Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương X: Vẻ Đẹp Trong Khoa Học Và Trong Phật Giáo

15/01/201104:10(Xem: 4025)
Chương X: Vẻ Đẹp Trong Khoa Học Và Trong Phật Giáo

TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Chương X: Vẻ Đẹp Trong Khoa Học Và Trong Phật Giáo

Có chăng một quan niệm về cái đẹp trong việc khám phá khoa học và trong những lý thuyết hướng dẫn việc khám phá đó. Phật giáo quan niệm về vẻ đẹp như thế nào?

Thuận: Thường thường thì những lý thuyết mô tả thiên nhiên gần đúng nhất và phù hợp nhất với thực nghiệm, là những lý thuyết đẹp nhất. Tôi thử nói về cái quan niệm mâu thuẫn này về cái đẹp. Mâu thuẫn vì lẽ khoa học thì được xem là hợp lý, lạnh lùng và không gợi lên một cảm giác thẩm mỹ nào cả. Nhưng các nhà khoa học thì luôn nói về cái đẹp. Hãy nghe nhà toán học Henri Poincaré:

Nhà khoa học không nghiên cứu thiên nhiên vì lợi ích. Ông ta nghiên cứu vì ông ta thích thú trong công việc, và ông ta thích thú vì thiên nhiên rất đẹp. Nếu thiên nhiên không đẹp, thì ta sẽ không bỏ công nghiên cứu và cuộc đời cũng không đáng sống.

Chúng ta không có khó khăn nào để hình dung vẻ đẹp của những hiện tượng thiên nhiên, của hoa hồng ban mai, của những hoàng hôn rực rỡ màu sắc, của vẻ đẹp các vì sao và các thiên hà. Tôi không khỏi sững sờ và thán phục khi trên màn hình hiện ra qua viễn vọng kính, những chòm sao mới hoặc những đường xoắn ốc do các thiên hà cách địa cầu hằng tỷ năm ánh sáng tạo nên. Nhưng ngoài vẻ đẹp bề ngoài, còn một vẻ đẹp tế nhị và trừu tượng hơn. Đó là vẻ đẹp của các lý thuyết. Một lý thuyết được xem là đẹp, khi lý thuyết ấy được bắt buộc xác định, nó được xem như một sự thật hiển nhiên. Trước một lý thuyết đẹp, nhà vật lý không thể không thốt lên: “Nó đẹp quá đến mức nó phải là sự thật, tại sao ta không nghĩ đến nó trước đây nhỉ?” Vì lẽ đó, thuyết tương đối của Einstein đẹp như một tấu khúc của Bach trong đó ta không thể thay đổi một âm không làm hỏng bản nhạc, hay đẹp như nụ cười của La Joconde, nơi đó ta không thể thay đổi một nét vẽ nào mà không làm hỏng bức tranh. Đặc tính thứ nhất của một lý thuyết đẹp là tính cần thiết của nó.

Đặc tính thứ hai là nét đơn giản của nó. không nhất thiết là sự đơn giản các phương trình, mà là những ý niệm chính trong lý thuyết. Vũ trụ “Nhật tâm” của Copernic (Mặt trời tâm điểm) nơi các hành tinh xoay quanh mặt trời, đơn giản hơn là vũ trụ “Địa tâm” của Ptolémé (Trái đất là tâm điểm) nơi các hành tinh xoay quanh những vòng tròn mà tâm điểm di chuyển trên những vòng tròn khác. Lý thuyết của Copernic đẹp vì nó không cần nhiều giả thuyết để giải thích sự di chuyển của các hành tinh. Sau cùng đặc tính thứ ba cũng là nét độc đáo nhất, là sự thật, là sự tiết lộ những liên hệ mà cho đến nay không ai ngờ tới.

Matthieu: Có lẽ cần nói tế nhị hơn một chút. Bạn vừa nói sự thật nào vậy? Khi bạn nói phù hợp với thiên nhiên thì cũng giống như một phương trình thích ứng với kinh nghiệm phải vậy không? Như chúng ta đã thảo luận, việc thử nghiệm khoa học, không cho phép chúng ta nói rằng chúng ta đã phát giác ra bản thể tối hậu các hiện tượng.

Thuận: Ở đây tôi nói sự thật từ những dụng cụ đo đạc, hay nói theo Phật giáo, là sự thật quy ước.

Hãy xem lý thuyết tương đối của Einstein, theo ý kiến chung của các nhà vật lý, đó là thuyết đẹp nhất và là tòa lâu đài tinh thần hài hòa nhất mà khoa học đã xây dựng được. Không những thuyết này đã nối kết và hợp nhất các quan niệm căn bản của khoa vật lý khi ấy hoàn toàn tách biệt nhau như: không gian thời gian, năng lượng và di động, gia tốc và hấp dẫn mà nó còn phát giác ra những hiện tượng lạ lùng mà chưa hề ai biết. Thuyết tương đối tổng quát không ngừng đưa đến cho chúng ta nhiều khám phá mới, năm 1915 là năm thuyết được công bố, người ta tưởng rằng vũ trụ cân bằng và ổn định. Thật ra các phương trình Einstein đã chỉ ra rằng vũ trụ năng động khi thì giãn nở, khi thì co rút. Einstein đã không thật tin tưởng vào thuyết của chính ông, nếu không ông đã thiết lập được 14 năm, trước khi Hubble chứng minh vũ trụ đã trương nở.

Những lỗ đen cũng là một hiện tượng được lý thuyết tương đối tiên đoán. Einstein cũng không tin vào điều này. Ông nói rằng thiên nhiên rất khiếp hãi về những hiện tượng đó mà thuyết tương đối không diễn tả được. Lẽ ra ông cũng nên tin vào thuyết của ông, và những lỗ đen được khám phá trong dãy Ngân hà và trong những thiên hà khác.

Ví dụ thứ ba là về những “thấu kính hấp dẫn”. Thuyết tương đối cho chúng ta biết rằng có những nơi mà các thiên hà khổng lồ làm cong không gian, và làm lệch đi ánh sáng từ các vật thể xa, do đó tạo nên những ảo ảnh vũ trụ. Những thiên hà đó được gọi là “những thấu kính hấp dẫn”, và đã được khám phá vào năm 1979. Cần thiết, đơn giản và hợp với sự thật là những nét đặc thù của một lý thuyết đẹp.

Matthieu: Tôi có thể nói rằng phương trình thích ứng với cái đẹp gần giống như quan niệm của Phật giáo về cái đẹp. Nhưng ở đây sự thật là một phương trình thích ứng với bản thể của con người. Định nghĩa đơn giản nhất của cái đẹp là những gì đem đến cho ta một sự an lạc mà tùy trường hợp được cảm thọ như một thích thú hay một hạnh phúc. Điều này cho phép chúng ta nhận thức nhiều mức độ về cái đẹp gắn liền với nhiều mức độ an lạc. Ta có thể cho rằng vẻ đẹp tương đối đem đến cho ta một sự thỏa mãn tạm thời, và vẻ đẹp tuyệt đối đem đến cho ta một sự an lạc kéo dài, đôi khi không hề thay đổi.

Thuận: Vẻ đẹp cần đáp ứng những tiêu chuẩn tùy theo trạng huống văn hóa, xã hội, tâm lý và cả sinh lý nữa. Mẫu vẻ đẹp thời họa sĩ Renoir là một người đàn bà có nét đầy đặn. Trong thập niên 60, lại là một mẫu người mảnh mai. Khi mà Van Gogh chết trong nghèo khó vì bán không được tranh, thì vài thế kỷ sau tranh ông báo với giá không tưởng tượng nổi. Còn về vẻ đẹp của một lý thuyết khoa học, thì lại ít tùy thuộc hơn vào trạng huống văn hóa: một nhà vật lý người Việt cảm nhận về vẻ của những thuyết tương đối tổng quát cũng giống như những bạn đồng nghiệp Pháp Mỹ của ông ta.

Matthieu: Vì lẽ những người này được huấn luyện tương tự như nhau. Tôi ngờ rằng thuộc hạ của một bộ tộc bán khai có cùng chung một nhận xét: Ta có thể xem vẻ đẹp như sự hài hòa của từng phần với toàn phần. Trong nghệ thuật Phật giáo, có một ảnh tượng học rất chính xác, nêu rõ những kích thước lý tưởng để vẽ Đức Phật. Người ta sử dụng một tấm lưới trên đó chỉ rõ độ cong của mắt, khổ mặt trái xoan và các phần khác của cơ thể. Những nét vẽ đó tương ứng với sự hài hòa tuyệt mỹ và phản ảnh sự hài hòa nội tâm của bậc Giác ngộ.

Thuận: Tôi luôn luôn ngạc nhiên về các bức chân dung Đức Phật dù là hình vẽ hay pho tượng; do sự cân xứng, vẻ đẹp của chúng luôn luôn đem đến một cảm giác an lạc sâu sắc.

Matthieu: Từ cái phụ đến cái chính, vẻ đẹp thay đổi tùy theo cách mỗi người cảm nhận một sự thích thú về thẩm mỹ. Người ta tìm thấy ở tất cả chúng sinh những hằng số về quan niệm hạnh phúc và an lạc. Tình yêu và lòng vị tha đều đẹp, còn sự ghét bỏ và lòng đố kỵ thì xấu xa. Vẻ đẹp thật sự trở nên một phương trình thích ứng với bản thể con người. Theo Phật giáo, bản thể này là một sự hoàn mỹ nội tại xây dựng bằng kiến thức và tình yêu vì vậy nên tuyệt đối đẹp. Chúng ta càng sống hài hòa với bản thể, chúng ta càng khám phá ra vẻ đẹp nội tại nơi mỗi con người chúng ta. Vẻ đẹp tối thượng phù hợp hoàn toàn với Phật tánh, với Giác ngộ. Khi ta nhìn thấy một nhân vật đáng kính, một hiền triết, một vị thầy rạng rỡ, ta cảm thấy ta đang đứng gần một vẻ đẹp tâm linh thu hút ta rất mạnh.

Vẻ đẹp tương đối thường không phụ thuộc vào vật thể mà thường liên quan đến người quan sát. Rõ ràng là cùng một vật mà người này khen đẹp mà người kia lại chê xấu. Một vật thể được cho là đẹp khi nó phù hợp với điều mà ta mong ước. Một nhà toán học thán phục trước một phương trình đẹp, còn ông kỹ sư thì trước một cỗ máy đẹp. Người mơ ước được an tịnh, thì thưởng thức một khúc nhạc mở đầu của Bach. Còn nhà ẩn sĩ thiền định về bản thể tối hậu của tâm lại không cần như vậy. Sự hòa hợp giữa tâm ông ta với các hiện tượng nằm trên một bình diện khác. Theo ông thì hình dáng được xem như biểu hiện của sự tinh nguyên ban sơ, còn âm thanh như âm vang của hư không và các tư tưởng như trò chơi của kiến thức. Ông không còn phân biệt giữa cái hòa hợp và cái bất hòa, cái đẹp và cái xấu. Và như vậy đối với ông vẻ đẹp ở khắp nơi, và sự an lạc là bất biến. Có câu nói “trên một hòn đảo toàn vàng, rất khó để tìm ra một viên đá sỏi”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]