Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5: Nhà phù thủy thành Cairo

08/03/201103:08(Xem: 5862)
Chương 5: Nhà phù thủy thành Cairo

AI CẬP HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 5: NHÀ PHÙ THỦY THÀNH CAIRO

Tại Cairo, người ta sống trong hai thế giới khác nhau. Bạn lọt vào thế giới Ả Rập khi từ công trường trung ương Ataba el Khadra bạn đi về phía đông. Bạn lọt vào thế giới Âu Tây hiện đại nếu bạn đi ngược lại chiều hướng trên. Một sự sống lạ lùng hỗn hợp Đông phương với Tây phương, thời trung cổ với thời kỳ hiện đại, màu mè sặc sỡ và sự sống cẩu thả, thiếu vệ sinh, cùng với sự ngăn nắp sạch sẽ chung lộn nhau dưới cái nhịp độ sinh hoạt thực tế hằng ngày.

Chính tại Cairo mà tôi khám phá hằng hà sa số những pháp sư, phù thủy và đồng tử, nhà tiên tri và chiêm tinh gia, thầy bói và tướng số, tu sĩ và thuật sĩ... gồm những thành phần rất đông đảo và đủ mọi hạng. Chính phủ Ai Cập đã ra lịnh cấm phần nhiều những hoạt động của họ, và áp dụng những biện pháp hạn chế. Mặc dầu tôi vẫn có thiện cảm với những người thuộc thành phần kể trên, tôi phải nhìn nhận rằng chính phủ hoàn toàn có lý khi áp dụng biện pháp gắt gao đối với họ.

Những tay bợm bãi thường lừa bịp người mê tín nhẹ dạ. Những người buôn thần bán thánh dễ thuyết phục nhiều người sẵn sàng nghe theo họ. Những kẻ tiên tri giả mạo thường làm cho công chúng tin tưởng vào sự lầm lạc của họ. Người ta không thể lường được đúng mức những tổn hại mà các ông thầy bói và tướng số sẽ gây ra cho những thân chủ quá thật thà, thường vịn theo những lời bói toán, tiên tri để làm kim chỉ nam cho cách sinh hoạt và xử thế cũng như những quyết định của mình. Tuy vậy, người ta cũng biết khá đủ về những tệ đoan mà họ đã gây nên, đủ làm cho chính phủ phải can thiệp.

Nhưng dù sao thì trong số những thành phần ấy cũng có một số nhân vật làm cho tôi thích thú ngoài phạm vi hành nghề của họ. Đó là một nhà phù thủy đã làm chết con gà mái ngay trước mắt tôi bằng những câu thần chú của khoa pháp môn; một nữ phù thủy người Soudan, đã nói chính xác rằng xứ Ấn Độ là nơi tôi đã trải qua một thời gian rất may mắn tốt lành, và sau đó cũng tiên đoán vài điều đáng chú ý về tương lai; một thanh niên Ai Cập theo đạo Gia Tô và là người gốc ở xứ Syrie, luôn tin chắc rằng anh ta là hậu thân của thánh Elie và đã chọn sống một cuộc đời ẩn dật lánh xa thế tục giống như vị thánh tiên tri ấy; một ông lão dị kỳ sống với gia nhân trong tòa nhà lớn bên cạnh một ngôi đền Hồi giáo, và sống tách rời thế gian đến nỗi hầu như đã dùng hầu hết thì giờ của mình để nói chuyện với các vong linh bí mật; một phụ nữ rất can đảm, bất chấp lịnh cấm của vua Ibn Séoud, đã lén quay phim tại thánh địa Mecca, nhưng về sau lại muốn học hỏi các vấn đề đạo lý với những bậc danh sư thượng thặng; nhà thuật sĩ trứ danh Tahra Bey, không ngần ngại cắm một lưỡi dao găm vào cổ họng mình hoặc vào ngực trên chỗ quả tim mà không hề hấn gì cả, thậm chí cũng không thấy chảy máu...

Vẫn còn một số những nhân vật khác nữa cũng làm cho tôi phải chú ý, nhưng tôi không thể mô tả hết thảy bọn họ với đầy đủ chi tiết, mà chỉ kể có thể sơ lược ở đây những chuyện về một vài người đáng lưu ý nhất.

Một khía cạnh khác của đời sống ở Cairo cũng rất hấp dẫn đối với tôi. Đó là khía cạnh tôn giáo, vì thành phố này cũng đã từng là trung tâm truyền bá nền văn minh Hồi giáo trong khoảng trên một nghìn năm.

lll



Tôi tìm thấy chỗ ở của nhà phù thủy vào một buổi trưa hè oi bức, sau khi đã đi tìm đường rất lâu và mất rất nhiều công phu dọ hỏi. Tôi đi theo một con đường lớn vẫn còn lót bằng những tảng đá rất xưa cũ, đến một khu xóm ồn ào, cũ kỹ, bình dân, với những con đường hẹp quanh co chen chúc nhau giữa ngôi đền Hồi giáo El Azhar và khu nghĩa địa âm u Bab el Wazir.

Một đoàn lạc đà nối đuôi nhau đi vào thành phố. Mỗi con lạc đà đều có treo trên cổ một cái lục lạc đồng, khiến cho cuộc diễu hành của chúng phát ra những âm thanh nghe rất vui tai.

Để tìm được địa chỉ của nhà phù thủy, tôi vạch một lối đi xuyên qua nhiều ngõ ngách tối tăm, quanh co lẩn khuất như chốn mê cung, với nhiều lối đi chật hẹp đến nỗi nền trời hầu như chỉ xuất hiện qua những khe hở không đều đặn giữa những nóc nhà hai bên đường. Tuy nhiên, ánh nắng rọi xuống những lối đi chật hẹp đó cũng đủ tạo nên một khung cảnh chỗ sáng chỗ tối trông rất ngoạn mục.

Sau cùng, tôi đi vào một con đường khúc khuỷu đưa đến nhà của người mà tôi tìm kiếm, xuyên qua những lớp bụi trắng rất dày mà những ngọn gió đã mang đến từ những ngọn đồi khô khan nhô lên ở vùng ngoại ô thành phố.

Ngôi nhà rộng lớn và có vẻ cũ kỹ, mặt tiền xây bằng những tảng đá dài sơn phết màu mè sặc sỡ, và trên gác có nhiều cửa sổ. Tôi đợi một lát thì có một đứa trẻ độ mười bảy tuổi ra chào hỏi với một giọng do dự:

– Thưa ông muốn hỏi ai?

Khi tôi nói đích danh nhà phù thủy thì người thiếu niên lùi bước với vẻ ngạc nhiên. Hẳn là trong số những thân chủ của nhà này không có nhiều người Âu. Người thiếu niên nói:

– Ông muốn tìm cha tôi ư? Có chuyện gì, xin ông cho biết?

Tôi nói ý định của mình và đưa ra một tờ giấy giới thiệu viết bằng bút chì. Khi anh ta nhìn thấy chữ ký trên tờ giấy, đôi mắt anh ta lập tức sáng lên. Anh ta mời tôi vào nhà, đưa vào phòng khách và chỉ một cái giường cây có lót vải trắng, mời tôi ngồi.

Kế đó, anh ta nhanh nhẹn bước lên lầu và trở xuống ngay. Tôi nghe có tiếng chân người lê những bước chậm chạp, và người thiếu niên bước vào phòng, theo sau là một người thân hình to lớn nhưng đã già, trạc độ sáu mươi tuổi. Người này vừa bước vào đã đưa tay lên trán để chào tôi theo lối bản xứ. Ông ta choàng trên đầu một chiếc khăn trắng phủ xuống tận vai, để một mái tóc đen như huyền. Nét mặt ông ta rất già dặn và biểu lộ một tính tình cởi mở, tốt bụng, với râu mép khá rậm nhưng bộ râu dưới cằm thì thưa thớt. Đôi mắt ông ta lớn nhưng hầu như luôn nhìn xuống đất và hai mí mắt nheo lại. Ông ta ra hiệu mời tôi cứ ngồi yên tại chỗ đó và ông thì đến ngồi trên một chiếc ghế lớn.

lll

Với vài lời vắn tắt, nhà phù thủy bày tỏ sự hân hạnh được tôi đến viếng, và mời tôi dùng nước trước khi vào đề câu chuyện. Tôi cám ơn, nhưng vì biết rõ tập quán bản xứ nên tôi yêu cầu ông ta đừng mang cà phê đến, vì tôi không dùng loại nước ấy. Ông ta liền mời tôi dùng trà của xứ Ba Tư, một loại trà rất ngon, và tôi vui vẻ nhận lời.

Trong khi chờ đợi, tôi định hỏi qua nhà phù thủy đôi điều về đời tư của ông ta, nhưng chẳng được kết quả gì. Ngoài vài lời trao đổi ngắn ngủi theo phép lịch sự tối thiểu, ông ta không chịu tiết lộ bất cứ điều gì về cuộc đời của mình. Trái lại, ông ta xoay chiều câu chuyện và đưa ra vài câu hỏi về mục đích của tôi.

Tôi trả lời thành thật và không do dự. Trong khi đó, người gia bộc đã dọn ra những thức ăn đặc biệt của Ai Cập, gồm có những khoanh bánh ngọt làm bằng bột mì trộn với mật ong và chiên vàng, chuối và những chén trà Ba Tư thơm phức. Khi chủ nhà hiểu rằng việc sưu tầm của tôi không có mục đích chế nhạo hoặc ác ý gì khác, ông ta trở nên rất cởi mở. Nhưng, dưới cái lớp nhã nhặn lịch sự bên ngoài đó, tôi nhận thấy ông vẫn luôn dè dặt kín đáo, dường như không muốn tiết lộ cuộc đời mình cho một người khách lạ.

Rồi bỗng nhiên ông ta thay đổi thái độ và đề nghị cho tôi xem một vài bí thuật phù thủy. Ông ta nói:

– Ông hãy đưa cho tôi cái khăn mù xoa.

Tôi đưa khăn cho ông ta, ông ta cầm lấy rồi trả lại tôi và nói:

– Được rồi. Bây giờ ông hãy xé nó ra làm hai mảnh.

Tôi làm theo lời. Ông ta cầm lấy một mảnh khăn và viết trên đó vài dấu hiệu nguệch ngoạc bằng một cây viết mực. Xong rồi, ông ta xếp mảnh khăn lại đưa cho tôi, và yêu cầu tôi để trong một cái dĩa nhỏ bằng đồng ở cạnh tôi trên giường cây. Tôi theo dõi mọi việc với ít nhiều sự thích thú. Nhà phù thủy cầm một mảnh giấy và vẽ trên đó một hình tam giác lớn. Trong hình tam giác đó, ông ta vẽ vài dấu hiệu bí mật và vài chữ Ả Rập. Xong, ông ta đưa cho tôi mảnh giấy và bảo tôi để lên trên cái khăn đã xếp làm tư. Rồi ông ta nói lầm thầm trong vài phút một thứ ngôn ngữ dị kỳ khó hiểu, hai mắt nhắm nghiền.

Rồi thình lình ông ta mở mắt ra. Ngay khi đó, cái khăn bị xé hai bốc cháy trên cái dĩa đồng bên cạnh tôi. Ngọn lửa bốc lên cao làm tôi ngạc nhiên, và trở thành một luồng khói dày đặc bay khắp phòng. Khói làm tôi ngộp thở và cay mắt. Tôi bèn vội vã đứng dậy đi ra cửa, thì nhà phù thủy đã ra đến đó trước tôi. Ông ta gọi người gia bộc mở hết các cửa sổ cho bớt khói. Phải chăng đó là tác dụng của khoa phù thủy, hay chỉ là một trò ảo thuật dùng những hóa chất bắt lửa?

Tôi không băn khoăn lắm về việc ấy, vì tôi không thấy cần một sự chứng minh để làm gì. Nhưng ông lão tỏ vẻ rất hãnh diện về cái kỳ công đó. Tôi hỏi:

– Ông đã đốt cái khăn bằng cách nào?

– Bằng cách sai khiến âm binh.

Đó là câu giải thích của ông ta, và như vậy cũng giống như chẳng giải thích gì cả, nhưng tôi không hỏi thêm gì nữa. Vì ở Ai Cập người ta thường dùng cách đó để giải thích những điều mầu nhiệm ngoài lãnh vực tự nhiên. Nhà phù thủy bảo tôi:

– Ông hãy trở lại đây sau ba ngày, nhưng đừng quên đem theo một con gà lông trắng. Tôi nhận thấy nơi ông có một điều gì đó mà tôi rất thích, vì thế tôi vui lòng giúp ông một việc. Ông hãy nhớ đem một con gà tơ, đừng già quá, và phải có lông trắng.

Tôi nghĩ đến những tay phù thủy châu Phi thường cắt cổ gà trống trắng rồi phóng tia huyết gà lên đầu những thân chủ của họ, nên tôi từ chối lời đề nghị của ông này. Nhưng ông ta khẩn khoản mời mọc tôi nhiều lần và nói thêm rằng nghi thức phù thủy này có bàn tay của một vị thần linh rất cao sẵn sàng hành động để phò trợ cho tôi. Nhưng tôi vẫn một mực từ chối.

Sau cùng, tôi nói cho ông ta biết rằng loại nghi thức này làm cho tôi ghê tởm, và tôi thà không có được những sự lợi ích mà ông ta đã gán cho việc hành lễ ấy. Nhà phù thủy liền bảo đảm rằng sẽ không có việc đổ máu trong nghi thức này. Nghe như thế, tôi đồng ý.

lll

Một lần nữa, tôi lại đi qua những con đường nhỏ hẹp đưa đến chỗ ở của nhà phù thủy. Lần này, tôi đi qua chợ bán gà vịt ở phía sau công trường Ataba el Khadra và mua một con gà mái tơ lông trắng. Tôi ôm con gà trong tay và cảm thấy hơi thở ấm của nó dưới lòng bàn tay tôi. Tôi tự hỏi không biết lão phù thủy sẽ dành cho nó một số phận ra sao.

Khi tôi đến nơi, lão phù thủy không còn dè dặt nghiêm nghị như hôm trước mà mỉm cười rất cởi mở. Ông ta bảo tôi để con gà ở giữa tấm thảm trải trên nền gạch rồi bước qua ba lần trên một lư hương đốt trầm nghi ngút ở góc phòng. Sau khi đã bước qua đủ ba lần trên làn khói trầm thơm phức, tôi đến ngồi trên giường cây và nhìn chủ nhà. Nhà phù thủy lấy ra một tờ giấy, vẽ trên đó một hình vuông chia làm chín ô vuông nhỏ. Trong mỗi ô vuông đó, ông ta vẽ một dấu hiệu thần bí hoặc một chữ Ả Rập.

Kế đó, ông ta niệm lầm thầm, một câu thần chú và đôi mắt vẫn luôn nhìn chăm chú vào con gà. Thỉnh thoảng, ông ta đệm thêm vào những câu thần chú ấy một cử chỉ ngắn như ra lệnh bằng ngón tay trỏ. Con vật bắt đầu sợ hãi và chạy trốn vào một góc phòng, chui núp dưới một cái ghế. Khi đó, nhà phù thủy bảo tôi bắt con gà lại và để nó ở giữa tấm thảm như cũ. Tôi nói là không muốn sờ mó vào con gà một lần nữa.

Khi ấy, người con trai ông lão vừa bước vào phòng, liền đến bắt con gà và để lại chỗ cũ. Con gà lại bắt đầu tỏ vẻ sợ sệt và lại muốn chạy vào góc phòng. Nhưng lão phù thủy khi ấy, bằng một giọng mạnh mẽ, ra lịnh cho nó nằm yên. Con gà bèn nằm im lập tức.

Lúc ấy, tôi nhận thấy toàn thân nó run lên, và những lông trên mình nó dựng lên. Nhà phù thủy lại mời tôi bước qua ba lần trên cái lò đốt trầm. Khi tôi trở lại ngồi trên giường cây, con gà không nhìn vào lão phù thủy nữa, mà hai mắt nó nhìn về phía tôi cho đến lúc cuối cùng. Khi đó tôi nhận thấy một sự lạ lùng. Hơi thở của con gà trở nên nặng nề và khó khăn, mỗi hơi thở chỉ còn là một cơn thở dài và hổn hển, mỏ nó há ra luôn, dường như đang cố gắng để đem không khí vào phổi. Nhà phù thủy bèn đặt lá bùa dưới đất ở một bên nó, rồi lui gót một cách nhẹ nhàng về phía cánh cửa mở.

Ông ta đứng lại nơi đó và vừa đọc thần chú vừa nhìn thẳng vào con gà. Những câu thần chú của ông ta lên giọng như ra lịnh, và dần dần con gà càng lúc càng uể oải như sắp tắt thở. Nó cố gắng một lần chót để đứng dậy nhưng lại té ngã xuống vì kiệt sức. Vài phút trôi qua, nó giật mình vài cái, hai cánh vỗ một cách yếu ớt. Những cử động của nó yếu dần rồi dứt hẳn. Thân mình nó cứng đơ, rồi đến cái đầu, và tôi nhận thấy con gà nóng hổi mà tôi vừa đem đến nửa giờ trước đây nay đã thành một cái xác chết.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, không thốt ra được một lời nào và có một cảm giác như buồn nôn. Lão phù thủy yêu cầu tôi để cái khăn tay trên xác con gà, và nói với một giọng lạ lùng:

– Khoa pháp môn đã thành công hoàn toàn. Kể từ nay, vị thần linh đã giết con gà này sẽ phù trợ cho ông. Đôi khi tôi cũng đã làm một nghi thức như thế mà con gà không chết, đó là vì thần linh từ chối không chịu phò trợ cho thân chủ của tôi.

Tôi quan sát nhà phù thủy đáng sợ này suốt buổi hành lễ và thấy y luôn luôn nhìn xuống đất. Y giải thích thái độ đó như sau:

– Khi tôi niệm chú hô thần để kêu gọi một vị, và khi thần linh đã xuất hiện để chịu cho tôi sai khiến, thì không bao giờ tôi nhìn thẳng vào y. Đó là một trong những qui luật phải tuân theo. Nhưng cuộc lễ hy sinh này chưa phải đã xong. Ông còn có bổn phận gói xác con gà lại và đem về nhà cho đến ngày mai, đợi đến lúc nửa đêm, ông sẽ đi đến cầu Kasr el Nil và liệng xác nó xuống sông. Trong khi đó, ông hãy đưa ra một lời ước nguyện, và có ngày thần linh sẽ giúp ông đạt được ý muốn.

Cái khăn của tôi không đủ để gói xác con gà. Tôi thấy trong phòng có một tờ báo, tôi bèn dùng nó để gói lại. Về đến nhà, tôi đưa cái gói cho tên gia bộc Ả Rập còn trẻ tuổi của tôi, và dặn y không nên mở gói ra cũng đừng sờ mó gì đến nó cho đến đêm sau. Nhưng lời dặn này là thừa. Tôi chỉ nói thoáng qua rằng con gà đã bị hy sinh do bàn tay của một nhà phù thủy và không phải dùng để ăn. Tên gia nô lùi lại trong sự sợ hãi, và kể từ lúc ấy, y tránh không đến gần con gà.

Chiều đến, tôi ra tiệm dùng cơm với hai người bạn, một người Mỹ và một người Ai Cập. Tôi thuật lại cho họ nghe chuyện con gà bị hy sinh bằng khoa phù thủy. Họ quả quyết rằng con gà bị giết bằng những phương pháp khác hơn là khoa pháp môn. Về phần tôi, tôi không bày tỏ ý kiến gì mà chỉ giữ kín quan niệm của tôi. Khi tôi thuật lại tất cả các chi tiết, họ phá lên cười, và con gà trở thành đề tài chính của câu chuyện giữa chúng tôi trong buổi tối hôm đó.

Tôi phải thú nhận rằng tôi cũng đã mỉm cười khi tôi nghe những câu nói đùa châm biếm của những ông bạn tôi về nhà phù thủy vắng mặt. Họ dùng ông ta làm cái bia cho những sự chỉ trích và bỡn cợt rất ngộ nghĩnh. Thình lình tất cả đèn đuốc đều tắt phụt trong tiệm ăn, chúng tôi còn đang ăn dở bữa chưa xong. Tất cả những cố gắng của người chủ tiệm vẫn không thể nào làm cho đèn cháy lại được. Sau cùng người chủ tiệm phải cho thắp đèn cầy, và bữa ăn tối hôm ấy kết thúc dưới ánh đèn nửa mờ nửa tỏ.

Người bạn Ai Cập của tôi, cựu sinh viên trường Đại Học Sorbonne và có tiếng là một con người đa nghi, bèn mất đi trong một lúc sự hài hước đùa cợt của anh ta.

– Chính nhà phù thủy của anh đã làm chuyện ấy!

Anh ta nói với một giọng có vẻ giễu cợt bề ngoài, nhưng tôi thấy bên trong có tiềm ẩn một chút lo ngại. Có thể rằng cầu chì tình cờ bị nổ làm tắt điện, điều ấy đã hiển nhiên. Nhưng việc này xảy ra trong những hoàn cảnh làm cho tôi nhớ lại hai sự việc khác đã xảy ra một cách lạ lùng trong những trường hợp tương tự.

Việc thứ nhất là trường hợp của chính cá nhân tôi, còn việc thứ hai được văn hào trứ danh Robert Hichens thuật lại cho tôi, vì ông có quen thân với nhân vật chính trong câu chuyện.

Câu chuyện thứ nhất xảy đến cho tôi từ nhiều năm trước, khi tôi đang theo đuổi một cuộc sưu tầm về những giáo phái xuất hiện vào thời kỳ đó ở khắp châu Âu và châu Mỹ. Một trong những chi phái đó do sự điều khiển của một phần tử bất hảo, một cựu linh mục đã bị trục xuất khỏi Giáo hội, nhưng ông ta là một nhân vật có quyền năng và kiến thức rộng. Do sự điều tra, tôi được biết rằng ông ta có thuật thôi miên rất mạnh và thường lợi dụng thuật ấy để đạt những mục đích tà vạy, khai thác và làm tiền những kẻ nhẹ dạ mê tín. Thay vì cảnh cáo những người mà tôi quen biết trong số các nạn nhân của ông ta, tôi vẫn giữ kín sự khám phá của tôi, vì tôi tin rằng những kẻ bất lương sớm muộn gì cũng phải đền tội. Yếu tố quyết định đã xảy đến dường như do sự tình cờ, khi tôi gặp ở ngoài đường vào lúc mười giờ đêm, một thiếu phụ vợ của một người mà tôi quen biết rõ. Cách đi đứng của bà ta có vẻ lạ lùng làm cho tôi phải ngừng bước giữa đường để hỏi chuyện, và tôi vô cùng ngạc nhiên mà nghe nói rằng bà ta đang đi đến nhà của người thầy dòng tu để ngủ đêm tại đó. Tôi đưa bà ấy đến cột đèn gần nhất và dưới ánh sáng đèn điện, tôi quan sát cặp tròng trắng và con ngươi trong đôi mắt của bà ta, thì thấy rằng bà ta đã hoàn toàn bị thôi miên. Tôi thấy có bổn phận phải giải tỏa phép thôi miên cho bà ấy ngay lập tức và thuyết phục bà hãy trở về nhà.

Qua hôm sau, tôi đến viếng một người bạn Ấn Độ để hỏi ý kiến của ông ta về vấn đề này. Tôi thuật lại cho ông ta nghe rõ tất cả những điều tôi khám phá về hành động bất lương của tên lưu manh nọ, và nói rằng theo ý tôi một người như thế thật là quá nguy hiểm nếu để cho họ được tự do làm hại kẻ khác.

Người bạn Ấn Độ đồng ý với tôi và còn tỏ ra vô cùng phẫn nộ, đề nghị trừng phạt tên lưu manh bằng một sự trù ẻo nặng nề. Tôi biết rõ người bạn tôi đã được thụ huấn về môn Yoga của Ấn Độ và về những bí thuật khác của các nhà đạo sĩ Đông phương, và một sự trù ẻo xuất phát từ cửa miệng của y không phải là chuyện tầm thường.

Xét thấy rằng sự trừng phạt đó hơi quá đáng đối với trường hợp này, tôi liền nói rằng ông ta có thể hành động theo ý muốn, nhưng theo tôi thì nên dùng một phương pháp nhẹ hơn, chỉ cần làm cho tên bất lương phải bỏ xứ ra đi mà không dám trở về. Người Ấn Độ đồng ý, nhưng cho biết là điều đó cũng không ngăn cản ông ta thốt ra một lời nguyền rủa, và sự thật là ông ta đã làm như vậy.

Sau đó tôi đi tìm tên đạo đức giả kia và thấy hắn ta đang tụ họp một số đệ tử đông đảo trong một gian phòng hẹp, và nơi đó đang diễn ra một sự hỗn loạn khó tả trong đêm tối dày đặc. Mọi người đang chen lấn xô đẩy nhau để tìm lối ra, những kẻ bị té ngã thốt ra tiếng kêu la ầm ỉ. Nhưng giữa cơn náo loạn ồn ào bỗng vang rền tiếng kêu thất thanh của tên giáo chủ bịp bợm, biểu lộ một sự vô cùng sợ hãi và tuyệt vọng:

– Ác quỷ có mặt ở đây! Đó là do bàn tay của ác quỷ!

Tôi bật vài cái diêm quẹt, thì thấy y nằm dài trên cái bục gỗ, dường như đang bị chứng động kinh và mê man bất tỉnh. Người ta thắp đèn cầy lên. Những đệ tử của ông ta lập tức đưa ông ta sang một khách sạn gần bên, và cố gắng làm cho ông ta tỉnh dậy bằng một thứ nước uống quen thuộc của ông ta là rượu whisky.

Trong khi đó, những người khác thuật lại cho tôi nghe những gì đã xảy ra. Tất cả các môn đồ đang ngồi trên ghế, lắng nghe vị giáo chủ của họ thuyết giảng, thình lình tất cả những bóng đèn điện đều nổ tung cùng lúc với một sức mạnh mãnh liệt như tiếng bom nổ. Những mảnh vỡ của các bóng đèn bắn tung ra tứ phía. Gian phòng bị đắm chìm trong bóng tối, và giữa cơn hỗn loạn kinh khiếp, họ nghe tiếng thầy họ té ngã một cách nặng nề trên bục gỗ và thốt ra những tiếng kêu thất thanh vì kinh hãi.

Tôi bèn theo sang bên khách sạn, viết một bức thông điệp ngắn rồi bỏ trong một bao thư có niêm phong cẩn thận. Tôi đưa bức thư đó cho người đệ tử lớn nhất của hắn ta và yêu cầu người này hãy chuyển lại cho thầy khi nào ông ta tỉnh dậy và có thể đọc được.

Đó là một bức tối hậu thư, buộc ông ta phải rời khỏi thành phố này trong vòng hai mươi bốn giờ và không được trở lại nữa, nếu không, cảnh sát sẽ truy nã ông ta.

Quả thật, ông ta lập tức ra đi, và độ một năm sau thì tôi nghe tin là ông ta đã chết nơi một ngôi làng nhỏ hẻo lánh. Nhưng điều lạ lùng nhất trong câu chuyện này là gian phòng bị tắt điện tối om đúng vào lúc mà cuộc lễ trù ẻo của người Ấn Độ bạn tôi lên đến mức độ hữu hiệu tuyệt đối!

Câu chuyện thứ hai có liên quan đến Huân tước Carnavon, nhà khảo cổ đã khai quật lăng tẩm của vua Toutankhamon. Cả thế giới đều biết câu chuyện hi hữu về sự khám phá dị kỳ này, và ai cũng biết rằng chỉ ít lâu sau khi thành công, nhà khảo cổ Anh này đã mắc phải chứng nhiễm độc máu. Người ta cũng biết rằng người cổ Ai Cập đã trù ếm những kẻ nào xâm phạm đến ngôi lăng tẩm này. Vì chứng bịnh bạo phát, người ta phải đưa Huân tước Carnavon đến Cairo để được điều trị bằng những phương liệu y khoa tốt nhất mà thành phố ấy có thể cung cấp.

Người ta đưa ông Carnavon vào khách sạn Continental Savoy, một trong những khách sạn lớn nhất của Cairo. Một buổi tối, ít lâu sau khi ông ta được đưa vào đây, tất cả các ngọn đèn điện đều cùng lúc vụt tắt. Đêm tối kéo dài gần một giờ. Khi đường dây điện được thiết lập lại, người nữ y tá săn sóc cho Huân tước Carnavon thấy ông ta đã chết trên giường bệnh!

Bây giờ, tôi sẽ trở lại với chuyện con gà. Hôm sau, vào lúc nửa đêm, người dân Cairo nhìn thấy có một người tay ôm cái gói nhỏ lững thững đi qua cầu Kasrel Nil. Đến giữa cầu, anh ta có vẻ ngập ngừng, chờ đợi lúc thuận tiện để thi hành một việc gì đó dường như rất bí mật. Việc ấy không phải dễ làm như người ta có thể tưởng, vì chiếc cầu này ở ngay trung tâm khu vực người Âu. Có một trại lính Anh nằm ở một bên đầu cầu, và ở phía bên kia là tổng hành dinh của viên Cao ủy Anh, có cảnh sát canh gác nghiêm ngặt thường xuyên. Vào giờ này mà ném từ trên cầu một vật khả nghi bọc bằng giấy xuống giòng sông đen ngòm, nếu có bất cứ ai nhìn thấy hẳn sẽ phải kết luận ngay rằng đó là một kẻ sát nhân, hoặc ít ra cũng đang có một âm mưu gì mờ ám, toan vất bỏ một mảnh thi hài của người chết hay một vật chứng nào đó để phi tang.

Tuy nhiên, tôi – vì người đó không ai khác hơn chính là tôi – cũng có dịp quăng cái gói xuống sông từ trên lan can cầu. Khi nó rơi xuống nước với một tiếng bõm, tôi thở phào một cái nhẹ nhõm và rảo bước đi ngay một cách an toàn. Tên gia bộc Ả Rập của tôi đã tạ ơn Allah khi thấy tôi trở về nhà bình yên. Anh ta có vẻ sung sướng như một con mèo vừa bắt được con chuột đầu tiên.

lll

Trong những cuộc thăm viếng kế tiếp, tôi cố gắng yêu cầu nhà phù thủy giải thích những phương pháp của y với nhiều chi tiết hơn, để có thể biết xem đó có phải là những trò ảo thuật hay không? Nhưng ông lão phù thủy này không muốn đề cập tới vấn đề ấy, và đắm chìm trong những cơn im lặng kéo dài dường như đã lọt vào một thế giới khác, có lẽ là thế giới của quỉ thần.

Tôi hiểu rằng thật rất khó làm cho một người kín đáo trầm lặng như thế mở miệng để nói chuyện tâm tình cởi mở với mình. Vì thế, tôi quay sang trò chuyện với người con trai của ông lão và nhờ anh ta trả lời những câu hỏi của tôi. Một ngày nọ, anh ta đã cho tôi biết rằng cha anh ta không hề nói cho bất cứ một người nào biết về những bí mật của ông ta. Chính người con trai này cũng đã từng hỏi cha về những điều bí mật đó từ lâu để anh ta có thể nối nghiệp, nhưng luôn bị từ chối. Ông lão cho biết rằng, nghề phù thủy là một nghề vừa khó thực hành lại vừa rất nguy hiểm. Ông lão đã thuật cho con trai nghe câu chuyện của một nhà phù thủy nọ, sau khi kêu gọi một vị thần để sai khiến, xong việc rồi thì không thể làm cho vị thần kia biến mất! Kết quả là vị thần kia chống lại ông ta và gây cho ông ta những sự đau khổ kinh khủng! Đó là một thí dụ của những sự khó khăn trong nghề vẫn thường xảy ra.

Hiện nay, người con trai ông đang theo học luật khoa, một ngành hoạt động ít nguy hiểm hơn nhiều so với khoa phù thủy. Thế là tôi không thể nào hy vọng được nghe nhà phù thủy già tiết lộ những bí mật của ông, dù là thật hay giả. Vì chính cái màn bí mật này đã bảo đảm cho quyền năng và danh tiếng của ông ta. Tôi đành thôi không dò hỏi thêm gì nữa.

Đó cũng là một sự tự nhiên nếu nhà phù thủy không thấy cao hứng để tiết lộ những điều có ảnh hưởng đến tiếng tăm và sự nghiệp của mình. Nhưng nếu tôi không thể làm cho y cởi mở tấm lòng, thì tôi nghĩ là có thể thuyết phục y nói cho tôi nghe những lý thuyết đại cương, và do đó tôi có thể học hỏi được những gì bí ẩn phía sau những câu chuyện mà người Ai Cập thường truyền tụng về các thần linh.

Trong khi tôi nói chuyện với người phù thủy thì tôi nghe xuyên qua cửa sổ tiếng trống nhịp nhàng đều đặn vọng lại từ một nhà gần bên. Bên nhà láng giềng, một tay phù thủy Ả Rập hạng trung bình đang cố gắng dùng những câu thần chú và tiếng trống để đuổi tà ra khỏi xác thân một người bệnh mà ông ta cho là bị quỷ phá. Nhà phù thủy thấy tôi đang ngẫm nghĩ, bèn nói:

– Những dân tộc của các ông bên Tây phương không tin khoa pháp môn cổ truyền của chúng tôi, bởi vì khoa này sử dụng những sức mạnh của thần linh.

Tôi im lặng. Tôi hiểu thái độ tư tưởng của một người phương Đông một cách dễ dàng, nếu không, tôi đã không bao giờ chú ý đến những xứ này. Ở đây, người ta cho rằng thần linh ở khắp mọi nơi. Nếu một người bị đau ốm, hay bị một điều tai họa, đau khổ, đó là vì họ bị hung thần nhập xác hay ám ảnh cuộc đời họ. Nếu họ được giàu sang hay quyền thế, đó là vì họ được sự phò trợ, giúp đỡ của một vị thần hộ mạng tốt lành. Sau cùng tôi hỏi nhà phù thủy:

– Những vị thần đó như thế nào?

Tôi đã hỏi đúng lúc, vì y đang vui vẻ. Y đáp:

– Ông nên biết rằng những vị thần linh đó có thật, tuy rằng người thời nay đã mất đi khả năng nhìn thấy họ bằng mắt thường. Cũng như trong cõi vật chất có loài động vật, thì trong cõi vô hình cũng có những nhân vật tâm linh, không phải người chết, mà họ có xuất xứ tự trong cảnh giới tâm linh. Đó là những thần linh. Tuy thế, ta đừng lầm họ với những linh hồn thú vật, vì họ có một tính chất khác hẳn. Vài vị thần có trí khôn như người, có những vị tốt lành như các bậc thánh, cũng có những hạng khác là hung thần, ác quỷ. Nói chung những nhân vật trong cõi tâm linh có thể chia làm ba hạng chính: thần linh, nhân loại và thiên thần. Các thiên thần thuộc về hạng tốt lành, không hề sống trên mặt đất. Những hạng thần linh gồm cả thiện lẫn ác, cũng không hề sống trên thế gian. Còn hạng nhân loại thì đó là những người, nam hay nữ, đã từng sống ở thế gian và rời bỏ xác thân sau khi chết. Cũng như loài vật có bổn phận phụng sự loài người ở cõi thế gian, như loài chó, ngựa, lạc đà được tập luyện để biết vâng lời sai khiến của con người, thì một vài loại thần linh có thể để cho người sử dụng và sai khiến trong cảnh giới vô hình hoặc hữu hình. Khoa pháp môn thời cổ, cũng như khoa pháp môn của một vài nhà phù thủy chân chính hiện còn sống vào thời đại này, có phần chính yếu là làm thế nào để kêu gọi sự trợ giúp của những hạng thần linh ấy. Nói tóm lại, đó cũng là một loại thần linh.

Tôi không kiềm được, lên tiếng cắt ngang để hỏi:

– Người ta dùng phương pháp nào để có được sự trợ giúp đó?

– Trước hết, cần phải biết tên mỗi vị thần để có thể ra lệnh cho họ. Kế đó, phải viết trên một tờ giấy như một lá bùa gồm có tên của vị thần, một đoạn kinh Coran, một số hệ thống lồng trong khung của một sơ đồ, thường là một hình vuông hay hình tam giác. Điều thứ ba là phải đốt các loại hương trầm, mà thành phần các chất hương liệu sẽ thay đổi tùy theo tính chất của vị thần mà mình muốn kêu gọi. Điều thứ tư là phải đọc những câu thần chú. Sau cùng, phải có cái quyền năng mà nhà phù thủy tiếp nhận được trong khi làm lễ thụ huấn do thầy ban cho.

Nhà phù thủy ngưng một chút rồi nói tiếp:

– Nhưng muốn có được cái bản lĩnh đó, người học trò khoa pháp môn phải trải qua một thời kỳ tập sự lâu dài và nguy hiểm. Bởi đó, khoa pháp môn bao giờ cũng vẫn là sở đắc của một số rất ít người. Tôi có thể trình bày cho ông biết những sự tin tưởng của chúng tôi, như tôi đang nói trong lúc này, nhưng còn tiết lộ những bí thuật có một giá trị thật sự, thì tôi đã có lời thề với thầy tôi là không bao giờ làm điều đó, trừ khi nào tôi truyền pháp cho một vị đệ tử được thâu nhận sau nhiều năm học hỏi. Thật là một điều nguy hại cho nhân loại nếu những bí thuật của chúng tôi được tiết lộ cho mọi người, vì những kẻ hung dữ có thể lợi dụng khoa này để làm hại kẻ khác vì mục đích ích kỷ, còn về phần chúng tôi thì sẽ mất hết quyền năng, không còn hiệu lực gì nữa. Từ trước đến nay tôi vẫn luôn từ chối việc thâu nhận học trò. Thật ra, theo những luật lệ của môn phái chúng tôi, thì tôi có bổn phận phải truyền pháp cho một người đệ tử trước khi tôi qua đời, để cho khoa pháp môn được tồn tại mãi mãi trong nhân loại. Nhưng vì tôi đã biết trước ngày giờ tôi chết, nên tôi sẽ thi hành bổn phận đó vào đúng lúc.

Nhà phù thủy lại ngừng một lúc. Tôi lấy làm hài lòng khi thấy ông ta chịu từ bỏ sự dè dặt để nói chuyện cởi mở với tôi. Tôi bèn hỏi thăm về sự nhập môn trước đây của ông ta. Ông ta đáp:

– Tôi xin kể một phần tiểu sử của tôi. Tôi sinh ra đã sáu mươi năm nay tại thành Suag, thuộc tỉnh Girga. Cha tôi cũng là một nhà phù thủy và chiêm tinh gia chuyên nghiệp nổi tiếng. Tôi còn nhớ rõ, khoa pháp môn của cha tôi hấp dẫn tôi một cách mãnh liệt và làm cho tôi rất say mê. Cha tôi nhận thấy tôi có khuynh hướng đó, người mới tuyên bố sẽ truyền pháp cho tôi, và huấn luyện để chuẩn bị cho tôi nối nghiệp người. Cha tôi có rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Ả Rập và những loại sách quý rất hiếm có về khoa pháp môn, người mới đưa cho tôi học. Sau khi được người truyền pháp cho rồi, tôi bèn rời khỏi nhà và đến Cairo để vào trường Đại Học El Azhar. Hồi đó tôi mới có mười tám tuổi. Tôi học về các khoa văn chương và tôn giáo nhưng tôi vẫn hoàn toàn giữ kín các bí mật của tôi. Tôi có đem theo vài quyển bút tự của cha tôi, và tiếp tục học sách ấy ở nhà. Tôi học được một điều, là phân biệt những tính chất khác nhau của con người, cho đến khi tôi trở nên thuần thục để có thể biết được với một cái nhìn thoáng qua, tánh tình và ý muốn của một người. Tôi rời khỏi trường Đại Học lúc hai mươi bốn tuổi. Sau đó tôi sống biệt lập ở một nơi hẻo lánh, và tiếp tục thực hành khoa pháp môn cho đến khi tôi cảm thấy có đủ bản lãnh để có thể hoàn toàn kiểm soát và làm chủ được những thần linh. Khi đó tôi mới thực sự bước vào nghề và bắt đầu nhập thế. Trừ phi người ta có thể đạt được tới cái bản lãnh đó, thì tốt hơn đừng nên theo đuổi khoa pháp môn. Mấy đứa con tôi đã van xin tôi truyền pháp cho chúng, nhưng tôi đã hướng chúng đi theo những con đường khác, vì tôi thấy chúng nó thiếu sự cam đảm cần thiết để trở nên một nhà phù thủy lành nghề và có thể thành công. Tôi cũng đã thực hành khoa chiêm tinh. Nhiều người Ai Cập có địa vị cao đã đến viếng tôi, và tôi thường tiên đoán vận mạng cho họ. Những vị hoàng thân, bộ trưởng, quan chức, phú thương đều có đến hỏi ý kiến tôi. Một vị quan to của triều đình Abyssinie đã nhờ tôi đoán số; năm ngoái, tôi tiếp đón vị công chúa của hoàng triều Abyssinie. Quốc Vương xứ Maroc đã gửi đến tôi một vị đặc sứ mang theo quốc thư để hỏi về vận mạng tương lai. Một năm kia, bốn tên ăn trộm lẻn vào nhà tôi lúc ban đêm định giết tôi để cướp của, tôi đuổi chúng đi với chỉ một cây gậy. Qua ngày hôm sau, tôi dùng bí thuật để biết tên của chúng. Sau đó tôi có đủ bằng chứng để đưa chúng ra trước pháp luật và cho chúng lãnh án năm năm tù. Cách đây không lâu, tôi được gọi đến một nhà bị ma khuấy phá, làm lật đổ bàn ghế và vật dụng trong nhà lúc ban đêm. Tôi đốt một lò hương trầm và niệm chú; trong mười lăm phút, vài âm binh đã xuất hiện. Đó là những âm binh đã gây ra sự khuấy phá trong nhà nọ. Tôi ra lệnh cho chúng phải đi ngay và để cho nhà kia được bình yên. Chúng bèn đi mất và mọi sự đều trở lại bình thường.

Nhà phù thủy vỗ hai tay làm hiệu, tên gia bộc bèn bưng ra một mâm đựng mứt, bánh ngọt và trà thơm xứ Ba Tư. Nhân lúc dùng trà bánh, tôi hỏi:

– Có thể nào làm cho một người khác thấy được những vị thần linh đó không?

– Được chứ, sau những cuộc chuẩn bị lâu dài và nhiều cố gắng, điều đó có thể thực hiện được. Cuộc chuẩn bị gồm có việc đốt trầm hương và niệm thần chú. Khi đó, một vị thần sẽ xuất hiện từ luồng khói trong gian phòng tối tăm và nói lớn tiếng. Tôi không thực hành khía cạnh đó của khoa pháp môn vì tôi đã quá già để có thể làm những cố gắng dày công như thế.

Tôi lấy làm ngạc nhiên trước nhân vật lạ lùng này, nếu y có thể tiếp xúc với quỷ thần một cách dễ dàng như thế thì đó thật là một người vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, y cũng tỏ ra có những tình cảm như mọi người, vì khi thấy đứa cháu gái y mới lên sáu tuổi và mặc quần áo ngộ nghĩnh bất chợt chạy tung tăng vào phòng, y cúi xuống hôn nó một cách rất trìu mến và chơi với nó rất lâu. Tôi lại hỏi:

– Những điều nguy hiểm của khoa pháp môn này như thế nào?

– Người nào kiểm soát và sai khiến được thần linh phải chịu nhiều điều nguy hiểm. Thần linh không phải chỉ là những vật vô tri trong bàn tay của nhà phù thủy. Đó là những nhân vật có trí khôn và ý chí riêng biệt. Họ luôn luôn có thể nổi loạn chống lại người đã khuất phục được họ. Tuy họ tuân lệnh nhà phù thủy đã làm chủ được họ và phụng sự người ấy hết lòng, nhưng nếu nhà phù thủy mất sự tự chủ và ý chí bị sút kém, hoặc nếu ông ta lạm dụng quyền năng vì mục đích tà vạy thì vài loại thần linh có thể phản công trở lại và gây hại, tạo ra những sự khó khăn bất ngờ, như tai nạn hoặc thậm chí là chết bất đắc kỳ tử. Với sự trợ giúp của những thần linh dó, người ta có thể làm được những việc phi thường, nhưng khi nhà phù thủy không đủ sức kiềm chế thần linh, họ có thể phản lại một cách trắng trợn và làm hại người đã khuất phục được họ.

– Phải chăng người cổ Ai Cập cũng đã từng biết rõ những hạng thần linh đó?

– Lẽ tất nhiên, sự hiểu biết đó là yếu tố căn bản về quyền năng của các vị tăng lữ trong các đền đài cổ Ai Cập. Họ sử dụng thần linh như những vị thần canh gác mồ mả hoặc giữ những kho tàng của cải rất vĩ đại. Người ta kêu gọi đến thần linh trong những cuộc hành lễ ở các đền thờ. Tôi cần nói thêm rằng, có khi người ta cũng dùng các thần linh để thực hiện những mục đích tà vạy, bất chính.

Tôi thuật lại cho ông lão nghe kinh nghiệm của tôi trong Đại Kim Tự Tháp, khi tôi thức suốt một đêm trong Vương cung, và linh ảnh hai vị Đạo Trưởng già với con đường hầm bí mật. Nhà phù thủy cho biết:

– Bên trong Kim Tự Tháp và ở vùng chung quanh tượng thần Sphinx có một hạng thần linh đặc biệt. Những thần linh này đã bị các vị pháp sư lão thành của thời cổ Ai Cập bắt nhốt tại đó để gìn giữ những nơi bí mật... Những vị thần linh ấy tạo ra những ảo ảnh để đánh lạc hướng những người nào muốn đột nhập vào những chốn thâm nghiêm bí ẩn trong các đền thờ, và nhờ đó họ giữ gìn cho những nơi ấy trở nên bất khả xâm phạm. Tôi cũng tin rằng Đại Kim Tự Tháp có những đường hầm bí mật, những gian phòng kín và những tài liệu ẩn giấu. Tôi cũng đã đến đó một lần với ý định tìm kiếm những thứ ấy, nhưng vì những người canh gác không cho bất cứ một ai đi xuống con đường hầm, nên tôi đành thất vọng trở về. Lẽ dĩ nhiên, những vị thần gìn giữ những nơi bí mật của Kim Tự Tháp và thần tượng Sphinx có thể bị lôi cuốn và mua chuộc, nhưng muốn như vậy, người ta phải biết rõ hình dáng và tên của họ cùng những câu thần chú đặc biệt để kêu gọi các vị thần. Nhưng tiếc thay, những điều đó nay đã mất không còn nữa, và đã bị chôn vùi theo các nhà đạo sĩ cổ Ai Cập.

Tôi bèn hỏi về những quyền năng mà ông ta đã đề cập đến, vì tôi được biết những quyền năng đó không phải là vô giới hạn. Ông ta đáp:

– Lẽ tất nhiên chúng tôi không dám tự hào có thể làm bất cứ việc gì. Nhưng chúng tôi quả thật có thể làm được một vài việc, chỉ có thể làm được một vài việc, thế thôi. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng thi thố tài nghệ của mình mà thôi, còn thành hay bại còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác.

Tôi kiếu từ và lại trở ra con đường hẹp đầy cát bụi, dưới ánh nắng trong sáng của mặt trời thành Cairo. Tôi còn cất trong túi áo một viên ngọc lớn, được chùi sáng bóng, màu nâu đỏ, hình bầu dục. Nhà phù thủy đã tặng cho tôi viên ngọc này để làm vật kỷ niệm, và theo như lời ông ta thì viên ngọc này ngày xưa là vật sở hữu của một vị Pharaoh. Tôi ngắm viên ngọc và nghĩ đến nhà phù thủy mà tôi vừa tiếp xúc, cùng những thần linh bí mật vô hình mà ông ta nói là lúc nào cũng sẵn sàng vâng lời sai khiến của ông ta. Tôi thấy rằng, khi đạt đến trình độ đó, người ta đã bước vào một lãnh vực nguy hiểm, gần kề với ranh giới giữa khoa pháp môn huyền bí và bàng môn tả đạo.

Những thần linh ấy phải chăng là những sự bịa đặt cổ truyền và vô căn cứ? Không, tôi phải nhìn nhận rằng trong những cảnh giới bí ẩn của thiên nhiên phải có những sinh vật khác ngoài loài người. Một lý luận giản dị bằng cách so sánh có thể đưa đến kết luận đó. Cũng có thể là trong hàng ngũ những sinh vật vô hình đó, có những loại hung ác, tà vạy, cũng như có những loại hiền hòa và tốt lành. Một vấn đề khác nữa là xác định xem những thần linh đó có thể làm những việc phi thường chăng như nhà phù thủy đã tuyên bố. Tôi không thể giải đáp vấn đề đó ngay tức thời. Tôi có ý định nghiên cứu những khía cạnh của khoa pháp môn chân chính. Đó là kết quả đầu tiên và lạ lùng mà tôi đã gặt hái trong chuyến du hành sang Ai Cập.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]