Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Thông Điệp Của Đức Thế Tôn

07/02/201115:31(Xem: 3493)
4. Thông Điệp Của Đức Thế Tôn

ĐỨC PHẬT
VÀ HÀO QUANG CHÂN LÝ

Dịch giả: TT Thích Giải Thông-Phỏng dịch theo bản tiếng Anh The light of truth của Giảng sư
LOKANATHA Do The Singapore Maha Bodhi School xuất bản

THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THẾ TÔN

Thông điệp của Đức Thế Tôn là thông điệp vô song qua các thời đại. Con đường Phật dẫn đến hạnh phúc sẽ chứng tỏ cho ta thấy rằng Phật Giáo không phải bi quan tiêu cực như người ngoại đạo thường nói, mà là một tôn giáo đưa đến phúc lạc tột đỉnh ngay tại đây và bây giờ.

Bằng cách nào để chúng ta sống được hạnh phúc? Hãy làm điều thiện. Tránh mọi điều ác. Tịnh hóa tâm thức. Đó là lời dạy của chư Phật.

Nhờ nương theo những bước đi chân lý mà người ta đạt được hạnh phúc vì trí tuệ đưa đến hạnh phúc, si mê đưa đến bất hạnh. Làm điều thiện bạn sẽ hưởng phúc lạc. Điều thiện là gì? Thực hành 5 học giới là làm điều thiện. Năm học giớỉ cần phải được thọ trì bằng tinh thần cũng như bằng văn từ ngôn ngữ. Văn tự sát mạng còn tinh thần cứu mạng. Đối tượng của 5 học giới là gì? Bố thí để diệt trừ tham, trì giới để diệt trừ sân, thiền định để diệt trừ si.

Năm học giới phải được thực hành thận trọng qua tâm ý, lời nói và hành động vì mọi sự việc đều do tâm. Tâm là kẻ tiên phong, thủ trưởng và là kẻ sanh sự đủ chuyện. Hãy chánh niệm quán sát tâm thì mọi sự đều tiến hành tốt đẹp. Nhưng quán tâm bằng cách nào? Phật Giáo là phương pháp tu tập, điều phục tâm. Nếu chúng ta giữ yên lặng chỉ theo dõi tâm, chúng ta sẽ làm cho tâm trong sạch, bảo đảm như ánh mặt trời lên cao. Nhưng làm cách nào để tịnh hóa tâm được. Nếu trong khi quán tâm mà một ý niệm hay vọng tưởng nào khởi lên đi kèm theo với tham, sân, si thì bạn lập tức chuyển tâm sang hướng khác. Chẳng hạn tâm từ bi thay cho tâm thù hận. Nếu ai chuyển tâm đến Đức Phật, vị đó sẽ đạt hiệu quả cấp kỳ bởi vì có sự hiện diện của đức Đại từ bi thì không còn một niệm tưởng tham, sân, si nào khởi lên được.

Nếu phương pháp thứ nhất không thành công, bạn hãy thử phương pháp thứ hai. Nghĩa là cố gắng tư duy về những mối nguy hại của những vọng tưởng, bởi vì ý nghĩ về sân thường dẫn đến sát hại. Nếu bất cứ niệm sân nào khởi lên, hãy diệt ngay từ trong trứng nước. Nếu phương pháp thứ hai không đạt, bạn hãy làm theo phương pháp thứ ba.

Nghĩa là chúng ta đừng nuôi dưỡng, ấp ủ vọng tưởng mà đơn giản lái ý tưởng sang hướng khác không chú ý đến vọng tưởng, nó sẽ chết dần các mối duyên hợp.

Nếu phương pháp thứ ba cũng thất bại, hãy thử phương pháp thứ tư, cố gắng loại bỏ những điều đã tạo nên các vọng tưởng. Hãy tìm ra nguyên nhân rồi nhổ tận gốc rễ.

Nếu phương pháp thứ tư vẫn không kết quả, hãy thử phương pháp thứ năm. Đây là hành động trực tiếp, tôi không muốn nói hành động trực tiếp ở Ấn Độ bởi vì Đức Phật không phải là thần Jinnah mà là vị Thánh Jina– người chiến thắng dục vọng–người chinh phục thế gian. Ngài tự chiến thắng mình chứ không phải là kẻ chiến thắng người khác.

Nhưng hiển nhiên khi người nào tự chiến thắng mình tức là vị đó muốn chinh phục người khác bằng chính tình thương vô bờ bến. Đức Thế Tôn sau khi tự chiến thắng mình tại Bồ Đề Đạo Tràng cách đây 2500 năm đã trở thành ngọn đèn Á CHÂU và là ánh sáng thế giới. Bằng phương pháp trực tiếp, nghĩa là bạn nghiến chặt răng, uốn lưỡi lên đốc họng và tung toàn lực quét sạch vọng tưởng với sức mạnh của năng lực, ý chí giống như nhà đô vật khổng lồ đưa vai vác chú lùn, nâng bổng lên cao rồi ném chú ra khỏi dây, giống như bạn đang vật lộn với vọng tưởng của chính mình, bằng toàn sức mạnh và năng lực ý chí, bạn sẽ quăng vọng tưởng ra ngoài.

Một khi tâm đã được tịnh hóa rồi bằng một trong 5 cách trên, lúc đó bạn mới hưởng được sự thuần tịnh trầm mặc và an lạc. Đồng thời các vọng tưởng đó không còn quấy phá bạn nữa. Nếu bạn hành động theo phương pháp này mỗi lần vọng tưởng khởi lên, rồi thì tất cả các vọng tưởng cũng trở nên yếu dần và sau cùng bị dập tắt hẳn. Giác ngộ không gì khác ngoài tiến trình tịnh hóa tâm thức. Nhờ sử dụng phương pháp này mà chúng ta đẩy lùi được những hắc ám trong tâm. Nhờ vậy mà đạt được sự thuần khiết như gương sáng.

Tôi đã nói muốn được hạnh phúc ta phải thực hành 5 học giới. Vào thời Phật có một vị Sư đã thối tâm vì phải thực hành quá nhiều học giới, trong tam tạng Kinh có 227 giới điều khiến vị đó chán nản vì không thể giữ được, Sư muốn về đời. Đức Phật hỏi lý do thì vị ấy trả lời: "Bạch Đức Thế Tôn, Đạo giảo này có quá nhiều học giới, con không kham giữ nổi. Con muốn quay về đời sống thế tục”. Đức Phật thương cảm, Ngài nói: "Con đừng thối tâm như vậy, con có thể làm được một điều”'. Vị Sư hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, điều gì vậy?". Đức Phật dạy: "Con có thể quán sát tâm được không?". "Thưa, con làm được", vị Sư trả lời. Ngài tiếp: "Vậy thì con đừng bận tâm về Giới Luật quá nhiều, hãy quán sát tâm thôi, không còn gì nữa". Nhờ vậy vị Sư đó vào rừng và bắt đầu quán tâm. Ngày đêm quán sát tâm bằng phương pháp này, bằng cách thức mà Đức Phật đã khai thị. Nhờ vận dụng tất cả phương pháp đã nêu trên để tịnh hóa tâm, chẳng bao lâu, vị Sư đó đắc quả Alahán tối thượng, có nghĩa là vị đó đã chứng ngộ. Thế nên quý vị thử vận dụng phương pháp trên, tôi chắc quý vị cũng sẽ được Giác Ngộ.

Muốn được hạnh phúc, chúng ta phải tu tập 5 học giới, và thực sự nếu các khoa học gia phương Tây có thể kết duyên 5 học giới vào khoa học của họ thì thế giới này sẽ được hưởng niềm phúc lạc trường cửu. Nếu bom nguyên tử có thể kết duyên được với 5 học giới thì bom nguyên tử không còn nguy hiểm nữa. Con người sẽ thấy an lạc bởi vì không có quả bom nào trên vũ trụ này hiệu nghiệm và mãnh liệt hơn quả bom tình thương của Đức Phật. Năm học giới là gì? Năm học giới được trình bày như sau:

* HỌC GIỚI THỨ NHẤT

(Không được sát hại và tàn bạo với các sinh vật)

Không sát hại sinh mạng mọi sự sống dù là loài côn trùng nhỏ nhất. Tại sao học giới sát sanh lại xếp hàng đầu. Bởi vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng. Khi một sinh vật bị chết, nó khó có thể khôi phục được sinh mạng và nó đánh mất cơ hộì tiến lên cảnh giới phúc lạc hơn, vì lý do này mà ta không giết hại vì lòng từ bi, và cũng đừng bảo giết. Giết hại là điều hèn mạt độc ác nhất ngăn chặn đạo lộ hướng thượng.

Không ai có quyền sát hại, nếu vị đó không thể khôi phục được mạng sống chúng sanh hoặc thiết lập cho nó một tình trạng tốt đẹp hơn. Sát hại là hành vi ăn cướp xấu xa nhất, vì sinh mạng là tài sản quý giá của bất cứ chúng sanh nào. Khi một con vật đang hấp hối, nó chết với lòng căm giận, tâm lực hướng về kẻ giết nó và quyết thề cướp lại mạng sống của bạn trong kiếp sau. Vậy thì tại sao lại tạo thêm những kẻ thù không cần thiết như vậy. Nếu tâm mình tràn đầy lòng từ bi thương cảm thì không ai có thể sát hại được. Tại sao ta lại để cho tâm mình bị ô nhiễm bởi cơn giận dữ điên cuồng làm giảm thọ đời mình. Tại sao ta là người sát nhân để mọi người căm ghét. Tại sao ta không là một người đáng yêu để toàn thế giới trân trọng quý kính. Sát hại rõ ràng làm tổn thương nhân cách, hủy diệt lòng từ, làm hưng phấn thù hận, bành trướng cái TA ích kỷ, đưa đến khổ đau, tiêu tan niềm an vui hạnh phúc.

Những ví dụ về giới sát hại sinh mạng: tội tử hình, tội treo cổ.v.v...

Trong một tập sách nhan đề: “Tội tử hình”, tôi đã viết: "Thật là vô ích khi treo cổ một thân xác vì thân xác này không bao giờ chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Vô minh–tức là sự ngu độn–mới chính là kẻ sát nhân đích thực. Thế nên ta phải treo cổ gã Vô minh (thiếu trí tuệ) này mớì đúng. Bằng cách nào đây? Bằng cách hãy ban cho tội nhân một tri kiến Chân lý Phật Pháp.

Bất cứ ai cũng có thể đưa ra một giải pháp treo cổ Vô minh chứ?

Vô minh chính là nhân tố của mọi tội ác. Các quan tòa đã lầm lẫn một cách đáng sợ. Thay vì nhổ tận gốc tội lỗi, các vị tòa chỉ giản dị hủy diệt cái khung xác trống rỗng này.

Có lần Thánh Gandhi đã nêu rõ điều đó, vào một ngày nọ, khi có nhiều thanh niên ngoại đạo định hành hung Ngài. Bạn có nhớ không, trên báo chí đã kể lại rằng Ngài xuất hiện và nói với họ rằng: "Các cậu định làm gì? Điều duy nhất mà các cậu có thể làm là cướp đi cái khung xác trống rỗng của ta. Nếu muốn vậy, hãy lấy mạng ta đi, nhưng các cậu không bao giờ chiếm được linh hồn ta đâu”. Đó là lời dạy của Phật Đạo. Vì vậy các quan tòa chỉ luôn luôn xử treo cái khung xác trống rỗng mà nó không hề là một tội nhân chút nào.

Làm sao để cho tội nhân đáng thương này huân tập trí tuệ? Bằng cách ban phát trí tuệ (sự hiểu biết) cho tội nhân. Chúng ta cống hiến trí tuệ cho tội nhân và chúng ta treo cổ tội nhân bằng cách ban cho anh ta trí tuệ. Một khi Vô minh bị treo cổ, nó sẽ không sát hại nữa. Chúng ta sẽ không treo cổ Vô minh như treo cái cổ đáng thương kia, nó vốn hoàn toàn vô tội. Tôi chưa hề trông thấy cái cổ nào phạm tội cả. Điều đáng phải treo là những hành động sai trái. Tôi có thể dẫn chứng cho bạn hàng trăm ví dụ cụ thể để thấy thế giới bị điên đảo như thế nào và có người chỉ làm những điều ác ra sao.

Có hai loại ung thư: ung thư về thân xác và ung thư về tâm hồn. Nếu một người đau đớn vì ung thư thể xác, vị đó chạy đến thầy thuốc và cố gắng tự chữa cho mình. Thật là quái lạ khi một người đau khổ vì ung thư tâm hồn (ung thư nào nguy hiểm hơn thể xác và tâm hồn ), vậy mà anh ta không bao giờ quan tâm để cứu chữa, cũng không lo lắng để được chữa trị, anh ta không lo ngại gì về việc chữa trị. Anh ta nghĩ rằng mình hoàn toàn bình thường. Vậy ung thư tâm hồn là gì? Là vô minh ngu độn. Xin phép hỏi các bạn có bao nhiêu người trong chúng ta đây đang đau khổ vì bị ung thư tâm hồn. Có phải tính sơ sơ quá 99%, tất cả nhân loại đều bị ung thư tâm hồn.

Các khoái lạc giác quan là thuốc độc. Đó là món độc dược tinh thần. Vậy mà mọi người đều ham thích. Họ đeo bám vào những thú vui của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Dù nó là chất độc nhưng họ vẫn thích và tốn kém rất nhiều tiền bạc cho độc dược này. Chẳng hạn có người mời bạn một cốc rượu sâm banh màu sắc và mùi vị khá hấp dẫn, nhưng nó có chứa chất độc. Người ngu độn cầm lấy uống hết và lăn ra chết. Còn người khôn ngoan thì nói: "Không dám, xin bạn hãy giữ rượu của bạn, tôi không dùng được". Tuy nhiên, bạn vẫn tìm thấy hơn 99% dân chúng biết rằng trong rượu sâm banh có độc tố, thế mà họ vẫn uống và trả tiền nhiều hơn nữa. Sự thỏa mãn thị giác bảo rằng rượu sâm banh rất dịu ngọt và đáng yêu dù có chứa độc tố.

Mọi người đều thích hưởng khoái lạc thị giác rồi sinh mê đắm. Về mặt tâm linh, nếu họ chết thì chẳng có hại gì, vì vậy họ quả là những người mất trí. Hôm qua, chúng ta đã tổ chức lễ Độc Lập. Đó là điều trọng đại không nghi ngờ gì nữa, nhưng thế còn sự độc lập bên trong tâm hồn thì sao? Chúng ta đều là những kẻ nô lệ cho mắt, tai, mũi... Một khi con người mà nội tâm được giải thoát như Đức Phật, ai có thể nô lệ Ngài? Không ai cả. Tại sao? Bởi vì Ngài đã đạt được sự tự do giải thoát nội tâm. Và khi người nào được giải thoát bên trong tức là vị đó đã an nhiên tự tại bên ngoài.

Chiến tranh là sự giết hại trên bình diện qui mô. Không lọc nước có sinh vật mà uống đó là phạm giới sát. Không cứu vớt sinh vật khi nó nằm trong tầm khả năng có thể thực hiện cứu được, đó là phạm giới sát. Giả sử bạn trông thấy một ngườì đang bị chết đuối, bạn biết lội nhưng không nhảy xuống cứu người. Như vậy, bạn đã vi phạm luật Từ Bi, phạm giới sát, vì đó là sự vị kỷ. Hãy yêu thương người hàng xóm như chính mình. Vì thương người như thương thân nên bạn mới dám nhảy xuống cứu họ. Đức Phật có lần đã nói: Hãy yêu thương mọi loài như yêu thương huynh đệ mình; như bà mẹ hy sinh thân mạng để bảo vệ đứa con duy nhất. Chính vì vậy mà chúng ta phải nuôi dưỡng hạt giống tâm từ đối với chúng sinh. Quy luật tình thương vô song này sẽ dẫn đến giải thoát.

Lại nữa, bất cứ điều gì xúc phạm đến trí tuệ cũng là phạm đến giới sát. Không hề có đức tin nào về linh hồn hiện hữu. Tư tưởng về cái Ta không nên đưa vào tu tập bởi vì niệm tưởng về Ngã là báo hiệu Vô minh. Sự Vô ngã tối thắng là con đường tu tập giới sát một cách toàn hảo.

Hãy nhớ năm học giới, cần phải học hành chúng qua tư tưởng, lời nói và hành động. Bạn có thể giết hại bằng tâm của mình nếu bạn tự mình nói: "Gã kia là kẻ thù của ta, ước gì nó chết sớm cho rồi", tức là bạn đã sát hại bằng tâm (tâm sát) Bạn đã phạm học giới thứ nhất, về mặt tinh thần bạn có thể vi phạm tất cả các giới khác bằng tâm mình. Vì vậy, việc thực hành tu tâm cũng là đều hết sức quan trọng.

* HỌC GIỚI THỨ HAI.

(không được lấy của người khác).

Tránh lấy vật gì không được cho. Trong Phật Giáo, chúng ta không bao giờ dùng từ ăn cắp mà nói: lấy vật không cho. Bởi vì mọi thứ phải được đặt vào tay chúng ta. Lại nữa chúng ta không thể nhận nó nếu món quà không được đặt trực tiếp trong tay chúng ta. Chúng ta sinh nghi, không biết là vật này có thực sự tặng cho mình không. Nhưng khi vật đó được đặt trong tay ta thì ta không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta biết đó là một tặng vật, nghi vấn liền tan biến.

Những điển hình về học giới lấy vật không cho: ví dụ như dùng cân đo gian dối, lấy lệ phí cao, nâng giá hàng, trả lương thấp cho người giúp việc, phóng đại giá trị hàng hóa, giả mạo, pha chế những hợp chất xấu hơn. Làm kém chất lượng sữa bằng cách pha thêm nước và những chất khác vào. Sự cướp đoạt cũng là hình thức ăn cướp trên bình diện rộng hơn.

Nếu có người lấy cắp một ổ bánh mì cho đứa con đang đói, vị đó có thể bị giam tù ngay. Nhưng nếu họ lấy cắp cả một quốc gia do tham quyền thì anh ta lại được tung hô là người chinh phục thế giới. Thế giới như vậy quả là điên khùng. Tôi nêu lên một ví dụ thứ hai: Khi bạn lấy cắp một ổ bánh mì, bạn có biết tại sao quan tòa phạt bạn không. Ngài phạt bạn vì lấy cắp quá ít. Điều mà quan tòa muốn nói là khi tòa đưa anh ta vào tù, Ngài có ý muốn nhắn nhủ: "Bạn thân thương! Bạn quá nhỏ mọn, bạn phải bị phạt vì sự nhỏ nhoi này; bởi chỉ ăn cắp bánh mì. Lần sau hãy đi ăn cắp một quốc gia. Lúc đó bạn trở thành người anh hùng chiến thắng thế giới. Dân chúng sẽ xây đài tưởng niệm, suy tôn bạn và bạn sẽ vinh quang đi vào lịch sử đất nước. Bạn sẽ tiếp đón danh hiệu vĩ đại như Alexander, Ceasar, Napoléon”. Những kẻ cướp tầm cỡ thế giới lịch sử trở nên vĩ đại vì họ lấv cắp những cái trọng đại. Họ chẳng bao giờ bị bỏ tù, bởi vì họ to lớn quá, không vào nhà tù được. Những tên cướp vĩ đại, quá vĩ đại, không lọt vào nhà tù nhỏ bé được. Không có nhà tù nào được xây to rộng đủ cho những tên cướp vĩ đại này và chính vì vậy mà họ được tự do, họ được tôn kính, bái lạy bởi những kẻ ngu si vĩ đại. Đương nhiên, họ vĩ đại cả hai phương diện vì mỗi người đều là mẫu người đặc biệt theo khuynh hướng riêng của mình.

* HỌC GIỚI THỨ BA

(Không được có những thèm khát nhục dục)

Tránh tà dâm, dịch đầy đủ là: tôi chịu giữ giới, không phạm tà dâm. Trong Phật Giáo, chúng ta chịu nhận, còn tôn giáo khác, học giới được răn dạy, hay ban lệnh: bạn không được làm thế này hay không được làm thế kia. Người nào đó áp bức bằng cây gậy to để ép buộc bạn phải giữ gìn một số điều răn. Điều răn không hề được tìm thấy trong Phật Giáo. Đức Phật cư xử với chúng ta như những triết gia. Ngài chỉ cho ta con đường chân chính (Chánh đạo). Bởi vì Ngài biết rằng chúng ta có trí tuệ, chúng ta sẽ theo con đường của Ngài. Nếu chúng ta mê mờ, kém hiểu biết, đó là lỗi của chúng ta. Ngài không sử dụng gậy to để ép buộc chúng ta giữ gìn năm học giới. Vì lòng đại bi, Đức Phật dạy. "Nếu bạn có trí tuệ, bạn không thích đau khổ, sẽ được thoát khổ”. Nếu bạn yêu cuộc sống trong đau khổ, bạn phải giải quyết cách nào?. Bạn có thể làm gì tùy bạn muốn. Trong đạo Phật chúng ta được đối xử bằng tinh thần tôn trọng chứ không phải như con nít, bắt phải thuần phục; chúng ta không bị bắt buộc, hay cưỡng ép. Tôi không cố ý chê trách một tôn giáo nào, bởi vì Phật Giáo quá cao vời, tôi chỉ tế nhị nêu lên một vài dị biệt, bởi vì cách hay nhất để chúng ta có thể so sánh, đánh giá là đặt chiều cao của một vật khổng lồ gần bên chú lùn nhỏ xíu, lúc đó, chúng ta mới nhận ra được sự khác biệt của chúng. Chúng ta không khôn khéo dụ đạo bất cứ ai mà chỉ trình bày Chân lý, sau khi phô diễn về sự thật. Công việc như vậy là xong, cho dù người ta có chấp nhận hay bác bỏ, chúng ta hoàn toàn tự tại và công việc truyền đạt Chân lý coi như đã kết thúc.

Ta nên bằng lòng với chính người vợ của mình; cần loại trừ các tham ái trong mọi hình thức. Nhìn một đối tượng nào đó với lòng thèm muốn coi như bạn đã phạm Tà hạnh "dâm tâm". Nếu toàn thế giới đều trở thành một đại tu viện thì quả là thiên đường cho trần gian này.

Nếu mọi người nam nữ vào rừng xuất gia tu tập thì trần gian này sẽ là thiên đường, toàn thế giới đầy những cây cối. Chúng ta có nhiều rừng khắp nơi và khí hậu vùng nhiệt đới sẽ tươi mát hơn. Nhưng vấn đề chặt đốn cây rừng thật bất lợi, chúng ta tự làm tổn hại cho chính mình, bức khổ vì nóng. Sức nóng như thiêu đốt của vùng nhiệt đới làm cho thế giới giống như sa mạc; thiếu bóng cây che mát; dân chúng lại quá đông. Thế nên nếu người ta chịu chấn chỉnh và điều phục tham vọng của mình, vào rừng xuất gia thì toàn thế giới là một cảnh rừng Thiền an lạc. Dân chúng lại ít, vì đi tu, ít sinh sản ... bạn hiểu chứ?

Các vị tại gia thân mến! Bạn đang ăn cướp cây cối của chúng tôi, bởi vì cây cối đều thuộc về những ai muốn tu Thiền định. Chặt đốn cây rừng nghĩa là các bạn đang cướp đoạt cây che bóng mát của những ẩn sĩ mong muốn tu Thiền, nhập định nơi đó.

Có lần khi tôi còn ở Ấn Độ, một anh chàng cùng đứng với tôi tại nhà ga xe lữa Patve, anh ta nói: "Ông là người tu theo phạm hạnh, Chúa sẽ giận ông đấy!". Tôi hỏi: "Giận gì?". Anh ta trả lời: "Vì ông đã theo hạnh của Phạm Thiên". Tôi nói: "Chúa của bạn mới kỳ lạ chứ". Anh ta lại nói: "Chúa ban cho sự sống, còn ông đang hủy diệt trần gian". Tôi hỏi lại: "Làm sao tôi có thể hủy diệt thế gian này được". Ông ta dõng dạt: "Vì ông không sinh sản chứ sao! Ông không sản xuất các thanh thiếu niên chứ sao!". Tôi tiếp lời: "Ôi Chúa của bạn quả là Vì Trời đáng thương! lại cần đến sự trợ giúp của tôi mới duy trì được sự sáng thế của Ngài, Chúa tạo nên thế gian này chứ có phải tôi đâu. Tại sao tôi lạì bận tâm đến sự sáng thế. Ngài tạo ra thế gian này, hãy để cho Ngài tiếp tục duy trì thế gian nếu Ngài muốn như vậy. Nếu Chúa muốn tạo dựng thế gian thì chắc chắn Ngài phải có năng lực để duy trì nó chứ. Nếu Ngài dừng lại không cần sự trợ giúp của tôi, thì tại sao tôi lại phải chịu trách nhiệm? Nó không phải là thế giới của tôi, tại sao tôi tạo ra nó". Rồi sau đó, tôi hỏi thêm anh ta rằng: "Anh giải thích cách nào bằng sự kiện thực tế rằng người không sáng thế lại được sùng kính tôn thờ?". Anh ta im lặng vì không thể trả lời.

Tham tạo tác!

Sân hủy diệt!

Si tạo tác và hủy diệt!

Đức hạnh không tạo tác!

Từ bi không hủy diệt

Trí tuệ ban cho tự tại, không sinh, không diệt!

Bậc Chân Thánh không hủy diệt. Ngài đơn giản từ chối lòng tham hay tạo tác. Theo triết học Phật Giáo, bạn đang tạo tác thế giới này hàng triệu lần trong mỗi khoảnh khắc. Nếu bạn dập tắt lòng tham thì thế giới của bạn cũng không còn vì rằng đời sống là một tiến trình trôi chảy liên tục, nó động chứ không tịnh. Ngày xưa thế giới này không phải được tạo nên trong 6 ngày mà nó được tạo nên hàng triệu lần trorng mỗi khoảnh khắc. Không có bắt đầu và kết thúc sáng tạo; mục tiêu duy nhất cho sáng tạo là hủy diệt nguyên nhân. Cái gọi là Vô minh đã tận diệt thì sự sáng tạo không còn, bởi vì Vô minh làm sinh khởi tham ái. Tham ái đưa đến chấp thủ. Chấp thủ làm phát sinh hữu–cái đang trở thành. Hữu đưa đến sinh. Sinh làm cho có già, bệnh, chết, buồn rầu, kêu ca, phiền não, đau khổ và tuyệt vọng. Nếu vô minh và tham ái tận diệt thì toàn bộ tiến trình bị bế tắt và do đó không còn sự sinh nữa. Vì vậy chính tham ái đã tạo tác; còn đức hạnh thì tận diệt. Nhưng tham ái tạo tác điều xấu chứ không phải điều tốt. Đức hạnh hủy diệt điều xấu chứ không tiêu trừ điều thiện. Tham ái tận diệt trần gian thống khổ này, chính nó chỉ là một tiến trình trống rỗng. Trí tuệ diệt trừ si mê, phát sinh cái thực tại cao siêu nhất của chân lý Vô thường. Nếu bạn ưa thích trần gian này thì bạn buộc phải ghét bỏ Niết Bàn. Nếu bạn ưa thích Niết Bần thì bạn sẽ chán ghét trần gian. Bạn không thể ghét bỏ cả hai. Nếu bạn muốn trần gian thì bạn phải goodbye Niết Bàn. Nếu bạn muốn thực tại thì bạn phải goodbye trần gian– thế giới không thực này. Vậy ai từ bi nhiều hơn? Người tại gia hay xuất gia? Người xuất gia từ bỏ gì? Vị đó từ bỏ thế giới trống rỗng–không mà có. Còn người tại gia từ bỏ gì? Anh ta từ bỏ thực tại Niết Bàn để lấy cái không, vì trần gian trống rỗng này. Vậy ai là người từ bỏ vĩ đại nhất? Người tại gia hay xuất gia? Người xuất gia không từ bỏ gì, duy chỉ có trần gian trống rỗng này. Người xuất gia không từ bỏ nhiều nhưng người tại gia thì từ bỏ Niết Bàn và là người từ bỏ lớn lao nhất, thiệt thòi nhất.

* HỌC GIỚI THỨ TƯ

(Không đựơc nói sai, nói xâu, nói ác, nói phiếm)

Tránh nói vọng ngữ, có bốn loại: nói láo, nói vu khống, nói thô bạo hay vô lễ, nói chuyện phù phiếm, vô nghĩa, chuyện tầm phào, vô ích cần phải từ bỏ. Tại sao bạn là người đa ngôn, nhiều chuyện? Bạn không nhận ra rằng thế giới đang bốc lửa hay sao? Bạn vẫn còn ngồi tán gẫu chuyện trời mây trong ngôi nhà đang cháy. Đa ngôn, đa sự là chứng bệnh của thời đại. Các chủ biên báo chí đều là những người phóng đại to nhất. Sống một mình là điều thuận lợi cho nhà tu. Yên tĩnh là cuộc sống tu học thiêng liêng của tôi, không ai có thể lấy đi đươc. Tôi sẽ sống độc cư và tận hưởng cái KHÔNG nơi hang động tâm hồn của mình.

Bạn hãy dùng thức ăn bồi dưỡng tâm linh hằng ngày. Tại sao ta đói khát tinh thần. Nếu bạn bị mất một bữa ăn, chấc chắn bạn sẽ la hét, quạu quọ đủ điều. Nhưng khi ta mất nhiều bữa ăn tinh thần thì không thấy ai kêu ca gì cả. Hãy bồi dưỡng thức ăn tinh thần cho tâm thức. Toàn thế giới đau khổ vì đói khát thức ăn tinh thần. Món ăn tinh thần sẽ đưa đến an lạc cho thế giới. Vậy món bồi dưỡng tinh thần là gì? Hãy giữ năm học giới. Chúng ta cần thức ăn trong sạch cho tâm hồn. Chúng ta hãy tẩy chay các chủ hiệu sách buôn bán các truyện giết người, tội phạm, tình dục, bởi vì họ đã dần dần biến nhân loại thành thùng rác. Do đọc các đồ phế thải nhơ bẩn đó bạn cũng bị ô nhiễm cùng khắp. Chúng ta nên đọc những bản kinh lợi lạc thù thắng nhất và nhờ vậy được tịnh hóa chính mình, bởi vì kinh Phật linh diệu có tác dụng như xà phòng tâm linh làm trong sạch bổn tâm chúng ta.

* HỌC GIỚI THỨ NĂM.

(không được uống rượu hay những chất làm say)

Tránh bất cứ trạng thái uể oải, suy nhược nào phát sinh do sử dụng các chất say. Tôi đã lưu ý rằng giới điều này không có trong mười điều răn. Chúng ta nên loại bỏ các thức uống có tính chất say sưa làm uể oải, ngủ nhiều, kể cả cần sa, á phiện.

Uống rượu là tự phá vỡ toàn phần các học giới. Vì dưới ảnh hưởng của rượu, một người say có thể giết hại, lấy cắp, nói láo, tà dâm và càng uống nhiều hơn nữa.

Phật Giáo là một phương pháp điều tâm hoàn hảo nhất. Trong Phật Giáo, tâm sở hữu mọi thứ nên phải luôn luôn duy trì mức độ có hiệu năng cao nhất, bởi vì chỉ có tâm tư duy trong sạch mới có đủ năng lực phát huy trí tuệ để một ngày nào đó trí tuệ mới đẩy lùi được mọi si mê ám chướng và ban cho ánh sáng Giác Ngộ. Vậy thì không phải hoàn toàn điên khùng sao khi bạn làm mờ tâm trí, gây chết người do uống rượu, hậu quả là đốn phá con đường thẳng tiến đến Niết Bàn của chúng ta. Đây là năm học giới trong Phật Giáo. Chỉ có năm chứ không phải mười. Theo học giới thứ nhất, chúng ta không được phép giết hại ngay đến con vật nhỏ bé nhất. Và theo học giới thứ năm, chúng ta không được phép uống rượu, cần sa, ma túy và các chất say tương đương.

Những nhà truyền giáo từ phương Tây có vẻ tốt lòng với người phương Đông, họ đang đẩy hết tốc lực đưa hàng triệu đô la để hóa đạo đám bất trung, tà giáo, ngoại đạo, chạy theo đường lối tư duy của họ. Có thể họ cống hiến điều gì đó tốt đẹp hơn điều chúng ta đã có rồi. Chúng ta có năm giới, khi các nam sinh là Phật tử, họ không được phép sát hại hay uống rượu. Dù sao chúng ta cũng phải ngưỡng mộ cái năng lực kinh khủng của các nhà truyền giáo Thiên Chúa để rồi giờ đây chúng ta bị tiêm nhiễm với năng lực dụ đạo kinh hồn của họ. Nay chúng tôi đang di chuyển về phương Tây để đáp lại lòng bao dung rộng lượng đó. Vì cần phải có sự trao đổi văn hóa song chiều như vậy. Chỉ có sự trao đổi chân tình này mới tạo sự hiểu biết thông cảm lẫn nhau hơn giữa các quốc gia, đưa đến hòa bình, thiện chí khắp các nước trên trái đất này. Và chính vì vậy mà chúng tôi sắp sang nước Mỹ. Singapore chỉ là chặng đường tạm dừng. Đó là chặng đường thứ ba. Chúng tôi đã đi Ragoon, Penang, Kuala Lum pur và giờ đây là Sigapore, Manila, Hong Kong, Honolulu và sau cùng là San-Francisco. Đây là chuyến đi Hoằng pháp, cứ ba ngày ở đây năm ngày ở kia. Chúng tôi sắp đến các bang dạy họ về năm học giới để họ biết sống thương yêu cả loài vật với lòng từ bi vô lượng vô biên. Thật là sai lầm nếu ai có tâm yêu thương con vật này mà ghét bỏ con vật kia. Chúng ta phải vô tư tất cả, yêu thương bạn bè và kẻ thù như nhau. Khi Đức Phật được hỏi Ngài thương yêu ai nhất giữa Devadatta- kẻ gây chia rẽ và Rahula con trai của Ngài. Đức Phật trả lời Như Lai yêu quý cả hai như nhau.

Tình yêu của người chồng đối với người vợ vẫn là vị kỷ. Anh ta chẳng khác gì con ếch ngồi đáy giếng. Gia đình là giếng của anh ta. Lẽ ra anh ta phải yêu thương và bảo vệ toàn khắp thế giới bao la này, coi toàn thể vũ trụ này là một gia đình vĩ đại. Vì vậy Đức Phật đã dạy: "Thật khó mà tìm được một chúng sanh duy nhất chưa từng là mẹ, cha, con trai, con gái mình trong những kiếp qua".

Trong Tương Ưng Bộ Kinh đức Thế Tôn dạy: “Đệ tử dòng cao quý phải quán tâm như vầy: ở đây ta đang yêu đời, không muốn chết, ta thích lạc thú và không thích đau khổ. Giả sử có người nào đó cướp lấy đời sống của ta (người ấy cũng thích sống như ta, không muốn chết, thích mọi lạc thú và không thích khổ đau). Đó không phải là điều thú vị làm cho ta phấn khởi".

Đến lượt mình, nếu ta cướp đoạt cuộc sống của người cũng thích sống và không muốn chết, người thích lạc thú và không thích đau khổ, đó không phải là điều thú vị làm cho anh ấy phấn khởi. Vì tình trạng như vậy không làm ta hài lòng hay phấn khởi, đối với anh ấy cũng tương tự. Làm sao ta có thể gieo đau khổ như thế cho người khác, nhờ thành quả của sự quán niệm như vậy, vị đó tự tránh sát hại chúng sanh và khuyến khích người khác tránh sát hại. Đồng thời tán thán hành động không sát sanh. Được vậy coi như đã giữ được tịnh giới về thân, vị đó hoàn toàn trong sạch. Đệ tử giòng cao quý lại quán niệm như vầy: nếu ai lấy cắp của ta hẳn điều đó không làm ta hài lòng. Nếu ta lấy cắp của anh ấy, điều đó hẳn không làm anh ấy vui lòng. Điều gì không làm cho ta hoan hỷ thì cũng sẽ không làm cho người khác hoan hỷ. Hãy đặt mình vào vị trí giống như người khác, ta sẽ tránh được tội lấy cắp. Do vậy vị đó trở nên hoàn toàn trong sạch (v.v... đối với các học giới khác).

Tôi vừa nêu lên đạo lý rất sơ đẳng của Phật Giáo (5 học giới). Người ta có thể phàn nàn: "Bộ Ngài Giảng Sư tưởng chúng tôi là học trò mẫu giáo trong vườn trẻ chăng? Chúng tôi đang ở Sigapore, người dân đa phần là trí thức muốn học hỏi triết lý cao siêu. Ở Sigapore không cần đạo lý sơ cấp”. Thế nhưng những điều tôi nói là căn bản, nếu khộng thực hành năm học giới thì làm sao quý vị có thể nhận thức được trình độ cao cấp hơn. Hãy nhớ 99% chúng nhân đang ở lớp sơ cấp Phật học; rất ít người đạt đến ở mức độ cao hơn, và còn ít hơn nữa, người đã tốt nghiệp. Vì vậy đa số những bài học ở vườn trẻ họ đều mãn nguyện với những gì có trong vườn trẻ.

Nhân đây chỉ nêu lên cho quý vị một ý chính ngắn gọn về triết học Phật Giáo như tôi đã đề cập trước kia. Trong Phật Giáo các sự vật đều coi như đang biến động trôi chảy liên tục. Các triết gia Hy Lạp cũng nói mọi vật đều trôi chảy. Khoa học cũng khẳng định tương tự và Đức Phật cũng dạy như vậy, Ngài nói các Pháp đều là một dòng biến động liên tục. Bạn có những nguyên tử, điện tử và Proton có điều là Đạo Phật không chấp nhận có linh hồn. Đời sống là tiến trình của sự liên tục trở thành. Chúng ta mỗi lúc mỗi trở thành và chẳng bao giờ trở thành. Vậy thì ai là người trở thành? Bậc Alahán đã trở thành. Trở thành gì? Trở thành một thực tại, một trạng thái bất biến. Chúng ta không bao giờ trở thành mà vẫn đang trở thành. Một khi tiến trình trở thành dừng lại, lúc đó ta mới trở thành. Và ở đó không còn có sự đang trở thành nữa cho vị đó. Đức Phật đã trở thành một lần và xong tất cả. Ngài không bao giờ trở lại thế gian này. Ngài có thể không bao giờ tiếp tục trở thành. Tiến trình trở thành đã vĩnh viễn ngưng hắn. Ngài đã trở thành một hiện thực (bản chất có thực) và sự thực có thể không bao giờ nhập lại thế gian nữa.

Bạn phải nhận thức rằng Đức Phật chỉ thị hiện khi nhân loại hân hoan tiếp nhận thông điệp của Ngài. Không thể tiêu phí thời gian mà không được gì. Ngài không định ném những hạt ngọc trai vào đàn heo. Ngài chỉ ném những viên ngọc cho những ai trân trọng, đánh giá được nó. Ngài rất tiết kiệm thời giờ. Thật là vô ích cho những ai giẫm đạt những viên ngọc đó dưới chân mình. Đức Phật sẽ trở lại, không phải vị Phật tương tự mà là Đức Phật Gautama, một vị Phật mới. Khi Đức Phật xuất hiện cách đây 2500 năm, Ấn Độ bấy giờ đã vào thời kỳ văn minh, tịnh lạc ở đỉnh cao. Nhớ rằng cách đây 2500 năm toàn Đông Phương tràn ngập trí thức. Ở Ấn Độ có Đức Phật Thích Ca, ở Trung quốc có Khổng Tử và Lão Tử, ở Hy Lạp có Platon và Socrates và nhiều Thánh nhân khác. Đó là thời kỳ trăm hoa đua nở. Vậy thì tại sao Đức Phật xuất hiện. Rõ ràng Ngài chỉ đến khi nhân gian xứng đáng được sự hiện diện của Ngài, khi họ không đánh mất nhân tính của mình. Trong Phật Giáo, chúng ta nói rằng Đức Phật thị hiện khi nhân gian có đủ duyên lành chân thiện và quốc độ này có đủ khả năng nhận thức được hào quang chân lý của Ngài.

Quý vị phải nhớ rằng gương mặt của tôi có thể là gương mặt của một người ngoạì quốc, có màu da khác. Nhưng có lẽ tôi còn "Ấn Độ" hơn cả người Ấn Độ nữa. Để tặng quý vị một ví dụ nhỏ: Ông A và bà B gì đó đang mặc y phục Tây Phương, y phục của người Âu Châu. Tôi đang khoát y phục cổ Ấn Độ. Bạn là một người Đông Phương lại ăn mặc kiểu Tây phương. Tôi là người Tây phương lại ăn mặc kiểu Đông Phương. Vì vậy thế giới hình như ngược đảo cả, đủ minh họa cho tính cách phức tạp, lộn xộn của trần gian. Xin quý vị đừng phật ý vì đây chỉ là trò vui đùa trong câu chuyện. Vì có khôi hài mới làm sáng lên cái triết lý sâu xa, lại nữa, hình như quý vị đang buồn ngủ.

Do thành quả công đức vô lượng mà quý vị đã đạt được nhờ kham nhẫn lắng nghe bài Pháp thật dài này. Nguyện cầu tất cả ước vọng cao đẹp của quý vị được hoàn thành viên mãn. Nguyện cầu tất cả thính chúng sớm đạt được Niết Bàn tối thượng.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]