Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Niệm Phật Vô Tướng

22/04/201311:27(Xem: 7557)
Niệm Phật Vô Tướng


NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG

(Lí Luận và Nhập Môn Pháp Môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát Đại Thế Chí)

Nguyên tác Hoa văn của Tiêu Bình Thật cư sĩ
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch ra Việt văn

NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG (VÔ TƯỚNG NIỆM PHẬT)
Nguyên tác Hoa văn của Tiêu Bình Thật cư sĩ (Đài-loan)
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch, giới thiệu, chú thích bổ túc,
đánh máy,và trình bày trang sách
Nữ cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

niemphatvotuong_hanhco

TỰA

Niệm Phật”, đối với phần đông đệ tử Phật, là xưng niệm thánh hiệu Phật và Bồ-tát. Do đem tâm chí thành xướng niệm liên tục, hoặc mặc niệm, tin tưởng sâu xa, hướng về nương cậy, mà được Phật và Bồ-tát cảm ứng, hoặc trong âm thầm, hoặc hiện rõ hình tướng. Và mục đích chủ yếu rất phổ biến của họ là cầu mong cho mai sau, khi xả bỏ báo thân này, được nhờ Phật, Bồ-tát tiếp dẫn họ vãng sinh về cõi tịnh độ Cực-lạc. Nhưng thực ra, tịnh độ của chư Phật trong mười phương, kể cả tịnh độ của đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca, là nhiều vô lượng vô số, không thể kể xiết, chứ đâu phải chỉ có một cõi nước Cực-lạc của đức Phật A Di Đà mà thôi! Ngoài ra, “tịnh độ” cũng có sự khác nhau giữa “duy tâm tịnh độ” và tịnh độ do chư Phật hóa hiện.

Nếu nói một cách rộng rãi hơn, tất cả giáo pháp Phật giáo đại thừa, lẽ nào chỉ có một pháp môn Niệm Phật, lẽ nào chỉ có một pháp môn Tịnh Độ? Một cách phổ quát như mọi người đều biết: trì danh hiệu Phật, trì chú, lễ Phật, cúng dường, chỉ quán, trì giới, tụng kinh, xem kinh, chép kinh, giảng kinh, thamcứu[1], tư duy, nhớ nghĩ v.v..., đều là mục đích của người học Phật nhằm tu hành, ngộ nhập tri kiến Phật, chứng nhập cảnh giới giải thoát, có được công đức Phật, thậm chí đi đến chỗ thành Phật, thành tựu cả bốn loại tịnh độ[2]. Đó làý nghĩa rộng rãi của sự niệm Phật.

Thật ra, Thiền và Tịnh Độ có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời. Muốn được thành Phật, không phải chỉ trì niệm danh hiệu Phật là xong; mà quyết phải nhờ tới thiền định để khơi sáng tâm tánh. Sau địa vị Kiến-đạo[3], mau chóng tiến lên địa vị Tu-đạo[4], thì quả Phật đã gần kề. Nhưng muốn đạt địa vị Kiến-đạo, cần phải tham thiền, hoặc tu tập lí quán của pháp môn chỉ quán. Như thế tức là, không có định lực thì không thành tựu được việc gì, nhất là công phu trong động[5]. Mà người niệm Phật, muốn trì danh niệm Phật cho đến chỗ “nhất tâm bất loạn”, thì cũng cần có công phu. Nếu dùng cách trì danh niệm Phật và lễ Phật làm phương tiện, để đi vào pháp môn niệm Phật viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí, hoàn toàn không phải việc khó; thế thì việc vãng sinh về cõi tịnh độ Cực-lạc có thể nắm chắc được. Cũng có thể tham cứu niệm Phật: Nói rằng “Không nhờ phương tiện mà tâm tự sáng.”, không phải là không có thể. Nếu đem cái công phu bước đầu của pháp môn niệm Phật viên thông mà chuyển sang tham thiền, thì cánh cửa vô môn tự nhiên hiện rõ trước mắt; muốn được thấy rõ tâm tánh, cũng có hi vọng. Như thế có thể thấy, Thiền và Tịnh Độ khắng khít không thể phân li.

Người đệ tử Phật, nếu có thể đem cái tinh yếu của Thiền Định mà tu tập pháp môn Tịnh Độ, và đem pháp môn tịnh độ trợ giúp thêm để thành tựu cái công phu trong động, thì bất luận là tu Thiền hay tu Tịnh, đều dồi dào công lực, mau chóng đạt được thành tích. Kẻ hậu học này đã không lượng sức học nông cạn của mình, dám nói lên cái nhìn của mình như trên, chỉ vì muốn đem cái kinh nghiệm hạn hẹp, cái văn bút thô lậu của mình mà bày tỏ lòng chí thành của kẻ quê mùa. Chỉ cầu mong lợi ích cho chúng sinh mà không kể gì cá nhân mình bị chê cười, cầm bút viết văn, để dành dần từng bài, cuối cùng thì thành sách. Ngoài những ý kiến thiển cận vừa nêu ở trước, sau đây xin sơ lược trình bày về duyên khởi của sách này, gọi là làm tỏ rõ gốc ngọn.

Vào đầu năm 1987, kẻ hậu học này, nhân vì công việc quá bận rộn, đã không có thì giờ ngồi thiền, mỗi buổi tối tụng kinh Kim Cang thì vừa tụng vừa ngáp; xong thời khóa tụng thì lạy Phật và Bồ-tát.

Năm ấy, vào một đêm hè, sau thời khóa tụng và lạy Phật xong, bỗng nhiên tôi nghĩ rằng, nên thử bỏ đi danh hiệu Phật và hình tướng Phật, chỉ chuyên nhất nhớ niệm Phật Bồ-tát mà lạy Phật. Phải thực hành điều này ngay. Thế là, từ ngày hôm sau trở đi tôi đều sử dụng phương pháp “nhớ nghĩ vô tướng” mà lạy Phật. Lâu ngày chầy tháng, phương pháp nhỏ bé ấy tạm thành. Thế nhưng, ai thực tập phương pháp “niệm Phật vô tướng” này, đều tràn đầy niềm vui đạo pháp, hoàn toàn không còn biết tới những bận rộn phiền lụy của sinh hoạt thế tục. Về sau, việc lạy Phật như thế đã đạt được trọn niềm hoan hỉ, tôi liền dứt khoát bỏ thời khóa tụng buổi tối, mà chuyên nhất lạy Phật với tâm niệm vô tướng. Trong sinh hoạt hằng ngày cũng chuyên tâm niệm Phật vô tướng.

Cuối năm 1988, ngẫu nhiên tôi nghĩ đến chuyện nên chia sẻ với đại chúng niềm pháp hỉ này, bèn một mặt thì suy xét, nhớ lại, đem quá trình tu tập vừa qua ghi chép xuống; mặt khác thì đọc trong kinh luận để tìm chỗ y cứ. Tôi liền đem bản thảo vừa viết xong để trước mặt, rồi dở kinh Lăng Nghiêm ra, đọc chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông”; khi đọc đến bốn chữ “ức Phật niệm Phật”, tôi vô cùng hoan hỉ. Sau đó lại đọc đến chỗ “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, nhập tam ma địa”, tôi bỗng thấy được rằng, cái pháp môn mà tôi thực hành lâu nay tức là pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí!

Tiếp đó, vào tháng 4 năm 1989, tôi sửa chữa hoàn chỉnh các điều đã ghi chép, viết thành một đoản văn với tựa đề “Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật” (Đàm luận về pháp môn lạy Phật vô tướng và niệm Phật vô tướng).Sau khi hoàn tất bản thảo, lại nhân đọc tập sách ghi các lời khai thị của đại lão hòa thượng Hư Vân, tôi mới thực sự hiểu rõ cái lí lẽ của việc “khán thoại đầu”[6]. Lúc đó tôi mới biết, điều mà trước kia tôi từng cho là “tham thoại đầu”[7], kì thật đều là đọc lời nói, xem đuôi lời nói, rõ ràng chỉ là sự đối đáp với các bạn đồng tu một cách đại ngôn, không biết thẹn, mà vẫn nói là mình “tham thoại đầu”!

Vì sao lúc trước không thể tham thoại đầu mà về sau lại làm được? Nguyên nhân tại vì lúc mới tu học không có cái “công phu trong động”, về sau, từ khi tu tập thành thục công phu niệm Phật vô tướng, mới có năng lực tham thoại đầu.

Buổi chiều ngày 6 tháng 8 năm 1989, khi cùng tu với các bạn đồng tham[8], tôi đã hai lần tiến vào cảnh giới “Thấy núi không phải là núi”; đó là buổi đầu tôi nếm được mùi vị của cái “thùng sơn đen”[9]. Sau đó lại thường nổi lên trăm mối ngờ vực. Đầu tháng 11 năm 1989, sau chuyến đi hành hương Ấn-độ và Nepal trở về, tôi quyết định nghỉ việc, chuyên ở nhà để tham thiền. Cho đến khoảng 4 giờ chiều ngày 2 tháng 11 năm 1990, cái thùng sơn đen vừa bị bể nát, cái quá trình tham thiền mới kết thúc.

Kiểm điểm lại giai đoạn vừa qua, tôi phát giác ra rằng, sở dĩ người ta tu tập Phật pháp mà không đạt được hiệu quả, cái nguyên do căn bản là tại vì thiếu cái công phu trong động. Do đó, tôi viết sách này, hi vọng giúp người niệm Phật mau chóng thành tựu công phu niệm Phật nhất tâm bất loạn; đồng thời cũng giúp cho người tu thiền sớm có được cái năng lực tham thoại đầu, tham công án[10].

Đáp ứng lời yêu cầu của các bạn đồng tham, bắt đầu từ ngày 3 tháng 9 năm 1991, tại đạo tràng tu thiền nọ của Kim Dung Cơ Cấu Phật Học Xã ở Đài-bắc và thiền đường Cộng-tu của hai ông bà Trần cư sĩ ở Thạch-bài, kẻ hậu học này đã trình bày về phương pháp tu trì “niệm Phật vô tướng” (tức phương tiện để nhập môn pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí), liên tục ba buổi trong ba tuần thì xong.

Các vị đồng tu trong hai đạo tràng ấy ước chừng có 30 người, đa số là theo phương pháp “trì danh niệm Phật”. Họ một mặt chú ý nghe, một mặt thực tập, và sáu tuần sau thì có hai vị đạt được hiệu quả. Hiện vẫn có người lần lượt gia nhập, và tiến bộ nhanh chóng, tỉ lệ cao, tốc độ nhanh, khiến cho mọi người rất phấn khởi. Số người không thấy tiến bộ, ngoại trừ kẻ vì nhân duyên không thể lạy Phật, số còn lại chủ yếu là vì không hoan hỉ với việc nhớ Phật lạy Phật vô tướng; và những người đã quen trì danh niệm Phật, thì đối với pháp môn phương tiện ở buổi đầu đã không chịu luyện tập cho đến nơi đến chốn. Cho đến khi thấy có nhiều người lần lượt tu tập thành công, có thể tham thiền, khán thoại đầu, số người này mới lại gấp rút đuổi theo, nhưng cũng đã trễ hết ba bốn tháng.

Kết quả thực tế trên đã làm cho kẻ hậu học này vô cùng phấn khởi, chứng tỏ rằng, đối với pháp môn này, người ta chỉ cần có sự giúp đỡ khéo léo, và luyện tập tinh cần, chắc chắn sẽ tu tập có hiệu quả. Bởi vậy, lại khởi bi nguyện, không nỡ thấy thánh giáo suy vi, không muốn chúng sinh bị khổ, cho nên ngay trong kì nghỉ mùa đông, mạnh dạn cầm bút, gấp rút soạn sách, văn bút chắc chắn không được tao nhã, chỉ cầu đạt được lòng tin. Đã trình bày bình dị, lại còn giải thuyết. Cố gắng sử dụng lối văn bạch thoại, cốt cho dễ hiểu. Kì nguyện tất cả những người đệ tử Phật có duyên, đều có thể tu tập thành tựu pháp môn “niệm Phật vô tướng”, khắp được thấm nhuần niềm vui đạo pháp, lần lữa lưu truyền, làm lợi ích vô lượng chúng sinh, tất cả đồng thể nhập vào biển pháp tánh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Kính cẩn,

Cư sĩ TIÊU BÌNH THẬT

Ngày 28 tháng 2 năm 1992


---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]