nói sao anh nghe vậy, được không?...

- Được!

- Bây giờ, điều trước tiên, quyển sách “Khuyên Người Niệm Phật” tập một này là do tôi viết, nhưng bắt đầu từ giờ phút này tôi không muốn anh cầm quyển sách này lên đọc nữa, anh có chịu không?

Anh ta trố mắt lên nhìn!... Tôi nói tiếp:

- Thật sự cuốn sách này dù thế nào đi nữa thì cũng là do một người phàm phu viết ra, và quyển sách này là “Khuyên Người Niệm Phật”, tức là khuyên anh niệm Phật phải không? Bây giờ trước giây phút sắp chết rồi, rõ ràng là anh đang nằm chờ từng ngày để ra đi mà anh không chịu niệm Phật lại đọc cuốn sách này, dù anh đọc cho tới thuộc lòng những câu văn hay trong đó, thì khi tắt hơi rồi anh sẽ đi đâu?... Cho nên, anh muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc mà bây giờ đây anh còn cầm cuốn sách này lên đọc thì nhất định anh không được vãng sanh. Anh hãy mau buông nó ra để niệm câu A-Di-Đà Phật. Quyển sách này chỉ là phương tiện dẫn anh tới câu A-Di-Đà Phật. Bây giờ trước lúc chết rồi mà anh không chịu niệm Phật, lại đọc cuốn sách này để làm chi?...

Tôi nói làm cho anh cảm thấy thấm thía quá và hứa làm theo... Rồi tôi cầm quyển kinh A-Di-Đà lên và nói:

- Đây là quyển kinh của Phật dạy. Trong kinh A-Di-Đà Phật cũng dạy anh niệm câu A-Di-Đà Phật nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Phật dạy bốn lần trong này đúng không?

- Đúng!...

- Như vậy bây giờ mà anh còn cầm quyển kinh này tiếp tục đọc nữa thì anh cũng có thể mất phần vãng sanh. Anh mau mau buông kinh này xuống để niệm câu A-Di-Đà Phật, nguyện vãng sanh Tây Phương. Làm vậy tức là anh đã đọc hết kinh này rồi. Nói chung, hai quyển này không còn ích lợi gì cho anh nữa cả. Đó chẳng qua là phương tiện dẫn dắt anh qua bờ giác. Anh biết đạo rồi thì bây giờ anh phải buông tất cả những cái này xuống để anh đi thành Phật. Niệm câu A-Di-Đà Phật là anh đi qua bờ giác đó. Anh không được quyền cầm quyển kinh này, cầm quyển sách này lên đọc nữa. Nếu anh nghe lời tôi thì anh về Tây Phương trước, rồi về đây cứu tôi với. Còn nếu anh không nghe lời tôi, thì sau một tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ đi rồi. Anh ở lại đây muốn làm sao đó thì làm!...

Thật sự là thấm thía! Trước khi chia tay ra về, tôi còn nhớ một lời nói của anh: Chúng ta đã đi một nước cờ tuyệt vời!... Nước cờ đi về Tây Phương.

Tôi có nhắn nhủ với các vị y tá tại đó rằng, khi mà anh ta chết, thì xin chư vị chỉ cần đóng tất cả các thứ ống không khí, nước biển... gì đó lại, rồi để nguyên cái thân như vậy và liên lạc liền các vị đồng tu để họ tới “Cầu Nguyện” giùm cho anh ta. Các vị y tá cũng chấp nhận và hứa sẽ làm đúng như vậy.

Khi Diệu Âm đi về rồi thì một tuần sau anh ta chết. Trong cái ngày chết đó, anh yêu cầu các vị y tá không truyền thuốc gì hết, cũng không cần thở oxy nữa, để cho anh ta ra đi. Các vị y tá cũng chấp nhận sự yêu cầu này. Khi anh ta đi rồi thì họ mới gọi các vị đồng tu tới hộ niệm. Các vị đồng tu có người ở gần nhứt với anh cũng cách xa hơn hai trăm cây số, thành ra khi anh chết rồi thì hơn hai tiếng đồng hồ sau các vị đó mới tới hộ niệm được. Tình thật mà nói, khi đó tinh thần hộ niệm ở bên Âu Châu không vững lắm, không biết rõ lắm. Tôi chỉ hướng dẫn sơ qua mà thôi.

Khi họ hộ niệm khoảng chừng chưa tới năm tiếng đồng hồ, thì y tá lại thông báo phải ngưng để họ chuyển cái xác đi. Như vậy từ lúc chết cho đến lúc chuyển thân xác đi cỡ chừng bảy tiếng đồng hồ, người ta phát hiện ra có một hiện tượng lạ là toàn thân xác của anh ta mềm mại. Người ta đặt xác trong một cái cuộn gì đó, bồng xác anh lên... mấy vị y tá đó mới giật mình và hỏi rằng, mấy người cầu nguyện cách nào mà hay vậy! Hơn bảy tiếng đồng hồ tại sao thân xác còn mềm mại, thật quá hay. Người ta chỉ biết như vậy mà thôi.

Thành thật khi nghe kể lại câu chuyện này thì tôi nhớ cái ấn tượng sâu sắc đó, chứ chính Diệu Âm cũng không xác định là người đó có được vãng sanh hay không, vì lúc đó mình không có tại chỗ đó, và những người hộ niệm đó cũng không có kinh nghiệm lắm! Nhưng chỉ biết rõ một điều là vị đó chỉ từ khi đọc được một cuốn “Khuyên Người Niệm Phật”số một, rồi phát tâm niệm Phật. Đến khi đã bị ung thư phổi, người nhà không có ai hết, họ chuyển anh đến nằm trong một cái phòng riêng ở viện dưỡng lão để chờ chết.

Anh ta niệm Phật không biết bao lâu, nhưng trước những giờ phút ra đi anh đã hạ quyết tâm. Anh nói: “Như vậy là tôi biết rồi. Tôi sẽ giữ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm tới cùng”. Diệu Âm có dặn dò tất cả những gì cần thiết để cho anh ta ra đi. Khi đi xong, việc hộ niệm cho anh cũng không được hoàn toàn, vì hai tiếng đồng hồ sau mới có người tới hộ niệm, và lúc đó những người đó thật ra cũng còn mập mờ, họ tới chỉ có niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật” là cùng. Vậy mà khi ra đi để lại một thoại tướng tốt bất khả tư nghì như vậy, làm cho tôi có cái ấn tượng rằng, hình như anh ta đã được vãng sanh chớ không phải là chuyện bình thường. Anh ta thật sự đã có “Tín-Nguyện-Hạnh”đầy đủ.

Câu chuyện này nó hàm chứa một lời khai thị rất sâu sắc rằng muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc không trước thì sau, không sau thì trước cũng phải thực hiện cho được câu A-Di-Đà Phật trong tâm của mình. Nếu bây giờ mình vẫn còn chập chờn, còn lo nghĩ, tính toán, còn tìm hiểu, còn thêm cái này thêm cái nọ... thì xin thưa rằng, những việc tìm hiểu của mình nó sẽ nhập vào trong tâm của mình những chủng tử khác, coi chừng nó đuổi câu A-Di-Đà Phật ra khỏi tâm mà mình không hay!...

Ví dụ, nếu như anh đó vẫn tiếp tục đọc quyển sách “Khuyên Người Niệm Phật”hàng ngày, tôi nghĩ rằng khi anh nằm xuống rồi, tức là trước phút lâm chung, anh vẫn cứ nhớ những câu văn, những lời nói rất hay rất thấm thía trong tập sách, thấm thía đến nỗi phải rơi nước mắt, thì nhứt định anh ta khó có thể nào niệm Phật được. Chịu thua!...

Tại sao anh ta quyết lòng buông bỏ?... Tại vì đã đối trước cái chết rồi. Còn chúng ta tại sao không dám buông bỏ? Tại vì nghĩ rằng ta chưa tới lúc chết!

Thật ra cái chết nó đến bất cứ lúc nào. Nhiều khi nằm một đêm sáng ra, trong khi mặt trời chưa kịp mọc mà ta đã đi hồi nào không hay!...

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói: Hãy lấy chữ chết mà dán trên trán, thì tự nhiên mình sẽ quyết tâm niệm Phật, quyết lòng không còn tham cái gì nữa cả.

Ngài Ấn-Quang là một đại tôn sư, đặc biệt đã nói ra một lời như thế này: Lập một đạo tràng không cần giảng pháp. Niệm một câu A-Di-Đà Phật mà đi tới cùng.

Có nhiều người hỏi: Tại sao là Hoà Thượng chủ trương giảng pháp, còn ngài Ấn-Quang thì lại nói không?...

Tôi nói rằng, Hòa Thượng Tịnh-Không giảng cho những người không tin, giảng cho những người chưa biết câu A-Di-Đà Phật. Ngài là vị không có trụ xứ. Vì không có trụ xứ cho nên Ngài phải đưa cái pháp này đến khắp nơi để cho những người chưa biết niệm Phật quay đầu về câu A-Di-Đà Phật. Khi đã quay đầu về với câu A-Di-Đà Phật rồi, thì Ngài lại nói tất cả phải buông xuống hết, “Pháp thượng ưng xả”, để mà niệm câu A-Di-Đà Phật. Nếu người nào chập chờn chập chờn thì coi chừng bị trở ngại!

Thưa với chư vị, nếu mà trong quá khứ không có gì trở ngại thì chính tôi là một trong bảy người Việt Nam tham gia cái khoá tu học đặc biệt ở tại Toowoomba (Úc Châu) trong chín năm. Lời răn dạy đầu tiên của Ngài là, quý vị vào đây không được nghe pháp lung tung. Chỉ được nghe pháp nào một pháp mà thôi, có vậy thì quý vị mới thành công. Còn pháp nào quý vị cũng muốn nghe, thì coi chừng sau cùng lỡ cỡ giữa đường, không thành đạt được gì cả. Lý do là nhất định làm sao cho câu A-Di-Đà Phật nhập vào tâm quý vị trước đã rồi quý vị mới được đi ra giảng pháp. Nếu câu A-Di-Đà Phật chưa nhập vào tâm mà đi ra giảng pháp, thì coi chừng toàn là thứ “Tự Điển”giảng, chứ không phải “Tự Tâm”giảng đâu!...

Những lời nói của Ngài tuyệt vời vô cùng! Chúng ta ở đây không ai là thầy của ai, nhưng chúng ta nên nghe theo lời của Ngài, hãy làm sao đầu tiên phải để câu A-Di-Đà Phật nhập vào tâm mình trước đã. Khi câu A-Di-Đà Phật nhập vào tâm mình rồi, thì tự câu A-Di-Đà Phật phát quang, lúc đó tự nhiên ta sẽ ứng đối được.

À!... Thì ra tâm này là pháp, chớ không phải pháp ở từ bênngoài. Tình thật là như vậy!...

Cho nên chúng ta đang nói về khai thị, chứ thật ra là để củng cố niềm tin, củng cố câu A-Di-Đà Phật cho vững trong tâm, để mình cùng đi về Tây Phương. Không có gì khác hơn vậy...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 34

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Về “Khai Thị - Hộ Niệm” hôm nay có một câu hỏi liên quan đến vấn đề Hộ Niệm. Câu hỏi như thế này:

- Khi thăm hơi ấm thì làm như thế nào?

Muốn thăm hơi ấm của một người ra đi thì phải thực hiện ít ra là tám giờ đồng hồ sau khi tắt thở. Sau mười hai tiếng đồng hồ thì càng hay. Trước thời gian này không được thăm.

Có nhiều người nói rằng hộ niệm không cần thăm cũng được. Nhưng mà trải qua nhiều kinh nghiệm rồi thì thấy rằng nên thăm, nhưng mà chỉ cấm là không được quyền đụng chạm vào thân thể của người chết trong vòng tám tiếng đồng hồ từ khi tắt thở.

Nếu vạn bất đắc dĩ mà phải đụng chạm thì xin chư vị phải khai thị trước và phải làm rất nhẹ nhàng, vì trong khoảng thời gian này có thể thần thức chưa xuất ra khỏi thân xác. Lỡ khi gặp trường hợp thần thức chưa xuất ra mà chúng ta đụng chạm tới làm cho họ giật mình, và họ bị những cảm giác rất là đau đớn, từ sự đau đớn đó họ đâm ra hoảng kinh, khiếp đảm, rồi biến qua giận dữ. Từ chỗ đó mà họ có thể bị đọa vào cảnh giới rất là kinh khủng trong ba đường ác!

Xưa nay vì nhiều người không biết hộ niệm cứ thấy một người vừa chết xong thì nhào tới ôm nắm, tắm rửa, cột tay cột chân, thay áo thay quần, v.v... Thì đây thật sự chẳng khác gì là một hình thức tra tấn người chết để cho họ bị đọa lạc vào những cảnh rất là đau đớn!... Mong chư vị hiểu thấu chỗ này.

Chỉ được đụng chạm vào thân thể của người chết ít ra là sau tám tiếng, sau mười hai tiếng thì càng hay.

Trước khi thăm nếu mà đang hộ niệm thì chúng ta hồi hướng công đức cho hương linh, hồi hướng công đức cho chư vị trong pháp giới hữu duyên nhứt là chư vị oan gia trái chủ. Xong rồi thì ta cũng phải có một vài lời với người ra đi đàng hoàng, tức là khai thị đó, và thường thường chúng ta chắp tay lại nói:

- Bác Trần Thị X ơi!... (Hoặc là hương linh cũng được, lúc đó mình kêu hương linh cũng được). Đến giờ phút này đã tám giờ sau khi xả bỏ báo thân, trong thời gian qua hương linh đã được niệm Phật hộ niệm thì chắc giờ này đã theo A-Di-Đà Phật vãng sanh Tây Phương. Nếu mà giờ phút này còn ở tại đây thì thật sự đã bị trở ngại rồi đó, mau mau tỉnh ngộ. Giờ này chúng tôi xin sắp xếp lại thân thể của Bác cho được trang nghiêm và trong dịp này nếu Bác có gì chướng ngại thì chúng con sẽ cố gắng hỗ trợ thêm, hộ niệm thêm cho hương linh vãng sanh. Điều tốt nhứt là hương linh mau mau niệm Phật đi về Tây Phương.

Thông báo cho người ta biết trước. Rồi chúng ta mới bắt đầu nhẹ nhàng từng bước từng bước, kéo cái mền quang minh xuống, xếp tấm mền đắp trên thân thể từ trên xuống dưới, xếp làm hai, làm tư... Xếp nhè nhẹ đừng bao giờ làm mạnh. Đem cái mền ra rồi, thì cũng chớ vội thăm liền, mà lợi dụng trong khoảng thời gian đó mình nói thêm vài lời hoặc niệm Phật thêm để kéo dài thời gian ra khoảng chừng ba phút, năm phút rồi mình mới thăm, chứ đừng kéo mền ra xong thì thăm liền.

Thì thường có một câu thơ giống như câu “Thiệu” của chư Tổ để lại nói đến cảnh giới cảm ứng của người ra đi. Thì câu thơ nói như thế này:

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên.

Tâm Nhơn, Phúc Ngạ-Quỷ.

Bàng-Sanh Túc hạ hành.

Địa-Ngục Cước để xuất.

Có nghĩa là, nếu người ra đi sau tám tiếng mà chỉ nóng một điểm nhỏ ở trên đỉnh đầu thì người này sẽ đi về cảnh Thánh. Rất tốt. Nếu là người này niệm Phật mà có hộ niệm nữa thì người này đi về Tây Phương Cực Lạc. Rất là tốt.

Nhãn là những vùng mắt, vùng lông mày, vùng trán mà ấm thì sanh về các cảnh Trời.

Tâm là quả tim, tức là vùng ngực mà ấm thì tái sanh về cõi Người.

Phúc là cái bụng, nóng ở vùng bụng sanh về hàng Ngạ-Quỷ.

Vùng đầu gối trở xuống, là thuộc về bàng sanh. (Nói chung là xuống dưới thì càng xấu đi).

Và đặc biệt là ở dưới lòng bàn chân mà ấm thì người này thật sự đã bị đại nạn rồi! Đọa Địa-Ngục!

Biết câu này, nhưng chúng ta không nên giảng giải ra trong lúc hộ niệm. Chúng ta chỉ biết được như vậy để khi thăm nếu có bề gì trở ngại thì chúng ta tiếp tục hỗ trợ, khai thị. Tại vì thứ nhứt là nếu người đó ra đi mà có được thoại tướng tốt, nóng trên đỉnh đầu thì không sao hết. Chứ nếu bị nóng những chỗ khác mà mình giảng giải ra thì kẹt cho gia đình lắm! Hơn nữa cái điểm nóng đó chẳng qua là sự chiêu cảm với cảnh giới đó. Thí dụ như đang nóng tại đỉnh đầu thì có thể họ vãng sanh rồi, cũng có thể họ mới đang cảm ứng thôi, chúng ta cũng chưa có thể vội vàng tuyên bố.

Với một điểm nữa, là ba cảnh giới địa ngục, sanh thiên và vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì trong một nháy mắt họ đã đi rồi, họ không còn ở đó nữa. Còn ngoài ra trong tất cả những cảnh giới khác như là người, ngạ quỷ, và bàng sanh đều phải qua thân trung ấm. Qua cái thân trung ấm thì chúng ta còn có thể điều giải, còn có thể cứu được...

Ví dụ như một người mà họ bị cái ách nạn phải đi xuống địa ngục, thì thôi chịu thua!... Không còn điều giải được nữa, vì họ đã đi tuốt xuống dưới đó rồi. Những người xuống địa ngục thì chết xong là đi liền, mình hộ niệm gì hộ niệm họ cũng đi, không còn cách nào cứu giải được.

Một trong những lý do bị đi xuống địa ngục chính là sự Sân Giận. Cho nên trong những lần trước Diệu Âm thường hay nhắc nhở chư vị là đừng có sân giận. Sự sân giận là cái hậu đề của những cái tánh ganh tỵ, ghen ghét, kình chống lẫn nhau. Những cái chấp này thường đưa tới sự sân giận...

Thông thường những người vừa mới chết mà bị đụng chạm vào xác thân mạnh quá. Ở trong bệnh viện, một người vừa chết xong bị đưa xác vào trong phòng lạnh... Những trường hợp này thường thường dễ bị đọa xuống địa ngục.

Về vấn đề sanh Thiên, nếu thật sự một người có phước báo quá lớn, ví dụ những người niệm Phật như chúng ta phước báo quá lớn mà không chịu nguyện vãng sanh, nhiều khi chết xong họ đi lên trời liền, chư Thiên tới đón liền. Cho nên thường thường khi hộ niệm chúng ta thường khai thị rằng:

- “Bác ơi! Khi có gặp ông Trời tới cũng đừng có đi. Gặp những người đem tràng phan bảo cái tới đón, cũng đừng có đi”.

Tại vì mình muốn về Tây phương mà... Các Ngài đó đem tràng phan đến đón vì cái phước mình lớn quá. Đừng thấy vậy mà đi theo nhé. Đi theo cảnh trời thì cũng sướng đó, nhưng sau cùng thì cũng bị đọa lạc mà thôi. Cho nên mình nhắc nhở đừng theo cảnh đó, để chi?... Để mình dùng cái phước này hồi hướng về Tây Phương, để vãng sanh về Tây Phương là như vậy.

Ngoài ra còn có những vấn đề khác nữa, ví dụ như nhiều khi những vị khác trong pháp giới giả dạng ra dụ hoặc... thì việc này chúng ta sẽ nói sau.

Còn thật sự một người niệm Phật, quyết lòng nguyện vãng sanh tha thiết, trì giữ câu A-Di-Đà Phật tới kỳ cùng, thì thường thường là họ đi vãng sanh trước khi tắt thở, chứ không phải là sau khi tắt thở mới đi. Hôm qua tôi kể chuyện ông Trịnh Văn Hải là sau khi tắt thở chỉ có bảy tiếng đồng hồ mà thân thể của ông ta vẫn mềm mại. Đây là một hiện tượng rất lạ, chứng tỏ rằng là từ khi ông đó chết cho đến bảy tiếng đồng hồ sau mà thân xác không bị cứng. Không bị cứng nên trải qua bảy tiếng đồng hồ vẫn còn mềm, đây là vì ông không bị vướng nạn gì cả, có thể vậy, chớ nếu đã trải qua ách nạn thì thân xác đã bị cứng rồi. Nhưng người ta báo rằng xác ông không cứng, dù rằng trước đó không có người nào hộ niệm cho ông ta đúng mức. Dựa vào tinh thần kiên cường của một người quyết lòng niệm Phật, và kèm theo cái hiện tượng là trong ngày hôm đó ông tự bảo cho y tá rút hết tất cả kim ra, không cần thở với bình oxy nữa để cho ông ta ra đi. Có hiện tượng lạ lùng như vậy, nên tôi cảm thấy là có một ấn tượng rất là hay đối với ông đó. Nhưng mà vì không ai rành về hộ niệm, không có ai kiểm chứng nên không dám nói gì hơn.

Như vậy ba cái cảnh giới này nếu thật sự họ ra đi, thì đã đi trước rồi.

Còn lại những sự chiêu cảm tới cảnh giới bàng sanh, ngạ quỷ và cảnh giới người thì chúng ta còn có thể điều giải được. Cụ thể nhứt như chuyện ở trên Perth, mới vừa đây thôi, đã chứng minh rõ ràng. Bà đó quyết lòng vãng sanh, quyết lòng buông xả để niệm Phật, mà niệm Phật còn ngon, còn mạnh hơn mình dù rằng bị đau. Mình niệm Phật suốt hai tiếng đồng hồ đã muốn hết hơi, mình đề nghị nghỉ một chút, nhưng chị ấy thì nói, hãy nghỉ mười lăm phút thôi, rồi vô niệm Phật nữa... Điều này nói lên sự kiên cường của người bệnh.

Nhưng sau cùng, trước ngày ra đi, vì một việc làm sai lầm của người trong gia đình đã tạo cho chị một sự bức xúc quá lớn, nên sau khi tắt hơi tám giờ, người ta báo cáo là bị nóng tại bụng làm cho Diệu Âm giật mình! Trong khi trước đó tôi dám đoán sự thành công của ca hộ niệm này tới chín mươi lăm phần trăm. Đã đoán như vậy mà bây giờ đành phải giật mình! Nhưng cũng may, ban hộ niệm báo tin liền nên chúng tôi kịp thời điều giải. Trước khi điều giải, thật sự tôi đã lớn tiếng chỉ trích đến mấy người đã làm ẩu. Khi khai thị điều giải xong, ban hộ niệm niệm Phật thêm bốn tiếng nữa, tự nhiên thân tướng mềm lại, điểm ấm chuyển lên trên đỉnh đầu liền. Đó là những kinh nghiệm mà chỉ khi đi hộ niệm mình mới biết được. Không đi hộ niệm không biết được đâu.

Trở lại câu hỏi Thăm như thế nào?”Chúng ta nên thăm hết sức là nhẹ nhàng, và thăm từ dưới lòng bàn chân nhẹ nhàng thăm lên cho đến đỉnh đầu.

Ví dụ như sờ tới bàn chân thấy bàn chân lạnh toát là mình mừng rồi đó. Còn khéo hơn nữa, người thăm lấy ngón tay khều nhẹ ngón chân, nếu thấy nó mềm mềm, quẹo qua quẹo lại là bắt đầu mừng rồi đó. Người thăm chưa vội nói đâu, nhưng trong lòng đã mừng rồi đó nghe! Chứ người chết bình thường thì lúc đó những ngón chân nó cứng như que củi vậy. Sau đó bắt đầu thăm lên trên, nhẹ nhẹ một chút. Nếu thấy đã lạnh là mừng nữa rồi đó. Từ từ thăm lên. Thăm như vậy là để đảm bảo rằng toàn thân xác phải lạnh toát hết. Khi thăm lên như vậy, đến một chỗ còn ấm thì tự nhiên ta biết liền.

Toàn thân lạnh toát mà đỉnh đầu còn hơi ấm thì tốt. Có nhiều người nói rằng đầu nóng như cái máy sấy tóc. Không phải vậy đâu! Nó ấm như một người bình thường, cũng không thể ấm nhiều chỗ đâu à, chỉ ấm một điểm nhỏ nhỏ thôi. Nếu thật sự vùng ấm lớn quá, nhiều quá, thì cũng có được cảm giác tốt đó, nhưng mà mình phải cẩn thận, phải hết sức bảo vệ, tại vì đó là đang trong tình trạng cảm ứng.

Nhiều người mới mở cái mền ra thì thò tay sờ liền. Thường thường làm gấp quá cũng có thể làm cho mình bị lầm, vì nhiều khi cái mền dày quá, nó có thể ủ hơi nóng lại, chưa thoát ra được. Cũng giống như lạnh, mình đắp mền để nó ủ hơi nóng lại. Phải mở cái mền ra, chờ một chút rồi từ từ mình thăm lần lên mới tốt.

Giả sử, khi khởi sự thăm bàn chân, nếu thấy bàn chân còn ấm, chưa phải sợ đâu!... Mình thăm lên trên này, nếu thấy nóng nữa, nghĩa là thân xác còn nhiều chỗ nóng quá, thì lúc đó mình nói với gia đình hãy phát tâm niệm Phật thêm đừng nên tẩm liệm sớm. Tại vì nguyên tắc là khi còn nóng nhiều chỗ, thì nên hiểu rằng thần thức người đó chưa xuất ra khỏi thân xác.

Bây giờ thời gian đã hết rồi, xin để ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục...

A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 35

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin thưa là chương trình chỉ còn hai tuần nữa là chúng ta kết thúc đề tài này. Trong khoảng thời gian này nếu chư vị nào có câu hỏi gì xin viết ra giấy để chúng ta cùng mổ xẻ cho thật rõ ràng về Phương Pháp Hộ Niệm.

Trong ngày hôm qua chúng ta nói tới chuyện thăm thân thể của người ra đi. Thì xin nhắc lại, là chỉ được quyền thăm ít ra là sau tám tiếng đồng hồ, nếu để đến mười hai tiếng càng hay. Có nhiều nơi người ta cứ để nguyên như vậy niệm Phật luôn cho đến hai bốn tiếng đồng hồ thì càng tốt.

Cũng theo kinh nghiệm của những ban hộ niệm, người ta nói rằng, nếu có niệm luôn hai mươi bốn tiếng đi nữa thì sau tám tiếng hoặc là mười hai tiếng mình cũng nên âm thầm thăm trước để ngừa rằng có chuyện gì trở ngại hay không?...

Cái kinh nghiệm này cũng hay. Tức là sau mười hai tiếng rồi thì mình có thể được thăm thử, bằng cách người trưởng ban tới khai thị một chút để nhắc nhở người vãng sanh, rồi nhẹ nhàng ta nâng một ngón tay thử coi. Nếu mà ta nâng nâng ngón tay, thấy ngón tay mềm mại, chứng tỏ cái thân xác người ta mềm, không bị cứng. Được vậy là mừng rồi đó. Kinh nghiệm này khá hay, có thể thực hiện được. Đây không phải là sự xoi mói, mà chính để coi thử là người ra đi đó có bị trở ngại gì hay không? Việc thăm thử này khi Diệu Âm nghe qua, thì tỏ ý đồng tình và nói rằng có thể thực hiện được.

Nên nhớ mình không được quyền đụng tới thân thể trước tám tiếng, nhưng sau tám tiếng rồi mình có thể làm như vậy để biết được là người này có bị trở ngại gì hay không? Nếu sờ nhẹ vào bàn tay thấy lạnh rồi, nhưng đụng nhẹ đến ngón tay thấy ngón tay người ta cứng, tức là có trở ngại chuyện gì đây?... Biết vậy, người trưởng ban hộ niệm mới ra phía sau kêu thân nhân lại hỏi thăm, hầu biết thêm về người bệnh trong lúc đang sanh tiền còn có những điều gì khác bị vướng mà chưa gỡ được hay không?... Mình cũng nên để ý đến con, cháu, vợ, chồng... ở phía sau có đang làm chuyện gì sai lầm hay không?

Thường thường trước mặt mình thì người ta nói có vẻ vững vàng lắm: “Tôi sẵn sàng yểm trợ cho cha tôi, cho mẹ tôi, cho anh tôi vãng sanh”. Nhưng chưa chắc gì họ đã hiểu đạo, trong tâm họ có thể còn nhiều ưu tư! Vì thế, nhiều khi cả nhà người ta dồn vô trong buồng đóng lại cửa để khóc trong đó! Chồng thì khóc vợ! Vợ thì khóc chồng! Con cái cùng khóc!... Nhiều khi chính những cảnh tượng này đã kéo thần thức của người ra đi lại, làm cho họ quyến luyến mà không vãng sanh được.

Hoặc là giống như chuyện hôm qua chúng ta nói, một người mẹ đang thương nhớ một đứa con đi xa chưa về, dù rằng là trước khi họ chết mình cũng dặn dò chuyện này rồi. Nhưng thật ra mình dặn chưa tới nơi tới chốn, còn họ thì hứa ỡm ờ qua loa, nhưng trong tâm của họ vẫn nhớ đứa con. Vì đứa con chưa về, nên họ cứ mong mỏi chờ đợi. Chính vì vậy mà lúc xả bỏ báo thân rồi, thân trung ấm của họ vẫn cứ lảng vảng lảng vảng để nhìn cho được đứa con.

Những người hộ niệm kinh nghiệm, khi thấy sự chuyển biến yếu, thì họ liền nghĩ: “Ủa! Tại sao kỳ vậy?”, rồi họ mới âm thầm đi ra ngoài gặp người trong gia đình hỏi thêm, để coi thử trong lúc khai thị, hướng dẫn, hóa gỡ gút mắt như vậy có còn sơ suất, quên sót điều gì hay không? Đây là một điều hay, nên làm.

Xin thưa rằng, lúc thăm thân là giai đoạn run nhất, hồi hộp nhất đối với người hộ niệm! Nếu là người chưa có kinh nghiệm về hộ niệm, thì những lúc này thường bị mất bình tĩnh lắm, vì lo lắng không biết tình trạng sẽ như thế nào? Khi gặp phải những trường hợp trở ngại, có nhiều khi cả ban hộ niệm tái mặt liền, không còn biết đường nào để xử lý nữa hết. Ví dụ, đem thẳng câu chuyện vãng sanh vừa mới cách đây không lâu, khoảng chừng chưa tới hai tuần làm chứng minh. Thì trước khi ra về tôi đã dặn dò rất là kỹ, dặn từng chút, từng chút để ban hộ niệm tiếp tục làm. Nhưng khi người đó tắt hơi xong, sau tám tiếng ban hộ niệm thăm và mới thấy có điều trở ngại, làm người trưởng ban tái mặt, và cả nhóm hộ niệm coi như cũng mất hết bình tĩnh luôn! Họ không biết phải làm sao nữa hết! Thật không phải dễ!

Bây giờ mình ở đây nói dóc, nhưng tới khi gặp sự rồi mình mới thấy hiện tượng này. Lúc đó vững hay không biết liền!...

Hiểu được chỗ này, mong chư vị nên cố gắng tham gia hộ niệm. Để chi vậy?... Để chính mình trải qua những kinh nghiệm đó, gọi là “Thân Chứng”. Có kinh nghiệm thì trái tim của mình nó bớt đập lên đập xuống, bớt phập phồng đi, và tinh thần của mình cũng vững thêm một chút xíu nữa!... Chứ bây giờ đây, xin thưa thật là, nói dóc thì hay lắm! Diễn tả nào là đạo lý này, đạo lý nọ... Nhưng khi đối trước một người bệnh đang bị một chướng nạn nào đó... Xin nói thẳng rằng, nếu không trải qua kinh nghiệm thì không biết ngõ nào mà khai thị, không biết cách nào mà dẫn giải! Luýnh quýnh! Rối lên!... Đành làm lấy lệ vài điều rồi bỏ đi! Sau đó, thường thường là hay đổ thừa!... Chắc chắn là đổ thừa, Tại vì thế này!... Tại vì thế nọ!...

Vì thế, những người không tin phương pháp hộ niệm, bây giờ dù người ta có dự bao nhiêu cuộc hộ niệm đi nữa thì thường thường đó cũng chỉ là những cuộc hộ niệm thất bại!... Tại vì sao vậy? Tại vì hễ không tin thì không thành tâm niệm Phật, không chú ý đến lời khai thị, không có thành tâm hướng dẫn người bệnh. Người không tin thì tới niệm Phật lấy lệ, niệm thử vài tiếng Phật hiệu xong rồi thì ra ngoài tụm năm tụm bảy bên tách cà phê nói chuyện tào lao!...

Vì thế, những người không tin thì khó có cơ hội thấy được hiện tượng vãng sanh xảy ra trước mắt họ!... Chính vì niềm tin không đủ, nên nhiều khi suốt cả cuộc đời của họ không bao giờ thấy được một hiện tượng vãng sanh đâu!...

Chúng ta ở đây vừa tu niệm Phật cầu nguyện vãng sanh, mà vừa học hỏi kinh nghiệm giúp cho người vãng sanh nữa. Xin thưa thật rằng, tất cả những kinh nghiệm này đều dồn về để làm lợi lạc cho chính mình trước, vì mình biết cách hướng dẫn cho người ta vãng sanh thì chính những lời đó là lời hướng dẫn cho chính mình biết khi nằm xuống mình phải làm như thế nào?...

Khi thăm thì chúng ta thăm từ dưới thăm lên. Không nên thăm từ trên thăm xuống.

Lời này ở trong sách nói về Hộ Niệm - Khai Thị của Tịnh-Độ Tông. Chư Tổ có nói rằng, nếu mà mình sơ ý, thăm trên đầu trước thì có nhiều trường hợp người bệnh đang có cảm ứng trên đầu, nghĩa thần thức đang xuất ra trên đầu đó, nếu mình đụng chạm tới thì người ta dễ giật mình lắm. Hơn nữa, thăm từ trên thăm xuống nhiều khi mới sờ trên đỉnh đầu thấy ấm, thì mình vội vã nói rằng người này đã vãng sanh rồi, nhưng thật ra nhiều khi toàn cái thân lúc đó chưa phải là lạnh hết.

Cái yêu cầu chính là toàn thân lạnh hết, chứ không phải là có điểm nóng.

Mình phải biết là điểm nóng này chính là nơi cuối cùng mà thần thức của người đó xuất ra khỏi thân xác. Trên nguyên tắc là cứ xuất ra càng về phía trên cao thì càng đi về cảnh giới tốt, càng xuống thấp thì càng xấu. Hễ cái thần thức mà còn nằm tại chỗ nào thì độ ấm còn lưu tại chỗ đó. Cho nên khi mà một thần thức xuất ra cuối cùng tại đỉnh đầu, thì ngay tại đỉnh đầu sẽ là nơi lưu lại độ ấm lâu hơn những chỗ khác.

Vì vậy, nhiều khi đi hộ niệm cho một người, dù rằng người ta đang còn sống mà mình sờ dưới bàn chân thì lạnh toát, mình bóp bóp thử nhưng họ không có cảm giác nữa, phải chăng ở khoảng đó hình như đã “Chết rồi”mà họ không hay! Còn phần trên này thì còn ấm, là tại vì thần thức còn ngự trị ở phía trên.

Những người tham tiếc cái thân, sợ chết, nhiều khi chết xong sau tám tiếng đồng hồ rồi mà cái thân họ vẫn còn ấm. Đây là vì họ thương cái thân quá, họ tiếc cái thân quá, họ chấp cái thân quá, thần thức nó mới bám trụ vào từng khúc xương, bám trụ vào từng mạch máu không ra được. Mà một lần xuất ra một chút thì họ có cảm giác đau đớn không tưởng tượng được!

Chính vì vậy mà thường thường chúng ta phải khai thị cho họ:

- Hễ khi mà thấy mệt mệt là biết mình sắp sửa buông báo thân đi về Tây Phương, thì hãy vui vẻ lên nhé, mạnh dạn lên nhé, sung sướng lên nhé, mừng vui lên nhé... Để chi vậy? Vừa tắt hơi ta đi về Tây Phương liền.

Chỉ cần một niệm thành tâm niệm A-Di-Đà Phật. A-Di-Đà Phật phóng quang tới tiếp độ, người ta chưa tắt hơi đã đi về Tây Phương rồi.

Chứ nếu lúc đó người ta cứ vẫn chần chừ do dự:

- Bây giờ làm sao đây?...

- Đi như thế nào đây?...

- Chết rồi mình sẽ ra sao đây?...

Vì sợ chết nên người ta cứ dập dềnh dập dềnh như vậy. Chính vì sợ chết, cho nên những người đó khi tắt hơi xong con mắt thường hay mở trao tráo ra, đây là vì họ muốn níu kéo lại sự sống. Hầu hết là như vậy!... Cái miệng họ mở to ra, vì họ ráng cố gắng thở, ngộp quá nên họ ráng thở. Họ vận công lên, mở con mắt ra để cố gắng kéo lại sự sống... Càng muốn kéo lại sự sống chừng nào, thì thần thức càng bám vào cái thân xác, lâu lắm mới ra được. Đó gọi là những người nghiệp chướng nặng!

Cho nên khi chúng ta thăm từ trên thăm xuống nhiều khi bị trở ngại, vì thật ra không phải chỉ có đỉnh đầu ấm mà cái bụng cũng ấm, cái chân cũng ấm luôn... Thì đây cũng là điều cần để ý.

Về vấn đề đi vãng sanh, những lời khai thị của chư Tổ nói về hộ niệm luôn luôn nhắc nhở rằng, người ra đi chỉ được quyền đi theo A-Di-Đà Phật.

Hỏi rằng, A-Di-Đà Phật như thế nào?... Thì dặn dò họ hãy nhìn tấm hình A-Di-Đà Phật đang treo trước mặt. A-Di-Đà Phật sẽ hiện ra giống như tấm hình Phật mà người hộ niệm đã treo trước mặt họ.

Về hình Phật thì chỉ được quyền treo một kiểu hình Phật đồng nhất. Nghĩa là, bên trái, bên phải, bên trên, bên dưới... bên nào cũng chỉ treo một kiểu hình đồng nhất. Đừng nên có tấm này thì xanh, tấm kia thì đỏ. Rồi hãy dặn người bệnh nhìn cho kỹ tấm hình này. A-Di-Đà Phật sẽ hóa hiện ra, Ngài dựa theo cái tâm của mình mà ứng hóa ra, gọi là hóa thân của Ngài giống như tấm hình đó mà tiếp độ ta về Tây Phương Cực Lạc. Ngoài ra đừng theo bất cứ một người nào khác hết.

Hòa Thượng Tịnh Không còn dặn rất kỹ:

Nếu thấy đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật hiện ra mà theo sẽ bị lạc! Thấy đức Dược-Sư Lưu-Ly-Quang Phật hiện ra mà theo cũng bị lạc luôn!

Đây là lời Ngài dặn, rất kỹ! Thật ra tất cả pháp giới đều ở trong tâm của mình. Xin nhớ cho kỹ điểm này.

Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục đề tài này. Để chúng ta vững vàng và rõ ràng minh bạch khi ngồi trước bệnh nhân khai thị. Nhất định đừng bao giờ để cho người bệnh lầm lạc mà đi theo những cảnh giới khác... Đi đường khác thì lạc đường về Tây Phương. Đây là một điều rất oan uổng! Mong chư vị chú ý để hướng dẫn cho người lâm chung đi thẳng về Tây Phương thành đạo...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

HƯỚNG DẪN - KHAI THỊ

Tọa Đàm 36

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua chúng ta nói đến chỗ khi ra đi phải dặn người bệnh phải theo A-Di-Đà Phật, không được theo bất cứ một vị nào khác. Tại vì trên pháp giới chúng sanh tất cả đều có giới luật, có nghĩa là nếu ta theo một vị nào khác dù là một vị “Phật” thì coi chừng cũng là Phật giả. Chuyện này rất là lớn, ta chỉ biết là Hòa Thượng Tịnh-Không dặn như vậy ta nói như vậy, rồi sau này có dịp ta sẽ mổ xẻ thêm.

Đi theo A-Di-Đà Phật là dặn người bệnh nhìn cho kỹ ảnh tượng A-Di-Đà Phật do ban hộ niệm treo trước mặt người đó và dặn người bệnh cứ nhiếp tâm nhìn vào hình Phật đó gọi là “Quán Tượng”, A-Di-Đà Phật nương theo cái tâm chúng ta hóa hiện ra mà tiếp dẫn ta về Tây Phương, thì Hòa Thượng Tịnh-Không nói không thể nào lạc được. Có người hỏi rằng:

- Nếu A-Di-Đà Phật cũng bị giả nữa thì làm sao?...

Trong cuốn sách “Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh Vấn-Đáp”, có một vị đã nêu lên câu hỏi như vầy, có một vị khi nhập vào thiền định đã thấy được đức A-Di-Đà Phật nhưng mà sau cùng quán xét lại thì phát hiện ra bị giả... Cho nên Ngài đó mới tuyên bố rằng tất cả vị Phật nào cũng có thể bị giả hết.

Diệu Âm có trả lời rằng, có thể vị đó không phải là người tu Tịnh-Độ. Nếu mà người đó có tu Tịnh-Độ thì cũng là tu thử chứ không phải là tu thật. Nói chung là vị đó dù có niệm Phật đi nữa thì Tín-Nguyện-Hạnhcũng không có. Vì tu thử cho nên pháp giới chúng sanh mặc sức thử thách cho tu thử, mà đã thử thách thì chắc chắn không thể nào là thật được!... Chính vì thế vị đó đã thấy A-Di-Đà Phật giả!

Trên thực tế thì chính Diệu Âm cũng đã từng gặp, trực tiếp gặp luôn, những vị niệm Phật đã thấy A-Di-Đà Phật, nhưng sau cùng có kết quả không như ý muốn!... Nghĩa là chính các vị đó nói rằng A-Di-Đà Phật đã nói như vậy... như vậy... Nhưng sau đó thì kết quả hoàn toàn sai!...

Xét cho cùng ra đều có lý do của nó. Những vị này tu niệm Phật, dù hình thức có hay tới đâu đi nữa, nhưng chắc chắn ba cái điểm Tín-Nguyện-Hạnhđã bị sơ suất rồi!...

Nếu niềm tin có vững thì “Nguyện” cũng bị sơ suất, thay vì nguyện vãng sanh coi chừng vị đó đã nguyện cầu cảm ứng, cầu thấy Phật trong đó!... Nhiều khi người đó có lúc thành tâm niệm Phật, nhưng bên cạnh đó cái tâm ngã mạn đã nổi lên rồi!... Một khi cái tâm ngã mạn nổi lên thì thường khởi tâm cầu chứng đắc, cầu cảm ứng. Đã mong cầu chứng đắc thì nhất định Tín-Nguyện-Hạnh bị sơ suất!... Nương vào đó, pháp giới chúng sanh mặc sức mà thử thách cho chứng đắc!...

Chính vì vậy, khi mình biết được pháp hộ niệm rồi, đem cái pháp hộ niệm chiếu vào những trường hợp này thì có thể thấy rõ ràng cụ thể. Cho nên khi mình đứng trước một người bệnh, dù người ta mới biết tu hay là tu lâu, nhất định ta cũng phải cố gắng Khai Thị - Hướng Dẫn, dẫn dắt người bệnh thực hiện những điểm chính sau:

- Nhất định phải TIN cho vững.

- Nhất định NGUYỆN là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Không được NGUYỆN chứng đắc.Không được NGUYỆN cầu cảm ứng.

- Không được khởi một cái tâm nào khác ngoài ba cái điểm TÍN-NGUYỆN-HẠNH này.

Tại vì nên nhớ cho, một người bệnh đã cần đến ta hộ niệm tức là căn cơ của họ hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng, oán thân trái chủ trùng trùng điệp điệp... Khi đứng trước người bệnh ta phải có cái lời khai thị vững vàng, sắc bén để:

- Phải phá tan tất cả những mối nghi ngờ của người bệnh.

- Phải phá tan tất cả những sự mập mờ của người bệnh.

- Phải phá tan tất cả những điểm nguyện cầu sai lầm.

Nếu trước một cơn đau mà người bệnh có tâm hồn chao đảo sợ bệnh, sợ chết thì ta phải tìm cách phá cái ý niệm đó liền lập tức. Nếu không phá được tâm trạng này, thì dù có niệm Phật leo lẻo đi nữa sau cùng người đó vẫn bị trở ngại!

Một người dù quyết tâm niệm Phật tinh tấn vô cùng, nhưng mà khởi một ý niệm cầu cảm ứng sai lầm nào đó thì thường sau cùng cũng rất dễ bị trở ngại! Vì sao vậy?... Tại vì Phật dạy là dạy chúng ta nguyện vãng sanh. Ấn Tổ đã dạy: “Chí Thành - Chí Kính mà được cảm thông, nhờ Phật thương tình đưa ta về Tây Phương Cực Lạc”... Người cầu xin cảm ứng đã bị giảm sút cái điểm “Chí Thành” này. Người cầu được “Nhất Tâm Bất Loạn” hay cầu cho chứng đắc sẽ giảm mất cái điểm “Chí Thành” này. Sự vô ý này đã khiến cho một người phàm phu lại đi thực hiện cái pháp của hàng đại Bồ-Tát. Lệch lạc là ngay tại chỗ này đây.

Cho nên, nhiều khi mình thấy có những người tu hành có vẻ rất là tinh tấn, thời khóa tu tập có thể lên tới mười sáu mười bảy giờ một ngày. Họ tu một thời gian thì ra tuyên bố ngày giờ vãng sanh, tuyên bố rằng đã thấy Phật A-Di-Đà thọ ký rồi... nhưng mà sau cùng bị trở ngại. Tại vì sao?... Tại vì có thể tâm nguyện vãng sanh của họ đã bị sơ suất!

Phải cẩn thận về tâm nguyện, điểm này vô cùng quan trọng. Ngài Triệt-Ngộ là một vị đã “Minh Tâm - Kiến Tánh” mà Ngài luôn luôn nói rằng, ta niệm Phật để sau cùng nhờ Phật thương tình phóng quang tiếp độ.

Ngài Tịnh-Không nói, “Dù tôi có gì đi nữa thì tôi cũng lo niệm Phật để cầu A-Di-Đà Phật tiếp dẫn tôi về Tây Phương”.

Chư Tổ không bao giờ nói rằng, ta sẽ niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” để tự tại vãng sanh. Các Ngài không nói như vậy... Nghĩa là dù thế nào đi nữa thì các Ngài cũng nương theo đại nguyện của đức A-Di-Đà để mà vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Cho nên, xin thưa với chư vị, nếu tu hành mà cho rằng, ta tu như thế này thì nhất định phải ngon hơn một người khác... Nếu có một ý niệm thượng mạn này khởi lên, nó đã đánh lạc hướng chữ Nguyệncủa người niệm Phật rồi. Nếu ta xác định ta ngon hơn người khác, thì cái lời xác định này có thể chỉ dành cho những vị đại Bồ-Tát thì được(!). Chứ còn ta là hàng phàm phu tục tử thì xin chư vị phải nhớ Tín-Nguyện-Hạnhđể được Phật thương tình phóng quang tiếp độ cho ta đới nghiệp vãng sanh.

Tương tự, trong những ngày trước tôi có nói rằng, nếu một người niệm Phật mà chăm chăm diệt nghiệp thì cái “Hạnh” của họ đã bị lạc rồi! Hạnh của người niệm Phật là niệm câu A-Di-Đà Phật. “Nguyện” của người niệm Phật là nguyện được “ĐớiNghiệpVãngSanh”, nhờ A-Di-Đà Phật tiếp độ, chứ không phải “Nguyện” của người niệm Phật là “Nguyện Diệt Nghiệp”. Tại vì chí thành niệm một câu A-Di-Đà Phật thì phá tan tám mươi ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Từ cái lòng chí thành mà nó sinh ra cảm ứng này, chứ không phải là ta quyết lòng diệt nghiệp mà được như vậy.

Nếu ta quyết lòng dùng câu A-Di-Đà Phật để diệt nghiệp, thì ngài Ấn Tổ nói ta đã dùng câu A-Di-Đà Phật giống như một câu thoại đầu, có nghĩa là ta đã tu theo con đường tự lực chứng đắc. Mà đã tự lực chứng đắc rồi thì tự mình phải tìm con đường phá nghiệp để mà đi. Muốn tự phá nghiệp thì nên nhớ một điều, chúng sanh trong pháp giới hữu duyên với ta, duyên lành thì sao chưa biết, chứ còn duyên ác thì coi chừng mạnh hơn, họ sẽ tận dụng tất cả mọi năng lực để đối đầu làm cho chúng ta sau cùng bị trở ngại!...

Chúng ta nói về “Hướng Dẫn - Khai Thị”, thật ra là trong những lúc ngồi trước bệnh nhân, mình cố gắng làm sao cho tâm hồn người bệnh vững như bàn thạch. Một người có được tâm hồn vững như bàn thạch rồi, thì mình hỏi:

- Chị sợ chết không?...

- Tôi không sợ chết!

- Chị có quyết lòng đi về Tây Phương không?...

- Tôi quyết lòng đi về Tây Phương!

- Còn có điều gì mà phải phân tâm nữa không?...

- Không!

Chỉ cần họ hứa với mình như vậy là được rồi.

- Bây giờ tất cả những chuyện thế gian bỏ hết nghe chưa?

- Bỏ hết!...

Nếu biết rằng người đó đủ tín rồi, người đó quyết lòng đi về Tây Phương rồi, người đó quyết trì giữ từng câu A-Di-Đà Phật, tranh thủ từng giờ từng phút mà niệm câu A-Di-Đà Phật, thì dù người đó mới biết tu, dù người đó hồi giờ chưa phải hạng người công phu ngon lành lắm, nhưng ta vẫn có thể đoán được rằng người này có xác suất vãng sanh rất cao. Lời đoán này không phải là tự Diệu Âm nghĩ ra như vậy đâu, mà đây là do cả một quá trình kinh nghiệm đã thấy được rõ rệt như vậy.

Còn những người tu nhiều nhưng coi chừng vẫn có thể bị trở ngại! Tại sao? Để giải thích vấn đề này, hôm nay từ trên Internet tôi vừa in ra một bài của Hòa Thượng Tịnh-Không dạy tại sao như vậy? Lời của ngài Tịnh-Không nói như thế này:

Thế gian tu hành sợ nhất là xen tạp! Quyển Tây Phương Xác Chỉ, Giác-Minh-Diệu-Hạnh Bồ-Tát dạy rằng, người tu hành kiêng kỵ nhất là xen tạp! Tụng kinh xen tạp! Niệm chú xen tạp!... Nếu tu Tịnh-Độ khóa tụng mỗi ngày đọc kinh Vô Lượng Thọ nè, đọc kinh A-Di-Đà nè, rồi đọc kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ nữa... Như vậy là xen tạp rồi!.

Quý vị nghe lời Hòa Thượng nói từng chút, từng chút. Ngài dạy cho chúng ta đó.

Thực tế chỉ cần một loại kinh là đủ. Kinh điển của Tịnh-Độ còn không nên xen tạp, huống hồ là những kinh điển khác. Càng đọc tụng nhiều thứ càng thêm hư việc! Người tụng kinh Kim-Cang, lại còn muốn tụng thêm kinh Địa-Tạng, Phổ-Môn, Phẩm Phổ-Hiền-Hạnh-Nguyện, đọc chú Lăng-Nghiêm, niệm Đại-Bi tiểu chú... Xen tạp nhiều như vậy phòng đến khi nào mới được thành tựu đây?...

Đây là lời của ngài Tịnh-Không nói. Tại sao Ngài nói nhấn mạnh đến chỗ này?... Là tại vì những người mà tu như thế này chứng tỏ cái niềm tin của họ vào câu A-Di-Đà Phật đã bị lung lay rồi! Vì lung lay cho nên không được cảm ứng! Tu hành như vậy tưởng là giỏi, nhưng sau cùng thường bị trở ngại! Còn một người hồi giờ không biết gì cả, khi mà tới đường cùng, bị bệnh ung thư, gặp mình, mình bày cho họ con đường vãng sanh, nhờ lời hướng dẫn của mình quá vững, quá chắc... làm cho họ khởi phát niềm tin. Một khi họ khởi phát được một niềm tin vững như tường đồng vách sắt, vô tình bao nhiêu thiện căn phước đức trồng được trong nhiều đời nhiều kiếp nhờ cái duyên này mà tựu lại. Họ lấy cái nhân trồng được trong quá khứ để thành tựu trong đời này.

Còn đời này mình tu mà không tin, cho nên thiện căn của mình bị tản lạc khắp nơi. Một chút thiện căn phước đức nho nhỏ tu được trong đời này chưa đủ sức để thành tựu cái quả vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đâu...

Mong chư vị nhớ quyết lòng đi thẳng một đường để đời này ta được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]