Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03 Đạo Quả Phật

21/11/201017:53(Xem: 7195)
03 Đạo Quả Phật



ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP
Đại Đức Narada Maha Thera, 1980 - Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998
Nguyên tác: "The Buddha and His Teachings"
Buddhist Publication Society, Sri Lanka

CHƯƠNG 03

Đạo Quả Phật

"Các Đấng Như Lai chỉ là những vị thầy"-- Kinh Pháp Cú

Đặc Điểm Của Đức Phật

Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm đăng đẳng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực siêu phàm nào, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi nỗ lực của chính mình, Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm), lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, đã trở thành một vị Phật (Buddha), Đấng Chánh Biến Tri, bậc Toàn Giác. Kể từ ngày ấy, Ngài là Đức Phật Cồ Đàm (Buddha Gotama) [1], một trong chuỗi dài những vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ và sẽ xuất hiện trong tương lai.

Không phải khi sanh ra Ngài đã là Phật, mà Ngài trở thành Phật do sự nỗ lực của mình.

Phạn ngữ Buddha (Phật) xuất nguyên từ căn "Budh", là hiểu biết hay thức tỉnh. Gọi là Buddha (Phật) vì Ngài hiểu biết đầy đủ Bốn Chân Lý Thâm Diệu Cao Quý (Tứ Diệu Đế), và từ giấc mơ vô minh Ngài đã thức tỉnh. Chẳng những hoàn toàn thấu triệt, mà Ngài còn có đủ khả năng truyền bá giáo lý nên cũng gọi là Samma Sambuddha (Chánh Biến Tri, âm là Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề) để phân biệt với chư Phật Pacceka (Độc Giác, cá nhân, đơn độc) chỉ thấu triệt giáo lý mà không thể rọi sáng cho kẻ khác, tự giác nhưng không thể giác tha.

Trước khi thành đạt Đạo Quả Phật, Ngài được gọi là Bồ Tát (Bodhisatta) [2], có nghĩa là người có nguyện vọng trở thành Phật.

Người muốn đắc Quả Phật phải trải qua thời kỳ Bồ Tát, một thời kỳ tích cực trau giồi và phát triển những phẩm hạnh: bố thí, trì giới, từ khước (xuất gia), trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ và tâm xả.

Trong một thời kỳ chỉ có một đấng Chánh Biến Tri. Cũng như có những loại cây, trọn đời chỉ trổ ra một bông, một hệ thống thế gian (lokadhatu) chỉ có một đấng Chánh Biến Tri.

Đức Phật là chúng sanh duy nhất, là nhân vật hy hữu, chỉ thật lâu mới có thể xuất hiện trên thế gian, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại. Tôn vinh Ngài là "Acchariya manussa" vì Ngài là một con người kỳ diệu lạ thường. Tôn vinh Ngài là "Amatassa data" vì Ngài đã ban bố tình trạng Bất Diệt. Tôn vinh Ngài là "Varado" vì Ngài là người đã ban bố tình thương tinh khiết nhất, trí tuệ thâm sâu nhất và chân lý cao siêu nhất. Cũng tôn vinh Ngài là "Dhammassami" vì Ngài là Pháp Vương, Chúa của Giáo Pháp (Dhamma).

Như Đức Phật dạy, Ngài là:

"Đấng Như Lai (Tathagata), bậc Ứng Cúng (Araham), đấng Chánh Biến Tri (Samma Sambuddha), người đã sanh ra con đường vô sanh, đã sáng tạo con đường chưa được sáng tạo, đã công bố con đường chưa được công bố, người đã hiểu biết con đường, người đã mục kích con đường, người đã nhận thức con đường" [3].

Không có vị thầy nào dạy Đức Phật phương pháp tu học để chứng Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác, "Na me acariyo atthi" [4], "một đạo sư, ta không có", là chính lời của Đức Phật. Ngài có học với những vị thầy để hiểu biết thế gian pháp [5] nhưng để đến tầng siêu thế thì không. Chính Ngài tự lực thành đạt trí tuệ trực giác.

Nếu Đức Phật đã nhờ một vị thầy hay một hệ thống tín ngưỡng nào như Ấn Độ Giáo chẳng hạn -- tôn giáo mà Ngài đã trưởng thành trong ấy -- để phát triển trí tuệ siêu phàm, thì ắt Ngài không thể tự gọi là "đạo sư vô song" (aham sattha anuttaro) [6]. Trong bài Pháp đầu tiên, Ngài tuyên bố rằng ánh sáng đã rọi rõ cho Ngài trong những việc chưa từng được nghe.

Trong những ngày đầu tiên sau khi xuất gia tầm đạo, Ngài cố tìm đến sự hướng dẫn của những vị thầy lỗi lạc nhất thời bấy giờ, nhưng trong giáo huấn của các vị thầy này không tìm thấy được điều mong mỏi. Tình thế bắt buộc Ngài phải tự mình suy niệm và quay trở vào bên trong để tìm Chân Lý. Và Ngài đã tìm ra Chân Lý bên trong Ngài. Ngài theo dõi đến tận mức thâm sâu nhất của dòng tư tưởng, và chứng ngộ Chân Lý cùng tột, chưa bao giờ từng được nghe và chưa từng được biết. Tuệ giác phát sanh từ bên trong và rọi sáng những sự vật mà trước kia Ngài chưa từng nghe thấy.

Vì Ngài đã thấu triệt tất cả những gì cần được biết và đã nắm được cái chìa khóa mở cửa vào mọi kiến thức, nên tôn Ngài là Sabbannu, bậc Toàn Giác. Đó là trí tuệ siêu phàm mà Ngài đã dày công trau giồi, trải qua vô lượng tiền kiếp.

Phật Là Ai?

Ngày nọ có người theo đạo Bà La Môn tên Dona, nhân khi thấy dấu chân của Đức Phật in dưới cát có những đặc điểm lạ thường, đến gần Ngài và hỏi:

- Phải chăng Ngài là một vị Trời (Deva)?

- Không, quả thật tôi không phải là một vị Trời.

- Vậy phải chăng Ngài là một nhạc công trong cảnh Trời (Gandhabba)?

- Không, tôi không phải là một nhạc công trong cảnh Trời.

- Vậy Ngài là quỷ Yakka chăng?

- Không, quả thật tôi cũng không phải là quỷ Yakka.

- Như thế chắc Ngài là người?

- Không, quả thật tôi cũng không phải là người.

- Vậy, xin cho biết Ngài là ai?

Đức Phật trả lời rằng Ngài đã tận diệt những pháp trầm luân (hoặc lậu), vốn tạo điều kiện để tái sanh vào những cảnh Trời, Gandhabba, Yakka hay cảnh người, và thêm:

"Như hoa sen, đẹp đẽ và dễ mến,
Không ô nhiễm bùn dơ nước đục,
Giữa đám bụi trần, ta không vướng chút bợn nhơ.
Như vậy, Ta là Phật." [7]

Đức Phật không hề tự xưng là hiện thân (avatara) của thần Vishnu, một Thần Linh Ấn Độ Giáo mà kinh Bhagavadgita đã ca ngợi một cách huyền diệu, sanh ra để bảo vệ sự chân chánh, tiêu diệt tội lỗi và để thiết lập và củng cố đạo lý (Dharma).

Theo lời dạy của Đức Phật thì có hằng hà sa số chư Thiên (Deva, cũng gọi là những vị Trời) -- cũng là hạng chúng sanh, còn phải chịu sanh tử luân hồi -- nhưng không có một Thần Linh Tối Thượng, với quyền lực siêu thế, kiểm soát vận mạng con người, xuất hiện trên thế gian từng lúc, dùng hình thức người làm phương tiện. [8]

Đức Phật cũng không bao giờ tự gọi là "Đấng Cứu Thế" có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình. Ngài thiết tha kêu gọi những ai hoan hỷ bước theo dấu chân Ngài không nên ỷ lại nơi người khác mà phải tự mình giải thoát lấy mình, bởi vì cả hai trong sạch và bợn nhơ, cũng đều tùy thuộc nơi chính mình. Ta không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm. [9]

Để minh định rõ ràng mối tương quan của Ngài đối với hàng môn đệ và để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì, Đức Phật minh bạch dạy rằng:

"Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư." [10]

Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng sanh tử và thành tựu mục tiêu cứu cánh. Đi trên con đường và theo đúng phương pháp cùng không, là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những bất hạnh của đời sống.

"Ỷ lại nơi kẻ khác để giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật là tích cực."

Tùy thuộc nơi người khác là đem tất cả cố gắng của chúng ta ra quy hàng.

"Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác!" [11]

Các lời lẽ có rất nhiều ý nghĩa kia mà Đức Phật đã dạy trong những ngày sau cùng của Ngài quả thật mạnh mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng tỏ rằng cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần để thành tựu mục tiêu. Tìm sự cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng cứu thế và khát khao ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái nguyện cầu vô hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là thiển bạc và vô ích.

Đức Phật là một người như chúng ta. Ngài sanh ra là một người, sống như một người, và từ giã cõi đời như một người. Mặc dầu là người, Ngài trở thành một người phi thường, một bậc siêu nhân, do những cá tính đặc biệt duy nhất của Ngài. Đức Phật đã ân cần nhắc nhở nhiều lần như vậy và không có điểm nào trong đời sống hoặc trong lời dạy của Ngài để chúng ta lầm hiểu rằng Ngài là một nhân vật vô sanh bất diệt. Có lời phê bình rằng lịch sử nhân loại, không hề có vị giáo chủ nào "phi thần linh hơn Đức Phật, tuy nhiên, cũng không có vị nào có đặc tánh thần linh hơn Đức Phật" [12]

Trong thời Ngài còn tại thế, Đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ hết lòng tôn kính, nhưng không bao giờ Ngài tự xưng là Thần Linh.

Tánh Cách Vĩ Đại Của Đức Phật

Sanh ra là một người, sống như một người, Đức Phật thành đạt trạng thái tối thượng của sự toàn thiện, Đạo Quả Phật, do sức kiên trì nỗ lực cá nhân. Nhưng Ngài không dành giữ sự liễu ngộ siêu phàm cho riêng mình mà công bố trước thế gian rằng tâm có khả năng và oai lực bất khuất. Không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất đắc Quả Phật, vì Đạo Quả Phật không phải là ân huệ đặc biệt dành riêng cho một cá nhân tốt phước nào đã được chọn trước.

Thay vì đặt trên con người một thần linh vạn năng vô hình và cho con người một địa vị khép nép rụt rè, Đức Phật chứng minh rằng con người có thể thành đạt trí tuệ cao siêu và Đạo Quả tối thượng do sự cố gắng của chính mình. Và như vậy, Đức Phật nâng cao phẩm giá con người. Ngài dạy rằng muốn thoát ra khỏi vòng trầm luân phiền não, chính ta phải tự mình gia công cố gắng chớ không phải phục tùng, tùy thuộc nơi một thần linh, hay một nhân vật nào làm trung gian giữa ta và vị thần linh ấy.

Trong thế gian ngã chấp, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ và chạy theo quyền thế, Đức Phật dạy chúng ta lý tưởng cao quý của sự phục vụ bất cầu lợi. Ngài chống đối tệ đoan phân chia giai cấp trong xã hội -- chỉ làm trở ngại mức độ tiến hoá của loài người -- và luôn luôn bênh vực công lý, khuyên dạy bình đẳng giữa người và người. Ngài tuyên bố rằng cánh cửa đưa vào sự thành công và thạnh vượng phải rộng mở cho tất cả mọi người, ai cũng như ai, dầu cao thấp, sang hèn, đạo đức hay tội lỗi, nếu người ấy cố công cải thiện nếp sống, hướng về con đường trong sạch. Ngài nâng đỡ hoàn cảnh của người phụ nữ, lúc bấy giờ bị xã hội khinh thường, không những bằng cách nâng phẩm giá của người đàn bà lên đúng tầm quan trọng, mà còn sáng lập giáo hội đầu tiên trong lịch sử cho hàng phụ nữ. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Ngài đứng lên cố gắng đánh đổ chế độ mua bán người làm nô lệ. Ngài bãi bỏ phong tục đem những con vật xấu số ra giết để cúng tế thần linh và nới rộng tâm Từ, bao trùm luôn cả loài thú.

Không bao giờ Đức Phật cưỡng bách tín đồ phải làm nô lệ cho giáo lý của mình hay cho chính mình. Những ai bước theo dấu chân Ngài đều được tự do tư tưởng. Ngài khuyên dạy hàng môn đệ không nên nhắm mắt chấp nhận những lời của Ngài chỉ vì kính nể, tôn trọng, nhưng phải xem xét, nghiên cứu, suy niệm cẩn thận cũng như người trí tuệ muốn thử vàng, phải "đốt, cắt và chà vào đá".

Đức Phật nâng đỡ những bà mẹ bạc phước như Patacara và Kisagotami bằng những lời khuyên lơn an ủi. Ngài tự tay chăm sóc những người bệnh hoạn cô đơn như Putigatta Tissa Thera. Ngài giúp đỡ người nghèo đói và bị bỏ rơi, không noi nương tựa như Rajjumala và Sopaka và giải cứu những vị này khỏi phải chết oan thê thảm. Đức Phật nâng cao đời sống đạo đức của hạng người tội lỗi sát nhân như Angulimala và hạng gái giang hồ hư hỏng như Ambapali. Ngài khuyến khích kẻ yếu, đoàn kết người chia rẽ, đem ánh sáng đến cho người vô minh tăm tối, dắt dẫn kẻ mê muội lầm đường, nâng đỡ người thấp kém và tăng cao phẩm giá người cao quý. Người nghèo, người giàu, người lương thiện và người tội lỗi, tất cả đều quý mến Ngài như nhau. Những bậc vua chúa tàn bạo độc tài và những vì minh quân chánh trực, những hoàng tử vinh quang hiển hách và những người sống cuộc đời tối tăm, không ai biết đến, những nhà triệu phú giàu lòng quảng đại, những vị keo kiết bỏn xẻn, những học giả khiêm tốn và những người kiêu căng tự đắc, hạng gái giang hồ, hạng người làm nghề bẩn thỉu, hạng sát nhân, hạng người thường bị khinh bỉ, tất cả đều có hưởng những lời khuyên dạy đầy trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Gương lành cao quý của Ngài là nguồn gợi cảm, là niềm khích lệ cho tất cả. Ngài là vị đạo sư giàu lòng bi mẩn và rộng lượng khoan hồng hơn tất cả.

Ý chí sắt đá, trí tuệ cao siêu, lòng bi mẫn vô biên, đức vị tha phục vụ, sự thoát ly chưa từng có, đời sống gương mẫu, những phương pháp toàn thiện mà Ngài đã áp dụng để truyền bá giáo lý, và sự thành công tối hậu của Ngài -- tất cả những yếu tố ấy đã khiến một phần năm nhân loại tôn thờ Ngài là vị giáo chủ siêu việt nhất tự cổ chí kim.

Để tỏ lòng kính thâm sâu của mình đối với Đức Phật, Sri Radhakrishnan viết:

"Nơi Đức Phật Gotama (Cồ Đàm) ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của người phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu, cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính, tôn Ngài là người đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng cao thâm huyền diệu. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí bởi vì, đứng về phương diện trí thức, chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử". [13]

Trong quyển "Three Greatest Men in History", nhà học giả H. G. Wells ghi nhận như sau:

"Nơi Đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị có tâm đạo nhiệt thành, một mình tự lực phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống, một con người như mọi người chớ không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyền thuyết hoang đường. Ngài cũng ban bố cho nhân loại lời kêu gọi có tính cách phổ thông. Bao nhiêu quan niệm của thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy. Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao sầu khổ và bất hạnh trong đời đều do lòng ích kỷ sanh ra. Trước khi có thể trở nên vắng lặng, con người cần phải ngừng sống cho giác quan mình. Rồi từ đó, vượt lên trên tất cả mọi người, Ngài sống cuộc đời siêu nhiên. Năm trăm năm trước Chúa Christ (Ki Tô), xuyên qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, Phật Giáo đã kêu gọi con người nên tự quên mình. Đứng về một vài phương diện, giữa ta (là người Âu) và những nhu cầu của chúng ta và Phật Giáo, có nhiều quan điểm gần nhau. Đối với tầm quan trọng của con người trong sự phục vụ, Ngài tỏ ra sáng suốt hơn, và đối với vấn đề trường tồn bất hoại của kiếp nhân sinh, Ngài ít lúng túng trong biện thuyết mập mờ hơn Chúa Ki Tô."

Thi sĩ Tagore tôn Ngài là bậc Vĩ Nhân Cao Quý nhất trên thế gian.

Một triết gia người Đan Mạch, ông Fausboll, tán dương Đức Phật với những lời lẽ như sau:

"Càng hiểu biết Ngài, tôi càng quý mến Ngài".

Một tín đồ từ tốn của Đức Phật sẽ nói:

"Càng hiểu biết Ngài, tôi càng quý mến Ngài. Càng quý mến Ngài, tôi càng hiểu biết Ngài".

Chú thích:

[1] Hàng tín đồ gọi Ngài là Đức Phật (Buddha), Đức Thế Tôn (Bhagava), Đức Thiện Thệ (Sugata) v.v... Những người ở đạo khác gọi Ngài là Tôn Giả Cồ Đàm (Bho Gotama), Sa Môn Cồ Đàm (Samana Gotama) v.v... Khi đề cập đến mình, Đức Phật dùng danh từ "Như Lai" (Tathagata) có nghĩa là "người đã đến như vậy", "người đã ra đi như vậy".

[2] Sanskrit: Bodhisatva. Xem Chương 40 và 41.

[3] Samyutta Nikaya, Tạp A-Hàm phần 3, trang 66; Kindred Sayings, phần 3, tr.58

[4] Majjhima Nikaya, Trung A-Hàm, Ariyapariyesana Sutta, số 26

[5] Như Kondanna, Alara Kalama, Uddaka Ramaputta v.v...

[6] Majjhima Nikaya, Trung A-Hàm, Kinh Ariyapariyesana Sutta, số 26

[7] Gradual Sayings, phần 2, tr. 44-45. Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A-Hàm, phần 2, tr. 37.

[8] Tuy nhiên, có những vị đạo sư Ấn Độ Giáo, để khuyến dụ người Phật tử theo tôn giáo mình, đã sai lầm gọi Đức Phật là hiện thân của một Thần Linh Ấn Độ Giáo, điều mà Đức Phật đã bác bỏ từ lúc còn tại tiền.

[9] Pháp Cú, 165: Trong sạch hay ô nhiễm đều tùy nơi ta. Khong ai làm cho người khác trong sạch được.

[10] Pháp Cú, 276

[11] Digha Nikaya - Trường A-Hàm, Mahaparinibbana Sutta - Kinh Đại Bát Niết Bàn.

[12] Dwight Goddard - Buddhist Bible, trang 20.

[13] Gautama The Buddha, trang 1.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/12/2021(Xem: 6162)
Chấp hai tay cúi đầu miệng niệm Phật A Di Đà chào chúc thật cao sâu Khỏe sáng suốt cùng chân lý nhiệm mầu Được trường thọ thăng hoa trong cuộc sống… Sống trong một thế giới vô thường biến đỗi, với đầy sự nhiễu nhương, tang thương, chết chóc, do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, xảy ra trước mắt hằng ngày, gây lắm khổ đau, điển hình như Covid-19 (với đầy ác khí) như hiện nay, cũng khiến cho nhiều người lo sợ, khủng hoảng và thức tĩnh. Thấy rõ được rằng, mọi cơ sở vật chất, với nhiều năm đầu tư xây dựng, chỉ một cơn động đất, sóng thần hay bão lửa, lũ lụt nổi lên, sẽ tan tành theo mây khói. Một đời người với biết bao nhiêu lo toan, tính toán, hy vọng, ước mơ, một cơn đại dịch xảy ra, đành âm thầm ra đi trong tức tưởi, không một người thân đưa tiễn, tất cả tài sản bao năm gầy dựng, phải bỏ lại, không mang theo được gì!
30/11/2021(Xem: 5083)
Người Phật tử chân chánh hiểu rằng Chân Lý Tuyệt Đối là không thể nghĩ bàn. Tất cả các pháp môn đều chỉ là phương tiện giúp ta đạt tới cái không nghĩ bàn đó. Trong khi tu hành, ta có thể chọn vào cửa Hữu (Tịnh độ) hay vào cửa Không (Thiền), tùy căn cơ và sở thích. Nếu ai cố chấp pháp mình là đúng, chê bai người khác sai – là chứng tỏ mình chưa hiểu chân lý là thứ gì. Vả lại, thuốc không có quí tiện: thuốc trị được bịnh là thuốc hay. Đại khái, Thiền là pháp môn cao thượng và thẳng tắt dành cho bậc Thượng căn, trong khi Tịnh độ dễ hiểu dễ hành và dễ chứng, cho nên cả Ba căn đều có thể tu được. Đức Bổn Sư Thích-Ca giảng pháp nầy chủ ý nhằm cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp. Như trong kinh Đại Tập, Ngài nói: “Thời Mạt pháp, ức ức người tu hành ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nhờ pháp môn Tịnh độ mà thoát khỏi luân hồì.” Cho nên thời nầy người tu Tịnh độ thành công được vãng sanh vô số (có thoại chứng rành rành), trong khi Thiền sư đắc đạo (như khi xưa) có thể nói rất hiếm, đếm
05/11/2021(Xem: 16995)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác. Nếu biết ý này thì chẳng phải chỉ có những giáo lý rất sâu do chư Phật, chư Tổ đã nói mới là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh, mà hết thảy Ấm, Nhập, Xứ, Giới, Đại v.v... trong khắp thế gian cũng đều là pháp để quy chân đạt bổn, minh tâm kiến tánh! Mỗi một pháp cũng chính là chân, là bổn, là tâm, là tánh!”. Tập Lời Vàng (Gia Ngôn Lục) dù là toát yếu nhưng với một kẻ hậu học như tôi thì lại tự thấy mỗi mỗi câu nói của Đại Sư Ấn Quang đều bao hàm ý pháp, chỗ nào cũng cần phải học, chẳng thể đọc lướt qua nên phải dịch thuật đến ngàn ngàn câu kệ, hầu mong chuyển đạt lời lời ân cần tha thiết của Đại sư; chỉ để lại phần nói về các chính biến tại Trung Hoa, và những câu nói lập lại từ các bài giảng của Đại sư q
20/10/2021(Xem: 6293)
Kính số 52 Bát Thành có đoạn viết về sơ thiền một cách ngắn gọn như sau: “Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ” (Trung Bộ Kinh, 52 Kinh Bát Thành). Kinh văn quá súc tích về sơ thiền như vậy khó có thể thấm thấu được thâm ý của Thế Tôn, tạo ra nhiều kiến giải của các bút giả, hành giả, học giả vv, khiến quý Phật tử hoang mang. Sau đây là một trong những kiến giải của một hành giả được một đạo hữu chuyển cho Tâm Tịnh về sơ thiền: Hai bài kinh: Kinh Sa Môn Quả và Tiểu Kinh Dụ Lõi Cây, Phật dạy: “Tỳ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh vời tầm với tứ (có giác có quán). Muốn đạt được cảnh giới này vị này phải ly dục nơi các căn, tức là thanh lọc nhiễm ô nơi các căn. Để ly dục, vị này học hạnh viễn ly, hạnh Tỷ kheo (hạnh xuất gia) theo lời dạy trong kinh: “Ở đây có người vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình
03/09/2021(Xem: 39845)
(Thắp đèn đốt hương trầm xong, đứng ngay ngắn chắp tay để ngang ngực mật niệm) 1. TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN: Án, lam xóa ha. (3 lần) 2. TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN: Tu rị, Tu rị, Ma ha tu rị, Tu tu rị, Ta bà ha. (3 lần) 3. TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN Án, Ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ, đạt ma ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 4. PHỔ CÚNG DƯỜNG CHƠN NGÔN: Án, Nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (3 lần) 5. AN THỔ ĐỊA CHƠN NGÔN: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, Án, độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha (3 lần) Hộ pháp, Vĩ Đà thị chứng minh Thân trụ Phật tiền Tâm Tư nguyện Tưởng bằng bí chú đắc oan linh Hà chơn bất thức trì niệm Luật Thiên kinh vạn quyển vô nhất tự Nẳng mô tô tất đế, đa rị, đa rị, mạn đà, mạn đà, ta bà ha (3 lần)
03/09/2021(Xem: 11277)
Pháp hành Trì để vượt thoát Đại Nạn Covid-19
03/09/2021(Xem: 10333)
5.1). Đệ tử tên là: Một lòng quy kính Đức Phật A Di Đà, Thế giới Cực Lạc, Nguyện lấy hào quang, Trong sạch soi cho, Lấy thệ từ bi, Mà nhiếp thọ cho, Con nay chánh niệm, Niệm hiệu Như Lai, Vì đạo Bồ Đề, Cầu sanh Tịnh Độ. Phật xưa có thệ: “Nếu có chúng sinh, Muốn sinh về nước ta, Hết lòng tín nguyện, Cho đến mười niệm, Nếu chẳng đặng sinh, Chẳng thành Chánh Giác”. Do vì nhân duyên, Niệm hiệu Phật nầy, Được vào trong bể, Đại thệ Như Lai, Nhờ sức Từ Bi, Các tội tiêu diệt, Căn lành tăng trưởng, Khi mạng gần chung, Biết trước giờ chết, Thân không bệnh khổ, Tâm không tham luyến, Ý không điên đảo, Như vào Thiền định. Phật và Thánh Chúng, Tay nâng kim đài, Cùng đến tiếp dẫn, Trong khoảng một niệm, Sinh về Cực Lạc, Sen nở thấy Phật, Liền nghe Phật thừa, Chóng mở Phật tuệ, Khắp độ chúng sanh, Trọn Bồ Đề nguyện.
01/08/2021(Xem: 12755)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
30/08/2020(Xem: 7581)
Ngày xưa, sau khi Đức Phật chứng Đạo, tại sao Ngài không mở trường Thiền để có thể dạy hàng ngàn, hàng vạn người cùng một lúc? Ngược lại, Ngài chỉ vân du từ nơi này sang nơi khác, tùy căn cơ khai thị cho những người hữu duyên Ngài gặp trên đường? Đơn giản vì trình độ, hoàn cảnh và cơ địa mỗi người một khác, nên đức Phật ngay nơi mỗi người khai thị pháp mà người đó đang trải nghiệm, và vì vậy chỉ người đó mới thật sự biết đức Phật đang chỉ dạy điều gì, người khác có nghe hay đọc lại kinh điển tường thuật thì cũng chỉ để tham khảo hay suy luận mà thôi.
17/07/2020(Xem: 7093)
Trong kinh có ghi lại lời cảnh giác của Đức Phật, Ngài đã từngnói rằng: “Phàm tất cả chúng sinh còn lên xuống trong ba cõi, lăn lộn trong sáu đường thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi sai lầm”.Lời nói của bậc toàn giác thật chính xác. Chúng sinh còn trầm luân trong ba cõi, sáu đường, là còn gây nhiều nghiệp xấu. Cho nên, dù chúng ta là ai của những đời trước, kiếp trước? Kiếp này, tuy chung sống ở cõi Ta-Bà nhưng mỗi người ôm vào đời một biệt nghiệp riêng, do tội lỗi hay phước báo đã gây ra trong đời trước. Nhưng nói chung,dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thì con người cũng đã từngbị vô minh che mờ lý trí xúi quẩy tạo ra muôn ngàn tội lỗi, và tội lỗi đó cứ chồng chất mãi theo thời gian.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]