Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Vua Pasenadi trở thành đệ tử tại gia

20/04/201100:32(Xem: 4305)
6. Vua Pasenadi trở thành đệ tử tại gia

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 03
Hai mươi năm đầu tiên (528-508 TCN)

VUA PASENADI TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ TẠI GIA

Việc ông Anàthapindika phát nguyện cúng dường Tăng chúng một tinh xá ở Sàvatthi (khoảng 110 km ở đông bắc Lucknow) khiến đức Phật phải khởi hành lên kinh đô nước Kosala không lâu sau cuộc đàm đạo với nhà đại phú này. Cuộc bộ hành của ngài theo lộ trình xe ngựa thông thường ngang qua Vesàli (Cv 6. 5. 1), thủ đô của cộng hòa Licchavì và có lẽ cũng qua kinh thành Kapilavatthu nữa, tuy thế biết rằng "Bụt nhà không thiêng", lần này ngài không dừng lại nơi đây nữa. Khi đến Sàvatthi, ngài an trú tại Jetavana (Kỳ Viên hay Thắng Lâm), nơi mà ông Anàthapindika vừa mới tậu được, và khu vườn ấy hiển nhiên mở rộng đón chư vị đại diện tất cả mọi giáo phái.

Sáng hôm sau, chúng Tăng thọ thực tại nhà ông Cấp Cô Độc và câu chuyện sau đây diễn ra:

Ông Cấp Cô Độc: Bạch Thế Tôn, chúng con sẽ phải sắp đặt mọi việc ở Kỳ Viên như thế nào?

Đức Phật: Hãy sắp đặt nơi đây cho Tăng chúng từ bốn phương trời, cả hiện tại lẫn tương lai nữa.

Ông Cấp Cô Độc: Lành thay, bạch Thế Tôn. (Cv 6. 9)

Lúc ấy ông không làm lễ rót nước lên tay chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu chủ, mà chỉ có lễ trao quyền sử dụng Kỳ Viên cho Tăng chúng, nhưng nhờ câu đối đáp khôn khéo của đức Phật, nơi này tiếp tục tồn tại thật lâu dài sau khi ngài diệt độ. Ông Cấp Cô Độc vẫn là sở hữu chủ hợp pháp của Kỳ Viên, nơi mà ông trao quyền tùy nghi sử dụng vào tay Giáo đoàn đức Phật như một vật cho mượn vĩnh viễn.

Mặc dù chuyện kể ông Cấp Cô Độc xây dựng ngay một tinh xá trong Kỳ Viên sau khi mua (Cv 6. 4. 10), và mặc dù ta có nghe nói đến việc xây dựng lần thứ hai sau khi ông Cấp Cô Độc trao quyền sử dụng vào tay Tăng chúng (Cv 6. 9. 1), hình như các ngôi nhà kiên cố không thấm nước chỉ được xây rất lâu sau đó nhiều năm. Mãi đến mười một năm sau (515 trước CN) đức Phật mới an cư mùa mưa tại Kỳ Viên, trừ vài lần tạm trú ngắn hạn trong các mùa khác. Từ năm 508 trở đi, ngài dùng Sàvatthi làm nơi an trú mùa mưa hằng năm và đã trải qua mười tám thời kỳ gió mùa tiếp tại Kỳ Viên Tinh Xá. Sáu mùa mưa khác ngài an trú tại Đông Viên Tinh Xá (Pubbàràma) cũng ở Sàvatthi, một ngôi nhà do nữ cư sĩ hào phóng Visàkhà Migàramàtà (Tỳ-xá-khư Lộc Mẫu) cúng dường.

Kỳ Viên ở khoảng 500 m phía tây nam thành Sàvatthi (Maheth ngày nay), hiện được gọi là Saheth. Các sách cổ miêu tả đó là vùng trồng nhiều cây rậm rạp che bóng mát, một phần là xoài. Trẻ con xưa thường chơi đùa gần công viên này, đôi khi vào lội nước trong cái ao đức Phật vẫn dùng để tắm rửa. Cái ao nay đã hư hỏng, nằm bên ngoài về phía đông vùng này lộ rõ cho du khách biết đường đến Saheth tức Kỳ Viên thuở xưa. Ngoài ra không còn di tích gì về các ngôi tinh xá thời đức Phật.

Trong đám dân chúng ở Sàvatthi không lảng tránh con đường tới Kỳ Viên để nghe đức Phật thuyết Pháp và thích thú diện kiến ngài (darsana) là Đại Vương Pasenadi nước Kosala, người vào độ tuổi bằng đức Phật. Vị vua này đến gần đức Phật với tâm trạng hoài nghi:

Vua Pasenadi: Thưa Sa-môn Gotama, có phải tôn giả tuyên bố đã chứng đắc Vô Thượng Giác Ngộ như một đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác chăng?

Đức Phật: Quả thật ta tuyên bố như vậy.

Vua Pasenadi: Trẫm biết các Sa-môn thượng thủ của các giáo phái, khi trả lời câu hỏi của trẫm, tất cả đều bảo chư vị không đạt vô thượng Giác Ngộ. Nay làm thế nào tôn giả có thể trở thành một bậc Đại Giác như thế, khi tôn giả còn quá trẻ tuổi và xuất gia chưa được bao lâu?

Đức Phật: Thưa Đại Vương, có bốn loại người và vật không được khinh thường vì trẻ tuổi: đó là: một vị quý tộc (Sát-đế-lỵ), một con rắn, một ngọn lửa và một vị Tỳ-kheo.(SN 3.1 lược thuật)

Nhà vua hiểu lời nói trên ám chỉ luôn đến tuổi trẻ của chính mình, nên rất cảm phục trước câu đối đáp linh lợi hoạt bát này và tuyên thệ làm đệ tử tại gia của đức Phật bằng cách phát nguyện Tam Quy.

Dù nay ta có tin việc vua Pasenadi quy y Phật diễn ra ngay sau buổi đàm thoại đầu tiên hay không, thì sự thật là niềm tin cẩn và thiện cảm thân hữu đã phát sinh rất nhanh giữa vị Đại Vương này và bậc Đại Sa-môn. Chỉ riêng Tương Ưng Bộ Kinh (SN 3) có không ít hơn hai mươi lăm Pháp thoại rải rác trong nhiều năm giữa hai vị, qua đó vua Pasenadi phát biểu các tư tưởng, nhận xét và kinh nghiệm của mình, rồi đức Phật nêu ra quan điểm của ngài.

Một vài Pháp thoại mang tính giáo dục của Đạo Sư đối với đệ tử, như trường hợp đức Phật xoa dịu nỗi thất vọng của nhà vua khi chánh hậu Mallikà (Mạt-lợi)của ông vừa hạ sinh một công chúa thay vì một hoàng nam mà ông hằng mong ước (SN 3.16), hoặc ngài an ủi nhà vua về việc tổ mẫu qua đời (SN 3.22), và giúp ông nhiếp phục sầu bi về sự từ trần của ái hậu Mallikà bằng cách suy tư đến tính bất khả kháng của mạng chung (AN 5.49).

Trong các trường hợp khác, đức Phật khuyên nhủ vua với tình thân hữu. Do vậy có chuyện ghi lại rằng vua Pasenadi là người thích hưởng cao lương mỹ vị đã phát triển một cái bụng phệ, có lần đến yết kiến đức Phật với dáng thở hổn hển mệt nhọc khiến đức Phật cảnh giác vị vua này:

Người nào luôn sống chú tâm,
Tỏ ra tiết độ, hộ phòng lúc ăn,
Dục tham người ấy giảm dần,
Giữ gìn sức khỏe, chậm tăng tuổi già.

Lập tức nhà vua ra lệnh cho vị thanh niên đang quạt hầu phải nhắc nhở mình vần kệ này trước mỗi buổi ăn (SN3.13).

Cũng giống như việc vua Bimbisàra công nhận Giáo Pháp đã khởi đầu sự thành tựu đột phá trong việc truyền đạo ở quốc độ Magadha, nay việc giáo hóa vua Pasenadi cũng bảo đảm cho sự thành tựu tốt đẹp đồng đẳng ở quốc độ Kosala. Tin "Đại Vương quy y Giáo Pháp của Sa-môn Gotama"lan rộng nhanh như ngọn lửa rừng, chẳng bao lâu đến tận các nước cộng hòa chư hầu, gồm cả xứ sở của bộ tộc Sakiya nữa.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]