Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VIII: Về Rô Bốt

15/01/201104:10(Xem: 3687)
Chương VIII: Về Rô Bốt

TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Chương VIII: Về Rô Bốt

Bộ não có vận hành như một máy tính không? Liệu một máy tính có một trí thông minh nhân tạo có nhận thức cuộc đời như chúng ta không? Và nếu thế thật thì sự có mặt và vị trí của các tâm thức biết suy tư, biết tự vấn chính mình sẽ như thế nào trong cuộc đời này?

Thuận: Như chúng ta đã thấy, vài nhà sinh học cho rằng chỉ cần vật chất được sắp xếp đến một mức độ phức tạp nào đó, thì tâm thức xuất hiện đồng thời với tình yêu và những tình cảm để làm cho cuộc đời đáng sống. Theo họ thì không có gì ngăn trở sự xuất hiện tự nhiên và đột ngột của tâm thức, khi sự tiến hóa vượt khỏi một ngưỡng nào đó về tổ chức, và sự phức tạp. Bộ não chỉ là một cỗ máy biết suy nghĩ, gồm có những bộ phận hợp thành một thứ xã hội tế bào thần kinh. Và những sự giao tiếp bên trong xã hội đó, thường được gọi là “tinh thần”.

Tâm thức có thể ví như một máy tính gồm có những phần cứng là hệ thần kinh (hardware) và một phần mềm (software) là tinh thần. Hệ thần kinh tựa như chỗ dựa vật chất cho tâm, giống như những mạch điện trong máy tính là phần cứng để cho phần mềm là những đĩa mềm hoạt động. Nếu ta quan niệm tâm thức con người như thế, thì một ngày nào đó khi máy tính trở nên phức tạp hơn, chúng sẽ có thể biết suy nghĩ và có cảm giác. Một vài nhà nghiên cứu trong lãnh vực trí thông minh nhân tạo nghĩ rằng trên lý thuyết có thể xây dựng những máy tính có khả năng của một trái tim biết yêu thương, biết giận hờn, biết buồn rầu và biết thương hại. Và không có gì ngăn cản chúng nghĩ đến việc sáng tạo và viết ra những tác phẩm như: “Chiến tranh và hòa bình” hay là sáng tác ra một bản nhạc mới tương tự như bản giao hưởng số 9 của Beethoven.

Matthieu: Cứ cho rằng một cỗ máy có thể bắt chước tâm thức, điều này cũng không thay đổi gì bản chất của nó. Một cỗ máy như thế có thể xử lý những thông tin không cố ý nghĩ gì đến với nó. Dù cho nó có sáng tác ra được một bản giao hưởng mới, nó cũng bắt buộc phải sử dụng những nguyên tắc hòa âm đã được lập trình sẵn. Không những nó không cần biết đến cái đẹp của bài nhạc, mà nó còn bất chấp cả cái gọi là Âm nhạc nữa.

Thuận: Năm 1977, báo chí đã nói rất nhiều về siêu máy tính “Deep blue” đã đánh bại Vô địch cờ vua thế giới là Garry Kasparov. Vài ký giả còn cho đó là thất bại của cả nhân loại. Thật ra Deep blue đã đánh bại Kasparov nhờ vào khả năng tính được hai trăm triệu nước đi mỗi giây đồng hồ, do đó nó có khả năng tính trước được mười bước đi tiếp theo. Một kỳ thủ chỉ có thể tính trước được vài bước đi, phần lớn nhờ vào trực giác do nhớ lại những bàn cờ đã chơi qua hay do kinh nghiệm thi đấu. Vậy là nhờ vào khả năng tính toán phi thường của Deep blue, nó đã hạ được Kasparov. Deep blue không biết được nó đã chơi cờ và nó cũng không cần biết nó đã thắng hay thua. Nó chỉ cần tuân theo một cách mù quáng những chỉ dẫn của các chuyên viên tin học đã lập trình qua các mạch điện. Ý chí chiến thắng, sự lo sợ, sự bất an căng thẳng hay sự hối tiếc vì đã đi sai một nước cờ, hay sự thích thú đã nghĩ ra một nước hay, tất cả đều xa lạ với Deep blue. Có thể cũng vì Kasparov đã trải qua các tình cảm có tính người như thế nên đã thua trận!

Matthieu: Một chiếc máy tính nhỏ cũng đủ để vượt chúng ta trong việc làm một bài toán nhân có ba số. Tất cả những điều đó không có gì liên quan đến tâm thức. Chúng ta lo ngại về các máy tính, nhưng chúng thì lại bất cần đến chúng ta, và chắc là không có hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ được tự hỏi con người có tâm thức hay không?

Thuận: Ngày nào các máy tính chỉ gồm các mạch điện rắc rối chạy theo chương trình, thì chúng ta vẫn là những cỗ máy không thể suy nghĩ, cảm thọ, yêu hay ghét. Thật ra máy tính chỉ là một bản sao ngụy tạo của một dụng cụ đã được người Trung Hoa và người Ba Tư dùng từ thuở xa xưa gọi là cái bàn toán. Trong cái bàn toán đó, số một được tượng trưng bởi những viên gỗ tròn di chuyển lên xuống trên những chiếc que kim loại, trong khi số 0 thì được tượng trưng bằng những khoảng trống. Thay vì những thành phần điện tử, là những ngón tay đẩy các viên gỗ tròn trên những chiếc que theo những định luật chính xác. Máy tính hiện nay tính nhanh hơn bàn toán rất nhiều nhưng không vì thế mà nó có nhận thức thì có khác nào nói các viên gỗ tròn của bàn toán biết bài toán cộng mà chúng đang thực hiện.

Francois Valera cho rằng những người so sánh bộ não với máy tính đã không chú ý nhiều đến tác động hỗ tương giữa bộ não và thế giới bên ngoài. Ông cho rằng bộ não có trong thân, thân có trong thế giới và như vậy có thể chuyển động, làm việc, tưởng tượng và mơ mộng. Và nhờ những hoạt động thường xuyên như vậy, mà con người nhận biết thế gian và vạn vật.

Matthieu: Rất nhiều nhà sinh học không chấp nhận hình ảnh máy tính của não bộ. Theo họ, bộ não có khả năng học hỏi gần như vô tận. Đối lại với cái nhìn “máy tính” là một cái nhìn “năng động” của bộ não. Theo cái nhìn này, sự tương thuộc và tương tác của những thành phần sinh học của não bộ làm nảy sinh ra tâm thức.

Thuận: Thật ra sự tương tự của não bộ và máy tính rất là nông cạn. Nếu người ta nghĩ sâu hơn một chút, người ta sẽ nhận thấy bộ não xử lý các thông tin khác xa máy tính. Máy tính thì tích trữ thông tin bằng những chuỗi từ 1 và từ 0. Những chuỗi từ 1 tương ứng với những xung điện, còn những chuỗi từ 0 thì không có xung điện. Đây là điều mà người ta gọi là loại ngôn ngữ phân đôi. Nhưng trong bộ não, chưa bao giờ có ai chỉ ra được những tế bào thần kinh nào tác động như máy tính. Bộ não là một hệ thống tự lập trình, còn máy tính thì có sẵn chương trình đã được các chuyên gia lập sẵn. Máy tính có một bộ nhớ tự động với một đầu vào và đầu ra riêng biệt, còn trong bộ não, vùng của ký ức cũng là vùng của những suy nghĩ. Hơn nữa một khi đã lắp đặt xong thì hệ thống các mạch điện không thay đổi nữa. Chỉ cần một sợi dây dẫn, hay một transistor hư, là máy sẽ không chạy. Trái lại mạng lưới tế bào thần kinh có khả năng tái tục và thích ứng dễ dàng. Nó thay đổi liên tục theo thời gian, nhất là từ tuổi bé thơ. Những tế bào mới sinh ra các tế bào khác chết đi, những mối nối được thiết lập rồi lại biến mất. Người ta có thể thấy một sự chọn lọc tự nhiên, ở lãnh vực tế bào thần kinh.

Tốc độ truyền dẫn thông tin cũng rất khác xa. Trong bộ não, xung động thần kinh được dẫn truyền với tốc độ 100m/giây trong khi ở máy tính các thông tin chạy với tốc độ mấy ngàn cây số/giây. Đó là lý do vì sao máy tính lại làm toán nhanh hơn chúng ta nhiều. Trái lại bộ não thực dụng hơn trong các thử nghiệm có tính tổng hợp, như nhận diện một khuôn mặt chẳng hạn. Thật vậy, nếu muốn ủng hộ việc có một tinh thần trong máy tính, thì cần phải thiết lập những máy tính phức tạp, có cấu trúc như các tế bào thần kinh của con người. Có thể một ngày nào đó người ta sẽ nghĩ ra những máy tính biết yêu, biết đau khổ. Dù sao bộ não con người là kết quả của một triệu năm tiến hóa, trong khi các máy tính chỉ mới được thiết lập từ những năm 50. Khoảng thời gian ấy nhà bác học người Anh Alan Turing đã đề nghị một cuộc thử nghiệm đơn giản để hiểu về sự thông minh của một cỗ máy. Giả sử rằng chúng ta nói chuyện với hai người giấu mặt, mà một là con người và người kia là một máy tính. Nếu trong câu chuyện, người ta không phân biệt được thì bắt buộc người ta phải kết luận là máy tính cũng thông minh như con người. Nhưng năm 1980, triết gia người Mỹ John Sarle đã phản bác lại thử nghiệm của Turing. Sarle đề nghị thí nghiệm gọi là căn phòng Trung Hoa. Tôi ngồi trong một căn phòng biệt lập, và qua một khe hở người ta trao cho tôi những câu hỏi viết bằng Hán tự mà tôi phải trả lời dù rằng tôi không hề biết một chữ Hán nào. Để trả lời, người ta cho tôi một danh sách các câu trả lời và một bảng chỉ dẫn cách chọn một câu trả lời thích hợp. Tôi đưa câu trả lời qua khe hở cho người đặt câu hỏi, người này hiểu tiếng Trung Hoa. Dù cho các câu trả lời có đúng đi chăng nữa, tôi cũng không thể nói rằng tôi hiểu tiếng Trung Hoa, cũng như tôi đã nghĩ ra những câu trả lời như là tôi rành tiếng Trung Hoa. Tôi chỉ sử dụng bảng chỉ dẫn cũng giống như một máy tính theo đúng chỉ dẫn đã lập trình từ trước. Và từ đó ta có thể kết luận rằng một máy tính nếu cho những câu trả lời tương tự như tôi, thì những câu trả lời phải được lập trình từ trước. Rõ ràng máy tính không biết suy nghĩ gì cả. Theo ý riêng tôi, thì lập luận của vị triết gia thuyết phục hơn. Turing đã tiên đoán là vào năm 2000, các máy tính có thể đánh lừa được người hỏi trong vòng 5 phút đàm đạo. Có lẽ ông ta quá lạc quan, vì còn lâu chúng ta mới có thể tạo nên những máy tính có thể nói chuyện bình thường với con người, nhất là về những vấn đề cần phải suy nghĩ.

Matthieu: Khi bạn đưa ra những câu hỏi khó cho một người thì người đó sẽ không đưa ra một câu trả lời vô lý hoặc vu vơ như là máy tính thường làm khi nó không tìm được câu trả lời thích hợp trong chương trình của nó.

Thuận: Máy tính có thể đọc được nét chữ, nghe được âm thanh, phiên dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, hay giải những bài toán có thể làm đau đầu mấy thế hệ các nhà toán học. Mặc dù thế, khả năng của chúng còn rất hạn chế. Những cỗ máy thông minh không thể nhìn rõ, cũng như khó nhận ra người đối thoại với mình, chúng cũng chỉ hiểu được vài nghìn từ, lại còn phải nói với chúng thật rõ ràng và chậm rãi và chúng trả lời với một giọng nhão nhẹt.

Matthieu: Đó chỉ là những vấn đề kỹ thuật có thể sửa đổi được. Nếu ta chỉ xem tâm thức như là một hoạt động của tế bào thần kinh, và hoạt động của tế bào thần kinh như tùy thuộc vào những nguyên tử cấu thành chúng, thì những khác biệt giữa một con người và một máy tính không có gì là cơ bản. Tuy nhiên, một máy tính có thể nào tự hỏi: “tâm là gì? Tôi là ai? Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Khi chết tôi sẽ đi về đâu?”. Nó cũng không thể tự hỏi sẽ phải ra sao, khi người ta cắt đi dòng điện. Một vài hệ thống thông minh nhân tạo có thể học hỏi hay tự tổ chức, nhưng chúng có biết lo sợ về cái gì sẽ xảy ra cho chúng hoặc giả chúng vui mừng vì hoạt động tốt trong hiện tại chăng?

Thuận: Theo vài nhà nghiên cứu, nhận thức về cuộc đời có thể xuất hiện ở Rôbốt, nếu chúng biết tìm hiểu về môi trường chung quanh, giống như tâm thức xuất hiện nơi con người trong quá trình tiến hóa. Đây là giả thiết của Rodney Brooks ở MIT và một nhóm nghiên cứu về thông minh nhân tạo. Theo Brooks và nhóm của ông, nếu ta có thể xây dựng một cỗ máy không biết gì về môi trường chung quanh nó, nhưng lại được gắn một thiết bị cảm thụ và vận động hữu hiệu, thì nó có thể đi khắp nơi giống như một con kiến bò đi khám phá môi trường. Nó có thể đi sang phòng bên cạnh, ra vườn, đi vòng quanh cây cối, tránh xa các hầm hố và dần dần các thiết bị cảm thụ-vận động trở nên chính xác và cỗ máy có thể xoay sở trong bất cứ tình huống nào. Nói một cách khác cỗ máy dần dần có nhận thức về môi trường chung quanh trong quá trình sử dụng.

Còn bộ não đã xuất hiện nơi con người để cho các thiết bị cảm ứng và hành động được dễ dàng hơn. Vì thế nên hệ thần kinh không có ở cây cỏ, ở loài nấm hay ở vi khuẩn, mà chỉ ở loài vật vì chúng cần săn mồi. Còn khả năng trừu tượng và suy nghĩ đến muộn hơn. Sự tiến hóa của hệ thần kinh đã mất một triệu rưỡi năm, và trong khoảng ¾ thời gian đó, loài vật chỉ có thể sử dụng những khả năng để sinh tồn mà thôi như chạy nhảy, săn đuổi, ăn uống v.v... Chỉ khoảng một triệu năm trở lại thì ngôn ngữ và trí thông minh tượng trưng cùng với những khả năng tương tác với môi trường mới xuất hiện ở loài linh trưởng. Theo Francois Valera, sự xuất hiện của tinh thần không phải là một bước nhảy vọt, mà là một sự liên tục cần thiết trong việc hiện thân của con người trong quá trình tiến hóa.

Những nhà nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo đã theo hai phương pháp khác nhau để tạo nên những cỗ máy biết suy nghĩ. Cách thứ nhất, người ta tạo nên hàng ngàn những rôbốt nhỏ khác nhau, sau đó người ta thả chúng ra ngoài thiên nhiên, và người ta chọn lại những rôbốt có độ bền cao nhất. Cách thứ hai là của Brooks, người ta cài đặt trong rôbốt những thiết bị bắt chước khả năng của não bộ như trí nhớ, sự nhận diện một khuôn mặt hay nhiều khả năng tương tác với xã hội khác.

Matthieu: Nhưng dù cho các rôbốt này có tiến bộ đến đâu, cũng không thể cho là chúng có tâm thức được. Thật ra không ai xác định được tâm là gì và không có phương tiện khoa học nào có thể khám phá được sự có mặt hay vắng mặt của nó bất cứ ở đâu. Lý do có lẽ là vì không thể nghiên cứu Tâm từ bên ngoài, mà cần phải viện dẫn sự trải nghiệm của chính con người. Cũng giống như những triết gia về tinh thần chủ trương thuyết duy vật khoa học, triết gia người Mỹ Daniel Dennett nhìn nhận rằng với cái “Tâm” chúng ta luôn ở trong một sự hỗn độn, và nó vẫn còn là một đề tài làm bối rối và nản lòng những nhà tư tưởng siêu việt nhất.

Tôi nghĩ rằng điều cần thiết là nên phối hợp việc nghiên cứu cái tâm từ một người quan sát bên ngoài và một người đang trải nghiệm một cuộc sống nội tâm. Dù sao chỉ có cái Tâm mới có khả năng tự hiểu lấy mình mà thôi. Nếu muốn hiểu được bản thể của tâm, mà không đi vào cuộc sống nội tâm kết hợp với thiền định lâu ngày thì cũng giống như học bơi mà sợ bị ướt.

Thuận: Rất có thể các nhà nghiên cứu về thông minh nhân tạo có nhiều cao vọng vì sự thành công gần đây của những rôbốt có những đặc tính gần giống như một cái Tâm sơ khai. Vấn đề được đặt ra là liệu các rôbốt có thể có khả năng suy nghĩ không? Những công cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy một nhóm rôbốt nhỏ có thể tự tổ chức bằng cách tương tác và ứng xử giống như chúng có ý thức. Ví dụ, chúng có thể chấp nhận những rôbốt phụ nếu những vật này giúp chúng hoạt động tốt hơn, nhưng chúng có thể loại những vật phụ này ra nếu làm hỏng hoạt động của chúng. Những rôbốt hiện nay có thể có tầm mức ý thức của một con côn trùng và có thể tiến gần đến tầm mức một con chó. Dù sao ý thức đó chỉ là một sự thử nghiệm và còn rất sơ khai. Cái việc loại ra các rôbốt phụ nếu không thích hợp gần giống như thử nghiệm về bản năng của chó của Pavlov. Còn rất xa mới đến được ngôn ngữ và cái tâm biết suy nghĩ của loài người.

Trong đời sống thường nhật, 90% hoạt động của chúng ta dựa vào bản năng: đi đứng, ăn uống, nấu bếp… là những công việc không cần đến suy nghĩ. Còn cái tâm biết suy nghĩ là để soi rọi lại chính mình và tự hỏi về số phận. Hình như cái tâm này bắt đầu xuất hiện vào kỷ nguyên người Cro-Maguon, khi ấy con người mới bắt đầu biết chôn người chết. Những nhà nhân chủng học nghĩ rằng một trong những biểu hiện đầu tiên của cái tâm biết suy nghĩ là cái khả năng tưởng tượng một thế giới sau khi chết, và chuẩn bị cho chuyến đi dài đến thế giới đó. Cũng vào thời đó, con người bắt đầu biết sáng tác nghệ thuật, như các tranh cổ thạch cách đây 40.000 năm trong những hang động ở Chauvet và Lascot miền Nam nước Pháp.

Khả năng sáng tạo và những tiến trình tâm thức cao hơn dường như kết hợp với ngôn ngữ. Chính sự liên kết mật thiết với ngôn ngữ mới thật sự nói lên tính người. Trong tất cả các sinh vật, chỉ có con người là có một ngôn ngữ chọn lọc. Trong trường hợp các rôbốt, còn lâu chúng ta mới tạo dựng được một ngôn ngữ và một cái tâm biết suy nghĩ...

Cái tâm hướng dẫn con người không những quay lại với chính mình, mà còn hướng về người khác, về môi trường, và về với thời gian đang trôi đi. Nói tóm lại vấn đề là: liệu các rôbốt có khả năng suy nghĩ hay không?

Matthieu: Cái tâm biết suy nghĩ chính là cái tâm có thể tự hỏi lại chính mình, và đi ngược dòng tư tưởng để sau cùng tiến đến “tâm vi tế” với bản nguyên trong sáng của nó. Chỉ có cái “tâm vi tế” này tự nó mới có khả năng nắm bắt sự vật trong cái thể Nhất nguyên, nghĩa là không có năng sở. Người ta gọi cái tâm này là “vô lượng quang” vì nó có khả năng tự soi sáng và soi sáng mọi hiện tượng có nghĩa là thông suốt tất cả. Theo Phật giáo, một tổng hợp các tế bào thần kinh không thể là nguyên nhân đầu tiên của tâm thức. Nếu một rôbốt có thể tạo nên một khả năng nhận biết, thì đó có thể là một con ma trong cỗ máy.

Một vấn đề khác mà các nhà sinh học thần kinh không thể giải thích thích đáng là vấn đề “tự giác” (libre arbitre) của mỗi cá nhân. Theo họ, cái cảm giác mà chúng ta có khi chúng ta nghĩ và quyết định một điều gì, chỉ là phản ánh một sự tính toán của hệ thần kinh dựa vào các kích động bên ngoài, dựa vào tính di truyền và vào sự học tập của chúng ta trong cuộc sống. Một thoáng nghi ngờ, là vì hệ thần kinh cần có thời gian để chọn một phản ứng tốt nhất. Khi mà hệ thần kinh hoạt động đồng bộ, chúng ta có một quyết định và chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm.

Một vài nhà sinh học đã đi đến kết luận là sự tự giác chỉ là một ảo tưởng. Chúng ta có cảm tưởng là hoàn toàn tự do trong mọi quyết định, và điều này là một lợi thế của chúng ta trong quá trình tiến hóa. Luận cứ này khiến ta nghĩ rằng con người chỉ là những rôbốt biết suy nghĩ. Và như thế cái tâm không có tác dụng gì lên bộ não, và chỉ là một chứng nhân thụ động và vô ích mà thôi.

Tuy nhiên tôi có thể tạo ra một tình huống để tách biệt sự tự giác ra khỏi những hoạt động tinh thần khác. Ví dụ tôi cứ ngồi thừ trên ghế cho đến khi ngủ quên hoặc bất tỉnh, bất chấp những đòi hỏi khác của cơ thể như đói, khát, nhu cầu vệ sinh v.v... Thật là vô lý, nếu cho rằng sự tự giác này là do những sự sắp xếp vô tri của bộ não. Vậy từ đâu nảy sinh ra ý nghĩ chứng minh là cái tâm thật sự có mặt? Làm thế nào để một vật thể không hiển hiện, lại muốn chứng minh rằng mình có mặt? Bằng cách nào mà những nhà khoa học không có tâm lại có thể sáng tạo ra một khoa học để chứng minh rằng cái tâm không có thật? Và có cần phải hỏi là cái tâm có thật hay không nữa? Khi tôi tự hỏi về tôi, thì tôi biết rằng cái tâm có thật. Và phủ nhận sự có mặt của cái tâm có lẽ thuộc về phần siêu hình hơn là về phần khoa học.

Thuận: Dù sao trong mọi trường hợp, khoa học chưa giải thích được làm sao chúng ta nghĩ hay sáng tạo được, thì chúng ta làm thế nào lại biết thương ghét, biết cái đẹp, cái xấu, biết vui buồn. Và ngày nào tất cả những điều đó chưa được hiểu cặn kẻ, thì khó mà bàn đến nguồn gốc của tâm.

Matthieu: Những người duy vật tích cực nhất, tự cho mình là “duy vật siêu hạng” cho rằng cần phải xem như không có các trạng thái tinh thần chủ quan. Lý do là sự diễn tả các trạng thái ấy không thể sử dụng được ngôn ngữ thần kinh học. Nhưng Alan Wallace đã nói: “Khi phủ nhận các trạng thái tinh thần mà ai cũng có thể trải qua, các nhà duy vật chỉ dựa vào những luận thuyết giáo điều mà thôi”.

Một lập luận sau cùng để chứng minh sự có mặt của một làn sóng tâm thức, mà không một máy tính hay một hệ tế bào thần kinh nào có thể có được một sự mềm dẻo tuyệt đối, trong khi cái tâm có thể thay đổi hoàn toàn và tức khắc việc nhận thức thế gian. Cần phải có cả một cuộc đời để có sự kết nối của hàng tỷ tế bào thần kinh của bộ não, từ chỗ chọn lọc tự nhiên giữa các tế bào. Như bạn đã nói vài tế bào suy thoái rồi chết, những cái khác thì giao thoa với nhau tạo nên những mối liên kết bền vững, và những tế bào khác nữa thích hợp hơn với môi trường, với người khác, với sự sống còn của nòi giống. Tất cả các điều này đều đòi hỏi thời gian, từ khi bộ não mới tạo hình ở bào thai cho đến khi trưởng thành. Bộ não có thể chứng minh được một sự mềm dẻo kỳ diệu như là sự sắp xếp lại các hệ liên kết tế bào thần kinh, vài phút sau khi cắt đứt một ngón tay hay một bàn chân. Tuy nhiên người ta lại không rõ vì sao, vào một thời điểm nào đó của cuộc đời, trong một phút giây dao động, ta có thể thay đổi trong chốc lát cả cách suy nghĩ và lối sống của chúng ta. Người ta được biết trường hợp của những kẻ sát nhân, đã trải qua nhiều năm sống trong thù hận, và giết hại lẫn nhau ngay trong nhà tù, đột nhiên hối hận về những việc làm vô luân của mình, và bắt đầu nhìn thế gian một cách khác hẳn. Trong một thời gian ngắn, họ trở nên hiền lành và nhân hậu. Một sự thay đổi toàn diện như vậy đòi hỏi một sự sắp xếp quan trọng mới của các tế bào thần kinh, điều mà bộ não dù có mềm dẻo đến đâu cũng không làm ngay được. Trái lại tâm vi tế, tức cái tâm trí tuệ có thể thay đổi tất cả.

Thuận: Việc thay đổi hoàn toàn và đột như vậy có thể ở những người có niềm tin nhiệt thành. Một vài người thường dửng dưng với các vấn đề siêu hình đột nhiên có một niềm tin tôn giáo mãnh liệt, làm thay đổi suy nghĩ và nếp sống của họ. Đó có thể là “thiên sủng” hoặc “giác ngộ” như Paul Claudel và Julien Ofreen đã khéo diễn tả.

Matthieu: Nói tóm lại, theo Phật giáo, thực nghiệm mà chúng ta có về “tâm” của chúng ta, cái khả năng hiểu được bản thể của nó nhờ vào một phương pháp quán xét nội tâm, và làm chủ được nó dường như chỉ ra sự có mặt của một làn sóng tâm thức không dựa vào vật chất. Nhưng những điều chúng ta vừa đề cập đều thuộc về chân lý tương đối. Những trạng thái tinh thần, những vọng tưởng, hy vọng và hoài nghi, những xung động và lý lẽ để đưa chúng ta đến quyết định điều gì, hoàn toàn thuộc về lĩnh vực vô minh hay ảo tưởng. Chúng ta lạc lối trong những làn sóng tư tưởng mà chúng ta cho là thực tại. Bên kia sự hỗn độn, sự nhận thức duy nhất không chối cãi được là sự tỉnh thức, không còn quan niệm, không còn tạo dựng gì khác của tinh thần. Đó là sự đơn giản nguyên sơ của sự tỉnh thức, đỉnh cao của thực nghiệm, không tưởng tượng hay diễn tả được và không cần chứng cớ nào khác ngoài chính bản thân nó. Dù ta có nhận định nó cách nào đi nữa, ta cũng không chối bỏ được nó, cũng như hư vô không chối bỏ được thực tại. Những ý niệm đều bất lực trước bản thể tối hậu của tâm thức. Cái bản thể này đốt cháy tất cả các ý niệm giống như lửa đốt cháy lông chim mà không để lại tro vậy.

Thuận: Theo Phật giáo, con người có phải đã ở trên đỉnh cao của sự thông minh không? Có sinh vật nào còn tiến hóa hơn con người không?

Matthieu: Không có lý do nào để không cho phép có những sinh vật khác thông minh hơn chúng ta, ở những thế giới khác. Trong thế giới chúng ta, ngoài những sự cách biệt thông thường, có những khác biệt lớn lao trong việc thành tựu tâm linh ở mỗi cá nhân. Những khả năng tinh thần của một vị Phật, sự giác ngộ bản thể và các cơ chế đau khổ và hạnh phúc đều tinh vi hơn rất nhiều so với những kẻ còn bị vô minh che lấp.

Thuận: Vậy là cách nhìn và hiểu cuộc đời tùy thuộc vào mức độ tiến hóa của tâm thức trên những bình diện mà nó có thể biểu hiện!

Matthieu: Người ta đã nói đến ba thế giới.

Đầu tiên là Dục giới là cõi giới hiện nay của con người. Gọi là dục giới vì tâm con người còn bị chi phối bởi nhiều tình cảm và ước muốn. Kế đến là Sắc giới là cõi giới của những vị trời với tâm thức vi tế hơn ít bị chi phối bởi tình cảm. Sau cùng là Vô sắc giới trong ấy chỉ còn tâm thức tuy nhiên vẫn còn thuộc thế giới vô minh.

Thuận: Trong trường hợp Vô sắc giới, còn có thể nói về tái sinh không?

Matthieu: Có lẽ nên nói về những trạng thái hiện hữu kế tiếp. Tâm thức ở trong tình trạng không có xác thân một thời gian, sau đó chịu ảnh hưởng của những ước mong tiềm ẩn, lại xuất hiện với một xác thân.

Thuận: Những yếu tố nào có thể quyết định những điều kiện mà tâm thức tôi sẽ tái sinh?

Matthieu: Sự tự giác, trong suốt cuộc đời chắc chắn chúng ta, cho phép chúng ta thay đổi được thân, khẩu, ý tức là hành động, ngôn ngữ và ý muốn. Nhờ vậy chúng ta mới phá được bức màn vô minh gồm tham dục, sân hận và kiêu mạn. Bức màn vô minh này làm chúng ta mất đi khả năng phán đoán cùng cái bản thể sáng suốt của tâm chúng ta. Với người Phật tử, thay đổi tinh thần tức là thay đổi tâm thức. Cũng như ta làm ô nhiễm một dòng sông khi ta đổ rác xuống đó, rồi sau đó ta thanh lọc nước, ta cũng có thể làm ô nhiễm tâm ta để rồi sau đó cố gắng thanh lọc nó để nó được trong sáng. Nếu cái tâm mới đó được giữ nguyên trong khoảng đời còn lại, thì thân sau của ta sẽ là của một con người thông minh sáng suốt, để ta có thể tiếp tục công việc tu hành. Nếu ngược lại ta càng làm nó đen tối hơn, thì ta có thể tái sinh trong loài thú, hoặc trong một cõi giới tối tăm hơn và ta không còn khả năng để tiến hóa xa hơn.

Thuận: Phật giáo có chấp nhận loài thú có tâm thức chăng? Một con giun đất hay một con muỗi có ý thức chăng về số phận của chúng? Quan sát cách ứng xử của một vài loài vật cho ta thấy chúng cũng có những tình cảm gần giống như con người. Nếu có ai nhìn thấy một con chó nuôi đàn con nó thì không thể nghi ngờ tình mẫu tử của nó. Nếu có ai nghe một con chim kêu thảm thiết khi bị một con mèo săn đuổi thì cũng không thể nghi ngờ sự sợ hãi của nó. Nếu có ai nhìn thấy con chó nhảy xổ vào mừng chủ, khi người này trở về thì cũng không nghi ngờ được sự thương yêu, trìu mến của nó.

Dường như một vài giống vật như loại hắc tinh tinh rất gần với loài người (99,5% bộ gène của loài này giống hệt như loài người), có thể có khả năng nhận biết những ý niệm trừu tượng, hoặc hình dáng hay màu sắc. Vài loại lại biết cả thưởng thức cái đẹp. Người ta đã từng thấy cả bầy đoàn hắc tinh tinh đứng sững sờ ngắm hoàng hôn. Những nhà nghiên cứu về tâm linh loài vật nhận thấy không có sự khác biệt cơ bản trong những hoạt động tinh thần của loài cá heo, hay loài linh trưởng với con người. Như vậy loài vật có thể có một tâm thức cơ bản, nhưng còn cái tâm biết suy nghĩ thì điều này còn khá nghi ngờ. Chắc là còn khá lâu mới có thể thấy được một con hắc tinh tinh kể lại chuyện về cuộc đời của nó, hoặc giả viết nên một thiên tiểu thuyết.

Matthieu: Vì thế Phật giáo cho rằng loài vật không có khả năng đi trên con đường giải thoát. Nhưng khi nghiệp chướng về kiếp vật đã trả xong, chúng có thể trở lại kiếp người và lại có khả năng tu hành. Trí thông minh con người có thể được dùng vào những công cuộc giết hại, nhưng nó là điều kiện duy nhất để phát triển lòng vị tha rộng lớn và vô tư mà loài vật không thể có được. Giá trị duy nhất của con người là nếu gặp đau khổ có đủ cường độ để nó phải tìm cách vượt qua, và cũng mở ra cho nó con đường tâm linh nữa. Sự kiện tâm có thể tự vấn lại chính mình, chỉ là một nét riêng biệt của nó, còn cái việc chối bỏ đau khổ và đi tìm hạnh phúc lại là một nét cơ bản hơn. Theo tiếng Tây Tạng một trong những chữ dùng để chỉ sinh vật là drowa (một người đang đi). Nó liên hệ đến sự di chuyển theo một hướng nào đó theo ý nghĩ. Sự di chuyển đó có thể là sự hướng động của một con amip, cũng như cuộc hành trình đi đến giác ngộ của một ẩn sĩ, hoặc giả cũng là cuộc chảy nhảy của một con nai hay một công việc của một bàn tay người. Chính sự di chuyển đó làm động vật khác thực vật (Phật giáo không xem thực vật là những động vật). Theo như đã dẫn ở trên, ta có thể xem động vật như có một tâm thức cơ bản, dù tâm thức ấy có biết suy nghĩ hay không, chúng cũng đều biết lánh xa đau khổ và tìm đến hạnh phúc như chúng ta vậy. Sử dụng loài vật cho lợi ích riêng của chúng ta, mà không nghĩ gì đến đau khổ của chúng, chỉ là áp dụng luật của kẻ mạnh và đó là điều không thể chấp nhận về mặt đạo đức. Có những đạo luật bảo vệ súc vật, nhưng theo nội dung các luật đó, thì súc vật chỉ là những món đồ, những sản phẩm nông nghiệp. Không hề có ý niệm nào về quyền của loài vật ngay cả quyền được sống.

Thuận: Có thang bậc nào trong các cảnh giới cuộc sống không? Vô sắc giới có phải là cao hơn hết không?

Matthieu: Chỉ tương đối thôi, vì Vô sắc giới vẫn còn vướng vào vô minh. Ngày nào mà vô minh chưa bị tận diệt, ngày nào sự dính mắc vào cái “ngã”, vào thực tế các hiện tượng, người ta lại rơi vào những đau khổ của cuộc đời hữu hạn. Trạng thái tối hậu mà người ta tìm kiếm là sự giác ngộ không còn bị bức màn vô minh nào ngăn ngại.

Thuận: Một sự giác ngộ có thể thoát khỏi vòng luân hồi, sinh tử?

Matthieu: Một kẻ đã thật sự giác ngộ là đã dập tắt được mọi ước muốn, đã thoát ra mọi nghiệp chướng có thể khiến anh ta phải tái sinh lại thế gian hữu hạn này. Anh ta có thể tự do không tái sinh nữa. Nhưng vì tâm đại bi, nên anh ta lại tái sinh vì lòng trắc ẩn với chúng sinh còn đau khổ, ngõ hầu hướng dẫn họ tìm đến con đường giải thoát.

Thuận: Thế nào gọi là một vị Bồ tát?

Matthieu: Phật giáo dạy con người cần phải có ba thái độ trong cuộc sống:

- Đầu tiên phải là một quân vương, có nghĩa là cần phải có quyền lực trước khi săn sóc thần dân.

- Kế đến là một người dẫn đường để đưa những người khác cùng qua bờ bên kia (giác ngộ).

- Sau cùng là người chăn dắt đi sau bầy đàn của mình, lo chỗ an toàn cho chúng, trước khi tự lo liệu cho mình.

Bồ tát là người chăn dắt, sẵn sàng từ bỏ nhập Niết bàn hay thành Phật, cho trở lại cuộc đời ngõ hầu giúp đỡ chúng sinh. Nhưng sự từ bỏ đó chỉ là một hình ảnh tượng trưng cho lòng vị tha. Thật ra Bồ tát không cần chờ đợi cho tất cả chúng sinh được giải thoát để thành Phật, vì nếu là Phật thì sự giáo hóa và giúp đỡ chúng sinh tốt hơn rất nhiều. Bồ tát giúp đỡ chúng sinh giống như mặt trời soi chiếu khắp nơi, vì khi người ta đạt đến “giác ngộ”, người ta tự cảm thấy một lòng từ bi vô hạn đối với chúng sinh. Người ta cũng nói rằng ánh trăng phản chiếu tự nhiên trên các ao hồ, cũng giống như thể lòng từ của chư Phật đối với chúng sinh thể hiện bằng những sự hóa thân ở khắp nơi.

Trong bài thơ “Con đường giác ngộ” của Shantideva viết:

Ngày nào không gian còn tồn tại

Ngày nào còn chúng sinh

Xin cho tôi được ở lại,

Để giải trừ đau khổ cho thế gian.

Thuận: Một câu hỏi khác làm tôi bận tâm: dân số trái đất cứ gia tăng liên tục và mỗi tâm thức được gán cho một người. Có chăng trong vũ trụ một kho chứa vô tận các tâm thức để tiếp liệu cho cái dân số gia tăng chóng mặt đó? Một cái kho chứa có thể có từ thuở nào, từ lúc hình thành vũ trụ? Điều này cũng có nghĩa là có một số lớn tâm thức không tìm được một chỗ dựa vật chất từ khi có Big Bang.

Matthieu: Một trong những định đề cơ bản của khoa vật lý là tổng số khối lượng và năng lượng của vũ trụ không thay đổi. Cũng thế nếu những tâm thức không có khởi đầu và chấm dứt, thì không có lý do gì để có thêm những tâm thức mới từ hư không. Tuy vậy điều này không có nghĩa là có một giới hạn nào cho số lượng các tâm thức. Số lượng này tăng hay giảm tùy theo những cảnh giới, nơi đó chúng có thể tìm ra chỗ dựa. Nếu một tâm thức không thể xuất hiện hay biến mất, thì nó có thể chuyển hóa theo chiều hướng vô minh hay giải thoát.

Sự chuyển hóa nội tâm sau một thời gian trải nghiệm thiền định, thật ra rất khó nắm bắt lúc ban đầu, những nếu chúng ta cố gắng, chúng ta cũng có thể thành tựu được. Chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng kiềm chế tức giận, trở nên bình tĩnh, biết xả bỏ ghen ghét để trở nên thông cảm, biết nhận rõ mê loạn để trở nên sáng suốt. Chúng ta còn có thể làm nhiều hơn và thay đổi hoàn toàn con người chúng ta. Muốn được như vậy cần phải tự chế ngự, đừng để cho tâm ttrí buông lung. Nếu luôn luôn biết theo dõi tư tưởng và các hiện tượng, ta có khả năng đi dần đến giác ngộ, tức là một nhận thức rõ ràng, sáng suốt không hề nhầm lẫn về bản thể của thế gian. Dù rằng không thể dùng danh từ thế gian để mô tả được trạng thái Giác ngộ, nhưng Đức Phật cũng đã giảng dạy con đường mà Ngài đã đi qua. Con đường đó tôi gọi là “Khoa học tâm linh” có thể dạy chúng ta phân biệt được ảo tưởng và thực tại. Và khi hiểu ra, chúng ta có thể áp dụng để tự mình trải nghiệm. Như tôi đã từng nói trước đây là Đức Phật đã từng nhấn mạnh nhiều lần là đừng tin theo lời dạy của người vì tôn trọng người, mà chính ta cần phải kinh nghiệm lấy. Theo Đức Phật thì ngộ được tâm mình là một sự trải nghiệm nội tâm chứ không phải là một sự suy diễn tinh thần.

Rất nhiều điều khó được một người bình thường chấp nhận, bắt đầu bằng những khám phá khoa học. Ý niệm về không gian, thời gian hay về sự bấp bênh lượng tử là một ví dụ. Điều đáng kể không phải là mọi người có thể kiểm chứng giá trị của một khám phá tại đây bây giờ, mà là những người đã từng theo đuổi công việc tìm kiếm kiên trì và khó nhọc, cũng đến chung một kết quả. Theo Phật giáo có 3 loại chứng cớ đáng tin cậy:

- Một là sự trực tiếp trải nghiệm như thấy lửa.

- Hai là suy luận: thấy khói thì biết có lửa.

- Ba là chứng cớ do những người đáng tin cậy trải nghiệm và công bố ra.

Loại chứng cớ thứ ba này liên quan đến những sự kiện mà chúng ta không thể chứng kiến được do giới hạn về kiến thức. Khi người ta tin vào điện tử, là do những nhà bác học đáng kính đã khám phá ra nó. Nếu chịu khó bỏ thời gian để học khoa Vật lý, thì ta cũng sẽ tìm thấy điện tử. Và giờ đây một con người bình thường lại đâm ra ngờ vực là điện tử không hẳn là một thực thể, mà theo khoa cơ học lượng tử, thì đôi khi nó được nhìn thấy dưới dạng sóng.

Trong lãnh vực thiền định, bằng chứng xác thực là của những thiền giả- đứng đầu là Đức Phật, sau một thời gian dài trải nghiệm, đã đi đến kết luận giống nhau. Những nhân vật này có những đức tính trung thực và đạo đức không thể chối cãi được.

Thỉnh thoảng, tuy rất hiếm hoi, cũng có một nhà khoa học ngụy tạo kết quả để đánh lừa mọi người về phát minh của mình, nhưng sớm hay muộn cũng bị cộng đồng khoa học phát hiện. Cũng tương tự như vậy, một vị tự xưng là thánh nhân để lường gạt những kẻ dễ tin, nhưng rồi sau đó, do tác phong hay hành động cũng lại bị phát hiện và bị xa lánh.

Thuận: Tôi còn thắc mắc về điều gì xảy ra khi một người đã đạt đến giác ngộ. Tâm thức của họ có cùng tồn tại với những tâm thức khác không?

Matthieu: Giác ngộ có nghĩa là chấm dứt vô minh. Tâm thức do đó hoàn toàn sáng suốt, không còn bị mê muội che lấp nữa. Khi đã đạt đến giác ngộ, một vị Phật sẽ không rời khỏi vũ trụ, trái lại với tâm toàn giác sẽ nảy nở một lòng từ bi vô hạn với chúng sinh, và Phật sẽ hóa thân hướng dẫn chúng sinh trên con đường đến giác ngộ. Sau khi đã từ bỏ xác thân, tâm thức của vị Phật sẽ hòa nhập vào bản thể tối hậu của vạn vật còn gọi là Pháp thân. Và giống như mặt trăng phản chiếu trên mặt nước, tâm tỉnh thức của một vị Phật sẽ hiển hiện với nhiều hóa thân để cứu độ chúng sinh còn trong vòng luân hồi sinh tử.

Thuận: Ý niệm về tư tưởng là nguyên nhân gây đau khổ làm tôi lại nhớ đến Freud. Làm thế nào để so sánh tâm thức của Phật giáo với tiềm thức của Freud. Phật giáo nghĩ gì về quan niệm của Freud về những ẩn ức và tình dục, cũng như quan niệm của ông ta cho rằng dòng năng lượng cơ bản của cuộc sống chính là tính dục.

Matthieu: Thay vì chữ tiềm thức, Phật giáo dùng chữ “tập khí” hay “ô nhiễm”. Trong quá khứ luân hồi sinh tử của chúng ta, chúng ta đã thâm nhiễm quá nhiều thói quen, tật tốt hay xấu. Những thói tật này tiềm ẩn trong tâm thức chúng ta và ảnh hưởng sâu đậm đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Các thói quen sâu kín nhất chính là cái “Ngã”, tức là sự tin tưởng rằng mọi thứ trên thế gian này đều liên hệ và quy tụ về mình. Và trong mọi thứ tình cảm yêu ghét, dâm dục là thứ vượt trội hơn hết, vì cả năm giác quan đều tham dự vào đó. Không thể nào rũ bỏ được sự luyến ái chỉ đơn thuần bằng suy nghĩ. Có thể sử dụng 3 phương pháp chính:

Một là vô hiệu hóa các thói quen xấu bằng cách vun trồng những thói quen tốt như lòng vị tha, sự bao dung hay quán xét những khía cạnh xấu xa của những ước muốn. Đây là một quá trình tu tập lâu dài để tháo gỡ lần hồi các thói hư tật xấu sẵn có.

Hai là quán xét về “Tánh không” của các pháp nói chung. Sự quán xét này có khả năng đưa đến một sự giải thoát nhanh chóng và toàn diện của các thói hư, tật xấu.

Ba là sử dụng ngay những thói quen đó như những chất xúc tác để chuyển hóa nhanh chóng. Cách thứ ba này khá nguy hiểm vì nó như một con dao hai lưỡi có thể làm ta tốt hơn hoặc xấu đi.

Thuận: Freud cũng có đưa ra một thuyết về giấc mộng. Ta biết rằng giấc ngủ rất cần thiết cho con người. Khi một sinh vật ngủ, có thể sẽ tống xuất các chất độc ra ngoài. Giấc ngủ được chia thành giấc ngủ thật sự, trong đó bộ não hoạt động chậm lại và giấc ngủ mơ màng trong đó bộ não hoạt động như khi ta thức, và như vậy là ta nằm mộng. Một số nhà thần kinh học cho rằng trong giấc mộng bộ não tạo dựng nhiều hình ảnh, rồi tổng hợp lại thành một câu chuyện.

Freud và Jung lại nghĩ rằng giấc mộng là biểu hiện của những nhu cầu của ta nằm trong tiềm thức, của những ước muốn, những ý nghĩ thầm kín, và những biểu hiện là đặc trưng của cá tính mỗi người. Nhiều người khác thì cho rằng giấc mộng chỉ là những phản ứng đối với những kích động giác quan, hay chỉ là những phó sản từ sự mất quân bình các tuyến nội tiết trong cơ thể.

Matthieu: Một sự so sánh với nhiều chi tiết giữa quan điểm Phật giáo và quan điểm khoa học về vấn đề này, đã được thảo luận trong một cuộc gặp gỡ giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà khoa học. Từ cuộc thảo luận đó, quyển sách “Ngủ, mơ và chết” đã ra đời. Phật giáo chia thành 4 giai đoạn giữa thức và ngủ, giấc mơ ở vào giai đoạn thứ hai. Người ta nói rằng ngủ say giống như cái chết, còn giấc mộng giống như thân “Trung ấm” tức giai đoạn giữa cái chết và sự sống, trong đó mọi dồn nén của tâm trí biểu hiện dưới những ảo ảnh mà ta cho là rất thật. Có những kỹ thuật cho phép ta ý thức được là ta đang mơ, kế đó chuyển hóa giấc mơ và tạo ra những giấc mơ theo ý muốn. Nhiều thiền giả đã tập luyện theo cách này một thời gian với mục đích là để xem các hiện tượng như một giấc mơ hay một ảo tưởng, và như vậy không còn luyến ái chúng nữa.

Về phía khoa học, giấc mơ ý thức được các nhà khoa học thể nghiệm và thấy rằng có thể biết được khi mình đang mơ. Và sự ghi lại các điện não đồ đã chứng minh điều đó.

Thuận: Phật giáo diễn tả thiền định như thế nào? Có phải như một trạng thái mà tâm ngưng hoạt động thay thế bởi trực giác và ta không còn ý thức không gian thời gian và hợp nhứt với vũ trụ.

Matthieu: Thiền định được xem như một con đường, vì lẽ tâm con người chuyển hóa dần dần để đi từ vô minh đến giác ngộ. Trong cuộc hành trình đó, ta phải qua nhiều giai đoạn như ổn định những vọng tưởng, để đi đến một sự an lạc càng ngày càng tăng trưởng. Sau cùng ta khám phá ra bản lai diện mục và tràn đầy hạnh phúc, đồng thời tâm đại bi xuất hiện. Tâm trở nên trống không và rực sáng, cái Ngã biến mất và khi ấy con người mới thực sự biết mình là ai.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]