Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lần 4: Thứ tư, 17- 7-1985: Vẻ đẹp là sự yên lặng khi cái tôi không còn

26/06/201115:15(Xem: 3279)
Lần 4: Thứ tư, 17- 7-1985: Vẻ đẹp là sự yên lặng khi cái tôi không còn

J. Krishnamurti
NÓI CHUYỆN CUỐI CÙNG 1985
Tại SAANEN, BROCKWOOD PARK
Lời dịch: Ông Không 2007

SAANEN

NÓI CHUYỆN VỚI CÔNG CHÚNG Lần thứ tư
Thứ tư, ngày 17 tháng 7 năm 1985

Vẻ đẹp là sự yên lặng khi cái tôi không còn

Các bạn đã nghe tất cả các lời loan báo. Tôi cũng xin phép loan báo rằng tôi sắp sửa nói chuyện được chứ? Và cũng thêm rằng các bạn sẽ góp phần trong cuộc nói chuyện. Nó không là một cuộc nói chuyện một mình, nhưng cùng nhau, và người nói có ý nói cùng nhau, không phải rằng ông ta đang dẫn dắt các bạn hay là ông ta đang giúp đỡ các bạn hay là đang cố gắng thuyết phục các bạn, nhưng trái lại cùng nhau, và từ ngữ đó rất quan trọng, hãy cùng nhau chúng ta thực hiện một chuyến hành trình rất, rất dài. Đó là một con đường khá khó khăn – tôi sẽ không sử dụng từ ngữ đó, nó là một từ ngữ nguy hiểm – một con đường, một lối đi, một phương cách mà sẽ khá phức tạp bởi vì chúng ta sắp sửa nói chuyện về tánh tư lợi, sự khổ hạnh, cách cư xử và trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta liệu rằng có thể chấm dứt được mọi khổ đau. Đây là một câu hỏi rất quan trọng: tại sao sau quá nhiều ngàn năm con người vẫn không bao giờ được tự do khỏi khổ đau, không chỉ là nỗi khổ đau của mỗi con người, sự đau đớn, sự lo âu, sự cô độc liên quan đến nỗi khổ đau đó mà còn là sự khổ đau của nhân loại. Chúng ta sẽ nói về việc đó. Và cũng vậy, nếu chúng ta còn thời gian, chúng ta sẽ nói về vui thú và cũng nói về sự chết.

Sáng nay thật tuyệt vời, đẹp, bầu trời trong xanh, những ngọn đồi bất động và những cái bóng đậm và sâu, và những dòng nước đang chảy, cánh đồng cỏ, rừng cây và bãi cỏ xanh. Chúng ta cũng nên – chúng ta nên cùng nhau nói về ý nghĩa của vẻ đẹp vào một buổi sáng tuyệt vời như thế này. Chúng ta có thể nói về vẻ đẹp là gì được chứ? Bởi vì nó cũng là một vấn đề rất quan trọng. Không phải là vẻ đẹp của thiên nhiên hay là cái sức sống lạ thường, cái năng lượng tràn đầy sinh lực của một con cọp. Có thể các bạn chỉ nhìn thấy những con cọp tại một vườn thú nơi những con vật tội nghiệp này bị giam giữ để cho bạn giải trí. Nếu bạn đi đến một số miền đất trên thế giới nơi người nói đã đi, ông ta ở rất gần một con cọp hoang dã, chỉ cách có hai feet. Đừng bị kích động quá!

Và chúng ta cũng nên tìm hiểu vấn đề này bởi vì nếu không có vẻ đẹp và tình yêu thì không có chân lý. Và chúng ta nên tìm hiểu rất kỹ càng từ ngữ vẻ đẹp. Vẻ đẹp là gì? Các bạn đang hỏi câu hỏi đó và người nói cũng đang hỏi câu hỏi đó. Vì vậy cả hai chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu, không chỉ là từ ngữ, những ngụ ý của từ ngữ đó, mà là sự bao la, chiều sâu không đáy của vẻ đẹp. Chúng ta nên nói về nó chứ? Chúng ta có thể nói về nó, nhưng nói chuyện, những từ ngữ, những giải thích và những diễn tả không là vẻ đẹp. Từ ngữ vẻ đẹp không là vẻ đẹp. Nó là một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Vì thế người ta phải, nếu người ta được phép vạch rõ, người ta phải rất cảnh giác với những từ ngữ. Bởi vì bộ não của chúng ta làm việc, năng động trong một chuyển động của những từ ngữ. Từ ngữ chuyển tải điều gì người ta cảm thấy, điều gì người ta suy nghĩ, và chấp nhận những lời giải thích, những diễn tả bởi vì nguyên cấu trúc của bộ não, hầu hết của nó, là từ ngữ. Vì vậy người ta phải tìm hiểu nó rất, rất kỹ càng không chỉ về vẻ đẹp mà còn về sự khổ hạnh, về tánh tư lợi. Chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả những câu hỏi này sáng nay, nếu chúng ta muốn.

Vì vậy chúng ta đang tự hỏi: vẻ đẹp là gì? Có phải vẻ đẹp ở trong một con người, trong một khuôn mặt hay không? Có phải vẻ đẹp ở trong những nhà bảo tàng, những bức tranh, những bức tranh cổ điển, những bức tranh hiện đại hay không? Có phải vẻ đẹp ở trong tất cả âm nhạc – Beethoven, Mozart, Bach và những nhạc sĩ khác hay không? Có phải vẻ đẹp ở trong một bài thơ? Trong văn chương? Nhảy múa? Và mọi ồn ào đang xảy ra trong thế giới được gọi là âm nhạc? Tất cả điều đó là vẻ đẹp à? Hay là vẻ đẹp là điều gì đó hoàn toàn khác hẳn? Đúng chứ? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nó. Làm ơn, nếu người ta được phép nói rõ, đừng chấp nhận những từ ngữ, đừng hoàn toàn thỏa mãn với những lời giải thích và diễn tả, nhưng chúng ta hãy, nếu chúng ta có thể, gạt bỏ khỏi bộ não tất cả đồng ý và không đồng ý và nhìn nó cẩn thận, ở cùng nó, thâm nhập vào từ ngữ.

Như chúng ta đã nói, nếu không có cái chất lượng đó của vẻ đẹp, mà là nhạy cảm, thì không có sự thật, chân lý. Chất lượng đó ngụ ý không chỉ vẻ đẹp của thiên nhiên – những sa mạc, những cánh rừng, những con sông và những ngọn núi hùng vĩ với vẻ cao quý, uy nghi vô hạn của chúng – mà còn cả sự cảm thấy về nó, không phải là những tưởng tượng lãng mạn và những trạng thái cảm tính – những việc đó chỉ là những cảm giác. Vậy thì, chúng ta đang hỏi, không hiểu vẻ đẹp có là một cảm giác hay không. Bởi vì chúng ta sống bằng những cảm giác – cảm giác dục tình, kèm theo nó là vui thú, và lẫn cả sự đau khổ liên quan đến cái cảm giác không được mãn nguyện và vân vân. Nếu sáng nay chúng ta có thể gạt khỏi bộ não của chúng ta tất cả những từ ngữ kia và suy xét, tìm hiểu câu hỏi quan trọng, rất phức tạp, rất sâu sắc này, bản chất của vẻ đẹp là gì? Chúng ta không đang viết một bài thơ.

Khi bạn quan sát những ngọn núi kia, những tảng đá to lớn kia đang nhô vào bầu trời, nếu bạn yên lặng quan sát nó bạn cảm nhận được sự mênh mông của nó, vẻ hoành tráng vĩ đại của nó. Và trong khoảnh khắc, trong một giây, sự cao quý bao la của nó, cái khối vững chắc của nó, xóa đi tất cả những tư tưởng của bạn, những vấn đề của bạn, trong một giây – đúng chứ? Và bạn nói rằng, “Điều đó kỳ diệu làm sao đâu!”. Vì vậy điều gì đã xảy ra ở đó? Vẻ hoành tráng của những ngọn núi kia, sự mênh mông vô hạn của bầu trời và màu xanh cùng những ngọn núi phủ tuyết, trong một giây xua tan tất cả những vấn đề của bạn. Nó khiến bạn quên bẵng chính mình trong một giây. Bạn bị nó mê hoặc, bạn bị nó gây ấn tượng. Giống như một đứa trẻ, mà đã nghịch ngợm suốt ngày hay là trong chốc lát, em có quyền được tồn tại, và bạn cho em một món đồ chơi phức tạp. Em bé mê mải món đồ chơi đó cho đến khi làm hỏng nó. Món đồ chơi đã kiểm soát em bé và em yên lặng, em đang tận hưởng nó. Đúng chứ? Em bé đã quên bẵng gia đình, người mẹ, những câu “Hãy làm việc này, đừng làm việc kia”, món đồ chơi trở thành đồ vật gây hứng thú nhất cho cậu bé. Bạn hiểu chứ?

Cùng một cách như vậy, những ngọn núi, con sông, những cánh đồng và những cánh rừng hấp dẫn bạn, bạn quên bẵng mình. Đúng chứ? Đó là vẻ đẹp phải không? Bạn hiểu câu hỏi của tôi không? Bị hấp dẫn bởi ngọn núi, bởi con sông, hay là bởi những cánh đồng cỏ có nghĩa rằng bạn giống như một em bé bị mê hoặc bởi một món đồ chơi, và trong khoảnh khắc bạn yên lặng, bị kiểm soát, bị chi phối bởi một thứ gì đó. Đó là vẻ đẹp phải không? Bị kiểm soát? Bạn hiểu chứ? Dâng nộp mình đến một thứ gì đó to lớn hơn và cái thứ đó ép buộc bạn quên bặt mình trong một giây phải không? Vậy thì bạn lệ thuộc. Lệ thuộc như một em bé lệ thuộc vào một món đồ chơi, hay là lệ thuộc vào rạp chiếu bóng hay truyền hình, khi trong khoảnh khắc bạn đã gắn kết mình với nam diễn viên hay nữ diễn viên. Chắc chắn rằng mọi sự việc đó là một hình thức làm bạn mất đi chính mình – đúng chứ? Liệu rằng bạn sẽ coi trạng thái đó – bị chế ngự, bị chi phối, bị thu hút – liệu rằng bạn sẽ coi trạng thái yên lặng một giây đó là vẻ đẹp phải không? Khi bạn đi đến một nhà thờ, một ngôi đền, một thánh đường, lời cầu kinh, những nghi thức, sự ngâm nga của giọng nói, mọi thứ đều được tổ chức, đều được sắp đặt vào chung một cách cẩn thận để tạo ra một cảm giác nào đó, mà bạn gọi là tôn sùng, mà bạn gọi là một ý thức về tôn giáo. Đó là vẻ đẹp à? Hay vẻ đẹp là một điều gì đó hoàn toàn khác hẳn. Bạn hiểu chứ? Chúng ta đang cùng nhau hiểu rõ câu hỏi này chứ?

Liệu rằng có được vẻ đẹp nơi nào có sự nỗ lực cố ý hay không? Hay là có vẻ đẹp chỉ khi nào cái tôi không còn – khi cái tôi lệ thuộc, người quan sát không còn. Vì vậy liệu rằng có thể không bị thu hút, không bị chế ngự, không bị chi phối – có thể ở trong trạng thái đó, mà không còn cái tôi, mà không còn bản ngã, mà không còn cái tôi lệ thuộc luôn luôn đang suy nghĩ về chính nó, hay không? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Liệu rằng có thể đang sống trong thế giới hiện đại này với tất cả những chuyên dụng của nó, sự thô thiển tầm thường của nó, sự ồn ào khủng khiếp đang xảy ra liên tục của nó – không phải tiếng ồn của dòng nước đang chảy, của con chim đang hót; liệu rằng có thể sống trong xã hội này mà không còn cái tôi, cái tôi lệ thuộc, cái bản ngã, cái cá tính, sự khẳng định của cá thể, hay không? Trong trạng thái khi thực sự có tự do khỏi tất cả những việc này, chỉ lúc đó vậy mới có vẻ đẹp. Bạn có lẽ nói rằng, “Ồ việc đó khó khăn quá, việc đó không thể thực hiện được. Tôi thích ngắm một bức tranh hơn, hay là ở trong một nơi dễ thương có sự cảm nhận của tĩnh lặng và thanh thản hơn.”

Nhưng tôi đang hỏi: liệu rằng có thể sống trong thế giới này mà không còn tánh tư lợi hay không? Tư lợi có nghĩa gì vậy? Những hàm ý của từ ngữ đó là gì? Nếu không còn tánh tư lợi, chúng ta có thể tồn tại và sống đến mức độ nào ở đây, trong sự náo nhiệt, sự ồn ào, sự thô thiển, sự ganh đua, những tham vọng cá nhân vân vân và vân vân? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra – được chứ?

Tánh tư lợi bạn đã biết rõ từ ngữ đó có nghĩa là gì vì vậy tôi không phải giải thích nó. Tánh tư lợi ẩn nấp trong nhiều cách, ẩn nấp dưới mỗi ý tưởng và mỗi hành động, ẩn nấp trong cầu nguyện, trong tôn sùng, trong có một nghề nghiệp tốt, trong có hiểu biết nhiều, trong có một danh tiếng đặc biệt, giống như người nói. Khi có một vị đạo sư nói rằng, “Tôi biết tất cả về nó, tôi sẽ bảo cho bạn tất cả về nó” – ở chỗ đó không có tánh tư lợi hay sao? Một người có lẽ là một chuyên gia, một nhà chuyên môn, có tài năng và có hạt giống của tánh tư lợi này. Nó đã ở cùng chúng ta hàng triệu năm. Bộ não chúng ta bị điều kiện đến tánh tư lợi. Và nếu người ta ý thức được điều đó, mà có nghĩa chỉ ý thức về nó, không phải nói rằng, “Tôi không tư lợi, điều đó sai, điều đó đúng – làm thế nào người ta có thể sống mà không còn tư lợi?” Bạn đã biết tất cả những tranh luận để ủng hộ hoặc để chống đối. Chỉ cần ý thức được người ta có thể thâm nhập đến mức độ nào, người ta có thể tìm hiểu chính mình và tìm được cho chính mình, cho mỗi một người trong chúng ta sâu xa đến mức độ nào, người ta có thể sống sâu thẳm đến mức độ nào khi không còn ý thức của tư lợi.

Vì vậy nếu muốn chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả việc đó. Bởi vì – không phải bởi vì, xin lỗi. Tánh tư lợi phân chia, tánh tư lợi là sự phân chia lớn lao nhất. Từ ngữ corruption có nghĩa là đập vỡ mọi thứ thành những mảnh nhỏ và nơi nào có tư lợi nơi đó có tách rời – quan tâm của bạn đối chọi với quan tâm của tôi, ham muốn của bạn đối chọi với ham muốn của tôi, sự khẩn trương để leo lên những nấc thang thành công của tôi đối chọi với sự khẩn trương của bạn. Vì vậy nơi nào có tư lợi, chỉ quan sát nó, bạn không thể làm bất kỳ điều gì về nó – bạn hiểu chứ? – chỉ cần quan sát, ở cùng nó và xem thử điều gì đang xảy ra. Nếu bạn đã có lần tháo dỡ một chiếc xe hơi, như người nói đã làm, và chiếc xe đã chạy lại sau đó, nếu bạn đã có lần tháo dỡ một chiếc xe vậy thì bạn biết tất cả những bộ phận, bạn biết nó vận hành như thế nào và bạn học hỏi tất cả về nó, chứ không phải chỉ chui vào và lái đi. Tôi đang nói về những chiếc xe đời 1925, vào thời kỳ đó chúng là những chiếc xe rất xinh đẹp, mạnh mẽ, tin cậy, dễ vận hành và đơn giản. Và khi bạn biết máy móc của nó, bạn cảm thấy dễ chịu; và bạn biết chạy nhanh chạy chậm như thế nào vân vân và vân vân. Vì vậy, nếu người ta biết, hiểu rõ, ý thức được tư lợi riêng của người ta lúc đó bạn bắt đầu học hỏi về nó – đúng chứ? Bạn không nói rằng,”Tôi phải chống lại nó, hay ủng hộ nó, hay là làm thế nào tôi có thể sống mà không có nó, hay ông là ai mà lại bảo cho tôi về bản thân tôi?” vân vân và vân vân. Khi bạn bắt đầu ý thức không chọn lựa, bạn không nói rằng, “Ồ, đây là tư lợi của tôi, đây là ... của tôi,” nhưng khi ý thức không chọn lựa được tánh tư lợi của bạn, khi ở cùng nó, khi nghiên cứu nó, khi học hỏi nó, khi quan sát tất cả những rối ren của nó, khi đó bạn có thể tìm được – người ta có thể tìm được cho chính mình nơi nó cần thiết, nơi nó hoàn toàn không cần thiết – đúng chứ? Nó cần thiết để sống hàng ngày, để có lương thực, quần áo, chỗ ở và tất cả những thứ thuộc vật chất. Nhưng theo tâm lý, ở phía bên trong, liệu rằng nó cần thiết để có bất kỳ loại tư lợi nào, hay không? Bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi chứ?

Đó là, tìm hiểu sự liên hệ – đúng chứ? Bởi vì trong sự liên hệ lẫn nhau của chúng ta, có sự tư lợi hỗ tương. Bạn gây thỏa mãn cho tôi và tôi gây thỏa mãn cho bạn, Bạn tận dụng tôi và tôi tận dụng bạn. Tôi bán bạn và bạn bán tôi ở khu chợ búa. Bạn hiểu tất cả việc này chứ? Chúng ta – trong liên hệ của chúng ta, có tư lợi hay không? Hiểu rõ điều này là quan trọng bởi vì – xin lỗi, tôi không dùng từ ngữ đó, nó ngu xuẩn.

Phải tìm được liệu rằng có tư lợi trong liên hệ của chúng ta hay không. Nơi nào có tư lợi phải có sự phân chia, đang phá vỡ một liên hệ – đúng chứ? Tôi khác hẳn bạn – tư lợi. Liên hệ là gì? Liên hệ đến quả đất, đến mọi vẻ đẹp của thế giới, đến thiên nhiên và đến những con người khác, đến người vợ, người chồng, bạn gái, bạn trai của người ta và vân vân; sự bó buộc đó là gì, cái sự việc đó mà chúng ta nói, “Vâng, tôi có liên hệ” là gì? Làm ơn hãy cùng nhau tìm hiểu việc đó. Làm ơn đừng dựa vào sự diễn tả mà người nói đang say mê trình bày. Chúng ta hãy quan sát nó cẩn thận.

Liên hệ là gì? Và khi không có liên hệ chúng ta cảm thấy cô độc, sầu thảm, bứt rứt – bạn biết chứ, một loạt những chuyển động được che dấu trong cấu trúc của tánh tư lợi. Liên hệ là gì? Khi bạn nói, “Vợ của tôi”, “Chồng của tôi” bạn có ý gì qua từ ngữ đó? Khi bạn liên hệ đến Chúa, nếu có một vị Chúa, điều đó có nghĩa là gì? Vì vậy hiểu rõ từ ngữ đó rất quan trọng. Tôi liên hệ với người vợ của tôi, con cái của tôi, gia đình của tôi. Chúng ta hãy bắt đầu ở đó. Đó là phần cốt lõi của tất cả xã hội, gia đình. Trong thế giới người Á đông gia đình có rất nhiều ý nghĩa, đối với họ nó rất quan trọng, một gia đình. Người con trai, cháu trai, ông bà – bạn hiểu chứ? Nó là trung tâm mà tất cả xã hội đều đặt nền tảng. Vì vậy người ta nói, “Vợ của tôi, con gái của tôi, bạn của tôi,” điều đó có nghĩa là gì? Hầu hết các bạn đã lập gia đình, hay là có bạn gái, bạn trai – đúng chứ? Liên hệ có nghĩa là gì? Bạn liên hệ đến điều gì? Khi bạn theo một vị đạo sự và nói, “Tôi đang theo ông ấy”, bạn đang theo cái gì? Bạn hiểu chứ? Chúng ta hãy rời người vợ và người chồng trong chốc lát và sẽ quay trở lại đề tài đó vài giây sau. Bạn có lẽ không thích tìm hiểu câu hỏi đó, người chồng và người vợ, bạn trai và bạn gái, nhưng chúng ta sẽ tiếp cận nó lặng lẽ hơn.

Khi bạn theo một ai đó, một vị đạo sư, một vị tiên tri, khi bạn theo người nói, hay là người nào khác, nhà chính trị và vân vân, bạn đang theo đuổi cái gì, bạn đang bị chi phối vì điều gì, đang hiến dâng cho cái gì? Bạn hiểu chứ? Nó có phải là cái hình ảnh mà bạn đã tạo ra về người nói hay về vị đạo sư? Hay nó là cái hình ảnh mà bạn có trong bộ não của bạn rằng nó là sự việc đúng để làm và do vậy tôi phải tuân theo – bạn hiểu chứ? Chính là cái hình ảnh, cái bức tranh, cái biểu tượng, mà bạn đã xây dựng lên và mà – bạn đang tuân theo nó, không phải là cái con người? Bạn hiểu chứ – không phải điều gì ông ta muốn nói? Người nói đã nói chuyện suốt bảy mươi năm. Tôi rất buồn cho ông ta! Và bất hạnh thay ông ta đã hình thành được một tiếng tăm nào đó, và những quyển sách lẫn những công việc quanh nó, vậy là bạn đã tự nhiên dựng lên một hình ảnh về ông ta và bạn đang tuân theo việc đó; không phải điều gì lời giảng dạy nói. Lời giảng dạy nói rằng, “Đừng theo ai cả!” Nhưng các bạn đã dựng lên một hình ảnh quanh ông ta mà bạn ham muốn, mà gây thỏa mãn cho bạn, mà thuộc về tánh tư lợi tham lam – đúng chứ?

Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại người vợ và người chồng và những chuyện chung quanh nó. Khi bạn nói, “Vợ của tôi,” bạn có ý gì qua từ ngữ đó, nội dung của từ ngữ đó là gì, đằng sau từ ngữ đó là gì – bạn hiểu chứ? Hãy quan sát nó. Nó có phải là tất cả những kỷ niệm, những cảm giác, vui thú, đau khổ, lo âu, ghen tuông, tất cả việc đó thể hiện trong từ ngữ người vợ hay người chồng phải không? Người chồng là tham vọng, muốn có được một vị trí tốt hơn, tiền bạc nhiều hơn, và người vợ không chỉ ở nhà nhưng bà ta cũng còn có tham vọng riêng của bà ta, ham muốn riêng của bà ta. Vì vậy họ là như thế. Họ có lẽ nằm chung giường, nhưng cả hai luôn luôn tách rời – đúng chứ? Chúng ta hãy đơn giản với những sự thật này và chân thực. Và thế là luôn luôn có xung đột. Người ta có lẽ nhận thức được nó và nói, “Ồ không, giữa hai chúng tôi không có xung đột gì cả,” nhưng cào xới từng chút bằng một cái xẻng nặng hay là tách nó ra bằng một con dao mổ và bạn sẽ tìm được ở đó gốc rễ của tất cả việc này là tánh tư lợi – đúng chứ? Và tư lợi có lẽ cũng có trong những nghề nghiệp. Dĩ nhiên là có – những bác sĩ, những nhà khoa học, những triết gia, những giáo sĩ, mọi nghề nghiệp đều có lòng ham muốn để thành tựu. Chúng ta không đang phóng đại, chúng ta chỉ đơn giản đang trình bày “cái gì là”, không cố gắng che đậy nó, không cố gắng đi khỏi nó; nó ở đó. Đó là cái hạt giống mà chúng ta được sinh ra, và hạt giống đó tiếp tục nở hoa, tăng trưởng cho đến khi chúng ta chết. Và khi chúng ta cố gắng kiểm soát tánh tư lợi, chính sự kiểm soát đó lại là một hình thức khác của tư lợi. Tánh tư lợi vận hành khôn ngoan làm sao đâu. Và không những thế nó còn che dấu sự khổ hạnh ở phía sau nó.

Vì vậy bây giờ chúng ta phải xem xét kỹ ý chúng ta muốn nói gì qua từ ngữ khổ hạnh? Hạnh kiểm đúng đắn – đúng chứ? Khổ hạnh là gì? Toàn thế giới, đặc biệt là thế giới tôn giáo, đã sử dụng cái từ ngữ đó, đã đặt ra những luật lệ nào đó về nó, đặc biệt cho những vị thầy tu và vô số những tu viện khác nhau ở phương Tây. Ở Ấn độ và Á châu không có tu viện nào ngoại trừ Phật giáo, may mắn thay không có những tu viện có tổ chức nào cả. Vì vậy bạn có ý gì qua từ ngữ khổ hạnh mà kèm theo nó là giá trị cao quý? Chúng ta tìm từ ngữ đó trong từ điển. Nó đến từ tiếng Hi lạp, có một cái miệng khô khan, đó là, khô khan, khắc khổ, không chỉ là cái miệng. Khắc khổ, đó là khổ hạnh à? Khắc khổ: khước từ sự xa xỉ của tắm nước nóng, có chút ít quần áo, hay là mặc một dạng áo choàng đặc biệt, hay là giữ lời thề độc thân, sống nghèo khổ hay là ăn chay hay là ngồi thẳng suốt đời, kiểm soát mọi ham muốn của mình. Chắc chắn rằng tất cả những điều đó không là khổ hạnh. Nó là sự phô diễn hoàn toàn ở bên ngoài – đúng chứ?

Vì vậy liệu rằng có sự khổ hạnh mà không là một cảm giác hay không? Đó là không bị cố gắng giả tạo, đó là không bị gạt gẫm, đó là không nói rằng, “Tôi sẽ khổ hạnh với mục đích để ...” Liệu có sự khổ hạnh mà người khác không thể thấy được hay không? Các bạn đang hiểu rõ tất cả điều này chứ? Liệu có sự khổ hạnh mà – một sự khổ hạnh mà không có kỷ luật, mà có ý thức của tổng thể ở bên trong, trong đó không còn khao khát, không còn tách rời, không còn phân chia hay không? Và cùng với khổ hạnh đó có sự cao quý, sự yên tĩnh.

Người ta cũng phải, nếu chúng ta có thời gian chúng ta cũng phải, chúng ta phải hiểu rõ bản chất của ham muốn. Nó có lẽ là gốc rễ của toàn cấu trúc của tánh tư lợi. Ham muốn – đúng chứ? Chúng ta có cùng nhau hiểu điều này hay không? Ham muốn là một cảm giác lớn lao. Ham muốn là những giác quan bộc lộ trong hoạt động. Như chúng ta đã nói trước đây, những cảm giác có tầm quan trọng nhiều đối với chúng ta – cảm giác của tình dục, cảm giác của trải nghiệm mới mẻ, cảm giác của gặp gỡ một ai đó nổi tiếng. Tôi phải kể cho bạn một câu chuyện hay này: một người bạn của chúng tôi gặp Nữ hoàng Anh và bắt tay bà ấy, sau khi bắt tay xong thì một người xuất hiện trước mặt người đó và nói rằng, “Hãy cho phép tôi được bắt tay với cô nhé bởi vì cô đã bắt tay nữ hoàng!” [tiếng ồn của xe lửa]

Chúng ta luôn luôn sống bằng cảm giác, cảm giác quan trọng cực kỳ cho chúng ta. Cảm giác của được an toàn – làm ơn hãy quan sát nó – cảm giác của thành tựu, cảm giác của vui thú, hài lòng và vân vân. Cảm giác có liên hệ gì với ham muốn? Bạn hiểu không? Ham muốn có phải là một cái gì đó tách rời cảm giác hay không? Làm ơn hãy tìm hiểu nó. Hiểu rõ điều này rất quan trọng. Tôi không đang giải thích nó. Chúng ta đang cùng nhau quan sát nó. Sự liên hệ của ham muốn với cảm giác là gì? Khi nào cảm giác trở thành ham muốn? Hay là chúng không tách rời? Bạn theo kịp chứ? Hay là chúng luôn luôn ở cùng nhau – đúng chứ? Bạn có đang tìm hiểu kỹ càng như người nói đang làm hay không? Hay là bạn chỉ đang nói, “Vâng, hãy tiếp tục đi.”? Hay là bạn đã nghe điều này trước kia và nói, “Ồ Chúa ơi, ông ta lại quay trở lại vấn đề đó!”?

Bạn biết rằng bạn càng hiểu rõ hoạt động của tư tưởng nhiều bao nhiêu, bạn càng thực sự khám phá được chiều sâu, gốc rễ của tư tưởng nhiều bấy nhiêu, sau đó bạn bắt đầu nhìn thấy rất nhiều điều. Sau đó bạn hiểu được toàn bộ hiện tượng của thế giới, thiên nhiên, sự thật của thiên nhiên, và sau đó bạn hỏi, “Chân lý là gì?”. Tôi sẽ không bàn luận về đề tài đó vào lúc này.

Vì vậy chúng ta sống, cuộc sống của chúng ta bị đặt nền tảng vào cảm giác và ham muốn. Và chúng ta đang hỏi: sự liên hệ thực sự giữa cảm giác và ham muốn là gì? Khi nào cảm giác biến thành ham muốn – đúng chứ? Bạn đang theo sát chứ? Ham muốn trở thành yếu tố thống trị vào khoảnh khắc nào? Tôi nhìn thấy một cái máy ảnh đẹp, cùng tất cả những cải tiến mới nhất. Tôi cầm nó lên và ngắm nghía nó. Nó được thâu nhận rồi, có cảm giác khi quan sát – đúng chứ? Đang ngắm nghía cái máy ảnh đẹp, được chế tạo hoàn hảo, rất phức tạp và có giá trị lớn lao, như là một niềm vui thú của sở hữu, niềm vui thú của chụp những bức ảnh. Vì vậy có cảm giác, khi đang ngắm nghía cái máy ảnh đó. Rồi thì cảm giác đó liên quan với ham muốn như thế nào? Bạn hiểu chứ? Khi nào ham muốn đó phát triển thành hành động, và nói rằng, “Tôi phải có nó.”? Bạn hiểu chứ? Đúng chứ, thưa các bạn?

Bạn có lần nào quan sát chuyển động của cảm giác, dù nó là tình dục, dù nó là dạo bộ trong những thung lũng, dù nó là leo lên những ngọn đồi, nhìn xuống thế giới từ một độ cao, hay nhìn ngắm một mảnh vườn đẹp khi bạn chỉ có một bãi cỏ nhỏ xíu quanh nơi ở của bạn, hay chưa? Bạn nhìn thấy việc này xảy ra và sau đó điều gì xảy ra mà biến đổi cái cảm giác thành ham muốn? Bạn đang theo sát chứ? Làm ơn đừng chìm vào giấc ngủ. Sáng nay thật quá dễ thương. Nếu bạn ở cùng câu hỏi này: sự liên hệ của cảm giác với ham muốn là gì; hãy ở cùng nó, đừng cố gắng tìm ra câu trả lời, nhưng hãy nhìn nó, quan sát nó, xem những ám chỉ của nó. Đó là ở cùng nó. Sau đó bạn sẽ khám phá cái cảm giác đó, mà là điều tự nhiên, cái cảm giác đó bị chuyển thành ham muốn khi tư tưởng tạo ra cái hình ảnh từ cảm giác đó. Bạn hiểu chứ? Đó là, tôi có một cảm giác, có một cảm giác khi trông thấy cái máy ảnh, rất đắt tiền, rất đẹp và vân vân. Có cảm giác. Sau đó tư tưởng xuất hiện và nói rằng tôi mong ước có cái máy ảnh đó, bạn cầm nó, bạn chụp những bức ảnh. Vậy là tư tưởng tạo ra cái hình ảnh từ cảm giác đó – đúng chứ? Ngay khoảnh khắc đó ham muốn bị sinh ra. Tôi không biết đã trình bày rõ ràng chưa? Chính bạn hãy quan sát nó, hãy tìm hiểu nó. Bạn không cần bất kỳ quyển sách nào, bất kỳ triết gia nào, bất kỳ người nào giúp đỡ, bạn chỉ cần quan sát nó. Quan sát nó một cách nhẫn nại, một cách ngập ngừng, thật chầm chậm, rồi thì bạn bất ngờ bắt gặp nó thật là mau lẹ. Đó là khi cảm giác trở thành, hay là khi cảm giác là một nô lệ của tư tưởng và tư tưởng, với hình ảnh của nó tạo ra một cái gì đó – bạn hiểu chứ? Và tại khoảnh khắc đó ham muốn bị sinh ra. Và chúng ta sống bằng ham muốn: “Tôi phải có cái này. Tôi không muốn nó. Tôi phải trở thành...” Bạn theo kịp chứ? Nguyên chuyển động của ham muốn này.

Bây giờ ham muốn có sự liên hệ gì với tánh tư lợi? Chúng ta đang theo đuổi cùng một vấn đề. Chừng nào còn có ham muốn, mà tư tưởng đang tạo ra cái hình ảnh từ cảm giác; chừng nào còn có ham muốn đó phải còn có tư lợi – đúng chứ? Dù rằng tôi muốn lên thiên đàng, hay trở thành một giám đốc ngân hàng, hay là một người giàu có, nó đều giống nhau. Nếu một người ham muốn để là một vị thánh, một người cao quý, và một người khác có năng khiếu lớn lao nào đó, nó đều giống hệt nhau. Một người được gọi là mộ đạo, một người khác được gọi là trần tục. Những từ ngữ đã làm què quặt chúng ta nhiều biết bao! Bạn không quan sát nó.

Vì vậy chúng ta phải đi đến một câu hỏi – bây giờ đã mười một giờ rưỡi – đau khổ là gì? Có phải là đau khổ tồn tại chừng nào còn có tư lợi? Làm ơn hãy tìm hiểu nó. Nếu bạn hiểu rõ tất cả điều này, bạn không cần đọc một quyển sách nào cả. Nếu bạn thực sự sống cùng điều này, những cánh cổng vào thiên đàng đều mở rộng – không phải là thiên đàng, bạn hiểu chứ, đó chỉ là một hình thức của ngôn ngữ. Vậy là tôi đang đặt một câu hỏi rất nghiêm túc mà đã ám ảnh con người từ khi anh ta bắt đầu hiện hữu, một triệu năm hay nhiều hơn nữa. Đau khổ là gì, những giọt nước mắt, thương xót, tiếng cười, lo âu, cô độc, thất vọng? Và liệu nó có thể chấm dứt? Hay là con người mãi mãi phải bất hạnh sống cùng đau khổ? Mọi người trên quả đất, mọi người, dù rằng họ ở vị trí cao hay không là gì cả, mọi người đều trải qua tình trạng rối loạn của đau khổ, sự choáng váng của nó, sự thương xót của nó, sự hoang mang của nó, sự cô độc hoàn toàn của nó. Và đau khổ của một người nghèo mà không biết đọc lẫn viết, chỉ có một bữa ăn một ngày, ngủ trên vỉa hè cũng giống như bạn; anh ta có nỗi đau khổ riêng của anh ta, và bạn có nỗi đau khổ riêng của bạn. Bạn hiểu rõ tất cả điều này chứ? Có nỗi đau khổ của hàng triệu người bị hành hình bởi những người có quyền hành, bởi những người cuồng tín, bị hành hạ bởi những tôn giáo – những người tin tưởng và những người không tin tưởng. Những tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo đã giết hại nhiều người hơn bất kỳ tổ chức nào – xin lỗi! Những cuộc chiến tranh lớn, hàng trăm năm, ba mươi năm, của những người tôn giáo, nhà thờ. Tất cả những việc này có đau khổ trong thế giới – đúng chứ? Đau khổ của một người mà không có gì cả ngoại trừ một bữa cơm một ngày và ngủ trên vỉa hè. Các bạn không biết bất kỳ điều gì về nó cả.

Vì vậy có đau khổ. Từ ngữ đó có nghĩa là gì? Có phải nó chỉ là một hồi tưởng về một điều gì mà bạn đã mất và vì vậy bạn cảm thấy đau khổ – bạn hiểu chứ? Bạn có một người anh, người con trai hay là người vợ, bị chết, và bạn có một bức ảnh, tấm ảnh của người đó ở trên cái đàn dương cầm, trên cái kệ lò sưởi, hay là bên cạnh giường ngủ, và bạn có những kỷ niệm của những ngày tháng khi họ còn sống. Sự hồi tưởng về sự kiện đó – những kỷ niệm đó bỗng nhiên bị cắt đứt – đúng chứ? Đó là đau khổ phải không? Có phải đau khổ bị gây ra, bị nuôi dưỡng bởi ký ức hay không? Các bạn hiểu rõ câu hỏi của tôi chứ? Khi một ai đó bị cắt ngang bởi cái chết, bởi tai nạn, tuổi già hay là bất kỳ biến cố nào, và kỷ niệm đó tiếp tục, đó là đau khổ phải không? Đau khổ liên quan đến ký ức phải không? Hãy cố gắng lên, thưa các bạn!

Tôi có một người con trai, hay là một người anh trai, hay là một người cô mà tôi thích – tôi sẽ dùng từ ngữ “thích” trong chốc lát. Tôi gọi thích đó là tình yêu. Tôi thích những người đó rất nhiều. Tôi sống với họ. Tôi nói chuyện với họ. Chúng tôi đùa giỡn chung. Tất cả kỷ niệm đều được lưu trữ lại. Và người con trai của tôi, người anh của tôi, người mẹ của tôi, hay một người nào đó, bị chết, bị đem đi, đã xa rời mãi mãi. Và tôi thấy một cú choáng váng, rơi nước mắt, và tôi cảm thấy cô độc khủng khiếp. Và tôi chạy đến nhà thờ, đền chùa, đọc một quyển sách, làm việc này hay việc kia, để tẩu thoát. Hay là nói rằng, “Được rồi tôi sẽ cầu nguyện và tôi sẽ vượt qua. Chúa Giê su sẽ cứu tôi.” Bạn biết rõ tất cả những việc đó. Xin lỗi tôi không đang làm giảm giá trị từ ngữ đó. Sử dụng những từ ngữ khác – Phật hay là Krishna – đều cùng là một sự việc với những cái tên khác biệt. Hay là cùng biểu tượng, cùng nội dung của biểu tượng – những biểu tượng thay đổi nhưng lại có cùng nội dung.

Vì vậy có phải là – có phải đau khổ chỉ là sự chấm dứt tánh thực tại của những kỷ niệm nào đó? Thực tại mà đã tạo ra, mà đã gom tụ những kỷ niệm kia đã chấm dứt và do đó tôi cảm thấy tôi bị mất mát. Tôi đã mất người con trai của tôi. Đó là đau khổ phải không? Hay là chúng ta không đang khắc nghiệt lắm, chỉ suy xét thôi – đó là tự thương xót bản thân phải không? Quan tâm nhiều hơn nữa đến những kỷ niệm, lo âu, đau khổ của tôi, hơn là quan tâm đến sự kết thúc của một người nào đó – bạn hiểu chứ? Đó có phải là – đau khổ có phải là tư lợi hay không? Làm ơn hãy tìm hiểu tất cả điều này. Tôi nuôi dưỡng cái kỷ niệm đó. Tôi trung thành với người con trai của tôi. Tôi trung thành với người vợ cũ của tôi, mặc dù tôi lấy một người vợ mới, tôi rất trung thành với ... của tôi, mà là sự hồi tưởng những sự việc đã xảy ra trong quá khứ. Đó là đau khổ phải không? Hay là có sự đau khổ của thất bại, thành công, bạn biết rõ toàn bộ động lực của tánh tư lợi đang gắn kết chính nó vào từ ngữ đó và rơi lệ. Và những giọt lệ này đã bị chảy xuống bởi những người đàn ông và đàn bà qua hàng triệu năm – đúng chứ? Và chúng ta vẫn còn đang khóc. Chiến tranh ở Li băng, ở Afghanistan, sự tàn nhẫn man rợ của nó. Và những con người Afghanistan và Li băng đang khóc, bị bắn tan nát chỉ vì một ý tưởng rằng chúng ta phải thống trị, chúng ta phải khác biệt – đúng chứ? Cái ý tưởng. Tư tưởng đang hủy diệt lẫn nhau. Và hãy suy nghĩ về tất cả những con người đã than khóc trước bạn.

Vì vậy liệu rằng có một kết thúc cho đau khổ hay không? Từ ngữ đau khổ ngụ ý đam mê. Chừng nào còn có tư lợi gắn kết chính nó với những kỷ niệm đã trôi qua, mà vẫn còn ở đó nhưng thực tại đã trôi qua, cái tư lợi đó là bộ phận và mảnh đất nuôi dưỡng chuyển động của đau khổ – đúng chứ? Tất cả việc đó có chấm dứt được không? Nơi nào có đau khổ nơi đó không thể có tình yêu. Vậy thì tình yêu là gì? Bạn biết chứ, chúng ta đã thâm nhập những vấn đề rất, rất nghiêm túc. Nó không chỉ là một điều gì đó để bạn chơi đùa cho một buổi sáng Thứ tư hay là Chủ nhật. Nó là một điều gì đó nghiêm túc vô cùng. Nó không đang phi nước đại trên con đường rộng lớn. Nó đang đi bộ thư thả trên con đường mòn, quan sát mọi sự việc. Bạn biết chứ, đang quan sát, đang quan sát, đang quan sát, đang ở cùng những sự việc mà làm hài lòng bạn, đang ở cùng những sự việc trừu tượng, tất cả những tưởng tượng, tất cả những sự việc mà bộ não đã xếp đặt vào chung, gồm cả Chúa. Nó là hoạt động của tư tưởng. Chúa đã không tạo ra chúng ta. Chúng ta đã tạo ra Chúa trong hình ảnh riêng của chúng ta, mà là – tôi sẽ không bàn về việc đó, nó quá dễ dàng và đơn giản.

Vì vậy để nói về tình yêu cũng bao hàm cả sự chết. Tình yêu, chết và sáng tạo. Bạn hiểu rõ chứ? Bạn có thể mất cả một tiếng đồng hồ về điều này bởi vì nó rất, rất nghiêm túc. Chúng ta đang hỏi: sáng tạo là gì? Không phải là sáng chế. Làm ơn hãy phân biệt rõ ràng hai từ ngữ sáng tạo và sáng chế, một bộ mới của những ý tưởng – bạn hiểu chứ? Đó là, một bộ mới của những ý tưởng. Và những bộ mới của những ý tưởng kia là những sáng chế, thuộc về công nghệ, thuộc về tâm lý, thuộc về khoa học và vân vân. Chúng ta không đang nói về những ý tưởng. Chúng ta đang nói về những sự việc rất nghiêm túc, đó là tình yêu, chết và sáng tạo. Vấn đề này không thể được trả lời trong năm phút. Hãy tha thứ cho tôi. Chúng ta sẽ bàn luận về vấn đề đó vào ngày mai, chủ nhật kế tiếp. Không phải rằng tôi đang mời mọc các bạn. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này, và cũng tìm hiểu tôn giáo là gì, thiền định là gì và liệu rằng có một điều gì đó mà vượt ngoài những từ ngữ, và đo lường và tư tưởng. Các bạn hiểu chứ? Không phải là sắp xếp vào chung bởi tư tưởng. Một điều gì đó mà không thể diễn tả được, vô hạn, không thời gian. Chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả những điều đó. Nhưng các bạn không thể – người ta không thể đến được nó – hay là để cho nó hiện hữu nếu còn có sợ hãi, hay là mất đi những liên hệ đúng đắn, các bạn theo kịp chứ? Nếu bộ não của các bạn không được tự do khỏi tất cả những việc đó, bạn không thể nào hiểu được cái đó, cái khác lạ, đúng không? Bây giờ chúng ta được phép ngừng ở đây chứ?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]