Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Hai chữ mẹ cha

06/08/201100:22(Xem: 3816)
06. Hai chữ mẹ cha

HAI CHỮ MẸ CHA
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2007

HAI CHỮ MẸ CHA

“Có thể, họ đã không yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có”. [02]

Cha mẹ đã không yêu thương tôi theo cách mà tôi mong muốn. Những năm lên bảy, tôi được gởi vào ở với ông bà để đi học. Tôi không thích cuộc sống không có lũ em chung quanh, không thích buổi chiều ngồi một mình nhìn trời, tính coi giờ này lũ nó đang làm gì với cái sân nóng bỏng đầy đất cát… Không thích nhưng vẫn bị đẩy đi. Khi được chung chạ với lũ em rồi, cuộc sống lại bị hạn chế như những thiếu sinh quân. Tiêu chuẩn xa nhà bị cắt cho ngang với lũ trẻ có gia đình.

Những ngày cha còn sống, mọi thứ đều phải nề nếp. Ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, học hết buổi. Không có chuyện thoải mái như đám trẻ Xóm Mô, có thể nhong nhong tắm mưa ngoài đường, mút cà kem xi rô và đấu láo chí choé. Cũng không thể tự do lớn tiếng hay buông cửa cái rầm khi mẹ đang ngủ. Con cái, có thể được tặng một chiếc đàn đắc giá (bởi nó phục vụ cho việc học hành), nhưng có khi một món đồ chơi không đáng bao nhiêu cũng không được mua. Mỗi đứa được dăm bộ đồ mới cho mỗi năm. Không phải chỉ có tụi tôi, mà mẹ hay cha cũng vậy. Cũng chỉ dăm bộ đồ thay đổi. Nó được mua vào dịp lễ tết và sinh nhật, lấy đó làm tiêu chuẩn cho cả năm dài.

Những năm tiếp theo, cha không còn, nhưng những thứ cha đã làm cho lũ con thì còn đó. Nó trở thành một thứ gì đó ăn sâu trong tiềm thức con trẻ. Có thể đó chính là thứ khiến mình không thể làm gì chỉ vì ý thích của mình. Mình không thể đóng cửa cái rầm hay đi những bước chân thật to khi biết nó làm động đến sự bình yên của người khác. Cũng không thể bỏ tiền mua một chiếc áo mình thích, hay làm điều gì đó phục vụ cho riêng mình khi đồng tiền chỉ lo vừa đủ cho gia đình. Đã quen với việc mặc tới mặc lui chiếc áo trong suốt một năm, thành khi phải mặc hoài một bộ đồ đến nơi nào đó, cũng không khiến mình thấy mặc cảm. Có thì tốt, không thì cũng xong. Thói quen vừa đủ cũng có cái hay của nó, không khiến mình quá bận tâm theo những thứ, mà vì nó mình dễ đánh mất đạo đức tối thiểu của mình.

Giờ làm mẹ, tôi lại yêu con không như cách chúng muốn. Tôi không thể để con tự do tiêu xài mọi thứ khi điều đó không cần thiết. Tôi không thể chìu theo tất cả những gì mà chúng muốn. Khi con vấp ngã, tôi không ôm nó vào lòng xuýt xoa mà khuyến khích nó đứng dậy. Khi muốn con chấm dứt một thói xấu, tôi mắng nó xối xả… Người ta nói tôi không yêu con. Có thể tôi không yêu con theo cách chúng mong muốn, cũng như theo cách mọi người suy nghĩ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không dâng hiến tình yêu của mình cho con bằng tất cả những gì tôi có.

Tôi tập sống đạo một phần cũng vì chúng. Tôi hạn chế mọi thú vui hiện tại cũng vì chúng. Cuộc sống của tôi trước đây gắn liền với sự bất định bấp bênh. Mười hai tuổi, cha chết. Một cái chết bất ngờ và mọi thứ thay đổi. Ngồi càng cao, té càng đau. Đó là qui luật tất yếu của cuộc đời một khi tâm còn chấp thủ. Hai mươi tuổi ra đời, tiền bạc vào nhiều nhưng đi cũng rất lẹ. Tôi không biết những việc bất ngờ như thế sẽ đến tiếp với gia đình mình vào lúc nào. Ngày vật lộn với công việc, đêm chong mắt lo âu. Sự lo âu khiến giấc ngủ đầy mộng mị. Tôi thấy mình chênh vênh giữa những đầu núi cao mà con thì mỗi đứa vắt mỗi nơi. Tôi bất lực trước những cái chong chênh tối đen dễ sợ. Rồi trong cái chong chênh tối đen ấy, một đóm sáng nhỏ nhoi lớn dần và một hình bóng hiện ra, Hình bóng tôi từng gặp trong quá khứ khi theo mẹ đến chùa. Cái ông bằng đá bự xư chiễm chệ trên cao. Ngày đó ông vẫn cười mỗi khi thấy tôi ngước nhìn. Vẫn nụ cười son đỏ ngày nào, ông nói “Sống đạo, mọi thứ sẽ bình yên”. Tôi thức giấc bàng hoàng. Sống đạo? Tôi phải cạo đầu vào chùa? Vậy thì khác gì người chết. Nhưng dù muốn hay không, tôi cũng tìm cho ra cái gọi là “sống đạo” để giải quyết nỗi lo trong chính mình.

Thật ra, không phải cứ vào chùa mới có thể sống đạo. Đạo ở khắp nơi, trong bổn phận trách nhiệm, trong hơi thở nhiệm mầu, trong công việc chánh niệm, trong nụ cười và nước mắt tha nhân … Đâu mà không có đạo. Chỉ là tại mình không muốn sống mà thôi.

Tôi gác mọi làm ăn chạy vạy. Tiền bạc được gói gọn trong một việc duy nhất vừa đủ, nên không thể đáp ứng nhu cầu của con như những trẻ có cha mẹ giàu có. “Khi đi đâu với tụi bạn, tụi nó chỉ cần bấm ga là xe chạy, còn con đạp hoài cũng không chịu nổ. Lúc đó con muốn khóc. Nhưng con nghĩ có gì đâu, mình phải …”. Đó là lần duy nhất con gái nói với tôi về mặc cảm thua sút chúng bạn của nó. Nói ra được, là nó đã vượt qua được, vững chải với những việc như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã chấp nhận việc bố mẹ thu hẹp mọi thứ để “sống đạo”. Tôi lắng nghe như một kẻ bàng quan nhưng lòng buồn vô hạn. Mình có thể thu hẹp mọi thứ nhưng con thì không. Vật chất sung mãn đối với chúng vẫn còn là nhu cầu rất thiết yếu trong cuộc sống. Có thể, khi trở lại đường cũ, tôi cũng lại thất bại, nhưng nó không tạo cho con trẻ cảm giác bị bỏ mặc như bây giờ. Nhưng tôi không trở về, tôi vẫn bám chặt con đường mình đã chọn. Tôi tin một lúc nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi, con cái sẽ hiểu những việc tôi làm hiện tại là cách tôi thương yêu chúng nhiều nhất, dù đó là cách chúng không mong đợi ở một người mẹ.

Bạn có thể trở lại con đường mà bạn đã trải qua biết bao kinh nghiệm để rút chân khỏi đó? Bạn có thể từ bỏ một con đường mà bạn tin nó sẽ đem đến tốt đẹp cho gia đình? Chắc chắc là không. Không ai có thể làm những việc mà mình đã thấy là không kết quả. Biển đời xuôi ngược lo lắng không nguôi. Khách trần dù tấp nập cũng không ngoài danh và lợi. Người dù được hay mất, không ai thoát được biển chết. Nhưng những gì đã gieo, đủ duyên cái quả không thể tránh khỏi. Phú quí hay nghèo hèn cũng chỉ trong biển trầm luân. Sao không tập làm kẻ lái đò, trời trong, gió mát, vui cái vui với kẻ qua đò, còn danh và lợi tay thỏng nhẹ như không?

Rồi con gái đi du học. Đi như một phép lạ, đi không cần phỏng vấn. Trong khi lũ bạn giàu có vô vàn lại bị kẹt. Cuộc sống của nó chất đầy may mắn và thuận lợi trong những năm du học. Có thể đó là cái quả nó đã gieo từ quá khứ, nhưng phải nhờ những trợ duyên trong hiện đời mới trổ quả ra hoa. Sống đạo, bạn sẽ thấy dững dưng với những thứ như thế. Nhưng nó là thứ giúp con gái hiểu vì sao tôi bỏ tất cả để làm những việc hiện tại. Chỉ vì trong cuộc đời, một chữ tài không đủ, cần phải có cái đức đi kèm. Nhân được gieo thì mới có quả để gặt. Chỉ vì mẹ đã có con đường của riêng mẹ. Mỗi người đều có con đường của riêng mình. Những con đường đã được ấn định từ trước. Nếu muốn thay đổi không phải không được. Song vì sao phải thay đổi khi lệch khỏi nó, mình chỉ thấy thất bại và khổ đau?

Trước khi con gái về nước, nó nói với tôi “Mọi thứ để con. Bố mẹ cứ tu đi”.

Cha mẹ đã yêu thương mình không theo cách mà mình mong đợi, điều đó làm mình thất vọng và bất mãn. Nhưng nếu vững vàng được với những thứ như thế, thì trong những bất trắc thử thách và trên vực thẳm của dục vọng cám dỗ, mình mới thấy hết giá trị của cách yêu thương đó, mình mới biết cám ơn những gì cha mẹ đã làm cho mình. Một triết gia đã nói “Có nhiều cách làm hư con cái. Người ta làm hư tinh thần nó bằng cách khen nó quá lố, làm hư ý chí nó bằng cách cái gì cũng chìu nó, làm hư trái tim nó bằng cách lo lắng tôn thờ nó quá mức”. Thành đừng mong muốn cha mẹ yêu bạn theo cách bạn mong muốn. Cho, là một nhu cầu khi mình yêu thương. Khi yêu thương, ta sẽ cho tất cả những gì người muốn. Nhưng đó không phải là cách duy nhất nói lên tình yêu thương, cũng không phải là cách hay nhất cho kẻ được yêu thương.

Bạn sẽ chẳng thành công bao nhiêu với những thứ bạn chưa từng qua. Nhưng những gì đã có kinh nghiệm, nó giúp bạn tránh hầm tránh hố dễ hơn. Với tôi, mẹ không phải là người toàn diện. Nhưng những gì bà vấp, chính là những bài học quí giá để con đường mình đi được tròn trịa. Và “Ta chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của người mà cuộc đời đã ban cho ta, khi một sớm mai thức giấc, người ấy không còn bên ta nữa …”. Tôi đã không nhận ra những giá trị đó khi mẹ còn sống. Tôi chỉ nhận ra nó khi tôi làm mẹ, khi tôi gặp phải những hoàn cảnh mà mẹ đã gặp. Vì không nhận ra, nên tôi không biết nâng niu những gì mình từng có. Không biết quí tiếc những giây phút hiện tại. Có thể họ đã không yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. Bạn sẽ nhận rõ điều đó khi họ biến mất khỏi cuộc đời bạn...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]