Lại Thế Luyện
CHƯƠNG II: THÊM CHÚT NGHỊ LỰC
2. Xác định những mục tiêu tốt đẹp
Ước mơ phải được cụ thể hoá rõ ràng thành các mục tiêu khác nhau. Mỗi người trong chúng ta luôn mong muốn đạt được những mục tiêu trong công việc của mình. Chẳng hạn, muốn kinh doanh có hiệu quả hơn, muốn mức thu nhập cao hơn, hoặc muốn tìm một việc làm tốt hơn... Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng ta không đạt được những điều mà chúng ta mơ ước. Tại sao vậy? Tại sao nhiều người rất thông minh, làm việc rất hăng hái, siêng năng chịu khó, nhưng họ vẫn không thành công trong những công việc mà họ dự định? Bởi vì họ chưa biết xác định cho mình những mục tiêu rõ ràng.
Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn đề ra cho mình những mục tiêu rõ ràng, tạo tiền đề cho bạn thành công:
- Xác định rõ những gì mình mong muốn đạt tới:
Mục tiêu phải rất cụ thể. Nếu bạn muốn bán được nhiều hàng hoá hơn, thì có bao nhiêu mặt hàng mà bạn dự định sẽ bán thêm so với lượng hàng hoá lâu nay bạn vẫn bán? Nếu bạn muốn tìm một công việc khác tốt hơn, thì những đặc điểm của công việc mới đó là gì? Năng lực, tính cách của bạn ra sao? Có phù hợp với công việc đó hay không? Cơ hội để bạn tìm được công việc đó như thế nào?
- Xác định một thời hạn cho mục tiêu đó:
Mục tiêu của bạn phải có thời hạn cuối cùng rõ ràng để bạn thực hiện. Mục tiêu là công việc có thực mà bạn sẽ thực hiện, chứ không chỉ đơn thuần là một niềm ao ước hay giấc mơ.
- Xác định rõ những điều bạn tin tưởng khi vạch ra mục tiêu đó:
Bạn phải cảm nhận được rằng, mục tiêu mà bạn vạch ra sẽ có khả năng trở thành hiện thực. Nếu bạn còn do dự hoặc nghi ngờ không biết liệu những mục tiêu mình vạch ra có trở thành hiện thực được hay không, thì bạn không bao giờ chủ động bắt tay vào làm những việc cần thiết để biến mục tiêu của mình thành hiện thực.
- Hiện thời mình đang ở đâu?
Hãy làm ngay một bảng đáng giá lại tình hình thực tế hiện tại của mình. Bạn không thể biết mình sẽ phải bắt đầu khởi sự từ đâu, sẽ bắt tay vào thực hiện những gì, nếu như bạn không xác định rõ tình hình thực tế của mình.
- Những trở ngại nào mình phải vượt qua?
Những điều gì gây khó khăn cho mình trong quá trình vươn đến mục tiêu? Mặc dù không thể tiên liệu được hết những khó khăn đó, nhưng việc nhận thức trước một phần nào những khó khăn mà mình phải đương đầu sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc vạch ra cho mình một kế hoạch để đương đầu với những khó khăn đó.
- Mình cần thêm những kiến thức gì?
Để thực hiện mục tiêu này, trình độ kiến thức hiện tại của mình đã đủ chưa, và mình phải học thêm một số kiến thức nào nữa? Chẳng hạn, muốn bán được nhiều hàng hoá hơn, mình phải học thêm những kiến thức nào về thị trường, về tiếp thị?...
- Mình có thể hợp tác với ai? Với những tổ chức nào?
Bạn khó có thể thành công nếu tự mình làm tất cả mọi chuyện. Bạn cần phải hợp tác với những người khác. Vậy đâu là những người bạn có thể tin cậy và hợp tác được? Và làm cách nào để có thể hợp tác được với họ?
- Mình sẽ gặt hái được những lợi ích gì?
Viết rõ ra giấy những lợi ích mà mình có thể gặt hái được sau khi đạt được mục tiêu mà mình đã vạch ra. Những hấp dẫn về lợi ích chính đáng đó sẽ thúc đẩy bạn hăng hái nhiều hơn khi bắt tay vào thực hiện mục tiêu mà bạn đã định.
- Có một kế hoạch chủ động.
Phải xác định những bước đi thật cụ thể mà mình cần phải làm để vươn tới mục tiêu. Sau đó, đem hết sức mình để thực hiện mục tiêu.
- Hình dung trước một phần kết quả.
Bạn có thể hình dung khá chi tiết hình ảnh về bản thân mình nếu bạn đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu. Chẳng hạn như: bạn muốn được lượng hàng hoá nhiều hơn, thì hoạt động kinh doanh của bạn sẽ mở rộng như thế nào? Những hình ảnh này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của bạn, thúc đẩy bạn vươn tới mục tiêu đã định.