Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2

27/04/201313:54(Xem: 4679)
2

Tìm hiểu pháp môn niệm thọ

Thiền sư GOENKA

Người dịch: TK. Pháp thông

2

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU


Tầm quan trọng của việc phát triển chánh niệm và xả đổi với các cảm thọ

Tứ đại và sự liên hệ của chúng với các cảm thọ

Bốn nhân sanh của sắc

Năm triền cái: tham, sân, sự uể oải của thân và tâm, sự dao động, hoài nghi.

Sáu ngày đã qua, bạn còn lại bốn ngày nữa để thực hành. Trong bốn ngày bạn có thể đoạn trừ một số phiền não trong tâm, và nắm bắt được kỹ thuật để tận dụng trong suốt cuộc đời bạn. Nếu bạn thực hành với sự hiểu biết đúng đắn và học cách để áp dụng kỹ thuật trong cuộc sống hàng này, thì chắc chắn nó sẽ rất lợi ích cho bạn. Vì thế hãy hiểu kỹ thuật một cách đúng đắn.

Đây không phải là một đạo lộ của chủ nghĩa bi quan. Pháp dạy cho chúng ta biết chấp nhận sự thực cay đắng của khổ, nhưng Pháp cũng chỉ cho chúng ta cách thoát khỏi khổ. Vì vậy, đó là một đạo lộ của chủ nghĩa lạc quan, kết hợp với chủ nghĩa hiện thực, cũng như chủ nghĩa lao động – mỗi người phải tự lao động (thực hành) để giải thoát tự thân.

Toàn bộ đạo lộ đã được giải thích tóm tắt trong một vài lời:

“Tất cả hành (sankhãra) vô thường”,

Với tuệ giác thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Đó chính thanh tịnh đạo.

Ở đây chữ sankhãra không chỉ có nghĩa là những phản ứng tâm lý, mà còn là kết quả của những phản ứng nữa. Mỗi phản ứng tâm lý là một hạt giống sẽ cho ra một quả, và mọi điều mà bạn kinh nghiệm trong cuộc đời đều là quả, là kết quả của những hành động bạn đã làm; đó là, hành (sankhãra) quá khứ hay hiện tại của bạn. Từ đây ý nghĩa của nó sẽ là, “các pháp (mọi vật) đã sanh, đã hình thành, sẽ diệt, sẽ phân tán”. Đơn thuần chấp nhận thực tại này theo cảm xúc, hay xuất phát từ lòng mộ đạo, hoặc trên phương diện tri thức thôi, sẽ không tịnh hóa được tâm. Nó phải được chấp nhận ở mức đúng như thật, bằng việc kinh nghiệm tiến trình của sanh và diệt trong tự thân. Nếu bạn kinh nghiệm trực tiếp vô thường bằng cách quan sát các cảm thọ vật lý của chính bạn, lúc áy sự hiểu biết được phát triển sẽ là trí tuệ thực thụ, là trí tuệ riêng của bạn. Và với trí tuệ này bạn thoát khỏi khổ đau. Cho dù cái đau vẫn còn, bạn cũng không khổ sở vì nó. Thay vào đó bạn có thể mỉm cười với nó, vì bạn có thể quan sát nó (mà không phản ứng).

Thói quen cũ của tâm là tìm cách đẩy những cảm thọ đau khổ ra và kéo những cảm thọ khả lạc vào. Bao lâu bạn còn vướng vào cái trò chơi của khổ-và-lạc, của đẩy-và-kéo, tâm bạn sẽ vẫn cứ lao động (trạo cử) và khổ đau của bạn sẽ gia tăng. Nhưng một khi bạn học được cách quan sát thật khách quan không đồng hóa với các cảm thọ, thì tiến trình thanh tịnh sẽ bắt đầu, và thói quen cũ của sự phản ứng mù quáng và làm gia tăng những khốn khổ của bạn sẽ dần dần suy yếu đi và bị bẻ gãy. Bạn phải học cách làm sao để chỉ quan sát được như vậy.

Điều này không có nghĩa rằng do hành thiền Minh-sát bạn trở thành một “người sống đơn điệu”, thụ động để cho người khác làm tổn hại đến mình đâu. Đúng hơn, bạn học cách làm thế nào để hành động thay vì phản ứng. Trước đây bạn đã sống một cuộc đời hoàn toàn phản ứng, mà phản ứng luôn luôn là tiêu cực. Giờ đay bạn đang học cách làm thế nào để sống một cách đúng đắn, để sống một cuộc sống lành mạnh của hành động thực sự. Bất cứ khi nào một tình huống khó khăn phát sinh trong cuộc đời, người đã học được cách quan sát các cảm thọ sẽ không để rơi vào sự phản ứng mù quáng. Thay vào đó, anh ta sẽ chờ đợi một vài giây, giữ chánh niệm về các cảm thọ và buông xả, rồi sẽ thực hiện sự quyết định và chọn một hướng hành động. Một hành động như vậy chắc chắn phải là tích cực, vì nó diễn tiến từ một cái tâm quân bình; hành động ấy sẽ là một hành động sáng tạo, lợi ích cho bản thân và cho người khác.

Dần dần, khi bạn học được cách quan sát các hiện tượng của tâm và thân (danh-sắc) bên trong, bạn sẽ thoát khỏi những phản ứng vì bạn đã thoát khỏi vô minh. Đường lối quen thói của phản ứng là dựa vào vô minh. Người chưa bao giờ quan sát thực tại bên trong sẽ không biết những gì đang xảy ra ở sâu bên trong, không biết họ đã phản ứng với tham ái và sân hận, và tạo ra những căng thẳng khiến họ phải khổ đau như thế nào.

Cái khó là tâm vô thường biến đổi nhanh hơn sắc (vật chất). Những tiến trình tâm khởi lên nhanh đến nỗi bạn không thể theo dõi chúng kịp, trừ phi bạn đã được luyện tập để làm như vậy. Không hiểu biết thực tại, bạn vẫn có ảo tưởng rằng bạn phản ứng với các đối tượng bên ngoài như là hình ảnh, âm thanh, hương vị vv… Rõ ràng sự việc là như vậy, nhưng một người biết cách quan sát chính mình sẽ thấy rằng ở mức vi tế nhất thực tại lại khác. Toàn bộ thế gian bên ngoài hiện hữu đối với một người chỉ khi người ấy kinh nghiệm nó, tức là, khi một đối tượng giác quan tiếp xúc với một trong những căn môn tương ứng. Ngay khi có xúc, sẽ có một sự rung động, một cảm thọ. Tưởng đưa ra một sự đánh giá đối với thọ ấy là tốt hay xấu, dựa trên những kinh nghiệm quá khứ và các hành (sankhãra) quá khứ. Hợp với sự đánh giá có tính phóng đại tô màu này mà cảm thọ trở thành dễ chịu (lạc) hay khó chịu (khổ), và tùy theo loại thọ đó, bạn bắt đầu phản ứng với thích hoặc không thích, với tham hoặc sân. Ở đây chúng ta thấy thọ là mắc xích đã bị bỏ quên giữa đối tượng bên ngoài và sự phản ứng. Toàn thể tiến trình khởi lên nhanh đến độ bạn không ý thức được nó; vào lúc mà một phản ứng ngoi lên mức ý thức, nó đã được lập đi lập lại nhiều lần và gia tăng cường độ hàng tỷ lần, và đã trở nên mãnh liệt đến độ nó có thể áp đảo tâm một cách dễ dàng.

Bồ tát Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm đã đạt đến sự giác ngộ nhờ khám phá ra căn nguyên nguồn gốc của tham ái và sân hận, và nhờ đoạn trừ chúng ngay chỗ chúng khởi lên, ở mức cảm thọ. Những gì bản thân Ngài đã làm, Ngài dạy lại cho mọi người. Ngài không phải là người duy nhất trong việc dạy con người nên thoát ra khỏi tham và sân; ngay cả trước Ngài, điều này đã được dạy ở Ấn Độ. Chẳng phải giới luật, cũng không phải tu tập để kiểm soát tâm là điều đặc biệt đối với lời dạy của đức Phật. Tương tự, trí tuệ ở những mức tri thức, cảm xúc, hoặc lòng mộ đạo cũng đã có từ trước thời đức Phật. Yếu tố độc nhất vô nhị trong lời dạy của Ngài nằm ở chỗ khác, trong việc xác nhận cảm thọ vật lý như ở điểm quan trọng nhất tại đó tham và sân bắt đầu, và ở đó chúng phải được trừ diệt. Nếu bạn không giải quyết các cảm thọ này, bạn vẫn chỉ hành ở mức bề ngoài của tâm, trong khi ở những chỗ sâu kín, thói quen cũ của sự phản ứng vẫn sẽ tiếp tục. Nhờ học cách chánh niệm trên các cảm thọ bên trong tự thân và giữ thái độ xả đối với chúng, bạn dừng lại các phản ứng ở nơi chúng khởi động: bạn thoát khỏi khổ đau.

Đây không phải là một giáo điều cần được chấp nhận trên phương diện đức tin, cũng không phải là một triết lý cần được chấp nhận trên phương diện tri thức. Bạn phải tự mình thẩm tra để khám phá sự thực. Chỉ khi bạn kinh nghiệm nó bạn hãy chấp nhận nó là thực. Nghe về sự thực là điều quan trọng, nhưng việc nghe ấy phải dẫn đến việc thực hành đúng như vậy. Tất cả những lời dạy của đức Phật phải được thực hành và kinh nghiệm cho bản thân thì bạn mới có thể thoát khỏi khổ đau.

Toàn bộ cấu trúc của thân, đức Phật giải thích, được cấu thành bởi những hạt hạ nguyên tử hay tổng hợp sắc – kalãpã – bao gồm tứ đại và những đặc tính phụ thuộc của chúng (sắc y đại sinh), kết hợp với nhau. Ở thế gian bên ngoài cũng như bên trong, bạn rất dễ thấy số sắc chất cứng – địa đại; một số sắc chất lỏng – thủy đại; một số ở thể khí – phong đại; và trong mọi trường hợp nhiệt độ đều có mặt – hỏa đại. Tuy nhiên, một người khảo sát thực tại trong chính mình sẽ hiểu tứ đại ở mức vi tế hơn. Toàn bộ phạm vi trọng lượng từ nặng đến nhẹ, là lãnh vực địa đại. Hỏa đại là lãnh vực của nhiệt độ, từ cực lạnh đến cực nóng. Phong đại liên quan đến sự chuyển động, từ trạng thái tưởng chừng như bất động đến sự chuyển động lớn nhất. Thủy đại liên quan đến tính chất kết dính, kết gắn lại với nhau. Các phân tử phát sanh với sự vượt trội của một hay nhiều hơn một đại trong khi các đại khác vẫn ở dạng tiềm ẩn. Một cảm thọ lần lượt thể hiện hợp theo tính chất của đại được xem là nổi bật nhất trong các phân tử ấy. Nếu Kalãpã (tổng hợp sắc hay các hạt hạ nguyên tử) phát sanh với hỏa đại vượt trội, thì cảm thọ nảy sanh sẽ thuộc về nóng hay lạnh, và đối với các đại khác cũng tương tự như vậy. Đây là cách cảm thọ khởi lên trong cấu trúc vật lý (thân). Nếu bạn vô minh, bạn sẽ đưa ra một sự lượng định và phản ứng với các cảm thọ, và tạo ra khổ đau mới cho chính mình. Nhưng nếu trí tuệ sanh khởi, bạn đơn giản hiểu rằng các tổng hợp sắc đang sanh lên với một sự ưu thắng về đại này hay đại khác, và rằng những hiện tượng này hoàn toàn vô ngã, luôn thay đổi (vô thường) sanh rồi sẽ diệt. Với sự hiểu biết này, bạn không để mất sự quân bình và tâm mình khi đối diện với bất cứ cảm thọ nào.

Khi bạn tiếp tục quan sát chính mình, bạn sẽ thấy rõ vì sao các tổng hợp sắc phát sinh. Chúng được tạo ra do sức thâu nạp mà bạn đưa vào dòng sống, hay dòng danh – sắc. Sự trôi chảy của sắc chất đòi hỏi phải có sự thu nạp vật chất, gồm có hai loại: thức ăn bạn ăn vào và bầu khí quyển trong đó bạn sống. Sự trôi chảy của danh hay tâm cũng đòi hỏi phải có dữ liệu tinh thần nạp vào, và ở đây cũng có hai loại: hoặc một hành (sankhãra) hiện tại, hoặc một hành quá khứ. Nếu bạn nạp vào sát na hiện tại một dữ liệu sân hận, ngay lập tức tâm sẽ ảnh hưởng đến sắc và các kalãpã (tổng hợp sắc) sẽ bắt đầu xuất hiện với hỏa đại thạnh, khiến bạn cảm giác một cảm thọ nóng nảy. Nếu bạn nạp một dữ liệu sợ hãi, các tổng hợp sắc phát sinh lúc đó sẽ có phong đại thạnh, và bạn cảm giác một cảm thọ run rảy, vv… Loại dữ liệu tinh thần thứ hai là một hành quá khứ. Mỗi hành, chúng ta biết, là một hạt giống sẽ cho ra một quả, một kết quả sau một thời gian nào đó. Bất cứ thọ nào mà bạn kinh nghiệm khi gieo trồng một hạt giống thì cũng thọ ấy sẽ phát sinh khi quả của hành đó hiện khởi lên bề mặt của tâm.

Trong bốn nguyên nhân này, bạn không nên cố gắng để xác định xem nhân nào chịu trách nhiệm cho sự sanh khởi của một thọ cá biệt nào đó. Bạn chỉ nên chấp nhận bất cứ thọ nào xảy ra. Nỗ lực duy nhất bạn phải làm là quan sát mà không tạo ra một hành mới. Nếu bạn không đưa dữ liệu của một phản ứng mới vào tâm, tự động một phản ứng cũ sẽ cho quả của nó, thể hiện như một cảm thọ. Bạn quan sát, và nó diệt. Bạn lại không phản ứng, do đó một hành cũ khác phải cho quả của nó nhờ duy trì niệm và xả theo cách này, bạn để cho các hành cũ nối tiếp nhau sanh lên và diệt; thế là bạn ra khỏi khổ đau.

Thói quen cũ của việc tạo ra các hành mới cần phải được trừ diệt, và điều này chỉ có thể được làm một cách từ từ, bằng cách thực hành nhiều lần, bằng cách làm việc liên tục.

Tất nhiên sẽ có những triền cái, những chướng ngại trên bước đường tu tập: năm kẻ thù mạnh nhất luôn luôn cố gắng áp đảo bạn và chận đứng sự tiến bộ của bạn. Hai kẻ thù đầu là tham và sân. Mục đích của việc thực hành vipassanã là để tiêu diệt hai phiền não căn bản này. Tuy nhiên chúng có thể khởi lên ngay cả khi bạn đang hành thiền, và nếu chúng tràn ngập tâm, tiến trình thanh tịnh của bạn sẽ dừng lại. Bạn có thể tham đối với các cảm thọ vi tế, hoặc ngay cả đối với Niết Bàn; cũng không có gì khác nhau. Tham là một ngọn lửa đang cháy, bất kể nhiên liệu là gì; nó đưa bạn vào hướng đối nghịch với giải thoát. Tương tự, bạn có thể phát sinh sân hận đối với cái đau bạn đang nếm trải, và bạn cũng lại lạc đường.

Kẻ thù khác là lười biếng, buồn ngủ. Bạn đã ngủ ngon suốt đêm, song khi ngồi thiền vẫn cảm thấy rất buồn ngủ. Sự buồn ngủ này do bất tịnh trong tâm bạn gây ra, những bất tịnh ấy sẽ bị đẩy lùi bằng việc hành Minh sát, và vì thế nó cũng đang cố ngăn không cho bạn hành thiền. Bạn phải chiến đấu để ngăn kẻ thù này không cho áp đảo bạn. Thở mạnh hơn một chút, hoặc là đứng dậy, té nước mát vào mắt hoặc đi bộ một lát, rồi ngồi thiền lại.

Hoặc, bạn có thể cảm thấy dao động mạnh (trạo cử) đây là một cách khác trong đó những bất tịnh cố gắng ngăn không cho bạn hành Minh sát. Suốt ngày bạn chạy đông chạy tây, làm đủ mọi việc trừ hành thiền. Sau đó, bạn hiểu ra mình đã phí quá nhiều thời gian, và thế là bạn bắt đầu than khóc, ân hận. Nhưng trên đạo lộ của Pháp (Dhamma) không có chỗ cho việc than khóc. Nếu bạn phạm một sai lầm, thì bạn hãy nhận sai lầm ấy trước một bậc trưởng lão mà bạn có đức tin, và quyết tâm sẽ cẩn thận hơn không để lập lại lầm lẫn trong tương lai.

Cuối cùng, một kẻ thù lớn nữa là hoài nghi, hoặc về người thầy hướng dẫn, hoặc về kỹ thuật, hoặc về khả năng thực hành kỹ thuật ấy của bạn. Sự chấp nhận mù quáng sẽ không có lợi, nhưng hoài nghi vô lý không dứt cũng thế. Bao lâu bạn còn chìm đắm trong hoài nghi, bạn không thể tiến dù chỉ một bước trên đạo lộ. Nếu có bất cứ điều gì không rõ ràng đối với bạn, đừng ngại ngùng đến gặp người hướng dẫn. Thảo luận vấn đề với vị ấy để hiểu nó một cách đúng đắn hơn. Nếu bạn thực hành đúng như những gì người hướng dẫn bảo bạn, kết quả chắc chắn sẽ đến.

Kỹ thuật vận hành, không phải do bất kỳ một ma thuật hay phép lạ nào cả, mà do quy luật tự nhiên. Bất luận ai thực hành hợp theo quy luật tự nhiên ấy, chắc chắn sẽ thoát khỏi khổ đau; đây là phép lạ khả dĩ và lớn lao nhất.

Rất nhiều người đã kinh nghiệm những lợi ích của kỹ thuật này, không chỉ những người được gặp tự thân đức Phật, mà nhiều người ở những thời đại sau đức Phật và ngay cả trong thời đại hiện nay cũng vậy. Nếu bạn thực hành đúng, vận dụng nỗ lực để duy trì chánh niệm và xả, thời các lớp bất tịnh của quá khứ chắc chắn sẽ phát sinh trên bề mặt của tâm, và rồi diệt. Pháp đem lại những kết quả kỳ diệu ngay trong hiện tại, với điều kiện bạn phải hành. Do đó, hãy thực hành với niềm tin và sự hiểu biết đầy đủ. Hãy tận dụng tốt cơ hội này để thoát ra khỏi mọi khổ đau, và thọ hưởng sự bình an thực sự.

Cầu mong tất cả các bạn hưởng được hạnh phúc chơn thực!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Các đoạn kinh Pãli trích dẫn:

Sabbe sankhãrã aniccã’ ti;

Yadã pãnnãya passati,

Atha nibbindati dukkhe-

Esa maggo visudddhiyã.

Dhammapada, XX. 5 (277)

Tất cả hành vô thường

Với tuệ quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán

Chính con đường thanh tịnh.

Sabba – dãnam Dhamma –dãnam jinãti,

Sabbam rassam Dhamma – raso jinãti,

Sabbam ratim Dhamma-rati jinãti,

Tanhakkhayo sabba – dukkam jinãti.

Dhammapada, XXIV-21(354)

Pháp thí thắng các thí,

Pháp vị thắng các vị,

Pháp lạc thắng các lạc,

Diệt ái thắng mọi khổ.

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY

Tầm quan trọng của xả đối với các cảm thọ vi tế cũng như các cảm thọ thô

Tính liên tục của chánh niệm

Năm người “bạn”: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

Bảy ngày đã qua, bạn còn ba ngày nữa để thực hành. Hãy tận dụng những ngày còn lại này bằng cách làm việc thật cố gắng và liên tục, hiểu rõ bạn phải thực hành như thế nào.

Có hai phương diện của kỹ thuật: chánh niệm và xả. Bạn phải phát triển chánh niệm đối với các cảm thọ khởi lên trong cơ cấu của thân, và đồng thời bạn cũng phải giữ thái độ xả đối với chúng. Nhờ trú xả, tự nhiên bạn sẽ thấy rằng các cảm thọ, không sớm thì muộn, bắt đầu xuất hiện trong những vùng được xem là mù, và rằng các cảm thọ thô, kiên cường, khó chịu bắt đầu tan biến thành những rung động vi tế. Bạn khởi sự kinh nghiệm một dòng năng lượng rất dễ chịu khắp toàn thân.

Sự nguy hiểm khi tình trạng này xuất hiện nằm ở chỗ bạn xem cái kinh nghiệm giác quan khả lạc này như cứu cánh mà bạn đang thực hành để hướng đến. Thực sự, mục đích của việc hành Minh sát không phải để kinh nghiệm một loại thọ nào đó, mà đúng hơn để phát triển xả đối với mọi cảm thọ. Các cảm thọ, dù thô hay tế, cứ vẫn thay đổi. Tiến bộ của bạn trên đạo lộ chỉ có thể đo lường bằng thái độ xả mà bạn phát triển đối với mỗi cảm thọ mà thôi.

Ngay cả sau khi bạn đã kinh nghiệm một dòng thông suốt của những rung động vi tế khắp toàn thân như vậy, thì việc một cảm thọ thô có thể xuất hiện ở đâu đó, hoặc một vùng mù vẫn còn, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây không phải là dấu hiệu của sự thoái bộ mà là sự tiến bộ. Khi bạn tăng trưởng niệm và xả, tự nhiên bạn sẽ thể nhập sâu hơn vào tâm vô thức, và khám phá ra những bất tịnh ẩn náu nơi đó. Bao lâu những phức cảm vẫn còn nằm sâu trong vô thức, chúng chắc chắn sẽ đem lại đau khổ trong tương lai. Cách duy nhất để diệt trừ chúng là để cho chúng ngoi lên bề mặt của tâm và tự diệt ở đó. Khi những hành (sankhãra) bám sâu như vậy trồi lên bề mặt, rất nhiều trong số đó có thể kèm theo bởi những cảm thọ thô, khó chịu hoặc những vùng mù trong thân. Nếu bạn tiếp tục quán sát không phản ứng, thì cảm thọ ấy sẽ diệt, và hành, là sự thể hiện của nó, cũng sẽ diệt.

Mỗi cảm thọ, dù thô hay tế, đều có cùng đặc tính vô thường. Một cảm thọ thô xuất hiện, dường như dừng lại trong một lúc, nhưng không sớm thì muộn cũng diệt, Một cảm thọ vi tế sanh lên và diệt với tốc độ cực nhanh, nhưng nó vẫn có cùng đặc tính (vô thường). Không có thọ nào vĩnh cửu cả. Vì thế bạn không nên ưa thích hay có thành kiến đối với bất kỳ thọ nào. Khi một cảm thọ thô, khó chịu xuất hiện, bạn quan sát nó mà không cảm thấy buồn chán. Khi một cảm thọ vi tế, dễ chịu xuất hiện, bạn chấp nhận nó, thậm chí hưởng thụ nó, nhưng không lấy làm tự mãn hay dính mắc vào nó. Trong mọi trường hợp bạn phải hiểu rõ tính chất vô thường của tất cả cảm thọ, thì bạn mới có thể mỉm cười khi chúng sanh cũng như khi chúng diệt.

Xả phải được thực hành ở mức cảm thọ của thân để tạo ra một sự thay đổi thực thụ trong cuộc sống của bạn. Ở mỗi sát na các cảm thọ đang khởi lên trong thân, thường thường tâm ý thức không biết chúng, nhưng tâm vô thức cảm giác các cảm thọ và phản ứng lại chúng với tham hoặc sân. Nếu tâm được luyện tập để trở nên ý thức trọn vẹn về tất cả những gì xảy ra trong cấu trúc vật lý và đồng thời duy trì thái độ xả, thì thói quen cũ của sự phản ứng mù quáng sẽ bị bẻ gãy. Bạn hãy học cách làm thế nào để giữ thái độ xả trong mọi tình huống, và nhờ thế có thể sống một cuộc sống quân bình, hạnh phúc.

Bạn có mặt ở đây để kinh nghiệm sự thực về chính con người bạn, các hiện tượng này vận hành như thế nào, nó tạo ra đau khổ ra sao? Về hiện tượng con người này có hai phương diện là vật chất và tinh thần, hay thân và tâm (thân: sắc, tâm: danh). Bạn phải quan sát cả hai. Nhưng thực sự bạn không thể kinh nghiệm thân mà không chánh niệm về những gì phát sinh trong thân. Đó là chánh niệm các cảm thọ. Tương tự, bạn không thể quán tâm tách biệt với những gì đang khởi lên trong tâm, ý niệm. Khi bạn tiến sâu hơn trong việc kinh nghiệm sự thực tâm và thân, bạn sẽ thấy rõ ràng bất cứ cái gì khởi lên trong tâm cũng được đi kèm theo bởi một cảm thọ vật lý. Như vậy thọ có ý nghĩa quan trọng chính yếu trong việc kinh nghiệm thực tại của cả thân lẫn tâm, và nó là điểm mà các phản ứng khởi xuất ở đó. Để quán sát sự thực của bản thân và để ngưng tạo các phiền não, bạn phải chánh niệm về các cảm thọ và giữ thái độ xả liên tục đến mức có thể.

Vì lý do này, trong những ngày còn lại của khóa thiền bạn phải làm việc liên tục với đôi mắt nhắm chặt suốt những giờ hành thiền; cả trong những giờ nghỉ cũng vậy, bạn phải cố gắng duy trì chánh niệm và xả ở mức các cảm thọ. Thực hiện bất kỳ hành động nào, bạn cần phải làm theo cách thông thường, dù khi đi, khi ăn, uống hoặc tắm rửa; đừng làm chậm lại các hành động. Chánh niệm về sự chuyển động vật lý của thân, đồng thời cũng chánh niệm về các cảm thọ, nếu có thể có, trên thân phần đang chuyển động, hoặc ở bất kỳ phần nào khác. Cứ duy trì chánh niệm và xả như vậy.

Tương tự, khi bạn ngủ vào ban đêm, nhắm mắt lại và cảm giác cảm thọ ở khắp mọi nơi trong thân. Nếu bạn rơi vào giấc ngủ với chánh niệm này, tự nhiên ngay khi thức giấc vào buổi sáng, bạn sẽ nhận biết được cảm thọ. Có thể bạn ngủ không được ngon giấc, hay thậm chí có thể thức trắng cả đêm. Điều này thật tuyệt diệu, miễn rằng bạn cứ nằm trên giường và duy trì chánh niệm và xả. Thân sẽ nhận được sự nghỉ ngơi nó cần, và dĩ nhiên không có sự nghỉ ngơi nào cho tâm tốt hơn là giữ chánh niệm và xả. Tuy nhiên nếu bạn bắt đầu lo lắng rằng bạn đang phát triển chứng mất ngủ, thì bạn sẽ tạo ra những căng thẳng và sẽ cảm thấy kiệt quệ vào ngày hôm sau ngay. Bạn cũng không nên cố gắng cưỡng buộc mình phải tỉnh thức, duy trì trong oai nghi ngồi suốt cả đêm; vì điều đó sẽ trở thành một cực đoan. Nếu cơn buồn ngủ đến, rất tốt, hãy đi ngủ. Nếu cơn buồn ngủ không đến, cứ để cho thân nghỉ bằng cách giữ mình trong tư thế nằm ngửa, và để cho tâm nghỉ bằng cách duy trì niệm và xả.

Đức Phật cho biết, “Khi một hành giả nhiệt tâm thực hành, không xao lãng một sát na chánh niệm và xả đối với các cảm thọ, người ấy sẽ phát triển được chánh trí, liễu tri hoàn toàn các cảm thọ”. Người hành thiền hiểu vì sao một người thiếu trí lại phản ứng với các cảm thọ, và làm tăng trưởng khổ đau của mình. Người hành thiền cũng hiểu vì sao một người luôn luôn tâm niệm tính chất vô thường của các cảm thọ sẽ không phản ứng với chúng, và sẽ thoát khỏi khổ đau. Đức Phật tiếp tục: “Với sự liễu tri này, hành giả có thể kinh nghiệm giai đoạn vượt qua danh và sắc – Niết Bàn”. Bạn không thể kinh nghiệm được Niết Bàn chừng nào các hành (sankhãra) nặng nhất chưa được đoạn trừ - những hành sẽ dẫn đến một đời sống tương lai trong hình thức hiện hữu thấp nhất, ở đây đau khổ thống trị. May thay, khi bạn bắt đầu hành vipassanã, chính những hành này là cái xuất hiện đầu tiên. Bạn giữ thái độ xả và chúng sẽ diệt. Khi các hành như vậy đã bị diệt trừ, tự nhiên bạn sẽ kinh nghiệm Niết Bàn trong lần đầu tiên. Sauk hi đã kinh nghiệm Niết Bàn, bạn hoàn toàn thay đổi, và không thể còn thực hiện bất cứ một hành động nào sẽ dẫn đến một đời sống tương lai trong hình thức hiện hữu thấp nhất nữa. Dần dần bạn sẽ tiến lên các giai đoạn cao hơn, cho đến khi các hành dẫn đến đời sống tương lai dù ở bất kỳ đâu trong thế gian hữu vi này được diệt trừ. Người như vậy xem như đã giải thoát hoàn toàn, vì thế đức Phật kết luận: “Do thấu triệt toàn bộ sự thực của tâm và thân (danh-sắc), khi vị ấy chết, vị ấy vượt qua thế gian hữu vi, vì vị ấy đã liễu tri các cảm thọ”.

Bạn đã thực hiện được bước khởi đầu trên đạo lộ này bằng cách thực hành để phát triển chánh niệm về các cảm thọ ở khắp toàn thân. Nếu như bạn thận trọng không phản ứng với chúng, bạn sẽ thấy rằng hết lớp hành cũ này đến lớp hành cũ khác được trừ diệt. Nhờ duy trì xả đối với các cảm thọ khó chịu, thô, bạn sẽ tiến lên chỗ kinh nghiệm các cảm thọ dễ chịu, vi tế hơn. Nếu bạn cứ tiếp tục duy trì xả, sớm muộn gì bạn cũng sẽ đạt đến giai đoạn mà đức Phật đã mô tả, trong khắp toàn thân ấy, người hành thiền không kinh nghiệm gì khác ngoài sự sanh và diệt. tất cả những cảm thọ thô, kiên cường đã tan biến; khắp toàn thân chỉ còn những rung động vi tế. Tất nhiên giai đoạn này rất là tịnh lạc, nhưng đó vẫn không phải là cứu cánh tối hậu, và bạn phải làm sao để không dính mắc vào đó. Một số các bất tịnh thô đã được diệt trừ, nhưng những bất tịnh khác vẫn còn tồn tại trong những chỗ sâu kín nhất của tâm. Nếu bạn cứ tiếp tục quán với xả, thì các hành (sankhãrã) sâu hơn này sẽ lần lượt sanh lên và diệt. Khi tất cả đã được trừ diệt, lúc đó bạn kinh nghiệm trạng thái “bất tử” – một điều vượt qua danh và sắc, ở đây không có gì sanh và vì thế cũng không có gì diệt – giai đoạn bất khả tư nghì của Niết Bàn.

Bất kỳ ai thực hành một cách đúng đắn để phát triển niệm và xả, chắc chắn sẽ đạt đến giai đoạn này, nhưng mỗi người vẫn phải tự hành lấy.

Nếu như có năm kẻ thù, năm triền cái ngăn cản tiến bộ của bạn trên đạo lộ, thì cũng có năm người bạn, năm thiện căn của tâm (five wholesome faculties of the mind: ngũ quyền), giúp và hỗ trợ cho bạn. Nếu bạn giữ cho những người bạn này khỏe mạnh và thanh tịnh, không có kẻ thù nào có thể áp đảo được bạn.

Người bạn thứ nhất là đức tin – lòng tín thành, niềm tin. Không có niềm tin bạn không thể hành được vì cứ luôn bị dao động bởi hoài nghi và do dự. Tuy nhiên, nếu đức tin mù quáng, thì đó lại là một kẻ thù lớn. Niềm tin trở thành mù quáng nếu bạn đánh mất trí phân biệt, sự hiểu biết đúng đắn thế nào là lòng tín thành hay mộ đạo. Bạn có thể có đức tin nơi bất kỳ một người thánh thiện nào, nhưng nếu đó là đức tin chân chánh, với sự hiểu biết đúng đắn, bạn sẽ nhớ đến những phẩm chất tốt đẹp của người ấy, và sẽ tạo được nguồn cảm hứng để phát triển những phẩm chất đó trong tự thân bạn, lòng tín thành như vậy rất có ý nghĩa và có lợi ích. Nhưng nếu bạn không cố gắng để phát triển những phẩm chất tốt đẹp của người mà bạn có lòng tín thành đối với họ ấy, thì đó là đức tin mù quáng, rất có hại.

Chẳng hạn, khi bạn quy y nơi đức Phật, bạn phải nhớ đến những phẩm chất (ân đức) của một vị Phật, và phải thực hành để phát triển những phẩm chất ấy trong chính bạn. Phẩm chất hay ân đức chính của một vị Phật là sự giác ngộ; vì thế việc quy y thực sự đặt ở đức giác ngộ này, sự giác ngộ mà bạn sẽ phát triển trong tự thân. Bạn tỏ lòng tôn kính đối với bất kỳ ai đã đạt đến giai đoạn giác ngộ viên mãn; nghĩa là bạn chú trọng đến phẩm chất ở chỗ nó thể hiện, chứ không bó buộc ở một bộ phái hay con người đặc biệt nào cả. Và bạn tôn kính đức Phật không phải bằng những hình thức lễ nghi, mà bằng việc thực hành những lời dạy của Ngài, bằng cách bước đi trên đạo lộ của Pháp từ bước đầu là giới (Sĩla) đến định (Samãdhi), đến tuệ (Pãnnã), đến Niết Bàn, giải thoát.

Bất cứ người nào trở thành một vị Phật cũng phải có những phẩm chất sau. Vị ấy đã diệt trừ mọi tham, sân, si. Vị ấy đã chiến thắng tất cả kẻ thù, những kẻ thù bên trong hay những bất tịnh tâm của vị ấy. Vị ấy hoàn hảo không những trên phương diện lý thuyết về Pháp (Dhamma), mà còn cả trong việc áp dụng giáo pháp ấy. Những gì vị ấy hành, vị ấy giảng, và những gì vị ấy giảng, vị ấy hành. Không có sự khác nhau giữa lời nói và việc làm của vị ấy. Mỗi bước vị ấy bước là một bước đúng, dẫn đến đúng hướng. Vị ấy đã thông suốt mọi điều về thế gian, nhờ khám phá thế gian bên trong (năm uẩn). Vị ấy chan chứa lòng từ ái, bi mẫn, và hoan hỉ đối với mọi người, và luôn giúp những ai đang đi lạc hướng tìm ra chánh đạo. Vị ấy đầy đủ tâm xả vô lượng. Nếu bạn thực hành để phát triển những phẩm chất này trong tự thân ngõ hầu đạt đến cứu cánh tối hậu, thì việc qui y đức Phật của bạn thực sự có ý nghĩa.

Tương tự, qui y Pháp (Dhamma) không dính dáng gì đến chủ nghĩa bộ phái, đó không phải là một vấn đề cải tạo từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác. Qui y Pháp thật sự là qui y vào giới, vào việc làm chủ chánh tâm của bạn, vào trí tuệ. Để cho một lời dạy trở thành Pháp, lời dạy ấy cũng phải có một vài phẩm chất. Trước tiên lời dạy ấy phải được giải thích một cách rõ ràng để cho bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Lời dạy ấy phải được thấy cho tự thân bằng chính mắt của mình, nghĩa là thực tại phải được tự chứng, chứ không phải sản phẩm của tưởng tượng. Ngay cả sự thực của Niết Bàn cũng không phải để chấp nhận nếu bạn không kinh nghiệm nó. Pháp phải đem lại lợi ích ngay trong hiện tại, chứ không hứa hẹn suông những lợi ích sẽ được hưởng trong tương lai. Pháp có đức của “đến- và-thấy”; nghĩa là tự mình thấy, tự mình thử nghiệm Pháp, chứ không chấp nhận nó một cách mù quáng. Và một khi bạn đã thử và kinh nghiệm được những lợi ích của Pháp, bạn sẽ không kìm nén được việc khuyến khích và giúp đỡ người khác để họ cũng đến-và-thấynhư vậy. Mỗi bước trên đạo lộ sẽ dẫn đến gần cứu cánh tối hậu hơn; không có nỗ lực nào được xem là phí phám cả. Pháp đem lại lợi ích ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn cuối. Kết luận lại, bất kỳ một người có sự hiểu bieets trung bình nào, thuộc bất cứ thành phần (xã hội) nào đều có thể thực hành Pháp và kinh nghiệm những lợi ích của Pháp. Với sự hiểu biết về Pháp và thực hành nó, lòng tín thành của bạn thực sự có ý nghĩa.

Cũng vậy, quy y Tăng (sangha) không phải là vấn đề có liên quan gì với một bộ phái. Bất kỳ ai đã bước trên đạo lộ Giới – Định – Tuệ và đã đạt đến ít nhất tầng giải thoát thứ nhất, đã trở thành một người thánh thiện, đều là Tăng cả. Người ấy có thể là bất cứ ai, thuộc bất kỳ diện mạo nào, mầu da nào, thành phần xã hội nào; điều đó cũng không làm khác đi được. Nếu bạn, do thấy một người như vậy, mà có được nguồn cảm hứng và thực hành theo để tự mình đạt đến cùng mục đích, lúc ấy việc quy y Tăng của bạn là chánh tín và đầy đủ ý nghĩa.

Người bạn khác là tinh tấn. Giống như tín, tinh tấn cũng không được mù quáng. Nếu không, tất cả cái nguy là bạn sẽ hành sai cách và không đạt được những kết quả mong đợi. Tinh tấn luôn luôn phải đi kèm với sự hiểu biết đúng đắn về cách bạn phải làm như thế nào; lúc đó nó mới thực hữu ích cho sự tiến bộ của bạn.

Người bạn khác là niệm. Chánh niệm chỉ có thể là về thực tại của sát na hiện tiền. Bạn không thể niệm về quá khứ mà chỉ có thể nhớ lại nó. Cũng vậy, bạn không thể niệm về tương lai, mà bạn chỉ có thể khát vọng hay sợ hãi đối với tương lại thôi. Do đó bạn phải phát triển khả năng nhận biết hay niệm đối với thực tại đang thể hiện trong chính bản thân ở sát-na hiện tại này.

Người bạn kế là định, duy trì niệm đối với thực tại từ sát-na này đến sát-na khác, không gián đoạn. Chỉ khi niệm thoát khỏi mọi sự tưởng tượng, tham ái, sân hận, lúc đó nó mới trở thành chánh định.

Và người bạn thứ năm là trí tuệ - không phải trí có được do nghe giảng, hoặc đọc sách, hoặc do phân tích bằng vận dụng trí óc. Bạn phải phát triển trí tuệ trong chính bản thân ở mức kinh nghiệm, vì chỉ với trí tuệ do kinh nghiệm này bạn mới có thể giải thoát.

Và để được xem là trí tuệ chơn thực, nó phải dựa trên các cảm thọ vật lý; bạn duy trì thái độ xả đối với các cảm thọ, hiểu rõ tính chất vô thường của chúng. Đây là xả ở mức sâu kín của tâm, sẽ cho bạn khả năng giữ được quân bình giữa những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày.

Tất cả việc hành Minh sát đều có mục đích là giúp cho bạn khả năng sống một lối sống đúng đắn, hoàn thành những trách nhiệm đời thường của bạn trong khi vẫn duy trì một cái tâm quân bình, giữ sự bình an và hạnh phúc cho bản thân và đem lại bình an, hạnh phúc cho người khác. Nếu bạn giữ cho năm người bạn này mạnh khỏe, bạn sẽ trở nên hoàn hảo trong nghệ thuật sống, và sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh và hiền thiện.

Hãy vững tiến trên đạo lộ của Pháp, vì sự tốt đẹp và lợi ích của bản thân và của số đông.

Cầu mong những chúng sinh đang đau khổ gặp được Pháp thuần tịnh này, để thoát khỏi khổ đau và hưởng được hạnh phúc chơn thực!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: Những đoạn kinh Pãli trích dẫn:

-Vedanã samosaranã sabbe dhammã.

Mũlaka Sutta, Anguttara Nikãya VIII. IX.3 (83)

Tất cả Pháp phát sinh trong tâm đều kèm theo bởi cảm thọ. (Everything that arises in the mind is accompanied by sensation).

-Kimãrammanã purisassa sankappa-vitakka uppajjanti’ ti?

- Nãma –rũparammanã bhante’ti

Samiddhi Sutta, AN IX. 4 (14)

“Dựa vào đâu các tư duy và tầm khởi lên nơi con người?”

“Bạch Ngài, dựa vào danh và sắc”.

-Yathà’ pi vãtã ãkãse vãyanti vividhã puthũ…

… kãyssa bhedã Dhammattho, sankhyam nopeti vedagũ.

Pathamma Ẫkãsa Sutta, SN. XXXVI (II). II. 12 (2)

Giống như giữa hư không, gió nhiều loại thổi lên,

Từ phương Đông, phương Tây; từ phương Bắc, phương Nam.

Gió có bụi, không bụi; có gió lạnh, gió nóng;

Có gió lớn, gió nhỏ; gió nhiều loại thổi lên.

Cũng vậy trong thân này, khởi lên nhiều cảm thọ;

Lạc thọ và khổ thọ; bất khổ bất lạc thọ.

(khi tỷ kheo) nhiệt tâm, tỉnh giác;

Không xao lãng tuệ căn.

Do vậy bậc hiền giả, liễu tri tất cả thọ,

Sau khi liễu tri thọ; ngay hiện tại vô lậu;

Thân hoại, bậc pháp trú; tuệ tri rõ các thọ

Đạt giai đoạn khó lường.

Yato – yato sammasati

Khandhãnam udayabbayam,

Labhati pĩti-pãmojjam,

Amatam tam vijãnatam.

Dhammapada, XX,15 (374)

Người luôn luôn chánh niệm,

Sự sanh diệt các uẩn

Được hoan hỷ, hân hoan

Chỉ bậc bất tử biết.

[Khi một người thường xuyên quán chiếu (reflect) sự sanh và diệt của cấu trúc tâm-vật lý (năm uẩn), người ấy thọ hưởng niềm hỷ lạc, (dẫn đến) trạng thái bất tử mà bậc trí cảm nghiệm].

Phần các Ân Đức Phật- Pháp – Tăng xem kinh tụng Pãti hoặc Dhajagga Sutta, Samyutta Nikaya. XI (1).3

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TÁM

Quy Luật Tăng Trưởng và Quy Luật Trừ Diệt

Xả là niềm hạnh phúc vĩ đại nhất –

Xả cho bạn khả năng sống một cuộc sống hành động thực sự

Bằng cách trú xả, bạn bảo đảm cho mình một tương lại hạnh phúc.

Tám ngày đã qua, bạn còn lại hai ngày nữa để thực hành. Trong hai ngày này, hãy xem xem bạn đã hiểu kỹ thuật một cách đúng đắn chưa, để bạn có thể thực hành đúng ở đây cũng như tận dụng nó trong cuộc sống hàng ngày sau này. Hiểu rõ Pháp (Dhamma) là gì: Pháp là quy luật tự nhiên, là sự thực và là quy luật phổ quát.

Một mặt, có tiến trình của sự tăng trưởng liên tục. Mặt khác, có tiến trình của sự trừ diệt. Điều này đã được giải thích rõ qua bài kệ:

Các pháp hữu vi thực vô thường

Bản chất sanh, thành, hoại diệt luôn

Nếu chúng sanh lên liền dập tắt

Sự diệt này đem lại an vui.

Mỗi hành (sankhãra), mỗi điều kiện tâm lý đều vô thường, có cùng bản chất sanh và diệt như nhau. Nó diệt, nhưng sát na kế lại sanh, và cứ tiếp tục như vậy: đây là cách các hành (sankhãra) tăng trưởng hay sinh sôi nảy nở. Nếu bạn tu tập tuệ và khởi sự quán một cách khách quan, tiến trình tăng trưởng ấy sẽ dừng lại, và tiến trình đoạn trừ bắt đầu. Một hành sanh lên, nhưng bạn giữ thái độ xả, nó sẽ mất hết sức mạnh và bị trừ diệt. Hết lớp này đến lớp khác, các hành cũ sẽ nối tiếp nhau sanh lên và bị diệt trừ. Với điều kiện bạn giữ thái độ xả, các hành bị diệt trừ nhiều bao nhiêu, bạn sẽ hưởng được an lạc bấy nhiêu, sự an lạc của giải thoát khổ. Nếu tất cả an lạc vô hạn của giải thoát hoàn toàn.

Thói quen cũ của tâm là phản ứng và làm tăng trưởng các phản ứng. Một điều gì đó không muốn xảy ra và bạn phát ra một hành thuộc sân hận. Khi hành phát sanh trong tâm, nó được kèm theo bởi một cảm thọ vật lý khó chịu. Sát na kế, do thói quen cũ của phản ứng, bạn lại tạo ra sân hận, mà sân này thực sự nhắm vào cảm thọ khó chịu của thân. Những kích thích bên ngoài của sân chỉ là phụ; thực tế sự phản ứng chính là đối với cái cảm thọ trong chính bạn. Cảm thọ khó chịu khiến cho bạn phản ứng với sân, sân này lại tạo ra một phản ứng nữa. Theo cách này tiến trình tăng trưởng bắt đầu. Nếu bạn không phản ứng với cảm thọ mà thay vào đó mỉm cười và hiểu rõ tính chất vô thường của nó, thì bạn sẽ không phát ra một hành mới, và hành đã khởi lên ấy sẽ diệt mà không tăng trưởng. Sát na kế, một hành cùng loại khác sẽ phát sinh từ trong sâu thẳm của tâm, bạn lại giữ thái độ xả, và nó cũng sẽ diệt. Sát na kế, hành khác phát sinh, bạn duy trì xả, và nó diệt. Như vậy, tiến trình của sự diệt đã khởi động.

Những tiến trình mà bạn quan sát trong tự thân cũng xảy ra ở khắp vũ trụ. Chẳng hạn, một người gieo một hạt giống cây đa. Từ hạt giống tí tẹo đó một cái cây khổng lồ mọc lên cho ra vô số trái hết năm này đến năm khác, bao lâu nó còn sống. Và ngay cả sau khi cây đó chết đi, tiến trình vẫn tiếp tục, vì mỗi quả mà cây ấy sinh ra đều chứa đựng một hay nhiều hạt giống có cùng tính chất như hạt giống nguyên thủy từ đó cây mọc lên. Bất cứ khi nào một trong những hạt giống ấy rơi trên đất tốt, nó sẽ nảy mầm và mọc thành một cây khác và lại sanh ra hằng ngàn quả, tất cả đều chứa những hạt giống. Quả và các hạt; các hạt và quả; một tiến trình bất tận của sự tăng trưởng hay sinh sôi nảy nở. Cũng vậy, từ vô minh bạn gieo hạt giống của một hành (sankhãra), hành này không sớm thì muộn sẽ cho ra một quả cũng gọi là hành, và cũng chứa đựng một hạt giống chính xác cùng loại như vậy. Nếu bạn cung cấp đất màu mỡ cho hạt giống nó sẽ nảy mầm thành một hành mới, và khổ đau của bạn cũng tăng trưởng thêm. Tuy nhiên, nếu bạn ném hạt giống ấy trên đất khô cằn sỏi đá, chúng sẽ không nảy mầm được, và tất nhiên sẽ không có gì phát triển từ những hạt giống ấy. Tiến trình của sự tăng trưởng dừng lại, và tự động tiến trình đảo nghịch hay tiến trình của sự diệt bắt đầu.

Vậy tiến trình này vận hành như thế nào? Như đã giải thích, một số dữ liệu được xem là cần thiết cho dòng sống hay cho dòng danh – sắc (tâm và thân) được tiếp tục. Dữ liệu cần cho thân là thức ăn bạn ăn vào, cũng như bầu khí quyển trong đó bạn sống. Nếu một ngày bạn không ăn, dòng sắc chết sẽ không dừng lại liền. Nó sẽ vẫn tiếp tục bằng cách tiêu thụ những kho năng lượng cũ chứa đựng trong thân. Khi tất cả năng lượng dự trữ đã dùng hết, lúc ấy dòng sắc chất mới dừng lại, xác thân chết.

Thân này cần đến thức ăn chỉ hai hoặc ba lần một ngày, nhưng dòng tâm thức lại đòi hỏi phải có sự nhập dữ liệu vào trong từng sát na. Dữ liệu tinh thần nhập vào là các hành (sankhãra). Hành mà bạn tạo trong mỗi sát na có trách nhiệm duy trì dòng tâm thức. Tâm khởi lên trong sát na kế là sản phẩm của hành này. Như vậy, mỗi sát na bạn phải đưa dữ liệu của hành vào, và dòng thâm thức tiếp tục trôi chảy. Nếu ở bất kỳ sát na nào, bạn không tạo ra một hành mới, dòng tâm thức cũng không dừng lại liền; thay vào đó nó lấy trong kho dự trữ các hành cũ ra. Một hành cũ sẽ buộc phải cho quả của nó, nghĩa là buộc phải trồi lên bề mặt của tâm để duy trì dòng chảy. Và nó sẽ thể hiện ra như một cảm thọ vật lý, nếu bạn phản ứng với cảm thọ ấy, thì bạn lại khởi sự tạo một hành mới, lại gieo thêm những hạt giống đau khổ mới. Nhưng nếu bạn quan sát cảm thọ với thái độ xả, hành ấy sẽ mất sức mạnh của nó và bị diệt trừ. Sát na kế một hành cũ khác phải trồi lên để duy trì dòng tâm thức. Một lần nữa bạn không phản ứng và nó lại bị diệt trừ. Bao lâu bạn còn giữ được chánh niệm và xả, chừng đó từng lớp. từng lớp các hành vũ sẽ trồi lên bề mặt và bị diệt trừ; đây là quy luật tự nhiên.

Bạn phải tự mình kinh nghiệm tiến trình này, bằng cách thực hành kỹ thuật Minh sát. Khi bạn thấy rằng những lề thói quen thuộc cũ và những đau khổ cũ của bạn đã được diệt trừ, bạn biết rằng tiến trình đoạn trừ đã vận hành.

Trong ngành luyện kim hiện đại cũng có một kỹ thuật tương tự. Để siêu tinh lọc một vài kim loại, làm cho chúng cực kỳ tinh ròng, nhất thiết phải loại bỏ ngay cả một phân tử lạ trong một tỷ phân tử. Điều này được thực hiện bằng cách đúc kim loại thành hình que, rồi làm một cái vòng bằng cùng kim loại ấy nhưng đã được tinh luyện đến độ thuần tịnh như đòi hỏi. Chiếc vòng được ho chạy qua que kim loại và tạo ra một từ trường tự động đẩy bất cứ một tạp chất nào có trong đó ra hai cực của que. Cùng một lúc, tất cả những phân tử trong que kim loại cũng sắp xếp lại ngay ngắn, trở nên mềm dẻo, dễ uốn, có thể trau chuốt được. Cũng vậy, kỹ thuật Vipassanã có thể được xem như việc chạy chiếc vòng chánh niệm qua cấu trúc của thân, đẩy bất cứ những bất tịnh nào có trong đó ra, với những lợi ích tương tự như vậy.

Chánh niệm và xả sẽ đưa đến sự thanh tịnh của tâm. Bất cứ điều gì bạn nếm trải trên đạo lộ, dù lạc hay khổ, đều không quan trọng. Điểm quan trọng là đừng để phản ứng với tham hoặc sân, vì cả hai sẽ chỉ tạo ra đau khổ. Cây thước duy nhất để đo mức tiến bộ của bạn trên đạo lộ là thái độ xả mà bạn đã phát triển được. Và xả ấy phải ở mức các cảm thụ của thân nếu bạn đi vào chỗ sâu kín của tâm và tẩy trừ những bất tịnh ở đó. Khi bạn biết cách chánh niệm về các cảm thọ và duy trì xả đối với chúng, bạn cũng sẽ dễ dàng giữ được sự quân bình của bạn trong những tình huống bên ngoài.

Một lần, đức Phật được hỏi về hạnh phúc chân thực là gì. Ngài trả lời rằng hạnh phúc cao tột nhất là có thể giữ được sự quân bình của tâm trước những thăng trầm của cuộc đời. Bạn có thể phải đương đầu với những tình huống lạc hoặc khổ, với chiến thắng hoặc chiến bại, với được hoặc mất, với danh thơm hay tiếng xấu; đây là những điều mọi người chắc chắn phải gặp. Nhưng liệu bạn có thể mỉm cười trong mọi hoàn cảnh, một nụ cười thực thụ từ trái tim không? Nếu bạn có xả này ở mức sâu kín nhất bên trong, bạn sẽ có hạnh phúc chơn thực.

Nếu xả chỉ hời hợt bên ngoài nó sẽ không giúp được gì trong đời sống hàng ngày. Cũng tựa như một người mang một thùng xăng hay thùng dầu ở bên trong vậy. Nếu một tia lửa tới, một quả của phản ứng quá khứ tới, lập tức một sự bùng nổ dữ dội sẽ xảy ra, tạo thành hàng triệu tia lửa hay "hành" nữa, để rồi sẽ đem lại thêm nhiều khổ đau trong tương lai. Nhờ hành thiền Minh sát, bạn dần dần làm cạn hết thùng xăng ấy đi. Những tia lửa sẽ vẫn đến do một hành quá khứ của bạn, nhưng khi chúng tới, chúng sẽ chỉ đốt chỗ nhiên liệu mà chúng đem theo; không được cung cấp thêm nhiên liệu mới, chúng cháy một chút cho tới khi đốt hết chỗ nhiên liệu chúng chứa theo, rồi bị dập tắt. Sau đó, khi bạn tu tập thêm trên đạo lộ, bạn tự nhiên phát ra một dòng nước mát của từ ái và bi mẫn, và cái thùng bây giờ đầy với loại nước này. Lúc ấy, khi một tia lửa đến, nó bị dập tắt liền. Nó không thể cháy được dù chỉ một lượng nhiên liệu nhỏ nó mang theo.

Bạn có thể hiểu điều này ở mức trí thức, và biết rằng bạn cần phải có một cái bơm nước sẵn sàng khi lửa cháy. Nhưng khi lửa thật sự đến, bạn lại mở cái bơm xăng và thế là gây ra một đám cháy lớn. Sau đó bạn nhận thức được lầm lẫn, nhưng rồi lần tới khi lửa đến, bạn vẫn lập lại sai lầm cũ, vì trí tuệ của bạn chỉ ở mức bề ngoài. Nếu một người có trí tuệ thực sự trong chiều sâu của tâm, khi đương đầu với lửa, họ sẽ không ném xăng vào đó vì hiểu rằng làm vậy chỉ gây ra tai hại. Thay vào đó, người này tưới nước mát của từ ái và bi mẫn vào, giúp ích cho mọi người và cho chính bản thân mình.

Trí tuệ phải ở mức các cảm thọ. Nếu bạn tập cho mình có chánh niệm về các cảm thọ trong bất kỳ tình huống nào và giữ thái độ xả đối với chúng, thì không gì có thể áp đảo được bạn. Có thể chỉ trong một vài giây bạn quan sát mà không phản ứng, lúc ấy với tâm quân bình này, bạn quyết định hành động nào phải chọn. Chắc chắn đó phải là hành động đúng đắn, tích cực, giúp ích cho người, vì nó được thực hiện với một cái tâm quân bình.

Trong cuộc sống có lúc chúng ta cũng cần phải chọn hành động cứng rắn. Bạn đã cố gắng giải thích cho ai đó một cách lễ độ, nhã nhặn với một nụ cười, nhưng người ấy chỉ có thể hiểu chuyện bằng những lời lẽ cứng rắn, hành động cứng rắn. Vì thế bạn buộc phải chọn thân hành hoặc khẩu hành cứng rắn đối với họ. Nhưng trước khi làm thế, bạn phải tự xét lại mình xem tâm đã quân bình hay chưa, và bạn đã thực chỉ có lòng từ ái và bi mẫn với người đó hay không. Nếu có, hành động sẽ có ích; nếu không, nó sẽ chẳng ích gì cho ai cả. Bạn chọn hành động cứng rắn để giúp người lầm lỗi. Với căn bản từ ái và bi mẫn này bạn không thể nào sai được.

Trong một vụ gây gổ, là hành giả Vipassanã, bạn sẽ làm công việc tách người gây hấn và nạn nhân ra, bạn không chỉ có lòng bi mẫn đối với nạn nhân mà còn đối với người gây hấn nữa. Bạn nhận ra rằng người gây hấn không biết anh ta đang tự hại mình như thế nào. Hiểu như vậy bạn cố gắng giúp cho người ấy bằng cách ngăn không để anh ta làm những điều sẽ khiến anh ta phải khổ trong tương lai.

Tuy nhiên, bạn phải rất thận trọng đừng để sau khi chuyện đã rồi mới biện minh cho những hành động của mình. Bạn phải xét lại tâm trước khi hành động. Nếu tâm còn mang đầy phiền não, bạn chẳng thể giúp được ai. Bạn phải sửa lỗi lầm của mình trước khi bạn sửa lỗi người khác. Trước hết, bạn phải thanh tịnh tâm của bạn bằng cách quán xét mình. Lúc đó bạn mới có thể giúp được mọi người.

Đức Phật dạy rằng có bốn loại người trong thế gian này: - người từ bóng tối đi tới bóng tối - người từ ánh sáng đi tới bóng tối - người từ bóng tối đi tới ánh sáng - và người từ ánh sáng đi tới ánh sáng.

Đối với người thuộc loại thứ nhất, chung quanh anh ta là những bất hạnh, đen tối, nhưng nỗi bất hạnh lớn nhất của anh ta là không có trí tuệ. Mỗi lần gặp chuyện khốn đốn anh ta bộc lộ càng nhiều bực tức, phẫn nộ, si mê hơn nữa, và còn đổ lỗi cho người khác về nỗi khổ đau của mình.

Một người thuộc loại thứ hai được xem là có những gì mà thế gian này gọi là ánh sáng: tiền bạc, địa vị, và quyền lực, nhưng anh ta cũng không có trí tuệ. Do si mê anh ta nuôi lớn tính ích kỷ, không hiểu rằng những căng thẳng của thói ích kỷ ấy sẽ chỉ dẫn đến sự tối tăm trong tương lai.

Một người thuộc loại thứ ba có cùng hoàn cảnh như người thuộc loại thứ nhất, nghĩa là bị vây bủa bởi tối tăm và bất hạnh. Nhưng anh ta là người có trí tuệ và hiểu được tình cảnh của mình. Nhận chân được rằng mình phải có trách nhiệm đối với những khổ đau của chính mình, nên anh ta làm tất cả những gì có thể được để thay đổi hoàn cảnh một cách bình thản và an lạc, không chút phẫn nộ hay sân hận với người khác; thay vào đó anh ta chỉ có lòng từ ái và bi mẫn đối với những người đang làm hại anh ta. Tất cả những gì anh tạo cho tương lai là sự sáng sủa.

Cuối cùng một người thuộc loại thứ tư, cũng như người thuộc loại thứ hai, hưởng được tiền bạc, địa vị, và quyền lực. Nhưng không giống người thuộc nhóm thứ hai ở chỗ, anh là người có trí tuệ đầy đủ. Anh tận dụng những gì mình có để nuôi sống mình và những người lệ thuộc vào mình, và những gì còn lại anh sử dụng cho lợi ích của người khác, với lòng từ ái và bi mẫn. Hiện tại của anh sáng sủa và tương lai cũng sáng sủa như vậy.

Tất nhiên hiện tại bạn không thể chọn để đối diện với bóng tối hay ánh sáng được, vì điều đó là do hành (sankhãrã) quá khứ quyết định. Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng bạn có thể kiểm soát hiện tại bằng cách trở thành chủ nhân của chính mình. Tương lai chỉ là quá khứ cộng với những gì đã được thêm vào ở hiện tại. Vipassanã dạy cho bạn cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của chính mình bằng việc phát triển chánh niệm và xả đối với các cảm. Nếu bạn phát triển được sự làm chủ trong sát na hiện tại này, tương lai sẽ tự động sáng sủa.

Hãy tận dụng hai ngày còn lại đẻ học cách trở thành chủ nhân của sát na hiện tại, chủ nhân của chính bạn. Tiếp tục tăng trưởng trong Pháp, để đi ra khỏi mọi khổ đau và để hưởng hạnh phúc chơn thực ngay trong hiện tại.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú: - Những đoạn kinh Pãli trích dẫn:

Aniccã va ta Sankhãrã, Hữu vi vô thường

Uppãdavaya - Thuộc tánh sanh diệt

dhammino. Có rồi lại không

Uppajjitvã nurujjhanti, Tịch tịnh chơn lạc

Tesam vũpasamo suho.

Mahã-Parinibbãna T.V.M

Suttanta, D.N.16

Phutthassa loka - Khi xúc chạm việc đời (ở thế gian)

dhammehi,

Cittam yassa na kampati

asokam, virajam, Tâm không động, không sầu

khemam, Tự tại và vô nhiễm

etam mangalamuttamam Là phúc lành cao thượng

Mahã Mangala Sutta T.V.M

Sutta Nipãta 11.4

Attã hi attano nãtho, Chính ta là chủ nhân của ta

Attã hi attano gati, Chính ta tạo tương lai cho ta

Tasmã sãnnãmay' Do đó hãy tự điều phục mình

attãnam

assam bhadram va Như mã thương luyện ngựa thuần

vãnijo

Dhammapada XXV. 21 (380)

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN

Áp dụng kỹ thuật trong cuộc sống hàng ngày

Mười Balamật (Pãramĩ)

Chín ngày đã qua. Giờ đã lúc chúng ta sẽ bàn luận về cách làm thế nào để áp dụng kỹ thuật này trong cuộc sống hàng ngày. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Pháp là một nghệ thuật sống. Nếu bạn không thể sử dụng nó trong đời sống hàng này, thì việc đến với một khoá thiền như thế này cũng chẳng hơn gì việc thực hiện một lễ nghi hay nghi thức.

Mọi người đều phải đương đầu với những tình huống không mong đợi trong đời. Bất cứ khi nào một chuyện không mong muốn xảy ra, bạn sẽ mất sự quân bình của tâm, và bắt đầu tạo ra những tiêu cực, và khi tiêu cực phát sinh trong tâm, bạn trở nên đau khổ. Làm cách nào để không tạo ra tiêu cực, không tạo ra căng thẳng? Làm cách nào để giữ được sự bình an và cân đối?

Các bậc hiền nhân xưa đã cất công khám phá thực tại của danh và sắc bên trong để tìm ra một giải pháp cho vấn đề. Bất cứ khi nào một tiêu cực phát sinh trong tâm vì bất cứ lý do gì, bạn nên đổi hướng sự chú tâm của mình sang nơi khác. Chẳng hạn có thể đứng dậy, uống chút nước, bắt đầu đếm, hoặc niệm danh hiệu của một vị thánh nào đó mà bạn có lòng tín thành. Nhờ chuyển hướng sự chú tâm như vậy, bạn sẽ thoát khỏi tiêu cực.

Một giải pháp tương đối khả thi. Nhưng các nhà thám hiểm sự thực bên trong khác đã đi vào mức sâu nhất của thực tại, vào đến sự thực cùng tột. Những người giác ngộ này hiểu ra rằng do đổi hướng chú tâm, bạn tạo ra một lớp bình an và cân đối ở mức ý thức, nhưng bạn không diệt được cái tiêu cực đã sanh. Bạn chỉ dè nén nó. Ở mức vô thức, nó vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở và gom góp sức mạnh. Không sớm thì muộn, ngọn núi lửa tiêu cực ngủ ngầm này sẽ phụt lên và tràn ngập tâm. Bao lâu những tiêu cực vẫn còn, ngay cả ở mức vô thức, chừng đó giải pháp trên chỉ có tác dụng phần nào và nhất thời thôi.

Một bậc giác ngộ viên mãn đã tìm ra một giải pháp đích thực: không chạy trốn vấn đề, phải giáp mặt nó. Quan sát bất cứ một bất tịnh nào khởi lên trong tâm. Do quan sát bạn không đè nén nó, cũng không cấp phép tự do để nó tự bộc lộ ra bằng thân hành hoặc khẩu hành có hại. Nằm giữa hai cực đoan này là con đường trung đạo: sự quan sát thuần tuý. Khi bạn bắt đầu quan sát, tiêu cực sẽ mất đi sức mạnh của nó và diệt mà không áp đảo tâm bạn. Chẳng những thế, một kho dự trữ cũ của loại bất tịnh ấy cũng sẽ bị trừ diệt. Bất cứ khi nào một phiền não dấy động ở mức ý thức, kho dự trữ cũ của loại phiền não ấy cũng trỗi dậy từ vô thức, kết hợp với phiền não hiện tại, và bắt đầu tăng trưởng. Nếu bạn chỉ quan sát, chẳng những bất tịnh hiện tại mà một phần nào đó của kho dự trữ cũ cũng sẽ bị trừ diệt. Theo cách này, dần dần mọi phiền não đều bị trừ diệt và bạn thoát khỏi khổ đau.

Nhưng đối với một người bình thường việc quan sát một tâm phiền não không phải là dễ. Bạn không biết nó đã khởi lên khi nào và áp đảo tâm bạn ra sao. Vào lúc nó chạm tới mức ý thức, nó đã quá mạnh để có thể quan sát mà không phản ứng. Cho dù bạn cố gắng làm như vậy, thì cũng rất khó mà quan sát một phiền não trừu tượng của tâm - nóng giận, sợ hãi, hay dục vọng hoàn toàn trừu tượng. Thay vào đó, sự chú ý của bạn lại bị kéo vào những tác nhân kích thích bên ngoài của phiền não, vốn sẽ chỉ khiến cho nó tăng trưởng thêm mà thôi.

Tuy nhiên, các bậc giác ngộ đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phiền não dấy lên trong tâm, lập tức hai việc bắt đầu xảy ra ở mức thể chất: hơi thở sẽ trở nên không bình thường và một phản ứng sinh hoá sẽ khởi động trong thân, đó là cảm thọ. Một giải pháp thực tiễn đã được tìm ra. Quan sát những phiền não trừu tượng trong tâm là điều rất khó, song với việc tu tập, chẳng bao lâu bạn có thể học được cách quan sát hơi thở và cảm thọ, cả hai đều là những biểu hiện vật lý của phiền não. Nhờ quan sát một phiền não ở phương diện vật lý của nó, bạn để nó khởi lên và diệt, không gây ra tai hại nào cả. Nhờ vậy bạn thoát khỏi phiền não.

Để thành thạo kỹ thuật này tất nhiên phải mất thời gian. Nhưng khi bạn thực hành, bạn sẽ thấy rằng trong rất nhiều những tình huống bên ngoài mà trước đây hẳn bạn đã phản ứng với tiêu cực, giờ đây bạn có thể giữ được quân bình. Cho dù bạn có phản ứng, phản ứng ấy cũng sẽ không đến nỗi quá căng thẳng và kéo dài như đã từng trong quá khứ. Rồi cũng có lúc sẽ đến, khi trong những tình huống khiêu khích nhất, bạn vẫn có thể lưu ý đến lời cảnh báo được đưa ra bởi hơi thở và cảm thọ, và sẽ bắt đầu quan sát chúng, dù chỉ trong vài giây thôi. Một vài giây tự quan sát này sẽ tác hành như một thiết bị giảm xóc (shock abssorber) giữa những tác nhân kích thích bên ngoài và phản ứng của bạn. Thay vì phản ứng một cách mù quáng, tâm giữ trạng thái quân bình và bạn có thể chọn hành động tích cực nhất để giúp mình và người khác.

Bạn đã bước bước đầu tiên hướng về sự đoạn trừ các phiền não và thay đổi lề lói quen thuộc của tâm bằng cách quan sát các cảm thọ trong tự thân bạn.

Từ lúc sinh ra đến giờ, bạn đã tập luôn luôn nhìn ra ngoài. Bạn chưa bao giờ quan sát chính mình, và vì thế bạn không có khả năng đi vào chiều sâu của những vấn đề của bạn. Thay vào đó bạn lại đi tìm nguyên nhân khổ đau của mình ở bên ngoài, và luôn luôn đổ lỗi cho người khác về những bất hạnh của mình. Bạn nhìn mọi việc từ một góc độ duy nhất, một thiên kiến, và chắc chắn phải là méo mó rồi. Ấy vậy mà bạn vẫn chấp nhận quan điểm này là sự thực hoàn chỉnh. Bất cứ quyết định nào được thực hiện với thông tin không đầy đủ này sẽ chỉ đem lại tai hại cho bản thân bạn và cho những người khác. Để thấy được toàn bộ sự thực, bạn phải nhìn nó từ nhiều góc độ khác nhau. Đây là những gì bạn đang học cách làm nhờ thực hành Vipassanã: thấy thực tại không chỉ ở bề ngoài mà cả bên trong nữa.

Nhìn từ một góc độ duy nhất, bạn ngờ rằng khổ đau của bạn là do người khác hay do hoàn cảnh bên ngoài gây ra. Vì thế bạn dồn hết năng lực của mình vào việc thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Thực sự, đây là một cố gắng uổng phí. Một người đã học được cách quan sát thực tại bên trong sẽ sớm nhận ra rằng họ phải hoàn toàn có trách nhiệm đối với khổ đau hay hạnh phúc của họ. Chẳng hạn một người bị người khác sỉ nhục và đau khổ, anh ta đổ cho người đã sỉ vả anh ta về tội đã làm cho anh đau khổ. Thực ra người sỉ vả ấy đã tạo ra đau khổ cho chính bản thân họ bằng cách làm ô nhiễm tâm của mình. Còn người bị sỉ nhục đã tạo ra cái khổ của họ khi phản ứng lại lời sỉ nhục đó, khi bắt đầu làm ô nhiễm tâm anh ta. Mọi người phải trách nhiệm về khổ đau của mình chứ không phải ai khác. Khi bạn biết được sự thực này, thì cái ngu ngốc phi lý của việc bới lỗi người khác sẽ chấm dứt.

Bạn phản ứng lại cái gì? Một hình ảnh do chính bạn tạo ra chứ không phải thực tại bên ngoài. Khi bạn thấy một người, hình ảnh về người đó đã bị xuyên tạc bởi những quy định quá khứ của bạn. Các hành (Sankhãrã) cũ ảnh hưởng đến sự tưởng tri của bạn về bất kỳ tình huống mới nào. Lần lượt, do tưởng tri bị quy định này, một cảm thọ thuộc thân trở thành dễ chịu (lạc) hoặc khó chịu (khổ). Và hợp theo loại thọ đó, bạn tạo ra một phản ứng mới. Mỗi trong những tiến trình như vậy đều được tác động bởi các hành cũ. Nhưng nếu bạn giữ chánh niệm và xả đối với các cảm thọ, thì thói quen phản ứng mù quáng cũ sẽ trở nên càng lúc càng yếu đi, và bạn biết cách thấy thực tại đúng như nó là.

Khi bạn phát triển được khả năng thấy mọi sự mọi vật từ những góc độ khác nhau, lúc ấy, dù bất cứ khi nào bị người khác sỉ nhục hay cư xử không tốt, thì sự hiểu biết cũng khởi lên để bạn thấy rằng người này xử sự không tốt vì anh ta đang đau khổ. Với sự hiểu biết như vậy, bạn không thể phản ứng một cách tiêu cực được, mà sẽ chỉ cảm thấy từ ái và thương xót cho con người đang đau khổ ấy, như người mẹ cảm thấy xót thương cho đứa con bệnh tật vậy. Ý chí muốn giúp con người đang đau khổ ấy khởi lên. Như vậy bạn giữ được sự bình an và hạnh phúc, đồng thời cũng giúp cho người khác bình an và hạnh phúc. Đây là mục đích của Pháp (dhamma), của việc thực hành nghệ thuật sống; đó là, trừ diệt những bất tịnh trong tâm và phát triển những phẩm chất tốt đẹp, vì sự tốt đẹp của chính bạn và của mọi người.

Có mười phẩm chất tinh thần tốt đẹp hay balamật - parãmĩ mà bạn phải hoàn thiện để đạt đến mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu ấy là giai đoạn hoàn toàn vô ngã. Mười balamật này là những đức tính làm tan biến dần cái tôi hay cái ngã, nhờ đó đưa bạn càng lúc càng gần sự giải thoát hơn. Trong một khoá thiền Minh sát như thế này, bạn có được cơ hội để phát triển cả mười balamật này.

Balamật thứ nhất là xuất gia - nekkamma.

Người trở thành một vị sư hay tu nữ từ bỏ đời sống của một gia chủ và sống không có những sở hữu cá nhân, thậm chí phải đi ăn xin (khất thực) để có thực phẩm hàng ngày. Tất cả điều này được làm vì mục đích giải thể cái tôi. Vậy thì, một người tại gia cư sĩ có thể tu tập balamật này như thế nào? Trong một khoá thiền, bạn có cơ hội làm được như vậy, vì ở đây bạn sống nhờ vào lòng từ thiện của những người khác. Nhờ chấp nhận bất cứ vật gì được đem đến, như vật thực, chỗ ăn, chỗ ngủ, hay vật dụng khác, bạn dần dần phát triển được đức tính xuất gia. Bất cứ thứ gì bạn nhận ở đây, bạn sử dụng nó theo cách tốt nhất, cố gắng thực hành để thanh lọc tâm chẳng những vì sự tốt đẹp của bản thân, mà còn vì sự tốt đẹp của những người vô danh đã đóng góp vì lợi ích của bạn.

Balamật thứ hai là giữ giới -sĩla. Bạn cố gắng phát triển balamật này bằng cách theo đuổi ngũ giới suốt đời, nghĩa là trong suốt khó thiền cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Tất nhiên trong cuộc sống đời thường có rất nhiều chướng ngại khiến cho việc giữ giới trở nên khó khăn. Tuy nhiên ở đây, trong một khoá thiền sẽ không có những cơ hội để phạm giới, vì chương trình tu tập và kỷ luật rất nghiêm ngặt. Chỉ nội việc nói chuyện thôi cũng có thể kéo bạn ra khỏi việc giữ giới nghiêm mật rồi. Vì vậy bạn phát nguyện giữ yên lặng trong chín ngày đầu của khoá thiền. Bằng cách này, ít nhất trong thời gian của khoá thiền, bạn cũng giữ giới một cách hoàn hảo.

Balamật khác là tinh tấn - viriya. Trong cuộc sống hàng ngày bạn đã làm công việc tinh tấn này, chẳng hạn như đã mưu sinh. Song ở đây, tinh tấn là để thanh lọc tâm nhờ giữ chánh niệm và xả. Đây là chánh tinh tấn, sẽ dẫn đến giải thoát.

Balamật khác là kham nhẫn -khanti. Trong một khoá thiền như thế này, thực hành và sống chung với nhau theo nhóm, bạn có thể thấy mình như bị quấy rầy và khó chịu bởi những hành động của người khác. Nhưng chẳng bao lâu bạn nhận ra rằng người đang gây sự náo động ấy không biết về điều họ đang làm, hoặc đó là một người bệnh. Sự khó chịu của bạn sẽ biến mất, và bạn cảm thấy chỉ có lòng từ ái và bi mẫn đối với người đó. Như vậy là bạn đã bắt đầu phát triển được đức tính kham nhẫn.

Balamật khác là chân thật - sacca. Nhờ hành giới (sĩla) bạn thọ trì sự chân thật ở mức lời nói. Tuy nhiên, chân thật cũng phải được thực hành trong ý nghĩa sâu hơn. Mỗi bước trên đạo lộ phải là một bước đi với sự thật, từ sự thật thô, rõ rệt, cho đến những sự thật càng lúc càng vi tế hơn, và rồi đến sự thật tối hậu. Không có chỗ dành cho sự tưởng tượng. Bạn phải luôn luôn trú với thực tại mà bạn thực sự kinh nghiệm ở sát na hiện tiền.

Balamật khác là trí tuệ - pãnnã. Ở ngoài đời bạn có thể có trí tuệ, nhưng đó là trí tuệ thu nhặt từ việc đọc sách hoặc nghe người khác nói, hoặc chỉ là sự hiểu biết do vận dụng trí óc thuần tuý. Trong khi balamật trí tuệ thực sự là sự hiểu biết mà bạn phát triển trong tự thân, bằng kinh nghiệm riêng của bạn trong hành thiền. Bạn trực nhận những sự kiện vô thường, khổ và vô ngã bằng sự tự quán. Nhờ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại này bạn thoát khỏi khổ đau.

Balamật khác là quyết định - adhitthãna. Khi bạn khởi sự một khoá thiền Minh sát, bạn đã hạ quyết tâm ở lại cho đến hết khoá thiền. Bạn quyết định giữ giới, giữ nguyên tắc yên lặng và tất cả những luật lệ của khoá thiền. Sau khi được giới thiệu về kỹ thuật Vipassanã, bạn quyết tâm mãnh liệt sẽ hành thiền trong suốt những thời toạ thiền theo nhóm không mở mắt, cũng như chân tay. Ở một giai đoạn cuối của đạo lộ, balamật này sẽ rất quan trọng; khi tiến tới gần mục tiêu cuối cùng, bạn phải sẵn sàng để ngồi không gián đoạn cho đến khi đạt đến sự giải thoát. Vì mục đích này việc phát triển balamật quyết định rất là cần thiết.

Balamật khác là tâm từ -mett. Trong quá khứ bạn đã cố gắng để tỏ lòng thương yêu và thiện chí đối với những người khác, nhưng điều này được làm ở mức ý thức của tâm. ở mức vô thức, những căng thẳng cũ vẫn tiếp tục. Khi toàn bộ tâm đã được tịnh hoá thì từ sâu thẳm bạn sẽ ước mong cho hạnh phúc của mọi người. Đây là tâm từ đích thực, giúp người khác và cũng giúp chính bản thân bạn.

Balamật khác là tâm xả - upekkhã. Bạn học cách giữ sự quân bình của tâm không chỉ khi nếm trải những cảm thọ thô, khó chịu hay những vùng mù trong thân, mà cả khi đối diện với những cảm thọ dễ chịu, vi tế. Trong mọi tình huống bạn đều hiểu rằng sự kinh nghiệm của sát na đó là vô thường, chắc chắn sẽ diệt. Với sự hiểu biết này, bạn giữ thái độ không dính mắc, buông xả.

Balamật cuối cùng là bố thí- dãna. Đối với người thế tục, đây là bước cơ bản thứ nhất của Pháp. Một người cư sĩ có trách nhiệm kiếm tiền bằng phương tiện chánh mạng (làm ăn chánh đáng), nhằm nuôi sống bản thân và những người phụ thuộc. Nhưng nếu bạn sanh tâm dính mắc vào tiền bạc mà bạn kiếm được, thì bạn đã nuôi lớn cái ngã. Vì lý do này, bạn nên dành một phần của những gì bạn kiếm được vì lợi ích của mọi người. Nếu bạn làm được điều này, cái ngã sẽ không phát triển, vì bạn hiểu rằng bạn kiếm tiền vì lợi ích bản thân và cũng vì lợi ích của người khác nữa. Ý chí muốn giúp người khác bằng bất cứ cách nào có thể sẽ khởi lên, và bạn nhận thức rõ rằng không có sự giúp đỡ tha nhân nào lớn hơn việc giúp họ biết cách thoát khổ.

Trong một khoá tu như thế này bạn có một cơ hội tuyệt diệu để phát triển balamật bố thí này. Bất cứ vật gì bạn nhận ở đây là do người khác đóng góp, bạn không phải trả tiền phòng, tiền cơm tháng và chắc chắn không cho cả việc giảng dạy nữa. Đổi lại, bạn có thể góp phần mình vì lợi ích của người khác. Số lượng bạn cho sẽ tuỳ theo phương tiện của bạn. Tất nhiên một người giàu có sẽ muốn cho nhiều hơn, nhưng ngay cả sự cúng dường nhỏ nhoi nhất được cho ra với ý định đúng đắn, cũng có giá trị trong việc phát triển balamật này. Không mong cầu đáp trả, bạn cho ra (bố thí) để cho những người khác có thể kinh nghiệm những lợi ích của Pháp và có thể thoát khỏi khổ đau.

Ở đây bạn có cơ hội phát triển cả mười balamật. Khi tất cả những phẩm chất tốt đẹp này đã hoàn thiện, bạn sẽ đạt đến mục đích cuối cùng.

Hãy duy trì việc thực hành để phát triển chúng dần dần. Hãy duy trì sự tiến bộ trên đạo lộ của Pháp (dhamma) không chỉ vì lợi ích và sự giải thoát của riêng bạn, mà cũng còn vì lợi ích và sự giải thoát của nhiều người.

Cầu mong mọi chúng sinh đang đau khổ thấy được Pháp thuần tịnh, và được giải thoát.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú- Đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng:

Pakãrena jãnãti' pãnnã. Atthasãtini.

Trí tuệ là biết các pháp theo những cách khác nhau - (Wisdom is knowing things in different ways)

Dãnam dadantu saddhãya,

sĩlam rakkhantu sabbadã,

bhãvanã abhiratã hontu

gacchantu devatãgatã

Dukhappattãdigãthã.

Bố thí vì lòng tin

Giới luật luôn giữ gìn

Tìm vui trong thiền tập

Sẽ đi lên thiên giới.

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

Kiểm lại Kỹ thuật

Mười ngày đã qua. Hôm nay chúng ta sẽ kiểm lại những gì chúng ta đã làm trong suốt mười ngày này.

Bạn khởi sự công việc của bạn bằng cách quy y Tam Bảo, đó là quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng. ở đây một hình thức quy y như vậy không có nghĩa là bạn bị cải đạo, tức chuyển đổi từ một tổ chức tôn giáo này sang một tôn giáo khác. Trong thiền Minh sát, sự chuyển đổi chỉ là từ khổ đau sang hạnh phúc, từ vô minh sang trí tuệ, từ trói buộc sang giải thoát. Toàn bộ lời dạy (của đức Phật) là của chung. Bạn quy y không phải nơi đức tính của sự giác ngộ. Người khám phá ra con đường đi đến giác ngộ là đức Phật. Con đường mà ngài tìm ra ấy là Pháp (dhamma). Tất cả những ai thực hành con đường này và đạt đến giai đoạn thánh thiện đều gọi là Tăng (Sangha). Được truyền cảm hứng bởi những con người thánh thiện như vậy, bạn quy y Phật, Pháp, Tăng để mong đạt đến mục đích thanh tịnh tâm như họ. Việc quy y thực sự nằm ở đức tính phổ quát của sự giác ngộ mà bạn tầm cầu để phát triển trong tự thân đó.

Cùng một lúc, nơi bất kỳ một người nào đã tiến hoá trên đạo lộ cũng sẽ khởi lên lòng biết ơn và ý chí muốn phục vụ người khác không mong cầu đáp trả (tri ân và trả ân). Hai đức tính này được xem là nổi bật trong con người Sĩ-đạt-đa Cồ Đàm, một đức Phật lịch sử. Ngài đã thành tựu sự giác ngộ hoàn toàn bằng những nỗ lực cá nhân của Ngài. Tuy vậy, vì lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, Ngài cố gắng giảng dạy kỹ thuật mà Ngài đã tìm ra đó cho mọi người.

Những đức tính này cũng sẽ xuất hiện trong tất cả những ai thực hành theo kỹ thuật và những ai đã đoạn trừ, đến một mức độ nào đó, thói quen cũ của chủ nghĩa vị kỷ. Sự quy y đích thực, sự bảo vệ đích thực, là Pháp mà bạn đang phát triển trong bản thân. Tuy nhiên, cùng với sự kinh nghiệm về Pháp một cảm giác tri ân đối với đức Phật Gotama chắc chắn sẽ khởi lên vì Ngài đã tìm ra và chỉ dạy lại kỹ thuật này, và lòng tri ân cũng dành cho những ai đã cố gắng không vị kỷ để duy trì lời dạy trong sự thanh tịnh nguyên thuỷ của nó suốt hai mươi lăm thế kỷ đến tận hôm nay.

Bạn quy y Tam Bảo với sự hiểu biết này.

Kế đến bạn thọ ngũ giới. Đây cũng không phải là một nghi thức mang tính tôn giáo. Bằng cách thọ lãnh và tuân theo những giới này, bạn đã thực hành giới (sĩla) được xem là nền tảng của kỹ thuật Minh sát. Không có một nền tảng vững chắc toàn bộ cấu trúc hành thiền sẽ yếu đi. Giới cũng mang tính phổ quát và phi bộ phái. Bạn thọ trì giới để tránh mọi hành động của thân và khẩu sẽ làm quấy động sự bình an và hài hoà của những người khác. Người phạm những giới này đương nhiên sẽ phát sinh sự ô nhiễm trong tâm và huỷ hoại sự bình an và hài hoà của họ trước. Từ mức nội tâm, bất tịnh này sẽ phát triển và tự bộc lộ ra bằng hành động của thân và khẩu. Trong thiền Minh sát bạn đang cố gắng để tịnh hoá tâm sao cho nó trở nên yên tịnh thực sự. Bạn không thể làm công việc tịnh hoá tâm trong khi vẫn tiếp tục thực hiện những hành động làm cho tâm dao động và ô nhiễm được.

Nhưng bạn làm thế nào để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trong đó tâm dao động thực hiện những hành động bất thiện để rồi làm cho nó kích động thêm nữa? Một khoá thiền Vipassanã sẽ cho bạn cơ hội đó. Do chương trình nặng nề, kỷ luật nghiêm khắc, nguyện giữ yên lặng, và bầu không khí hỗ trợ một cách tích cực, việc phạm giới của bạn hầu như khó có thể xảy ra được. Như vậy trong suốt mười ngày ở đây bạn có thể thực hành giới, và với căn bản này bạn có thể phát triển định (samãdhi); và định này sẽ đến lượt nó trở thành căn bản cho tuệ giác, với tuệ giác đó bạn có thể thâm nhập vào những chỗ sâu kín của tâm và tịnh hoá nó.

Trong suốt khoá thiền bạn thọ trì ngũ giới để học hỏi kỹ thuật này. Sau khi đã học xong, nếu bạn quyết định chấp nhận và thực hành pháp, bạn phải giữ ngũ giới này suốt cuộc đời bạn.

Kế đến bạn quy thuận1đức Phật và vị thầy hiện tại của bạn trong mười ngày của khoá thiền. Sự quy thuận này nhằm mục đích thực hiện một cuộc thử thách công bằng đối với kỹ thuật. Chỉ người nào chấp nhận quy thuận theo cách này mới có thể vận dụng hết mọi nỗ lực của mình để thực hành. Người còn đầy hoài nghi và do dự không thể thực hành một cách đúng đắn được. Tuy nhiên, quy thuận không có nghĩa là phát triển đức tin mù quáng, điều đó chẳng liên quan gì đến Pháp. Nếu có hoài nghi nào khởi lên trong tâm, bạn được khuyến khích là hãy đi đến vị thầy hướng dẫn để được sáng tỏ càng thường xuyên càng tốt, nếu cần.

Việc quy thuận cũng được đặt vào kỷ luật và thời khắc biểu của khoá thiền. Tất cả những điều này đã được trù liệu dựa trên kinh nghiệm của hàng ngàn thiền sinh trước đây, nó cho bạn khả năng thực hành liên tục để tìm được những lợi ích khả dĩ lớn nhất từ mười ngày hành thiền này.

Nhờ quy thuận bạn cam kết thực hành đúng như người hướng dẫn bảo bạn. Bất cứ kỹ thuật nào có thể bạn đã thực hành trước đây đều được yêu cầu bỏ qua một bên trong giai đoạn của khoá thiền. Bạn có thể gặt hái được lợi ích và phán xét giá trị của kỹ thuật chỉ qua việc thực hành tuyệt đối kỹ thuật này theo cách đúng đắn mà thôi. Ngược lại, pha trộn các kỹ thuật vào nhau có thể dẫn bạn đến những khó khăn nghiêm trọng.

Rồi bạn bắt đầu công việc bằng cách thực hành niệm hơi thở - ãnãpãna để phát triển sự làm chủ tâm, định - samãdhi. Bạn được bảo chỉ quán hơi thở tự nhiên, thuần tuý không thêm một chữ, một hình ảnh nào vào. Một lý do giải thích sự hạn chế này là để duy trì tính phổ quát của kỹ thuật; hơi thở là chung và có thể chấp nhận được với mọi người, song một chữ hay một hình ảnh có thể có người chấp nhận, có người không.

Dĩ nhiên vẫn có một lý do quan trọng hơn cho việc quan sát hơi thở thuần tuý này. Toàn bộ tiến trình là một cuộc khám phá sự thực về chính con người bạn, về cấu trúc tâm-vật-lý (danh-sắc) như nó là, không như bạn muốn nó phải là. Đó là một nghiên cứu về thực tại. Bạn ngồi xuống và nhắm mắt lại, không có âm thanh, không có sự lao xao bên ngoài, không có sự chuyển động của thân. Ở sát na đó hoạt động nổi bật nhất trong chính bạn là hơi thở. Bạn bắt đầu bằng cách quan sát thực tại này: hơi thở tự nhiên, khi nó vào và ra khỏi mũi. Khi bạn không thể cảm giác hơi thở, bạn được phép thở hơi mạnh một chút đủ để gắn sự chú tâm của bạn nơi vùng mũi, và rồi bạn trở lại với hơi thở nhẹ nhàng, tự nhiên, bình thường. Bạn bắt đầu với sự thực thô, rõ rệt này và từ đó di chuyển xa hơn, sâu hơn theo hướng của những sự thực vi tế hơn và rồi sự thực tối hậu. Trên toàn đạo lộ, ở mỗi bước bạn trú với sự thực mà bạn thực sự kinh nghiệm, từ thô nhất đến tế nhất. Bạn không thể đạt đến sự thực tối hậu bằng cách khởi đầu với sự tưởng tượng. Bạn sẽ chỉ càng lúc càng rối ren trong những sự tưởng tượng, trong sự tự dối mình lớn hơn mà thôi.

Nếu bạn thêm một chữ vào đối tượng hơi thở, bạn có thể định tâm nhanh hơn, nhưng sẽ có cái nguy khi làm như vậy. Mỗi chữ có một sự rung động đặc biệt. Do lập đi lập lại một chữ hay một câu, bạn tạo ra một sự rung động nhân tạo và bị nhận chìm trong đó. Ở bề mặt của tâm một lớp bình an và hài hoà được tạo ra, nhưng trong những chỗ sâu kín của tâm bất tịnh vẫn còn. Cách duy nhất để loại bỏ những bất tịnh nằm sâu bên trong này là phải học cách làm thế nào để quan sát chúng, để đem chúng lên bề mặt để cho chúng có thể diệt ở đó. Nếu bạn quan sát chỉ một rung động nhân tạo đặc biệt nào đó, bạn sẽ không thể nào quan sát được các rung động tự nhiên khác liên hệ đến những bất tịnh của bạn, đó là quan sát các cảm thọ đang khởi lên tự nhiên trong thân. Vì thế, nếu mục đích của bạn là để khám phá thực tại của chính mình và để thanh tịnh tâm, thì việc dùng một chữ tưởng tượng có thể tạo ra những chướng ngại.

Sự mường tượng cũng vậy, mường tượng trong tâm một hình ảnh nào đó có thể trở thành một chướng ngại cho tiến bộ. Kỹ thuật Minh sát dẫn đến việc làm tan biến sự thực rõ rệt để đạt đến sự thực cùng tột. Sự thực kết hợp bề ngoài (sự thực chế định) luôn luôn đầy những ảo tưởng, vì ở mức này sở hữu tưởng (sãnnã) hoạt động, mà tưởng lại bị xuyên tạc bởi những phản ứng quá khứ. Cái tưởng quy định này sẽ phân biệt và đối chiếu, làm nảy sinh những ưa thích và định kiến, đưa đến những phản ứng mới. Nhưng nhờ làm tan vỡ cái thực tại bề ngoài này, bạn dần dần đi đến sự kinh nghiệm thực tại cùng tột của cấu trúc tâm-vật-lý (danh-sắc): chỉ là những rung động sanh và diệt trong từng sát ma. Ở giai đoạn này không thể có sự phân biệt, và vì thế những ưa thích và thiên kiến không thể phát sinh, và không có ưa thích và thiên kiến thì cũng không có phản ứng. Kỹ thuật làm cho cái tưởng quy định này dần dần suy yếu đó, và vì thế cũng làm suy yếu hơn các phản ứng, dẫn đến giai đoạn ở đó thọ và tưởng đều diệt, đó là, sự kinh nghiệm Niết bàn. Nhưng do cố tình tác ý đến một hình ảnh hay một cảnh tượng nào đó, bạn vẫn ở mức của sự thực cấu hợp, bề ngoài chứ không thể vượt qua nó được. Vì lý do này, không nên mường tượng cũng như niệm thầm làm gì.

Sau khi đã định tâm nhờ quan sát hơi thở tự nhiên, bạn bắt đầu thực hành minh sát để phát triển trí tuệ - pãnnã, thấu diệt bản chất riêng của bạn, tịnh hoá nội tâm. Từ đầu đến chân, bạn bắt đầu quan sát các cảm thọ tự nhiên trong thân, khởi sự trên bề mặt rồi đi vào sâu hơn, học cách cảm giác những cảm thọ bên ngoài, bên trong, ở mọi phần của thân thể.

Quan sát thực tại đúng như nó là, không chút thành kiến để làm tan đi sự thực bề ngoài và để đạt đến sự thực cùng tột - đây là Vipassanã. Mục đích của việc làm tan vỡ thực tại bề ngoài là để cho người hành thiền khả năng đi ra khỏi cái ảo tưởng về "tôi". ảo tưởng này là căn nguyên của mọi tham ái và sân hận của chúng ta, nó cũng chính là căn nguyên đưa đến khổ đau. Về mặt tri thức bạn có thể chấp nhận rằng đó là một ảo tưởng, nhưng sự chấp nhận này không đủ để chấm dứt khổ. Bất kể niềm tin tôn giáo và triết học của bạn là gì, bao lâu thói quen của chủ nghĩa vị kỷ còn tồn tại, bạn cứ vẫn khổ đau như thường. Để bẻ gãy thói quen này, bạn phải trực tiếp kinh nghiệm bản chất không thực thể của các hiện tượng tâm-vật-lý, luôn luôn biến đổi và nằm ngoài quyền kiểm soát của bạn. Chỉ có kinh nghiệm này mới có thể làm tan đi chủ nghĩa vị kỷ, dẫn lối ra khỏi tham ái và sân hận, ra khỏi khổ đau.

Vì thế kỹ thuật là sự khám phá, bằng kinh nghiệm trực tiếp, về bản chất thực thụ của mọi hiện tượng mà bạn gọi là "tôi", "của tôi". Có hai phương diện của hiện tượng này: đó là thân và tâm, hay danh và sắc. Người hành thiền bắt đầu bằng cách quan sát thực tại của thân. Để kinh nghiệm thực tại này một cách trực tiếp, bạn phải cảm giác về thân, đó là, phải có chánh niệm về các cảm thọ ở khắp toàn thân. Như vậy việc quán thân- kãyãnupassanã- nhất thiết liên quan đến quán thọ- vedanãnupassanã. Tương tự, bạn không thể kinh nghiệm được thực tại của tâm ngoài những gì phát sinh trong tâm. Như vậy, quán tâm- cittãnupassanã - nhất thiết liên quan đến quán pháp(những nội dung tâm lý) - dhammãnupassanã.

Điều này không có nghĩa rằng bạn phải quan sát những tư duy riêng biệt, nếu cố gắng làm thế, bạn sẽ bắt đầu lăn quay trong những tư duy. Bạn chỉ đơn giản giữ chánh niệm về bản chất của tâm ngay sát na ấy, dù tham sân si và dao động có mặt hay không. Và, đức Phật đã khám phá ra rằng, bất cứ cái gì khởi lên trong tâm cũng được kèm theo bởi một cảm thọ vật lý. Vì thế, dù người hành thiền đang khảo sát phương diện tâm lý hay vật lý của hiện tượng "tôi", thì chánh niệm về cảm thọ cũng là cần thiết.

Khám phá này là sự đóng góp vô song của đức Phật. Sự đóng góp có tầm quan trọng chính yếu trong lời dạy của Ngài. Trước thời đức Phật và trong số những người đương thời với Ngài ở Ấn Độ cũng có nhiều người dạy và thực hành sĩla (giới) và samãdhi (định). Pãnnã (tuệ) cũng đã có mặt, ít ra cũng là trí tuệ phục vụ tín ngưỡng hoặc trí tuệ do vận dụng trí óc; nói chung, con người chấp nhận rằng phiền não là cội nguồn của khổ, rằng tham và sân phải được trừ diệt để thanh tịnh tâm và đạt đến giải thoát. Đức Phật chỉ tìm ra con đường thực hiện sự giải thoát đó mà thôi.

Cái từng đang thiếu là sự hiểu biết về tâm quan trọng của cảm thọ. Cũng như ngày nay, người ta thường cho rằng những phản ứng của chúng ta là với các đối tượng giác quan bên ngoài- sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tuy nhiên, việc quan sát sự thực bên trong cho thấy rằng giữa đối tượng và phản ứng là "thọ", một mắt xích bị bỏ quên. Sự tiếp xúc giữa một đối tượng với căn môn tương ứng làm phát sinh một thọ; tưởng (sãnnã) ấn định một giá trị tích cực hay tiêu cực, mà theo đó thọ trở thành lạc hay khổ, và bạn phản ứng với tham hoặc sân. Tiến trình xảy ra nhanh đến độ chỉ sau khi một phản ứng đã được lập đi lập lại nhiều lần và đã gom góp sức mạnh nguy hại đủ để áp đảo tâm, sau đó cái biết ý thức về nó mới phát triển. Để đối phó với những phản ứng, bạn phải làm sao biết được chúng ở ngay chỗ chúng khởi động; chúng bắt đầu cùng với cảm thọ, và vì thế bạn phải có chánh niệm về các cảm thọ. Chính việc khám phá ra sự thực mà trước đây Ngài chưa từng biết này đã cho Sĩ-đạt-đa Cồ Đàm khả năng đạt đến giác ngộ, và đây là lý do tại sao Ngài luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm thọ. Thọ có thể dẫn đến những phản ứng với tham hoặc sân và vì thế cũng dẫn đến đau khổ, nhưng thọ cũng có thể dẫn đến trí tuệ, nhờ đó bạn dừng lại phản ứng và bắt đầu ra khỏi khổ đau.

Trong thiền Vipassanã, bất cứ sự thực hành nào gây trở ngại cho việc niệm thọ đều có hại, dù cho đó là sự tập trung vào một chữ hay một hình ảnh, hoặc chỉ tác ý đến những chuyển động vật lý của thân hoặc chú tâm đến những ý niệm phát sinh trong tâm. Bạn không thể đoạn trừ khổ nếu bạn không đi vào tận nguồn gốc của nó, tức cảm thọ.

Kỹ thuật Minh sát đã được đức Phật giải thích trong "Kinh Niệm Xứ"(Satipatthãna Sutta). Bài kinh này được chi làm hai phần khảo sát các phương diện khác nhau của kỹ thuật; quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp. Tuy nhiên, mỗi phân đoạn của bài kinh lại được kết luận với những chữ giống hệt nhau. Có thể có những điểm khác nhau để từ đó bắt đầu việc thực hành, nhưng cho dù điểm khởi đầu là gì, người hành thiền cũng phải trải qua một vài chặng, một vài kinh nghiệm trên đạo lộ đến mục tiêu cuối cùng. Những kinh nghiệm thiết yếu cho việc hành Vipassanã này đã được mô tả trong những câu lặp đi lặp lại ở phần kết của mỗi phân đoạn.

Chặng đầu tiên là chặng trong đó bạn kinh nghiệm sự sanh (samudaya) và diệt (vaya) riêng rẽ. Ở giai đoạn này người hành thiền nhận biết hay chánh niệm về thực tại hợp nhất, vững chắc dưới dạng các cảm thọ thô trong thân. Bạn nhận biết một cảm thọ, có thể là một cái đau đang khởi lên. Cái đau ấy dường như dừng lại trong một lúc và cuối cùng thì diệt.

Vượt xa hơn chặng này, bạn thể nhập vào giai đoạn sanh - diệt (samudaya-vaya), ở đó bạn kinh nghiệm sự sanh và sự diệt cùng một lúc, không có một khoảng cách nào giữa chúng. Các cảm thọ thô, vững chắc đã tan thành những rung động vi tế, sanh và diệt cực nhanh, và sự vững chắc của cấu trúc tâm -vật lý biến mất. Cảm xúc kiên cố, mãnh liệt và cảm thọ kiên cố, mãnh liệt đều tan biến thành những rung động. Đây là giai đoạn diệt (bhanga) trong đó bạn kinh nghiệm sự thực cùng tột của danh và sắc: luôn luôn sanh và diệt, không chút bền chắc.

Giai đoạn diệt (bhanga) này là một chặng rất quan trọng trên đạo lộ, vì chỉ khi bạn kinh nghiệm được sự tan hoại của cấu trúc tâm-vật lý thì sự bám víu hay chấp thủ vào nó mới buông ra. Từ đó bạn trở nên xả ly khi đối diện với bất cứ tình huống nào; nghĩa là, bạn đi vào giai đoạn xả- hành (Sankhãrã-upekkhã). Những bất tịnh hay Sankhãrã ngủ ngầm chôn vùi trong vô thức giờ đây bắt đầu xuất hiện tại bề mặt của tâm. Đây không phải là sự thoái bộ, mà là tiến bộ, vì nếu chúng không ngoi lên bề mặt, thì những bất tịnh ấy không thể bị trừ diệt. Chúng sanh lên, bạn quan sát một cách buông xả và chúng nối nhau diệt. Bạn dùng những cảm thọ thô, khó chịu như những lợi khí để trừ diệt kho hành sân cũ. Như vậy nhờ duy trì chánh niệm và xả đối với từng kinh nghiệm, bạn tịnh hoá tâm khỏi mọi phức cảm ngủ ngầm, và càng lúc càng đến gần mục tiêu Niết bàn, đến gần sự giải thoát hơn.

Dù điểm khởi đầu là gì, bạn cũng phải trải qua tất cả những chặng này để đạt đến Niết bàn. Bạn có thể đạt đến mục tiêu sớm muộn như thế nào tuỳ thuộc vào việc bạn làm được bao nhiêu công việc, và cái kho chứa các hành (Sankhãrã) quá khứ mà bạn phải trừ diệt rộng cỡ bao nhiêu.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, trong mọi tình huống, xả vẫn là yếu tố thiết yếu, dựa trên sự chánh niệm về các cảm thọ. Sankhãrã phát sinh từ điểm cảm thọ vật lý. Nhờ trú xả đối với cảm thọ, bạn ngăn các hành mới không cho phát sinh, và bạn cũng trừ diệt được các hành cũ. Như vậy, nhờ quan sát các cảm thọ một cách buông xả, bạn dần dần tiến về mục tiêu cuối cùng của sự giải thoát khổ.

Hãy làm việc một cách nghiêm túc. Chớ nên nhạo báng thiền, hoặc thử hết kỹ thuật này đến kỹ thuật khác một cách hời hợt mà không theo đuổi một kỹ thuật nào đến nơi đến chốn. Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ vượt qua khỏi những bước sơ khởi của bất kỳ kỹ thuật nào, và vì vậy bạn sẽ chẳng bao giờ đạt đến mục tiêu. Tất nhiên bạn có thể thử những kỹ thuật khác để tìm cho mình một kỹ thuật thích hợp. Bạn cũng có thể thử kỹ thuật này đôi ba lần, nếu cần. Nhưng đừng nên phí cả cuộc đời chỉ để đi thử như vậy. Một khi bạn đã tìm ra một kỹ thuật thích hợp, hãy thực hành nó một cách nghiêm túc để bạn có thể tiến hoá đến mục tiêu cuối cùng.

Cầu mong những con người đau khổ ở khắp mọi nơi tìm được lối thoát ra khỏi khổ đau của họ.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui!

Ghi chú- Đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng:

Atta - dĩpa viharatha,

Atta - saranã

Anãnna - saranã

Dhamma - dĩpã viharatha,

Dhamma saranã,

Anãnnã - saranã

Mahã Parinibbãba Sutta

Dĩgha Nikãya, 16

Hãy tự mình làm hòn đảo,

Làm nơi nương tựa cho chính mình

Không có sự nương tựa nào khác

Hãy lấy Pháp (dhamma) làm hòn đảo

Lấy Pháp làm nơi nương tựa

Không có sự nương tựa nào khác.

Caratha bhikkave cãrikam

Bahujana-hitãya, bahujana-sukhãya,

Lokãnukampãya,

Atthãya hitãya sukhãya

devamanussãnam

Mã ekena dve ãgamittha.

Desetha bhikhave Dhammam

ãdikalyãnam, pariyosãnakal-

yãnam sãttham sabyanjanam.

Kevala kaparipunnam parisuddham

Brahmacariyam. Pakãsetha.

Santi sattã apparajakkhajãtikã.

Assavanattã Dhammassa parihãyanti.

Bhavissanti Dhammassa ãnnãtãro.

Dutiya Mãrapãsa Sutta.

SN VI(1).5

Này các tỳ kheo, hãy du hành

Vì lợi ích và hạnh phúc của số đông

Vì lòng bi mẫn cho đời

Vì sự tốt đẹp, vì lợi ích, và

Vì hạnh phúc của chư thiên và loài người

Không nên hai người đi một hướng.

Này các tỳ khưu, hãy thuyết pháp

Lợi ích ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối -

cả ý nghĩa và lời văn của Pháp

Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ

(không cần phải thêm gì nữa) và thanh tịnh

(không cần phải bớt gì nữa)

Có những chúng sinh với ít bụi trong mắt

Sẽ lạc đường nếu không được nghe pháp

Những người như vậy sẽ thâm hiểu pháp.

Ye dhammã hetuppabhavã

tesam hetum tathãgato ãha.

tesam ca yo nirodho;

evam vãdĩ mahãsamano.

Vinaya, Mahãvagga, I.23 (40)

Các pháp phát sinh do nhân,

Nhân ấy Như Lai đã dạy,

và cũng dạy nhân diệt của chúng.

Đây là "lời dạy" của bậc Đại Sa Môn.

Pãnnãtti thapetvã visesena passati'ti vipassanã.

Ledi Sayadaw, Paramattha Dĩpanĩ.

Vipassanã (Minh sát) nghĩa là quán thực tại theo cách đặc biệt, nhờ vượt qua sự thực bề ngoài (chế định).

Ditthe ditthamattam bhavissati,

Sute sutamattam bhavissati,

Mute mutamattam bhavissati

vĩnãtamattam bhavissati.

Udãna, I.X.

Trong cái thấy chỉ có cái thấy

Trong cái nghe chỉ có cái nghe

Trong cái ngửi, nếm, đụng

Chỉ có cái ngửi, nếm, đụng

Trong cái biết chỉ có cái biết.

Sabba kãya patisamvedi

Assasissãmĩ' ti sikkhati;

Sabba kãya patisamvedi

Passasissãmĩ' ti sikkhati.

Mahã - Satipatthãna Sutta DN 22

"Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào",

Như vậy vị ấy tập.

"Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở r"

Như vậy vị ấy tập.

So kãya - pariyantikam.

vedanam vedayamãno,

kãya-pariyantikam vedanam

vedãya mi'ti pajãnãti.

Jĩvita-pariyatikam, vedanam

Vedãyami'ti pajãnati

Pathama Gelanãnã Sutta

SN. XXXVI (II) 1.7

Khi cảm giác một cảm thọ rằng sức chịu đựng của thân ta đã đạt đến giới hạn của nó, vị ấy tuệ tri cảm giác như vậy.

Khi cảm giác một cảm thọ rằng mạng sống đã đạt đến giới hạn của nó, vị ấy tuệ tri cảm giác như vậy.

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI MỘT

Làm thế nào để tiếp tục thực hành sau khi kết thúc khoá thiền

Thực hành hết ngày này sang ngày khác, cuối cùng chúng ta cũng đến ngày kết thúc của khoá thiền. Khi bắt đầu công việc thực hành, bạn được yêu cầu là hãy quy thuận hoàn toàn cho kỹ thuật và kỷ luật của khoá thiền. Không có sự quy thuận này, có thể bạn đã không thử nghiệm kỹ thuật một cách công bằng. Giờ đây mười ngày đã qua, bạn được tự do. Khi trở về nhà, bạn sẽ lặng lẽ ôn lại những gì bạn đã làm ở đây. Nếu bạn thấy rằng những gì đã học được ở đây là thực tiễn, hợp lý, và lợi ích cho bản thân và cho mọi người, bạn hãy chấp nhận nó - không vì ai đó buộc bạn phải làm như vậy, mà với sự tự do ý chí và tự nguyện, không chỉ trong mười ngày mà cho suốt cuộc đời bạn.

Sự chấp nhận không phải chỉ ở mức tri thức hoặc cảm xúc. Bạn phải chấp nhận Pháp ở mức thực tế do áp dụng nó, làm cho Pháp là một phần của đời bạn vì chỉ có hành Pháp thực sự mới đem lại những lợi ích rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn tham dự khoá thiền này để học cách làm thế nào để thực hành Pháp - làm thế nào để sống một cuộc đời có giới hạnh, làm chủ được tâm của mình, và thanh tịnh tâm. Mỗi buổi chiều, các cuộc Pháp đàm được tổ chức chỉ để làm sáng tỏ việc thực hành này. Bạn nhất thiết phải hiểu những gì mình đang làm và tại sao, nhờ vậy bạn sẽ không bị lầm lẫn hoặc hành sai cách. Tuy nhiên, trong việc giải thích pháp hành, một vài phương diện thuộc về lý thuyết tất yếu phải được đề cập, và vì lẽ những người tham dự khoá thiền gồm nhiều bối cảnh khác nhau, nên việc một số người cảm thấy phần lý thuyết là không thể chấp nhận được là điều hoàn toàn hợp lý. Nếu sự tình là vậy cũng không sao cả, cứ để nó qua một bên. Việc hành Pháp (dhamma) vẫn là quan trọng hơn cả. Chẳng ai có thể phản đối việc sống một cuộc đời không làm hại người khác, chống việc tu tập kiểm soát tâm, chống việc giải phóng tâm khỏi những phiền não và phát ra lòng từ ái, thiện chí cả. Việc thực hành có thể được chấp nhận một cách phổ quát, và đây chính là phương diện có ý nghĩa nhất của Pháp, vì bất kỳ lợi ích nào bạn gặt hái được sẽ không phải từ những lý thuyết, mà từ việc thực hành, và việc áp dụng Pháp trong cuộc sống của bạn.

Trong mười ngày qua, có thể bạn chỉ gặt hái được chút khái quát về kỹ thuật; bạn không thể kỳ vọng trở nên hoàn hảo trong kỹ thuật nhanh cấp kỳ được. Nhưng cũng không nên xem thường cái kinh nghiệm ngắn ngủi này: bạn đã bước bước đầu tiên, một bước rất quan trọng, dẫu rằng cuộc hành trình còn dài. Thực vậy, đó là công việc của cả đời người.

Một hạt giống Pháp đã được gieo trồng, và bắt đầu nhú lên thành một cây con. Người làm vườn khéo kéo sẽ chăm sóc đặc biệt cây con ấy, và do biết bảo dưỡng nó, cây con lần lồi tăng trưởng thành một cây khổng lồ với thân to và một bộ rễ bám chắc trong đất. Lúc ấy, thay vì cần được chăm sóc, nó tiếp tục tự bảo dưỡng suốt quãng đời còn lại của nó.

Cây con của Pháp này cũng vậy, bây giờ còn đòi hỏi phải có sự bảo dưỡng. Bảo vệ nó khỏi bị người khác chỉ trích bằng cách phân biệt giữa lý thuyết, điều mà một số người chống đối, và thực hành, việc mà mọi người đều có thể chấp nhận. Đừng để cho những lời chỉ trích như vậy chận đứng việc thực hành của bạn. Hãy hành thiền một tiếng mỗi sáng và một tiếng mỗi chiều. Việc thực hành đều đặn hàng ngày này là điều cần thiết. Mới đầu, có vẻ như một gánh nặng khi dành ra hai giờ hành thiền mỗi ngày, nhưng rồi bạn sẽ sớm nhận ra rằng rất nhiều thời gian lẽ ra trước đây đã bị hoang phí, nhờ hành thiền sẽ được tiết kiệm lại. Thứ nhất, bạn sẽ cần rất ít thời gian cho việc ngủ nghỉ. Thứ hai, bạn có thể hoàn tất công việc của mình nhanh hơn, vì khả năng làm việc của bạn sẽ tăng trưởng. Khi một vấn đề phát sinh bạn sẽ giữ được quân bình, và tức khắc có thể tìm giải pháp đúng đắn. Khi bạn trở nên ổn định trong kỹ thuật, bạn sẽ thấy rằng sau khi hành thiền vào buổi sáng, bạn có đầy đủ năng lực cho suốt cả ngày, không chút xao động.

Khi bạn đi ngủ vào ban đêm, dành năm phút để chánh niệm về các cảm thọ ở bất kỳ nơi nào trên thân trước khi rơi vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, ngay khi bạn thức dậy, lại quan sát các cảm thọ bên trong khoảng năm phút nữa. ít phút thiền trước khi ngủ và sau khi thức sẽ rất hữu hiệu.

Nếu bạn sống trong một vùng có những hành giả Vipassanã khác, mỗi tuần một lần hãy hành thiền chung với nhau trong một tiếng. Và mỗi năm một lần nên tổ chức một khoá tịnh cư mười ngày. Việc thực hành hàng ngày sẽ cho bạn khả năng duy trì những gì bạn đã thành tựu ở đây, nhưng một khoá tịnh cư là điều cần yếu để đi vào sâu hơn; vì vẫn còn một đoạn đường dài phải đi vậy. Nếu bạn có thể đến dự một khoá thiền có tổ chức hẳn hoi như thế này thì rất tốt. Bằng không, bạn vẫn có thể có một khoá tịnh cư một mình. Thực hiện một khoá độc cư trong mười ngày, bất cứ chỗ nào bạn có thể sống tránh xa những người khác, và chỗ mà người nào đó có thể chuẩn bị bữa ăn cho bạn. Bạn đã biết kỹ thuật, thời khoá tu tập và kỷ luật, bạn phải áp đặt tất cả những điều đó lên bản thân bạn lúc này. Nếu bạn muốn thông báo cho thầy của bạn biết trước việc bạn đang khởi sự một khoá độc cư, tôi sẽ nhớ đến bạn và gởi tâm từ (mettã) của tôi, những rung động của thiện chí đến bạn; điều này sẽ giúp thiết lập một bầu không khí lành mạnh để bạn có thể thực hành tốt hơn ở đó. Tuy nhiên, nếu bạn không có điều kiện thông báo, bạn cũng không nên cảm thấy yếu đuối. Pháp tự nó sẽ bảo vệ bạn. Dần dần bạn cũng phải đến giai đoạn tự nương tựa mình. Vị thầy chỉ là người hướng dẫn; bạn phải là thầy của chính mình. Lúc nào cũng lệ thuộc người khác thì không giải thoát được.

Thiền hai giờ hàng ngày và độc cư mười ngày hàng năm chỉ là điều cần thiết tối thiểu để duy trì pháp hành. Nếu bạn có thời giờ rảnh nhiều hơn, bạn nên dùng cho việc hành thiền. Bạn có thể thực hiện những khoá tịnh cư ngắn khoảng một tuần, hoặc vài ngày, thậm chí một ngày cũng được. Trong những khoá ngắn ngày như vậy, dành một phần ba thời gian đầu của bạn vào việc hành niệm hơi thở, và phần còn lại cho Vipassanã.

Trong thời toạ thiền hàng ngày của bạn, hãy dùng hầu hết thời gian cho việc hành Vipassanã. Chỉ khi tâm bạn dao động hoặc chậm lụt (trì tuệ), hoặc vì bất cứ lý do gì khiến nó khó quan sát các cảm thọ và duy trì xả, lúc ấy hãy hành niệm hơi thở cho đến mức cần thiết.

Khi bạn hành Vipassanã, hãy cẩn thận không hành như một trò chơi với các cảm thọ, trở nên khoan khoái với những cảm thọ dễ chịu và chán nản với những cảm thọ khó chịu. Quan sát từng cảm thọ một cách khách quan. Cứ tiếp tục di chuyển sự chú tâm của bạn khắp toàn thân một cách hệ thống, không để cho nó dừng lại trên một phần nào quá lâu. Tối đa hai phút là đủ ở bất cứ phần nào, hoặc trong những trường hợp rất hiếm, có thể tới năm phút, nhưng không bao giờ hơn thế. Giữ cho sự chú tâm tiếp tục di chuyển để duy trì chánh niệm về cảm thọ trong mọi phần của thân. Nếu việc thực hành bắt đầu trở nên máy móc, hãy thay đổi cách bạn di chuyển sự chú tâm của mình. Trong mọi tình huống, luôn luôn giữ niệm và xả, và bạn sẽ kinh nghiệm những lợi ích kỳ diệu của Vipassanã.

Không chỉ khi ngồi nhắm mắt, mà cả trong đời sống sinh hoạt cũng thế, bạn phải áp dụng kỹ thuật này. Khi bạn đang làm việc, tất cả sự chú tâm sẽ đặt vào công việc của bạn; xem đó như việc hành thiền của bạn vào lúc ấy. Nhưng nếu có thời gian rảnh, ngay cả năm hoặc mười phút, hãy dùng nó vào việc chánh niệm các cảm thọ, khi bạn khởi sự công việc trở lại, bạn sẽ thấy tươi tỉnh hẳn. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi bạn thiền nơi công cộng, có sự hiện diện của những người không phải hành giả. Bạn phải giữ cho mắt mở ra, đừng bao giờ làm một màn trình diễn về hành pháp ở đó.

Nếu bạn hành Vipassanã một cách đúng đắn, chắc chắn một sự thay đổi tốt đẹp sẽ đến trong cuộc đời bạn. Bạn cần phải kiểm tra lại sự tiến bộ của mình trên đạo lộ bằng cách kiểm tra cách cư xử của bạn trong những tình huống hàng ngày, kiểm tra hạnh kiểm và cách giao tiếp với những người khác. Thay vì làm hại họ, bạn đã làm được gì để giúp họ chưa? khi những tình huống không mong đợi xảy ra, bạn có giữ được quân bình không? Nếu một tiêu cực khởi lên trong tâm, bạn biết được nó nhanh như thế nào? Bạn biết các cảm thọ cùng khởi với tiêu cực ấy nhanh không? Bạn bắt đầu quan sát các cảm thọ ấy nhanh ra sao? Bạn lấy lại được sự quân bình tâm, và bắt đầu phát ra tâm từ và tâm bi nhanh mức nào? Theo cách này bạn tự kiểm tra lại mình và duy trì sự tiến bộ trên đạo lộ.

Bất cứ điều gì bạn đạt được ở đây, không chỉ giữ gìn nó mà bạn phải làm cho nó tăng trưởng. Luôn luôn áp dụng Pháp trong cuộc sống của bạn. Hưởng thụ mọi lợi ích của kỹ thuật này, và sống một cuộc sống hạnh phúc, bình yên và hài hoà, tốt đẹp cho bản thân và cho tất cả mọi người.

Một lời cảnh báo: bạn cứ tự nhiên nói cho người khác biết những gì bạn đã học được ở đây. Trong giao pháp không hề có chuyện bí mật. Nhưng ở giai đoạn này, không nên cố gắng dạy kỹ thuật bạn biết vội. Trước khi làm điều đó, bạn phải thật thành thạo trong pháp hành, và nhất là phải được huấn luyện cách dạy. Bằng không sẽ có cái nguy là làm hại người khác, thay vì giúp họ. Nếu có người nào bạn đã nói về thiền Vipassanã mà muốn thực hành theo, hãy khuyến khích người đó tham dự một khoá thiền có tổ chức hẳn hoi như thế này, để được một người hướng dẫn có khả năng dẫn dắt. Còn bây giờ, hãy tiếp tục thực hành để an trú mình trong Pháp. Hãy tiếp tục lớn mạnh trong Pháp và bạn sẽ thấy rằng bạn tự động hấp dẫn người khác đến với đạo bằng tấm gương sống của bạn.

Cầu mong Pháp (Dhamma) được truyền bá khắp thế gian, vì sự tốt đẹp và lợi ích của số đông.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui, được bình yên, được giải thoát!

Tóm Tắt Những Bài Tập Thiết Thực Trong Mười Ngày

Ngày thứ nhất và thứ nhì

Hai ngày này hoàn toàn dành cho việc niệm hơi thở. Thiền sinh ngồi trong một tư thế thoải mái, tốt nhà là kiết già nhưng không nhất thiết, điều quan trọng là làm sao có thể duy trì được tư thế (oai nghi ngồi) trong một thời gian khá lâu. Trong ba ngày đầu có thể thay đổi oai nghi nếu cảm thấy quá khó chịu, nhưng không nhiều hơn mức tuyệt đối cần thiết. Giữ cho mắt nhắm suốt cả buổi tập. Thở qua mũi và miệng ngậm chặt, thiền sinh tập trung trên cảm giác về hơi gió khi nó đi vào và đi ra. giai đoạn này vùng quan sát bao gồm toàn bộ phần bên trong của mũi, hai lỗ mũi và môi trên dưới hai lỗ mũi. Điều cốt yếu là phải duy trì nghiêm ngặt trong vùng này, không quan tâm đến những điểm khác có liên quan đến việc thở, như cuống họng, ngực, hay cơ hoành (lớp cơ nằm giữa vùng ngực và vùng bụng giúp cho việc điều chỉnh thở).

Thiền sinh ngồi yên lặng như vậy, tỉnh giác nhưng không căng thẳng dõi theo từng hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu đến cuối không gián đoạn. Bạn quan sát các cảm thọ, bất kể đó là gì, có thể là những cảm giác xúc chạm của luồng không khí, nhiệt độ, cường độ và khoảng thời gian của mỗi hơi thở vv... bạn cố gắng nhận biết một cách rõ ràng và đầy đủ đến mức có thể tính chất chính xác của mỗi cảm thọ, nhưng không bao giờ cố gắng kích hoạt hoặc tưởng tượng ra bất kỳ những cảm thọ đặc biệt nào. Nếu không có cảm thọ rõ rệt nào được nhận thức, như lúc ban đầu có thể xảy ra, bạn không nên lo lắng mà chỉ đơn giản ghi nhận sự "trống không" ấy và kiên trì một cách lặng lẽ. Sự vắng mặt của một cảm thọ cũng là một kinh nghiệm và bạn phải nhận biết nó là như vậy. Khi có cảm thọ, bạn quan sát một cách chính xác chỗ nào: bên trong lỗ mũi hay ở lỗ mũi; bên phải hay bên trái, hoặc cả hai bên; chỉ ở một chỗ hay ở một vài chỗ, hay khắp nơi. Bạn nhận biết bất cứ những rung động nào: hơi gió mạnh hơn hay yếu hơn, nhẹ nhàng hơn, hay thô hơn, ngắn hay dài. Nhưng luôn luôn để cho hơi thở đến một cách tự nhiên, không ép nó hay can thiệp vào đó bằng bất cứ cách nào.

Bất kỳ sự tán loạn nào phát sinh do các kích thích giác quan (ngoài những gì được tạo ra bởi hành động thở trong vùng đặc biệt ấy) hoặc từ những nguồn tâm lý hoặc cảm xúc cần phải cắt đứt liền bằng cách tâm niệm nó (tức nhận biết nó trong tâm) để chứng tỏ có sự nhận biết rõ ràng về sự khởi lên của nó, và lập tức quay về với hơi thở.

Ngày thứ ba

Tiếp tục hành niệm hơi thở, nhưng thu hẹp vùng nhận biết lại chỉ còn ở đầu mũi (đó là quanh mép lỗ mũi) và ở phần môi trên ngay dưới lỗ mũi. Mục đích của việc thu hẹp này là để tăng cường và tinh lọc định nhờ tập trung mạnh hơn trên một vùng đã được hạn chế tối đa.

Ngày thứ tư

Bắt đầu với niệm hơi thở như ngày thứ ba, nhưng sau một lúc bạn sẽ chuyển sang hành trọn vẹn thiền Minh sát (Vipassanã) với việc quán thân kể như bài tập chính. Với mục đích này, bước đầu tiên là hướng sự nhận biết duy nhất vào phần môi trên dưới lỗ mũi (không kể bản thân lỗ mũi). Với tâm đã được định sâu hơn trên một điểm như vậy, bạn ngừng tập trung sự chú ý của mình trên các cảm thọ do tiến trình thở tạo ra và tập trung vào việc quan sát bất cứ những cảm thọ bên trong nào (những cảm thọ không do xúc chạm, nhiệt độ, sự chuyển động vv... của luồng hơi giớ tạo ra) phát sinh ở cùng chỗ mà bạn đã tập trung trên đó, tức ngay giữa môi trên. Đây là khoảnh khắc chuyển tiếp từ việc quán một mình hơi thở sang quán thân như đã mô tả và quán các cảm thọ phát sinh ở đó. Nếu thoạt tiên không có thọ nào hiện khởi rõ ràng, hãy nhận biết rõ trong tâm sự "trống không" và cứ tiếp tục duy trì sự nhận biết ở đấy. Nếu sức tập trung đầy đủ chắc chắn sẽ không thiếu các cảm thọ bên trong để quán. Từ những gì các nhà khoa học nói, chúng ta biết khá rõ ràng cơ thể của chúng ta nằm trong trạng thái sôi động liên tục gồm vô số các tiến trình sinh hoá, hoá học và điện học (chẳng hạn sự tuần hoàn máu, sự chuyển hoá các tế bào mô của thân, những xung lực chạy dọc theo hệ thần kinh vv....) và chúng ta cũng còn biết có nhiều sự kiện khác xảy ra ở các mức độ phân tử, nguyên tử, và hạ nguyên tử. Tất cả những điều này chúng ta biết trên phương diện tri thức, cái biết ấy bình thường vẫn còn nằm dưới ngưỡng của sự nhận biết thuộc tri giác trong cuộc sống hàng ngày, khi tâm đuổi theo sự ý thức của nó, chủ yếu là những quan tâm hướng ngoại. Những gì chúng ta hiện giờ đang cố gắng để làm là nhận biết một cách rõ ràng và ý thức những hiện tượng bình thường tiềm ẩn này qua sự kinh nghiệm trực tiếp.

Tất nhiên, lúc ban đầu đó là những hiện tượng thô hơn hoặc mãnh liệt hơn và cũng dễ dàng nhận thức hơn, như là các cảm giác tê tê hoặc nhịp đập đều đều, những thay đổi của nhiệt độ vv... trong vùng môi trên nhỏ bé ấy. Bất luận nó là gì, bạn chỉ nên quan sát với sự rõ ràng và chính xác lớn nhất có thể được, không phản ứng và cũng không để cho tâm hoặc bắt đầu suy đoán xem cái gì đang được quan sát, hoặc lạc lối trong những dòng suy nghĩ mông lung.

Một khi sự chú tâm đã được tập trung và giữ chắc trên sự nhận thức về các sự kiện nội tại và các tiến trình bên trong đang xảy ra ở môi trên, bạn sẵn sàng để chuyển sang việc quán toàn thân theo phương pháp. Công việc này buổi đầu luôn được làm trong thời ngồi thiền nhóm dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của một vị thầy. Trung tâm điểm của sự chú tâm đã được tập trung (định) ở môi trên sẽ được hướng lên đỉnh đầu. Thiền sinh lúc đó tập trung trên điểm mới (đỉnh đầu) trong một lúc cho đến khi sự nhận thức về các cảm thọ bên trong đã được xác minh (như ở môi trên trước đây). Rồi thiền sinh bắt đầu quét qua thân từ đỉnh đầu cho đến các ngón chân, di chuyển theo thứ tự từ phần này đến phần kế, không để sót phần nào, chú tâm chính xác vào bất cứ các cảm thọ nào có mặt lúc đó. Bạn không nên cố gắng tưởng tượng hay kích hoạt những cảm thọ mà chỉ quan sát những gì ở đó. Nếu không có cảm thọ nào được nhận thức, bạn sẽ nhận biết rõ "sự trống không" và di chuyển tiếp tục một cách chánh niệm và không vội vàng. Khi trình tự quét được làm đi làm lại nhiều lần, bạn sẽ thấy rằng cái biết được cải thiện và những chỗ trống không trước đây cũng trở nên sôi nổi.

Lần đầu tiên (và một vài lần kế tiếp, cho đến khi thiền sinh hoàn toàn quen với kỹ thuật) trình tự quét diễn ra theo những chỉ dẫn chi tiết từng bước một bởi một vị thầy. Nhằm tăng cường tác động và tính hiệu quả của nó như một bài tập phối hợp giữa sự chú tâm xít xao và sự không phản ứng, buổi quán thân đầu tiên này sẽ kéo dài suốt hai tiếng không gián đoạn, và được thực hiện với sự quyết tâm (adhitthãna). Điều này có nghĩa rằng, bất kỳ oai nghi nào bạn đã sử dụng, bạn phải quyết tâm duy trì oai nghi ấy hoàn toàn không xê dịch trong suốt hai giờ đồng hồ, bất kể sự khó chịu có thể phát triển mãnh liệt đến thế nào. Điều này cho bạn một cơ hội để quán một cách chánh niệm và xả các cảm thọ đang sanh khởi nơi thân, mà trong trường hợp của người mới bắt đầu thường thường sẽ trở nên mãnh liệt sau một lúc ngồi bất động hoàn toàn; thí dụ những sự đau đớn, nhức nhối, tê cứng vv... Khi sự khó chịu phát sanh đến mức này, thiền sinh sẽ được chỉ dẫn để nhận biết rõ cái đau vv... với sự xả ly khi thêm một cảm thọ nữa và quan trọng hơn cả, không nhúc nhích để làm cho nó dịu lại, bằng cách này bạn đi đến chỗ thấu hiểu, qua kinh nghiệm trực tiếp, rằng ngay cả những đau đớn, nhức nhối mà dường như hoàn toàn gay gắt lúc ban đầu cũng chẳng thường tại hay không thay đổi, và bạn cũng để ý thấy rằng, giống như mọi cảm thọ của thân khác đã được quan sát, chúng đều có khuynh hướng tăng - giảm, thay đổi và biến mất.

Buổi thiền Minh sát suốt hai tiếng không gián đoạn lần đầu tiên này là hoàn toàn căng thẳng. Các thiền sinh mới không phải lúc nào cũng giữ vững được cho đến hết thời gian trong lần đầu. Tuy nhiên, khi một người đã thành công, tác động tâm lý sẽ rất đáng lưu ý - bạn cảm thấy mình đã phá vỡ được hàng rào tâm lý. Nhờ quan sát và chấp nhận bất cứ những gì khởi lên, không chấp chặt vào những cảm thọ thoái mái hay những ý nghĩ dễ chịu và cũng không kháng lại hay cố gắng tránh né cái đau hay những tư duy tán loạn, bạn có được cái nhìn thoáng đầu tiên của mình về kinh nghiệm chấp nhận vốn là yếu tính của thiền minh sát.

Từ lúc này trở đi bạn cố gắng thực hiện mọi thời thiền toạ với "quyết tâm", đó là không nhúc nhích, nhưng mỗi thời ngồi theo quy luật chung, không kéo dài hơn một giờ liên tục (mặc dù các thiền sinh thành thạo hơn, dĩ nhiên, có thể duy trì sự quyết tâm trong thời gian lâu hơn với sự lợi ích).

Phần còn lại trong ngày được dành cho việc thực hành thêm bài tập quét thân, luôn luôn quan sát theo cùng trình tự, từ đầu cho đến những ngón chân, xen kẽ những buổi thiền nhóm với việc hành cá nhân.

Ngày thứ năm đến thứ tám

Từ ngày thứ năm trở đi bạn tiếp tục việc cải thiện và tinh lọc nhận thức của mình về các hiện tượng khi chúng khởi lên bằng cách kiên trì trong việc quán thân [luôn luôn hành cùng với sự quan sát các trạng thái tâm và các nội dung tâm trí (quán pháp hay những đối tượng của tâm) bất cứ khi nào chúng xuất hiện, như đã chỉ rõ trong ngày thứ nhất, để duy trì tính liên tục không gián đoạn của sự chú tâm].Phương pháp căn bản cốt ở việc quét thân như đã mô tả, nhưng những thay đổi trong tình tự và sự tập trung được giới thiệu theo những giai đoạn nối tiếp nhau: quét trên bề mặt và quét ở chiều sâu (xen kẽ hay phối hợp), quét ngược (nghĩa là đầu đến các ngón chân và từ các ngón chân lên đầu, thay vì như lúc đầu, luôn luôn theo cùng một hướng từ đầu đến chân) nhận biết cùng một lúc (nghĩa là quét thân theo nhóm các bộ phận, tỉ dụ hai cánh tay cùng với nhau, ngực và lưng, cả hai chân). Thỉnh thoảng điều chỉnh tốc độ việc luyện tập - đôi khi quét chậm, đôi khi quét nhanh - và trình tự trong đó các bộ phận của thân được chọn cũng có thể thay đổi theo ý muốn (miễn rằng luôn luôn không để sót phần nào). Sự việc có thể được đánh giá dễ dàng như thế này, ý nghĩa của việc giới thiệu nữ thay đổi là nhằm làm cho bài tập được bao quát và đầy đủ đến mức có thể, và để giúp thiền sinh duy trì được sự tỉnh giác cực độ bằng cách chống lại bất cứ sự tẻ nhạt của tâm nếu có, do sự đơn điệu thái quá (của việc lập đi lập lại cùng một trình tự quét).

Như vậy thiền sinh cứ tiếp tục cố gắng (nhưng luôn luôn không căng thẳng, vì cố gắng mà căng thẳng quá sẽ tự chuốc lấy thất bại) để tinh lọc và làm phong phú hơn nhận thức của mình về các cảm thọ của thân trong khi vẫn duy trì cái biết ngay tức thời về bất kỳ sự phóng tâm nào. Luôn luôn thực hành để hướng về cái biết đầy đủ nhất, ở mức tinh tế nhất có thể được, về mọi tiến trình thân và tâm.

Ngoài ra, thiền sinh còn được khuyên nên thực hiện mọi nỗ lực để duy trì một thái độ tinh thần chú tâm chánh niệm và thận trọng trong bất kỳ hoạt động nào mà họ buộc phải làm trong ngày, ngoài những giờ hành thiền chính thức. Điều đó có nghĩa là trong khi ăn, khi thức dậy vào buổi sáng hay đi ngủ vào buổi tối, khi đi tới đi lui, khi giặt giũ, mặc áo quần vv... họ đều phải thực hành chánh niệm và tỉnh giác về mọi hoạt động như những bài tập phụ. Những bài tập phụ này chẳng những tự thân chúng đã hữu ích mà còn làm cho thiền sinh khi trở lại với bài tập chính trong những buổi thiền chính thức dễ dàng lấy lại một mức chú tâm đã tập trung hơn.

Tính Hiệu Quả Của Phương Pháp

Tới đây có lẽ sẽ hữu ích để nhắc lại một lần nữa cách tuệ giác được phát triển dần dần như thế nào, và cũng để sơ lược một vài nét chính về loại cơ chế tâm lý liên quan, đòi hỏi phải dùng một số thuật ngữ phương Tây đương thời, trong chừng mực có thể, cho mục đích này. Tất nhiên, điều này không phải để thanh minh cho "sự thanh tịnh tâm" của giáo pháp đức Phật bằng cách giảm nó xuống không còn hơn gì một loại tâm-lý liệu pháp (psychotherapy), mà đúng hơn để làm cho việc nắm bắt trên khái niệm của chúng ta về những gì có liên quan được dễ dàng nhờ diễn đạt lại nó trong những từ ngữ quen thuộc hơn.

Điểm thiết yếu cần ghi nhớ là sự thành tựu tuệ giác tuỳ thuộc vào việc phát triển của cả chánh niệm lẫn xả, hoặc sự không phản ứng, và cả hai đặc tính đều quan trọng như nhau. Chúng ta hãy tóm tắt một cách ngắn gọn lại những điểm chính:

Chánh niệm:

Áp dụng vào sự quan sát không ngừng mọi cảm thọ của thân (từ cảm thọ mãnh liệt nhất đến cảm thọ khó thấy nhất), đưa đến việc kinh nghiệm thực sự (khác biệt với sự hiểu biết dựa trên trí óc thuần tuý) về thân như một mô thức của các hiện tượng thay đổi liên tục (thường được nhận thức như những xung động hay những rung động ở mức vi tế) nói theo thuật ngữ của khoa vật lý hiện đại, đó là một mạng lưới của những sự kiện năng lượng cao (a web of high-energy events) mỗi sự kiện chỉ tồn tại trong những giai đoạn cực ngắn và tương tác ở những vận tốc và tần số cao không thể tưởng nổi. Đây là trí tu hay quán trí1(theo thuật ngữ Phật giáo) về tính chất vô thường (anicca) và vô ngã (annatã) của mọi hiện tượng và kéo theo tính chất bất toại nguyện hay khổ (dukkha) chủ yếu của chúng. Đây là tiến trình tuệ giác của Vipassanã (Minh sát) mà căn bản cốt để dẫn đến kinh nghiệm này qua sự nhận biết hoàn toàn ý thức về các dữ kiện giác quan và những tiến trình tâm vốn bình thường tiềm ẩn (trong vô thức).

Xả:

Nghĩa là nhìn vào bất cứ những gì xuất hiện trong tiến trình thẩm sát có chánh niệm và chấp nhận nó một cách hoàn toàn, không phản ứng thuận hay nghịch; không dính mắc vào những cảm thọ dễ chịu hoặc chùn lại trước những cảm thọ khó chịu, mà chỉ quan sát mỗi trong các cảm thọ, như trong kinh điển truyền thống nói: "quán thọ trong các thọ". Cần phải hiểu rõ rằng bạn phải thực sự tập cho mình không phản ứng. Tuy nhiên, đè nén các phản ứng đã khởi cũng vô ích, vì ngay hành động đè nén ấy đã hàm ý một tham muốn, một ý hành ("Tôi không muốn phản ứng"). Khi còn có phản ứng đối với sự quan sát, điều đó có nghĩa rằng bạn vẫn đồng nhất mình với sự kinh nghiệm. Chiến lược đúng đắn trong trường hợp như vậy là không đè nén cái xung lực đang hiện khởi mà lập tức biến chính phản ứng ấy thành đối tượng của sự quan sát có chánh niệm và buông xả, như vậy bạn không đồng nhất với nó.

Điều này cũng dễ hiểu, do không phản ứng bạn tránh được việc tạo ra sự sanh sôi nảy nở thông thường của các cảm giác thuận ứng và nghịch ứng, những phán đoán, đánh giá, và các hành (nghiệp) - vốn thường xảy ra cùng với mỗi kinh nghiệm, và rồi đến lượt nó lại trở thành cội nguồn của những phản ứng, cảm xúc, tư duy, căng thẳng, và mặc cảm thêm nữa. Đây là sự khởi đầu của việc thanh tịnh tâm. Bất cứ cứ khi nào bạn duy trì được xả trước các cảm thọ, để chúng sinh lên và diệt đi, là bạn đang bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn ấy. Ở những khoảnh khắc chánh niệm và xả này, tâm bạn hoàn toàn trong sạch. Theo thuật ngữ truyền thống, khi ở trong trạng thái ấy bạn không tích luỹ những nghiệp mới. Quan trọng hơn nữa, bất cứ khi nào, nhờ vận dụng xả, tâm bạn không tạo ra các phản ứng mới, thì những áp lực, căng thẳng, mặc cảm vv... (đó là những quả nghiệp) đã tích luỹ từ những thời vô thỉ bắt đầu ngoi lên từ những mức tiềm thức hay vô thức của tâm trí và hiện hành thành ý thức. Ở đó chúng được nhận thức, không nhất thiết trong những hình thức nguyên thuỷ của nó, như những trạng thái tâm hay những nội dung tâm trí, mà rất thường, qua các cảm thọ của thân có tương quan. Điều này có nghĩa là, xin đưa ra đây một minh hoạ đã được đơn giản hoá, chẳng hạn một tổn thương tâm trí cũ có thể bỗng nhiên biểu lộ ra như một cơn đau buốt trong một phần nào đó của thân hay một cảm giác nghẹn thở, hoặc nhịp tim đập nhanh hơn vv... mà không có một cái nhớ ý thức nào về sự kiện khởi thuỷ đã gây ra tổn thương ấy.

Những điều kiện tâm lý ấy có những tương quan trên phương diện vật lý (có thể) khá rõ ràng với mọi người trong một vài trường hợp hiển nhiên (thí dụ tác động của sân hận trên huyết áp hoặc của sợ hãi trên nhịp tim). Mọi người cũng biết rằng những mặc cảm có gốc rễ sâu xa có thể gây ra những ảnh hưởng về vật lý rất mạnh, chẳng hạn như chứng tê liệt loạn tâm thần - hysterical paralysis và bẩm tính tâm thần thân thể - psychosomatic nature của nhiều chứng bệnh đã và đang được thế giới công nhận. Những gì cần phải hiểu trong ngữ cảnh này là mọi trạng thái tâm lý và những tiến trình tâm có vẻ như có những tương quan vật lý của chúng, đôi khi rất mong manh, và rằng những tương quan này có thể được nhận thức dưới dạng các cảm thọ của thân au năng lực của sự quan sát có niệm và định đã được phát triển một cách đầy đủ. Sự nhận thức có ý thức về các sự kiện vật lý (với điều kiện luôn kèm với xả, không phản ứng) sẽ giải tán được năng lực của điều kiện có gốc ở tâm lý và như vậy đã "tháo ngòi nổ" của nó, có thể nói là thế.

Có một sự trùng hợp hiển nhiên ở đây với các kỹ thuật tâm lý liệu pháp hiện đại, trong đó các rối loạn tâm lý và thần kinh được điều trị bằng cách khiến cho những nội dung tâm trí vô thức trở thành ý thức. Tuy nhiên có một điểm khác biệt quan trọng là trong thiền Minh sát, người ta không cần biết nội dung tâm trí đặc biệt nào (đối tượng của ý thức hay pháp trần) đang được làm cho thanh khiết, cũng như không cần biết đến tính đặc thù của những tương quan vật lý; một sự tích luỹ năng lực tâm trí (mà nếu không sẽ vẫn cứ hoạt động như một nguồn cung cấp các điều kiện tâm lý hoặc tâm thần thân thể trong tương lai) chỉ được giải tán hoàn toàn khi nó trở thành ý thức dưới dạng cảm thọ và không phản ứng với nó.

Như vậy, nói thẳng ra, sự gợi ý cho rằng những căng thẳng của tâm trí được phóng thích qua những cảm thọ của thân tương quan có vẻ như hơi quá đơn giản, nhưng dĩ nhiên đây chỉ là một nét đại cương của cơ chế mà thôi. Trong tâm lý học Phật giáo truyền thống có những giải thích khá chi tiết và rất mực tinh vi về tiến trình này dưới hình thức những cơ chế và mức độ của tâm trí con người, điều mà tâm lý học phương Tây chỉ vừa mới bắt đầu nghiên cứu và nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này. Điều quan trọng đối với chúng ta là, duy trì việc thực hành và kỹ thuật sẽ chứng tỏ sự kiến hiệu của nó. Nhưng bây giờ, chúng ta hãy trở lại với khoá thiền mười ngày đã.

Ngày thứ chín

Tới điểm này, và cũng kể như tột điểm của toàn bộ tiến trình, thiền sinh được giới thiệu một cách thực hành thiền tâm từ (mettã). Tâm từ đã được thanh khiết và an tịnh nhờ những bài tập Vipassanã (Minh sát) giờ đây được hướng về tất cả các chúng sinh khác trong tinh thần từ ái. Sau khi thực hành thiền Minh sát mà giờ đây đã quen thuộc, thiền sinh được khuyên hãy chia sẻ với mọi chúng sinh khác sự an tịnh và quân bình mà mình đã thành tựu qua bài tập chánh niệm và xả:

Tựa như cục than hồng cháy đỏ toả ra sức nóng, hãy để cho cảm giác bình an và thiện chí từ nơi thân bạn toả ra khắp mười phương. Hãy nghĩ đến mọi chúng sinh - những chúng sinh gần gũi và thân ái với bạn, những chúng sinh không thân không thù, và những chúng sinh có thể là kẻ thù; những chúng sinh bạn biết và những chúng sinh bạn không biết; gần hay xa, là người hay phi nhân, lớn hay nhỏ - không có sự phân biệt. Cảm giác thân thiện của bạn, lòng từ ái của bạn đến với tất cả mọi người.

Cần lưu ý rằng đây là một bài tập thường xuyên để mở rộng lòng từ (xem chi tiết trong "Biết và Thấy", và từ bây giờ trở đi, thiền sinh nên có thói quen thực hiện năm hoặc mười phút thiền tâm từ ở cuối mỗi thời toạ thiền (Minh sát).

Ngày thứ mười

Đây là một ngày dành cho việc tóm tắt những gì đã học và để chuẩn bị hành trang cho việc chuyển lại đời sống hàng ngày. Lời nguyện giữ yên lặng được xả bỏ, và những lời hướng dẫn cũng như khuyên nhủ cuối cùng được nhắn gởi đến các thiền sinh. Lời khuyên quan trọng nhất là hãy kiên trì trong việc thực hành thiền Minh sát một mình mỗi ngày, để duy trì và phát triển sự thành thạo đã có được trong khoá thiền (tốt nhất là hành hai giờ mỗi ngày, sáng một giờ và chiều hay tối một giờ) và cũng nên tập trung với nhau trong các buổi thiền cùng các hành giả đồng tu khác bất cứ khi nào có thể (nếu có điều kiện, mỗi tuần một lần).



1Quy thuận, ở đây tạm dịch thoát của chữ “surrenderr” vốn có nghĩa là đầu hàng hay giao nộp. Cũng có thể hiểu quy thuận theo nghĩa: phó thác sinh mạng mình cho ai đó. - ND

1Experiential wisdom – bhãvanã – mayãpannã: là loại trí có thể thanh tịnh tâm một cách toàn triệt; được trau dồi bằng việc hành Vipassanã (tu tiến Minh sát).

----o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com