Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tìm hiểu pháp môn niệm thọ.

22/04/201311:21(Xem: 6415)
Tìm hiểu pháp môn niệm thọ.

Tìm hiểu pháp môn niệm thọ

Thiền sư GOENKA

Người dịch: TK. Pháp thông

Lời giới thiệu

“Tìm hiểu Pháp Môn Niệm Thọ”có lẽ là cuốn sách mà những người nghiên cứu, khám phá và thực hành Thiền Vipassanã ở Việt Nam đang mong đợi. Chúng ta đã biên soạn, dịch thuật, giới thiệu và mở khá nhiều khóa thiền hướng dẫn về pháp hành Niệm Thân theo phương pháp của những vị thiền sư nổi tiếng như Ngài Mahãsi, Ngài U Silananda, Ngài U Pandita, vv… nhưng chưa có cuốn sách nào giới thiệu đầy đủ và cụ thể về pháp hành Niệm Thọ.

Thiền sư Goenka rất uy tín về lĩnh vực Niệm Thọ. Ở Ấn Độ có nhiều trung tâm thiền Vipassanã nổi tiếng dưới sự hướng dẫn của thiền sư Goenka, luôn có đông đảo những hành giả từ nhiều nơi trên thế giới đến thực tập pháp hành Niệm Thọ. Phần lớn những người hành thiền từ các trung tâm này, mà tôi quen biết, đều nói rằng họ đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp dưới sự hướng dẫn của thiền sư Goenka.

Thọ hay cảm giác là duyên phái sinh các ái, từ đó đưa đến chấp thủ và tạo nghiệp trong sinh tử luân hồi. Rồi khi nghiệp trổ quả thọ lại là yếu tố nổi bật nhất, đó là lý do vì sao khi đề cập tới quả, hầu như chúng ta thường chỉ nói đến quả khổ hay quả lạc. Như vậy, đối với con người thọ quan trọng đến mức nào. Nếu Sigmund Freud nois: “Văn minh là kết quả của tính dục” thì chúng ta có thể hiểu rằng nỗ lực của con người chính là để tìm kiếm lạc thọ hoặc để tránh né khổ thọ. Lắm khi vì mục đích này nhiều người hành động bất chấp thiện ác, như chúng ta đã thấy diễn ra khắp nơi trên thế giới từ cổ chí kim. Con người quan tâm đến thọ dường ấy, bị thọ khống chế dường ấy, nhưng ít ai thực sự biết rõ bộ mặt thật của thọ ra làm sao, tánh tướng của nó là gì và nó vận hành, tác động như thế nào.

Niệm Thọ chính là có mục đích khám phá, phát hiện bộ mặt trung thực của họ, từ đó thoát khỏi sự khống chế lâu dài và mạnh mẽ của những ảo giác, ảo tưởng đầy tác hại này. Dĩ nhiên Niệm Thọ có nhiều cách, tùy trải nghiệm riêng của mỗi người.

Dịch phẩm này của Sư Pháp Thông giới thiệu một trong những cách có hiệu quả cao theo kinh nghiệm thực hành cũng như hướng dẫn của thiền sư Goenka, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của những người yêu chuộng pháp hành thiền tuệ Vipassanã.

Tổ Đình Bửu Long, Mùa Dâng Y Kathina 2549

Tỳ kheo Viên Minh

Phó Ban Thiền Học

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam

Lời người dịch

Năm ngoái, khi đang dịch cuốn “Biết và Thấy”,thầy Viên Minh có đưa cho chúng tôi tập sách nói về kỹ thuật Niệm Thọ của thiền sư Goenka để nghiên cứu và dịch ra Việt ngữ. Được biết tập sách do một nhóm hành giả Việt Nam đã thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thiền sư Goenka, có được một số kinh nghiệm và muốn chia sẻ với những người đang quan tâm tới thiền Minh sát, nhất là đối với Kỹ thuật Niệm Thọ này.

Thực sự ra, thời gian qua, trong cố gắng tìm dịch những tác phẩm Thiền Nguyên Thủy của các vị thiền sư tên tuổi hiện nay, chúng tôi đã có dịp đọc qua một số tài liệu nói về pháp môn niệm thọ của thiền sư Goenka, nhưng chưa đủ lắm. Đến nay, ngoài tập sách Thầy Viên Minh đưa, chúng tôi còn may mắn có được những cuốn sách khác do một số vị sư và tu nữ sang Miến Điện tu học gởi về, nên chúng tôi chọn lọc và tuyển dịch một số những bài giảng quan trọng để làm thành cuốn sách “Tìm hiểu Pháp môn Niệm Thọ”này nhằm giới thiệu đến mọi người.

Do đó, tập sách “Tìm hiểu Pháp môn Niệm Thọ”có thể xem như một tổng hợp những vấn đề cần biết về kỹ thuật niệm thọ, trong đó:

-Phần đầu, gồm mười một bài giảng trong một khóa thiền mười ngày, được dịch nguyên vẹn từ cuốn “The Discourse Summaries”, ấn bản năm 1994.

-Phần thứ nhì, tóm tắt những bài tập thiết thực trong mười ngày, được trích dịch từ cuốn “Tranquillity & Insight” của A.Solé-Reris (trang 145-152).

-Phần thứ ba, một cuộc phỏng vấn với thiền sư Goenka do Alan Atkisson thực hiện, và một số bài giảng quan trọng khác, được dịch từ cuốn “Meditation Now – Inner Peace Through Inner Wisdom” ấn bản năm 2002.

-Phần thứ tư, có thể xem là phần lý thuyết căn bản về trình tự tu tập: Giới – Định – Tuệ, được dịch từ cuốn “The Art of Living”, do William Hart cô đọng từ những bài giảng của thiền sư Goenka, ấn bản năm 1997.

-Phần thứ năm, phần Hỏi – Đáp và phụ lục, trích dịch từ hai cuốn “The Art of Living” ấn bản năm 1997 và “The Gracious Flow of Dhamma” ấn bản năm 1994.

Về con người của thiền sư Goenka (sinh năm 1924), người đọc có thể tìm hiểu qua bài tự thuật của ông ở cuối sách.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một cố gắng khiêm tốn nhằm giới thiệu Pháp Môn Niệm Thọtrong Tứ Niệm Xứ, và những bài giảng thiết thực của một vị thiền sư hiện đang có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới. Điều này chúng tôi có thể thấy rõ qua lời nhận xét của Alan Atkisson: “… Hàng ngàn các vị giáo sĩ Thiên Chúa các vị sư Phật giáo, các đạo sĩ Jain, các tu sĩ Ấn giáo, và các vị lãnh đạo tinh thần khác đã đến, và vẫn tiếp tục đến (tham dự) các khóa thiền Minh sát. Tính phổ quát của thiền Minh sát – cốt lõi của lời dạy của đức Phật – là cung cấp một con đường nhờ đó các dị biệt về tư tưởng có thể được nối lại và con người thuộc các bối cảnh xã hội khác nhau có thể kinh nghiệm được những lợi ích sâu xa mà không bị cải đạo”.

Sau cùng, như những dịch phẩm trước, tập sách này có mặt sớm hơn dự định là nhờ sự đóng góp nhiệt tính của các Phật tử Viên Hương, Như Pháp, và Nguyên Đài đã dành thời gian để đánh máy, trình bày, sửa chữa và in ấn bản thảo.

Qua đây chúng tôi cũng xin chân thành tri ân:

-Thiền sư Goenka và những tác phẩm đã được trích dịch trong tập sách này.

-Đại Đức Chánh Tuệ (chùa Pháp Bảo) đã gởi những tài liệu Anh ngữ, trong đó có tập “Meditation Now” của thiền sư Goenka.

-Phật tử Huyền Linh và một số Phật tử khác đã giúp chúng tôi sưu tầm tài liệu về thiền sư Goenka để làm nên tập sách này.

-Gia đình Phật tử Nguyễn Hoàng Sơn và Kim Loan đã làm bìa cho cuốn sách.

-Chư Đại Đức Tăng, Tu nữ và Phật tử gần xa đã đóng góp tịnh tài và hỗ trợ tinh thần giúp chúng tôi hoàn thành dịch phẩm.

-Nguyện cầu oai lực Tam Bảo luôn gia hộ cho quí vị và gia quyến thân tâm thường an lạc.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Rừng thiền Viên Không, Núi Dinh

Mùa dâng y Kathina 2549

TK. Pháp Thông

TỰA

Thiền sư S.N. Goenka nói: “Sự giải thoát chỉ có thể có được qua việc thực hành, chứ không phải bằng sự bàn luận suông”.Một khóa thiền Vipassanã (Minh – sát) là một cơ hội để bước những bước cụ thể hướng về sự giải thoát. Trong một khóa thiền như vậy người tham dự sẽ học cách làm thế nào để giải phóng tâm khỏi những căng thẳng và những thành kiến làm xáo động dòng sống hằng ngày. Nhờ làm như vậy bạn bắt đầu khám phá ra cách làm thế nào để sống từng khoảnh khắc an lạc, phong phú và hạnh phúc. Cùng lúc bạn cũng bắt đầu tiến về mục đích cao tột nhất mà nhân loại có thể khao khát: tịnh hóa tâm, giải thoát khỏi mọi khổ đau, giác ngộ viên mãn.

Không có điều nào trong số này bạn có thể đạt đến chỉ bằng cách nghĩ về nó hay mong cầu nó được. Bạn phải bước những bước thực sự đi đến mục tiêu. Vì lý do này, trong một khóa thiền Minh – sát, việc thực hành cụ thể luôn luôn được nhấn mạnh. Không có những dẫn chứng nặng tính triết lý, không có những tranh cãi trên phương diện lý thuyết, không có những câu hỏi không liên hệ đến kinh nghiệm riêng của bạn được phép ở đây. Cho đến mức có thể, người hành thiền luôn luôn được khuyến khích là hãy tìm câu trả lời cho những câu hỏi của họ trong chính bản thân. Người thầy sẽ cung cấp những hướng dẫn nào được xem là cần thiết trong pháp hành, còn lại việc áp dụng những nguyên tắc chỉ đạp nầy tùy ở mỗi người: bạn phải chiến đấu, phải thực hiện sự cứu rỗi của chính bạn.

Mặc dù đã đưa ra sự nhấn mạnh nầy, vẫn cần có một vài giải thích để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho việc thực hành. Vì thế mỗi buổi chiều của khóa thiền, thiền sư Goenkaji đưa ra một buổi “pháp đàm”, để đặt những kinh nghiệm của ngày hôm đó vào triển vọng thực của nó, và để làm sáng tỏ một vài phương diện của kỹ thuật. Song ngài cảnh báo rằng những bài pháp nầy không có ý định phục vụ như một sự tiêu khiển nhằm thỏa mãn lý trí hay cảm xúc. Mục đích của nó chỉ đơn giản là để giúp người hành thiền hiểu được những gì cần làm và tại sao, nhờ vậy họ sẽ hành đúng cách và thành tựu những kết quả thích đáng.

Tập sách được giới thiệu ở đây chính là những bài giảng nầy dưới hình thức cô đọng.

Mười một bài giảng đã được đưa ra một cách khái quát rõ ràng về lời dạy của đức Phật. Tuy nhiên sự tiếp cận đề tài này không nặng tính bác học hay phân tích. Thay vào đó, lời dạy của đức Phật được giới thiệu theo cách mà nó sẽ mở ra cho người hành thiền: như một tổng thể năng động, dễ hiểu và hợp lý. Tất cả những khía cạnh khác nhau của nó phải được thấy để khám phá ra một sự thống nhất cơ bản – đó là kinh nghiệm thiền. Kinh nghiệm này là ngọn lửa bên trong vốn cho ta sự sống đích thực và làm chói sáng Pháp bảo.

Không có kinh nghiệm này bạn không thể nắm bắt được ý nghĩa đẩy đủ của những gì được nói trong những bài giảng này, hay thực sự hiểu được lời dạy của đức Phật. Tất nhiên điều này không có nghĩa rằng hoàn toàn không có chỗ cho sự cảm thụ giáo pháp trên phương diện tri thức. Sự hiểu biết tri thức có giá trị như một hỗ trợ cho việc hành thiền, mặc dù tự thân thiền là một tiến trình vượt qua những giới hạn của tri thức.

Chính vì lý do đó, những bài tóm lược này được soạn ra nhằm giới thiệu tóm tắt những điểm cốt yếu của mỗi bài giảng. Mục đích chính của nó là đưa ra một nguồn cảm hứng và hướng dẫn cho những ai đang thực hành Minh sát theo lời dạy của thiền sư S.N. Goenka. Với những ai tình cờ được đọc chúng, hy vọng rằng những bài giảng này sẽ tạo được sự khích lệ để họ tham dự một khóa thiền Minh sát và để kinh nghiệm những gì ở đây mô tả.

Những bài tóm tắt này tất nhiên không thể xem như một cuốn cẩm nang tự học thiền Minh sát, một sự thay thế cho khóa thiền mười ngày được. Thiền là một vấn đề nghiêm túc, đặc biệt là kỹ thuật thiền Minh sát, một loại thiền liên hệ đến chiều sâu của tâm. Song cũng không nên tiếp cận nó một cách hời hợt, cẩu thả. Cách đúng đắn nhất để học thiền Minh sát là tham dự một khóa thiền chính thức, ở đây có một môi trường thích hợp hỗ trợ cho người hành luyện. Nếu ai đó chọn và cố gắng tự dạy mình kỹ thuật Minh sát này chỉ nhờ đọc sách bất chấp những lời cảnh báo trên, người ấy đã hành động hoàn toàn liều lĩnh.

Hiện nay những khóa thiền Minh sát do thiền sư Goenka dạy đã được tổ chức đều đặn ở nhiều nơi trên thế giới. Muốn biết rõ chương trình, bạn có thể viết thư đến bất cứ trung tâm thiền nào được liệt kê ở cuối cuốn sách này.

Những bài tóm lược này chủ yếu dựa trên những bài pháp do ngài Goenkaji thuyết tại trung tâm thiền Vipassanã, Massachusetts, Hoa Kỳ, trong suốt tháng Tám năm 1983, ngoại trừ bài tóm lược Ngày Thứ Mười được dựa vào bài giảng tại cùng trung tâm vào tháng Tám năm 1984.

Mặc dù không có thời giờ để kiểm tra kỹ tập sách, nhưng Ngài Goenka cũng đã đọc lướt qua tài liệu này và đồng ý cho xuất bản. Cho nên, người đọc có thể phát hiện một số lỗi và những chỗ mâu thuẫn. Điều này không thuộc trách nhiệm của vị thiền sư, cũng không phải vì giáo pháp, mà do chính bản thân tôi sơ xuất. Mọi sự phê bình có thể giúp sửa sai những lầm lỗi như vậy trong cuốn sách sẽ rất được hoan nghênh.

Cầu mong tác phẩm này sẽ giúp ích được nhiều người trong việc hành pháp của họ.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

William Hart

Ghi chú:

Những lời dạy của đức Phật và các vị đệ tử của Ngài được trích dẫn bởi thiền sư Goenka hoàn toàn rút ra từ Tạng Luật ( Vinaya-pitaka) và Tạng Kinh (Sutta-pitaka) của Tam Tạng Pãli. Cũng có một số trích dẫn được rút ra từ những nguồn văn học Pãli hậu thời – kinh điển. Trong những bài nói chuyện của mình, thiền sư Goenka luôn luôn giải thích những đoạn kinh này bằng lối diễn đạt chú trọng về ý hơn là dịch đúng từng chữ một từ Pãli ngữ. Với dụng ý là làm sao nêu ra được phần tinh yếu của mỗi đoạn bằng ngôn ngữ thông thường, và nhấn mạnh đến sự xác đáng của nó đối với việc thực hành thiền Minh sát mà thôi.

Trong tập sách, cuối mỗi bài giảng chúng tôi sẽ cho in nguyên văn Pãli và nghĩa tương đương của những đoạn trích dẫn, nếu có, để người đọc tiện tham khảo.

Namo Tassa Bhagavato Arahato

Sammã-sambuddhassa.

----o0o---

Vi tính: Quảng Đại

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]