Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

89. Ông hoàng xuất gia

04/03/201103:31(Xem: 4972)
89. Ông hoàng xuất gia

MỘT TRĂM BÀI KINH PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

PHẨM THỨ CHÍN: CÁC VỊ THANH VĂN

ÔNG HOÀNG XUẤT GIA

Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Đức Như Lai thành đạo cho đến lúc ấy đã mười hai năm, muốn cùng với 1.250 vị tỳ-kheo về lại thành Ca-tỳ-la-vệ.

Khi ấy, Phật suy nghĩ: “Nay ta về lại thành Ca-tỳ-la-vệ, nên hiện các phép thần thông biến hóa mà độ cho những người trong hoàng tộc Thích-ca phát tâm tu tập.” Ngài liền dạy các tỳ-kheo rằng: “Khi về thành Ca-tỳ-la-vệ, các ngươi mỗi người nên tự hiện các phép thần thông biến hóa, để giúp những người trong hoàng tộc Thích-ca sinh lòng tín kính mà tu tập.”

Phật phóng ra một luồng hào quáng chói sáng, tất cả các vị tỳ-kheo đều nương theo đó cùng hiện đến Ca-tỳ-la-vệ.

Vua Tịnh-phạn nghe tin Phật trở về, liền sai người dọn sửa đường sá, quét dọn sạch sẽ, rãi các loại hoa thơm nước sạch theo đường, lại cho trỗi lên những khúc nhạc hay lạ, êm dịu mà đón Phật. Rồi vua thỉnh Phật với chư tăng vào cung mà cúng dường.

Bấy giờ, vua Tịnh-phạn thấy các vị tỳ-kheo theo hầu bên Phật, tuy có phép thần thông nhưng hình thể xem ra thô xấu, nên trong lòng vua không vui. Vua nghĩ rằng: “Ta nên tuyển chọn năm trăm người hình thể đẹp đẽ, thanh lịch, giao cho Bạt-đề Thích vương cầm đầu, xuất gia theo Phật làm người hầu cho Phật.”

Nghĩ rồi liền làm ngay, chọn được năm trăm người trong dòng họ Thích-ca, giao cho Bạt-đề Thích vương cầm đầu, đi đến chỗ Phật cầu xuất gia. Phật nhận lời, liền giao cho Ưu-ba-ly cạo bỏ râu tóc. Ưu-ba-ly đang cầm dao cạo, bỗng rơi lệ lên đầu Bạt-đề. Thích vương liền hỏi: “Vì sao ông khóc?” Ưu-ba-ly đáp: “Các vị đều là dòng dõi hoàng tộc, trong một sớm một chiều gạt bỏ tất cả mà làm người xuất gia, tôi thật cảm động lắm nên không cầm được nước mắt.”

Bạt-đề nghe vậy, trong lòng sinh ra kiêu mạn, nghĩ mình thuộc dòng vương giả, mấy ai bì được.

Khi cạo bỏ râu tóc rồi, đắp y thọ giới, theo thứ tự trong chúng tăng mà làm lễ. Đến trước Ưu-ba-ly, liền đứng yên không chịu lễ.

Phật hỏi: “Vì sao không lễ Ưu-ba-ly?” Bạt-đề đáp: “Tôi thuộc dòng tộc cao quý, người này thấp hèn, vì thế không lễ.” Phật nói: “Trong đạo pháp của ta không có sự phân biệt theo cách ấy. Những sự cao quý hay thấp hèn như thế của thế gian đều chỉ là huyễn hóa, có gì bền chắc mà bám vào?”

Bạt-đề lại nói: “Người này thật trước là tôi tớ của tôi, thật không thể lễ lạy được.”

Phật dạy: “Hết thảy những gì ngươi gọi là tôi tớ, nghèo hèn, giàu có, cao quý, hèn hạ... thật ra có gì khác biệt nhau?”

Bạt-đề nghe Phật dạy lời ấy, liền chợt hiểu ra, quỳ xuống mà lễ Ưu-ba-ly. Khi ấy, cõi đất chấn động, chư thiên nơi không trung lên tiếng khen là chưa từng có: Bạt-đề Thích vương vì cầu đạo pháp, hạ mình lễ lạy một người thuộc đẳng cấp hạ tiện, dẹp bỏ được hết thảy tâm kiêu căng, ngã mạn.

Khi thọ giới xong, Bạt-đề chấp tay đứng sang một bên nghe Phật thuyết pháp, liền thấy tâm ý khai mở, chứng quả A-La-hán.

Ngày kia, ngài đắp y mang bát đi khất thực, đến chỗ vắng vẻ ngồi dưới một gốc cây, trong lòng an ổn, vui vẻ, không có điều chi lo nghĩ, sợ sệt, liền suy nghĩ rằng: “Trước đây ta ở trong cung điện, tuyển mộ những người dũng kiện, cầm đủ các loại khí giới ngày đêm canh phòng hai bên tả hữu, mà lòng vẫn cứ hoài lo sợ. Nay xuất gia nhập đạo rồi, nơi chỗ vắng vẻ này, một mình an ổn không chút lo sợ, thật là được chỗ lợi lạc không sao nói hết.”

Ngài A-nan thấy việc của Bạt-đề, liền thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chẳng hay tỳ-kheo Bạt-đề trước đây tạo những nhân lành như thế nào, mà nay sanh trong hoàng tộc, lại xuất gia chẳng bao lâu mà được thành đạo quả.”

Phật bảo A-nan và chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói. Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ Ba-la-nại có vị Phật Bích-chi, vào thành khất thực.

“Bấy giờ có một người vô cùng nghèo khổ đi trên đường, đang cơn đói khát, tay cầm một cái bánh duy nhất. Người ấy xa trông thấy Phật Bích-chi thì sinh lòng hoan hỷ vô cùng, liền đến lễ bái rồi dâng miếng bánh ấy mà cúng dường.

“Phật Bích-chi thọ nhận sự cúng dường của người ấy rồi, liền bay lên hư không, hiện đủ mười tám phép biến hóa. Người nghèo khổ ấy thấy vậy càng thêm sinh lòng kính ngưỡng, tin phục.

“Nhờ công đức ấy, đã vô số kiếp trôi qua, người chẳng phải đọa vào các nẻo dữ như địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trong cõi trời người lại thường sinh trong nhà quyền quý, giàu sang, cho đến nay được gặp Phật mà xuất gia đắc đạo.”

Phật lại dạy rằng: “Người cúng dường miếng bánh ngày xưa cho Phật Bích-chi, nay là tỳ-kheo Bạt-đề đó.”

Phật thuyết nhân duyên này xong, trong đại chúng có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-La-hán, lại có nhiều người phát tâm cầu quả Phật Bích-chi, cũng có người phát tâm cầu quả vô thượng Bồ-đề.

Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567